Nguyễn Khoa Điềm là một trong những tác giả tiêu biểu cho cho thế hệ nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ngòi bút ông thăng hoa ở những trang thơ viết về đất nước và nhân dân, cả trước và sau khi đất nước thống nhất. 

Người nghệ sĩ này khẳng định dấu ấn bằng ngôn ngữ thơ giàu tính triết lý và chính luận. Chính vì thế, các tác phẩm của ông đều khiến người đọc phải ngẫm nghĩ để thấu được ý tứ sâu sắc mà câu chữ chuyên chở. 

Nguyễn Khoa Điềm và hành trình đến với thơ ca 

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình trí thức Cách mạng. Nhà thơ có một tuổi thơ không trọn vẹn khi bố mất năm ông vừa tròn 11 tuổi. Từ đó, ông sống với mẹ trong khu phố nghèo, chứng kiến nhiều mảnh đời vất vả mưu sinh. 

Năm mười hai tuổi, Nguyễn Khoa Điềm lại phải sống xa mẹ, rời quê hương ra Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Năm 1964, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lứa với Phạm Tiến Duật và Lê Anh Xuân. 

Sau đó, Nguyễn Khoa Điềm quay trở về quê hương và hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên – Huế. Trong một trận càn, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ suốt mấy tháng trời. 

Đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông được giải thoát và tiếp tục hoạt động Cách mạng. Cũng chính thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu hành trình đến với thơ ca.

Nguyễn Khoa Điềm và hành trình đến với thơ ca 

Nhà thơ cho rằng mình không có năng khiếu về thơ ca và sáng tác nghệ thuật. Tất cả đều nhờ vào quá trình học hỏi cũng như tìm tòi khổ luyện, hòa vào dòng chảy thời đại để tìm kiếm thi liệu.

“Thơ Nguyễn Khoa Điềm chứng tỏ anh có một vốn sống già dặn, một vốn tri thức khá phong phú và một cảm quan nhạy bén. Thơ anh có những liên tưởng độc đáo, những bất ngờ thú vị trong sự dẫn dắt và diễn đạt.” – Tác giả Vũ Tuấn Anh nhận nhận xét về thơ Nguyễn Khoa Điềm

Năm 1975, Nguyễn Khoa Điềm chính thức là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam và có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Đến năm 1995, nhà thơ được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. 

Tác giả của đất nước và nhân dân này chưa bao giờ có phút giây nào nghỉ ngơi trên hành trình sáng tạo thơ ca. Chỉ một thời gian sau khi nghỉ hưu, ông đã hoàn thành tập thơ Cõi lặng gây xôn xao dư luận vào năm 2007. 

Bên cạnh việc viết về đất nước và nhân dân với truyền thống đấu tranh hào hùng, thơ Nguyễn Khoa Điềm còn mang tính chiêm nghiệm, triết lý. Ông sẵn sàng chỉ ra những góc khuất ít ai nhận thấy của xã hội trong thời kỳ đổi mới. 

“Nguyễn Khoa Điềm đã góp vào nền thơ một phong cách giàu suy tưởng, cảm xúc, kết hợp hài hòa yếu tố hiện thực và lãng mạn, vốn sống trực tiếp và vốn sống văn hóa. Và điều đó không dễ cây bút nào cũng đạt được.” – Tô Phương Lan viết về Nguyễn Khoa Điềm trong Nhà thơ Việt Nam hiện đại 

Sau hơn bốn mươi năm gắn bó sâu sắc với thơ ca, tác giả đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá, giàu ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc như Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng, Ngôi nhà có ngọn lửa ấmKhúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Nguyễn Khoa Điềm và quan điểm về nghệ thuật chân chính 

Từ khi bén duyên với thơ ca, Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được bản chất nghệ thuật, ấy chính là người làm thơ phải bám vào gốc rễ cuộc đời mà tìm kiếm thi liệu để rồi tác động trở lại đời sống, mang đến nhiều điều tốt đẹp và yêu thương. 

“Thơ phải góp phần làm đẹp tâm hồn.” – Nguyễn Khoa Điềm khẳng định sứ mệnh của thơ ca chân chính 

Cũng giống như Nam Cao, Nguyễn Khoa Điềm không hề tô hồng thực tại hay dửng dưng trước nỗi đau thế hệ. Lần theo từng trang văn của nhà thơ, mọi nỗi khó khăn, vất vả, mất mát và hi sinh trong thời chiến như hiện ra trước mắt người đọc. 

Tác giả xem việc viết thơ không chỉ là viết cho mình với nhu cầu bộc lộ cảm xúc mà còn viết cho người đời để gieo phát nhiều hạt giống yêu thương hơn. Chính vì thế nên dù có viết về nỗi đau, độc giả vẫn thấy lấp ló niềm hi vọng về ngày mai tươi sáng.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm còn giàu tính chiêm nghiệm và nhuốm màu triết lý, chính luận sâu sắc. Nó đến từ quan niệm rằng làm thơ không chỉ là chuyện của tài năng bẩm sinh mà còn là sự đúc kết của cả một hành trình sống.

Thi sĩ cho rằng người cầm bút dù có viết ra câu thơ đẹp đến tráng lệ, mạnh mẽ đến hùng hồn nhưng thiếu đi cái tâm thì cũng chỉ là những câu chữ vô hồn, không chạm đến tầng sâu tâm hồn người đọc. 

“Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì vẫn chưa hay.” – Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ quan điểm trong  cuốn Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX

Nguyễn Khoa Điềm luôn chú ý đến phần chìm của thơ ca, ý tứ sâu xa ẩn giấu dưới lớp vỏ ngôn từ. Đã bước chân vào địa hạt thơ ca thì phải mang đến cho đời nhiều điều tốt đẹp và cao cả, xoa dịu nỗi đau đồng thời giúp con người mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Khoa Điềm và những vần thơ thời chiến 

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đi vào thời kỳ xây dựng và phát triển nhưng thơ ca chống Mỹ luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với độc giả. Mỗi tác phẩm như chứa đựng vùng trời lịch sự, giọt máu hồng và cả chiến thắng oanh liệt của cha anh. 

Những cái tên như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng ngòi bút tài hoa của mình để cất lên tiếng nói của cả thế hệ, khẳng định tinh thần và nhiệt tuổi trẻ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. 

Là nhà thơ thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã mang cả một thời đại hào hùng vào trong thơ, phơi trải lên từng trang giấy nỗi lòng, trăn trở và suy tư của người đi trước. 

Thơ của thi sĩ là sự hòa quyện và thăng hoa giữa trí tuệ và cảm xúc, tài năng và tâm hồn. Ông đã phác họa một cách chân thật chiến trường Bình Trị Thiên đầy khói lửa và phong trào đấu tranh trong đô thị tạm chiến miền Nam. 

“Có thể nói ngay rằng Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ giàu bản lĩnh, chung thủy với lý tưởng đã chọn và luôn biết đối diện với chính mình trên cơ sở ý thức công dân sâu sắc… Một phần thế kỷ đã qua đi, những tứ thơ độc đáo và riêng biệt của anh vẫn còn tơi rói cảm xúc về con người trong chiến đấu.” – Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về Nguyễn Khoa Điềm 

Chất lịch sử thấm đẫm trong từng dòng thơ, chảy vào tâm hồn người đọc với biết bao xúc cảm đan xen. Tác giả căm phẫn và đau đớn trước tội ác của quân thù, chiến trường đẫm máu lẫn những cuộc chia ly. 

“25 năm qua chưa một đời trai trẻ?

Ta soi gương, tái mặt

Này tóc, này râu, nấu cơm, bồng trẻ

Để mẹ làm thuê tối mặt tối mày

Để em đi trường cho Mỹ vuốt má

Để cha đi làm, họ trong hai tay.” – Trích từ bài thơ Tuổi trẻ không yên của Nguyễn Khoa Điềm

Nhà thơ không hề tô hồng hiện thực mà ông nhìn trực diện vào nó, không né tránh sự đau thương trong chiến tranh mà thẳng thắn phơi bày. 

“Bốn tao nôi day khung trời ngang trái

Mẹ đưa ta vào đời

Thành phố đã đầy bóng giặc

Thành phố đầy bóng người ngửa tay

Ôi những con cò “tỵ nạn” khô gầy.” – Tuổi trẻ không yên 

Càng xót xa trước sự tàn bạo của kẻ địch, tác giả càng thương cảm nhân dân, người mẹ già, con thơ và đặc biệt là những chàng lính với sứ mệnh giữ gìn đất nước cao cả. 

Đã hơn một lần thi sĩ viết về tinh thần chiến đấu cao cả, sự gan dạ trên chiến trường của các chiến sĩ với sự kính trọng và có phần thán phục. Từng con đường mà họ đi qua, nỗi vất vả trên hành trình cứu nước, đều được nhà thơ ghi chép cẩn thận. 

“Những con đường không ai trở lại

Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm

Anh nghe đập những bước chân đồng đội

Bao lối mòn chớp lửa chiến tranh

Những con đường không ai trở lại

Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm.” – Những bài hát, con đường và con người 

Nguyễn Khoa Điềm lượm lặt chất liệu hiện thực, từ chiến trường ác liệt đến con đường hành quân dài, chắt lọc và ký thác vào thơ ca. 

Giai đoạn kháng chiến khó khăn là thế nhưng nó chưa bao giờ là rào cản cho tình cảm lứa đôi. Trong mưa bom bão đạn, đoạn tình cảm trong sáng của họ càng trở nên đẹp đẽ và thiêng liêng hơn bao giờ hết. 

“Nếu anh được gặp em chiều nay

Anh qua

Một triền núi, một cánh rừng, một con suối, một hàng cây

Và gặp em ngồi trong ánh nắng!” – Những bài thơ tình viết trong chiến tranh 

Trong những giây phút nghỉ ngơi, tạm rời xa tiếng đạn súng kẻ thù, người chiến sĩ lại nhớ về người thương. Nỗi nhớ ấy không làm họ ủy mị, yếu đuối mà trái lại còn tiếp thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần chiến đấu nơi chiến trường.

“Phía em, phía của quê nhà

Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em

Anh đi kháng chiến trăm miền

Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này…” – Khoảng trời yêu dấu 

Chặng đường hành quân mà người chiến sĩ đi sẽ luôn có hình bóng quê hương với sự hiện diện của “em” và mẹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm là vậy, luôn giàu tình cảm và đầy ấm áp, dẫu trong hoàn cảnh cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. 

Hơi thở của những giá trị truyền thống trong thơ Nguyễn Khoa Điềm 

Thơ Nguyễn Khoa Điềm phảng phất thi vị của văn hóa dân gian với những câu chữ thiết tha về đất nước, nhân dân. Dù ở thể thơ tự do táo bạo hay truyền thống quen thuộc, nhà thơ luôn gói ghém trong đó bóng hình đất mẹ lẫn thế hệ đi trước. 

Đó là tinh thần gìn giữ văn hóa đáng quý của nhà thơ, là sự thề hiện tình yêu nước của một người con Việt Nam chân chính.

Lòng tự hào về cội nguồn dân tộc 

Nhà thơ luôn tỏ niềm say mê với nguồn cội, từ huyền thoại về những đàn chim Lạc thẳng cánh về phương Nam đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Chính vì điều đó, ngòi bút ông đã viết nên những dòng thơ đậm đà tinh thần dân tộc. 

“Một đất nước

Từ buổi đầu tiên 

Mang dấu hiệu cặp cánh tự do của bầy chim Lạc

Qua suốt bốn nghìn năm.” – Nghĩ về một nhãn hiệu 

Cũng theo khía cạnh văn hóa, rồng là biểu tượng của đất phương Đông. Trí tuệ sắc sảo của nhà thơ đã vận dụng điều này để chắp cho trang thơ thêm giàu âm điệu dân gian. 

“Đất là nơi Chim về 

Nước là nơi Rồng ở 

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.” – Mặt đường khát vọng 

Không dừng lại ở đó, sự liên tưởng phong phú của tác giả còn cho phép ông nối quá khứ với hiện tại. Đối với Nguyễn Khoa Điềm, dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong tim người Việt, không phân biệt địa điểm hay hoàn cảnh.

“Chắc những đứa con của Âu Cơ từng lên rừng và xuống biển 

Cũng không nhớ thương nhau nhiều như ta nhỉ?

Anh nhớ em làm mỗi ngọn lửa cũng nhớ em 

Lửa cháy trong rừng Trường Sơn bao đêm.” – Trên núi sông 

Tác giả luôn sử dụng chất liệu dân gian trong thơ ca của mình với những cách biến tấu vô cùng độc đáo, mới lạ nhưng vẫn không  kém phần tinh tế. Tài năng, tâm hồn người con đất Việt đã cùng nhau hòa làm một và thăng hoa. 

Lòng tự hào về cội nguồn dân tộc 

Có thể nói, Nguyễn Khoa Điềm luôn trân trọng và nâng niu giá trị văn hóa tinh thần của đất nước từ ngàn đời xưa. Không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc, nhà thơ còn muốn nhắc nhở người đọc về nguồn cội cha anh.

Văn hóa dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm 

Trong ký ức tuổi thơ của Nguyễn Khoa Điềm luôn thấp thoáng đâu đó bóng hình của các trò chơi dân gian. Chúng không đơn thuần là trò chơi giải trí mà còn được xem như hiện thân cho văn hóa truyền thống dân tộc.

Văn hóa dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm 

Là người con xứ Huế nên “diều Huế” trong sáng tác của nhà thơ luôn mang một nét rất riêng mà chỉ ở xứ cố đô này mới có. Cánh diều ấy đã ôm ấp và vỗ về tuổi thơ thi sĩ, nuôi dưỡng nên tâm hồn ngập tràn tình yêu quê hương xứ sở.

“Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng 

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ 

Đã dạy ta với cánh diều tuổi nhỏ 

Biết kéo về cả một sắc trời xanh.” – Lời chào trường ca Mặt đường khát vọng 

Cả trò đánh trận giả thuở bé, tưởng chừng chỉ là một trò chơi con nít nhưng lại khơi dậy tinh thần hào hùng một thời, gieo rắc vào tâm khảm nhà thơ lòng tự tôn dân tộc. 

“Lối đường làng ta chọc chú ve xưa 

Nay là lối em ta đào hầm đặt bẫy

Những trận giả trẻ con ta từng chơi, buổi ấy.” – Gửi anh Trường 

Văn hóa dân gian còn được Nguyễn Khoa Điềm đào sâu ở khía cạnh văn học với chất liệu lấy từ thần thoại, truyền thuyết hay ca dao, tục ngữ. 

Thơ Nguyễn Khoa Điềm vận dụng tinh tế và hài hòa vốn văn học dân gian để truyền tải những thông điệp sâu sắc, giàu tính nhân văn về đất nước cũng như nhắc người đời về truyền thống ông bà ta.

“Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi” 

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội 

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy 

Đi trả thù mà không sợ dài lâu.” – Đất nước 

Thi sĩ cẩn trọng gói ghém trong từng lời thơ, ý chữ phong vị của văn học dân gian, từ hình ảnh biểu tượng đến điệu hát, điệu hò. Đó chính là cách mà Nguyễn Khoa Điềm níu giữ hồn cốt dân tộc, thể hiện sự thủy chung với cha ông đi trước.

Nguyễn Khoa Điềm và quan niệm đất nước của nhân dân trong Đất nước

Là người nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Khoa Điềm luôn lấy dân làm gốc rễ, mọi sự đều vì dân. Đối với ông, đất nước là của nhân dân và chính vì thế, nhà thơ không chỉ nhân danh cá nhân mà cả cộng đồng để cất lên sự tự hào lẫn ý thức làm chủ. 

Đất nước là một trong những bài thơ thể hiện tinh thần dân tộc dân chủ trên, được trích trong chương Năm trường ca Mặt đường khát vọng. Nổi bật xuyên suốt tác phẩm là tư tưởng đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại. 

Nhà thơ lý giải về cội nguồn của đất nước 

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm ngược dòng thời gian tìm về nguồn gốc của đất nước. Không ai biết đất nước có từ bao giờ, chỉ biết là khi lớn lên thì đã có rồi.

Với tác giả, đất nước gắn liền với hình tượng người mẹ, người bà Việt Nam suốt đời yêu thương con cái. Đất nước có trong câu chuyện thuở nhỏ mẹ thường hay kể, có trong miếng trầu bà vẫn hay ăn.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”

Cái hay của Nguyễn Khoa Điềm là ở chỗ, ông ví đất nước như một con người, biết “lớn lên” và trưởng thành qua từng giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn bó với các phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. 

“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó.”

Dường như niềm tự hào dân tộc với bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đã thấm đượm vào trang thơ tác giả. Không ai biết đất nước hình thành từ bao giờ nhưng từng chặng đường phát triển đều có hình bóng của nhân dân.

Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng một cách rất khéo léo và tinh tế chất liệu văn hóa dân gian cùng điệp ngữ đất nước. Tất cả yếu tố ấy quyện hòa vào nhau đã tạo nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa Việt Nam.  

Đất nước được nhìn nhận qua bề rộng địa lý 

Quan niệm Đất nước của nhân dân còn được nhà thơ thể hiện dưới góc nhìn địa lý. Đất nước là khoảng không gian vô cùng gần gũi, thân thương khi gắn bó với cuộc đời mỗi con người. 

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Đất là nơi anh đến trường để tiếp thu kiến thức đóng góp cho quê hương, nước là dòng sông nơi em tắm mát, gợi nhớ hình ảnh dòng sông quê. Đất nước là nơi tình yêu đôi lứa nảy nở, là nơi chắp cánh cho niềm hạnh phúc lứa đôi. 

Đất nước không chỉ đo bằng không gian địa lý mà còn tính bằng sự ngân vang khúc hát ca dao ngọt ngào. Cũng vì vậy, không gian đất nước còn là đất của rừng vàng, nước của biển bạc. 

Đất nước còn là không gian sinh sống của cộng đồng người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó không đơn thuần là sự thống nhất giữa các yếu tố địa lý, văn hóa mà còn gắn liền với đời sống, số phận từng con người Việt.

“Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Đất nước trải dài trên không gian địa lý, gắn liền với đời sống con người Việt Nam từ thuở sơ khai đến hiện tại. Cũng chính vì thế, Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc nhở độc giả phải nhớ đến nguồn cội, hướng đến truyền thống ngàn đời của cha anh.

Đất nước được nhìn nhận dưới chiều dài lịch sử 

Nguyễn Khoa Điềm đặt đất nước trong dòng chảy lịch sử dân tộc, sức sống mãnh liệt nhân dân. Không như Chế Lan Viên nhắc đến các tên tuổi vĩ đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Huệ, tác giả hướng về lớp anh hùng vô danh. 

“Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

“Họ” chính là nhân dân và cũng chính họ đã bảo vệ bờ cõi nước nhà, tạo nên thành quả cho con cháu đời sau, viết tiếp nên những trang sử hào hùng dân tộc. 

Tái hiện đất nước dưới chiều dài lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng lời thơ vô cùng giản dị, thân thương nhưng rất đỗi tự hào trước công ơn của người đi trước. 

Đất nước được nhìn nhận dưới chiều dài lịch sử 

Đặc biệt trong đoạn thơ, thi sĩ chú ý tái hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt. Khi đất nước gọi tên, lớp người vô danh ấy sẵn sàng lên đường, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước được bộc lộ rõ ràng, mãnh liệt nhất qua câu thơ “Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Với Nguyễn Khoa Điềm, tình yêu nước là vô hạn, không bị phân biệt giới tính hay tuổi tác. 

Nhà thơ đặt đất nước dưới điểm nhìn của không gian địa lý và bề dài lịch sử, qua đó đất nước hiện lên với một hình hài cụ thể, có mối quan hệ gắn bó với đời sống nhân dân từ khắp các vùng miền, từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Bởi vì đất nước dài rộng và có bề dày lịch sử, mỗi người cần phải có ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với dải đất đã nuôi nấng mình lớn khôn. Đây cũng chính là thông điệp mà Nguyễn Khoa Điềm muốn gửi gắm, nhắn nhủ đến lớp trẻ ngày nay. 

Đặc sắc nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm 

Thơ Nguyễn Khoa Điềm để lại dấu ấn trong lòng người đọc không chỉ bởi đề tài giản dị, gần gũi mà còn là những đặc sắc về mặt nghệ thuật. Hình thức lẫn nội dung cứ thế song hành, chắp đôi cánh cho tư tưởng nhà thơ bay xa. 

Giọng điệu thơ ông vô cùng mộc mạc và trong trẻo nhưng đôi khi rất điềm đạm, sâu lắng. Từng câu chữ thấm đẫm triết lý nhân sinh, từng lời thơ viết ra như có hơi thở và sự sống, chạm đến phần hồn sâu kín của người đọc. 

Đặc sắc nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm 

Nguyễn Khoa Điềm còn là bậc thầy trong việc chắt lọc và sử dụng từ ngữ, chữ viết ra không thừa không thiếu, phát huy tối đa sức mạnh diệu kỳ của mình. Chất liệu dân gian như ca dao, tục ngữ đi vào thơ ông một cách rất tự nhiên và hài hòa. 

Thơ Nguyễn Khoa Điềm sẽ đi mãi cùng thời gian và năm tháng, hòa vào đại dương văn học mênh mông để mang đến cho độc giả mọi thế hệ những bài học về lẽ sống và nhân sinh. 

Hạ Nhiên