Đã có rất nhiều bài thơ viết về Bác Hồ nhưng Viếng lăng Bác lại trở nên đặc biệt bởi chất trữ tình trong tác phẩm. Nó không chỉ đến từ nguồn cảm xúc chủ quan của tác giả mà còn đến từ tình cảm chung đồng bào dành cho Người.

Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã sáng ngời trong thơ ca viết về Bác, dù dòng thời gian miệt mài chảy, bài thơ mãi đẹp bởi ngôn từ giản dị, da diết cùng những giá trị tốt đẹp được gửi gắm.

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Viễn Phương

Nhà thơ Viễn Phương tên thật là Phan Thanh Viễn, sinh năm 1928 ở An Giang. Cuộc đời ông gắn liền với quê hương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Xuất phát từ dòng cảm xúc thăng trầm có thật trên từng chặng đường chiến đấu gian khổ, những áng thơ của ông lần lượt ra đời, vinh dự được đăng trên Tiếng súng kháng địch, đó là tờ báo duy nhất của Khu Chín Nam Bộ lúc bấy giờ.

Đến năm 1975, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Viễn Phương
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Viễn Phương

Ngoài bút danh Viễn Phương, ông còn có tên khác là Đoàn Viễn, không chỉ tham gia sáng tác thơ ca, người thi sĩ tài ba còn dùng ngòi bút uyên thâm để dệt lên những trang văn chương tuyệt hảo.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng về Văn học nghệ thuật năm 2001. Tháng mười hai, năm 2005, nhà thơ Viễn Phương đã trút hơi thở cuối cùng, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời người nghệ sĩ đa tài.

Những điều đặc sắc về phong cách nghệ thuật của Viễn Phương

Thơ Viễn Phương đong đầy cảm xúc nhưng không hề buồn bã, ủy mị bởi ông đã gửi gắm vào tác phẩm tình yêu thương thắm thiết dành cho đất nước và con người.

Đó là những bài thơ đậm chất miền quê Nam Bộ, nổi bật với nét dung dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, thiết tha. Nhà văn Mai Văn Tạo đã từng dành những lời có cánh để nhận xét về thơ của Viễn Phương.

“Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến ‘Tiếng tù và trong sương đêm’, ‘Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều’ hay ‘Chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước’… Một mái lá khô hanh trong rừng vắng anh cũng đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ.” – Nhà văn Mai Văn Tạo

Xuất phát từ cốt cách nho nhã, thanh tao của tác giả, thơ Viễn Phương mang giai điệu nền nã và bâng khuâng. Ông yêu thích những gì diễn ra một cách đơn giản và bị thu hút bởi những người giàu lòng nhân ái.

Với đôi mắt tinh tế và sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, Viễn Phương đã thật sự “sống” hết mình cùng các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhận thấy tài năng của bản thân, ông đã dùng bút lực cống hiến cho đất nước bằng nhiều thể loại, gặt hái thành công to lớn trên hai lĩnh vực là truyện ngắn và thơ. 

Nhà thơ Viễn Phương đã để lại cho nền văn học dân tộc những tác phẩm giàu giá trị như Chiến thắng Hòa Bình, Nhớ lời di chúc, Anh hùng mìn gạt, Lòng mẹ, Phù sa quê mẹ và tiêu biểu nhất là bài thơ Viếng lăng Bác.

Viếng lăng Bác chất chứa tấm lòng thành kính của người con phương xa 

Việc Bác Hồ mất đã để lại bao nỗi đau xót trong lòng nhân dân, dập tắt niềm khao khát, mong chờ của đồng bào miền Nam ngóng trông được Bác vào thăm. Điều đó đã từng được thể hiện trong những câu thơ thiết tha của Tố Hữu.

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.” – Bác ơi! (Tố Hữu)

Từ sự kính trọng và biết ơn đối với công lao to lớn của người cha già vĩ đại, Bác Hồ đã trở thành tấm gương sáng soi cũng như là nguồn cảm hứng dạt dào để giới văn chương dùng ngòi bút tạc nên bức tượng đài vĩnh cửu. 

Viếng lăng Bác chất chứa tấm lòng thành kính của người con phương xa
Tiếng lòng thổn thức của người con phương xa khi đến viếng lăng Bác

Dòng thời gian chảy qua nhiều năm tháng, đọng lại không ít những bài thơ viết về Bác với cảm xúc thiết tha và niềm kính yêu vô vàn. Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một trong số tác phẩm góp phần vào kho tàng văn học viết về Người.

Viếng lăng Bác sáng tác năm 1976 khi đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành. Lúc ấy, Viễn Phương là một nhà thơ trẻ tiêu biểu ở miền Nam vinh dự ra thăm viếng Người.

Nhân dịp đó, tác giả đã thay mặt nhân dân Nam Bộ bày tỏ tình cảm của mình khi đứng trước người cha già dân tộc qua bài thơ Viếng lăng Bác. Viễn Phương đã bày tỏ cảm xúc vô cùng chân thành và sâu sắc thông qua bốn khổ thơ.

Bài thơ được viết rất giản dị, tự nhiên nhưng không hề nhàm chán mà vô cùng sâu sắc bởi tấm lòng thành kính và biết ơn của người con từ miền Nam xa xôi ra viếng Bác. 

Việc sử dụng chất liệu, ngôn từ mộc mạc để xây dựng nên bài thơ ngoài tạo sự gần gũi còn hợp tình hợp lí bởi lẽ Bác là người có lối sống giản dị, cho nên khi viết về Bác cũng cần tương xứng với đức tính đáng trân quý.

Giọng thơ đã thể hiện sự trang nghiêm, trân trọng hòa cùng nỗi đau xót của Viễn Phương dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ không chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà đó còn là tiếng lòng của triệu người Việt Nam.

Nỗi xúc động nghẹn ngào của Viễn Phương khi đến viếng lăng Bác

Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã thể hiện nỗi tiếc thương, lòng tôn kính với vị cha già dân tộc. Bài thơ đậm chất trữ tình, sâu lắng khi nhà thơ đứng trước lăng Bác, vào trong lăng và trở lại miền Nam.

Mở đầu là dòng cảm xúc nghẹn ngào với tình cảm chân thành bình dị của một người con miền Nam, Viễn Phương đã thiết tha bày tỏ nỗi xúc động khi có cơ hội được đứng trước lăng Bác.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”

Câu thơ đầu vang lên như đang gửi lời chào đầy cảm xúc, giới thiệu về hành trình của đứa con từ miền Nam xa xôi đến thủ đô thăm Bác. Ở đây, Viễn Phương đã dùng cách xưng hô “con – Bác” đầy thân thương.

Đây là cách xưng hô tạo cho người nghe cảm giác thân mật của những người con ở vùng đất Nam Bộ. Từ “con” đã bao hàm biết bao nhiêu tình cảm và chất chứa cả tình thân, khiến độc giả liên tưởng đến những vầng thơ của Tố Hữu.

“Người là cha, là bác, là anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” – Sáng tháng năm (Tố Hữu)

Lời xưng hô thân mật như thể hiện mối quan hệ gắn bó của đứa con với người cha đáng kính. Trước những khát khao, mong ước của nhân dân miền Nam, hôm nay người con ấy được vinh hạnh đại diện đến viếng lăng Bác.

Không mở lời bằng ngôn từ mĩ miều, long trọng, tác giả Viễn Phương đã dùng sự chân thành làm chất liệu để dệt lên câu thơ chan chứa cảm xúc, tạo sự gần gũi cho độc giả.  

Do đó, câu thơ đầu bật lên như mang theo nỗi xúc động, nghẹn ngào của hàng triệu đồng bào miền Nam và tác giả đã thốt lên thành những dòng thơ đong đầy cảm xúc vì đã thỏa lòng mong mỏi được gặp Bác.

Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ giống như người con xa nhà trở về thăm hỏi người cha già kính yêu, qua đó tác giả đã thể hiện sự tinh tế khi dùng động từ “thăm”. 

Bởi vì Bác đã ra đi năm 1969 nhưng đến tận năm 1976, Viễn Phương mới có cơ hội ra thủ đô. Thực chất là chuyến viếng thăm lăng Hồ Chủ tịch vì Người đã ra đi từ lâu, đây là cách nói giảm nói tránh để nén lại nỗi đau thương chưa thể nguôi ngoai của dân tộc.

“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Ngay từ xa, nhà thơ đã thấy thấp thoáng hàng tre xanh trong màn sương dày đặc ở quảng trường Ba Đình lịch sử. Sự xuất hiện đó gợi lên không khí thiêng liêng nơi miền cổ tích xa xưa của Việt Nam đã có luỹ tre xanh.

“Tre xanh,

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.” – Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)

Đứng trước lăng Bác, ấn tượng của nhà thơ là hàng tre xanh bát ngát trong buổi sớm mai. Bức tranh yên bình mang dáng hình quê hương đất nước và cũng là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho con người Việt Nam bất khuất, chịu thương chịu khó.

Vẻ đẹp người Việt Nam ẩn trong luỹ tre xanh với dáng hình vô cùng quen thuộc, “hàng tre xanh xanh” ấy mang sức sống bền bỉ, sự trường tồn của đất nước, dân tộc luôn kiên cường, hiên ngang.

Dù có trải qua “bão táp mưa sa” nhưng lớp tre này đến lớp tre khác luôn đoàn kết một lòng trong nhiều trận chiến, khi hòa bình lập lại vẫn nghiêng mình kính cẩn trước lăng Người.

Khổ thơ thứ nhất đã bộc lộ tâm trạng của tác giả khi đến thăm lăng Bác lần đầu. Trong đó có sự mãn nguyện và có cả nỗi đau xót khi đất nước đã mất đi vị lãnh tụ vĩ đại nhưng ẩn chứa trong từng câu thơ là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Hoà với dòng người vào thăm Bác cùng tấm lòng thành kính

Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, có rất nhiều bài thơ nhắc đến mặt trời để làm hình ảnh tượng trưng. Đó được xem là biểu tượng của lí tưởng cách mạng, chẳng hạn như sự giác ngộ về nhận thức một con đường mới trong Từ ấy của Tố Hữu.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim.” – Từ ấy (Tố Hữu)

Hay đó là mặt trời mang triết lý cao đẹp về tình mẫu tử qua từng con chữ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng” – Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ – Nguyễn Khoa Điềm

Thơ Viễn Phương đã có sự sáng tạo độc đáo với hình ảnh ẩn dụ là mặt trời hoà cùng cảm xúc dạt dào, những câu thơ tiếp theo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

Đây không phải là lần đầu tiên thủ pháp so sánh Bác Hồ với mặt trời xuất hiện trong những vần thơ. Trước đó, Tố Hữu cũng đã từng ca ngợi công ơn lớn lao của Người qua bài Sáng tháng năm.

“Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng

Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.” – Sáng tháng năm (Tố Hữu)

Ở hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã lặp lại hình ảnh mặt trời, tuy nhiên nó có sự chuyển nghĩa khác nhau tạo nên một hình ảnh thơ đầy tính nghệ thuật. Điều đó càng tô đậm nét sáng tạo, tinh tế trong thơ của Viễn Phương.

Hòa với dòng người vào thăm Bác cùng tấm lòng thành kính
Tấm lòng thành kính hòa cùng nỗi xót xa là tâm trạng của Viễn Phương khi cùng dòng người vào thăm Bác

Nếu mặt trời trong câu thơ thứ nhất là hình ảnh tả thực về thiên thể vĩ đại của thiên nhiên vũ trụ, ngày ngày toả sáng, chuyển động theo quy luật tuần hoàn của thời gian, đem sự sống đến cho muôn loài nhưng cũng có lúc ánh sáng đó phải nhường lại cho màn đêm tối tăm.

Mặt trời trong lăng chính là hình ảnh ẩn dụ cho Bác Hồ, Người đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, giải phóng dân tộc thoát khỏi kiếp lầm than. Ánh nắng màu đỏ rực toát lên từ phẩm chất của Hồ Chí Minh, từ lý tưởng vĩ đại mà Người mang tới, chiếu sáng trên đất nước hình chữ S.

Mặt trời toả nắng vào ban ngày và lặn vào lúc hoàng hôn buông xuống còn Bác là mặt trời bất di bất dịch, ánh dương ấy mãi không lụi tàn mà luôn là điểm tựa vững chắc, sống mãi trong lòng con người Việt Nam.

Bằng biện pháp nhân hóa “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”, tác giả đã kiến tạo câu thơ ca ngợi về Bác bởi ngay cả hành tinh trung tâm của vũ trụ cũng phải ngoái nhìn ánh mặt trời vĩ đại sáng ngời trong lăng.

Hoà cùng dòng người mang theo tấm lòng tôn kính khi vào thăm lăng Bác, nhà thơ cũng đã bộc bạch dòng cảm xúc dạt dào, biết ơn sâu sắc trước con đường cách mạng Bác đã mở lối cho dân tộc qua hai câu thơ.

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Điệp từ “ngày ngày” thể hiện vòng tuần hoàn khép kín bởi thời gian là vô hạn nhưng đời người là hữu hạn, dù Bác đã ra đi, từng “dòng người đi trong thương nhớ” vẫn nối tiếp nhau vào trong lăng để bày tỏ lòng thành kính, trân trọng.

Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh vô cùng sáng tạo, “dòng người” không chỉ là nét bút tả thực lớp lớp người xếp hàng vào thăm lăng tựa như những tràng hoa kính dâng đến vị lãnh tụ vĩ đại.

Ở góc độ khác, câu thơ cũng ngụ ý cuộc đời của đồng bào ta được nở hoa dưới ánh nắng cách mạng mà Bác mang đến cho dân tộc. Để giờ đây, những đoá hoa tươi thắm ấy đang đến dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất.

Hình ảnh hoán dụ “Bảy mươi chín mùa xuân” được tác giả sử dụng mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời của Hồ Chí Minh. Đó là những năm tháng tươi đẹp mà người cha già đã sống và cống hiến hết mình cho dân tộc.

Bác đã có một cuộc đời đẹp như mùa xuân, giúp nhiều kiếp người được nở hoa, thoát khỏi số phận nô lệ và mang lại cho đất nước những “mùa xuân” lớn cho đến tận ngày hôm nay.

Khổ thơ trên làm cả bài thơ sáng bừng bởi những chi tiết đắt giá, có lẽ Viễn Phương đã dành rất nhiều tình cảm để viết về Bác với niềm cảm kích, lòng biết ơn vô hạn.

Cảm xúc của nhà thơ khi gặp Bác ở trong lăng

Cảm xúc nhà thơ như vỡ oà khi đã tiến vào lăng, đây là nơi Bác chìm trong giấc ngủ thiên thu. Ở khổ thơ tiếp theo, nhà thơ đã viết một cách chân thật, không hề sướt mướt mà rất sâu lắng.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.”

Bác nằm một cách nhẹ nhàng, thanh thản như đang chìm vào giấc ngủ, nghệ thuật nói giảm nói tránh được tác giả sử dụng để tránh cảm giác đau buồn. 

Cả cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong những năm tháng chiến tranh, đất nước bị chia cách, Bác đã nhiều đêm không ngủ vì lo lắng chuyện nước nhà, tìm con đường giải phóng dân tộc.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.” – Cảnh khuya (Hồ Chí Minh)

Giờ đây, khi hoà bình được trả lại, Người đã có thể nghỉ ngơi trong “giấc ngủ bình yên”. Khung cảnh vô cùng thơ mộng, dưới “vầng trăng sáng dịu hiền”, đó là ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng được nhà thơ gợi sự liên tưởng thú vị về ánh trăng. 

Viễn Phương đã bộc lộ sự tinh tế, am hiểu về chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua ánh trăng bởi đó là người bạn đồng hành của Bác, “người” đã từng giao hoà vào những vần thơ Bác viết khi còn ở nhà lao, trên chiến trận.

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ 

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ 

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.” – Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)

Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” còn là ngụ ý sáng tạo của Viễn Phương, nhà thơ đã ví Bác ấm áp như mặt trời và thanh cao như ánh trăng. Người luôn luôn sáng ngời, bất diệt cùng thời gian với lý tưởng cao đẹp.

Mạch cảm xúc bài thơ đột nhiên lắng xuống bởi hai câu thơ tiếp theo, tác giả như không thể kìm nén được cảm xúc và vỡ oà, nghẹn ngào trước sự đau thương.

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Sự thành công nhất của nhà thơ Viễn Phương trong bài thơ Viếng lăng Bác là sử dụng nghệ thuật ẩn dụ. Hình ảnh “trời xanh” ngợi ca sự trường tồn vĩnh cửu khi Người như hóa thân vào dáng hình quê hương, xứ sở, sánh ngang cùng đất trời, sống mãi trong lòng nhân dân.

Tuy nhiên, tác giả vẫn cảm thấy đau lòng, cặp từ hô ứng “Vẫn biết”, “Mà sao” được sử dụng rất thuần thục, dù biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa. Viễn Phương nói riêng và cả đất nước nói chung không thể né tránh sự thật rằng Bác đã ra đi, để lại nỗi mất mát to lớn cho dân tộc.

Ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Viễn Phương 

Cuộc gặp gỡ nào cũng sẽ đến hồi chia ly, suốt quá trình viếng thăm, cảm xúc lặng lẽ, sâu lắng là thế nhưng khi nghĩ đến lúc phải rời đi, nhà thơ đã không thể ngăn được nỗi xúc động, lưu luyến nên cứ để nó tuôn theo dòng nước mắt.

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả ngát hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Dòng cảm xúc của tác giả cứ thế dâng trào mãnh liệt, tạo thành tiếng nấc nghẹn ngào với ước nguyện tha thiết được ở bên Người. Điệp từ “Muốn” được lặp lại tận ba lần, nhấn mạnh khát khao cháy bỏng của nhà thơ.

Đó là ước nguyện hoá thân thành “một con chim hót”, “một đoá hoa”, “một cây tre” để được ở bên Bác. Dù những vật đó nhỏ bé, tầm thường nhưng lại mang niềm mơ ước to lớn của Viễn Phương.

Ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Viễn Phương
Ước nguyện hóa thành những điều nhỏ bé nhưng mang giá trị cao đẹp của nhà thơ

Tác giả muốn trở thành chim để cất tiếng ca trong trẻo bên lăng Bác, làm hoa để góp sắc, thêm hương cho nơi đây và trở thành cây tre để khẳng định sự trung thành. Nhà thơ hay người Việt Nam đều một lòng với lý tưởng cao đẹp mà Người đã để lại cho dân tộc.

Nhịp điệu ở khổ thơ thứ tư dần chậm lại, dường như tác giả đang cố ý kéo dài thêm thời gian ở bên Bác trước giây phút chia xa. Điều đó cho thấy tình cảm sâu sắc, chân thành của Viễn Phương đối với vị lãnh tụ vĩ đại.

Khổ thơ cuối đã thể hiện ước mơ cháy bỏng của tác giả và đồng thời cũng là tiếng lòng chung của người dân Việt Nam. Hình ảnh cây tre xuất hiện đầu bài và kết thúc bài thơ như một lời thề nguyện về lòng trung thành với đường lối, lý tưởng cao đẹp mà Người đã gầy dựng.

Viếng lăng Bác ngời sáng trong thơ ca viết về Người

Trải qua nhiều năm tháng, bài thơ Viếng lăng Bác vẫn ngời sáng trong thơ ca viết về Người bởi nội dung sâu lắng và nghệ thuật đặc sắc. Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ một cách thuần thục đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm.

Viếng lăng Bác ngời sáng trong thơ ca viết về Người
Viếng lăng Bác sáng ngời trong những trang văn viết về Người

Với ngôn từ giản dị, chân thành, đậm chất con người Nam Bộ, các hình ảnh tả thực nhưng gợi nhiều liên tưởng thú vị, bài thơ dễ dàng đi vào trong tâm tưởng của độc giả. Giáo sư Trần Đình Sử đã từng có lời nhận xét về Viếng lăng Bác như sau.

“Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ, những ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc”. – Trần Đình Sử

Bài thơ sáng ngời bởi viết từ cảm xúc chân thành từ tận đáy lòng của tác giả, ông không phô trương hay dùng ngôn từ mĩ miều để ca tụng Người. Viếng lăng Bác được kết tinh từ tình cảm to lớn trong một trái tim bình dị, chạm vào tâm hồn độc giả rất nhẹ nhàng, tự nhiên.

Qua đó, Viễn Phương đã bày tỏ nhiều cung bậc cảm xúc, lúc thì trầm lắng, lúc thì mãnh liệt bởi lòng biết ơn dành cho Người và đó cũng là tình cảm chung của hàng triệu trái tim Việt Nam.

Giai Kỳ