Giữa bầu trời văn học đất Việt, tên tuổi của Nam Cao được người đời ví như ngôi sao sáng với các tác phẩm đậm chất triết lý sâu sắc. Những chi tiết dù nhỏ nhặt hay tầm thường, khi qua ngòi bút xuất sắc ấy đều ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh.

Lão Hạc: Vẻ đẹp nhân cách sáng ngời giữa hiện thực tàn khốc 

Người nghệ sĩ lấy giọt nước mắt ở đời làm chất liệu, mang lên trang giấy nỗi thống khổ của con người. Trong số đó, truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách viết văn độc đáo ấy, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1943.

Ngòi bút đậm chất hiện thực của Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc 

Tên khai sinh của Nam Cao là Trần Hữu Tri, sinh năm 1917 trong một gia đình bậc trung tại tỉnh Hà Nam. Ông từng có thời gian học ở làng, sau đó chuyển đến trường Cửa Bắc rồi Thành Chung. 

Ngòi bút đậm chất hiện thực của Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc 

Trớ trêu thay, thể chất Nam Cao vốn yếu nên chưa kịp hoàn thành chuyện học ở trường Thành Chung thì phải về nhà chữa bệnh. Năm 18 tuổi, nhà văn cưới vợ và từng làm nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai. 

Cơ duyên với văn chương của Nam Cao xuất phát từ mục đích mưu sinh. Khi mới bỡ ngỡ đến Sài Gòn, ông được nhận vào làm thư ký cho một tiệm may và viết lách để trang trải cuộc sống.

Với bút danh Thúy Rư, các sáng tác đầu tiên của nhà văn là truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ trào lưu văn học lãng mạn đương thời. 

Sau quãng thời gian tích góp, ông quyết định học lại để lấy bằng Thành Chung và dạy học ở một trường tư thục Hà Nội. Lúc này, ngòi bút văn sĩ đã trở nên cứng cáp cũng như sắc sảo hơn, tên tuổi Nam Cao cũng được biết đến rộng rãi trên văn đàn.

Năm 1941 nhà văn cho xuất bản truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi, sau này khi in lại đổi tên thành Chí Phèo. Ngay lập tức, nó tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ, nhiều độc giả tìm đến và say mê lối văn chương của ông.

Người ta yêu mến sáng tác của Nam Cao bởi tác phẩm do ông viết toát lên một sức hút kỳ lạ, khác biệt hoàn toàn thứ văn chương xa rời thực tế. Từng câu chữ trên trang giấy trắng kia thấm đẫm hơi thở cuộc đời, in hằn giọt nước mắt đắng cay. 

“Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối đi riêng, nghĩa là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Nhưng tài năng của ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài năng của mình, thiên chức của mình.” – Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét về phong cách văn học không thể trộn lẫn của nhà văn Nam Cao

Tuy theo chủ nghĩa hiện thực nhưng sáng tác của Nam Cao không hoàn toàn là bức tranh u tối với những nhân vật méo mó, xấu xa. Ông vẫn ôm ấp sự tin tưởng về bản chất lương thiện ở con người, kiếm tìm hạt ngọc đẹp đẽ ấy rồi phơi trải lên trang văn.

Truyện ngắn Lão Hạc chính là một minh chứng tiêu biểu cho lối sáng tác văn học đặc biệt ấy. Không chỉ tái hiện bức tranh nông thôn Việt Nam trước năm 1945 với gam màu xám xịt, tác phẩm còn bộc lộ niềm tin của tác giả vào lương tri con người.

Lão Hạc cùng hoàn cảnh sống bần cùng đáng thương 

Thế giới nhân vật của Nam Cao vô cùng đa dạng, ông miêu tả đủ kiểu người trên đời. Đó là Chí Phèo luôn làm dân làng khiếp sợ, bà cụ nghèo ra đi vì miếng ăn ở Một bữa no hay người cha nát rượu trong Trẻ em không được ăn thịt chó

Lão Hạc cùng hoàn cảnh sống bần cùng đáng thương 

Dù hình hài cùng tính cách khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung, ấy là sống trong cái nghèo đói, cơ cực. Lão Hạc cũng không phải ngoại lệ khi vợ thì mất sớm, đứa con trai duy nhất đi đồn điền cao su mãi chưa thấy trở về. 

Con của ông, cũng vì không đủ tiền cưới vợ nên đành bất lực khi nhìn người con gái mình yêu sâu đậm đi lấy chồng. Kể từ lúc đó, anh ôm bao muộn phiền, quyết định ký giấy bán rẻ sức lực cho quân thực dân.

Dù ngòi bút Nam Cao có lạnh lùng đến đâu thì trái tim người nghệ sĩ ấy cũng phải rung lên từng hồi đau đớn trước khoảnh khắc lão Hạc nhìn đứa con trai mình nuôi dưỡng bao năm rời xa.

“Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?” – Lão Hạc 

Thế nhưng, bi kịch cuộc đời lão Hạc đâu chỉ dừng lại ở đó. Sau trận ốm thập tử nhất sinh dẫn đến sức khỏe xuống cấp, ông không thể đi làm thuê được nữa, lại còn phải chi trả bao nhiêu chi phí. Con người đáng thương ấy đã héo dần héo mòn theo năm tháng.

Những kiếp sống lầm than như lão Hạc không hề xa lạ trong trang văn Nam Cao. Mỗi lần tác giả chấp bút, độc giả lại được chứng kiến thêm một nốt trầm cuộc đời.

Văn chương Nam Cao là thế, luôn phản ánh đúng sự thật ở đời dẫu nó có phần tàn nhẫn và nghiệt ngã. Ông không thể quay lưng với bao số phận tội nghiệp, dửng dưng trước xã hội đầy rẫy bất công.

Nhân cách cao đẹp của nhân vật lão Hạc 

Sống trong cảnh đời thê thảm nhưng lão Hạc chưa bao giờ từ bỏ nhân cách tốt đẹp để chạy theo miếng ăn. Dường như hương vị mặn chát bên ngoài hiện thực không thể gặm nhấm trái tim lương thiện, ấm áp của ông. 

“Nhà văn của những kiếp người cơ cực” bằng tài năng văn học của mình đã khắc họa nên bức chân dung nhân vật lão Hạc với nhiều đức tính đáng quý thông qua nhiều tình huống bất ngờ khác nhau.

Lão Hạc là người cha thương yêu con hết mực 

Nhiều năm lăn lộn ở trường đời đã mang lại cho Nam Cao cách nhìn đời vô cùng sâu sắc, đôi khi có phần cay nghiệt. Đối với ông, cuộc sống là sự tổng hòa của vô vàn nỗi đau, từ thể xác đến tâm hồn.

Lão Hạc là người cha thương yêu con hết mực 

Tuy nhiên, văn sỹ vẫn đề cao và thể hiện niềm tin vào tình người cao cả. Trong tác phẩm Lão Hạc, tác giả đã khắc họa nên tình cảm cha con thiêng liêng, khiến bao tâm hồn thổn thức.

Lão Hạc làm lụng vất vả một đời cũng chỉ vì khao khát mang đến cho người con duy nhất của ông cuộc sống ấm no. Ông giàu lòng vị tha, chịu đủ mọi kham khổ để vun vén, tích lũy tiền từng chút một.

Càng thương con bao nhiêu thì người đàn ông tội nghiệp ấy lại dằn vặt, tự trách mình bấy nhiêu. Ông bất lực nhìn anh vì phẫn chí mà bỏ làng ra đi, quyết kiếm đủ tiền cưới vợ thì mới quay về.

Kể từ ngày anh ra đi, lão Hạc lúc nào cũng mong ngóng bóng dáng thân quen không kể ngày đêm, trong lòng vẫn luôn canh cánh về cuộc sống của con. Cho đến lúc rơi vào bức đường cùng, ông vẫn quyết không làm khổ người con tội nghiệp này.

“Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn.” – Lão Hạc luôn nghĩ cho tương lai của con 

Có lẽ chính tình thương con vô bờ bến ấy đã biến sức mạnh níu giữ lương tri cao quý của lão Hạc trong lúc túng quẫn nhất. Dù thế nào thì ông vẫn muốn trở thành người cha tốt, không hổ thẹn với con trai.

Tình yêu thương của Lão Hạc dành cho cậu Vàng 

Lấy bối cảnh khốc liệt trước năm 1945, người đọc không khỏi bất ngờ khi chứng kiến tình yêu thương mà lão Hạc dành cho con chó ông âu yếm đặt tên là Vàng.

Hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng lão Hạc vẫn nuôi dưỡng và yêu thương chú chó mà con trai để lại. Đối với ông, sự hiện diện của nó đã khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng, giúp mình vượt qua chuỗi ngày cô đơn.

Dưới ngòi bút miêu tả của Nam Cao, tình yêu thương cùng sự săn sóc mà lão Hạc dành cho cậu Vàng hiện ra vô cùng chân thật và cảm động. Ăn gì lão cũng chia cho nó một ít, thỉnh thoảng lại bắt rận và mang ra tắm ao. 

Không chỉ vậy, dù phải chật vật lắm mới đủ miếng ăn nhưng chưa bao giờ người đàn ông khốn khổ ấy để cho cậu Vàng chịu đói. Thậm chí, lão còn cho nó ăn cơm trong cái bát to đẹp như một nhà giàu. 

Đối với lão Hạc, Cậu Vàng không chỉ là vật nuôi mà còn là sự hiện diện của đứa con trai đã mấy năm không về. Ông chửi yêu rồi tâm sự đủ điều, giãi bày nỗi niềm mong ngóng con.

“Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết cuối năm nay bố cậu có về không?” – Lão Hạc 

Cách cư xử của lão Hạc đối với chú chó cưng có phần kỳ lạ, dị hợm so với phần đông thời bấy giờ. Khi mà luôn bị ám ảnh với cái đói, con người ta đâu còn tâm trí để san sẻ bớt tình thương cho một giống loài khác. 

Ấy thế mà lão Hạc vẫn sẵn sàng cắt bớt một phần ăn và chăm lo cậu Vàng chu đáo. Đó là bởi vì nó đại diện cho hình bóng đứa con trai, trở thành nguồn động lực to lớn để ông sống mỗi ngày.

Diễn biến tâm trạng phức tạp của lão Hạc khi bán cậu Vàng 

Là nhà văn thuộc trường phái hiện thực, hơn ai hết Nam Cao ý thức được rằng cuộc đời này đầy rẫy đau thương. Chính vì vậy, tác giả đã đẩy nhân vật lão Hạc vào bước đường cùng, khiến ông phải “đứt ruột” bán đi cậu Vàng.

Thực ra lão Hạc đã có ý định bán đi cậu Vàng từ lâu, bằng chứng là người đàn ông ấy thường xuyên than phiền chuyện này với nhân vật ông giáo đến nỗi khiến hàng xóm cảm thấy phiền và bắt đầu trở nên dửng dưng.

“Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để có đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế…” – Lão Hạc 

Kể từ lần ốm thập tử nhất sinh, lão Hạc chẳng thể đi làm được nữa, hoa màu cũng bị bão tàn phá. Một người một thú cứ mỗi ngày ba hào gạo mà vẫn không thôi đói khát. 

Nếu tình trạng này cứ mãi tiếp diễn thì chắc chắn ngay cả mảnh đất để dành cho con trai cũng không giữ được. Chính vì vậy, ông lão đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là bán chú chó cưng ấy đi. 

“Thôi thì bán phắt đi! Đỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó. Tôi bây giờ có làm gì được đâu?” – Lão Hạc 

Thế là hai hôm sau khi trò chuyện với nhân vật “tôi” là ông giáo, lão Hạc lựa chọn bán cậu Vàng dù không đành lòng. Nam Cao dường như đặt mình vào hoàn cảnh của người đàn ông ấy để cảm nhận và rồi lột tả sự đau đớn, khổ sở đến cùng cực.

Dù cố tỏ ra vui vẻ khi đã trút được gánh nặng nhưng gương mặt lão Hạc lại in đậm nét buồn rầu, u uất với điệu bộ cười “mếu máo” cùng đôi mắt ngấn lệ. Chứng kiến tình cảnh đó, nhân vật “tôi” cũng phải lặng mình xót xa.

Rồi đến khi được hỏi về quá trình bắt chó, lão Hạc dường như không thể kìm chế những đợt sóng ngầm trong lòng, nước mắt cứ thế chảy ra, mang theo bao hối hận.

Lão Hạc không khóc than cho phận đời hẩm hiu của mình mà lại rơi nước mắt vì trót lừa một con chó. Ông dùng mọi từ ngữ để tự chửi bản thân, nào là kẻ “khốn nạn” rồi tệ bạc.

“Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!” – Lão Hạc 

Nam Cao quả là bậc thầy trong việc sử dụng từ ngữ, ông miêu tả một cách chính xác và chân thật bộ dáng khốn khổ cùng tâm trạng rối bời của lão Hạc. Chính vì vậy, độc giả có cảm tưởng như nhân vật này đã từ trang sách mà bước ra cuộc đời thực. 

Giữa lúc cái đói bủa vây, con người ta làm gì có thì giờ bận tâm đến các kiếp người bất hạnh xung quanh. Ấy vậy mà lão Hạc lại không thôi dằn vặt khi phải bán chó, điều vốn vô cùng bình thường trong thời đại bấy giờ. 

Đây cũng chính là điểm đặc biệt ở lão Hạc, khác hoàn toàn so với thế giới nhân vật điển hình trong trang văn của Nam Cao. Ông giàu lòng trắc ẩn, yêu thương và trân quý mọi vật ở đời.

Nhân vật lão Hạc với nét tính cách giàu lòng tự trọng 

Không sở hữu trái tim lấp lánh tình yêu thương, lão Hạc còn hiện lên với đức tính giàu lòng tự trọng đáng quý. Ông có thể nghèo về mặt vật chất nhưng không thể thấp kém cả trong tâm hồn. 

Nhân vật lão Hạc với nét tính cách giàu lòng tự trọng 

Lão đã nhờ ông giáo giữ hộ mảnh đất cho đứa con đi làm ăn xa, chưa phút giây nào người đàn ông ấy thôi trăn trở về cuộc sống và hạnh phúc tương lai của con.

“Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao?” – Lão Hạc lúc nào cũng lo nghĩ cho con trai 

Đâu chỉ dừng lại ở đó, lão Hạc suy tính đến cả cái ngày mình biến mất khỏi cõi đời này. Hoàn cảnh khó khăn của ông là thật nhưng người đàn ông hết mực thương con ấy cũng không muốn làm phiền bà con láng giềng xung quanh. 

Có lẽ một nửa tâm hồn của lão Hạc đã rơi rớt vào cái khoảnh khắc cậu Vàng bị người ta bắt đi. Cũng từ đó, ông từ chối mọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh, dù có phải ăn củ chuối, sung luộc sống qua ngày. 

Thái độ bất cần đó khiến cho ông giáo cảm thấy vô cùng khó chịu. Người duy nhất chịu lắng nghe nỗi lòng lão Hạc đã không thể hiểu tại sao lại phải tự làm khổ chính mình như vậy. 

Cho đến khi nói chuyện với Binh Tư, kẻ làm nghề trộm và vốn không ưa lão Hạc bởi “lão lương thiện quá”, ông giáo lại càng cảm thấy bất ngờ hơn, ngỡ như mình đang bị lừa dối.

“Lão làm bộ đây! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó…” – Binh Tư nói về lão Hạc 

Ông giáo không thể tin ông lão từng khóc vì trót lừa một chú chó lại có thể trở thành kẻ tồi tệ như vậy. Thì ra khi rơi vào hoàn cảnh bần cùng, con người ta khó mà giữ được tấm lòng trong sạch lúc ban đầu.

Thế nhưng, Nam Cao đã không để lão Hạc trở thành bản sao của Chí Phèo, Binh Tư hay Trương Rự. Tác giả tin rằng cuộc đời này còn rất nhiều những tâm hồn thanh cao và đẹp đẽ.

Hóa ra chút bả chó lão Hạc xin ở chỗ Binh Tư kia không phải dùng để bẫy một con vật đáng thương nào mà là tự giải thoát số kiếp đau buồn của mình. Chính người đàn ông già ốm ấy dự tính điều này từ lâu, không một lời thông báo với nhân vật “tôi”.

Ông đã chọn cho mình sự ra đi vô cùng đau đớn, như một cách tạ tội với chú chó yêu thương nhất. Mất đi cậu Vàng, lão đâu còn tha thiết gì đến cuộc sống khi suốt ngày phải gặm nhấm nỗi cô đơn.

Hoặc có lẽ trước khi bán chó, lão Hạc đã suy tính đến kết cục này rồi. Nếu như ông rời xa trần thế trước, chẳng còn ai có thể tiếp tục thay mình nuôi cậu Vàng, vì vậy mới bán đi để đổi lấy chút tiền cho con.

Dù sống trong cảnh lầm than nhưng lão Hạc vẫn vô cùng lý trí, không vì lợi ích riêng mà hy sinh cuộc sống mai sau của con cái. Cả cuộc đời này ông chưa bao giờ hy vọng được báo hiếu, chỉ mong con mình không phải chịu khổ.

Nhân vật ông giáo và triết lý về cuộc đời 

Bức thông điệp về nhân sinh mà nhà văn muốn truyền tải không chỉ được thể hiện qua lão Hạc mà còn cả ông giáo cũng như người vợ. Tuy tần suất xuất hiện tương đối ít nhưng thông qua họ, độc giả vẫn tìm thấy cho riêng mình những bài học sâu sắc.

Nhân vật ông giáo và triết lý về cuộc đời 

Không mang tên họ cụ thể, hai từ “ông giáo” đã đủ khẳng định vị thế nhân vật này trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, con người “nhiều chữ nghĩa” ấy cũng có một cuộc sống nghèo khó chẳng khác gì lão Hạc.

Sau lần ốm nặng ở Sài Gòn, con người thuộc tầng lớp trí thức ấy cũng phải bán đi những cuốn sách quý giá. Ông giáo tự thương cho phận mình, đau đớn trước bi kịch do tạo hóa sắp đặt.

“Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần.” – Ông giáo tự nói về cuộc đời đầy sóng gió của mình 

Có lẽ vì mang chung số phận hẩm hiu, ông giáo luôn sẵn sàng lắng nghe và chuyện trò với lão Hạc. Không chỉ vậy, ông còn ngấm ngầm giúp đỡ khi chứng kiến bạn mình phải ăn khoai, rau sống qua ngày.

Khi kể về tình cảnh đáng thương của lão Hạc với vợ, dù vấp phải lời khiển trách gay gắt nhưng ông giáo vẫn không hề ghét vợ mình. Ngược lại ông còn thương người phụ nữ tần tảo ấy hơn, thông cảm cho sự thô lỗ nhất thời này. 

“Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất.” – Lão Hạc 

Nhân vật ông giáo cũng chính là Nam Cao, nhà văn đã đi vào trang văn để phơi trải lên trên đó tư tưởng và cách nhìn nhận của mình về cuộc đời.

Con người ta không thể chỉ nhìn đời như vẻ vốn có của nó mà phải bóc tách từng lớp vỏ để tìm thấy bản chất thực sự. Cũng như ông giáo, nếu chẳng đặt mình vào hoàn cảnh của vợ thì sao có thể phát hiện được sự lương thiện ẩn sâu nơi trái tim thị. 

Đó cũng chính là triết lý sống sâu sắc mà văn sĩ Nam Cao muốn nhắn nhủ đến các thế hệ độc giả mai sau. Mỗi cá nhân phải nhìn đời bằng con mắt bao dung và độ lượng, thấu hiểu cho nỗi khổ của những người xung quanh.

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm 

Hiện thực phong phú với muôn vàn phận đời khổ cực đã trở thành nguồn cảm hứng dào dạt trong hàng loạt sáng tác của Nam Cao.  Vì vậy, khi mang nó lên trang giấy, giọng văn ông sắc sảo, lạnh lùng và đôi khi có phần tàn nhẫn. 

Thế nhưng, dưới lớp ngôn từ có phần ráo hoảnh tình thương đó lại là một tâm hồn suốt đời tin vào con người. Trong tác phẩm Lão Hạc, văn sỹ vẫn thắp lên ánh sáng hy vọng, giúp độc giả thêm yêu vạn vật quanh mình.

Bức tranh nông thôn hiu quạnh trong Lão Hạc 

Viết nên tác phẩm, tác giả đã tái hiện cả một thời kỳ đen tối ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945 với nạn nghèo đói triền miên, bám riết lấy con người. 

Sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến, người nông dân không có quyền làm chủ cũng như quyết định cuộc đời của mình. Họ phải bán rẻ sức lao động và tuổi xuân chỉ để đổi lấy vài đồng bạc nuôi cả gia đình. 

Cũng chính môi trường sống phi nhân tính ấy đã đẩy con người rơi vào bước cùng, bị tha hóa và trở thành những kẻ xấu xa, điển hình là nhân vật Binh Tư.

“Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ một ngày một thêm đáng buồn…” – Lão Hạc 

Những con người thấp cổ bé họng ấy chẳng thể lên tiếng để thể hiện sự bất bình của mình. Họ cứ mặc sức bị chà đạp rồi tàn tạ, chìm khuất trong bóng tối. 

Nam Cao sử dụng chính xác từng từ ngữ và chi tiết để lột tả sự xuống cấp đến mức báo động của thời đại bấy giờ. Là một người nghệ sĩ, ông không thể nào quay lưng để viết nên những câu văn đẹp đẽ, giả dối.

“Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” – Nam Cao khẳng định phương châm về nghệ thuật của mình 

Vì vậy mà trang văn ông viết ra đều mang nặng giá trị tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là tầng lớp nông dân. Chính điều này đã làm nên điểm đặc sắc trong sáng tác của Nam Cao.

Lòng yêu thương con người của tác giả Nam Cao 

Thế nhưng trang văn Nam Cao không chỉ mang một màu u ám, xám xịt mà vẫn sáng ngời tình yêu thương, sự đồng cảm với bao số phận con người. Tác giả ngụp lặn vào trong đời sống để cảm nhận nỗi đau, hòa cùng tiếng khóc than của nhân loại.

Lòng yêu thương con người của tác giả Nam Cao 

Trái tim nhân đạo cùng tầm nhìn sắc sảo giúp nhà văn cảm thông với những con người dưới đáy xã hội. Đối với ông, đã mang chức trách cao quý thì phải có tấm lòng rộng mở, lên tiếng cho các kiếp sống bị chà đạp xuống tận bùn đen. 

Nam Cao cùng những nghệ sĩ lớn khác như Thạch Lam hay Xuân Diệu đều ý thức sâu sắc về giá trị của cuộc sống. Họ hết sức nhạy cảm với các mảnh đời cơ cực, sống quẩn quanh, bế tắc.

Chính vì vậy, họ xem văn chương như một công cụ để cứu rỗi cuộc đời, níu giữ bản chất lương thiện vốn có của con người. Và với riêng Nam Cao, đã hiện diện trên cõi đời thì phải sống thật giá trị, cao cả.

Vì lẽ đó, nhà văn lớn ấy đã miêu tả nhân vật chính với một thái độ trân trọng và yêu thương. Dù kết thúc tác phẩm, lão Hạc không thể vượt qua cơn giông tố của cuộc đời nhưng ông vẫn chiến thắng được bản thân mình. 

Những nét nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Lão Hạc 

Truyện ngắn Lão Hạc in đậm dấu ấn trong lòng người đọc không chỉ bởi nội dung giàu ý nghĩa nhân văn mà còn ở bàn tay tài hoa với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc của tác giả. Nam Cao đã gọi dậy cái hồn ẩn sâu dưới câu chữ, biến nó thỏi nam châm thu hút mọi thế hệ.

Cách xây dựng câu chuyện của văn sĩ vô cùng chân thực và khéo léo. Thông qua nhiều tình huống cùng sự kiện bất ngờ, người đọc có thể cảm nhận được một cách rõ ràng về tính cách cũng như tâm lí nhân vật.

“Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra ,trước hết là tâm lí ,nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người.” –  Nhà văn Nguyễn Minh Châu bàn luận về phong cách văn học của Nam Cao 

Không chỉ vậy, cách chọn ngôi kể cùng điểm nhìn trần thuật của nhà văn cũng rất mực hợp lý. Tác giả hóa thân vào nhân vật “tôi”, là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện, vì vậy tạo được tính chân thật, khách quan cho tác phẩm. 

Nam Cao còn được tôn vinh như bậc thầy trong việc xây dựng, khắc họa chân dung nhân vật. Bằng nghệ thuật đối lập, ông tạo nên vẻ bề ngoài xấu xí, già nua, gàn dở cho lão Hạc nhưng bên trong con người ấy lại là một nhân cách trong sạch, cao cả.

Một đặc điểm tiêu biểu khiến văn chương Nam Cao khắc sâu vào tim người thưởng thức là lớp ngôn ngữ gần gũi, cô đọng lại thấm đượm chất triết lý sâu xa. Trong Lão Hạc, hơn một lần tác giả sử dụng nhiều loại câu, xen lẫn với khẩu ngữ đời thường. 

Kiếp sống lão Hạc kết thúc trên trang giấy nhưng nhân cách cao cả của ông mãi tồn tại nơi trái tim độc giả. Rồi mai này đây, con người ta sẽ nhìn đời với đôi mắt bao dung hơn, sống một cách ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

Hạ Miên