Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được biết đến như người nghệ sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa. Xuyên suốt hành trình sáng tạo, Người luôn đề cao tính chân thực và dân tộc trong văn học.

Thuế máu nằm trong nhóm tác phẩm tiêu biểu cho ngòi bút sắc sảo, đậm chất chính luận của Bác, trích từ cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Hằn sâu dưới lớp ngôn từ có phần hàm súc là nỗi niềm đau đớn, xót thương những kiếp người khốn cùng. 

Phong cách văn học của Hồ Chí Minh và văn bản Thuế máu 

Hồ Chí Minh có tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh năm 1890 tại tỉnh Nghệ An trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Văn chương của Bác thấm đẫm tính hiện đại xen lẫn truyền thống với một giọng điệu khi thì ôn tồn, lúc lại hùng hồn, mạnh mẽ. 

Trong hành trình sáng tác, Bác lấy bút danh là Nguyễn Ái Quốc. Đối với người nghệ sĩ này, văn học sẽ chẳng mang lại giá trị nếu không phục vụ cho đời sống chiến đấu cũng như hạnh phúc con người.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” – Bác thể hiện rõ quan điểm về văn học của mình 

Mỗi tác phẩm của vị lãnh tụ vĩ đại ấy đều chứa đựng tầng sâu ý nghĩa bọc dưới lớp ngôn ngữ vừa giản dị lại rất đỗi uyên bác. Bao năm bôn ba tìm cách giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ đã mang đến cho ngòi bút Bác sự sắc sảo và thâm thúy. 

Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho văn học dân tộc nhiều áng văn thơ xuất sắc, phản chiếu xã hội đương thời cũng như nặng trĩu hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Khởi đầu với các bài báo , sau là truyện, ký, kịch và thơ ca. 

Ở thể loại truyện và ký, ngôn ngữ Bác thường ngắn gọn, cô đọng kết hợp với cốt truyện độc đáo mang đậm nét phương Tây. Vị lãnh tụ tố cáo tội ác quân xâm lược qua sự thật ở đời, đôi khi sáng tạo cả hư cấu nghệ thuật. 

Một số tác phẩm xuất sắc phải kể đến là Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Đoàn kết giai cấp

Tuy nhiên, phong cách văn học Nguyễn Ái Quốc chỉ thực sự bộc lộ rõ ràng và đặc sắc nhất ở thể loại chính luận. Mỗi tác phẩm viết ra thường gắn với những sự kiện trọng đại trong cuộc giải phóng trường kỳ, phục vụ đường lối cũng như kêu gọi toàn dân chiến đấu.

Các tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn học của Bác ở thể loại này là Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hay Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Phong cách văn học của Hồ Chí Minh và văn bản Thuế máu 

Trong số đó, Bản án chế độ thực dân Pháp được ví như tập hồ sơ ghi lại một cách chi tiết sự tàn nhẫn của kẻ thù xâm lăng đối với tầng lớp nhân dân các nước thuộc địa. Nó đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ nghẹn ngào, đau đớn đến xót xa.

Văn bản Thuế máu nằm trong chương đầu tác phẩm, nó không chỉ tố cáo ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp mà còn phản ánh đời sống khốn khó, đồng thời vạch ra đường lối đấu tranh, giành quyền tự chủ cho nhân dân thuộc địa. 

Ý nghĩa đặc biệt đằng sau nhan đề Thuế máu 

Với vốn hiểu biết uyên sâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến người đọc phải bất ngờ bởi cách đặt tên nhan đề vô cùng ấn tượng, gợi liên tưởng sâu sắc. Ngoài việc thể hiện nội dung, nó còn phần nào bộc lộ thái độ tác giả trước hiện thực tàn khốc.

Không những áp đặt các thứ thuế vô lý cho nhà cửa, muối hay ruộng đồng mà thực dân Pháp còn bắt nhân dân thuộc địa trả cái giá vô cùng đắt mang tên “thuế máu”. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ sức lực, mạng sống của con người. 

Ý nghĩa đặc biệt đằng sau nhan đề của văn bản

Để thu được loại thuế tàn nhẫn và vô nhân tính ấy, kẻ thù xâm lăng đã sử dụng mọi mánh khóe, nào là vây bắt, đánh đập rồi bắt đi lính, khai thác khoáng sản. Đối với chúng, sinh mạng người dân An Nam cũng như thuộc địa nói chung vô cùng rẻ rúng.

Bằng cách xây dựng nhan đề đặc biệt như thế, Bác đã phần nào lột tả trần trụi bản chất xấu xa của thực dân Pháp cũng như bộc lộ thái độ xót thương, đau đớn. Đồng thời, văn bản này còn có giá trị nghệ thuật cao, tạo nên sự tò mò ở độc giả.

Chiến tranh và thái độ của thực dân Pháp đối với người bản xứ 

Ở phần đầu văn bản, Người đã vận dụng lập luận sắc bén để phơi bày bộ mặt giả tạo của bọn quan cai trị. Đó là khai thác sự tương phản trong cách thực dân Pháp đối xử với nhân dân các nước thuộc địa trước và sau chiến tranh. 

Vào thời điểm trước khi chiến tranh bùng nổ, quân xâm lược vô cùng khinh thường người dân thuộc địa, gọi họ bằng cái tên “An-nam-mít”, đối xử một cách tàn bạo với những lời dọa nạt, trận đòn roi.

Ấy thế mà sau khi chiến tranh diễn ra, bọn thực dân lại thay đổi thái độ, trở thành “quan cai trị phụ mẫu nhân hậu”, trao cho những kiếp người bị khinh thường trước kia các danh xưng cao quý.

“Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do.” – Thuế máu

Chiêu trò bịp bợm nhằm lừa gạt người dân vô tội trở thành vật hy sinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần với giọng điệu châm biếm, mỉa mai. Đằng sau trang viết ấy là sự căm phẫn, đau đớn và cả xót xa.

Thế nhưng, người dân thuộc địa đã phải trả cái giá vô cùng đắt, thậm chí là cả tính mạng để đổi lấy niềm vinh dự giả tạo mà thực dân Pháp vẽ nên. Họ rời bỏ tổ quốc, rời xa gia đình và rồi nằm lại dưới lòng đất cô quạnh nơi đất khách quê người.

“Vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái.” – Thuế máu

Tác giả Nguyễn Ái Quốc đưa ra hàng loạt bằng chứng để chỉ rõ bản chất tàn bạo những kẻ xâm lược. Đối với chúng, người dân thuộc địa không khác gì “thế thân” trên chiến trường khốc liệt, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

Chiến tranh và thái độ của thực dân Pháp đối với người bản xứ

Không dừng lại ở đó, thực dân Pháp còn ra sức chèn ép người dân hậu phương, buộc họ chế tạo vũ khí nhằm phục vụ cho chiến tranh. Bọn chúng dùng tất cả thủ đoạn để bóc lột những kiếp người nhỏ bé, tội nghiệp.

Kết quả cho tội ác tày trời ấy là tám vạn người dân thuộc địa không bao giờ còn nhìn thấy ánh nắng nơi quê hương. Họ vĩnh viễn nằm lại dưới lớp đất lạnh lẽo, bỏ lại gia đình và vợ con.

“Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa.” – Thuế máu 

Văn chương sẽ chẳng là gì nếu nó không phản ánh sự thật, lên tiếng cho những bất công cũng như số phận đau thương. Qua Thuế máu, tác giả đã phần nào lột tả bộ mặt giả dối, vô nhân đạo của bọn thực dân trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Thuế máu và chế độ lính tình nguyện khắc nghiệt 

Chế độ lính tình nguyện cũng là một chiêu trò bịp bợm nằm trong cách cai trị man rợ của thực dân Pháp. Dù muốn hay không, người dân xứ Đông Dương đều phải phó mặc cuộc sống và tuổi xuân cho bọn quan cầm quyền tùy ý sắp đặt.

“Những người bị bắt đều bị nhốt vào trại lính với đủ thứ tên: lính khố đỏ, lính thợ chuyên nghiệp, lính thợ không chuyên nghiệp.” – Thuế máu 

Thực chất, cái tên lính tình nguyện chỉ là vỏ bọc bên ngoài để che giấu chế độ khắc nghiệt của quân xâm lược. Đối với chúng, nhân dân Đông Dương cũng giống như “vật liệu biết nói”, phục vụ cho chiến trường.

Với giọng điệu chua chát xen lẫn xót xa, Người bóc trần cách thức truy lùng dân để thực hiện chế độ lính tình nguyện. Đó là khi viên công sứ Pháp cùng đám quan lại dưới trướng dọa nạt kẻ nghèo, tống tiền người giàu.

Thuế máu và chế độ lính tình nguyện khắc nghiệt

Đầu tiên, bọn thực dân Pháp vây bắt những người khỏe mạnh nhưng nghèo khổ mà theo chúng là “phải chịu chết thôi chứ không còn kêu cứu vào đâu được”, sau đó mới tới “con nhà giàu”. Nếu ai chống đối thì đe dọa bằng câu “đi lính tình nguyện, hoặc xì tiền ra”.

Dưới lời dọa dẫm như thế, những người dân thấp cổ bé họng đành phải ngậm ngùi đi lính. Thế nhưng, họ vẫn kiên cường không chịu khuất phục và tìm mọi cách để thoát ra khỏi nơi vùi lấp thanh xuân.

“Những người bị tóm đi như thế còn hào hứng gì nữa với cái nghề cột vào cổ họ. Cho nên, bước chân vào trại lính là họ liền tìm mọi cơ hội để trốn thoát.” – Thuế máu

Trong khi tìm đủ mọi cách vây bắt nhân dân vô tội, bọn thực dân vẫn không ngừng đi khắp nơi rêu rao về tinh thần tình nguyện. Chúng hứa hẹn trao “phẩm hàm” cho kẻ sống sót và “truy tặng” người hy sinh.

“Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ.” – Thuế máu 

Đứng trước sự giả dối đến mức lố lăng ấy, ngòi bút Bác không hề do dự mà phanh phui sự thật bằng những bằng chứng không thể chối cãi.

“Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lị, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn?” – Thuế máu

Ở phần Chế độ lính tình nguyện của tác phẩm, Bác đã kết hợp nhiều lý lẽ và dẫn chứng để bóc trần bản chất tham lam, tàn bạo trong chính sách cai trị đối với nhân dân thuộc địa.

Kết quả của sự hy sinh và bản chất của thực dân Pháp 

Khi chiến tranh kết thúc, nhân dân xứ Đông Dương lại trở thành “giống người bẩn thỉu”, không được coi trọng. Bọn thực dân cầm quyền một lần nữa bộc lộ bản chất xấu xa khi lật lọng, phủ nhận sự hy sinh của các “thế thân”.

Lời hứa trao tặng “phẩm hàm” hay ghi nhớ công lao giờ đây biến thành sự cướp bóc, trấn lột. Thực dân Pháp đã bắt người An Nam bỏ lại tất cả của cải trước khi xuống tàu về nước.

Bộ mặt thật của thực dân Pháp càng lộ rõ khi ra sức đánh đập người dân vô tội, bắt họ ở nơi hầm tàu ẩm ướt. Thậm chí, bọn chúng còn đầu độc cả một dân tộc bằng cách cấp môn bài bán lẻ thuốc phiện cho vợ con các thương binh và tử sĩ.

“Một mặt, họ vẫn chưa thoả khi tự tay làm cái việc bỉ ổi của người đầu độc, mà còn muốn lôi kéo vào đây cả những nạn nhân đáng thương hại của cuộc huynh đệ tương tàn nữa.” – Thuế máu 

Tác giả vô cùng căm phẫn trước tội trạng của bọn thực dân cai trị đối với nhân dân Đông Dương. Đâu chỉ dừng lại ở đó, chúng nhẫn tâm lôi kéo cả người nhà các cựu binh vào công cuộc bóc lột vô nhân tính này.

Cho dù có là nhân dân Pháp, quân xâm lược vẫn không hề kiêng dè mà giở chiêu trò lừa bịp. Chúng cho rằng chỉ cần “quăng” cho họ chút của cải thì có thể đổi lấy sinh mạng một người chồng, đứa con.

Đứng trên lập trường của một sứ giả yêu chuộng hòa bình, ngòi bút Bác có sự tách biệt rõ ràng giữa cái thiện và ác. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải người Pháp nào cũng xấu, vẫn còn nhiều cá nhân sẵn sàng lên tiếng chống lại bất công.

Để rồi ở cuối văn bản Thuế máu, tác giả cất lời kêu gọi những người biết đứng về phía lẽ phải hãy cùng đấu tranh cho tương lai hạnh phúc, khi không còn ai đổ máu hay hy sinh trên chiến trường ác liệt.

“Chúng tôi cũng tin chắc rằng thế giới văn minh và người Pháp lương thiện sẽ đứng về phía chúng tôi lên án bọn cá mập thực dân đang không ngần ngại đầu độc cả một dân tộc để vơ vét cho đầy túi.” – Thuế máu 

Bằng lời lẽ sắc bén cùng giọng văn hùng hồn, Bác đã vạch trần bộ mặt giả dối của quân xâm lược, phản ánh những số phận đau thương do chiến tranh gây ra. Đồng thời, Người khẳng định chân lý rằng dân tộc nào cũng xứng đáng được hưởng nền độc lập và tự do.

Giá trị hiện thực và nhân đạo của Thuế máu

Thuế máu được đánh giá là văn bản tiêu biểu bậc nhất cho phong cách văn học giàu giá trị hiện thực và nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đằng sau giọng văn đanh thép, lột tả trần trụi nỗi đau thương ấy cất giấu một trái tim rộng lớn, đầy ấm áp.

Văn chương bắt nguồn từ cuộc đời, vì vậy người nghệ sĩ phải khai thác triệt để thứ chất liệu quý giá ấy. Tác giả đã ngụp lặn sâu vào hiện thực để khám phá bản chất, phanh phui tội ác thực dân Pháp lên từng trang giấy. 

Giá trị hiện thực và nhân đạo của Thuế máu 

Chính vì vậy, câu văn viết ra có sức gợi đến kỳ lạ, khiến độc giả cảm nhận một cách chân thật nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của kiếp người cùng khổ trong xã hội đương thời.

Viết về hiện thực trần trụi nhưng hằn sâu trong câu chữ ấy vẫn chứa đựng tình yêu thương thiêng liêng, sâu sắc. Từ niềm xót thương đồng bào, vị lãnh tụ thấu cảm sự mất mát, hy sinh của nhân dân các nước thuộc địa và cả người Pháp vô tội. 

Đối với Bác, nền độc lập và hòa bình là điều quan trọng mà cả thế giới phải chung tay gìn giữ. Dù mang màu da hay dòng máu nào, con người phải biết lên tiếng cho lẽ phải.

Những nét nghệ thuật đặc sắc của ngòi bút Hồ Chí Minh 

Thuế máu gây tiếng vang trong lòng độc giả Việt Nam lẫn nước ngoài không chỉ bởi giá trị nội dung sâu sắc mà còn là những nét nghệ thuật độc đáo từ bàn tay người nghệ sĩ tài hoa.

Ba phần của chương Thuế máu được sắp xếp theo trình tự trước, trong và sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Nhờ đó, bản chất độc ác cùng bộ mặt giả tạo của thực dân Pháp hiện lên một cách toàn diện.

Hơn nữa, tác giả cũng rất chú ý trong khâu chắt lọc từ ngữ và hình ảnh. Từng câu văn viết ra chứa đựng sức công phá mạnh mẽ, đập tan sự giả dối của quân cai trị tàn bạo, tố cáo nỗi đau mà chúng gieo rắc trên khắp đất thuộc địa. 

Tác giả còn là bậc thầy, sử dụng nhuần nhuyễn thủ pháp nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông”. Trong Thuế máu, Bác nhiều lần nhắc lại các danh hiệu hào nhoáng mà bọn thực dân khoác lên những người lính nhằm bắt ép họ chiến đấu thay mình. 

Nhằm tăng tính thuyết phục, Bác còn trích dẫn ý kiến những người xung quanh, đôi khi là đối tượng bị đày đọa. Từ đó, sự tàn bạo của bè lũ thực dân hiện ra dưới nhiều góc độ khác nhau, gây ấn tượng mạnh nơi độc giả.

Cảm nhận của độc giả đối với tác phẩm

Mặc cho thời gian cứ chảy trôi, dư âm mà Thuế máu cũng như Bản án chế độ thực dân Pháp đem lại vẫn mãi tồn tại trong tâm hồn người đọc. 

Bằng giọng văn sắc sảo cùng ngôn ngữ uyên thâm, Nguyễn Ái Quốc đã vén bức màn hiện thực và phơi bày trực diện chính sách cai trị tàn bạo, phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược.

“Với lời văn uyên thâm, châm biếm sâu sắc, tác phẩm đã tố cáo và lên án đanh thép những tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân Pháp trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, như vấn đề thuế máu; vấn đề chiến tranh và người bản xứ; vấn đề quan cai trị; chế độ bắt lính và phu phen…” – Phó giáo sư Đàm Đức Vượng nói về tác phẩm

Đối với độc giả, tác phẩm không còn đơn thuần là cuốn nhật ký ghi lại tội ác mà nó như bản cáo trạng tấn công trực diện vào tư tưởng những tên thực dân vô lương tâm.

“Bản án do đó không phải là sự kết tội thuần túy về lí lẽ, mà là một bản cáo trạng, với những chứng minh cụ thể và hùng hồn… Các mẩu chuyện đều rất ăn khớp với dòng chính luận, văn mạch tự nhiên, trôi chảy, thường được kể lại theo nhiều hình thức. Tất cả đều cụ thể, chân thực, đúng với sự thật đã xảy ra trong cuộc sống.” – Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ về Thuế máu

Giữa màn đêm tối tăm bao phủ các nước thuộc địa, sự ra đời của Thuế máu như tia sáng thức tỉnh con người, đồng thời thắp lên hy vọng về một tương lai tự do, độc lập và bác ái.

“Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.” – Tòa soạn nhà xuất bản Trẻ

Tên tuổi vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh cùng văn bản Thuế máu sẽ mãi đi cùng thời gian. Rồi mai này, độc giả sẽ lại tìm về để cảm nhận chân thực nỗi đau khổ cùng ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc năm xưa.

Hạ Miên