Côn Sơn Ca (Bài ca Côn Sơn) không rõ năm sáng tác, nhiều tài liệu ghi rằng tác phẩm được viết trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi bị chèn ép cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn.

Bài thơ giống như tiếng nói tâm hồn của Nguyễn Trãi khi ông hoà mình, đắm chìm vào thiên nhiên Côn Sơn. Vẻ đẹp ấy đã làm tâm hồn nghệ sĩ si mê, thúc giục bản thân vẽ lên bức họa đầy màu sắc bằng vần thơ.

Bên cạnh đó, hình ảnh nhân vật “ta” giữa cảnh tượng Côn Sơn nên thơ, hấp dẫn mang đến sự giao hòa trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Tất cả được bắt nguồn từ nhân cách cao cả, tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi – một danh nhân văn hóa thế giới

Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai sinh năm 1380 và mất năm 1442, quê ông ở huyện Chí Linh, Hải Dương. Xuất thân trong gia đình khoa bảng nên Nguyễn Trãi sớm đã đỗ đạt, giữ chức vụ quan trọng trong triều nhà Hồ và nhà Lê.

Nguyễn Trãi xuất thân trong gia đình khoa bảng
Nguyễn Trãi từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Hồ và nhà Lê

Cuộc đời Nguyễn Trãi nổi bật là bậc đại anh hùng dân tộc. Ông cũng là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.

Nguyễn Trãi hội tụ những tố chất của nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Ông có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.

Về hệ thống, tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Trãi vẫn thuộc Nho giáo nhưng là một Nho giáo khoáng đạt, rộng rãi, không câu nệ và vì vậy không chỉ là gần gũi mà còn là phong phú hơn, cao hơn lối sống thuộc dân tộc trước đó.

– Trần Đình Hượu

Ông có tầm nhìn sáng suốt, dũng cảm đưa ra đường lối đổi mới. Tuy có nhiều trở ngại nhưng về cơ bản Nguyễn Trãi đã thực hiện được những gì mình đề ra trong suốt cuộc đời.

Tiếc thay, khi đang ở giai đoạn hăm hở nhất, số phận ngắn ngủi đã cắt đứt những khát vọng mà ông mong muốn. Năm 1442, Nguyễn Trãi bị giết thảm khốc, gia tộc bị tru di ba đời. Mất hơn hai thập kỷ, ông mới được vua Lê Thánh Tông rửa oan, trả lại sự trong sạch.

Với tư cách là tác gia lớn, Nguyễn Trãi đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm chính luận và thơ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như Bình ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tậpQuân trung từ mệnh tập.

Côn Sơn ca là tiếng nói cất lên từ trái tim sâu nặng và da diết của Nguyễn Trãi

Nhắc đến địa danh Côn Sơn, hình ảnh hiện hữu trước mắt độc giả là núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Tuy nhiên, nơi đây còn gắn liền với vị danh nhân Nguyễn Trãi, từ thuở ấu thơ đến lúc tuổi già.

Mỗi hòn đá, gốc cây, ngọn suối, đất nước và mây trời Côn Sơn đều gắn bó với Nguyễn Trãi. Vì thế bài Côn Sơn ca được ví như tiếng nói cất lên từ trái tim sâu nặng, da diết của Nguyễn Trãi.

Vạn vật ở Côn Sơn đều có sự gắn bó với Nguyễn Trãi
Côn Sơn ca được ví như tiếng lòng của Nguyễn Trãi

Bài thơ như những nốt nhạc thanh thản của Nguyễn Trãi sau khi cáo quan trường, về sống với làng quê thiên nhiên. Tại Côn Sơn, mọi vật đối với ông trở nên có tình, có nghĩa, như bầu bạn, như tri âm.

Núi láng giềng, chim bầu bạn

Mây khách khứa, nguyệt anh tam

Thuật hứng 19

Từ khi về ở ẩn, Nguyễn Trãi đã có cuộc sống vô cùng bình dị, gần gũi với thiên nhiên, vạn vật. Nơi đây mang đến cho ông những cảm nhận khác lạ, đó là nhịp sống bình lặng, cảnh sắc tươi đẹp của miền đất dân dã.

Bài thơ được viết với giọng điệu nhẹ nhàng và khoan thai, tâm tình cởi mở. Độc giả qua đó cảm nhận một cách chân thực những tâm tư, tình cảm của một con người yêu thiên nhiên, cuộc sống.

Ẩn trong bức hoạ thiên nhiên yên tĩnh là xúc cảm mãnh liệt của thi sĩ

Với thơ ca cổ, đề tài thiên nhiên luôn là mảnh đất màu mỡ, được nhiều thi nhân yêu thích. Nguyễn Trãi là một trong số đó, vị anh hùng dân tộc đã viết nên nhiều áng thơ hay về vẻ đẹp quê hương mà Côn Sơn ca như nét chữ khai màn.

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

– Côn Sơn ca

Đoạn mở đầu bài Côn Sơn ca đem đến cho độc giả cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn. 

Độc giả cảm nhận được tâm hồn thi sĩ của Ức Trai
Cảnh trí Côn Sơn hiện lên đầy thơ mộng và lãng mạn

Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên trực tiếp bằng hai giác quan là thị giác và thính giác. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Trãi, âm thanh trở thành linh hồn của thiên nhiên và cảnh vật.

Tiếng suối chảy không còn đơn điệu mà thoát ra một bản nhạc tao nhã, yên tĩnh và du dương. Sự độc đáo này toát ra khi Nguyễn Trãi dùng từ láy “rì rầm” để miêu tả tiếng suối, ví đây như “tiếng đàn cầm”.

Tiếng đàn thánh thót như sự đồng điệu, giao cảm giữa tâm hồn của thi sĩ và cảnh vật thiên nhiên, đất trời. Tiếng suối như tâm trạng trầm bổng trong tâm hồn Nguyễn Trãi, ẩn chứa nhiều tâm sự và gói gọn trong tiếng đàn cầm.

Khi ấy, độc giả bắt gặp tình yêu thiên nhiên tha thiết trong Nguyễn Trãi. Phải là người yêu và tinh tế lắm mới ví tiếng suối như tiếng đàn cầm, nó đẹp một cách cổ điển.

Nhà thơ tả tiếng suối để khắc họa không gian yên tĩnh, đây là nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Và giữa không gian ấy là hình ảnh:

“Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”

Đến với hai câu thơ này, nhà thơ sử dụng một đối tượng đặc sắc của núi rừng là “đá”. Ông miêu tả đá gắn liền với hình ảnh “rêu”, cùng trạng thái “phơi”, đem đến một xúc cảm mới mẻ cho độc giả. 

Hình ảnh ấy mang đến cảm giác rằng đá Côn Sơn đã bao lâu “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Có lẽ nó mang trong mình chiều dài năm tháng và bề dày của những trang lịch sử.

Côn Sơn mang trong mình chiều dài năm tháng và bề dày lịch sử
Nghệ thuật lấy động tả tĩnh trong Côn Sơn ca

Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi mang đến hình ảnh của một thiên nhiên lâu đời, nguyên thủy mà mình mến yêu và gắn bó. Bởi vậy, nhà thơ “ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”, đây lại là nghệ thuật so sánh rất đặc sắc, đưa thiên nhiên trở nên gần gũi vô cùng.

Côn Sơn như ngôi nhà lớn mà thảm rêu phơi kia đã trở thành chiếu êm của con người, giúp cho nhân vật trữ tình thảnh thơi ngồi nghỉ, viết lên những vần thơ hay, êm êm như cảnh Côn Sơn.

Côn Sơn có suối, có đá, còn có những rừng thông tươi xanh bốn mùa, để thi nhân hòa mình ngâm thơ sảng khoái:

Trong rừng thông mọc như nêm

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

Trong rừng có bóng trúc râm

Trong màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn.

Nguyễn Trãi lựa chọn thông và trúc để miêu tả núi rừng Côn Sơn, đó là sự tinh tế hiếm có. Thiên nhiên Côn sơn hiện lên khoáng đạt và thanh tĩnh, nơi đây có suối chảy rì rầm, có bàn đá rêu phơi, có rừng tùng, rừng trúc che ánh nắng mặt trời

Hình ảnh cây trúc, cây tùng trong văn chương tượng trưng cho khí phách cứng cỏi của người quân tử là “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Suối, đá, thông, trúc là nơi nương tựa và nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân giao hòa, giao cảm.

Hình ảnh trúc tùng tượng trưng cho khí phách của người quân tử
Sự vật nơi Côn Sơn là nơi nương tựa và nâng đỡ tâm hồn thi nhân

Bức tranh Côn Sơn dưới cái nhìn của thi nhân Nguyễn Trãi đã hiện lên sinh động, đầy ắp âm thanh, màu sắc. Với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là tiếng gọi trở về quê hương.

Nhà thơ ngợi ca vẻ đẹp nơi đây bằng tình cảm của một người rất yêu, rất hiểu về Côn Sơn .Vì thế, thiên nhiên nguyên sơ bỗng trở nên gần gũi, tựa hồ máu thịt.

Từ đó, ông gợi ra một thiên nhiên lâu đời, vừa cổ kính rêu phong, vừa thanh cao, mát mẻ của không gian núi rừng bao la rộng lớn. Nguyễn Trãi mang đến vẻ đẹp ngàn xưa, yên tĩnh của thiên nhiên Côn Sơn.

Hoà vào cảnh vật Côn Sơn là một con người nhân danh “ta”

Bài ca Côn Sơn không chỉ mở ra trước mắt độc giả bức tranh thiên nhiên Côn Sơn tươi sáng, hài hòa mà còn bộc lộ những tâm sự thầm kín của nhà thơ thông qua nhân vật “ta”, con người và cảnh vật đều trở nên trữ tình.

Con người giữa cảnh vật Côn Sơn hiện lên vô cùng trần tục nhưng mang tâm hồn của một người nghệ sĩ:

  Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…

  Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm…

  Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm…

  Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Nhà thơ sử dụng điệp từ “ta” để nhấn mạnh sự có mặt của “ta” ở mọi nơi đẹp của Côn Sơn. Ông còn sử dụng một loạt động từ như nghe, ngồi, nằm, ngâm thơ, điều này càng khẳng định tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên. 

Đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, lúc Nguyễn Trãi đang trong tâm thế bị chèn ép, nghi ngờ, phải cáo quan về quê ở ẩn. Song qua những câu thơ, độc giả không bắt gặp Nguyễn Trãi có chút chán chường, u uất hay buồn phiền.

Đoạn thơ cho thấy Nguyễn Trãi đang rất ung dung, nhàn nhã, tâm hồn thanh thản, thoải mái không vướng bận chuyện đời. Đằng sau bức tranh thiên nhiên Côn Sơn tươi đẹp là một tâm hồn tinh tế, cốt cách trong sáng và thanh cao.

Côn Sơn ca là bài ca về cách sống giữa con người với thiên nhiên

Bút pháp miêu tả bức tranh Côn Sơn của Nguyễn Trãi thật tài tình, từ hình ảnh thơ tươi đẹp, liên tưởng thú vị độc đáo đến hình ảnh thiên nhiên và con người sóng đôi một cách tự nhiên.

Từ đó, độc giả thấy được sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Mặt khác, toát lên nhân cách thanh cao, ung dung của nhà thơ toả sáng trên từng câu chữ.

Bút pháp miêu tả Côn Sơn tài tình
Côn Sơn ca là bức tranh giữa con người và thiên nhiên

Không chỉ là một bức tranh đẹp, Bài ca Côn Sơn còn là một bản nhạc về tình yêu thiên nhiên, niềm hạnh phúc khi được ngắm nhìn vẻ đẹp đất trời quê hương của nhà thơ.

Hơn năm thế kỷ đi qua, tinh thần ấy của Nguyễn Trãi vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm giống như lời nhắc nhở đến con người trong xã hội hiện đại, nhịp sống gấp gáp khiến họ khó lòng nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn nơi thiên nhiên hoang dã.

Hoàng Mạnh