Hai Phượng là bộ phim hành động do đạo diễn Lê Văn Kiệt chỉ đạo sản xuất, kể về hành trình giải cứu con gái của một người mẹ đơn thân. Với sự tham gia của đả nữ Ngô Thanh Vân, tác phẩm đã thu hút một lượng khán giả nhất định trước ngày công chiếu.

Trailer của tác phẩm Hai Phượng do Ngô Thanh Vân đóng chính

Sau hàng loạt các phim hài Tết năm 2019, Hai Phượng là “món ăn tinh thần” mới lạ với khán giả Việt. Không chỉ vậy, bộ phim còn có sự ủng hộ từ khán giả ngoại khi công chiếu tại mười tám thành phố ở Mỹ và Canada.

Những yếu tố làm nên thành công của Hai Phượng 

Lấy bối cảnh từ miền Tây sông nước đến Sài Gòn hoa lệ, bộ phim kể lại quá trình tìm con của Hai Phượng, một người mẹ Việt Nam. Với câu chuyện đơn giản, cảm động nhưng không kém phần kịch tính, Hai Phượng đã chinh phục được đại đa số khán giả.

Yếu tố màu sắc, hình ảnh trong tác phẩm cũng là một phần quan trọng đối với thành công của bộ phim. Từng chi tiết mang đậm văn hóa đặc trưng vùng miền càng khiến Hai Phượng trở nên gần gũi và chân thực hơn bao giờ hết.

Cốt truyện và hệ thống nhân vật đơn giản

Bộ phim là câu chuyện về người phụ nữ tên Hai Phượng (Ngô Thanh Vân thủ vai) trong cuộc hành trình cứu Mai (Mai Cát Vy thủ vai), đứa con gái của chị bị bắt cóc. Quá trình ấy còn trở nên căng thẳng hơn khi nó liên quan đến vấn nạn buôn bán nội tạng trẻ em vô cùng man rợ.

Ngô Thanh Vân với vai diễn Hai Phượng đầy ấn tượng
Ngô Thanh Vân với vai diễn Hai Phượng đầy ấn tượng

Hai Phượng được sinh ra trong gia đình nhà võ, có người cha nghiêm khắc dạy võ thuật từ khi còn nhỏ. Thế nhưng vì tuổi trẻ bốc đồng, cô bỏ nhà đi bụi và trở thành nữ giang hồ ở chốn Sài thành. Khi phát hiện bản thân hoài thai, Phượng đã bỏ về vùng quê xa xôi để sống ẩn dật.

Ở miền Tây sông nước ấy, Hai Phượng cũng không có một công việc ổn định. Với kỹ năng võ thuật và tính cách đanh thép, cô đành làm cho một chủ nợ có tiếng, hằng ngày đi “đòi nợ thuê” để kiếm tiền nuôi bé Mai, bỏ mặc những lời dèm pha của người ngoài.

Nhân vật chính luôn là người quan trọng đối với Mai
Nhân vật chính luôn là người quan trọng đối với Mai

Tuy nhiên, vì tính chất công việc không mấy trong sạch, Phượng không ít lần gây thù chuốc oán với người trong vùng, ngay cả Mai cũng thể hiện sự xa cách khi biết công việc của mẹ mình. Ấy vậy, thông qua sự quan tâm từ cô gái nhỏ, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tình thương mà Mai dành cho Hai Phượng.

“Con phụ Ý, con chịu khổ được. Chỉ cần Ý không đi làm giang hồ, không đòi nợ mướn nữa, cái gì con cũng chịu được hết.” – Mai tâm sự với mẹ trong bữa ăn

Trong một lần đi chợ, Mai giận mẹ nên ra bờ sông, ngồi thẫn thờ thì bất ngờ bị một băng đảng bắt cóc. Phượng thất thần tìm con, hạ gục mấy tên cản đường rồi vội vã đuổi theo nhưng không tài nào địch lại những kẻ gian ác đã có sự chuẩn bị từ trước.

Lần mâu thuẫn giữa Mai và Hai Phượng ở giữa chợ
Lần mâu thuẫn giữa Mai và Hai Phượng ở giữa chợ

Thế nên, cô bắt buộc phải quay lại Sài Gòn, nhờ vả sự giúp đỡ từ người quen như Hương (Yaya Trương Nhi thủ vai), đàn em từ mười năm trước hay anh trai ruột (Thạch Kim Long thủ vai) nhưng không thành công. Ngược lại, Phượng còn phải chịu lời cay độc từ chính anh mình.

Không còn cách nào khác, người mẹ đành liều mạng, một mình đi tìm cô con gái. Cuối cùng qua cuộc ẩu đả nghẹt thở với Trực (Phạm Anh Khoa thủ vai), một tên tội phạm trong đường dây bắt cóc, cô đã có thể thuyết phục hắn khai ra nơi ẩn náu của bọn chúng.

“Cô chỉ còn mấy tiếng nữa thôi. Chiếc xe tải đó chính là mộ sống. Một khi xuống khỏi xe lửa, cô sẽ không thấy được tụi nhỏ nữa.” – Trực nói với Hai Phượng

Một nhân vật tiêu biểu khác trong phim chính là chuyên viên điều tra Lương (Phan Thanh Nhiên thủ vai), người chịu trách nhiệm chính trong vụ đường dây bắt cóc trẻ em đang gây nhức nhối đó. Anh đã theo dõi mọi thứ từ lâu và biết Hai Phượng chính là người nắm giữ nhiều thông tin nhất.

Với cuộc “rượt đuổi” trong bốn tiếng ngắn ngủi, Hai Phượng đã truyền tải một câu chuyện căng thẳng và đầy kịch tính. Tuyến nhân vật đơn giản gồm nhân vật chính và một băng đảng là phe phản diện càng làm nhịp phim trở nên dồn dập, mang lại cảm giác hồi hộp đối với khán giả.

Nét đặc sắc đến từ các phân cảnh hành động 

Hai Phượng giới thiệu ba bối cảnh hành động lớn mà quen thuộc là vùng quê sông nước miền Tây, thế giới ngầm ở Sài Gòn và chuyến tàu hỏa ở đoạn cao trào. Bộ phim rất đa dạng về phong cách khi có cận chiến, bắn súng rồi truy đuổi, đu bám trên thành tàu. 

Hơn thế nữa, tinh thần Việt Nam cũng được truyền tải một cách khéo léo qua cách tận dụng vũ khí của Hai Phượng. Cô “có gì dùng nấy” và những chai lọ, dao chặt thịt, tua vít đều được nhân vật chính sử dụng một cách thành thạo khiến người xem “đã mắt”.

Màn đối đầu nghẹt thở giữa Trực và Hai Phượng
Màn đối đầu nghẹt thở giữa Trực và Hai Phượng

Điển hình là phân cảnh ẩu đả với Trực ở tiệm sửa xe và Thanh Sói (Trần Thanh Hoa thủ vai) trên khoang tàu hỏa định mệnh. Các thế đòn, tuyệt chiêu nhanh, mạnh và liên hoàn được trình diễn rồi “chốt hạ” bằng chiêu thức đẹp mắt nhất.

Có thể nói, với sự dẻo dai và dứt khoát của mình, Ngô Thanh Vân đã thể hiện tròn vai một Hai Phượng ngang tàng và mạnh mẽ trên màn ảnh rộng. 

Nhân vật Thanh Sói trong phim Hai Phượng
Nhân vật Thanh Sói trong phim Hai Phượng

Bên cạnh đó, những kẻ đối đầu với nhân vật chính cũng có đất diễn không hề kém cạnh. Bắt đầu là băng đảng bắt cóc bé Mai với lực lượng hùng hậu, mưu kế và sự chuẩn bị kỹ càng đã đưa Hai Phượng từ khó khăn này đến trắc trở khác, từ chiến đấu giữa chợ đông đúc tới dưới sông sâu.

Thanh Sói là người đứng đầu đường dây buôn bán ấy ở địa bàn miền Nam Việt Nam. Cô được xem là một kẻ nguy hiểm và đáng sợ qua lời giới thiệu của Hương, đàn em trước đây của Hai Phượng. Trên khoang tàu cuối cùng, Phượng và Thanh Sói đã có một trận chiến nảy lửa.

Từng động tác dứt khoát, gọn gàng, chọn điểm trọng thương mà tấn công của Thanh thể hiện cô là đối thủ xứng tầm với nhân vật chính.

Màu sắc hình ảnh ấn tượng trong Hai Phượng

Trong các phân cảnh hành động, các mảng màu xanh biển và đỏ được nhà sản xuất sử dụng khéo léo làm tăng phần kịch tính cho tác phẩm, đồng thời thể hiện được màu sắc nhộn nhịp ở Sài Gòn hoa lệ.

Thêm vào đó, Hai Phượng tạo được hiệu ứng thị giác cho người xem bằng những bối cảnh độc đáo như trụ sở cảnh sát, con hẻm nhỏ hay cầu thang. Ở nhiều đoạn, góc quay cũng thay đổi liên tục từ góc ngang nhằm khai thác độ sâu của cảnh cho đến góc máy từ trên cao hạ dần.

Hai Phượng cố gắng rượt đuổi theo bọn bắt cóc
Hai Phượng cố gắng rượt đuổi theo bọn bắt cóc

Về trang phục, xuyên suốt bộ phim, Hai Phượng chỉ mặc chiếc áo bà ba màu tím và quần vải đen, là trang phục quen thuộc của phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Khung cảnh chị còn đội nón lá, bước ra từ lò gạch đã tô đậm nét Việt Nam ngay từ những giây phút đầu tiên của bộ phim.

Khung cảnh miền Tây sông nước trong phim
Khung cảnh miền Tây sông nước trong phim

Ngoài ra, tác phẩm còn đan xen các chi tiết sinh hoạt rất Việt như việc đi xe máy, dựng rạp tổ chức đám cưới, các ghè ven sông hay những phiên chợ nổi đặc trưng. 

Lời phê bình từ giới chuyên môn và khán giả

Hai Phượng là tác phẩm điện ảnh được đầu tư kỹ càng, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt đã mất đến bốn năm “thai nghén” ý tưởng, thêm hai năm hoàn thiện kịch bản, tiêu tốn nhiều về phần kỹ xảo, hiệu ứng.

Công sức của đoàn làm phim đã có thành quả nhất định khi Hai Phượng được đông đảo khán giả đón nhận. Không chỉ ở Việt Nam, tác phẩm cũng gây tiếng vang lớn và cán mốc doanh thu đáng nể tại thị trường Mỹ.

Song, bộ phim vẫn gặp nhiều trái chiều về kịch bản cũng như sự xuất hiện của các nhân vật phụ trong phim. Đặc biệt là tổ trọng án và chuyên viên điều tra Lương phụ trách vụ án đường dây buôn bán trẻ em.

Hai Phượng là minh chứng cho sự phát triển của phim Việt

Sau khi chính thức công chiếu tại Mỹ, Hai Phượng ngay lập tức đã nhận được những lời khen ngợi và điểm số rất cao trên trang Rotten Tomatoes. Ngoài ra bộ phim còn trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của các cư dân mạng xã hội Reddit.

“Dù các sự kiện có sức hấp dẫn dữ dội như thế nào, nhà làm phim vẫn nhớ tạo ra một nhân vật chính phức tạp, đa chiều để thành công chinh phục cảm xúc của khán giả.” – Sara Michelle Fetters chia sẻ góc nhìn của cô trên trang Rotten Tomatoes

Hơn thế nữa, Hai Phượng được các nhà phê bình, nhà báo đánh giá là bộ phim Việt hấp dẫn và hoàn toàn có thể sánh ngang với những bộ phim Hollywood ở cùng thể loại. Có thể nói tác phẩm chính là bước đệm tốt cho điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.

“Thế hệ những nhà làm phim trẻ đã cho thế giới thấy một hình ảnh khác về một Việt Nam hiện đại, sôi động, thay vì câu chuyện về chiến tranh Việt Nam trước đó.” – Richard Yu có lời bình trên trang báo Cinema Escapist

Hầu hết khán giả đều hứng thú với màn hóa thân của Ngô Thanh Vân. Từng góp mặt trong các bộ phim nổi tiếng như Star Wars, Ngọa hổ tàng long 2, nữ diễn viên đã ghi điểm đối với khán giả. Để rồi ở lần tái xuất với vai chính Hai Phượng, cô thực sự để lại ấn tượng cho người xem.

Bộ phim vẫn còn nhiều tồn đọng trong kịch bản

Tuy vậy, tác phẩm vẫn tồn tại nhiều điểm khúc mắc và khó hiểu. Một số khán giả cho rằng sự xuất hiện của thanh tra Lương khi phát hiện Hai Phượng là bất hợp lý, nhà làm phim nên cài cắm thêm tình tiết để mạch truyện trở nên rõ ràng và chặt chẽ hơn.

“Tôi nghĩ phim sẽ cuốn hút và hay hơn nếu nhà làm phim chú trọng vào tính logic của mạch truyện, đặc biệt về sự xuất hiện của điều tra viên và lai lịch của Thanh Sói.” – Một khán giả chia sẻ cảm nhận trên diễn đàn IMDb

Tiếp đến là nhân vật Thanh Sói, khán giả mong muốn sẽ có những lời thoại để miêu tả rõ hơn về nhân vật thay vì chỉ giới thiệu cô qua lời kể của Hương, đàn em trước đây của Hai Phượng. Hay anh trai của Phượng cũng chỉ xuất hiện trong ít phút ngắn ngủi và không tác động gì đến mạch truyện.

Nhìn chung, Hai Phượng chính là sự nỗ lực đáng được công nhận và cổ vũ của làng điện ảnh Việt Nam. Với những phân cảnh võ thuật, màu sắc đẹp mắt cùng màn hóa thân ấn tượng của các diễn viên thì đây vẫn là một bộ phim khiến khán giả mãn nhãn.

Cam Ngọt