Ngắm trăng (Vọng nguyệt) sáng tác năm 1942, là một trong những tác phẩm xuất sắc của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Bài thơ được rút trong tập Nhật ký trong tù,  được Bác sáng tác khi đang chịu cảnh tù đày ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Dẫu gặp khó khăn nhưng với ý chí của một chiến sĩ cộng sản, Bác đã thổi vào những vần thơ sắc màu thiên nhiên trong trẻo. Không chỉ thể hiện tình yêu sâu sắc với cảnh vật, Người còn cho độc giả thấy phong thái ung dung, tự tại nơi ngục giam.

Hồ Chí Minh – nhà thơ gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Hồ Chí Minh tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, Bác sinh năm 1890 tại Nghệ An và mất năm 1969 tại Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, chứng kiến cuộc sống đói khổ của nhân dân nên Hồ Chí Minh sớm đã ý thức về tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đã ý thức về tinh thần dân tộc và tình yêu đất nước

Ngay từ thời niên thiếu, Người đã có sự nhạy bén về chính trị, không ngừng suy nghĩ về nguyên nhân thành bại của các cuộc kháng chiến. Để tìm lời giải đáp, hướng đi mới cho dân tộc, Bác quyết định đi đến nhiều nước trên thế giới như Pháp, Liên Xô, Trung Quốc.

Song, với hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, trên con đường hoạt động cách mạng đầy khó khăn, quyết tâm với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người nhận ra rằng văn học chính là một loại vũ khí hữu hiệu phục vụ cho chiến đấu.

Bởi vậy, sự nghiệp văn chương Hồ Chí Minh luôn gắn bó mật thiết với tiến trình phát triển của cách mạng, đời sống tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, Bác không nhận mình là nhà văn hay nhà thơ, đơn giản chỉ là người bạn của văn nghệ.

Là người luôn đề cao tính chân thực và tính dân tộc của văn học, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã trở thành một nhà thơ, nhà văn ngoài ý muốn. Chính Bác cũng từng viết trong Khai quyển, bài mở đầu tập Nhật ký trong tù như sau:

Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

Cả cuộc đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nên hồn thơ Hồ Chí Minh luôn xoay quanh đề tài thiên nhiên, tức cảnh, cảm hứng anh hùng ca của bậc đại trí.

Nguồn cảm hứng trên khi kết hợp với ngôn từ nghệ thuật độc đáo đã giúp thơ ca Hồ Chí Minh có những tác động sâu sắc tới tư tưởng, tình cảm của mỗi người con đất Việt.

Không chỉ vậy, tác phẩm mà Người viết còn để lại những dấu ấn mạnh mẽ, thể hiện ước vọng và tâm hồn cao đẹp về tương lai tươi sáng. Tiêu biểu là Nhật ký trong tù, tập thơ giống như một cuốn nhật ký ghi lại chặng đường cách mạng khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.

Nhật ký trong tù ghi chép chặng đường cách mạng khó khăn của Bác
Nhật ký trong tù là tập thơ ghi lại chặng đường hoạt động khó khăn của Bác Hồ

Nhật ký trong tù được sáng tác từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943, gồm 133 bài thơ chữ Hán. Mỗi tác phẩm trong tập là một thước phim tài liệu, phản ánh bộ mặt đen tối, xấu xa của chế độ nhà tù cũng như xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch.

Giữa không gian mù mịt, người thầy cách mạng Việt Nam vẫn tìm ra vẻ đẹp huyền ảo của ánh trăng đêm. Bác như thoát khỏi gông cùm, xiềng xích nơi tù đày để vượt đến với thiên nhiên mênh mông, khoáng đạt.

Đó là những gì mà độc giả có thể cảm nhận được ở Ngắm trăng, bài thơ số hai mươi trong tập Nhật ký trong tù. Nơi đây không rượu cũng không hoa nhưng tâm hồn thi sĩ vẫn lạc quan, ý chí tràn đầy sự mạnh mẽ.

Ngoài Ngắm trăng hay Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh còn để lại cho văn đàn Việt Nam nhiều tác phẩm chính luận, truyện và kí, thơ ca như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đường Kách mệnh, Vi hành, Rằm tháng giêngTức cảnh Pác Pó.

Tình cảnh đặc biệt trong bài thơ Ngắm trăng

Mở đầu bài thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc họa một bức tranh thiên nhiên về đêm vô cùng trần tục, từ đó mở ra trước mắt độc giả khoảng không gian bé nhỏ, chật hẹp và thiếu thốn.

“ Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà”

Dịch thơ :

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

– Ngắm trăng

Từ xa xưa, uống rượu, thưởng trăng rồi ngâm thơ đã là một trong những thú vui của khách tử văn chương. Với chủ đề này, vị thi tiên Lý Bạch ở nước Trung Hoa từng viết trong Nguyệt hạ độc chước như sau:

Hoa gian nhất hồ tửu

Độc chước vô tương thân.

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

Dịch thơ: 

Trong đám hoa với một bình rượu

Uống một mình không có ai làm bạn.

Nâng ly mời với trăng sáng,

Cùng với bóng nữa là thành ba người.

Trong khoảng không gian thoáng đãng, đẹp đẽ đầy thi vị ấy, Lý Bạch có một bầu rượu ngon, ngồi giữa khóm hoa, ngẩng mặt bầu bạn và tâm tình với vầng trăng.

Trái ngược với thi nhân nước bạn, Hồ Chí Minh lại ngắm trăng trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đêm đã dần về khuya, trong tù không rượu cũng chẳng có hoa, sự im ắng đã bao trùm lên bốn bức tường đầy tối tăm.

Ngỡ rằng trong hoàn cảnh thiếu thốn bộn bề, cùng sự lạnh lẽo, xám ngắt của hiện thực bi thương sẽ ngăn cản tâm hồn thi sĩ thưởng ngoạn. Thế nhưng, trước vẻ đẹp của ánh trăng, nhà thơ thật khó kìm lòng.

Nhà thơ khó kìm lòng trước vẻ đẹp của ánh trăng
Thi nhân khó kìm lòng trước vẻ đẹp chói lọi của ánh trăng

Bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi nhân, người chiến sĩ cách mạng đã có những rung cảm mạnh mẽ. Bác bối rối, xúc động ngắm nhìn vầng trăng tròn lơ lửng, tự do giữa bầu trời cao rộng. Niềm vui, vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên bất chợt ùa đến khiến thi nhân man mát, rạo rực đến bồi hồi.

Hòa tâm hồn vào khoảng không ấy, dường như trong sâu thẳm nỗi lòng của Người đã dấy lên khát khao tự do mãnh liệt. Nhà thơ muốn thoát khỏi không gian chật hẹp, đắm chìm vào thiên nhiên rộng lớn và tươi đẹp ngoài kia.

Vượt qua nghịch cảnh của thực tại khắc nghiệt, ngay trong những giờ phút nguy nan, Bác vẫn phóng tâm hồn về với thiên nhiên bình dị, tìm thấy sự an nhàn, thư thái từ những điều nhỏ bé.

Đó như là liều thuốc tinh thần giúp nhà thơ cân bằng cuộc sống vốn đầy rẫy lo toan, vất vả. Ngắm trăng giờ đây không còn là một thú vị tao nhã, hành động ấy đã làm nổi bật một tâm hồn yêu thiên nhiên và cái đẹp thiết tha, cùng với đó là ý chí mạnh mẽ, lạc quan.

Sự hòa hợp giữa con người và ánh trăng tri kỉ

Đến với hai câu thơ cuối, nhà thơ vẽ ra trước mắt độc giả một bức tranh về con người và vầng trăng. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, họ trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ.

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

Dịch thơ:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Khi đó trời đã về đêm, nhà thơ chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn vầng trăng, ngắm nhìn thứ ánh sáng rực rỡ, tươi trẻ của thiên nhiên trong không gian hiu quạnh, gò bó.

Đáp lại tình yêu của thi nhân, vầng trăng len lỏi qua khung cửa nhỏ, đặt chân vào chốn lao tù để ngắm nhìn nhà thơ. Giờ đây, thi nhân không còn lẻ loi, cô đơn giữa đêm khuya thanh vắng, vầng trăng đã trở thành người bạn thân thiết, cùng nhà thơ giãi bày tâm sự.

Ngắm trăng là bản giao hoà giữa con người và vầng trăng
Ngắm trăng giống như bản nhạc giao hoà giữa con người và vầng trăng

Trong mọi hoàn cảnh, vẻ đẹp tâm hồn cũng như phẩm chất tốt đẹp của Bác vẫn luôn sáng ngời. Chính sự lạc quan, tràn đầy tự do cùng ý chí mạnh mẽ đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp Bác vượt qua mọi gian nan và giữ vững niềm tin về tương lai tươi sáng.

Tinh thần đó đã thể hiện rất đúng với những gì Hồ Chí Minh viết ở tiêu đề tập thơ Nhật ký trong tù:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Không chỉ với độc giả yêu thơ ca, qua hai câu thơ trên Người còn cho đồng bào, nhân nhân Việt Nam thấy được hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản. Trải qua bao gian khổ, phẩm chất, tinh thần và nghị lực chưa từng bị dập tắt, Bác luôn sẵn sàng giương cao ngọn đuốc soi đường cho hành trình giải phóng dân tộc.

Ngắm trăng bộc lộ tài năng thiên phú của nhà thơ Hồ Chí Minh

Là một bài thơ tứ tuyệt giản dị, Ngắm trăng không chỉ dừng lại tả cảnh một cách đơn thuần, Hồ Chí Minh còn tinh tế khi kết hợp hình ảnh thơ trong sáng cùng hệ thống ngôn ngữ giàu tính lãng mạn. Từ đó khắc hoạ cho độc giả bức chân dung người chiến sĩ cộng sản với một tâm hồn và nhân cách lớn lao.

Nghệ thuật của bài thơ bừng sáng, tạo được thành công khi đan xen màu sắc cổ điển lẫn tinh thần hiện đại. Nét độc đáo này được nhà thơ thể hiện xuyên suốt tác phẩm, từ đề tài đến cách gieo vần.

Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ Ngắm trăng
Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại trong tác phẩm Ngắm trăng

Chưa cần đi sâu vào phân tích tác phẩm, chỉ riêng với đề tài vọng nguyệt đã thể hiện chân thực màu sắc cổ điển tinh tế. Bởi lẽ, từ thời cổ chí kim, vầng trăng đã là người bạn song hành, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. 

Các thi phẩm lấy đề tài vầng trăng phải kể đến như Tĩnh dạ tứ của thi tiên Lý Bạch, Nguyệt dạ của thi thánh Đỗ Phủ hay Uống trăng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mỗi nhà thơ đều cách gieo vần, thể hiện vẻ đẹp của trăng khác nhau, khi thì huyền ảo u uất, lúc lại trong trẻo, dịu dàng.

Là bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh ngục tù, bị khó khăn bủa vây nhưng phong thái của một bậc “chí nhân quân tử” vẫn hiện hữu ở đó. Độc giả qua đó thấy được sự ung dung, tự tại của một tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên.

Sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật thơ Đường đã giúp Hồ Chí Minh thành công trong việc lựa chọn, khai thác và sử dụng thi liệu mang sắc thái cổ điển như trăng, rượu, hoa. Hình ảnh được Người sử dụng vốn rất gần gũi, quen thuộc trong thơ ca xưa.

Ngắm trăng được viết theo thể thơ Đường
Ngắm trăng hiện lên với những hình ảnh giản dị và gần gũi

Đằng sau sự phong vị của màu sắc cổ điển ấy là tinh thần hiện đại xuyên suốt bài thơ. Tác giả đã có một cuộc vượt ngục về tinh thần trong thi phẩm Ngắm trăng, tâm hồn nhạy cảm của Người sớm đã thoát khỏi bốn bức tường chật hẹp, hòa mình vào thiên nhiên thắng cảnh.

Đó là tinh thần thép của một người chiến sĩ cách mạng, luôn lạc quan dù gặp phải những tình huống, hoàn cảnh khó khăn. Độc giả qua đó thấy được thần thái của một bậc tiên phong đạo cốt, vừa có ý chí, vừa có nghị lực phi thường.

Bài thơ là sự song hành giữa hai màu sắc trái ngược, chất cổ điển đan xen với màu sắc hiện đại. Điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của Ngắm trăng, qua đó bộc lộ nét tài năng nghệ thuật thiên phú của Danh nhân văn hoá Thế giới Hồ Chí Minh.

Yến Linh