Trong làng thơ Mới, nếu Xuân Diệu tạo tiếng vang với những thi phẩm tình yêu lãng mạn, Hàn Mặc Tử đắm chìm trong tình ái thì Vũ Đình Liên lại gây thương nhớ với giọng thơ thấm đậm chất hoài cổ. 

Tuy sáng tác không nhiều nhưng ông đã để lại cho nền văn chương Việt Nam một tác phẩm khiến biết bao độc giả rơi nước mắt mỗi khi bài thơ được cất lên, đó là thi phẩm Ông đồ. Các nhà phê bình đã đánh giá rằng hiếm có bài thơ nào bình dị mà cảm động đến như vậy.

Vũ Đình Liên là nhà thơ của những giấc mộng xưa cũ

Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh năm Quý Sửu (1913) tại Hà Nội, nguyên quán ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là một trong những người tiên phong cho phong trào thơ Mới (1932 – 1945).

Vũ Đình Liên là nhà thơ của những giấc mộng xưa cũ

Năm 1932, Vũ Đình Liên thi đỗ Tú Tài và tham gia dạy học tại các Trường Tư thục Thăng Long, Trường nữ sinh Hoài Đức, Trường Gia Long để mưu sinh. Về sau, ông đỗ bằng Cử nhân trường Luật và được nhận vào làm Tham tá ở Nhà thương Chính (Hà Nội).

Năm 1936, nhà thơ tạo dấu ấn đặc biệt trên văn đàn với sáng tác Ông đồ đăng trên báo Tinh hoa. Tác phẩm này được các nhà phê bình văn học đánh giá là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.

Ông là một nhà giáo ưu tú, nhiều năm tham gia giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội và giữ chức Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp. Ngoài ra Vũ Đình Liên còn hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực dịch thuật, phê bình, lý luận văn học.

Được biết đến là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào thơ Mới song thi sĩ họ Vũ sáng tác khá ít và chưa từng xuất bản tập thơ nào. Thơ ông luôn hướng đến những nỗi niềm hoài cổ, như Hoài Thanh nhận định “ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

“Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa.” – Vũ Đình Liên

Số lượng sáng tác của Vũ Đình Liên tuy không nhiều nhưng lại mang giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc. Ông là thi sĩ của những ngày xưa yên bình, lặng lẽ, một con người rất mực khiêm tốn hay thậm chí là “hạ mình quá đáng”.

“Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!

Vỗ giăng khuya bơi mãi! Cánh chèo mơ!

Lòng ta là những hàng thành quách cũ,

Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.” – Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Vũ Đình Liên là một nhà thơ ám ảnh với thời gian, dành trọn vẹn tâm tư vào những văn hóa cổ truyền của dân tộc đã bị lãng quên. 

Gia tài văn chương của ông có những viên ngọc quý như Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu xá. Các sáng tác này đều được đánh giá cao về nghệ thuật cũng như giá trị nhân văn xúc động lòng người. 

Ông đồ với những vần thơ xưa cũ yên lặng và nhẹ nhàng

Bài thơ Ông đồ được Vũ Đình Liên sáng tác năm 1936 và giới phê bình văn học đánh giá đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới. Tác phẩm đã trở thành biểu tượng cho một thời Nho học dần tàn lụi.

Sáng tác này được đăng trên tạp chí Tinh hoa và ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam. Hồn thơ tuy cũ nhưng lại thổi một luồng gió mới vào nền văn chương nước nhà, khi mà văn hóa phương Tây đang dần xâm chiếm mạnh mẽ.

“Hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ. Ông đồ năm năm đến mùa hoa đào, lại ngồi viết thuê bên đường phố. Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn.” – Hoài Thanh

Nhan đề thi phẩm đã gợi lên một hình ảnh đặc trưng và thân thuộc với nhân dân mỗi khi Tết đến xuân về. Những ông đồ viết chữ Nho thường xuất hiện trên đường phố, cho chữ người đi du xuân để lấy may đầu năm.

Ông đồ với những vần thơ xưa cũ yên lặng, nhẹ nhàng

Những nét chữ rồng bay phượng múa không những phô diễn được tài năng ông đồ mà còn thể hiện cốt cách thanh cao của người thưởng thức. Hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm thức biết bao thế hệ mỗi độ xuân về.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ        

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.” – Sưu tầm

Bài thơ Ông đồ bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc cho những kiếp người tàn tạ, qua đó bộc lộ sự nuối tiếc về truyền thống đẹp đẽ của dân tộc đã dần phai mờ với thời gian, để giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, kỉ niệm về một thời quá vãng.

Vũ Đình Liên tinh tế khi sử dụng thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn để biểu đạt cảm xúc sâu lắng, nghẹn ngào, cô đọng nhưng đầy gợi cảm. Ngòi bút tài hoa đã vẽ lên cả cuộc đời đau thương, buồn tủi của một ông đồ thất thế.

Ông đồ với sự giao thoa giữa lòng thương người và tình hoài cổ

Bài thơ ra đời khi nền Nho học đang suy vi còn văn hóa phương Tây lại trên đà xâm nhập mạnh mẽ. Thời thế thay đổi nên ông đồ không được trọng vọng như xưa, tác giả bày tỏ niềm tiếc thương với một lớp người tài hoa giờ đã lùi vào quá khứ.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.”- Ông đồ

Hình ảnh ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ” đã trở nên quen thuộc mỗi dịp hoa đào khoe sắc thắm. Điều đó dường như đã trở thành quy luật, một thói quen, tạo nên văn hóa đặc trưng cho Tết Nguyên đán của Việt Nam.

Bài thơ Ông đồ với sự giao thoa giữa lòng thương người và tình hoài cổ

Những dòng thơ ấy khiến độc giả hồi tưởng và chìm đắm vào không gian của Chén trà sương, Chữ người tử tù trong văn Nguyễn Tuân thuở nào. 

Qua hình ảnh ông đồ mặc áo dài, khăn xếp đang tỉ mẩn cho chữ, Vũ Đình Liên muốn gửi gắm sự nâng niu, trân trọng “thú chơi chữ”, một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc.

“Có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà là một báu vật trên đời.” – Chữ người tử tù

Chữ Nho trong quan niệm người xưa là chữ của bậc Thánh hiền, học để biết cách làm người, phò vua, giúp nước. Giấc mộng vinh quy bái tổ của bao sĩ tử đã tiêu tan khi khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) là khoa thi Nho học cuối cùng ở nước ta.

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.” – Ông đồ

Để có miếng cơm manh áo, biết bao người phải mang chữ Thánh hiền đem đi bán. Mặc dù điều đó khá tủi nhục và chẳng lấy gì làm vui sướng song sự tấm tắc thán phục, ngợi ca của người đời khi chứng kiến từng nét chữ “phượng múa rồng bay” cũng giúp ông đồ già được an ủi phần nào.

Tâm huyết của ông cụ dồn vào từng nét chữ như một sự tri ân dành cho nền Nho học đã lụi tàn, gửi gắm vào đó những tinh hoa, khát vọng và lý tưởng. Ông thổi hồn vào câu đối, giúp chúng trở nên sống động, cao sang, tao nhã.

Nền Nho học lụi tàn và những ký ức vang bóng một thời

Khổ thơ thứ ba bắt đầu bằng từ “nhưng”, dù báo hiệu sự thay đổi song cũng không quá bất ngờ. Nếu như trước đây ông đồ được coi như pho sử sống, tài hoa và đáng kính thì bây giờ chỉ còn lại hình ảnh của một kẻ sĩ lẻ loi, lạc lõng giữa dòng đời.

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.” – Ông đồ

Trong nghiên giọt mực sầu tủi đọng, ngoài kia giấy đỏ buồn chẳng thắm. Biện pháp tu từ nhân hóa tài tình đã nhấn mạnh nỗi lòng của những kẻ bị lãng quên, nỗi buồn con người dường như cũng khiến sự vật vô tri vô giác buồn theo. Cũng vì lẽ đó mà xưa kia Đại thi hào Nguyễn Du đã từng cảm thán.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” – Truyện Kiều

Cảm giác hụt hẫng, chênh vênh khi người thuê viết ngày xưa giờ càng thưa vắng. Câu thơ “Người thuê viết nay đâu?” chua xót bật ra thành câu hỏi. Người đọc cứ ám ảnh mãi bởi sẽ chẳng bao giờ có lời giải đáp nào được đưa ra.

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.” – Ông đồ

Nếu như trước đây, sự xuất hiện của ông khiến cho không gian và lòng người thêm nao nức thì bây giờ chỉ còn lại sự lạnh lùng, thờ ơ đến đáng sợ. Họ đã lãng quên, dần đẩy ông ra bên lề của cuộc sống nhộn nhịp.

Nền Nho học lụi tàn và những ký ức vang bóng một thời

Dáng ngồi như hóa đá ấy khiến độc giả nhói lòng, ngoài trời mưa bụi bay càng khiến khung cảnh thêm phần xót xa, nghẹn ngào. Chẳng ai còn nhớ đến ông, biểu tượng cho một thời vàng son giờ đã phai mờ theo thời gian.

Cũng là mưa xuân nhưng không “phơi phới bay” như trong thơ Nguyễn Bính, mưa xuân dưới ngòi bút tài hoa của Vũ Đình Liên đã chứa đựng trọn vẹn nỗi niềm hoài cổ khi nhớ về một thời quá vãng. 

“Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?” – Ông đồ

Lời thơ tiếc nuối, chơi vơi khiến cho cảm giác trống vắng như nhân lên gấp bội. Năm mới lại đến, hoa đào vẫn nở nhưng chẳng còn hình bóng ông đồ xưa kia, điều ấy khiến độc giả cảm thấy xót thương cho một lớp người tài hoa sinh lầm thời.

“Những người muôn năm cũ” giờ chỉ còn là vang bóng, câu thơ dấy lên bao sự luyến tiếc khi chứng kiến nét đẹp văn hóa dân tộc phai phôi. Thêm một câu hỏi tự chất vấn: “Hồn ở đâu bây giờ?” với giọng điệu day dứt dường như là một sự thức tỉnh của hậu thế nhưng có lẽ đã quá muộn.

Trầm lắng, ngậm ngùi là giọng điệu chủ đạo của bài thơ, ngôn ngữ trong sáng, bình dị, tạo sức gợi lớn trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, các biện pháp nhân hóa được sử dụng khéo léo đã góp phần truyền tải trọn vẹn giá trị thi phẩm.

Tác phẩm có kết cấu tương phản khá độc đáo, cùng diễn tả hình ảnh ông đồ nhưng một bên là thời vàng son được trọng vọng còn một bên là cảnh thất thế buồn tủi. Qua đó, Vũ Đình Liên gửi gắm tâm tư của chính mình về con người và thời cuộc.

“Chẳng ham ruộng cả, ao liền

Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.” – trích Thi ca bình dân Việt Nam

Qua bài thơ Ông đồ, Vũ Đình Liên đã thắp lên một nén tâm hương để tưởng nhớ lại thời hoàng kim của nền Nho giáo. Lời thơ cũng là lời nhắn nhủ thấm thía tới hậu thế hãy biết trân trọng và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc ngàn đời.

Tiểu Mai