Thành ngữ và tục ngữ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Mọi phép tắc hay cách ứng xử ở đời đều được lắng đọng ở thể loại văn học dân gian này.
Để ám chỉ những hạng người xấu xa, chuyên đi lừa lọc hòng vụ lợi cá nhân, ông bà ta truyền nhau thành ngữ “Mạt cưa mướp đắng”. Chỉ vỏn vẹn bốn từ ngắn gọn và hàm súc, cách nói dân dã ấy đã thể hiện được cả một vấn đề phổ biến, đáng quan tâm.
Ý nghĩa của thành ngữ Mạt cưa mướp đắng
Thành ngữ Việt Nam thường có cấu trúc sóng đôi, cùng tồn tại để bổ sung cho nhau, tạo nên một nét nghĩa chung. “Mạt cưa mướp đắng” cũng không phải là ngoại lệ, nó được cấu tạo bởi hai hình ảnh mạt cưa và mướp đắng.
Mạt cưa chính là những vụn nhỏ rơi vãi khi cưa xẻ gỗ. Ngược lại, quả mướp đắng có nguồn gốc từ một loài dây leo, trông giống như mướp nhưng vị đắng, vỏ sần sùi.
Ở miền Nam, mướp đắng còn có tên gọi khổ qua. Nó là một loài thực phẩm quen thuộc, được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Thành ngữ “Mạt cưa mướp đắng” thực chất bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian. Có anh chàng nọ vì lòng tham mà lấy mạt cưa giả làm cám, đợi khi trời sập tối đem đi rêu rao khắp chợ để bán.
Tình cờ, anh chàng này gặp ngay một kẻ lái buôn cũng đang muốn bán dưa chuột. Hai người bèn trao đổi hàng hóa cho nhau, đến khi về nhà mới phát hiện ra mình đều đã bị đối phương lừa, tráo dưa thành mướp đắng.
Vì vậy, thành ngữ quen thuộc ấy thường được sử dụng để khẳng định những kẻ sống lừa lọc, gian dối rồi cũng sẽ gặp và làm hại lẫn nhau. Bên cạnh đó, “Mạt cưa mướp đắng” còn mang ý nghĩa chỉ trích hành vi xấu xa của tất cả bọn xảo trá, vô lại.
Thành ngữ Mạt cưa mướp đắng và kiệt tác Truyện Kiều
Bậc đại thi hào Nguyễn Du được ví như một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học cổ Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với tuyệt tác Truyện Kiều, đã tồn tại suốt hàng trăm năm lịch sử, chứng kiến biết bao thăng trầm của nước nhà.
Với Truyện Kiều, văn sĩ đã chắt lọc những phần tinh tú, đẹp đẽ ở lời ăn tiếng nói nhân dân cùng ngôn ngữ văn học dân gian. Đây là thi phẩm có sự xuất hiện nhiều nhất của thành ngữ, tục ngữ trong dòng chảy thi ca từ xưa đến nay.
Để ám chỉ mối quan hệ ám muội giữa gã Mã Giám Sinh và mụ Tú Bà, thi sĩ đã vận dụng một cách tinh tế cách nói “Mạt cưa mướp đắng”. Hai kẻ xấu xa, chuyên làm chuyện ác hãm hại những người tội nghiệp này đến với nhau là một lẽ tất nhiên, hệt như hàm nghĩa mỉa mai của câu thành ngữ.
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.” – Dáng dấp của thành ngữ Mạt cưa mướp đắng trong Truyện Kiều
Nguyễn Du đã giữ nguyên cấu trúc thành ngữ, mang vào thành một phần của câu thơ. Nó không khiến mạch thi ca trở nên khô cứng gượng ép mà ngược lại, vô cùng tự nhiên và mượt mà.
Nhờ đó, ông đã lột tả bản chất xấu xa, bỉ ổi của Mã Giáng Sinh cũng như Tú Bà. Chính những kẻ này mang đến nhiều đau thương và sóng gió cho Thúy Kiều, đẩy nàng vào con đường tăm tối không lối ra.
Một xã hội đầy mạt cưa mướp đắng trong tiểu thuyết Số đỏ
Số đỏ nằm trong số tiểu thuyết đặc sắc, tiêu biểu nhất cho ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm là lời mỉa mai, châm biếm sâu cay của tác giả đối với một xã hội lố bịch và nhốn nháo, đầy rẫy những kẻ “mạt cưa mướp đắng”.
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ. Từ một kẻ hạ lưu nghèo khổ, hắn ta bỗng chốc đổi đời, gia nhập tầng lớp giàu có, được nhiều người kính trọng và nể sợ.
Để từng bước thoát khỏi cảnh nghèo khó, nhân vật chính đã thực hiện vô số hành động bỉ ổi, ti tiện. Không chỉ Xuân Tóc Đỏ mà tất cả những người xung quanh hắn ta cũng đều mang đầy thói hư tật xấu, ăn chơi vô độ.
Dù biết rõ Xuân Tóc Đỏ là người gián tiếp khiến cụ cố Hồng ra đi đột ngột, họ không hề tức giận hay thương xót mà lại cảm thấy biết ơn. Hành động của bọn họ chẳng khác gì “mạt cưa mướp đắng”, rất đáng lên án và phê phán.
Thông qua tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày toàn bộ thói hư tật xấu của tầng lớp tiểu tư sản Hà thành thời bấy giờ. Họ dần đánh mất các giá trị truyền thống tốt đẹp mà chỉ chạy theo các trào lưu Âu hóa, ngụy trang bằng lối sống xa hoa giả tạo.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất