Chức trách của người nghệ sĩ không chỉ là tái hiện và sao chép bức tranh xã hội đương thời mà còn  phải gieo rắc vào tâm khảm độc giả niềm tin, hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Nhận thức được sự cao quý và thiêng liêng của nghề viết, Lỗ Tấn đã đóng góp vào nền Văn học Trung Hoa nói riêng và thế giới nói chung nhiều tác phẩm giàu giá trị nhân văn như Cố hương, xuất bản lần đầu năm 1921.

Cơ duyên đến với nghệ thuật của tác giả Lỗ Tấn

Lỗ Tấn sinh năm 1881 trong một gia đình quan lại sa sút tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông còn được biết đến với nguyên danh Chu Chương Thọ, tự Thụ Nhân.

Lỗ Tấn nhìn cuộc đời dưới lăng kính một tâm hồn nhạy cảm và từng trải. Chứng kiến người bố phải ra đi đột ngột vì căn bệnh quái ác, ông hạ quyết tâm trở thành thầy thuốc để cứu rỗi sinh mạng con người.

Thế nhưng, sau quãng thời gian dài chứng kiến nỗi thống khổ và suy đồi đạo đức của con người, Lỗ Tấn nhận ra căn bệnh thể xác không đáng sợ bằng sự mục nát trong tâm hồn quần chúng dân tộc.

Đỉnh điểm là năm 1906, khi xem phim tài liệu về chiến tranh, trong đó có cảnh người Trung Quốc do làm mật thám cho Nga mà bị lính Nhật xử tử trước nhân dân. Chứng kiến sự ra đi ấy, đám đông kia lại tỏ ra vui mừng khôn xiết.

Điều này tác động rất lớn đến cách nhà văn nhìn nhận cuộc đời. Tác giả Cố hương trở nên đau đớn, căm phẫn không thôi trước sự ngủ mê của nhân dân Trung Quốc. 

Vì lẽ đó, Lỗ Tấn đến với văn chương như một điều hiển nhiên, xuất phát từ sự thôi thúc mạnh mẽ của trái tim. Ông không thể nào quay lưng với thời cuộc, bỏ ngoài tai hàng vạn tiếng khóc than bi đát.

Cơ duyên đến với nghệ thuật của tác giả Lỗ Tấn

Ngòi bút văn sĩ vô cùng chân thật và đanh thép khi phơi bày sự thối nát của bộ máy quan lại phong kiến, những kẻ xem thường tính mạng nhân dân. Đối với ông, văn chương trước hết phải lên tiếng vì sự thật, phanh phui cái xấu xa trong thời đại.

Hơn nữa, Lỗ Tấn còn rất chú ý đến “căn bệnh tinh thần” của nhân dân Trung Hoa và nhiều lần chỉ rõ sự mù quáng, u mê đến sai trái, lạc lối trong xã hội lúc bấy giờ. 

Căn bệnh trầm trọng có tính lây lan ấy đã len lỏi và ăn mòn tinh thần nhiều thế hệ, dẫn đến bi kịch đau đớn của các cá nhân, cộng đồng, thậm chí cả đất nước về sau. 

Hàng loạt tác phẩm của ông sau đó ra đời như hồi chuông cảnh tỉnh con người, kéo họ đến gần với con đường Cách mạng văn minh và tiến bộ, tiêu biểu là Thuốc hay AQ chính truyện.

Ngoài tinh thần phê phán với mục đích giải thoát con người khỏi sợi dây xiềng xích mang tên định kiến và lối sống “ngủ mê”, Lỗ Tấn còn thể hiện niềm tin yêu, hy vọng vào ngày mai tốt đẹp hơn với sự hiện diện của Cách mạng.

Tác giả khẳng định bản chất tốt đẹp vốn có của con người sẽ không bao giờ bị xoá bỏ, nó chỉ đang ẩn giấu, chực chờ khoảnh khắc để bộc lộ ra. Đây cũng chính là tinh thần nhân đạo cao cả nổi bật xuyên suốt trong sự nghiệp nhà văn.

Sống trong thời đại với đầy rẫy lừa lọc, mù quáng lẫn đày đọa như thế nhưng tâm hồn văn sĩ vẫn thanh cao. Bản thân ông chưa bao giờ quay lưng hay mất niềm tin vào con người.

Một tác phẩm thể hiện tư tưởng và tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn là Cố hương, truyện ngắn tiêu biểu thuộc tập Gào thét, xuất bản lần đầu vào năm 1923. 

Đứa con tinh thần ấy đã khẳng định kim chỉ nam “xem văn chương như vũ khí chiến đấu” của Lỗ Tấn, giúp nhân dân Trung Hoa chữa khỏi “căn bệnh” u mê và hướng đến ngày mai tươi sáng hơn.

Tác phẩm chạm đến tầng sâu nơi tiềm thức độc giả và cho thấy dù trải qua vô vàn đau đớn, con người nhất định không được đầu hàng số phận mà phải kiên định bước về phía trước, xây dựng con đường mới cho tương lai.

Nhan đề và cốt truyện độc đáo của tác phẩm 

Nhan đề và cốt truyện tác phẩm đều thể hiện phần nào tài năng văn học độc đáo của tác giả. Chúng cũng chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc lẫn cá tính sáng tạo nơi người nghệ sĩ.

 

 “Bắt tay vào viết truyện ngắn, có truyện ban đầu đến với tôi bằng một cái tên.” – Nhà văn Đỗ Chu bàn về nhan đề truyện ngắn

Nhan đề có sự tương quan mạnh mẽ với ý tưởng sáng tác, nó trở thành cái hồn cốt câu chuyện, thôi thúc nhà văn không ngừng suy ngẫm và liên tưởng. Lỗ Tấn, bằng sự tinh tế, nhạy bén của người nghệ sĩ chân chính, đã tạo nên một nhan đề mang nhiều ẩn dụ nghệ thuật.

Hai từ Cố hương không chỉ báo trước nội dung tác phẩm mà còn nhấn mạnh cái “cũ”, gợi sự liên tưởng về xã hội nông thôn thời xưa trong trong tâm hồn độc giả. 

Hơn nữa, bằng việc xây dựng nhan đề đậm màu sắc trữ tình như thế, Lỗ Tấn cũng bộc lộ được tình cảm sâu nặng của một người con đi xa nhưng luôn hướng về quê nhà.

Cơ duyên đến với nghệ thuật của tác giả Lỗ Tấn

Tài năng với con chữ của tác giả còn thể hiện trong khâu chọn lựa cốt truyện độc đáo. Dường như Cố hương không có tình huống cụ thể, chỉ là sự ghi chép về lần cuối cùng thăm quê. 

Vì vậy, sự thay đổi đáng báo động của quê nhà càng trở nên chân thực hơn trong tâm hồn người thưởng văn Lỗ Tấn. Đây hoàn toàn là thực trạng đau lòng về nông thôn Trung Quốc những năm thế kỷ XX.

Hình ảnh làng quê tiêu điều ở Cố hương

Quê hương là nơi chúng ta gắn bó từ thuở thiếu thời, nuôi dưỡng tâm hồn và gieo vào đó đoạn ký ức không thể nào quên. Chính vì thế, dù đi xa đến đâu thì thâm tâm mỗi người vẫn thổn thức khôn nguôi về hình ảnh đất mẹ.

Nhân vật “tôi” trong Cố hương không ngoại lệ khi luôn nghiêng mình nhớ về quê nhà như một lẽ đương nhiên. Trong cái lạnh buốt giá giữa đông, tâm hồn ấy háo hức trở về nơi “chôn rau cắt rốn” sau hơn hai mươi năm xa cách.

Có lẽ, sau quãng thời gian dài đằng đẵng xa quê, những tưởng tượng chuyên chở bao hy vọng và mong chờ đang dần nảy nở trong trái tim nhân vật “tôi”.

Thế nhưng khi gần về đến làng quê thân thuộc, trái tim nhân vật chính như se lại, một phần vì không khí lạnh lẽo nhưng cái cốt chính vẫn là bởi chứng kiến sự tiêu điều, ảm đạm của nơi từng gắn bỏ cả tuổi thơ.

Mặc dù không trực tiếp miêu tả tình cảnh hoang vắng hay màu sắc ảm đạm của quê hương, Lỗ Tấn vẫn gợi lên trong tâm trí độc giả dư vị man mác buồn xen lẫn với nỗi niềm tiếc thương.

Hình ảnh làng quê tiêu điều ở Cố hương 

Dường như nhân vật chính đang cố trấn áp nỗi thất vọng bằng cách tự thuyết phục rằng quê hương vốn dĩ đã như thế và một phần, tâm trạng mình cũng đang nhuốm màu u buồn.

Lỗ Tấn không dành quá nhiều từ ngữ để diễn tả sự hụt hẫng và có phần bị thương trong tâm khảm nhưng chỉ bấy nhiêu thôi là đã đủ khiến trang văn phảng phất dư vị trầm buồn.

Lần về thăm quê cuối cùng chỉ để lại trong tâm hồn nhân vật “tôi” dư vị mặn đắng và chua chát. Nơi mang đến cho ông đoạn ký ức tinh khôi như thủy tinh giờ lại dần vỡ vụn từng chút một.

Nếu là người luôn hướng về quê hương, mấy ai đủ mạnh mẽ khi tận mắt chứng kiến sự suy tàn của chốn thiêng liêng. Nhân vật “tôi” cũng thế, tâm hồn ông đang rơi từng giọt nước mắt xót xa.

Hình ảnh vạn vật hoang tàn, trơ trụi trong Cố hương cũng là tình cảnh chung của vùng quê Trung Quốc ở những năm đầu thế kỉ XX. Sự thiếu thốn và sa sút trầm trọng cứ thế xuất hiện khắp mọi ngóc ngách. 

Tình trạng ấy cũng dự báo được phần nào đau thương sắp diễn ra trong chuyến thăm quê của nhân vật. Mọi thứ không còn mang gam màu tươi sáng như trong tưởng tượng. Ký ức ngày xưa cũng như ngọn khói nhỏ, tan biến trong gió lạnh.

Những kiếp người đáng buồn trong tác phẩm 

Bao trùm tác phẩm Cố hương là thứ không khí mang màu ảm đạm, nó không chỉ khiến cảnh vật hiện ra với dáng vẻ cằn cỗi, xác xơ mà còn len lỏi vào tâm hồn và khối óc con người. 

Vừa tới cổng nhà, nhân vật “tôi” đã cảm nhận được sự hiu quạnh từ nơi tràn ngập tiếng nói cười thuở niên thiếu. Vì kế sinh nhai, rất nhiều người phải chấp nhận nói lời giã từ quê hương, đặt chân đến những vùng đất hoàn toàn xa lạ.

“Tinh mơ sáng hôm sau, tôi về tới cổng nhà. Trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió, đủ rõ nhà không đổi chủ không được. Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi, cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh.”

Ngay cả nhân vật chính cũng phải giã từ quê hương để kiếm sống ở nơi khác. Tình cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất chính là vấn đề trong xã hội đương thời, nó khiến mỗi người buộc phải thay đổi, khó giữ tấm lòng sắc son.

Gìn giữ lương tri và phẩm chất tốt đẹp của con người là điều gì đó rất xa xỉ trong thời cuộc bấy giờ. Khi phải đối diện nỗi lo “cơm – áo – gạo tiền”, người ta thường quên mất tình yêu thương và sự tự trọng.

Quê hương thay đổi kéo theo những biến chuyển nơi nội tâm và cách hành xử của con người nơi đây. Họ khác rất nhiều trong trí nhớ nhân vật chính, ai cũng chật vật, khổ sở với kế sinh nhai.

Ngay cả người thân máu mủ ruột thịt cũng bị sự ích kỷ và vụ lợi che mờ mắt. Thím Hai Dương được mệnh danh là “nàng Tây Thi đậu phụ” duyên dáng năm nào giờ đây trở thành người phụ nữ thô kệch, xấu tính.

Đón cháu mình về thăm quê cũ nhưng thím lại nói bằng giọng điệu chua ngoa, châm biếm. Vừa mắng nhân vật “tôi” vừa vơ vét đồ đạc, người phụ nữ ấy soi xét từng thứ với điệu bộ đanh đá, cay nghiệt.

Cậu cháu ruột là Hoàng cũng tỏ vẻ xa lạ khi chỉ đứng nhìn từ xa với ánh mắt ngờ nghệch. Dường như, khoảng cách đã làm phai nhòa tình cảm trong lòng cậu bé. 

Thậm chí người bạn gắn bó thuở ấu thơ cũng có những thay đổi đáng ngạc nhiên. Từ cậu bé nông dân khỏe mạnh, lanh lợi tháo vát lại trở thành một gã đàn ông già nua, mặt đầy nếp nhăn. 

Điều khiến nhân vật chính bất ngờ không đơn thuần là sự đổi thay về ngoại hình của Nhuận Thổ, người thân thiết như anh em tuổi ấu thơ mà chính là sự xuống cấp trầm trọng trong hành vi, cử chỉ và cả suy nghĩ.

Con người ta đôi lúc có hành động, cử chỉ không mấy tốt đẹp nhưng nhất định phải giữ được thiên lương cao quý. Thế mà, anh bạn thân năm nào giờ đây trở thành kẻ đần độn, chấp nhận cúi đầu trước số phận. 

Giữa họ còn tồn tại bức tường khoảng cách vô hình tên địa vị xã hội. Ở thời đại ấy, danh vọng cùng quyền lực lên ngôi, chúng chi phối toàn bộ đời sống và giam hãm con người trong chiếc lồng cổ hủ, lạc hậu.

Những số phận như thím Hai Dương hay Nhuận Thổ không phải hiếm thấy trong đất nước Trung Hoa đương thời. Sự khắc nghiệt, suy thoái của xã hội đẩy họ xuống đáy vực nhưng chính lối sống lạc hậu mới là thứ không cho con người thoát ra.

Trong Cố hương, Lỗ Tấn còn miêu tả tình cảnh Thủy Sinh, người con thứ năm của bạn mình là Nhuận Thổ. Cậu bé giống hệt bố mình ở tính nhút nhát, dè dặt nhưng trông ốm yếu và khắc khổ hơn.

Sự xuất hiện của Thủy Sinh không phải yếu tố ngẫu nhiên mà hoàn toàn xuất phát từ ý đồ nghệ thuật nơi ngòi bút Lỗ Tấn. Cậu bé như hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho một thế hệ lam lũ, bị vật chất che mờ mắt kế tiếp.

Văn sĩ nhìn thẳng vào hiện thực xã hội ung nhọt, đen tối với kiếp người “bần cùng hóa” để lột tả những thay đổi đáng buồn trong họ. Viết văn, đối với Lỗ tấn, là hành trình truy vấn và ghi chép sự thật, không chút che đậy hay lừa dối.

Hằn sâu trong từng ý văn và con chữ đanh thép là tấm lòng nhân đạo vô bờ bến. Ông phơi bày sự thối nát của xã hội nhằm mục đích thức tỉnh con người, giải cứu dân tộc khỏi “căn bệnh tinh thần” ăn sâu trong tiềm thức.

Con đường của hi vọng và tương lai trong Cố hương

Cố hương không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh khiến mỗi người phải nhìn lại chính mình mà còn thể hiện niềm tin, sự hy vọng của tác giả vào ngày mai tươi sáng và văn minh hơn.

Trong những ngày cuối ở quê nhà, nhân vật “tôi” đã chứng kiến biết bao sự thay đổi đáng báo động của quê hương và con người nơi đây. Chính vì vậy mà khi ra đi, ông không chút vướng bận hay luyến tiếc.

“Ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần, nhưng lòng tôi không chút lưu luyến. Tôi chỉ cảm thấy chung quanh tôi là bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, ngột ngạt.”

Vậy mà khi nghĩ về số phận con người nơi xứ sở, vẫn có gì đó xót xa và ảo não thường trực trong suy nghĩ nhân vật chính. Ông không thể nào thôi bận tâm hay mường tượng về hình ảnh cuộc sống mai sau. 

Những đứa trẻ như Thủy Sinh hay Hoàng là mầm non đại diện cho tương lai quê nhà, nhân vật “tôi” băn khoăn rằng chúng có được sống trong xã hội tiến bộ hay cũng giống Nhuận Thổ và ông, mãi vất vả chạy theo miếng cơm manh áo.

“Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” – Tác giả bộc bạch một cách thầm kín qua hình tượng con đường ở cuối tác phẩm

Sự xuất hiện của hình tượng con đường không phải do yếu tố ngẫu nhiên mà chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc. Nó tượng trưng cho một cách sống và suy nghĩ mới mẻ, hiện đại, soi sáng tâm trí người dân nơi đất mẹ.

Đây cũng chính là tư tưởng tiến bộ của Lỗ Tấn, hình tượng con đường có mặt với tần suất dày đặc trong sáng tác nhà văn. Chưa bao giờ ông thôi khát khao thay đổi, hướng đến cộng đồng tốt đẹp hơn. 

Con đường của hi vọng và tương lai trong Cố hương 

Để hiện thực hóa con đường đó, mỗi người dân nơi đây phải xóa bỏ các quan điểm, tư tưởng lạc hậu và cổ hủ. Đồng thời, họ cần xây dựng cách sống với suy nghĩ hiện đại để tạo hình hài cho tương lai tươi sáng về sau.

Con đường tri thức và tiến bộ trong tác phẩm không chỉ chứa đựng niềm tin tác giả về tương lai tươi sáng, hạnh phúc của ngôi làng ông gắn bó thuở nhỏ mà còn là sự hy vọng chung cho tương lai dân tộc.

Lỗ Tấn tin tưởng thế hệ tiếp nối như Thủy Sinh và Hoàng sẽ sống cuộc đời mà cha ông chúng chưa từng sống. Đó là xã hội không tồn tại xiềng xích hay ràng buộc, chỉ có sự tự do, hạnh phúc giữa người với người. 

Đây cũng chính là thông điệp chung mà nhà văn Lỗ Tấn nhắn nhủ đến độc giả mọi thế hệ. Chúng ta phải biết xóa bỏ mặt hạn chế và hình thành nếp suy nghĩ hiện đại mới, như vậy đất nước mới phát triển, xã hội mới văn minh. 

Đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Cố hương 

Cố hương in dấu trong lòng độc giả không chỉ bởi việc chứa đựng giá trị hiện thực mạnh mẽ cùng thông điệp nhân văn, tiến bộ mà còn vì bàn tay nghệ thuật tài năng của tác giả.

Để có thể tái hiện chân thực khung cảnh tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Trung Quốc đầu thế kỷ XX, Lỗ Tấn đã vận dụng một cách tài tình nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo như hồi ức, hiện tại hay đối chiếu. 

Ngôn ngữ văn chương của ông cũng đạt đến mức điêu luyện khi vừa khắc họa bức chân dung nhân vật, vừa khéo léo bóc tách từng lớp suy nghĩ trong nội tâm. 

Đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Cố hương 

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của nhà văn cũng là “điểm sáng” giúp Cố hương neo đậu mãi trong lòng độc giả. Những biến chuyển phức tạp và tinh vi khó nhận ra nơi tâm hồn các nhân vật đều được lời văn, con chữ chuyên chở tài tình.

Cố hương là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho tư tưởng tiến bộ cùng tài năng, phong cách nghệ thuật không thể trộn lẫn với bất kỳ ai của nhà văn nổi tiếng Lỗ Tấn.

Dù thời gian có in những vết hằn lên trang sách, thông điệp về con đường cuối tác phẩm sẽ mãi tồn tại trong tâm trí độc giả. Họ sẽ không thể nào quên được đã từng có một Cố hương với niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp cho toàn thể nhân dân.

Hạ Miên