Tấm vải đỏ là tác phẩm tiêu biểu của “nữ hoàng kinh dị” Trung Quốc Hồng Nương Tử. Mặc dù cuốn sách đã ra đời từ khá lâu song đến nay vẫn giữ vững được vị trí trong lòng bạn đọc bởi tình tiết ly kỳ và sự ám ảnh qua từng câu chữ. 

Câu chuyện về lời nguyền Ca Băng đẫm máu được kết tinh từ lòng hận thù, bên cạnh đó là hành trình đấu tranh giành lại sự sống của nhóm bạn trẻ đã mang lại cho độc giả những giá trị nhân văn đáng suy ngẫm trong cuộc sống.

“Nữ hoàng kinh dị” của văn học Trung Hoa với văn phong khác lạ

Hồng Nương Tử tên thật là Diêu Địch, một nhà văn trẻ của Trung Quốc, gia đình cô hiện nay đều sinh sống tại Thâm Quyến nhưng nguyên quán vốn ở thành phố Hồ Nam. 

"Nữ hoàng kinh dị" của văn học Trung Hoa với văn phong khác lạ

Các tác phẩm của “Nữ hoàng kinh dị” được yêu thích bởi văn phong khác lạ, luôn thiên biến vạn hóa với nhiều màu sắc. Những sáng tác vừa đa đoan, kỳ ảo lại thê lương, huyền bí. Cách xây dựng truyện có lớp lang cùng ngôn từ tinh tế giúp câu chuyện dễ đi vào lòng độc giả.

“Sự huyền bí biến ảo trong câu chữ, những tình tiết ly kỳ, sự tàn nhẫn của các nhân vật, tất cả những điều đó đều không thể đủ để diễn tả cảm giác của người đoc sau khi đọc tiểu thuyết của cô. Đọc văn của Hồng Nương Tử có cảm giác như đó là bức chân dung về một cô gái thần bí có gương mặt “biến hóa khôn lường”, tiếp xúc với mỗi người khác nhau, cô gái ấy lại có một thái độ riêng khác nhau.” – Dịch giả Nguyễn Thanh An

Tiểu thuyết của cô được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Hồng Nương Tử nổi tiếng với bộ Thất sắc gồm bảy cuốn. Hiện tại, vì một số lý do nên ở Việt Nam chỉ có năm tác phẩm là Tấm vải đỏ, Nghiệt oán tóc xanh, Mặt nạ máu, Cánh cửa xanh, Quả cam luân hồi.

Không giống với tác phẩm kinh dị – trinh thám của những cây viết nổi tiếng trong dòng văn học này như Quỷ Cổ Nữ, Lôi Mễ hay Thomas Harris, sáng tác do Hồng Nương Tử chấp bút thường mang đậm triết lý Phật giáo phương Đông, thiên về yếu tố tâm linh và tình cảm.

Là nhà văn nữ nên văn phong của Hồng Nương Tử vừa hài hước lại nhẹ nhàng, tình cảm và đầy sức gợi. Cô chú trọng khai thác nội tâm con người qua từng lát cắt sự việc, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về mỗi nhân vật.

Tấm vải đỏ và câu chuyện về lời nguyền Ca Băng đẫm máu

Tấm vải đỏ là tiểu thuyết kinh dị đầu tiên của Hồng Nương Tử, kể về lời nguyền Ca Băng đẫm máu kết tinh từ sự hận thù trong quá khứ cùng hành trình đấu tranh giành lại sự sống của nhóm bạn trẻ gồm Tần Cẩm, Kha Lương, Đường Thi Thi và Lục Tử Minh.

Tấm vải đỏ và câu chuyện về lời nguyền Ca Băng đẫm máu

Tác phẩm mở đầu bằng cảnh tượng hết sức rùng rợn và thương tâm, một người mẹ cố hết sức để giết chết đứa con gái tội nghiệp của mình dưới gốc cây hòe cổ thụ, với mục đích lấy đi đôi mắt ngây thơ đang rỉ máu ngước nhìn bà ta.

“Mặt trăng trốn vào tầng mây, dường như nó cũng không muốn chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này. Tiếng kêu cứu thảm thiết, tuyệt vọng cảu cô bé làm bầy chim hoảng loạn, rừng rậm xộc lên mùi máu tanh kỳ dị; cô bé lúc nảy với khuôn mặt đầm đìa máu chỉ còn thoi thóp thở, đôi mắt cô giờ đã biến thành hai hốc máu, máu tươi cứ trào ra đầm đìa.” – Tấm vải đỏ

Người đàn bà mang lương tâm của ác quỷ cẩn thận gói con mắt, nhẹ nhàng ôm vào lòng, quay lưng ra đi và bỏ mặc đứa bé đang thoi thóp. Cảnh tượng thê lương đẫm máu khép lại với lời thề yếu ớt của cô gái rằng “Tôi sẽ trả thù, sẽ trả thù, trả thù…”.

Sau đó là hàng loạt chi tiết rùng rợn, kéo bạn đọc vào một thế giới chết chóc cùng hình tượng “tấm vải đỏ” xuyên suốt tác phẩm. Sức hút ma mị của nó cùng lời nguyền Ca Băng ác độc đã gây ra biết bao vụ án mạng thương tâm.

Chỉ vì vô tình có được tấm vải nhuốm lời nguyền chết người mà Đường Thi Thi và nhóm bạn phải trả giá bằng cả mạng sống. Trước sức mạnh ghê gớm của kẻ truy sát, các nhân vật đã kề vai sát cánh bên nhau để cùng chiến đấu.

Giữa những nỗi đau kinh hoàng mà cái ác trong bóng tối gây ra thì tình yêu của con người vẫn nảy mầm sinh sôi, không một thế lực hắc ám nào có thể chiến thắng và chính tình yêu thương đã gột rửa được lòng hận thù xoay quanh các nhân vật.

“Chỉ cần trong tim còn tình yêu, chúng ta nhất định sẽ tái ngộ trước đá Tam sinh.

Bạn có tin vào tình yêu không?” – Tấm vải đỏ

Tấm vải đỏ gồm 25 chương, mỗi chương lại giống một câu chuyện độc lập song về ý nghĩa thì liên kết chặt chẽ với nhau. Cuốn sách xuất bản năm 2008 và hiện đã được chuyển thể thành phim với tên tiếng Trung là 恐怖片血缎惊瞳.

Tấm vải đỏ chứa đựng chất huyền bí đặc trưng của phương Đông

Tấm vải đỏ đã từng một thời “gây sốt” trên nhiều diễn đàn truyện kinh dị bởi những yếu tố tâm linh đặc trưng của phương Đông, khác với phần lớn tiểu thuyết tâm lý tội phạm mang màu sắc trinh thám phương Tây bấy giờ.

Tấm vải đỏ chứa đựng chất huyền bí đặc trưng của phương Đông

Vậy nên Hồng Nương Tử đã rất thành công khi hướng tác phẩm của mình theo lối đi riêng biệt này. Cho tới hiện tại, nếu nhắc đến những truyện kinh dị Trung Quốc nổi tiếng nhất mọi thời đại thì Tấm vải đỏ vẫn luôn có một vị trí không thể thay thế được.

“Tấm vải đỏ” là biểu tượng tâm linh xuyên suốt tác phẩm

Nhà văn đã thành công bước đầu khi lựa chọn chi tiết “tấm vải đỏ” với màu sắc ma mị, rất phù hợp để tạo dựng không khí u ám bao trùm tác phẩm. Lời văn nhẹ nhàng, du dương dẫn dắt độc giả đi vào thế giới huyền bí, nơi có sự hiện diện của linh hồn con người.

Tấm vải đỏ ma ám bằng một cách rất tình cờ được Đường Thi Thi mua lại tại ngôi làng hẻo lánh. Màu sắc đỏ tươi cực kỳ nổi bật khiến cô và nhóm bạn phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên, mỗi người lựa một phần vải để may những món đồ thời trang cho riêng mình.

Tuy nhiên, không ai biết tấm vải đẹp mê hồn kia lại mang lời nguyền chết chóc đáng sợ kết tinh từ lòng hận thù xa xưa. Từ khi mặc lên người những món đồ thời trang, hàng loạt sự kiện kinh dị đã diễn ra làm đảo lộn cuộc sống của các cô gái.

“Thế là tấm vải đỏ đã xen vào cuộc sống của họ, giống như nhát cắt nhẹ nhàng của một cây dao vậy.” – Tấm vải đỏ

Câu chuyện bắt đầu với cái chết đầy thương tâm của Lam Kỳ, sau đó Anh Kỳ hóa điên, Thi Thi mất tích. Những câu chuyện đau lòng xảy đến với ba cô bạn khiến nhân vật chính Tần Cẩm suy sụp, lo lắng cho bản thân khi đoán chắc mình chính là nạn nhân tiếp theo mà tấm vải ma quái hướng tới.

Để hóa giải lời nguyền, cô cùng Thi Thi, Tử Minh và Kha Lương phải trả tấm vải trở về ngôi làng kia. Trải qua biết bao khổ cực với nỗi sợ luôn đeo bám, cuối cùng họ phát hiện thứ ma quái đẹp đẽ ấy chỉ là công cụ nhằm thực hiện kế hoạch toàn vẹn của một nhân vật thần bí.

Mụ mo là một linh hồn lẩn khuất ở vùng chí âm, không chịu siêu thoát bởi mối thâm cừu với những vị pháp sư, trong đó có cha mẹ Tần Cẩm và Kha Lương. Bà ta lợi dụng oán khí quá nặng của tấm vải để sai khiến nó giết người, chỉ để có được “Đá Tam Sinh” quyền năng.

Chi tiết “tấm vải đỏ” đã được Hồng Nương Tử sử dụng khéo léo để tạo nên màu sắc ma mị cho truyện. Màu đỏ máu rất phù hợp với thể loại kinh dị, giúp thỏa mãn trí tưởng tượng của những độc giả yêu thích thể loại linh dị phương Đông huyền bí.

Lời nguyền Ca Băng chất chứa hận thù qua nhiều thế hệ

Mượn yếu tố tâm linh chưa có giải đáp khoa học, Hồng Nương Tử xuất sắc tạo nên sự thần bí và lôi cuốn khi kể về nguồn gốc hình thành lời nguyền Ca Băng cổ xưa. Chính sự ích kỷ trong lương tâm con người đã gây nên biết bao cái chết lương tâm cho hậu thế.

“Nguyền” trong tín ngưỡng tâm linh là một hình thức sử dụng ngôn ngữ nhằm đem đến những ứng nghiệm trong tương lai cho người khác, thường thiên về ý nghĩa trừng phạt.

“Nguyền” sử dụng ma thuật thông qua lời nói, thần chú mang tính huyền bí của thầy cúng, thầy pháp có năng lực giao tiếp với các thế lực siêu nhiên để đạt được điều mà bản thân mong muốn.

Ngược dòng về quá khứ, nhóm bạn trẻ được biết tới nguồn gốc của “Ca Băng”. Đó là câu chuyện về một người mẹ hãm hại con gái mình dưới gốc cây hòe trong rừng sâu, đợi đủ ngày tháng để lấy máu nhuộm vải tạo nên lời nguyền Ca Băng, trả thù gã chồng bội bạc. 

“Ca Băng là lời nguyền ác độc nhất trong các loại lời nguyền. Những người tạo lời nguyền đều sống trong rừng sâu. Chỗ họ ở thường có cây hòe cổ nghìn năm. Cây hòe là loại cây âm nhất trong các loài cây, do vậy cấu tạo từ này là chữ mộc ghép với chữ quỷ. Nếu dùng loại cây này để nguyền rủa , sẽ có được oan khí của ác quỷ, chính vì vậy lời nguyền khó có thể bị phá.” – Tấm vải đỏ

Ca Băng là lời nguyền đáng sợ nhất, nó ra sức truy sát những người bị nguyền rủa khi dùng máu nhuộm tấm vải. Không chỉ hại chết kiếp này mà còn ra tay với các kiếp sau của người đó nữa. Chính mối thâm thù không thể xóa bỏ đã biến Ca Băng trở nên ác độc đến thế.

Người mẹ ác quỷ ấy là Dư Kim Sa, tiểu thư nhà họ Dư quyền quý, bởi một sai lầm ngày nhỏ mà Kim Sa đã đẩy gia đình Trần Văn, người sau này là chồng cô vào chỗ chết. Cậu bé may mắn sống sót và rất nhiều năm sau, hắn quay lại trả thù dưới một hình hài và lai lịch khác.

Ôm mối cừu hận người chồng Trần Văn bội bạc, Dư Kim Sa đã tìm đến lời nguyền Ca Băng cổ xưa để trả thù hắn ta, thậm chí nguyền rủa đến cả kiếp sau bằng chính máu chảy ra từ hốc mắt của con gái.

Thực chất, Hồng Nương Tử đã sáng tạo Ca Băng dựa trên lời nguyền “mắt quỷ” vốn có từ xa xưa. Những tai họa do mắt quỷ gây ra thường chỉ là các trận ốm, tai nạn kỳ lạ song đôi khi cũng dẫn đến chết chóc.

Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian phương Đông Alan Dundeѕ, lời nguyền “mắt quỷ” được che giấu dưới vỏ bọc là một câu khen tặng khiến nạn nhân không đề phòng, từ đó được ếm vào mắt người ấy khi họ nhìn vào mắt mình.

Từ xa xưa, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã nhắc tới “mắt quỷ” trong Kinh Koran. Thậm chí, kịch của William Shakespeare sau này cũng đề cập đến lời nguyền chết chóc đáng sợ ấy.

“Ngaу cả ngàу naу, người Meхico ᴠẫn đang lưu truуền câu chuуện của bé Chita – một cô bé dễ thương ᴠà ngoan ngoãn. Nhưng đến một ngàу, một người phụ nữ ᴠóc người nhỏ bé đã đến bên cô ᴠà nói: “cô bé dễ thương quá, hãу cho phép ta được chạm ᴠào tóc ᴠà đôi mắt của bé”.

Mẹ Chita đã không cho ᴠà người phụ nữ bỏ đi, nhưng ngaу hôm ѕau cô bé bị ốm, ѕốt rất cao. Các bác ѕĩ không thể tìm ra nguуên nhân, cho đến khi một nữ phù thủу tiết lộ “cô bé đã bị ám bởi mắt quỷ”, đồng thời tiến hành giải hạn cho cô bé.” – Sưu tầm

Vì sáng tạo dựa trên lời nguyền “mắt quỷ” nên trong Tấm vải đỏ, đôi mắt và hành động móc mắt man rợ đã được tác giả đề cập tới liên tục, trở thành nhân tố quan trọng xuyên suốt tác phẩm.

Hắc Bảo với đôi mắt hai màu đẹp lạ, đôi mắt trắng dã của bà mẹ ông Hồ, Tần Cẩm cùng đôi mắt đẫm lệ, những con mắt liên tục chuyển động trong bồn cầu và hành động khoét mắt man rợ của ma nữ giúp tác phẩm trở nên lôi cuốn hơn, tạo hứng thú cho người đọc.

Lựa chọn sử dụng chi tiết này, Hồng Nương Tử đã thành công khơi dậy nỗi sợ hãi cùng trí tò mò của độc giả. Bởi lẽ, điều gì càng mơ hồ và huyền bí thì càng khiến con người khao khát muốn khám phá, đem đến nhiều cảm xúc hồi hộp khó quên.

Tấm vải đỏ và màu sắc kinh dị ma quái bao trùm

So với thị trường hiện nay thì Tấm vải đỏ là một tác phẩm cũ song nó hội tụ đầy đủ những yếu tố của truyện kinh dị Châu Á với các tình tiết giật gân đầy kích thích. Lấy đề tài trinh thám nhưng tiểu thuyết này lại lựa chọn lối đi riêng biệt.

Tấm vải đỏ và màu sắc kinh dị ma quái bao trùm

Hồng Nương Tử không hướng tác phẩm của mình theo hình thức tâm lý tội phạm như đa phần tiểu thuyết trinh thám đương đại. Cô khéo léo lồng ghép nhiều yếu tố tâm linh, về linh hồn con người cùng tiền kiếp và hậu kiếp, mang đến màu sắc độc đáo cho Tấm vải đỏ.

Có độc giả đánh giá rằng đọc cuốn tiểu thuyết này như đang xem từng cảnh phim quay chậm đắt giá của điện ảnh kinh dị châu Á. Những hình ảnh cõng ma, thang máy ở tầng mười ba cùng nhiều đôi mắt di chuyển ghê rợn trong bồn cầu đã khơi dậy nỗi sợ hãi tột cùng.

“Cái bóng của Thi Thi trong mắt Hắc Bảo càng lúc càng rõ hơn. Thi Thi cúi người xuống quan sát Hắc Bảo. Tần Cẩm không dám nhìn Thi Thi nữa, cô vừa run rẩy vừa nhìn vào mắt Hắc Bảo.

Đúng là Đường Thi Thi đang cõng một người phụ nữ tóc dài. Máu của người phụ nữ ấy đang nhỏ từ cánh tay trắng nõn xuống, nhưng cô không nhìn rõ mặt cô ta. Mái tóc dài của cô ta xòe tới mắt của Thi Thi, có sợi còn chọc vào mắt cô ấy.” – Tấm vải đỏ

Cũng bởi mang nhiều màu sắc tâm linh đặc trưng của văn hóa phương Đông nên cuốn sách có nhiều chi tiết phi hiện thực. Tuy nhiên, chính điều này đã mang đến sức hút lớn cho tác phẩm, hấp dẫn độc giả bằng những lời lý giải huyền bí về thế giới bên kia.

Điển hình là cái chết kinh dị của Lam Kỳ, nó khiến các nhân viên pháp y vốn dày dặn kinh nghiệm cũng phải khiếp sợ. Hình ảnh hồn ma dính trên áo yếm đang ôm eo nạn nhân, gục đầu vào cổ cô khiến độc giả ám ảnh khôn nguôi.

Các tình tiết ma quái xuất hiện liên tục với cường độ cao cùng lối hành văn khéo léo mang lại điểm cộng lớn cho tác phẩm. Bởi vậy từ khi ra đời, Tấm vải đỏ đã được nhận định là một trong những tác phẩm kinh dị Trung Quốc đáng sợ nhất.

Giá trị nhân văn thấm đẫm từng trang viết của Hồng Nương Tử

Bên cạnh thông điệp thiện – ác quen thuộc, Tấm vải đỏ còn mang đến câu chuyện kỳ diệu về tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn ấm áp. Giữa thế giới của chết chóc và thù hận, tình yêu vẫn luôn nảy sinh và tồn tại.

Giá trị nhân văn thấm đẫm từng trang viết của Hồng Nương Tử

Tình yêu thương mà Tần Cẩm dành cho chú mèo Hắc Bảo có đôi mắt hai màu đẹp lạ khiến độc giả không kìm được xúc động. Bên nhau như đôi bạn tri kỷ vì giữa họ được gắn kết bởi sợi dây tâm linh huyền bí.

Hắc Bảo đã dùng cả tính mạng của mình để bảo vệ Tần Cẩm, nhiều lần cứu cô thoát chết khỏi lưỡi hái tử thần, cô cũng sẵn sàng vì người bạn đặc biệt ấy mà chấp nhận mất đi đôi mắt.

“Hắc Bảo dùng cái chết của mình để nói với cô rằng bất kể số mệnh an bài thế nào, có bất công đến đâu đi nữa, nhưng vẫn có người yêu mến cô, vẫn có một con mèo sẵn sàng chết vì cô, vẫn còn tình yêu và sự ấm áp của những người bạn dành cho cô; do vậy cô phải tiếp tục kiên cường, không thể dễ dàng bỏ cuộc.” – Tấm vải đỏ

Xuyên suốt tác phẩm, độc giả dễ ấn tượng với câu chuyện tình nhân duyên tiền kiếp giữa Kha Lương và Tần Cẩm. Kha Lương là hiện thân của Giang Ngạn Hoa, Tần Cẩm là kiếp sau của Liễu Hiểu Nguyệt. Vượt qua rào cản về không gian, thời gian, họ vẫn nhận ra nhau để tiếp nối câu chuyện tình kiếp trước dang dở.

Bi kịch ập đến, Tần Cẩm đã hy sinh tính mạng để bảo vệ người mình yêu. Song Kha Lương không lập đàn tế để cứu cô bởi anh biết, nếu sống lại mà không có Hắc Bảo, cũng chẳng còn đôi mắt và anh bên cạnh thì Tần Cẩm sẽ vô cùng cô đơn, đau khổ.

“Tình yêu của họ không còn cách nào tiếp tục được nữa, cho dù chỉ cần nhìn được nhau thêm lần nữa cũng tốt. Ai biết được cô và anh còn có kiếp sau nữa hay không? Đáng tiếc trong kiếp này, họ chưa từng nói với nhau những lời yêu thương, đến cả chữ yêu cũng chưa một lần thổ lộ.” – Tấm vải đỏ

Đáng tiếc những tình cảm đẹp ấy đã bị thế lực hắc ám lợi dụng. Bà thầy mo dùng tình yêu của Thi Thi với Lục Tử Minh để ép Thi Thi tự tử, sự gắn bó giữa Tần Cẩm và Hắc Bảo mà lấy đi đôi mắt cô, không từ cả việc sai khiến linh hồn Lam Kỳ trở lại làm hại chính những người bạn thân gắn bó như ruột thịt.

Ngay cả mưu kế đớn hèn nhất là lợi dụng tình mẫu tử thiêng liêng mà mẹ Tần Cẩm dành cho cô để nương tựa cạnh bà trong thân xác đứa bé mồ côi, một việc như vậy chỉ nhằm thực hiện kế hoạch của mụ ta. 

Tuy nhiên, tình yêu trong Tấm vải đỏ đã vượt lên mọi toan tính, đố kỵ để hóa giải lòng thù hận. Chú mèo Hắc Bảo dùng cả tính mạng mình hóa giải nỗi oan khiên của Tần Cẩm. Bà thầy mo không ngờ rằng chính những giọt nước mắt không oán không hận mà cô nhỏ xuống lại là chìa khóa mở viên “Đá Tam Sinh” tiêu diệt mụ.

Trong cuốn tiểu thuyết kinh dị này, tình yêu là nguồn gốc của mọi nỗi bất hạnh. Vì bi kịch tình cảm mà người mẹ hại con để có thể báo thù. Dẫu vậy, cũng chỉ có tình yêu mới giúp hóa giải mọi mâu thuẫn, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn.

“Ông cũng không biết nữa nhưng có lẽ cách để mở đá Tam sinh là dùng nước mắt không oán, không hận của người đang yêu. Trước khi chết, giọt nước mắt không oán không hận của Tần Cẩm đã mang cả mối thâm tình mở đá Tam sinh, khiến sức mạnh của nó được phát ra mới cứu sống được cháu đấy.” – Tấm vải đỏ

Tấm vải đỏ đã thể hiện xuất sắc giá trị nhân văn mà Hồng Nương Tử muốn truyền tải. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, tình bạn giữa các cô gái vẫn ngời sáng, sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu sống lẫn nhau.

Lời nguyền Ca Băng đẫm máu xuất phát từ thứ tình cảm đê hèn, cay đắng nhưng cuối cùng đã được hóa giải bởi lòng yêu thương chân thành, thanh khiết, không vụ lợi. 

Dù cái chết đáng sợ luôn xuất hiện từ đầu tới cuối nhưng độc giả vẫn luôn cảm nhận được sự lạc quan, tươi sáng, sự tồn tại của những điều tốt đẹp xung quanh. Triết lý Phật giáo ở cuối tác phẩm đã để lại rất nhiều suy ngẫm, “Gieo hạt giống nhân, về sau nhất định có quả tốt”.

“Mọi người đều ngắm nhìn mặt trời buổi sáng sớm, hàng vạn tia nắng vàng làm nổi bật xóm núi yên tĩnh. Một vài đứa trẻ vừa đuổi nhau vừa cười vang trên cánh đồng.” – Tấm vải đỏ

Tấm vải đỏ đan xen giữa các yếu tố kinh dị, trinh thám lẫn linh dị, huyền bí, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho độc giả. Cuốn sách cũng gửi gắm những bài học ý nghĩa về tình người cao đẹp, tuy có nhiều mất mát song cái thiện vẫn luôn thắng thế.

Tiểu Mai