Người đua diều là tác phẩm do nhà văn Khaled Hosseini chắp bút vào năm 2007. Đây là cuốn tiểu thuyết xuất sắc với góc nhìn đa chiều về Afghanistan, vẽ nên một câu chuyện đẹp về tình bạn, tình anh em phá vỡ ranh giới của định kiến và phân biệt đối xử, từ đó truyền tải đến bạn đọc những giá trị nhân văn sâu sắc.
Khaled Hosseini và tiểu thuyết Người đua diều
Khaled Hosseini sinh năm 1965, là một tiểu thuyết gia, dược sĩ gia người Mỹ đồng thời là tác giả của hai cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới là Người đua diều và Những mặt trời rực rỡ.
Hiện tại nhà văn đang định cư lâu dài ở California, Mỹ nhưng Khaled Hosseini vẫn là người con của đất Kabul, Afghanistan. Gia đình ông đều xuất thân từ Herat, cha là nhà ngoại giao ở bộ ngoại vụ Afghanistan, còn mẹ là giáo viên dạy tiếng Ba Tư cho một trường cấp ba nữ giới.
Lên năm tuổi, cha Khaled Hosseini nhận việc tại đại sứ quán Afghanistan thuộc Tehran nên cả gia đình đã chuyển đến Iran. Ba năm tiếp theo, mẹ ông hạ sinh người con trai thứ hai sau khi trở về Kabul.
Khoảng thời gian sau đó, cha ông tìm được một công việc ổn định khác ở Paris nên cả gia đình nhà văn đã chuyển đến Pháp sinh sống. Năm 1980 chiến tranh Xô Viết tại Afghanistan đã khiến gia đình Khaled Hosseini phải tìm đến sự bảo hộ của chính phủ Mỹ rồi định cư tại San Jose, California.
Năm ấy Khaled Hosseini chỉ mới mười lăm tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ và không hề biết tiếng Anh nhưng sau đó ông đã nhanh chóng tốt nghiệp Trung học, nhận bằng Cử nhân Sinh học tại Đại học Santa Clara, Tiến sĩ khoa Dược thuộc Đại học California.
Năm 2003, Khaled Hosseini cho ra mắt quyển sách đầu tay Người đua diều khi bản thân đang là một dược sĩ. Tác phẩm được lấy bối cảnh ở Afghanistan từ lúc chính quyền Taliban rệu rã đến khi sụp đổ hoàn toàn và khu vực vịnh San Francisco, cụ thể là Fremont, California.
Người đua diều đã nhanh chóng thu hút được đông đảo độc giả trong và ngoài nước, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới theo đánh giá của tờ The New York Times.
Sau khi ra mắt Người đua diều, Khaled Hosseini đã quyết định gác lại nghề dược đã gắn bó với bản thân trong nhiều năm để tập trung hoàn toàn vào nghiệp viết.
Năm 2007 ông cho xuất bản cuốn sách tiếp theo là Ngàn mặt trời rực rỡ viết về những biến cố đầy bi thương của hai người phụ nữ Afghanistan. Một lần nữa, tác phẩm đã thành công trong việc chinh phục được trái tim của hàng triệu độc giả.
Mỗi tác phẩm mang tên Khaled Hosseini là một bức tranh sống động về Afghanistan và những số phận nghiệt ngã đang không ngừng đấu tranh để thoát khỏi sự áp bức, ràng buộc của cuộc đời.
Đó là những rào cản về định kiến, nạn phân biệt chủng tộc, nền chính trị và luật lệ tôn giáo hà khắc nhưng tận sâu bên trong mỗi kiếp người khốn khổ ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp của tình người, lòng vị tha và sự yêu thương chân thành.
Qua những tác phẩm của nhà văn, người đọc không chỉ biết đến Afghanistan với một phần tư thập kỷ ngập trong khói lửa mà còn hình dung được bức họa về một quốc gia hiền hòa, tươi đẹp với những con người khao khát hòa bình và chán ghét chiến tranh tàn bạo, phi nghĩa.
Khi tác phẩm Người đua diều được xuất bản, nó đã để lại trong lòng độc giả những nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Với sức ảnh hưởng của mình, tác phẩm nhanh chóng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và nhận được rất nhiều lời khen từ người hâm mộ.
“Một tiểu thuyết đẹp đẽ. Nằm trong số những tác phẩm được viết ra tinh tế và khơi gợi nhất cho tới giờ phút này. Một câu chuyện làm cảm động trái tim về một tình bạn khác thường. Đó cũng là một tác phẩm thuyết phục kì lạ, về mối quan hệ mong manh giữa cha và con, giữa con người và thần thánh, giữa cá nhân và đất nước.”
– The Denver post
Người đua diều vẽ nên mảnh đất Kabul xinh đẹp thoáng chốc vì chiến tranh mà trở nên hoang tàn. Thông qua tình cảm gia đình, tác giả đã làm nổi bật lên hành trình chuộc tội vô cùng chân thực và sống động nhằm truyền tải đến độc giả bài học làm người vô cùng khéo léo, sâu sắc.
Câu chuyện về chiếc diều xanh nhuốm màu đỏ của tội lỗi
Mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã đưa người đọc đến với một Kabul, một Afghanistan đầy thơ mộng, bình yên và tự do tự tại.
“Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố…”
– Người đua diều
Nơi đây gắn liền với tuổi thơ Amir, con trai của một người Pashtun giàu có được khắp Kabul kính trọng và ngưỡng mộ. Cậu lớn lên cùng Hassan, cậu bé người Hazara ở với cha là Ali trong túp lều nhỏ ngay tại dinh thự nhà Amir.
Mẹ Amir vừa sinh ra cậu đã qua đời, mẹ Hassan sau khi sinh ra em cũng bỏ đi biền biệt mặc dù chủng tộc người Hazara luôn bị kỳ thị nhưng mối quan hệ giữa hai người cha vẫn luôn thân thiết để rồi, hai đứa trẻ đã cùng nhau lớn lên trên mảnh đất Kabul xinh đẹp.
Có lẽ bởi vậy mà ở Amir và Hassan luôn có một mối liên hệ nào đó rất khó giải thích, một mối liên hệ dây dưa đến mãi sau này.
“Có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ. Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên.
Của tôi là Baba.
Của cậu ấy là Amir. Tên tôi.”
– Người đua diều
Mỗi ngày, Amir và Hassan thường trèo lên cây bạch dương, phơi chân trần, trong túi đầy quả dâu tằm khô và óc chó. Hai đứa trẻ nghịch phá bằng cách thay phiên nhau chiếu gương chọc giận láng giềng. Buổi chiều chúng chạy lên đồi để hái lựu, cậu sẽ ngồi nghe em đọc mỗi câu chuyện thần kỳ viết trong những quyển sách.
Cứ tưởng rằng tình anh em giữa họ sẽ vô cùng đẹp đẽ nhưng bức màn ngăn vô hình của định kiến đã khiến một đứa trẻ như Amir không ngừng phủ nhận Hassan là một người bạn. Cậu cho rằng, em là nô bộc có nghĩa vụ phải phục vụ mình.
Cũng bởi tính cách khác biệt nhau một trời một vực nên Amir luôn cảm thấy ganh tị và trở nên đố kỵ đối với sự yêu thương khi Baba dành cho người con trai đầy tớ.
Năm ấy Kabul như thường lệ lại bắt đầu một cuộc đua diều mới vào mùa đông lạnh giá. Chiếc thắng cuộc thi này là niềm kiêu hãnh của trẻ con trong vùng và Amir cũng không ngoại lệ, cậu xem đó là cơ hội duy nhất mà mình sẽ lấy lại được sự chú ý và tình thương từ cha.
“Ở Afghanistan người ta không gọi là thả diều, mà là đấu diều. Các cuộc đấu diều diễn ra mỗi năm trên đất nước nhỏ bé bị bom đạn chiến tranh bao phủ này. Trên bầu trời hàng trăm chiếc diều, mỗi cánh diều như một người chiến binh chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một kẻ sống sót, kẻ đó là nhà vô địch.”
– Người đua diều
Trận đấu diều truyền thống năm ấy không ngờ lại là mở màn cho tấn bi kịch đầy xót xa. Amir giành lấy chiến thắng, bỏ mặc nỗi đau mà Hassan đã phải đánh đổi để lấy lại con diều từ tay những đứa trẻ xấu. Nhằm che giấu sự hổ thẹn của mình, cậu đã không ngần ngại vu oan, ép buộc em rời khỏi nơi mình sinh sống.
Sau năm 1975, Afghanistan chìm trong chiến tranh và bom đạn, cha con Amir bỏ lại tất cả, họ rời khỏi quê nhà để đến Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới. Hai người trở thành dân tị nạn, nương tựa vào nhau nơi đất khách quê người, nỗi lo trước mắt tưởng chừng bỏ quên được những lỗi lầm trong quá khứ.
Thế nhưng cuối cùng bí mật mà cha Amir cố gắng chôn giấu sau ngần ấy năm cũng được tiết lộ. Những dằn vặt về bóng ma tuổi thơ và hình ảnh cánh diều đeo bám cậu bấy lâu nay vì bí mật này mà khiến cho Amir càng thêm day dứt, trằn trọc và ân hận.
Sau khi cha mất, cậu quyết định gác lại sự nghiệp vừa mới khởi sắc, từ biệt vợ và quay trở lại quê hương Afghanistan để tìm kiếm và cưu mang Sorab, con trai của Hassan nhằm chuộc lại những lỗi lầm cũ.
Người đua diều là nơi gửi gắm những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp
Hiểu được toàn bộ những tổn thương và bất công mà Hassan phải trải qua, Amir quyết định sửa chữa tội lỗi của bản thân nhưng có lẽ để bù đắp cho việc này, cậu đã phải dành cả đời mình để chuộc lại sai lầm.
Xuyên suốt mạch truyện, những câu văn đều được bao trùm bởi sự áy náy, dằn vặt và tổn thương mà Amir đã gây ra cho người bạn tuổi thơ của mình.
Hình ảnh của Hassan luôn ám ảnh trong tâm trí Amir. Đó là một cậu bé đang ngồi trên cành cây cao, nắng lung linh xuyên qua kẽ lá chiếu lên khuôn mặt tròn xoe giống búp bê Tàu được gọt từ gỗ cứng, mũi nở và tẹt, mắt vừa hẹp vừa xếch như lá tre, đôi mắt vì ánh nắng mà lúc vàng, lúc xanh, lúc ánh lên màu ngọc bích.
Đổi nghịch với một Amir ích kỷ, hẹp hòi thì nhân vật Hassan chính là hình tượng tuyệt đẹp biểu trưng cho sự chính trực, lòng ngay thẳng, trung thành, luôn hết lòng vì anh em của mình.
Nếu Amir tôn thờ cha thì Hassan lại tôn thờ Amir, em luôn một lòng ở cạnh bên cậu chủ nhỏ của mình cho dù bất kể điều gì xảy ra hay phải nhẫn nhịn tủi nhục đến cùng.
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi.”
– Người đua diều
Đây có lẽ là câu thoại ám ảnh nhất trong tất cả các chương truyện, nó chứa đựng tình yêu thương, lòng trung thành và sự hy sinh trong sáng nhất. Hình tượng Hassan đại diện cho tình yêu, tình bạn, tình anh em sâu sắc vượt ra khỏi ranh giới của định kiến, phân biệt chủng tộc và cả sự ngăn cách địa vị.
Có lẽ sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến hình ảnh Baba trong thiên truyện. Ông là hiện thân của một người cha vĩ đại được người đời ngưỡng mộ khi vừa tài giỏi, giàu có lại tốt bụng, hào hiệp, không tiếc tiền khi giúp đỡ cho những trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
Thông qua nhân vật Baba, Khaled Hosseini muốn gửi gắm đến độc giả là những triết lý vô cùng sâu sắc đồng thời lên án một số thói hư tật xấu trong cuộc sống bằng lối diễn đạt rất gần gũi thông qua những lời răn dạy của người cha.
Baba luôn dạy cho Amir rằng, con người không được dối trá, bản thân phải luôn tôn trọng sự thật, thà bị đau bởi sự thật còn hơn được vỗ về bằng những lời dối trá và mọi tội lỗi khác đều là biến thái của tội ăn cắp.
“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp được quyền được ngay thẳng. Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ.”
– Người đua diều
Thế nhưng trong mỗi người đều tồn tại một góc khuất, có những lựa chọn đánh đổi khiến ta phải ân hận cả đời. Baba cũng vậy, ông phạm lỗi, cố gắng sửa chữa một cách chắp vá để rồi cuối cùng lại chạy trốn khỏi tội lỗi của mình đến khi nhắm mắt xuôi tay bản thân vẫn không thể nào đền tội.
Thông qua tác phẩm, nhà văn gián tiếp ca ngợi bản chất tốt đẹp của con người nên Baba và Amir luôn sống trong sự dằn vặt, day dứt dù chuyện đã xảy ra nhiều năm nhưng cuối cùng, con người ấy vẫn không ngần ngại đánh đổi tất cả để quay về chuộc lỗi tuy rằng đã muộn màng.
Với lối kể chuyện lôi cuốn, nhẹ nhàng, các tình tiết được thêm thắt hợp lý, câu từ đơn giản nhưng vô cùng cô đọng, súc tích cùng cách miêu tả nội tâm nhân vật điêu luyện, Khaled Hosseini đã để tạo nên một tác phẩm gây ám ảnh, day dứt và đem đến nhiều suy tư cho người đọc.
“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”.
– Người đua diều
Thông qua Người đua diều, nhà văn muốn gửi gắm đến bất cứ ai trên cõi đời này rằng, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì chúng ta cũng đừng quên sẽ luôn có một con đường tốt lành để trở lại, một người để tin tưởng, một nơi để tìm về.
Khả Di
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất