Kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du được mệnh danh là một trong những thi phẩm tiếng Việt được đọc nhiều nhất mọi thời đại. Bút pháp nghệ thuật tài hoa giúp cho truyện thơ trở nên chan chứa thi vị và gây ấn tượng sâu đậm với độc giả nhiều thế hệ.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều nằm ở phần đầu tác phẩm, mang giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn, được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca tiếng Việt, đặc biệt bút pháp đặc tả độc đáo đã giúp cho nhân vật trở nên sống động.
Đại thi hào Nguyễn Du với đời thơ huy hoàng trên bầu trời văn chương Việt Nam
Đại thi hào Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1766) tại làng Tiên Đình, tỉnh Hà Tĩnh. Ông vốn là cậu ấm trong gia đình quyền quý, nhiều đời giữ chức quan lớn dưới triều vua Lê, chúa Trịnh.
Thân phụ Nguyễn Du là cụ Nguyễn Nghiễm, làm quan tới chức Tể tướng, tức Thượng thư bộ Hộ triều Lê. Thân mẫu ông tên Trần Thị Tần, nguyên quán tại làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Gia tộc thi nhân sáu đời đều làm quan dưới thời vua Lê – chúa Trịnh lại nhiều lần lập chiến công hiển hách. Danh gia vọng tộc trải dài mấy trăm năm, giàu sang phú quý tột bậc. Vậy nên, trong dân gian đã lưu truyền lại bằng câu thơ:
“Bao giờ Ngàn Hống hết cây,
Sông Rum hết nước, nhà này hết quan.” – Sưu tầm
Thuở nhỏ, Nguyễn Du được sống trong nhung lụa, lại thường xuyên được cha dẫn vào phủ Chúa chơi. Tuy nhiên đến năm mười hai tuổi, ông đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải sống chung với người anh khác mẹ hơn ông 31 tuổi là Trấn thủ Sơn Tây Nguyễn Khản.
Mặc dù xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc song biến cố lịch sử đã gạt đổ hết lầu son gác tía, nạn kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử vào đầu năm 1784 đã đẩy ông vào cảnh cùng cực tha hương.
Nguyễn Du đã sống như một người dân thường, lưu lạc trong dân gian và dần cảm thông với những kiếp người nghèo khổ. Quãng thời gian đó cùng nỗi đau gia đình mất mát, ly tán phần nhiều ảnh hưởng đến ông cũng như đời thơ sau này.
“Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột… Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…” – Mộng Liên Đường chủ nhân viết lời tựa trong cuốn Truyện Kiều
Mười năm gió bụi đã tạc nên một đời văn vĩ đại mang tên Nguyễn Du. Nhà thơ chua xót cho cuộc đời chính mình, chịu cảnh lang bạt nơi xứ lạ, công danh sự nghiệp dở dang, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Vậy nên mỗi khi đọc những tác phẩm của ông, người ta đều cảm thấy như có máu nhỏ ra từ đầu ngọn bút.
Nguyễn Du từ nhỏ đã học chữ Nho, chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng Nho giáo rằng “Tôi trung không thờ hai chúa”. Vậy nên về sau, khi Nguyễn Ánh thống nhất thiên hạ, lên ngôi vua, chiêu mộ nhân tài giúp đời nhưng Nguyễn Du lại lựa chọn lui về ở ẩn, không màng nhung lụa và phó mặc cho số phận chỉ định tương lai đời mình.
“Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần đến đâu.” – Truyện Kiều
Đại thi hào đã để lại cho đời một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm trác tuyệt ở nhiều thể loại. Bất cứ sáng tác nào của ông cũng đều đạt được sự hoàn thiện đến mức kinh điển.
Nguyễn Du là nhà thơ lỗi lạc với tấm lòng bao dung sâu sắc, ông dùng đôi mắt của một người đứng giữa giông tố cuộc đời để đồng cảm, vậy nên các tác phẩm được viết ra đều thấm đẫm giá trị nhân văn và chứa chiều sâu nhân đạo hiếm có trong văn học trung đại.
Kiệt tác Truyện Kiều phản chiếu một quá khứ đau thương của cả dân tộc
Truyện Kiều dường như đã in sâu vào trong tâm thức người Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thi phẩm được sáng tác dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, phản ánh thực trạng xã hội rộng lớn dưới thời Minh triều cai trị.
Danh tác này còn có tên khác là Đoạn trường tân thanh, tức tiếng kêu thanh tân về nỗi đau xé lòng dành cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh. Tác giả đã chuyển thể từ thể loại tiểu thuyết sang 3254 câu thơ lục bát đậm đà phong vị dân gian Việt Nam.
“Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần lỡ nhịp ngang cung.” – Hoài Thanh
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là Vương Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn song vì chữ “hiếu” mà chấp nhận bán mình cứu cha, lưu lạc nơi xứ người. Nàng là biểu trưng cho những nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến cường quyền phải chịu đựng.
Ngòi bút tài hoa của Đại thi hào đã vẽ nên toàn cảnh bức tranh xã hội rộng lớn thời bấy giờ, sự táng tận lương tâm được che đậy bởi đồng tiền quyền lực, xô đẩy biết bao kiếp người vào cùng đường tuyệt lộ.
“Đồng tiền lăn tròn trên lưng con người. Đồng tiền làm cho trái hoá phải, đen hóa trắng và người đàn bà góa phụ trở thành cô dâu mới.” – Shakespeare
Nguyễn Du đã sử dụng tài năng của mình để dệt nên hình ảnh người phụ nữ toàn mỹ nhất, ca ngợi những kiếp nữ nhi bạc mệnh. Mười lăm năm lưu lạc phải chăng là số kiếp mà nữ nhân tài hoa như Thúy Kiều phải chịu đựng.
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài đi với chữ tai một vần.” – Truyện Kiều
Dù lưu lạc nơi xứ người đằng đẵng mười lăm năm song nàng Kiều vẫn mang nặng một tấm chân tình với Kim Trọng. Hai người đã từng thề nguyền đính ước với nhau nhưng cuối cùng chuyện tình này chẳng thể nào đơm hoa kết trái, hạnh phúc với nàng trong thời đại bấy giờ chỉ là một chiếc chăn hẹp.
Gia đình gặp biến cố lớn, Kiều chấp nhận lấy hiếu làm trinh, bán thân mình báo đáp công ơn dưỡng dục. Hạnh phúc đối với thân kỹ nữ như nàng giờ đây quả thực quá xa vời, một giấc mộng không ngày thành hiện thực.
Thông qua tác phẩm, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng tự do, mong muốn công bằng trong một xã hội đầy bất công và tù túng. Các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, bọn Ưng, Khuyển được điển hình hóa để phản ánh khía cạnh vô nhân tính trong thời buổi con người bị đồng tiền che mắt.
Ngôn ngữ mà Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều đã trở thành mẫu mực cho ngôn từ dân tộc. Nghệ thuật tự sự có sự phát triển vượt bậc, từ miêu tả tâm lý con người đến khắc họa cảnh vật thiên nhiên đều trong sáng, giàu sức gợi tả, gợi cảm.
“Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta…’’ – Giáo sư Đào Duy Anh đánh giá về Truyện Kiều
Giá trị nhân văn sâu sắc trong Truyện Kiều đã giúp tác phẩm vượt qua sự băng hoại của thời gian để trở thành kiệt tác lưu danh thiên cổ. Thi phẩm được công nhận là di sản vĩ đại, đỉnh cao của nền văn học dân tộc cổ điển.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều và bức chân dung tuyệt mỹ
Chị em Thúy Kiều là đoạn trích nằm ở phần mở đầu của thiên truyện thơ. Chỉ sau mấy câu tóm tắt về hoàn cảnh gia đình Vương viên ngoại, tác giả đã đi sâu miêu tả vẻ đẹp của hai ái nữ Thúy Kiều, Thúy Vân.
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Nghệ thuật tả người được tác giả sử dụng là bút pháp ước lệ tượng trưng thường thấy trong thơ xưa. Các nhà thơ lấy những vẻ đẹp của thiên nhiên để so sánh với vẻ đẹp con người. Ngòi bút tài hoa và đầy sáng tạo đã biến hóa khôn lường giúp nhân vật trở nên sống động hơn.
Nguyễn Du đã sử dụng cách gọi trang trọng dành cho người con gái đẹp là “tố nga” để gọi hai chị em nàng Kiều. Cả hai đều sở hữu vẻ đẹp chim sa cá lặn, dáng hình thanh tú, mảnh mai, yểu điệu, tâm hồn trắng trong như tuyết, như sương.
Tố Như tiên sinh tỏ ra khá kỹ tính trong việc lựa chọn hình ảnh cũng như từ ngữ để miêu tả hai nàng ái nữ nhà họ Vương. Thúy Vân qua ngòi bút của Đại thi hào hiện lên với vẻ đẹp kiêu sa, đài các.
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Gương mặt nàng Vân hiện lên đầy tươi tắn và phúc hậu, gợi sự viên mãn, tròn đầy. Nụ cười tươi tựa hoa, tiếng nói trong như tiếng ngọc rơi, mái tóc đen mượt óng ả khiến mây cũng phải thua, làn da trắng đến mức tuyết cũng phải nhường.
Thúy Vân được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều đặc ân song lại không bị ai ganh ghét, đố kị. Vẻ đẹp tràn đầy viên mãn ấy dường như đã báo trước một cuộc đời vinh hoa phú quý và bình an, không sóng gió.
Một điều khá đặc biệt đó là Nguyễn Du lại miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân trước rồi mới tới Thúy Kiều. Vẻ đẹp cô em được đánh giá “trang trọng khác vời” nhưng Thúy Kiều dường như lại đầy ấn tượng khác hẳn người thường.
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Kiều hơn hẳn Vân về tài lẫn sắc, vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà” ấy khiến người ta dù chỉ gặp một lần song lại vương vấn mãi. Nguyễn Du đã nhấn mạnh vào đôi mắt trong veo như biết nói của nàng.
“Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Đôi mắt long lanh như nước mùa thu, lông mày thanh thoát như ngọn núi mùa xuân. Tuy đẹp nhưng ẩn chứa sau đáy mắt ấy lại là một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của nàng khiến hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn.
Nhà thơ đã đem hết tài năng nghệ thuật đỉnh cao của mình để bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng đối với nhan sắc trời ban này. Tuy vậy khi đọc những dòng miêu tả về vẻ đẹp nàng Kiều, độc giả sớm có dự cảm chẳng lành về đoạn đường phía trước của cô.
Quan niệm “tài mệnh tương đố” được lưu truyền khá phổ biến trong dân gian. Phàm những gì tài hoa, tốt đẹp vượt bậc trên đời đều khó mà được lâu bền. Nàng Kiều đẹp nhưng cái đẹp ấy chẳng ai sánh bằng, vì vậy mà bị trời xanh ganh ghét, đố kị.
Một điểm khác biệt đáng chú ý nữa là khi miêu tả Thúy Vân thì Nguyễn Du không đề cập nhiều đến tài năng của cô. Đến khi dành ngòi bút cho Thúy Kiều thì ông lại nhấn mạnh đến tài sắc vẹn toàn trời ban ấy.
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.” Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Cuộc đời này hiếm có người con gái nào lại đa tài như nàng Kiều. Nhan sắc không ai bì kịp lại thêm tài năng chẳng giai nhân nào sánh bằng. Vì thế mà tâm hồn nàng cũng mẫn cảm hơn hẳn người thường, cô dường như cũng đã linh cảm được về số phận bất hạnh qua cung đàn bạc mệnh do chính mình sáng tác.
“Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Giai điệu bản nhạc da diết tới nỗi mỗi khi cất lên ai ai cũng đều não lòng. Nhan đề “Bạc mệnh” như đã vận vào cuộc đời nàng, dự báo trước một số phận bấp bênh, số kiếp hồng nhan bạc mệnh là khó tránh khỏi.
Từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại lại xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ hoàn mỹ đến thế, nhan sắc diễm lệ lại thêm tài năng xuất chúng khiến nhiều người ngưỡng mộ song chắc hẳn không tránh khỏi đôi điều ghen tị.
Mười hai câu thơ được Nguyễn Du chắp bút với giọng điệu ngợi ca hết sức trang trọng. Vẻ đẹp hội tụ đầy đủ sắc – tài – tình của nàng Kiều đều hoàn hảo tới mức lý tưởng. Qua đây độc giả cũng cảm nhận được nét tài hoa, tinh tế của nhà thơ trong nghệ thuật miêu tả nhân vật.
Bốn câu thơ cuối trong trích đoạn chính là nhận định của Tố Như tiên sinh về xuất thân cũng như phẩm hạnh của chị em Thúy Kiều. Hai tiểu thư khuê các đều sinh ra trong gia đình khá giả song cuộc đời mỗi người lại đi theo những ngã rẽ riêng.
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.” – Đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Những chi tiết trên đều chứng tỏ họ có xuất thân từ gia đình nề nếp, danh giá, được hưởng nền giáo dục đầy đủ và tốt đẹp. Qua đó nhà thơ khéo léo khẳng định phẩm hạnh cao quý, trong trắng của chị em Thúy Kiều.
Các nàng đều là những thiếu nữ đang độ tuổi trưởng thành, vẹn toàn từ nhan sắc cho tới tài năng. Dẫu vậy “hai ả tố nga” đều có lối sống kín đáo, giữ cho mình sự danh giá của tiểu thư quý tộc. Mặc những lời ong bướm ngoài kia, hai nàng Thúy luôn sống đúng với khuôn phép và chuẩn mực của lễ giáo phong kiến.
Cảm hứng nhân văn bộc lộ rõ nét qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Toàn bộ những tư tưởng, quan điểm của Nguyễn Du về phẩm giá con người đều được kín đáo gửi gắm và truyền tải qua từng câu thơ giàu cảm xúc trong trích đoạn. Ông đề cao vẻ đẹp người phụ nữ ở xã hội phong kiến luôn đầy rẫy áp bức, cường quyền.
Những kiếp nữ nhi dưới ngòi bút Đại thi hào họ Nguyễn đều hiện ra với nhan sắc lay động lòng người và tài năng vượt bậc. Bên cạnh đó, bản thân họ còn có ý thức sâu sắc về thân phận của chính mình.
Giá trị nhân văn còn thấm đẫm từng trang viết thông qua những dự cảm bất an về kiếp tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc phận, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Giọng điệu lẫn hình ảnh trong đoạn trích đều phảng phất nỗi lo lắng của Nguyễn Du khi nghĩ đến cuộc đời nàng Kiều.
Cảm nhận trọn vẹn đoạn trích Chị em thúy kiều cũng giúp độc giả thấu hiểu trái tim nhân đạo cùng cảm hứng sáng tác cao đẹp của thi nhân. Ông khơi dậy tình yêu thương, trân trọng và cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Đó là giá trị nhân văn ý nghĩa mà Nguyễn Du muốn gửi gắm.
Đoạn trích chỉ gồm 24 câu thơ song đã cho độc giả thấy tài năng văn chương đỉnh cao, xuất chúng của vị danh nhân gốc Hà Tĩnh. Ông xứng đáng trở thành bậc thầy mẫu mực về nghệ thuật miêu tả lẫn nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, giàu sức gợi.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất