Ẩn chứa trong Lặng lẽ Sa Pa là khát vọng cống hiến tuổi trẻ để phục vụ cho đất nước. Hạnh phúc chỉ nảy mầm khi mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm và hoạt động tự giác, hăng say với tất cả khát khao vì lý tưởng cao đẹp.
Trong cuộc gặp gỡ tình cờ cùng những con người giản dị, mạch cảm xúc lúc trầm lặng, khi thì hào hứng và sôi nổi. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã gieo vào lòng độc giả cảm nhận sâu sắc về lý tưởng rất đời thường của anh thanh niên.
Nguyễn Thành Long là ngòi bút tài hoa trong lĩnh vực truyện ngắn
Nguyễn Thành Long là gương mặt tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam, ông sở hữu nhiều bút danh khác nhau như Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo. Thuở sinh thời, nhà văn nổi danh trong hai lĩnh vực truyện ngắn, ký.
Các tác phẩm của Nguyễn Thành Long thường bắt nguồn từ những con người bình dị, các sự kiện đời thường nên mỗi lời văn, con chữ đều trong trẻo, thấm đượm chất trữ tình.
Trong quá trình sáng tác, Nguyễn Thành Long đã sử dụng bút pháp tài hoa và sống hết mình trên những trang giấy. Ông luôn cân nhắc trước mỗi con chữ, vì thế mà áng văn luôn có sự chặt chẽ, ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa.
Nhiều nhà phê bình văn học cho rằng với Nguyễn Thành Long, ngôn từ không đơn giản để đem đến lời hay ý đẹp mà còn mang một sứ mệnh thiêng liêng, sự gắn bó với cả đời người.
“Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn êm dịu, một bông cúc nhỏ xinh run rẩy nở trong sương sớm. Ta ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của bông hoa mà quên mất bông hoa ấy đã từng được bàn tay của người làm vườn chăm tưới. Nhiều khi, hồn văn Nguyễn Thành Long làm dịu mát lòng ta như mạch nguồn trong trẻo, dịu dàng.” – Châu Hồng Thủy
Vẻ đẹp nghệ thuật trong tác phẩm của ông không nằm ở những phát hiện táo bạo, nút thắt có xung đột mạnh mẽ mà nghiêng về chất văn nhẹ nhàng nhưng vẫn gây tiếng vang trong lòng độc giả.
Gần bốn mươi năm sáng tác, ông đã để lại những tác phẩm có giá trị về cuộc sống như Khúc hát của người cán bộ, Gió bấc gió nồm, Lặng lẽ Sa Pa. Trong đó, Lặng lẽ Sa Pa là tác phẩm tiêu biểu, được in ở tập Giữa trong xanh.
Lặng lẽ Sa Pa mang giá trị nhân văn sâu sắc
Tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa được “thai nghén” trong quá trình miền Bắc hăng say lao động sản xuất để xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam ruột thịt trong công cuộc chống giặc Mỹ.
Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả, đây được xem như tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại.
Là sự kết tinh tiêu biểu cho tài năng và phong cách sáng tác của Nguyễn Thành Long, truyện ngắn này đã phác họa bức tranh tuyệt đẹp về những con người lao động thầm lặng, thiên nhiên Sapa mộng mơ, đầy chất thơ.
Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một người họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng. Họ đã có cơ hội làm quen, trò chuyện với nhau trên đỉnh núi Yên Sơn.
“Đây, tôi giới thiệu với anh một họa sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè, ở Lào Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.” – Lặng lẽ Sa Pa
Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, họ đã chia tay nhau trong sự ngậm ngùi và có phần luyến tiếc, riêng ông họa sĩ hay cô kỹ sư thì đều có những trăn trở, suy tư trong lòng.
Trong giai đoạn hình thành chủ nghĩa xã hội, vì nhận thức được vai trò quan trọng với sự nghiệp chung nên mỗi người dân đều góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhân vật anh thanh niên cũng từ đó ra đời, trở thành biểu tượng đẹp cho những con người tích cực, trách nhiệm và hết lòng cống hiến. Qua đó, nhà văn ca ngợi những bông hoa lặng lẽ, miệt mài xây dựng tổ quốc thân yêu.
Thiên nhiên mộng mơ ẩn mình trong Lặng lẽ Sa Pa
Nhan đề tác phẩm gợi liên tưởng đến khung cảnh lạnh lẽo, mưa phùn rả rích, cái lạnh cắt vào da thịt ở Sa Pa. Từ “lặng lẽ” càng tạo cảm giác hiu quạnh, cảnh vật hiện lên một vẻ cô đơn, tiêu điều.
Thiên nhiên dưới ngòi bút của Nguyễn Thành Long lại hoàn toàn mới lạ, chỉ vài câu chữ ngẫu nhiên mà hình ảnh Sa Pa thơ mộng, đầy hấp dẫn đã hiện lên qua từng trang giấy.
Chất trữ tình trong tác phẩm trước hết là ở bức tranh thiên nhiên lãng mạn, được miêu tả để mở đầu câu chuyện. Một vùng đất “bắt đầu với những rặng đào” và “đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường”.
Sa Pa càng trở nên rực rỡ dưới ánh nắng ngập tràn, “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”, đến cây cối cũng mang nét hoang dã và sinh động “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng”.
Với điểm nhìn từ trên cao hạ thấp dần xuống dưới, người họa sĩ già đã nắm bắt trọn vẹn cái hồn của cảnh vật. Thiên nhiên ở Sa Pa bừng sáng khi ngày mới vừa lên, toàn không gian cũng vì vậy mà trở nên ấm áp.
Nắng vàng rót xuống triền thung lũng thứ mật ngọt, trải dài trên cỏ cây như dát lên màu vàng óng ả. Hòa vào đó là sự bồng bềnh, phiêu lãng của những đám mây chầm chậm trôi.
Qua những dòng miêu tả súc tích, hình ảnh miền đất núi dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn trở nên đặc biệt, gam màu tươi tắn như chan hòa cả vùng trời Tây Bắc. Sa Pa tuy hùng vĩ nhưng không hoang vu, lạnh lẽo mà thơ mộng, hữu tình.
Vẻ đẹp tiềm ẩn của những con người trong Lặng lẽ Sa Pa
Trong quá trình làm nghệ thuật, Nguyễn Thành Long đã kết giao với rất nhiều bạn hữu. Ông lắng nghe chuyện đời từ họ và đưa vào sáng tác, để chúng hiện lên trang giấy một cách khéo léo, chân thực.
Chính vì thế, vẻ đẹp ở Lặng lẽ Sa Pa không chỉ có ở thiên nhiên mà còn lan tỏa từ những con người khác nhau trong câu chuyện. Điều này cũng từng được Puskin đề cập trước đây.
“Một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút.” – Puskin
Nguyễn Thành Long đã cất tiếng lòng mình để linh hồn tác phẩm được sống dậy. Thiên nhiên trong truyện ngắn xuất hiện không hề đơn điệu mà còn có bóng dáng của con người.
Lặng lẽ Sa Pa chứa đựng câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc, hội tụ những tấm lòng mang tâm hồn trong sáng và trái tim ấm áp. Họ gặp nhau thật tình cờ nhưng khi rời đi lại quyến luyến bởi cái tình đằm thắm bên trong mỗi người.
Những con người xa lạ chỉ mới tiếp xúc lần đầu trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà như có sự giao cảm nhất định, người này trở thành chất xúc tác để người kia có thể bộc lộ tất cả vẻ đẹp trong tâm hồn.
Bông hoa tươi đẹp lặng lẽ dâng cho đời
Lặng lẽ Sa Pa thấm nhuần vẻ đẹp của những con người lao động mới, họ trở thành giai điệu ngân vang trong bản trường ca về tình yêu quê hương đất nước, điển hình là anh thanh niên trong tác phẩm.
Là nhân vật chính trong truyện, anh dù không xuất hiện từ đầu như người lái xe, ông họa sĩ già và cô kỹ sư trẻ nhưng vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, ngay cả khi bản thân chỉ có mặt trong khoảng thời gian ngắn.
Người thanh niên đã đưa các nhân vật trong cuộc hội thoại chạm đến đỉnh cao tuyệt đẹp ở tâm hồn, khiến họ say sưa về lí tưởng cuộc đời. Anh sau đó khuất lấp trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi rừng Sa Pa.
Một chàng trai nổi bật bởi hoàn cảnh sống và nơi làm việc đặc biệt
Người thanh niên ấy có niềm say mê mãnh liệt mà hiếm ai có được. Anh công tác tại vùng núi cao 2600 mét ở đỉnh Yên Sơn, một địa điểm tuy khắc nghiệt nhưng lại lý tưởng để làm khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.” – Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
Mặc thời gian chảy trôi, anh quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quẩn quanh giữa núi rừng bạt ngàn để dự báo thời tiết, phục vụ cho công cuộc sản xuất và chiến đấu của nhân dân.
Công việc này vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và trách nhiệm. Tuy cuộc sống vất vả bộn bề nhưng bằng tất cả nghị lực, anh thanh niên đã vượt qua những khó khăn để thích nghi và tìm được niềm vui ở nơi đây.
Niềm say mê với công việc đã xua tan mọi gian khó nơi núi cao lạnh lẽo
Khi mọi người đều ái ngại với mức độ khó khăn của công việc thì anh không nề hà, thậm chí cho rằng làm việc ở nơi núi cao mới lý tưởng, thuận lợi cho việc đo lường nắng mưa.
Người thanh niên ấy có những suy nghĩ rất sâu sắc về công việc và cuộc sống của mình, “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”. Anh hiểu việc mình đang làm gắn bó mật thiết với nhu cầu đời sống nhân dân.
Đối mặt trước những mệt mỏi, nhiều người chán nản muốn bỏ cuộc nhưng anh lại rất đặc biệt khi chia sẻ “cất nó đi cháu buồn chết mất”. Bước ra từ khó khăn, ý chí nảy mầm khiến anh càng thêm yêu thích công việc của mình.
Thời tiết Sa Pa vô cùng khắc nghiệt, những đêm mưa tuyết hay gió rét lạnh buốt như cắt vào da thịt nhưng anh vẫn trở dậy ra ngoài trời làm việc, dù bản thân “đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi”.
Hoàn cảnh có lẽ không thể làm khó được nghị lực và sự nhiệt huyết của chàng trai này. Ngày nào cũng vậy, anh báo cáo số liệu bằng bộ đàm đều đặn và chính xác đủ bốn lần.
Người con trai ấy đã hy sinh thầm lặng với tấm lòng nặng tình nước non. Anh mang tuổi trẻ cùng sự nhiệt huyết đến vùng cao của tổ quốc. Trong hoàn cảnh khó khăn, ý chí quật cường đã được thổi bùng bằng niềm tin và đam mê.
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.” – Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong những ngày tháng mệt mỏi nhất, anh đã “phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng” và “từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”.
Hạnh phúc rất khó để định nghĩa chính xác với mọi người, đây là quan niệm vô cùng rộng lớn, sâu xa mà khó diễn tả được. Tuy nhiên, anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa lại hạnh phúc khi được làm việc và cống hiến cho đất nước.
Chủ động tạo niềm vui thiết thực trong cuộc sống
Sống ở miền núi cao hẻo lánh, anh không hề cảm thấy bản thân đang rời xa cuộc sống vì biết tìm niềm vui trong công việc, đó là “làm bạn” với những trang sách.
Sách giúp anh xua tan sự vắng lặng, hiu quạnh quanh năm suốt tháng ở nơi đây. Nhờ nó mà anh biết được nhiều thứ, mở mang kiến thức, tìm thấy được những ý nghĩa cuộc sống, tự thấu và soi lại mình trong đáy sâu tâm hồn.
Tuy cô độc giữa vùng rừng núi bao la nhưng cuộc sống ở trạm khí tượng rất ngăn nắp, gọn gàng với “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”.
Anh đã trồng một vườn rau xanh tốt, nuôi đàn gà đẻ trứng, chăm bón cả vườn hoa rực rỡ để tự tạo niềm vui cũng như chăm lo cho cuộc sống từ vật chất tới tinh thần.
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bản thân hiểu rõ những gì cần cống hiến cho đất nước, người thanh niên đã tự đặt câu hỏi “mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc” và anh đã có câu trả lời bằng nghĩa cử đầy cao đẹp.
Đức tính đáng trân quý của anh thanh niên
Thuở mới đầu, anh thanh niên đã có hành động ngộ nghĩnh là lấy cây gỗ chắn ngang đường ô tô chỉ để được gặp và giao tiếp với người khác. Anh sợ sự cô độc nên nảy sinh ra việc “thèm người”.
Đó là mong muốn chính đáng của một người khao khát sống và hòa nhập với cộng đồng nhưng hoàn cảnh hiếm khi cho phép. Vì thế mỗi khi có dịp, anh luôn niềm nở mời khách đến thăm nhà.
Anh chàng hiếu khách đã biếu quà cho vợ bác lái xe đang bị ốm, tặng hoa cho cô gái, mời người họa sĩ uống trà và tặng những người đi đường xa làn trứng tươi, tiếp đãi một cách niềm nở, đầy chân thành.
Trong thâm tâm chàng trai ấy có sự khiêm tốn đáng mến, chỉ xem những đóng góp của mình là điều nhỏ bé. Khi người họa sĩ muốn vẽ chân dung, anh thanh niên đã từ chối và nhiệt tình giới thiệu những người xứng đáng hơn.
Người con trai ấy mang nhiều đức tính tốt đẹp như tấm lòng hiếu khách, sống chân thành, biết quý trọng tình cảm của mọi người và luôn quan tâm đến người khác.
Anh thanh niên mang hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung đặc trưng của người lao động thời đại mới khi sở hữu nét đẹp tri thức, niềm hăng say với công việc và luôn lạc quan, sẵn sàng giúp ích cho đời.
Người họa sĩ già với hành trình tìm nguồn cảm hứng nghệ thuật
Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, ông họa sĩ già để lại ấn tượng sâu sắc bởi tính cách thâm trầm, những triết lí sâu xa về nghệ thuật. Dù đã ở tuổi xế chiều, ông vẫn khao khát tìm đến những điều mới lạ trên chặng đường nghệ thuật.
Bản thân người họa sĩ ấy muốn chạm tới những giá trị vĩnh hằng, đem lại một tác phẩm nghệ thuật để đời. Hoài bão đó đưa ông đến Sa Pa để đi tìm cái đẹp theo tiếng gọi sâu thẳm từ con tim.
Mở đầu câu chuyện, độc giả dễ dàng ấn tượng trước lời thoại đầy “máu nghệ thuật”, ca ngợi cảnh thiên nhiên vùng Tây Bắc của người họa sĩ. Khi ấy, ông đang tìm nguồn cảm hứng để vẽ bức tranh cuối cùng trước khi giải nghệ.
“Tôi có nhận ra. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường.”
Nhà họa sĩ già đã phải lòng với Sapa, một vùng đất thơ mộng song điều làm ông bối rối là cuộc sống lẫn con người nơi đây có bao điều mới lạ, “chất vàng mười” còn khuất lấp mà chưa ai có thể nhìn thấy và khai thác.
Tâm nguyện đó được đáp ứng khi “họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước”, một anh thanh niên với tầm vóc bé nhỏ nhưng lại sở hữu nét mặt rạng rỡ, khiến người khác có ấn tượng mạnh mẽ.
Với người họa sĩ, việc khơi dậy cảm hứng là điều vô cùng quan trọng, sự sáng tạo như dâng đầy trong tâm hồn bởi “ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài”.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả nhiều lần để ông họa sĩ đối thoại với anh thanh niên. Tuổi đã cao nên những chiêm nghiệm từ thực tế, người họa sĩ già thấu hiểu hơn ai hết.
Ông nhận ra nhiều ý nghĩa cuộc sống sau khi trò chuyện và anh thanh niên chính là sự hiện hữu mang lí tưởng cao đẹp, là chất xúc tác giúp người họa sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị sâu sắc về nội dung lẫn hình thức.
Trái tim nghệ sĩ bao giờ cũng tinh tế và nhạy cảm nên khi nghe anh thanh niên chia sẻ, ông “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì trên đầu gối”. Có lẽ chính bản thân họa sĩ cũng không biết ông bắt đầu vẽ từ lúc nào.
Ngòi bút tự trỗi dậy khi những giao cảm rung lên mạnh mẽ, nét vẽ của ông xuất phát từ trái tim và sự trân trọng “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”.
Có lẽ bức vẽ sẽ rất thành công vì nó được thể hiện bằng tài năng uyên bác của người họa sĩ. Tuy nhiên, khi cầm trên tay cây bút thì ông mới nhận ra sự “bất lực” từ sâu thẳm chính mình.
Ông chỉ có thể vẽ được chân dung mà không thể vẽ được những lời nói, hành động và suy nghĩ cao đẹp. Không ngòi bút, bức tranh hay màu sơn nào có thể bộc lộ được sự cống hiến của tuổi trẻ với Tổ quốc.
Dù trăn trở trước bức họa nhưng người họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ bởi ông hiểu điều này giúp hình tượng anh thanh niên sống mãi với thời gian, lan tỏa lí tưởng cao đẹp ấy trong âm thầm.
Ông cho rằng “vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan”. Dù “khó nhọc” nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi đó là niềm vui, là nguồn cảm hứng to lớn khi gặp được đối tượng chân chính của nghệ thuật.
Cái đẹp từ anh thanh niên đã làm sống lại trong ông khát khao cống hiến, khiến những nét cọ tiếp tục trỗi dậy trong tâm hồn, lắng đọng thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.
Có lẽ, suy nghĩ của người họa sĩ cũng chính là tâm niệm nghệ thuật đến từ nhà văn Nguyễn Thành Long. Nhân vật ông họa sĩ là hóa thân bằng xương bằng thịt cho một tuyên ngôn nghệ thuật chân chính.
Cô kỹ sư trong Lặng lẽ Sa Pa là minh chứng cho tuổi trẻ cao đẹp
Bên cạnh hình ảnh người họa sĩ già hết mình vì nghệ thuật hay những người trẻ thầm lặng ngày đêm cống hiến cho đất nước, tác giả còn hướng độc giả đến sự nhiệt huyết và năng động mà điển hình là cô kĩ sư.
Được nhắc đến không nhiều nhưng nhân vật này vẫn gây ấn tượng bằng nét tâm lý tinh tế. Một cô gái dám rời Hà Nội, bỏ lại sau lưng “mối tình đầu nhạt nhẽo” để lên công tác ở miền cao Tây Bắc.
Cuộc gặp gỡ tình cờ với anh thanh niên giúp “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể, và về con đường cô đang đi tới”.
Cô “bàng hoàng” với tính chất công việc vất vả nhưng rất cao đẹp của anh và nhận ra mối tình đầu nhạt nhẽo biết bao, cuộc sống lâu nay đã tầm thường biết nhường nào.
Khoảnh khắc bàng hoàng là sự bừng dậy của giao cảm khi bắt gặp ánh sáng đẹp đẽ trong cuộc sống được lan tỏa từ tâm hồn người khác. Đi kèm theo đó, “một ấn tượng hàm ơn khó tả” xuất hiện dạt dào trong lòng cô gái.
Cùng với nét bàng hoàng là sự biết ơn với người thanh niên, không phải chỉ đơn giản do anh tặng cô bó hoa đẹp mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.
“Một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra… những nhận xét nho nhỏ như nhắc khẽ người đọc” – Nhà văn Tô Hoài nhận xét về hình tượng thanh niên trong tác phẩm
Cô gái ấy “ôm bó hoa vào ngực”, lắng nghe câu chuyện kể của anh thanh niên rồi trầm ngâm, xúc động. Chỉ vài nét phác họa đơn giản, hình ảnh cô kĩ sư đã hiện lên tinh tế và đầy duyên dáng.
Cô kĩ sư trẻ mang tâm hồn trong trẻo, bình dị cứ thế hiện lên qua những trang giấy. Nhà văn không tô hồng mà chỉ thoáng gợi lên nhưng với độc giả lại sâu sắc, thấm thía vô cùng.
Những đóa hoa tươi vươn lên từ mảnh đất Sa Pa khô cằn
Tại vùng đất Sa Pa quanh năm mây phủ, có những nhân vật không thể xuất hiện trực tiếp mà được giới thiệu gián tiếp, góp phần thể hiện nội dung của tác phẩm.
Dù chỉ phác họa sơ sài nhưng hình ảnh những người thầm lặng cống hiến ở đỉnh núi Yên Sơn vẫn hiện lên rất chân thật qua lời kể của anh thanh niên, đó là ông kỹ sư lai tạo su hào và anh cán bộ nghiên cứu sét.
Người kỹ sư ấy luôn chăm chú quan sát cách lấy mật ong và tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào trên toàn miền Bắc, ông chỉ có một ước muốn là sản phẩm nông nghiệp về sau sẽ to hơn, ngọt hơn.
Dù chỉ là cống hiến nhỏ nhoi nhưng điều ấy đủ làm độc giả cảm nhận được sự tâm huyết ông dành cho công việc. Khi mà từ ngày này sang ngày khác, “ông vẫn cứ tiếp tục công việc của mình”.
Người luôn “trong tư thế sẵn sàng, suốt ngày chờ sét” thì chính là anh cán bộ nghiên cứu sấm sét. Công việc ấy đặc biệt và không kém phần nguy hiểm, lúc nào cũng khiến anh lo sợ “có sét lại vắng mặt mình”.
Vì thế, anh bỏ ngỏ tình trạng hôn nhân để “mười một năm không ngày nào xa cơ quan”, luôn túc trực lập bản đồ nhằm tìm tài nguyên cho đất nước. Họ miệt mài lao động trong sự lặng lẽ mà khẩn trương, tất cả vì lợi ích nhân dân.
Niềm hăng say trong lao động, phong cách sống lạc quan, tình yêu đất nước và con người của họ để lại biết bao trăn trở về cuộc đời. Những lý tưởng sống cao đẹp, đáng quý như thế từng được thể hiện qua nhạc phẩm Một đời người, một rừng cây.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Gian khổ sẽ giành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai
Cũng thường nghĩ về đời mình.” – Một đời người, một rừng cây (Trần Long Ẩn)
Họ mang tấm lòng thiện lương đáng quý, chọn lối sống âm thầm, bình dị nhưng làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến những người xung quanh.
Chất thơ nhuộm màu cho Lặng lẽ Sa Pa thêm đặc sắc
Khái niệm chất thơ trong văn xuôi nhằm định hướng về các tác phẩm có thiên hướng gợi cảm trước vẻ đẹp cuộc sống, con người thông qua ngôn từ và giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm.
Theo các nhà nghiên cứu, sáng tác của Nguyễn Thành Long luôn tạo ra những hình tượng đẹp, giàu trữ tình, đậm chất thơ, giá trị đặc sắc trong Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện sinh động ở hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Lặng lẽ Sa Pa nhẹ nhàng, êm ái tựa một bài thơ bởi phong cảnh mộng mơ nơi thiên nhiên hùng vĩ, ẩn chứa hình ảnh những con người sống, làm việc trong lặng lẽ mà không hề cô độc.
Tác giả đã tạo nên không gian trữ tình trong tác phẩm nhằm đề cao ý nghĩa và tô đậm vẻ đẹp cảnh vật lẫn con người ở Sa Pa, từ đó làm nổi bật chủ đề truyện.
Cảnh sắc Sa Pa như một bức tranh đậm chất thơ, hiện lên ở nơi núi cao với mây xanh bồng bềnh, nắng vàng nhàn nhạt. Cảnh vật vừa động vừa tĩnh, kết hợp hài hòa nên vô cùng sinh động.
Hình ảnh xanh mướt từ rừng cây đầu mùa bao bọc lấy nhau hay vẻ đẹp yêu kiều của nắng khiến quang cảnh thêm lộng lẫy “nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây”, “nắng đã mạ bạc cả con mèo”.
Vẻ đẹp của con người hòa trộn với thiên nhiên không kém phần gợi cảm. Tất cả nhân vật đều mang nét cuốn hút riêng, dù lặng lẽ nhưng không hề tầm thường vì tâm hồn của họ vẫn tỏa ra vẻ đẹp đầy lấp lánh.
Một nhà họa sĩ khát khao đi tìm cái đẹp, cô kĩ sư trẻ muốn cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng, tìm chân lí mới để khuất lấp đi cuộc tình tẻ nhạt. Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa nhiệt huyết với công việc để đem lại sản phẩm chất lượng cao.
Cán bộ nghiên cứu hy sinh hạnh phúc bản thân vì lao động khoa học, người đồng nghiệp trên đỉnh Phan-xi-păng lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng hay anh thanh niên ngày đêm đo khí tượng, góp sức trong công cuộc xây dựng đất nước.
Còn nhiều vẻ đẹp khác khuất lấp nơi đỉnh núi cao vời vợi, lặng thầm cống hiến trong sự say mê và khát vọng cao đẹp. Tất cả những nhân vật trong Lặng lẽ Sa Pa là đại diện cho vẻ đẹp rạng ngời trong tâm hồn và phong cách sống.
Cuộc gặp tình cờ giữa các nhân vật để lại nhiều dư vị nhờ nét đẹp giản dị, sự chân thành đáng mến của người thanh niên cho đến câu chuyện về cuộc sống lặng lẽ ở Sa Pa và những tình cảm nảy nở của ông họa sĩ, cô kỹ sư đối với anh.
Tất cả yếu tố trên đã thổi một làn gió mới cho văn học Việt Nam hiện đại nhờ cốt truyện êm đềm, giàu trữ tình. Tuy tác phẩm không có tình huống kịch tính nhưng vẫn lôi cuốn độc giả bởi sự nhân văn xuyên suốt.
Không chỉ ở khía cạnh nội dung, chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa còn được thể hiện sinh động về mặt hình thức. Giọng điệu kể chuyện khoan thai, nhẹ nhàng và sâu lắng của nhà văn đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Tuổi trẻ Việt Nam qua những trang văn đã sống mãi với thời gian
Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long đã để lại hình ảnh đẹp về các nhân vật không tên, những con người vô danh ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước mà anh thanh niên là hình tượng tiêu biểu.
Truyện ngắn khép lại với hình ảnh sáng ngời của những con người bình dị, đặc biệt là anh thanh niên mang vẻ đẹp của trí tuệ, giữ trong mình lý tưởng sống để vượt lên nghịch cảnh, âm thầm góp hương thơm cho đời.
Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam với sự cống hiến, hy sinh cao cả nhiều lần xuất hiện và được ca ngợi trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Những nét vẽ chân thật về con người mới của thời đại đã sống mãi với thời gian.
Đó là hình ảnh tiểu đội xe không kính của thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tuy gian khổ, thử thách nhưng cũng rất đỗi anh hùng.
Là hình tượng các cô gái thanh niên xung kích mang khát vọng độc lập dân tộc đến nơi chiến trường nguy hiểm. Họ đã tỏa sáng như những ngôi sao, thắp sáng nền trời dân tộc khi ấy đang tối tăm, mịt mù khói lửa.
Phương Định, Thao, Nho trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đều là thiếu nữ ở độ tuổi đôi mươi, họ lựa chọn công việc nguy hiểm đến tính mạng, đánh đổi tất cả vì nền độc lập dân tộc.
“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. – A.Einstein
Câu nói ấy dấy lên những trăn trở khôn nguôi về trách nhiệm, bổn phận của mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. Sống và lý tưởng hóa cuộc đời không chỉ bản thân mà còn vì gia đình, xã hội như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải biết hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.” – Tố Hữu
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa qua đó giúp độc giả hiểu hơn về những con người thầm lặng để từ đó hình thành lối sống ý nghĩa, làm hết sức mình để tạo ra cái đẹp cho cuộc đời.
Giai kỳ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất