Nguyễn Đình Thi là một trong những nhà văn tài hoa trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã để lại cho đời một kho tàng tác phẩm đồ sộ với đa dạng các thể loại từ thơ ca, văn xuôi đến kịch bản.

Các sáng tác của ông luôn mang đậm dấu ấn cá nhân bởi chiều sâu triết lý đặc trưng, góc nhìn hiện thực mới mẻ, lối gieo vần độc đáo cùng sự kết hợp tinh tế giữa các nền văn hóa đông tây kim cổ.

Những năm tháng cuộc đời của nhà văn Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi sinh ngày hai mươi tháng mười hai năm 1924 tại Luông Phabang, Lào nhưng nguyên quán của nhà văn lại ở Hà Nội. Khi được năm tuổi, ông theo gia đình trở về nước, đi lại học tập giữa thủ đô và Hải Phòng rồi từ đó sống gắn bó với đất Bắc đến tận những giây phút cuối đời.

Từ thuở niên thiếu, Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ sự nhạy cảm với kiến thức cùng trí thông minh ít ai sánh bằng. Ông thông thạo tiếng Pháp và học giỏi đều tất cả các môn, trong đó môn học mà nhà văn say mê nhất chính là triết học.

Ở độ tuổi mười tám, ông đã lần lượt tìm hiểu và viết nhiều đầu sách ấn tượng về các trường phái triết học trên thế giới, từ Triết học nhập môn cho đến những cuốn sách thâu tóm lý luận của nhiều vĩ nhân như Kant, Nietzsche, Einstein hay Descartes.

Niềm say mê triết học từ thuở thiếu thời này đã hun đúc nên chất triết lý thâm sâu không lẫn vào đâu được trên trang thơ của Nguyễn Đình Thi về sau này.

Ảnh minh họa của nhà văn Nguyễn Đình Thi
Chân dung nhà văn Nguyễn Đình Thi

Năm 1942, ông đỗ tú tài và vào học Luật ở Đại học Đông Dương nhưng được ít lâu thì bị đuổi học do tham gia vào phong trào sinh viên bãi khóa chống chế độ thực dân đương thời.

Cũng như bao thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp luôn cống hiến với hai vai trò vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, Nguyễn Đình Thi sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước nhà.

Ông tham gia Tổ văn hóa cứu quốc, lại bí mật cùng bạn bè nghiên cứu chủ nghĩa Marx và sau đó làm đại diện cho Việt Minh. Dù đã nhiều lần bị giới cầm quyền bắt bớ, tra tấn và hành hạ nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Tháng bảy năm 1945, ông được cử đi dự Quốc dân đại hội tại Tân Trào và được bầu làm Đại biểu Quốc Hội khóa một.

Những năm tháng sau đó, nhà văn tiếp tục để lại nhiều cống hiến to lớn cho nước nhà trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và đảm nhiệm hàng loạt các cương vị trọng yếu như Tổng thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc, người đứng đầu Hội Nhà Văn hay Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ của những tìm tòi và đổi mới

Nguyễn Đình Thi thuộc lớp những nghệ sĩ đa tài hiếm gặp trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Từ sáng tác thơ, viết văn xuôi đến soạn kịch và xuất bản tiểu luận văn học, ở lĩnh vực nào ông cũng không ngần ngại thử sức và để lại nhiều dấu ấn đặc sắc.

“Tôi hay lý luận. Cái tìm tòi của tôi cũng hay lý luận. Nhưng nói đến thơ, đó là cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó).”

– Nguyễn Đình Thi

Trong nhiều lĩnh vực mà nhà văn dấn thân, mảng thơ ca là nơi ông thăng hoa tài năng và gặt hái được thành công sâu sắc hơn cả. Nguyễn Đình Thi dồn rất nhiều tâm huyết vào thơ và luôn nỗ lực cách tân diện mạo thơ ca dân tộc, trên cả bình diện nội dung lẫn hình thức.

Đổi mới về mặt nội dung

Khác với các nhà thơ kháng chiến đương thời, Nguyễn Đình Thi không lồng giọng mình vào tiếng nói của quần chúng để phát biểu thay tâm tư của nhân dân. Thơ ông là đời sống kháng chiến được nhìn nhận qua cái tôi trữ tình của chính nhà thơ.

Chủ đề thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Đình Thi bắt nguồn từ cảm hứng vô tận về đất nước và con người thời chiến. Dáng vẻ quê hương được nhìn qua lăng kính của nhà thơ luôn hiện lên với hai mặt đối lập, vất vả đau thương nhưng tươi thắm vô ngần.

Ảnh minh họa cho các sáng tác nổi bật của nhà văn Nguyễn Đình Thi
Các sáng tác nổi bật của nhà văn Nguyễn Đình Thi được sưu tầm và xuất bản

Trong hàng loạt các tác phẩm viết về đất nước của ông, những câu thơ như rung lên bởi mưa bom bão đạn ác liệt của kẻ thù và hình ảnh dân tộc đang oằn mình chống lại chiến tranh đổ nát.

Thế nhưng song song đó bao giờ ta cũng thấy khung cảnh thủ đô thanh bình, Việt Bắc hoang sơ hay vẻ đẹp đất nước trải dài theo cánh cò bay khắp ruộng đồng. Đó là nơi đã nuôi lớn những con người hiền hậu, chan hòa và cũng là điểm tựa để bao thế hệ anh hùng can đảm đứng lên bảo vệ đất mẹ khi tổ quốc lâm nguy.

Cùng với đất nước, ta cũng không thể bỏ qua hình tượng người chiến sĩ trong thơ Nguyễn Đình Thi. Dưới khoảng trời tuổi trẻ rực rỡ nhất của mình, họ đã sống và đã chết, giản dị và bình tâm, không được ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính họ đã làm nên đất nước.

“Mũ sắt mờ trong sương phủ
Anh nằm yên như ngủ say
Máu thấm đầy manh áo cũ
Nửa đường anh ngã xuống đây

Để anh trên sườn núi vắng
Không biết có bao giờ trở lại
Một ngày về tìm anh ở đâu
Giữa rừng nghìn lối cỏ lau

Nắm súng chào anh lần cuối
Chúng tôi lại đi mê mải
Nắng lên nhuộm đỏ hàng cây
Véo von những tiếng chim rừng.”

– Người tử sĩ 

Do hoàn cảnh lịch sử và mục tiêu cổ vũ tinh thần chiến đấu nên thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ít khi viết về tình cảm cá nhân hay tình yêu đôi lứa. Thế nhưng khi tìm đến trang thơ Nguyễn Đình Thi, ta bắt gặp đề tài này tản mạn trong nhiều tác phẩm.

Tình yêu hiện lên trong các sáng tác của Nguyễn Đình Thi không đậm màu sắc nhớ thương hay chất chứa nỗi u sầu não nề như thời Thơ mới thay vào đó là thứ tình cảm tươi sáng như dòng suối mát lành, rất tích cực lạc quan và đầy hy vọng.

Nó quyện vào tình yêu tổ quốc, trở thành nguồn động lực thúc đẩy lý tưởng lớn để những người chiến sĩ vững lòng vượt qua gian lao, quyết chiến đấu đến cùng vì một nền hòa bình thắm tươi.

“Em ơi đường chiến đấu dài lâu
Trong gian khổ vẫn chan hoà ánh sáng
Đời anh có em như ngày có nắng
Yêu em anh yêu cả mọi người”

– Chia tay 

Nhờ yếu tố tình cảm này mà những vần thơ của Nguyễn Đình Thi đạt đến sự hòa quyện tinh tế giữa tiếng nói đời tư và âm hưởng sử thi, vừa mang đến sự bầu bạn gần gũi vừa thức tỉnh con người về sự thiêng liêng của cuộc chiến mà cả dân tộc đang hướng về.

Cách tân trong hình thức

Một trong những đóng góp to lớn nhất của Nguyễn Đình Thi trong dòng chảy văn học nước nhà chính là việc khởi xướng nên trường phái thơ không vần.

Từ ca dao đến thơ đường luật và thậm chí là trong thời đại chứng kiến nhiều sự cách tân nhất là phong trào Thơ mới, nền thơ ca dân tộc vẫn luôn gắn bó khắng khít với các quy luật bằng trắc, lên bổng xuống trầm.

Sau Cách mạng tháng Tám, nhiều nhà thơ như Văn Cao, Hữu Loan, Trần Mai Ninh đã nỗ lực tìm ra hướng đi mới cho thơ ca nhưng phải đến Nguyễn Đình Thi, thơ không vần mới nổi lên như một hiện tượng văn học đáng chú ý.

Ảnh ghép Nguyễn Đình Thi
Nhà văn Nguyễn Đình Thi luôn nỗ lực không mệt mỏi để cách tân nền văn chương dân tộc

Nhà thơ không chỉ sáng tác những vần thơ độc đáo theo hướng mới mà còn viết nhiều bài tiểu luận sắc sảo với dẫn chứng thuyết phục để thảo ra bản khai sinh hoàn chỉnh cho cách làm thơ mới lạ này.

Nguyễn Đình Thi rất coi trọng yếu tố nhịp điệu trong thi ca, chính vì sự chú tâm đó nên nhà thơ không muốn nhạc thơ chỉ gói gọn trong thứ âm thanh ngoài tai được tạo nên bởi các quy luật hà khắc và sáo mòn về vần.

Thay vào đó, ông nỗ lực đổi mới thơ ca, tìm đến thể thơ tự do và lối viết thơ không vần để giải phóng thơ khỏi khuôn khổ cũ cũng như đi tìm thứ nhịp điệp bên trong được tạo nên từ những cảm xúc chân thật trong tâm hồn.


“Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây

Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Ðường lầy”

– Không nói

Cảm thơ dưới góc nhìn mới mẻ này của Nguyễn Đình Thi, ta sẽ thấy ý thơ không chỉ được chôn giấu trong vần điệu mà ngay cả ở những đoạn nghỉ giữa các chữ hay trong từng khoảng im lặng bất chợt cũng chứa đựng sự xúc động âm thầm.

Cùng với nỗ lực đưa thơ ra khỏi khuôn vần, Nguyễn Đình Thi cũng chủ trương sáng tác với ngôn ngữ thơ giản dị và hình ảnh thơ bật lên từ cuộc sống đời thường thay vì tìm kiếm nhiều ẩn dụ xa xôi và khó hiểu.

Ông thường xuyên sử dụng vốn từ ngữ Thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên và có khi còn xen lẫn cả tiếng gọi, lời hỏi có tính chất khẩu ngữ. Những yếu tố ấy đã góp phần làm nên một hồn thơ gần gũi, đơn sơ nhưng âm thầm thấm sâu vào lòng người.

Cảm hứng sáng tạo của nhà thơ luôn bắt nguồn từ những hình ảnh đầu tiên lóe lên ở nơi giao nhau của tâm hồn với ngoại vật. Thế nên các vần thơ do Nguyễn Đình Thi chấp bút bao giờ cũng tươi nguyên xúc cảm, nóng hổi những rung động nhưng đồng thời không mất đi chiều sâu suy tư và lắng đọng.

“Thơ chúng ta ngày nay đang ở tuổi trẻ nhất của thời đại mới. Nhịp sống của chúng ta, từ sau Cách mạng, đập lên nhiều phen dữ dội đến bàng hoàng, đồng thời mở rộng ào ạt. Chúng ta không còn sống khoan thai như một thời nào trước. Nhịp điệu cũ, theo tôi, không còn đủ cho thơ của chúng ta. Nhiều nhà thơ đang đập vỡ để xây dựng, thơ tìm tòi trăm nghìn phía nhưng lúc nào cũng là một sức đang lên như thổi.”

– Mấy ý nghĩ về thơ

Tuy nhiên, chặng đường thơ của Nguyễn Đình Thi không hề suôn sẻ cũng chính vì những cách tân táo bạo mà ông hướng đến còn quá mới so với tư tưởng đương thời. Điều đó khiến cho tài năng văn chương của ông ít nhiều bị hạn chế và lối thơ không vần độc đáo cũng không đạt đến đỉnh cao của nó vào thời điểm ra đời.

Mãi sau này, khi thời đại mới cởi giải những ràng buộc tư tưởng, đóng góp của Nguyễn Đình Thi mới được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận lại và đánh giá cao.

Người sáng tác nên những áng văn xuôi khái quát lịch sử dân tộc

Bên cạnh tư cách một nhà thơ, Nguyễn Đình Thi cũng được biết đến thông qua hàng loạt các tác phẩm văn xuôi phản ánh sâu sắc bối cảnh thời đại mình.

Thuộc thế hệ các ngòi bút trưởng thành trong kháng chiến và tham gia hoạt động cách mạng năng nổ, nhà văn đứng vào dòng chảy của lịch sử để tái hiện một cách sống động và hào hùng những cột mốc chói lọi của dân tộc.

Từ tiểu thuyết đầu tay Xung kích đến hàng loạt các sáng tác sau này như Thu đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa hay Mặt trận trên cao, mỗi tác phẩm là một mảnh ghép góp phần tạo nên bức tranh lớn, mang tính thời sự nóng hổi về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong các áng văn xuôi của Nguyễn Đình Thi, thành công lớn nhất phải kể đến đó là hai tập của thiên tiểu thuyết Vỡ bờ, lần lượt được xuất bản vào năm 1962 và năm 1970.

Tiểu thuyết Vỡ bờ do Nguyễn Đình Thi sáng tác
Các bản Vỡ bờ đã được xuất bản của Nguyễn Đình Thi

Tác phẩm là bộ sử thi bề thế, tổng kết cả một giai đoạn đầy biến động của đất nước trên quy mô lớn từ nông thôn đến thành thị và trong thời gian dài, từ những ngày đầu khởi nghĩa đến thời khắc Cách mạng tháng Tám thắng lợi vang dội.

Từng trang sách đều tập trung phản ánh nỗi thống khổ của nông dân, sự bất lực nổi lên giữa tầng lớp trí thức, từ đó khắc họa quá trình giác ngộ và đứng lên đấu tranh của nhân dân cả nước.

Nếu bài thơ Đất nước được Nguyễn Đình Thi thai nghén tận bảy năm ròng thì hai tập tiểu thuyết Vỡ bờ này đã tiêu tốn gần hai mươi năm bút lực của nhà văn. Ông chắt chiu từng thì giờ ngắn ngủi bên cạnh công việc hành chính và trách nhiệm với gia đình riêng để viết, ngay cả lúc bị bệnh tật hành hạ vẫn lén bác sĩ, y tá mà miệt mài sáng tác.

Khi quyết định bắt tay viết Vỡ bờ, nhà văn đã nỗ lực bù đắp vốn sống bị thiếu hụt của mình do dành hầu hết thời gian cuộc đời gắn bó với thành thị, ông về quê làm nông, trò chuyện cùng dân cày song song với việc tích cực tham khảo tác phẩm của các nhà văn trong nước và trên thế giới.

Thế nhưng, hạn chế trong việc thấu hiểu tâm tư của giai cấp nông dân là không thể tránh khỏi trong tác phẩm Vỡ bờ bên cạnh những đoạn mô tả sâu sắc sự quằn quại trong tâm hồn của tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo ở thành thị.

Dù vậy, không thể phủ nhận giá trị của Vỡ bờ trong tư cách là thiên tiểu thuyết đồ sộ chứa đựng một quá trình dày công thu thập tư liệu và rèn giũa ngòi bút của nhà văn để thâu tóm được bức tranh lịch sử rộng lớn lên trang văn.

Cây bút lý luận và phê bình sắc sảo

Với vốn kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ, lịch sử, triết học và những thể nghiệm sâu sắc từ quá trình sáng tác văn chương, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời nhiều tập tiểu luận tiến bộ dưới ảnh hưởng của quan điểm văn nghệ Marxist và trở thành người dẫn đường cho biết bao thế hệ nhà văn hậu bối.

Ông đã viết nên những dòng biện luận sắc sảo và đóng góp vào nền lý luận văn học dân tộc các phát biểu mang tính đột phá và khái quát cao độ.

Nếu như tiểu luận Nhận đường giúp giới văn nghệ sĩ đương thời tìm ra hướng đi đúng đắn trước hiện thực chiến tranh gây ra bao sự hoang mang, thì Tiếng nói của văn nghệ lại tập trung lột tả vẻ đẹp cùng sức cảm hóa diệu kỳ đến nghìn đời của văn chương.

“Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức.”

– Tiếng nói của văn nghệ 

Đó là chưa kể sự xuất hiện của tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ đã làm bước đệm cho sự ra đời của trường phái thơ không vần mà ngày nay vẫn còn khơi gợi nguồn cảm hứng lớn cho các nhà thơ hiện đại.

Con đường kịch nghệ lận đận của Nguyễn Đình Thi

Tuy không phải người chuyên viết kịch bản nhưng xuyên suốt quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời mười vở kịch để lại dấu ấn sâu sắc trong giới kịch nghệ.

Ông là người mang đến làn gió mới cho lĩnh vực biểu diễn, kịch bản nào cũng ông cũng giàu chất thơ, đậm màu sắc triết lý cũng như kết hợp độc đáo giữa thực và ảo, quá khứ và hiện tại để mang đến những trải nghiệm thú vị.Thế nhưng sự nghiệp sáng tác của ông ở lĩnh vực này cũng gặp nhiều sóng gió không kém mảng thơ ca.

Vở kịch Con nai đen được ông hoàn thành kịch bản từ năm 1961 những đến 1990 mới được dàn dựng lần đầu, tác phẩm sau đó là Hoa và Ngần tiêu tốn biết bao thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng lại không được công diễn, thậm chí vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan chỉ ra mắt được vài lần rồi bị cấm.

Vở kịch Rừng trúc, tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của ông cũng phải chờ đợi đến tận hai mươi năm kể từ ngày khai sinh mới nhận được sự công nhận.

Ảnh minh họa cho kịch của Nguyễn Đình Thi
Vở kịch Rừng trúc được công diễn vào năm 1999

Năm 1999, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành sau bao nỗ lực phục dựng đã mang vở diễn này lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và được trao tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999.

Nhìn lại chặng đường sáng tác kịch bản của nhà văn Nguyễn Đình Thi, ta tiếc nuối cho một viên ngọc sáng bị công chúng bỏ lỡ và một thế giới nghệ thuật kịch hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa bị gió lốc thời đại vùi lấp.

Mãi sau này, khi thời gian lắng đọng, giới phê bình và khán giả mới nhận ra bao trăn trở xót xa của Nguyễn Đình Thi về số phận con người cùng tâm huyết ông đặt vào khát vọng sáng tạo trong các vở kịch của mình.

Người nhạc sĩ của bài ca bất hủ

Cùng với danh hiệu một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình cũng như người sáng tác kịch bản, Nguyễn Đình Thi còn được nhớ đến với tư cách một nhạc sĩ tài ba.

Dù chỉ sáng tác vỏn vẹn có hai nhạc phẩm là Diệt phát xítNgười Hà Nội nhưng ông cũng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng những người yêu nhạc bao thế hệ.

Khi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Tiến quân ca vào năm 1944 thì một năm sau theo lời hẹn thi đua sáng tác nhạc phục vụ kháng chiến với người bạn thân, Nguyễn Đình Thi cũng không chịu kém cạnh mà cho ra đời giai điệu Diệt phát xít làm thổn thức cõi lòng dân tộc suốt một thời.

Đến năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới nổ ra được ít ngày và cả Hà Nội đang vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông viết nhạc phẩm Người Hà Nội. Đây là kiệt tác được xếp vào hàng hay nhất và lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ qua.

Ảnh minh họa bài hát Người Hà Nội
Bài hát Người Hà Nội do Nguyễn Đình Thi sáng tác đã đánh thức tinh thần dân tộc

Bài hát vẽ ra hai bức tranh đối lập của một Hà Nội bừng cháy trong ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù và một thủ đô thanh lịch, bình yên với vẻ đẹp của Hồ Tây, Tháp Rùa thân thương. Âm hưởng hào hùng gói trong lời ca tha thiết và nội lực đã khiến lòng người trào dâng tình yêu mãnh liệt với quê hương đất nước và sôi sục ý chí đấu tranh.

Giải thưởng và những lời tri ân dành cho người nghệ sĩ tài năng

Ngày mười tám tháng tư năm 2003, một tài năng lớn của dân tộc đã trút hơi thở cuối cùng tại mảnh đất thủ đô mà ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình.

Vì những cống hiến của Nguyễn Đình Thi xuyên suốt khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật và phục vụ cách mạng, ông đã được Đảng cùng Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, từ Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất đến Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về văn học nghệ thuật.

Những người đồng chí và biết bao tên tuổi lớn trong giới văn nghệ đã viết nên bài điếu văn trang trọng cùng những lời nhận xét bày tỏ sự ngưỡng mộ để tri ân sâu sắc một nghệ sĩ chân chính đã nỗ lực cả đời vì sự nghiệp cách tân và đổi mới nền văn chương nước nhà.

“Tóc bạc trong mưa bay anh cười

Tôi không nói được mình đã trải đời

Không nói được mình đã hiểu người

Không dám nói mình đã biết yêu 

Không dám nói mình đã biết sống…”

– Tóc bạc

Mười thi phẩm cuối cùng ông sáng tác đã ở lại mãi trong lòng bạn đọc như một lời chào thân thương nhà văn gửi tặng những con người đã luôn dõi theo chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.

Từ Mùa thu vàng, Không sợ và sợ, Gió bay, Núi xưa, Một ngày đến Tóc bạc, Lời người xưa, Trở lại Mường Luông, Áng mây xưa và cuối cùng là Đêm mưa, từng bài thơ đều chứa đựng sự hàm ơn sâu sắc cùng tình yêu thiết tha mà nhà văn dành cho cuộc đời ông đã đi qua.

Mối tình xuyên biên giới của Nguyễn Đình Thi

Suốt cuộc đời mình, Nguyễn Đình Thi đã có nhiều mối tình và hai lần tiến đến hôn nhân nhưng vào những ngày tháng cuối nhà thơ đã thú nhận rằng tình yêu lớn nhất của ông chính là nữ phóng viên Madeleine Riffaud của báo Nhân Đạo.

Cũng như Nguyễn Đình Thi, bà vừa là chiến sĩ anh hùng, vừa là một nhà thơ cộng sản Pháp xuất sắc, người đã nhận giải thưởng văn chương Pháp với tập thơ Con ngựa đỏ và được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cao quý của nước Pháp.

Ảnh minh họa cho ký giả Madeleine Riffaud
Chân dung ký giả, nhà thơ Pháp Madeleine Riffaud

Madeleine Riffaud đã từng sang Việt Nam, đi sâu vào chiến trường và sống cùng với bộ đội cụ Hồ để viết về đời sống của quân giải phóng trong căn cứ miền Nam, bà còn là em kết nghĩa với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Hai nhà thơ đã gặp gỡ và bắt đầu rơi vào lưới tình tại Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới ở Berlin. Sau đó, họ liên tục trao đổi hơn một nghìn bức thư mặn nồng tình cảm để kết nối với nhau qua dặm dài xa xôi cách trở bởi khoảng cách địa lý.

Tình yêu với Madeleine đã khơi gợi nguồn cảm hứng để Nguyễn Đình Thi sáng tạo nên nhiều vần thơ rung động lòng người, trong đó nổi bật nhất chính là bài Nhớ ông viết trên đường hành quân.

“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”

– Nhớ

Thế nhưng, do những trói buộc về thân phận và quốc tịch mà cả hai đã chẳng thể sống trọn kiếp bên nhau và đoạn tình cảm ngắn ngủi mà nên thơ ấy sống mãi trong nỗi hoài niệm của nhà thơ đến tận những giây phút cuối đời.

Nguyễn Đình Thi đã nếm trải tất cả những thăng trầm trên con đường hoạt động nghệ thuật nhưng chưa lúc nào nhà văn đánh mất ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu chân thành dành cho những áng văn, vần thơ.

Ngọn lửa ông thắp nên từ muôn năm trước đã cháy mãi trong lòng bạn đọc bao thế hệ và khẳng định vị trí không thể thay thế của Nguyễn Đình Thi trên văn đàn, bên cạnh những tên tuổi lớn của thời đại như Tố Hữu hay Văn Cao.

Hạnh Vi