Vào năm thứ ba mươi sáu thế kỷ 20, một sự kiện được ghi lại trong lịch sử văn học hiện đại nước Mỹ. Đó là sự ra đời của Cuốn theo chiều gió, đây là tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của nhà văn Margaret Mitchell. 

Ngay năm sau vào 1937, nó được tặng giải Pulitzer, giải thưởng được nhiều nhà văn ao ước. Tác phẩm văn học này chẳng những mau chóng thu phục được tấm lòng của người dân Mỹ mà còn cả trái tim hàng triệu người trên khắp các lục địa. 

Margaret Mitchell và cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp  

Tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển Cuốn theo chiều gió là Margaret Mitchell đã sống một cuộc đời không quá dài và không hề bình lặng. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi nữ văn sĩ lên tới đỉnh cao danh vọng, thế nhưng cũng lấy đi của bà quá nhiều năng lượng tinh thần. 

Bộ phim cùng tên năm 1939 với sự tham gia của Clark Gable, Vivien Leigh cũng đạt thành công vang dội. Năm 1999, Cuốn theo chiều gió đã được bầu chọn là một trong một trăm cuốn sách hay nhất thế kỷ XX từ Le Monde. 

Những biến động đầu đời của nữ văn sĩ Margaret

Nữ nhà văn người Mỹ Margaret Munnerlyn Mitchell ra đời năm 1900 ở thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, nơi đã trở thành địa danh thực tế cho cuốn tiểu thuyết bất hủ của bà. 

Khi ấy, cô bé Margaret sinh ra trong một gia đình sung túc, khá giả. Cha của cô, ông Eugene Michell là một luật sư, mẹ là nội trợ nhưng vẫn tham gia phong trào bình quyền, đấu tranh cho nữ quyền thời bấy giờ. 

Tuổi thơ cô bé chịu ảnh hưởng từ những người cựu chiến binh trong cuộc Nội chiến Mỹ và họ hàng. Cả hai người ông của Margaret đều tham gia cuộc Nội chiến, nữ văn sĩ tương lai thì luôn sẵn sàng ngồi hàng giờ để nghe kể về những chiến công họ lập được ở thời kỳ đó. 

Những biến động đầu đười của nữ văn sĩ Margaret Mitchell

Ngay từ khi còn ở trường trung học, cô đã thử viết những vở kịch non nớt theo phong cách lãng mạn cho sân khấu học sinh. Sau khi tốt nghiệp, Michell theo học Trường đại học Smith nhưng nghỉ học ngay sau đó vào năm 1918. 

Lúc đó, cô phải trở về Atlanta để trông nom mọi việc sau khi người mẹ qua đời vào đầu năm vì đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Cái chết vì bệnh thương hàn của mẹ Scarlett trong Cuốn theo chiều gió cũng bắt nguồn từ việc này.

Vì còn quá trẻ và giàu năng lượng nên Margaret không chìm vào tuyệt vọng, cô không bắt đầu sự nghiệp chính trị là lựa chọn một chính đảng mới mà chọn công việc thuộc ngành báo chí, trở thành phóng viên của Tạp chí Atlanta. 

Ngòi bút nhẹ nhàng mà sắc sảo của Margaret đã nhanh chóng đưa tên tuổi cô trở thành một trong số những phóng viên hàng đầu của tờ tạp chí. Thời buổi bấy giờ, trong xã hội gia trưởng ở miền Nam Hoa Kỳ thì thật khó để thấu hiểu việc một người phụ nữ là nhà báo.

Cuốn theo chiều gió là tiểu thuyết ra đời trong bệnh viện 

Từ năm 1922 đến 1926, Michell có viết tiểu sử về một số vị tướng quan trọng của Georgia trong cuộc Nội chiến. Một số học giả tin rằng việc nghiên cứu tiểu sử những nhân vật này đã thúc đẩy bà viết nên cuốn tiểu thuyết để đời Cuốn theo chiều gió.

Tính cách của Mitchell cùng khả năng khắc họa sâu sắc tính cách nhân vật đã làm cho Cuốn theo chiều gió trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất lịch sử. Mặc dù là người kể chuyện trung lập, độc giả vẫn có thể thấy tính cách của bà xuất hiện khá rõ trong truyện.

Nhiều người nói Michell đã bắt đầu viết Cuốn theo chiều gió khi đang nằm trên giường bệnh vì bị bể mắt cá nhân. Người chồng thứ hai của bà, ông John Marsh đem về nhà những cuốn sách lịch sử từ thư viện để bà giải khuây khi đang hồi phục. 

Sau đó, nhờ sự khích lệ của Marsh, Mitchell bắt tay tự viết một cuốn sách cho riêng mình. Bà đã sử dụng kiến thức về cuộc Nội chiến cùng những khoảnh khắc kịch tích trong cuộc đời để viết nên thiên tiểu thuyết tuyệt vời này.

Cuốn theo chiều gió là tiểu thuyết ra đời trong bệnh viện

Ban đầu, nữ văn sĩ cân nhắc tới hai cái tên cho cuốn sách là Tote The Weary Day hoặc Tomorrow Is Another Day. Sau cùng, cái tên Gone With The Wind được chọn, phần còn lại nay đã trở thành lịch sử. 

Ít ai biết, trong quá trình viết Cuốn theo chiều gió, Mitchell đã viết chương cuối cùng đầu tiên, các chương còn lại được viết ngẫu nhiên không theo thứ tự. Vào năm 1929, khi bà hoàn toàn hồi phục thì phần lớn quyển sách cũng được viết xong. 

Mitchell đã rất hài lòng với cuộc sống nhà báo của mình ở Atlanta cho tới khi được Howard Latham, một người của Nhà xuất bản Macmillan chú ý tới. Latham sớm nhận ra Cuốn theo chiều gió sẽ là một “bom tấn” ngay sau khi đọc bản thảo. 

Ông đã đúng, cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào ngày cuối cùng của tháng 6 năm 1936 đã trở thành tác phẩm ăn khách bậc nhất bấy giờ, riêng Mitchell thì nhận được giải thưởng uy tín Pulitzer ngay năm sau.

Mặc dù mẹ đẻ cuốn tiểu thuyết vẫn thường nói các nhân vật trong truyện không dựa trên bất cứ con người thực nào, thế nhưng độc giả đều thấy nhiều điểm tương đồng với những người trong cuộc sống của bà, cả người bà biết hoặc từng nghe nói tới. 

Cuốn theo chiều gió là tác phẩm duy nhất trong cuộc đời Margaret Mitchell và sự vinh quang nó đem lại kéo dài cho tới lúc bà qua đời vào năm 1949. Ngày nay, tổng số bản phát hành của cuốn sách, nếu chỉ tính riêng ở Mỹ thì đã đạt khoảng 35 triệu bản. 

Cuốn theo chiều gió là câu chuyện tình yêu lãng mạn muôn thuở

Viết về nội chiến nhưng Margaret đã lồng ghép trong tác phẩm những câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào, vừa day dứt. Tất cả đan xen lẫn nhau, đó là những góc khuất trong tâm hồn, những yếu đuối, bản năng và nghị lực phi thường của con người trong quãng thời gian khó khăn ấy.

Viết về những năm tháng lịch sử nhưng Margaret đã không cố gắng để “thần thánh hóa” các nhân vật mà ngược lại, mỗi người đều được bà khắc họa với đầy đủ góc khuất từ nơi sâu kín nhất của tâm hồn.

Đó là một Scarlett bướng bỉnh, thực dụng nhưng kiên cường và tràn đầy bản năng sống, một Rhett Butler điên rồ, bất cần nhưng cao thượng và một Ashley đầy lý tưởng nhưng lại yếu đuối, lạc lõng trong chính lý tưởng của mình.

Scarlett O’hara – Tấm gương sáng cho chủ nghĩa nữ quyền 

Katie Scarlett O’Hara là người con gái đầu của Gerald và Ellen O’Hara, nàng được đặt cho cái tên Katie Scarlett, giống tên của bà nội, thế nhưng người ta vẫn luôn gọi nàng là Scarlett. 

“Scarlett O’Hara không đẹp”, đó là dòng mở đầu của Margaret Mitchell nhưng nàng là đóa hoa quyến rũ, lớn lên ở hạt Clayton Georgia tại một đồn điền trong những năm trước cuộc Nội chiến Mỹ.

Nàng có một thân hình hoàn hảo, vẻ thuỳ mị của người mẹ và nét cuồng nhiệt của người cha, đặc biệt là đôi mắt xanh biếc lóng lánh lạ kỳ khiến cho người chỉ gặp một lần cũng có thể nhớ mãi.

“Khuôn mặt nàng là một sự kết hợp hài hoà giữa những đường nét kiều diễm của mẹ, người quý tộc miền duyên hải thuộc dòng dõi Pháp, và những góc cạnh thô kệch của người cha Ái Nhĩ Lan, da dẻ hồng hào. Tuy thế, đó là khuôn mặt ưa nhìn với cằm thon, hàm nở rộng. Đôi mắt xanh biếc của nàng được viền bởi những hàng mở rộng. Đôi mắt xanh biếc của nàng được viền bởi những hàng mi dài rậm uốn cong vút. Bên trên đôi mắt đó là hai vệt mày chênh chếch vạch thành hai đường nghiêng đậm nét trên làn da trắng trong của hoa mộc lan – màu da mà phụ nữ miền Nam vô cùng quý trọng và cẩn thận giữ gìn bằng những chiếc nón rộng vành, mạng che mặt và bao tay để chống lại ánh nắng gay gắt của xứ Georgia.” – Cuốn theo chiều gió 

Ích kỷ, sắc bén và phù phiếm, Scarlett được song thân giàu có vô cùng nuông chiều. Nàng dễ bị kích động nhưng lại vô cùng thông minh, dù vẫn hay giả vờ như một hoa khôi miền Nam “ngơ ngác”, thường bất lực quanh đám đàn ông. 

Scarlett khác với tất cả những kiểu người đẹp từng được biết đến trong cuộc sống hay văn chương. Nàng không thánh thiện, yếu đuối, dựa dẫm hay bị động mà lại bướng bỉnh, nhẫn tâm và đầy nghị lực.

Scarlett O'Hara là tấm gương sáng cho chủ nghĩa nữ quyền

Nàng dường như có chút khác biệt so với những phụ nữ miền Nam bấy giờ, vốn thích được xem như những sinh vật xinh xắn, nhỏ bé cần tới sự bảo vệ của đàn ông. Scarlett thích nhảy, thế nhưng nàng không giống những hoa khôi điển hình chỉ biết dự tiệc tùng.

Nhìn từ bên ngoài, nàng dường như là hình ảnh chuẩn mực cho nét quyến rũ miền Nam với sự dịu dàng, thế nhưng ẩn sâu bên trong là một tinh thần nghị lực phi thường. 

Trong truyện, độc giả được biết Scarlett dành tình yêu tha thiết cho Ashley Wilkes, chàng quý tộc láng giềng. Trớ trêu thay, Ashley lại sắp sửa lập gia đình với nàng em họ dịu dàng, cao nhã Melanie Hamilton. 

Trong buổi lễ đính hôn, Scarlett tìm tới Ashley để mong cùng nhau chạy trốn nhưng thất bại. Quá đau khổ vì thất tình, nàng lập tức lấy em trai của Melanie, Charles Hamilton như một cách trả thù. 

Cũng ở đây, độc giả thấy được cô nàng Scarlett rất ương ngạnh và cũng thật nông nổi. Dọc theo cốt truyện là hành trình trưởng thành của cô gái Scarlett khi lần lượt chứng kiến những thảm kịch, biến cố lớn xảy đến trong cuộc đời.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Scarlett qua con đường chông gai ấy đã chứng minh với độc giả rằng nàng là một “chỉ vàng” thực sự và hiếm có. 

Biến cố đầu tiên tới với Scarlett là khi biết tin Charles, người chồng mới cưới đã qua đời trước khi ra chiến trường. Lúc này, nàng trở thành một góa phụ, bị tước đoạt hết mọi thú vui của tuổi trẻ và đau đớn nhất, phải xa cách Ashley, tình yêu của đời nàng. 

Scarlett là nhân vật linh động nhất trong Cuốn theo chiều gió, nàng đã đứng vững bằng nghị lực và sức mạnh bản thân, chèo chống gia đình qua những cơn gió nhưng đôi khi cũng ích kỷ, nhỏ nhen đến không ngờ.

Nàng thách thức cả xã hội thượng lưu thế kỉ 19 bằng việc điều khiển cửa hàng và hai trại cưa. Scarlett chỉ có ở mức tối thiểu những khuôn thước thục nữ, người phụ nữ cổ điển Melanie lại sở hữu tất cả những khuôn thước đó.

Thế nhưng Scarlett vẫn sống sót qua chiến tranh, sinh con, rồi mất con và Melanie, sát cánh bên nàng cùng chống chọi với những thử thách khắc nghiệt. Nếu không có Melanie Wilkes, Scarlett rất có thể bị coi như một con người thô bỉ và lạnh lùng đến không ngờ. 

Dù vậy, khi được đặt cạnh Melanie thì Scarlett trở nên tươi tắn, tính cách cũng có chiều sâu hơn. Khác với những nhân vật nữ vốn được lý tưởng hóa trong tiểu thuyết tình cảm, Scarlett sinh động, tràn đầy sức sống, chân bám chặt vào đất đỏ Tara để tồn tại.

Rhett Butler – Giấc mơ của mọi thiếu nữ 

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, một người phụ nữ xuất chúng như thế thì chỉ có gã đàn ông như Rhett Butler mới có thể “thuần dưỡng” được nàng. Ngoài mặt, Rhett tỏ ra bất cần, khả ố nhưng sâu trong trái tim, hắn vô cùng cao thượng và chân thành. 

Rhett Butler xuất hiện lần đầu tại buổi dã yến nhà Ashley Wilkes, gã là nhân vật chính bên cạnh Scarlett trong cuốn tiểu thuyết. Rhett có xuất thân quyền quý vì sinh ra ở một gia đình danh giá bậc nhất nhưng lại không được thừa nhận nơi xã hội thượng lưu Charleston. 

Thoạt đầu, có thể độc giả sẽ cho rằng Rhett là kẻ ngông cuồng khi hắn chọc giận những công dân miền Nam sục sôi khí thế và yêu nước. Thế nhưng, sự thất bại của phe miền Nam trong cuộc Nội chiến chứng minh rằng Rhett đã đúng. 

Rhett Butler là con người thực tế, từng trải và có vẻ bất cần rất thu hút khi chẳng quan tâm việc thiên hạ nghĩ gì, không thèm đếm xỉa tới những lời dèm pha. Rhett sống theo kiểu của hắn, theo ý thích của hắn và đó là điều khiến hắn trở nên nổi bật. 

Dù bị trục xuất khỏi Đại học West Point, Rhett vẫn tỏ ra bản thân đã được thừa hưởng nền giáo dục hoàn hảo, tinh thông mọi thứ từ Shakespeare cho đến tiếng Latin, lịch sử cổ điển. Hắn cũng là tay thiện xạ với vốn kiến thức khá rộng cùng khả năng đánh bài điệu nghệ trong giới quý tộc.

Ngoài ra, Rhett cho thấy mình là gã đàn ông điềm tĩnh, vui vẻ và lý trí, tiêu biểu là khi đang trong tù và Scarlett tới thăm nhằm mượn tiền. Lúc này, dù hắn đang thua bạc nhưng vẫn nở nụ cười trên môi, khiến người chơi cùng phải tấm tắc:

“Thật khó để giận một kẻ thua bạc mà vẫn tươi cười được như thế.” – Cuốn theo chiều gió 

Có lẽ, việc Scarlett đến thăm đã khiến hắn không còn mảy may nghĩ ngợi tới chuyện thua bạc nữa. Khi ở trong phòng, Rhett cũng phát hiện ra cô đang gạt mình do phát hiện những vết chai tay, điều này cho thấy hắn là kẻ rất tinh ý và tỉnh táo. 

Dẫu yêu Scarlett nhưng Rhett Butler vẫn là người biết phải trái, đúng sai, có chừng mực. Dù không mấy quan tâm tới ánh nhìn của người ngoài, các chi tiết trong truyện cho thấy hắn là người có lòng tự trọng và có đức tin. 

Rhett kính trọng Melanie như một trong số ít người phụ nữ cao quý hắn đã gặp, thế nhưng lại chẳng có chút nể nang nào với chồng cô là Ashley, kẻ tình địch bị coi là yếu đuối và quá đỗi mơ mộng.

Rhett yêu quý trẻ con, thấu hiểu chúng và là ông bố kiêm bậc phụ huynh tuyệt vời mà Scarlett không bao giờ có thể đạt đến.

“Ai có thể ngờ Rhett, hơn ai hết, lại coi trọng vai trò làm cha như thế? Nhưng đôi khi, lòng ghen tị như một mũi tên xuyên vào tim Scarlett vì Bonnie mới bốn tuổi đã hiểu Rhett hơn nàng và biết điều khiển chàng tới mức nàng chưa bao giờ làm được.” – Cuốn theo chiều gió 

Hắn là ông bố mẫu mực kiêm người đàn ông của gia đình, tiêu biểu khi Scarlett trong phòng sinh, Rhett đã đứng ngồi không yên. Khi được thông báo đứa con mới chào đời là bé gái, Rhett vui mừng khôn tả, trái với quan niệm trọng nam khinh nữ khắc nghiệt bấy giờ. 

“Có ai ngờ một người như chàng lại phô trương niềm hãnh diện được làm cha một cách trơ trẽn đến thế? Nhất là khi đứa con đầu lòng của hắn lại là gái chứ không phải là trai, một trường hợp chẳng đáng phấn khởi gì.” – Cuốn theo chiều gió 

Tuy nhiên, điều thực sự khiến Rhett Butler trở thành hình mẫu đàn ông lý tưởng, một giấc mơ mà mọi thiếu nữ khao khát là tình yêu mà hắn dành cho nàng thơ đời mình, không ai khác ngoài nàng tiểu thư Scarlett O’Hara. 

Rhett Butler là giấc mơ của mọi thiếu nữ

Rhett là người duy nhất thực sự hiểu rõ bản chất của Scarlett mà vẫn yêu nàng. Khi Scarlett đang để tang người chồng đầu tiên, Rhett nhìn thấy ở người góa phụ trẻ ấy khao khát được khiêu vũ và đã mời nàng nhảy. 

Rhett giúp Scarlett cùng người thân tháo chạy về Tara khi Atlanta thất thủ và chỉ rời đi khi tin chắc nàng sẽ an toàn. Rhett là người ôm chặt, dỗ dành Scarlett khi nàng thức dậy và bị hoảng loạn vì một cơn ác mộng. 

Rhett luôn ở đó vì Scarlett, yêu thương, bảo vệ và chờ đợi. Nếu như ngay từ cuộc chạm trán đầu tiên, Rhett đã biết Scarlett là người phụ nữ của đời mình thì Scarlett ngược lại, chỉ nhận ra điều ấy khi mọi chuyện đã quá muộn.

“Bất kể em, tôi và cái thế giới ngu ngốc này đang vỡ tan ra quanh chúng ta, tôi yêu em… Vì chúng ta giống nhau: đều xấu xa, thông minh và ích kỷ nhưng lại có khả năng nhìn mọi vật bằng mắt và gọi đúng tên… Tôi yêu em hơn tất cả những cô gái mà tôi từng yêu. Và tôi đã chờ em lâu hơn tôi phải chờ tất cả những cô gái khác.” – Cuốn theo chiều gió 

Ngay cả khi Rhett cầu hôn Scarlett và dù nàng đồng ý, hắn biết tình yêu của vợ dành cho Ashley vẫn nồng nàn nhưng vẫn âm thầm hy vọng một ngày nào đó, nàng sẽ cảm động trước tấm lòng mình và hồi tâm chuyển ý. 

Thế nhưng, Scarlett lại ương bướng và bị che mắt bởi thứ tình yêu mù quáng với Ashley. Rốt cuộc, nàng không hề yêu anh ta, thứ nàng yêu chỉ là ảo ảnh ngông cuồng trong sự nông nổi của tuổi trẻ. 

Rhett Butler trong bản điện ảnh năm 1939 do diễn viên kỳ cựu Clark Gable thủ vai, người được coi là “sinh ra để đóng Rhett Butler” dù chính ông phủ nhận điều đó. Qua màn hóa thân của Gable, nhân vật Rhett một lần nữa chinh phục trái tim độc giả toàn cầu.

Ý nghĩa của đất đai trong Cuốn theo chiều gió 

Trong bề dày văn hóa nhân loại, đất là một nguyên mẫu vĩnh hằng, đất gắn với sự nảy nở, tình yêu thương, sự nhẫn nại và thanh lọc, đất là nơi sinh ra và cũng là nơi trở về sau tất cả.

Bên cạnh những ý nghĩa tự thân đó, đất trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió còn gắn bó với cuộc đời từng con người, từng thế hệ, hệt như gia phả dòng họ O’Hara đã được Tara cất giữ.

Ý nghĩa của đất đai trong Cuốn theo chiều gió 

Ngay từ đầu, vẻ đẹp của Tara đã được thể hiện trong bức tranh thanh bình trù phú, màu đỏ nặng phù sa của vùng Georgia như ẩn dụ về dòng máu nuôi dưỡng, tiếp thêm sinh lực cho Scarlett, cho người miền Nam, cho những đồn điền bông vải.

“Đó là một vùng đất đỏ hoang sơ, đỏ như màu máu sau những cơn mưa, như bụi gạch nung vào mùa hạn hán, vùng sản xuất bông vải tốt nhất thế giới. Đó là một miền dễ thương với những ngôi nhà trắng, những cánh đồng thanh bình được cày xới và những dòng sông vàng lững lờ, nhưng cũng là một miền đất với nhiều sự tương phản, giữa ánh nắng chói chang và bóng râm dày đặc. Những đồn điền khai hoang và hàng dặm dài bông vải, ngửa mặt mỉm cười ánh mặt trời ấm áp, hiền hòa, dễ chịu.” – Cuốn theo chiều gió 

Nếu với ông Gerald, Tara là cơ sở để ông xây dựng sự nghiệp thì với Scarlett, mảnh đất ấy là cuộc đời, tình yêu và chính nó đã giúp cô tỉnh ngộ sau mỗi sai lầm.

Nội chiến đã cướp đi cuộc sống êm đềm, sung túc của những người da trắng giàu có ở miền Nam, cướp đi những ngày vũ hội, những thú vui thanh lịch của cô gái mới lớn, cướp luôn cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc của cả một thế hệ.

Thế nhưng, chính biến cố ấy đã khiến cô gái đỏng đảnh Scarlett vụt trưởng thành một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sự trưởng thành trước nhất của cô là nhận thức về thực tại và bản thân, mà đất là đối tượng đầu tiên cho biết cô là ai và điều gì là quan trọng nhất. 

Nếu trước đây, Rhett Butler cho rằng chiến tranh là vì tiền thì giờ đây khi quan sát Tara, cô nhận thấy rằng người ta đánh nhau vì đất, vì những mẫu đất phì nhiêu, vì những con sông đục ngầu phù sa, vì những ngôi nhà trắng tinh giữa những khóm mộc lan mát rượi.

Đất trở thành máu thịt, là mẹ hiền nuôi dưỡng và chở che Scarlett. Vì vậy trước những biến cố cuộc đời, cô lại trở về Tara như một lẽ tự nhiên. Dù bốn lần trở về đều gặp đau thương, bất hạnh nhưng sau đó, cô lại ra đi mạnh mẽ hơn.

Scarlett yêu mảnh đất Tara bằng tình yêu bản năng thiên phú, có lẽ cô không ý thức được điều đó nếu không có ông bố O’Hara, Ashley, Rhett lần lượt chỉ ra. Nếu trong tình yêu với Ashley, đất chỉ cho cô thấy sai lầm thì nó cũng là bến đỗ bình yên để cô lấy lại trái tim nơi Rhett. 

Cả hai người đàn ông đều nhận thấy rằng, cô yêu mảnh đất Tara hơn bất kỳ ai trong số họ, có lẽ vì vậy mà trở về Tara sau tất cả mọi biến cố là con đường tối hậu của cuộc đời Scarlett.

Cuốn theo chiều gió là tượng đài bất hủ trong lòng bạn đọc 

Cuốn tiểu thuyết khép lại bằng hình ảnh Scarlett đứng giữa thềm Tara ngập nắng và câu nói đầy quyết tâm tin tưởng mà cô vẫn luôn tự nhắc mình rằng “Sau tất cả, ngày mai lại là một ngày mới!”.

Cuốn theo chiều gió là tượng đài bất hủ trong lòng bạn đọc 

Lúc này, Scarlett không còn là nàng tiểu thư đài các của Tara nữa, không còn ngang bướng và nông nổi, cô thực sự đã lột xác trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường và quyết tâm giành lại Rhett Butler, người chồng đã luôn yêu thương từ trước đến giờ. 

Scarlett O’Hara và Tara, hai hình ảnh biểu tượng của cuốn tiểu thuyết, một lần nữa lại làm trái tim bạn đọc rung lên vì tinh thần quả cảm, nỗ lực phi thường ẩn sâu trong thân hình nhỏ bé của người phụ nữ. 

Lúc đầu, Margaret từng định đặt nhan đề là Ngày mai là một ngày khác (Tomorrow is Another Day), lấy từ câu kết của tác phẩm. Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận, bà đã quyết định đặt tên cuốn sách là Gone with the wind, được lấy từ ý thơ trong bài Cynara của Ernest Dowson. 

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử và tâm lý, Cuốn theo chiều gió còn mang trong mình những giá trị về mặt bình đẳng giới, qua hình ảnh của những người phụ nữ thậm chí còn mạnh mẽ và kiên cường hơn đàn ông rất nhiều như Scarlett hay Melanie.

Cuốn tiểu thuyết lớn của Margaret Mitchell đã khơi dậy trong các thế hệ độc giả khác nhau tình yêu quê hương xứ sở, nó tiếp thêm nghị lực để vượt qua mọi đau thương gian khổ mà chiến tranh để lại cho con người.

Điều quan trọng nhất, Cuốn theo chiều gió đã dựng được lên những nhân vật điển hình, trở thành tượng đài bất hủ không thể phôi pha trong lòng bạn đọc.

Mân Côi