Văn học dân gian với những câu ca dao, tục ngữ cùng thành ngữ được ví như thứ di sản văn hóa tinh thần quý báu của nhân dân ta. “Tức nước vỡ bờ” là một trong số đó, ngụ ý sự chịu đựng nào cũng có điểm dừng và giới hạn. 

Ý nghĩa của thành ngữ dân gian Tức nước vỡ bờ 

Thành ngữ “Tức nước vỡ bờ” xuất hiện phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của tầng lớp nhân dân lao động. Dù nó có dung lượng khá ngắn, chỉ bốn tiếng nhưng lại chứa đựng giá trị vô cùng sâu sắc, đáng suy ngẫm.

Cách nói dân gian này thực chất xuất phát từ hình ảnh thực. Ở những vùng sông ngòi cùng kênh rạch, người nông dân thường đắp đê và bờ để ngăn chặn nước lũ, phòng ngừa trường hợp ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống. 

Nếu dòng chảy quá mạnh hoặc các “lũy thành” kia không đủ kiên cố và vững chắc để kìm hãm, hiện tượng vỡ bờ sẽ xảy ra. Điều này cũng giống như sự nhường nhịn, kiên nhẫn của con người, đều có mức giới hạn nhất định. 

Ý nghĩa của thành ngữ dân gian Tức nước vỡ bờ 
Thành ngữ này ngụ ý bất kỳ sự kiên nhẫn và chịu đựng nào cũng có giới hạn nhất định

Vì vậy, thành ngữ “Tức nước vỡ bờ” ngụ ý bất kỳ sức chịu đựng nào cũng có giới hạn. Nếu vượt quá ngưỡng cho phép, sự nổi dậy và kháng cự sẽ ngay lập tức xuất hiện. 

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, còn một số thành ngữ khác có ý nghĩa tương tự phải kể đến là “Con giun xéo lắm cũng quằn” hay “Giọt nước tràn ly”. 

Sự góp mặt của thành ngữ Tức nước vỡ bờ trong bài thơ Vỡ bờ 

Tố Hữu là một gương mặt quen thuộc trong nền văn học Việt Nam thời kỳ Cách mạng. Ông đã đóng góp cho đời nhiều vần thơ đặc sắc về đất nước và sự anh dũng, quật cường của nhân dân ta.

Bài thơ Vỡ bờ được ông chấp bút vào năm 1944 nằm trong số đó. Thi phẩm đã tái hiện một cách chân thật các tội ác do quân xâm lược gây ra và ngợi ca tinh thần phản kháng, đấu tranh mạnh mẽ của những người con máu đỏ da vàng. 

Bằng tài năng văn học thiên bẩm cùng vốn liên tưởng độc đáo, thi sĩ đã đưa vào đứa con tinh thần ấy câu thành ngữ “Tức nước vỡ bờ”. 

Nó khiến những nỗi đau do quân xâm lược mang đến hiện ra rõ nét hơn, đồng thời bộc lộ cả ý chí kiên cường, dũng cảm dám đứng lên giành lại nền độc lập cho nước nhà của nhân dân ta.

“Dân ta tức nước vỡ bờ rồi đây!

Đói lòng không thể khoanh tay.” – Thành ngữ Tức nước vỡ bờ trong bài thơ Vỡ bờ 

Cho đến tận bây giờ, thi phẩm Vỡ bờ vẫn neo đọng nơi tâm hồn kẻ thưởng thức. Nhiều thế hệ sau sẽ mãi nhớ về những năm tháng tuy gian lao mà hào hùng ấy cùng tinh thần tức nước vỡ bờ quật cường của cha ông. 

Tinh thần Tức nước vỡ bờ trong tiểu thuyết Tắt đèn 

Tinh thần “Tức nước vỡ bờ” của nhân dân còn xuất hiện ở tiểu thuyết Tắt đèn do Ngô Tất Tố sáng tác năm 1937. Tác phẩm này thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, tái hiện những đau khổ cùng áp bức, bóc lột mà nông dân Việt Nam phải chịu đựng dưới ách đô hộ thực dân Pháp. 

Tác phẩm xoay quanh cuộc đời nghèo khổ, bi đát của nhân vật chính là chị Dậu. Người phụ nữ nông dân ấy cùng gia đình đã bị những luật lệ sưu thuế vô lý trói ép, dồn vào bước đường cùng. 

Không thể chịu đựng những quy định hà khắc ấy nữa, chị đã vùng lên đấu tranh để bày tỏ nỗi bất bình. Tinh thần phản kháng mạnh mẽ đó được thể hiện một cách rõ nét và sống động trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, thuộc chương XVII của tiểu thuyết Tắt đèn

Tinh thần Tức nước vỡ bờ trong tiểu thuyết Tắt đèn 
Sự phản kháng của chị Dậu trong tác phẩm mang đậm tinh thần câu thành ngữ “Tức nước vỡ bờ”

Sự dũng cảm nơi tâm hồn người phụ nữ ấy đã khẳng định tinh thần mạnh mẽ, cứng rắn của nhân dân Việt Nam trong xã hội bấy giờ. Họ không chấp nhận chuyện phải sống một đời luồn cúi mà luôn tiềm tàng ý thứ đứng dậy chiến đấu.

Sự phản kháng Tức nước vỡ bờ đặc biệt trong Lão Hạc 

Ý chí đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt của nhân dân ta trong xã hội xưa cũ còn xuất hiện ở truyện ngắn Lão Hạc. Tác phẩm do Nam Cao sáng tác vào năm 1943, được ví như bức tranh toàn cảnh về hiện trạng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. 

Nếu như chị Dậu dũng cảm chống lại bọn cường hào gian ác thì lão Hạc lại chọn đấu tranh theo một cách khác. Ông đã hy sinh tính mạng quý giá của mình để không đánh mất phẩm chất tốt đẹp vốn có. 

Sự ra đi ấy cũng là một biểu hiện của tinh thần “Tức nước vỡ bờ”. Chẳng thể chịu đựng kiếp sống lay lắt và héo mòn, ông đã quyết định kết liễu bản thân để không đụng đến mảnh đất dành cho con trai cưới vợ, đồng thời gìn giữ chút lương tri, tự trọng cuối cùng. 

Mỗi cá nhân trong xã hội khắc nghiệt ngày xưa đều sở hữu phương thức đấu tranh riêng biệt. Thế nhưng, tất cả họ lại có một điểm chung đáng quý, ấy là vẻ đẹp ngời sáng nơi tâm hồn, không chịu đầu hàng trước những bất công và tàn bạo.

Hạ Miên