Nhật kí trong tù vốn là tâm sự của một người tù đặc biệt, Hồ Chí Minh, người tù vì mang tội làm gián điệp khi đang bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc và đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Đi đường: Nỗi niềm chân thành của người tù cách mạng

Với mục đích đơn sơ tái hiện sự việc, cảm xúc trong mười bốn tháng bị giam cầm, thi phẩm Đi đường dịch từ bản gốc Tẩu lộ in trong tập Nhật kí trong tù, đã ghi lại những nỗi niềm chân thành sâu sắc.

Hồ Chí Minh người bạn lớn của văn chương

Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ được biết đến với cương vị nhà cách mạng kiệt xuất, mà còn là một thi nhân vô cùng tài ba với nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Hồ Chí Minh người bạn lớn của văn chương

Sinh thời, dù không bao giờ tự nhận mình là nhà văn hay nhà thơ mà chỉ xin làm bạn của văn chương, một người yêu nghệ thuật. Thế nhưng, cùng với sự nghiệp cách mạng lớn lao, Người vẫn sáng tác và để lại nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.

Sáng tác của Bác hết sức phong phú lại đa dạng về phong cách nghệ thuật, bởi Người nhận ra rằng văn chương có sức mạnh to lớn, được ví như một vũ khí đấu tranh lợi hại, tiêu biểu như tập Nhật kí trong tù, Bản án chế độ thực dân Pháp, Thuế Máu.

Nắm lấy điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc sáng tác thơ ca là một hành vi cách mạng. Đây được xem như hiện tượng có vẻ nghịch lý trong văn chương nhưng lại rất nhất quán trong quan điểm nghệ thuật ở Người.

Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm Đi Đường

Bài thơ Đi đường in từ tập Nhật kí trong tù ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam năm 1942 và bị di lí giữa các nhà lao.

“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lý dư đồ cố miện gian.” – Tẩu lộ (Hồ Chí Minh)

Sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thi phẩm Đi đường về sau được nhà thơ Nam Trân dịch ra Việt ngữ bằng thể thơ lục bát gần gũi để độc giả có thể cảm nhận rõ nét hơn về ngụ ý trong câu của Bác.

“Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tận mắt muôn trùng nước non.” – Đi Đường (Hồ Chí Minh)

Trong tình thế vất vả, gian lao có thể làm chùn bước chân của người tù cách mạng bất cứ lúc nào nhưng tấm lòng yêu nước, niềm lạc quan cùng ý chí chiến đấu mạnh mẽ ấy đã giúp Người dùng lời thơ để vực dậy sức mạnh tinh thần.

Với thi phẩm Đi đường, Bác đã khắc họa chân dung và ý chí bất khuất của người tù cách mạng dù trong hoàn cảnh khó khăn. Nêu bật lên triết lý muôn đời, bởi khi vượt qua được mọi gian lao, thử thách chắc chắn sẽ đi đến thành công.

Ý nghĩa ẩn chứa đằng sau nhan đề Đi Đường

Đi đường, tuy nhan đề ngắn gọn nhưng lại vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, bởi theo Bác nói “đi đường” ở đây không đơn thuần chỉ hành động di chuyển bình thường mà thực chất là bị giải đi đày khổ ải.

Nhan đề gây ấn tượng ban đầu cho người đọc rằng đây có thể chỉ về câu chuyện ở một chuyến đi nhưng khi tìm hiểu bài thơ, độc giả thấy được Bác không tả, không kể mà ẩn sâu trong đó vẫn là triết lý vô cùng sâu xa.

Trong thời gian bị giam giữ, dù cho phải di chuyển hơn ba mươi nhà lao khác nhau, khi trèo đèo, lội suối, khi băng rừng, vượt sông, Bác vẫn ngời sáng lên tinh thần lạc quan.

Từ việc miêu tả, kể lại hành trình băng qua rừng núi khó khăn, nhà thơ còn ngụ ý về con đường cách mạng chông gai. Đó là chân lý luôn sáng rực khi con đường cách mạng tuy lâu dài và gian khổ nhưng nếu kiên trì, bền bỉ nhất định sẽ thành công.

Hành trình đi đường và băng qua rừng rúi đầy gian lao

Biết đến mỗi hành động, từng dòng thơ của Bác, người đọc như được tăng thêm vốn sống cùng nghị lực vượt lên mọi thử thách, gian lao để tin tưởng vào con đường phía trước.

“Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan.” – Đi đường (Hồ Chí Minh)

Câu thơ đầu của thi phẩm Đi đường mở ra như một lời nhận xét, chiêm nghiệm từ thực tiễn cuộc sống. Để đúc kết chân lý này, ắt hẳn Người đã trải qua biết bao gian khó, biết bao cung đường trong những lần chuyển trại, chuyển lao.

Hành trình đi đường và băng qua rừng rúi đầy gian lao

Bao lần bị giặc đày ải từ nhà tù này sang nhà tù khác, điều đó khiến Bác cảm nhận được nỗi gian lao trong mỗi bước đi. Xiềng xích, gông cùm kéo lê đôi chân người tù cách mạng và làm nhà thơ khó nhọc bội phần.

“Hôm nay xiềng xích thay dây trói

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung.” – Trên đường đi (Hồ Chí Minh)

Thấm thía điều ấy, Bác để người đọc cảm nhận cái gian lao ngấm sâu trong từng câu chữ. Hai từ “tẩu lộ” được lặp đi lặp lại liên tiếp phải chăng là sự nhấn mạnh về những cùng đường dài vô tận, khiến con người kiệt quệ vô cùng.

Câu thơ không chỉ đơn giản là sự chiêm nghiệm trong một chuyến đi mà còn bao hàm cả thái độ, đánh giá cùng nhận thức suốt chặng đường dài. Đó là đường đời nói chung và con đường cách mạng nói riêng.

Người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động bởi niềm vất vả mà Bác phải chịu đựng chốn ngục tù, ấy vậy mà câu thơ thứ hai vang lên lại giúp thấu hiểu hơn về những khó khăn đó.

“Trùng san chi ngoại hựu trùng san” – Tẩu lộ (Hồ Chí Minh)

Từ sự việc có thật là lúc trong tù, nhà thơ bị giải đi từ nhà lao này sang nhà lao khác ở  Quảng Tây – Trung Quốc vốn có địa hình nhiều rừng núi. Bác muốn nhấn mạnh đến những khó khăn không bao giờ đứt trước cuộc sống của mỗi con người. 

Trên bước đường chuyển lao đấy, nhà thơ không chỉ “ăn gió nằm sương” mà còn băng qua những cánh rừng, đồi núi trập trùng cùng bao điều nguy hiểm chực chờ.

“Giày rách đường lầy chân lấm láp

Vẫn còn dấn bước dặm đường xa.” – Mưa lâu (Hồ Chí Minh)

Vất vả ấy chẳng thấm vào đâu khi so với đôi chân mang gông cùm đang kéo lê thê trên những ngọn núi cao vô tận. Không chỉ là ngọn này mà ngọn núi khác nối tiếp nhau trở thành chuỗi dài cùng tháng ngày cơ hàn.

Điệp từ “trùng san” lặp lại trong câu khiến người đọc mường tượng ra cảnh những ngọn đồi nối tiếp nhau, cứ tất bật liên hồi. Người tù cách mạng tựa như cỗ máy lao động, leo hết ải khổ thì đến ngọn núi kia.

Trong năm tháng kháng chiến, độc giả khi đọc câu thơ trên sẽ có cảm nhận chân thật nhất về khó khăn mà Bác phải trải qua nơi đất khách quê người. “Trùng san chi ngoại hựu trùng san”, những dãy núi nhấp nhô, liên tiếp hiện ra không có điểm bắt đầu và kết thúc.

“Thuốc đắng cạn liều đã thấy đắng

Đường gay cuối chặng lại thêm gay.” – Giam lâu không được chuyển (Hồ Chí Minh)

Trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều về chuyện đi đường và những kinh nghiệm vượt khó. Có người sẽ lựa chọn bỏ cuộc trước chặng cuối gian khổ, bởi không phải ai cũng hiểu được khi sắp chạm đích đến thì thử thách lại càng lớn.

Đường đời khi đi thôi đã thấm mệt, đường giành lại độc lập, tự do bị cướp mất từ tay thực dân thì càng khó nhọc, nguy hiểm khôn lường. Lịch sử Việt Nam bốn nghìn năm dựng và giữ nước là minh chứng chân thật nhất cho điều ấy.

Niềm vui sướng khi đứng trên đỉnh cao của chiến thắng

Nếu như hai câu thơ đầu tiên, độc giả cảm nhận được nỗi khó khăn, gian lao cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời của người tù cách mạng thì hai câu thơ cuối lại mang một hương vị khác.

“Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lý dư đồ cố miện gian.” – Đi đường (Hồ Chí Minh)

Hình ảnh núi non vẫn hiện lên sừng sững nhưng lúc này chẳng thể ngăn nổi bước chân của người làm cách mạng với ý chí quyết tâm, kiên cường để chinh phục cả ngọn núi cao nhất.

Niềm vui sướng khi đứng trên đỉnh cao của chiến thắng

Cảnh núi non tiếp nối không dứt đã vẽ ra trước mắt người đọc khung cảnh điệp điệp trùng trùng. Trong bức tranh ấy, hình ảnh con người hiện lên với tư cách là chủ thể của thiên nhiên và đang đứng ở đỉnh cao ngất cùng niềm khoan khoái, tự hào.

Thu vào tầm mắt một không gian khoáng đạt, cao rộng, cả khung cảnh gấm vóc, hùng vĩ của đất nước, non sông. Câu thơ dù tả cảnh nhưng lại không giấu nổi tiếng reo hạnh phúc trong Người khi đã vượt qua muôn ngàn khổ ải.

Nhịp thơ ở đây thật nhanh, mạnh, thoảng có tiếng thở dồn dập của người tù đang mệt nhoài leo từng đỉnh núi. Thế nhưng, tuy được đặt trong khuôn khổ âm điệu và hình ảnh, ý thơ lại thiên về khuynh hướng vượt lên cái bình thường, vươn tầm cao cả.

Suốt hành trình dài, không phương tiện mà chỉ duy nhất đôi chân liên tục di chuyển, đường đi thì chực chờ nguy hiểm nhưng khi trải qua hết nỗi khổ ải đó, Người thu lại được những điều đẹp đẽ, tinh túy nhất.

Nếu trong hai câu thơ đầu tiên, Bác tập trung làm nổi bật những vất vả trên đôi chân người tù cách mạng thì đây là giây phút sung sướng, hạnh phúc khi hành trình chinh phục thử thách thành công rực rỡ.

Từ tư thế của người tù đang trong cảnh đọa đày, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng vụt đứng lên với tư cách một người tự do. Đôi chân ấy chẳng còn nặng nề bởi gông cùm, xiềng xích mà đã trở thành cảm giác vui sướng, ung dung trước không gian mênh mông đất trời.

Sau chặng đường vất vả là thế, cuối cùng người tù cách mạng ấy cũng chạm đến được đỉnh của núi non và ngắm nhìn thiên nhiên mà Người trân trọng, yêu quý vô vàn.

Hai câu thơ cuối trong bài thơ Đi đường mang vẻ đẹp thiên nhiên và cả một tâm hồn lớn. Không dừng lại ở việc lột tả độ cao vời vợi của núi non mà còn diễn tả tầm nhìn ý chí, nghị lực ở Bác.

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.” – Bài thơ nghe tiếng giã gạo (Hồ Chí Minh)

Đứng trước sự thật khách quan, mỗi độc giả có một cảm nhận khác nhau, phụ thuộc vào thế giới quan và bản lĩnh con người. Ở Hồ Chí Minh, tìm thấy những niềm tươi sáng về cuộc đời, Người không bị cái nhọc nhằn của thế xác mà lấn át đi ước mơ. 

Con đường cách mạng luôn đầy rẫy khó khăn, núi cao liên tiếp trở ngại, thách thức. Thế nhưng, khi bước chân lên đến đỉnh của nó chắc chắn sẽ thu được thành công vẻ vang, xứng đáng.

Người đã đến đích sau cuộc hành trình muôn vàn gian khổ, âm hưởng câu thơ cuối ngân vang thể hiện tinh thần lạc quan vô hạn trước tương lai tươi đẹp. Cảnh muôn trùng nước non giờ đây thu gọn lại trong tầm mắt mang niềm kiêu hãnh to lớn.

Đi đường thi phẩm thấm đẫm triết lý sâu sắc với bao thế hệ

Bằng ngôn từ vô cùng giản dị, cô đọng cùng hai tầng ý nghĩa, thi phẩm Đi đường đã xuất sắc mang đến những triết lý sâu sắc và thức tỉnh cho bao thế hệ con người.

Đi đường thi phẩm thấm đẫm triết lý sâu sắc với bao thế hệ

Một chân lý tuy bình thường nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Những khó khăn trong cuộc sống xảy ra đòi hỏi con người luôn đối mặt với nó nhưng tất cả chỉ là thước đo cho lòng kiên trì và quyết tâm.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” – Nguyễn Bá Học

Nếu Nguyễn Bá Học từng mượn hình ảnh đi đường để nhấn mạnh vai trò nghị lực, thì nay Hồ Chí Minh lại mang nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị nhưng không khô khan bởi có sự vận dụng khéo léo sáng tạo các hình ảnh.

Bài thơ không còn là chuyến đi riêng của Bác mà là chuyến đi cho tất cả mọi người. Con đường ấy gắn liền với cuộc đời, dù lắm gian nan, vất vả, nếu có quyết tâm và lòng kiên trì vượt qua thử thách, thì nhất định sẽ được thành quả cao.

“Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng trong vi ngục, biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.” – Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh)

Đi đường không chỉ là bức tranh về hành trình đầy rẫy nhọc nhằn, trở ngại, đó còn là bức chân dung tự họa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đằng sau câu chữ ấy, độc giả cũng cảm nhận được tinh thần ung dung của bậc tiên phong đạo cốt ẩn sâu trong người chiến sĩ cách mạng.

Mẫn Nhi