Lê Anh Trà được biết đến như một trong những cây bút xuất sắc của nền Văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà quân sự, nhà văn hóa tiêu biểu, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước một cách toàn diện. 

Trong suốt sự nghiệp của mình, tác giả đã gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý và ghi nhận công lao to lớn. 

Tuổi trẻ nhiệt huyết của người nghệ sĩ

Lê Anh Trà sinh năm 1927 tại một xã nhỏ thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thuở còn nhỏ, ông đã sớm bộc lộ sự thông minh cùng niềm đam mê đặc biệt với chuyện học hành và sách báo.

Năm 1965, Lê Anh Trà được cấp bằng tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva trước khi chính thức mang danh hiệu giáo sư vào năm 1965. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục học cao hơn và trở thành giáo sư năm 1984. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tác giả cống hiến hết sức mình và nắm giữ một vài chức vị quan trọng, phải kể đến là chủ tịch liên đoàn Văn hóa Cứu quốc tại tỉnh Quảng Ngãi và là nhân tố không thể thiếu của các tờ báo cổ động. 

Ngoài ra, ông còn hoạt động với cương vị cán bộ liên hiệp đình chiến tại liên khu Năm, cán bộ ban thống nhất Trung Ương và tổng biên tập Văn chí “Văn hóa nghệ thuật” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Tuổi trẻ nhiệt huyết của người nghệ sĩ

Sau khi đất nước thống nhất và tiến hành đổi mới, Lê Anh Trà vẫn tiếp tục hoạt động với vai trò Phó Viện trưởng Nghệ thuật, Viện trưởng Viện Văn Hóa và Hội đồng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật. 

Trong lĩnh vực văn học, cây bút tiêu biểu này ghi dấu trong lòng độc giả bởi phong cách viết chân thực, sắc sảo và sâu sắc, đặc biệt là ở thể loại nghị luận. 

Một số tác phẩm ấn tượng đã xuất bản của ông là Phong cách Hồ Chí Minh, Giáo dục thẩm mỹ và xây dựng con người mới Việt Nam, Thỏa mãn nhu cầu văn hóa và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ.

Lê Anh Trà và tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh 

Phong cách Hồ Chí Minh được biết đến là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Lê Anh Trà. Viết về vị lãnh tụ vĩ đại, Lê Anh Trà đã vận dụng lối ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày của độc giả. 

Phong cách Hồ Chí Minh trích từ cuốn sách Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam, xuất bản lần đầu vào năm 1990 tại Hà Nội. 

Phong cách Hồ Chí Minh là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại 

Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quát về phong cách Hồ Chí Minh, ấy chính là sự am hiểu về văn hóa nhiều quốc gia trên thế giới. 

Trong cuộc đời “truân chuyên” tìm đường cứu nước, Bác đã đi rất nhiều nơi và tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau bao gồm cả phương Đông, phương Tây. Dù ở châu lục nào, người cũng cần mẫn học hỏi, tỉ mỉ quan sát. 

Bác học và thành thạo nhiều thứ tiếng khác nhau, từ Anh, Pháp, Nga đến cả Trung Quốc. Học ngôn ngữ, bác học bằng cả trái tim và thành thạo như tiếng mẹ đẻ. 

Sự ham học hỏi ấy không phải bắt chước mà là tiếp thu một cách kỹ lưỡng, có chọn lọc. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, vị lãnh tụ ấy cũng đều đạt đến trình độ uyên thâm.

Phong cách Hồ Chí Minh là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại  

Bác học cái hay, cái đẹp của nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng khi đứng trước những mặt hạn chế, tiêu cực của chủ nghĩa tư bản, người luôn sẵn sàng phê bình và lên án. 

Tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại, có sự hòa trộn giữa nhiều nền văn hóa nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ được hồn cốt đất Việt trong mình. Ở bác có sự quyện hòa giữa phương Đông cùng phương Tây, giữa Việt Nam và nhân loại. 

Đây chính là tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”, là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Cho dù có phiêu du khắp năm châu, tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ thì mỗi con người phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp trong mình.

Phong cách Hồ Chí Minh là vẻ đẹp văn hóa dân tộc 

Nếu như ở phần đầu tác phẩm, Lê Anh Trà viết về phong cách Hồ Chí Minh ở khía cạnh văn hóa nhân loại thì đến đoạn này, ngòi bút tác giả bắt đầu khai thác vẻ đẹp tâm hồn bác theo một cách rất Việt Nam.

Dù là nhân vật có vị trí đặc biệt quan trọng nhưng nếp sống của Bác vô cùng giản dị, không một chút cầu kỳ hay phức tạp. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có một vị chủ tịch sống trong chiếc nhà sàn bằng gỗ đơn sơ mà tác giả ví như là “ cung điện”. 

Điều đáng nói là chiếc nhà sàn ấy cũng chỉ vỏn vẹn với phòng khách, nơi làm việc, phòng ngủ với lối thiết kế, trang trí mộc mạc. 

Lối sống tối giản của bác còn được thể hiện một cách rõ nét qua cách ăn mặc hàng ngày với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc áo trấn thủ cùng đôi dép lốp thô sơ hệt như các chiến sĩ can đảm trên dãy núi Trường Sơn. 

Thấu hiểu nỗi khó khăn, thiếu thốn của nhân dân và người lính về mặt lương thực, việc ăn uống của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đơn giản, đạm bạc với những món ăn dân tộc không chút cầu kỳ như cá kho, rau luộc hay cà muối, cháo hoa. 

Dường như mọi sinh hoạt của Bác, từ giấc ngủ cho đến miếng ăn đều chẳng khác gì một vị dân thường. Chính vì thế mà trong tác phẩm, Lê Anh Trà khẳng định rằng không vị lãnh tụ hay tổng thống nào lại sống giản dị và tiết chế như vậy. 

Từ lối sống cao đẹp của Bác, tác giả đã liên tưởng đến các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sống ở quê nhà. Điểm chung của họ là cách sống giản dị mà không khắc khổ, viên mãn cả về tinh thần và thể xác. 

Thế nhưng, giữa Bác và các vị danh nho ngày xưa vẫn có những điểm khác biệt nhất định mà người đọc dễ dàng nhận thấy. 

Khác với Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong thời trung đại, vốn tiếp thu thuần túy văn hóa dân tộc cùng Nho giáo, chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong thời hiện đại, có sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và nhân loại. 

Là một vị chủ tịch nước, gánh trên vai trọng trách lớn lao nhưng đời sống vật chất của bác lại tối giản đến mức tối đa, hòa mình vào thiên nhiên và đời sống nhân dân. 

Đây chính là sự phản chiếu của chiều sâu văn hóa, là kết quả của quan niệm sống đúng đắn và lành mạnh, mang lại sự hạnh phúc, an yên. 

Tác giả Lê Anh Trà và tình cảm sâu nặng với đất nước 

Lê Anh Trà không chỉ là một nhà văn mà còn là nhà quân sự, nhà văn hóa của đất nước Việt Nam. Dù hoạt động dưới vai trò nào, ông cũng cống hiến hết mình cho đất nước và nhân dân. 

Tinh thần cống hiến hăng say ấy không chỉ bắt nguồn từ ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp mà sâu xa hơn, nó là sự biểu hiện lòng yêu nước sâu sắc của một người con Việt Nam, luôn hết mình vì tương lai và sự phát triển dân tộc. 

Trong hành trình sáng tạo văn học nghệ thuật, Lê Anh Trà không ngừng tìm hiểu và trau dồi vốn văn hóa. Mỗi khi đặt bút viết, tác giả như đặt cả trái tim ấm nóng vào từng câu chữ. 

Tác giả Lê Anh Trà và tình cảm sâu nặng với đất nước 

Vốn sống cùng những trải nghiệm ở nhiều cương vị và giai đoạn đã làm cho văn Lê Anh Trà có chiều sâu, sự chiêm nghiệm. Khi viết thể loại nghị luận cũng là lúc tâm hồn lẫn ngòi bút ông thăng hoa, tạo nên các áng văn sâu sắc.  

Nhà văn đồng hành cùng đất nước qua từng chặng đường lịch sử, chứng kiến nhiều sự đổi thay từ lúc chiến tranh cho đến khi đổi mới. Chưa bao giờ ông thôi hướng về nhân dân và những vấn đề trong xã hội mới. 

Đây là sứ mệnh cao cả của người cầm bút mà theo Lê Anh Trà, việc này chính là một lòng hướng về đất nước, nhân dân, viết những điều thôi thúc tâm thức và đạo đức nghề nghiệp trong một nhà văn.

Lê Anh Trà và nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật 

Mỗi tác giả khi bén duyên với mảnh đất nghệ thuật đều mang trong mình một phong cách độc đáo riêng biệt. Lê Anh Trà cũng không phải ngoại lệ khi trang văn ông viết ra đều có sức hút rất riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân. 

Tác phẩm tác giả viết ra dù viết về nhiều lĩnh vực và vấn đề khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung, ấy chính là lối viết cô đọng, chân thực và sắc sảo. 

Lê Anh Trà và nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật 

Phong cách này đã theo Lê Anh Trà từ lúc nhà văn mới bắt đầu sáng tác nghệ thuật cho đến khi ông được biết đến như ngôi sao sáng trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, nhận nhiều giải thưởng cao quý. 

Không viết những câu văn dông dài mang nặng cảm xúc, Lê Anh Trà miêu tả đối tượng như đúng bản thân vốn có. Chính điều đó khiến văn ông có sự trực quan, chiếm được niềm tin nơi độc giả. 

Đặc điểm sáng tác này của tác giả có phần giống với Nam Cao, cả hai nhà văn đều tôn trọng sự thật, không tô hồng hay bóp méo hiện thực.

“Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.” – Nam Cao tuyên bố châm ngôn nghệ thuật trong Trăng Sáng 

Có đôi lúc nhà văn gây ấn tượng cho người đọc bằng các phát hiện và liên tưởng độc đáo, mới mẻ nhưng vô cùng hợp lý. Điều này bắt nguồn từ tài năng văn học thiên bẩm cũng như sự quan sát tinh tường, không ngừng học hỏi. 

Nét đặc sắc trong phong cách sáng tác văn học của Lê Anh Trà còn là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại, giản dị và uyên thâm. 

Nhà văn thâm nhập sâu vào đối tượng miêu tả, khai phá tầng sâu ít ai chú ý đến và dùng hệ thống lập luận chặt chẽ cùng dẫn chứng thuyết phục để mang đến cho độc giả nhiều phát hiện mới. 

Có thể nói, Lê Anh Trà là một tài năng quý của nền Văn học thời kỳ hiện đại và là người con luôn hết mình, tận tụy với đất nước Việt Nam mến thương.

Hạ Nhiên