Trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam (1930 – 1945), cùng với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố xuất thân từ nghề làm báo đã nổi lên như một đỉnh núi chót vót cao, trở thành một trong những cây bút lỗi lạc nhất thế kỷ XX. 

Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực xuất sắc, chuyên viết về đề tài người nông dân nghèo trước cách mạng. Ông được coi là nhà văn hàng đầu trong trào lưu văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945. 

Ngòi bút của Ngô Tất Tố luôn hướng đến người nông dân nghèo, ở đó ông khai thác và khám phá vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn họ. Dù đã đi xa, những tác phẩm của nhà văn vẫn còn tính thời sự, mang nhiều thông điệp ý nghĩa trong đời sống hiện nay.

Ngô Tất Tố là nhà văn đa tài của đất Hà Thành

Ngô Tất Tố sinh năm 1893 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em gồm ba trai, bốn gái.

“Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ đầu của nền văn hoá quốc ngữ, đã có những đóng góp to lớn đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố đa dạng, phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, dịch lý.” – Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh tại Hội thảo Nhà văn Ngô Tất Tố

Vì vậy, bên cạnh giá trị văn học, tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố còn chứa đựng biết bao giá trị khác. Đây là thứ mà các bộ môn khoa học như Văn hoá học, Xã hội học, Phong tục học, Dân tộc học phải tìm đến như những tài liệu đáng tin cậy. 

Một nhà nho chân chính của đất Việt

Cụ thân sinh của Ngô Tất Tố là Ngô Thanh Tiến, ông nội là cụ Ngô Văn Thông và thường được gọi là cụ Tú Thông, một nhà Nho trong làng. Bởi vậy từ khi còn nhỏ, Ngô Tất Tố đã sớm thụ hưởng một nền giáo dục Nho học đương thời. 

Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ do triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch nhưng thi hương thì bị hỏng ở kỳ đệ nhất. 

Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên được gọi là đầu xứ Tố. Ở kỳ thi hương lần thứ hai, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, ông qua được kỳ đệ nhất nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị. 

Năm 1917, Phủ Toàn quyền Đông dương quy định lại bộ máy giáo dục ở miền Bắc, chế độ thi cử bằng chữ Hán được thay bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Điều này tác động mạnh mẽ đến bộ mặt đời sống xã hội bấy giờ, thế hệ các nhà nho khi đó phải đương đầu với nhiều thử thách.

Một nhà báo trung thực và dũng khí 

Không như nhiều bạn Làng Nho khác, thay vì lui về ở ẩn rồi dạy học tại các làng quê hay làm ông đồ bày mực tàu giấy đỏ viết thư pháp kiếm tiền, Ngô Tất Tố đã lựa chọn đến với nghiệp báo, dịch sách để mưu sinh. 

Thời gian sau đó, các bài viết của ông được đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau, đa phần đều có nội dung phản ánh và lên án các thói hư tật xấu trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, không lâu sau thì ông cùng Tản Đà vào Sài Gòn thử sức mới. 

Trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, dù không thật sự thành công nhưng ông có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp, đồng thời theo đuổi nghề viết văn để sau này trở thành nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp.

Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố đã trở ra Hà Nội tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho nhiều tờ báo với nhiều bút danh khác nhau, ông sáng tác nhiều với các thể loại tạp văn, phóng sự hay tiểu phẩm báo chí. 

Chính điều này đã giúp ông có nền tảng vững chắc trong quan điểm sáng tác lẫn cách lập luận. Các tác phẩm của nhà văn thường có nội dung chỉ trích quan lại phong kiến tham nhũng nên từng bị chánh sở mật thám Hà Nội “sờ gáy”. 

Ban đầu, chúng mua chuộc nhưng không được nên bèn cấm ông viết báo. Nhà văn cũng từng có những lần bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn, nhà ở quê bị chính quyền khám xét, ông bị bắt giam ở Hà Nội mấy tháng trời.

Ngô Tất Tố cũng sớm có ý thức về tính chuyên nghiệp, đạo đức của hai nghề cùng cầm bút là làm báo, viết văn. Từ năm 1932, ông đã xác định “Tờ báo nào cũng phải có tôn chỉ, mục đích, phải biết tôn trọng và xác định những ai là độc giả chính yếu của mình”.

Ngô Tất Tố không ưa thói ăn gian nói dối, nhất là trên báo chí, nhà văn chê trách một số báo chí thời ấy quá “nhẫn tâm” khi nhận quảng cáo. Ông chỉ rõ “Các ông nhận của người ta 10 đồng để cho họ tha hồ dùng mặt báo của các ông mà đánh lừa độc giả”.

Nhà văn của những người chân lấm tay bùn 

Là một nhà văn, Ngô Tất Tố để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng. Là một nhà báo, ông đã viết hơn 1.500 bài cho 27 tờ báo, tạp chí với 29 bút danh, Ngô Tất Tố được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung thực và nhạy bén. 

Trong sự nghiệp cầm bút, tên tuổi Ngô Tất Tố rực sáng dưới vai trò một nhà văn có tâm và có tầm. Ông được đánh giá là một trong những cây bút xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán, là nhà văn hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam.

Ngô Tất Tố là nhà văn đa tài của đất Hà Thành
Sự nghiệp Ngô Tất Tố phong phú và đạt mức xuất sắc trên nhiều lĩnh vực

Trong mỗi tác phẩm, Ngô Tất Tố đều thể hiện tình yêu nước thương dân, đặc biệt là sự đồng cảm sâu sắc đối với số phận của những người nông dân khốn khổ. Bằng ngòi bút phê phán mạnh mẽ, ông đả kích những thói hư tật xấu và quan điểm lạc hậu, lỗi thời của xã hội.

Với tinh thần tiến bộ, trong sạch và khí tiết nên suốt cuộc đời, lúc nào ông cũng cho thấy bản thân là một cây bút có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, kiên cường. Trong những tác phẩm của mình, nhà văn thẳng tay vạch trần những bất công, thối nát của chế độ thực dân nửa phong kiến ở chốn làng quê Việt Nam.

Hầu hết tác phẩm đều viết về nông thôn nên người ta đã mệnh danh ông là “nhà văn của những người chân lấm, tay bùn”. Nhà văn lên án chính sách thuế thân tàn bạo, phi lí của thực dân Pháp khiến bao gia đình phải cửa nát nhà tan, cực khổ, khốn đốn không kể xiết. 

Đó là nạn cường hào, địa chủ ác độc, tham nhũng đày đọa dân đen tới bước đường cùng không lối thoát trong Tắt đèn. Ông cũng thẳng tay đánh vào hủ tục chế độ phong kiến ở chốn làng quê, bởi chúng đã lợi dụng những thứ ấy mà chèn ép, bóc lột người nông dân. 

Đối với quan thầy Pháp, ngòi bút Ngô Tất Tố đả kích, châm biếm sâu cay. Với bọn tay sai bồi bút đắc lực, cam tâm ăn bơ thừa sữa cặn của thực dân Pháp, ngòi bút ông phanh phui, lên án, mạt sát không tiếc lời. 

Ngô Tất Tố và kiệt tác Tắt đèn 

Đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng Tắt đèn với miêu tả nhân vật chị Dậu cùng gia đình chị, người đọc càng thấy rõ Ngô Tất Tố đứng hẳn về phía người nông dân, tố cáo chế độ thực dân Pháp cấu kết với bọn phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của họ.

Qua nhiều thăng trầm lịch sử, tên tuổi của Ngô Tất Tố gần như đã gắn với tác phẩm này. Nhà văn đã khai thác đến tận cùng những tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống cày của đất quê.

Ở đó, nhân vật chị Dậu là một “đốm sáng” trong Tắt đèn nên càng về cuối tác phẩm, cái đốm sáng ấy càng rực rỡ. Đó là hình tượng người nông dân điển hình với những nỗi khổ sở, xót đau.

Chị Dậu với nỗi thống khổ, số phận nghiệt ngã và những đức tính, cốt cách đẹp đẽ là lời tố cáo đanh thép, xé toang tấm màn nhung che đậy ung nhọt, suy đồi của lũ quan lại, cường hào, địa chủ chuyên sống phè phỡn trên mồ hôi, nước mắt của người nông dân. 

Vốn là một nhà nho tiến bộ  lại hòa mình cùng phong trào đấu tranh của nhân dân, Ngô Tất Tố đã có những điều kiện thuận lợi để trở thành nhà văn hiện thực phê phán sắc sảo, trở thành ngọn bút dũng cảm trong làng văn, làng báo giai đoạn 1930 – 1945.

Tình bạn văn chương của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng trong thời cuộc 

Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, nhỏ hơn Ngô Tất Tố 18 tuổi. Ông là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. 

Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố thân thiết nhau từ năm 1935, lúc hai ông cùng làm chung cho tờ Công Dân với Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch. 

Tình bạn văn chương của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng trong thời cuộc
Tình bạn của họ là sự ủng hộ cho quan điểm và tư tưởng của nhau

Trước đó, khi viết cho các báo Thần Chung, Phổ Thông, Đông Phương, Thực Nghiệp Dân Báo, Ngô Tất Tố đã nổi tiếng là cây bút chiến sừng sỏ. Tính cách quyết liệt chống lại cái xấu trong xã hội rất phù hợp với chí hướng, tâm nguyện của tác giả Số đỏ

Ngoài sự quý mến về tính cách, tình bạn của họ còn là sự ủng hộ cho quan điểm, tư tưởng của nhau. Lúc làm báo Tương Lai, Vũ Trọng Phụng khi viết Vỡ đê và in từng kỳ Giông tố trên Hà Nội Báo đã khiến nhiều đồng nghiệp khâm phục.

Ngô Tất Tố ngay sau đó cũng bắt đầu viết tiểu thuyết và khi Tắt đèn được in thành sách, Vũ Trọng Phụng đã không ngại ngần mà dành lời khen ngợi cho ông trên Báo Thời vụ:

“’Tắt đèn’ là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, điều ấy, cố nhiên – hoàn toàn phụng sự dân quê! Áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy…” – Vũ Trọng Phụng

Thời gian đã chứng minh nhận định của Vũ Trọng Phụng là hoàn toàn chính xác, đến nay Tắt đèn vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán nước ta giai đoạn 1930 – 1945.

Nhà văn là cây cầu nối giữa báo chí và văn chương

Không chỉ là nhà văn thấu hiểu và viết sâu sắc về cuộc sống của người nông dân, Ngô Tất Tố còn là một nhà báo sắc sảo thời bấy giờ. Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá, dù nổi danh ở nhiều lĩnh vực nhưng riêng báo chí và văn chương, Ngô Tất Tố được đánh giá cao hơn cả. 

Nhà văn là cây cầu nối giữa báo chí và văn chương

Ông viết báo như viết văn, vẫn là biệt tài nổi bật về châm biếm, trào lộng và đả kích sâu cay. Tư chất thông minh, ngòi bút sắc sảo cộng với vốn tri thức bách khoa và cả sự thâm thúy từ Nho học đã tạo nên một phong cách tiểu phẩm bậc thầy của Ngô Tất Tố. 

Ngô Tất Tố “tập sự” nghề làm báo 

Từ năm 1926 đến 1929 là thời gian “tập sự” nghề làm báo của Ngô Tất Tố. Năm 1926, nhận lời mời của Tản Đà, ông ra Hà Nội làm cho tờ An Nam tạp chí. Khi tờ báo này đình bản vì hết kinh phí, ông cùng Tản Đà đã khăn gói vào Sài Gòn kiếm sống. 

Ông bắt đầu viết cho tờ Đông Pháp thời báo và tiếp đến là tờ Thần Chung. Trong giai đoạn này, các bài viết của Ngô Tất Tố thường là các bài dịch thuật, khảo cứu, bình luận thơ, văn. 

Bên cạnh đó, ông cũng tích cực ra mắt công chúng những bài bình luận chính trị – xã hội hay một số tin tức, tản văn về đời sống văn hóa, xã hội. 

Gần ba năm ở Sài Gòn, ông viết nhiều thể loại, từ làm thơ, bình thơ, bình luận thời sự, chuyên luận đến khảo luận các vấn đề văn hóa, xã hội, song song với việc dịch các truyện ngắn, truyện dài từ tiếng Hán. 

Năm 1930, Ngô Tất Tố về với Hà Nội, tiếp tục chọn viết báo làm cớ sinh nhai. Từ đây đến Cách mạng tháng Tám, ông là cây bút lẫy lừng trong làng báo, làng văn và đã viết cho các báo như Phổ thông, Đông phương, Công luận. 

Chủ đề tác phẩm báo chí của ông thường tập trung vào những thói hư, tật xấu, biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, điều “trái tai, gai mắt” trong cách ứng xử giữa người với người lẫn các vấn đề thời sự nóng hổi. 

Nhìn vào diện mạo các bài viết của ông trong giai đoạn này, độc giả có thể nhận ra nhà nho Ngô Tất Tố đang tiếp cận với nghề làm báo, làm quen với sức nóng thời cuộc và tôi rèn ngòi bút nghề nghiệp để trở thành nhà báo đích thực.

Thời kỳ sung sức nhất của nghề làm báo 

Từ 1930 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà báo – nhà văn Ngô Tất Tố bước vào giai đoạn sáng tạo nhất của nghề viết, các bút danh của ông khi ấy xuất hiện khắp các mặt báo đương thời.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 – 1939, Ngô Tất Tố đã viết nhiều tác phẩm lên án chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, phản ánh đời sống lầm than của những người dân nghèo, nhất là tầng lớp nông dân. 

Chính quyền thực dân Pháp không ít lần gây khó dễ với ông, chúng cấm Ngô Tất Tố viết báo, còn trục xuất nhà báo khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, khám nhà ông ở quê và đã có lần bắt giam ông mấy tháng. 

Thời kỳ sung sức nhất của nghề làm báo

Đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố là ông viết nhiều thể loại, trong đó tiểu phẩm báo chí và phóng sự là hai thể loại nổi tiếng nhất. Nhà văn cũng phụ trách chuyên mục của nhiều tờ báo hằng ngày và hằng tuần. 

Hiện thực xã hội khắc nghiệt dưới ách thống trị, áp bức của ngoại xâm và bè lũ phong kiến đã thôi thúc Ngô Tất Tố dùng ngòi bút để tố cáo và phê phán. Cả những bài viết không hợp với đạo lý và văn hóa dân tộc của các đồng nghiệp trong làng báo cũng không tránh khỏi sự xét đoán nghiêm khắc. 

Ngòi bút ấy nhắm vào tất cả những gì mà ông coi là xấu, phi đạo đức, bất kể hủ tục, thói hư của các tầng lớp người trong xã hội hay những việc làm không chính đáng trong giới quan trường, những chủ trương, chính sách mất lòng dân từ nhà cầm quyền. 

Nghiệp làm báo theo tới phút chót cuộc đời và di sản báo chí khổng lồ 

Ngô Tất Tố là một nhà báo nổi tiếng và ký giả tiêu biểu của trào lưu báo chí công khai yêu nước, tiến bộ của báo giới nước ta trước năm 1945. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: 

“Nhà văn Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hóa Quốc Ngữ. Ông là người đã có đóng góp to lớn, người đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố đa dạng, phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực lớn: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, địa lý.”

Di sản báo chí của Ngô Tất Tố chủ yếu diễn ra trên đất Hà Nội, đây được xem như kho tàng tư liệu phong phú và đã phản ánh một cách toàn diện, trung thực xã hội Việt Nam dưới ách nô lệ của thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX. 

Là một người lăn lộn và thành tài trong nghề báo, Ngô Tất Tố hiểu rất rõ về sức mạnh to lớn của báo chí với công chúng xã hội. Vì thế, ông đã tận dụng con đường báo chí để đưa các tác phẩm đến với bạn đọc một cách nhanh và rộng rãi nhất. 

Các tác phẩm văn chương của Ngô Tất Tố đều phản ánh trực diện xã hội đương thời, mang đậm hơi thở thời đại và có ý nghĩa thời sự, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của công chúng báo chí.

Chất châm biếm, trào lộng trong các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố thể hiện ngay từ ngôn từ tới cách bố cục từng phần và kết cấu. Độc giả có thể cảm nhận sự chế giễu, trào lộng ngay trong từng câu chữ chứ không cần phải đợi đến cái kết.

Chính hoạt động báo chí với những chất liệu sống, đề tài thời sự, sức nóng hiện thực cuộc sống là mảnh đất màu mỡ để những tác phẩm văn chương ra đời, mang đậm sắc màu của thực tại xã hội, nóng hổi hơi thở cuộc sống đương thời.

Ngô Tất Tố là con người của thời sự và thời đại 

Ngô Tất Tố bước vào làng báo, làng văn từ những năm 20 của thế kỷ trước. Nhà văn đã sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, đầy biến động của dân tộc ta, đó là giữa buổi giao thời của toàn xã hội Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ trước. 

Nếu nói báo chí và văn học là tấm gương phản chiếu thời đại, quả thực là Ngô Tất Tố đã để lại cho hậu thế khối lượng rất lớn những tư liệu, thông tin, cảm nhận thời cuộc và cả những thông điệp xử thế có ý nghĩa dài lâu. 

Ngô Tất Tố là con người của thời sự và thời đại

Thời trai trẻ, nhà văn được tắm mình trong giáo huấn của đạo Khổng Tử. Với vốn Hán học uyên thâm, khi ngược dòng lịch sử để khảo cứu văn học trung đại của dân tộc, ông đã trân trọng giới thiệu những tinh hoa đạo lý từ các bậc tiền nhân tiêu biểu của nền Phật học nước nhà.

Từ truyền thống yêu nước của gia đình, Ngô Tất Tố đến với văn học Việt Nam và góp công to lớn vào cuộc khởi động gian khổ và mạnh mẽ để văn học nhập cuộc vào quỹ đạo lớn của dân tộc là Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. 

Từ một nhà yêu nước, Ngô Tất Tố đã trở thành chiến sĩ cách mạng và là thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc, người hướng dẫn tinh thần cho lực lượng vũ trang địa phương những năm đầu kháng chiến chống Pháp. 

Ông cũng là một trong những người sáng lập nên Hội Văn nghệ Việt Nam. Mặc dù nghiệp văn của Ngô Tất Tố nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, người đọc vẫn đặt ông vào hàng đại văn gia thế kỷ, bởi nhà văn luôn là con người của thời sự, hiện đại. 

Mân Côi