Nguyễn Duy là một trong những cây bút dồi dào bút lực của nền văn học Việt Nam cả trước và sau thời kỳ đổi mới. Hồn thơ của ông vừa mang nét đời thường, tâm tình vừa có chút ngang tàng, đôi khi lại giàu triết lý. 

Nhắc đến Nguyễn Duy, người đọc nghĩ ngay đến một trong số ít tác giả luôn tìm tòi và sáng tạo, đổi mới thể thơ lục bát dân tộc với một tinh thần nhiệt huyết, say mê. 

Nguyễn Duy và tuổi thơ bén duyên với thơ ca

Nguyễn Duy có tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Từ thuở niên thiếu, ông đã bộc lộ sự gắn bó chặt chẽ với Cách mạng nước nhà.

Năm 1965, Nguyễn Duy giữ chức vị tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực Cầu Hàm Rồng. Đến năm 1966, ông nhập ngũ vào đường dây bộ đội thông tin và chiến đấu ở nhiều mặt trận.

Nguyễn Duy bén duyên với thơ ca từ rất sớm bắt đầu sáng tác khi còn là học sinh trường cấp Ba Lam Sơn. Đến năm 1973, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ trước khi tuyên bố “gác bút” để chiêm nghiệm bản thân vào năm 1997.

Nguyễn Duy và tuổi thơ bén duyên với thơ ca

Năm 2005, nhà thơ biên tập và cho ra mắt tập thơ thiền in trên giấy dó, gồm ba mươi bài thơ thiền thời Lý được chọn lọc kỹ lưỡng. Điều đặc biệt là chúng có cả nguyên bản chữ Hán, dịch nghĩa, dịch thơ Tiếng Việt và Tiếng Anh kèm ảnh minh hoạ.

Ngoài làm thơ, Nguyễn Duy còn tham gia sáng tác ở các lĩnh vực khác như tiểu thuyết, phóng sự, bút ký. Năm 2007, người nghệ sĩ tài năng này được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. 

Thơ Nguyễn Duy được nhiều nhà phê bình Văn học nghệ thuật đánh giá cao, cả về nội dung lẫn hình thức. Ông viết nhiều về chiến tranh, về người mẹ lẫn đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Ba trong số những tác phẩm nổi bật nhất của nhà thơ là Ánh trăng, Tre Việt Nam hay Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.

Nguyễn Duy và hành trình khám phá cái đẹp trong thời chiến 

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước kháng chiến, Nguyễn Duy hướng tâm thức cùng ngòi bút vào Cách mạng để tìm kiếm chất liệu cho thi ca, sáng tác nên những vần thơ về một thời kỳ tuy vất vả, gian lao nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc. 

Với nhiều năm tháng trong quân ngũ, Nguyễn Duy hiểu hơn ai hết những sự thiếu thốn không chỉ là về mặt vật chất mà còn cả tinh thần mà người lính phải trải qua. 

Thấu hiểu, cảm thông để rồi trân trọng, nhà thơ đã dùng ngòi bút mình để ghi chép cuộc đời cao đẹp của họ, khắc ghi tinh thần “thép” không tiếc mình bảo vệ nền độc lập, tự do nước nhà. 

“Hiếm hoi cái giấc yên lành 

hành quân xa lại tiếp tục hành quân xa

bao anh lính trẻ đã già

chưa sang hết suối chưa qua hết rừng” – Nguyễn Duy viết về sự vất vả và khó khăn của người lính trong bài thơ Lời ru đồng đội 

Nếu như thời gian, không gian trên chiến trường của người lính gắn liền với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thì về phía hậu phương, họ còn đau đớn và nhớ nhung hơn rất nhiều lần. 

Nguyễn Duy nhìn thấu điều đó, sự nhạy cảm trong một nhà thơ khiến tác giả trở nên đồng cảm với sự mất mát từ những người mẹ, người vợ, người con của đồng đội hy sinh nơi chiến trường.

“Mười lăm năm… kiệt khô lá héo

chợ bờ sông mụ hành khất điên cười

con chết trẻ làm thần liệt sỹ 

mẹ sống già làm ma giữa đời 

Gió rờn rợn một mùa hè ám ảnh 

cát trắng xèo từng giọt đỏ tươi…” – Ám ảnh cát

Khác với những nhà thơ cùng thời khai thác đề tài chiến tranh ở cái đẹp sử thi tầm vóc vĩ đại, Nguyễn Duy lại đặc biệt quan tâm những vẻ đẹp phi sử thi, bình thường nhưng vẫn toát lên được tinh thần chiến đấu sục sôi của dân tộc. 

Nguyễn Duy và hành trình khám phá cái đẹp trong thời chiến 

Nguyễn Duy dành tình cảm và biến mọi điều thi sĩ cảm nhận trên các nẻo đường chiến tranh thành thơ. Người nghệ sĩ này nặng lòng với đời, với người, với Cách mạng và nhân dân. 

Ông đã dùng ngòi bút để viết nên trang thơ đầy cảm động về tình quân dân, ghi tạc sự chở che, đùm bọc của nhân dân đối với các chiến sĩ Cách mạng trong mọi hoàn cảnh. Tiêu biểu là các bài Hơi ấm ổ rơm, Bát nước ngô của người mẹ Việt ở Cam Lộ

“Đọc thơ Nguyễn Duy trước hết ta thấy anh là một người lính đã chiến đấu ở nhiều mặt trận. Hiện nay anh không phải là quân nhân nhưng những câu thơ anh viết về bộ đội, về cuộc đời quân nhân vẫn là những câu thơ thấm thía nhất.” – Tế Hanh thể hiện sự trân trọng và kính phục dành cho những trang thơ viết về thời chiến của Nguyễn Duy 

Ngay khi chiến tranh đã đi qua và đất nước bước vào thời kì đổi mới, Nguyễn Duy vẫn không thôi trằn trọc về chiến tranh và tàn dư của nó. Ông sống nặng về tình cảm lẫn những kỷ niệm thời chiến, kể cả khi nó chỉ xuất hiện trong dĩ vãng.

Mưa bom bão đạn và những mong ước tốt đẹp trong thời chiến cứ thôi thúc Nguyễn Duy phải nhớ, phải viết nhiều hơn nữa về một thời đã xa. Chỉ một tiếng tắc kè kêu trong lòng thành phố cũng làm tác giả nhớ về người đồng đội trước phút cuối cùng. 

“Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia

Dưới lá là hầm là tăng là võng 

Là cơn sốt rét rừng vàng bủng

Là muỗi vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn… … Người bạn tôi không về tới nơi này 

Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ 

anh nằm lại trước cửa vào thành phố 

giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh. 

Đồng đội, bao người không về tới như anh…” – Nghe tiếng tắc kè trong thành phố 

Nguyễn Duy không muốn lãng quên người lính, càng không muốn quay lưng với những công lao và sự hi sinh cao đẹp của họ. Ông muốn ghi tạc một thời oanh liệt hào hùng vào trang thơ, để con chữ níu giữ hình bóng đồng đội nơi chiến trường. 

Nguyễn Duy và những chùm thơ chứa chan triết lý thế sự 

Hành trình sáng tạo thơ ca của Nguyễn Duy vô cùng bền bỉ, ông gắn bó với con chữ trước và sau thời kỳ đất nước đổi mới. Ngoài viết về chiến tranh, hình tượng người lính, thi sĩ còn có những chùm thơ nặng trĩu suy tư, đầy chiêm nghiệm về cuộc đời. 

Tính triết lý trong thơ Nguyễn Duy không phải là lý thuyết đơn thuần gượng ép, khô cứng mà nó là kết tinh của cả một quá trình sống và trải nghiệm, là sự thăng hoa trí tuệ cùng cảm xúc nhà thơ. 

Chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy không bắt nguồn trực tiếp từ những suy nghĩ lớn lao mà là những sự vật, sự việc rất bình thường. Để rồi tài năng, tình cảm của nhà thơ song hành cùng nhau, khái quát và trừu tượng hoá chúng. 

“Nguyễn Duy thường nắm bắt được cái mong manh nhưng lại rất vững chắc trong đời; chút rưng rưng của ánh trăng; một tiếng tắc kè lạc về giữa thành phố, một dấu chân cua lấm tấm ruộng bùn, một kỉ niệm chập chờn nguồn cội, một mùi thơm của huệ trắng trong đền; thoảng hư thực giữa người và tiên Phật… và rồi hồn thơ của Nguyễn Duy đã neo đậu được ở đó.” – Vũ Văn Sỹ nhận xét về thơ Nguyễn Duy

Chiến tranh qua đi cũng là lúc đất nước và dân tộc đối mặt với muôn vàn thử thách trước yêu cầu đổi mới. Đứng trước tình cảnh đó, Nguyễn Duy đã sáng tác thơ như một cách để giãi bày nỗi trăn trở cùng sự suy tư. 

Nguyễn Duy và những chùm thơ chứa chan triết lý thế sự 

Thi sĩ bày tỏ sự lo lắng trước thay đổi của thời cuộc, khi mà con người ta đặt vật chất lên hàng đầu, lãng quên năm tháng nghĩa tình gắn bó sắc son. Hơn một lần, tác giả đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh cho cả thế hệ trong bối cảnh xã hội mới. 

Sống trong một xã hội với những biến chuyển thời cuộc, người cầm bút như Nguyễn Duy phải thốt lên trước các vấn nạn về thiên nhiên, thời gian, không gian và tương lai con người.

“Quả đất nóng dần lên 

tầng ôzôn có vấn đề gì đó lạ 

sọ dừa gặp vấn đề trì trệ 

tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra 

mắt vấn đề toét tai vấn đề ù…” – Nguyễn Duy thẳng thắn bày tỏ “căn bệnh” thời đại trong bài thơ Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ 

Trong thơ Nguyễn Duy, nỗi khắc khoải và lo lắng trước sự chảy trôi của thời gian cũng được gắn với sự suy tư, chiêm nghiệm đầy triết lý. Với ông, thời gian được tính bằng đời người, phải sống ý nghĩa, sống trọn vẹn để không phí hoài sự sống. 

Đi nhiều nơi và chứng kiến nhiều mảnh đời, nhà thơ tâm niệm đã sống là phải sống hết mình, sống với sự chân thành, yêu thương và bao dung. Có như thế, dù là trong hoàn cảnh nào, con người ta cũng có thể đối mặt và vượt qua. 

“Khổ và khó có gì đáng sợ hãi

Chỉ sợ lòng trống trải dửng dừng dưng” – Nguyễn Duy viết trong bài Từng trải 

Là một người nghệ sĩ giàu lòng trắc ẩn, dám sống và dám viết hết mình, thi sĩ đã để cho thơ mình một không gian thế sự riêng, đề cập đến vấn đề lớn lao của đất nước nhằm cùng nhân dân tìm ra giải pháp, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. 

Nguyễn Duy thẳng thắn viết cho lòng mình và nguyện vọng nhân dân ở mọi thời đại và thế hệ. Dù thời gian qua đi nhưng trang thơ Nguyễn Duy vẫn giữ vẹn nguyên giá trị thời sự, thức tỉnh nhân dân cùng chung tay xây dựng một nền văn minh tiến bộ hơn.

Ánh trăng – Vầng trăng mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc 

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Duy luôn có ý thức đi sâu vào đời sống nội tâm, lắng nghe thổn thức trong lòng con người. Chính vì thế, nhà thơ đã phát hiện những khía cạnh khuất lấp của đời sống và con người trong thời đại mới. 

Ánh trăng là một trong những bài thơ xuất sắc và giàu ý nghĩa nhân sinh nhất của nhà thơ. Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh, đánh động đến tâm can biết bao con người về những năm tháng nghĩa tình đã qua.

Ánh trăng - Vầng trăng mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc 

Với thể thơ năm chữ cùng giọng điệu tâm tình nhỏ nhẹ, thi sĩ bộc lộ sâu sắc tình cảm của mình dành cho ánh trăng. Nó đã cùng người lính đồng cam cộng khổ, chứng kiến những đêm hành quân xuyên cả cái lạnh và màn đêm núi rừng. 

Mạch thơ được kể từ quá khứ đến hiện tại, từ hồi ức thuở gắn bó với trăng đến cuộc sống xô bồ quen với ánh đèn điện. Cách kể chuyện như thế khiến nhà thơ dễ dàng thể hiện được cảm xúc, từ đắm chìm trong hoài niệm đến giật mình vỡ lẽ. 

Trong bài thơ, ánh trăng là một biểu tượng gần gũi, quen thuộc với đời sống con người nhưng lại dần bị lãng quên, thay thế bởi không gian náo nhiệt, hiện đại của thành phố.

Con người bị cuốn theo đời sống vật chất bon chen, hối hả mà quên đi ánh trăng nghĩa tình thuỷ chung năm xưa, cũng tức là quên đi chính mình.

Chi tiết “trăng cứ tròn vành vạnh” và “ánh trăng im phăng phắc” như là một lời nhắc nhở của trăng đối với người lính. Ánh trăng thì vẫn cứ tròn và sáng thế thôi, chỉ có lòng người giờ đây đã thay đổi.

Dường như trăng cũng là một người có cảm xúc và suy tư, tuy không nói nhưng vẫn ngậm ngùi, xót xa trước sự dửng dưng và quay lưng của người bạn tri kỷ năm nào. 

Giây phút khi nhân vật trữ tình “giật mình” cũng là lúc lương tri anh được thức tỉnh. Cũng chính cái “giật mình” đó đã kéo nhân vật này ra khỏi cuộc sống hiện đại bon chen, quay trở về với những giá trị nhân sinh đích thực. 

Con người ai cũng có lúc mắc sai lầm nhưng phải biết nhận thức và sửa chữa lỗi lầm đó. Nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là phải thức tỉnh lương tri, thuỷ chung với quá khứ và cả chính bản thân mình.

Nhớ về trăng cũng chính là nhớ về năm tháng trên chiến trường kề vai sát cánh với đồng đội, nhớ về công lao giữ nước hào hùng của cha anh. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ mà Nguyễn Duy gửi gắm, sống là phải biết “uống nước nhớ nguồn”. 

Nguyễn Duy viết Ánh trăng khi ông chứng kiến những thay đổi đáng buồn của con người trong thời kỳ xã hội mới. Tuy vậy, chưa bao giờ ông đánh mất hy vọng vào con người, rằng sẽ những lúc chúng ta “giật mình” để nhớ lại và trân trọng quá khứ. 

Năm tháng có thể qua đi nhưng nhưng giá trị nhân bản mà Ánh trăng mang đến vẫn vẹn nguyên trong lòng người đọc mọi thế hệ. Độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ không được quên đi quá khứ cũng như một thời gian lao nhưng hào hùng của cha anh. 

Sự tìm tòi say mê cách tân thể thơ lục bát của Nguyễn Duy 

Nhắc tới Nguyễn Duy, người đọc thường nghĩ ngay đến một hồn thơ say mê thơ lục bát với nhiều sáng tạo mới mẻ. Có thể nói, ông dành nhiều tâm huyết và nỗ lực nhất cho thể thơ truyền thống dân tộc. 

Thơ lục bát của Nguyễn Duy vừa giữ được nét trữ tình thi vị, đằm thắm thiết tha lại vừa có sự tân kỳ, đột phá trong diện mạo. Thi sĩ đã tìm cách trẻ hoá lục bát bằng ngôn ngữ dân sinh hiện đại. 

Sự tìm tòi say mê cách tân thể thơ lục bát của Nguyễn Duy 

Sáng tác lục bát Nguyễn Duy chịu ảnh hưởng nhiều của văn học dân gian, đặc biệt là ca dao, dân ca. Chính vì thế mà khi đọc thơ ông, độc giả có cảm tưởng như bắt gặp một thế giới dân gian sinh động, sống lại tuổi nhỏ với câu hát thuở nằm nôi. 

“Việc sáng tạo khi viết thơ lục bát của Nguyễn Duy được bắt đầu và quy định từ ý đồ nghệ thuật: tôn trọng giá trị truyền thống của thể thơ, đưa ca dao vào trong thơ làm điểm tựa để khởi phát tư duy thơ; đa dạng hoá các thủ pháp nghệ thuật của ca dao, tiếp thu tư duy trào lộng của thể thơ làm giãn nở, mở rộng biên độ của đến độ trữ tình cho phép. Điều này đã tạo cho thơ lục bát của ông một giọng điệu vừa cổ kính vừa hiện đại, trào lộng trữ tình trí tuệ.” – Lê Quang Hưng nhận xét về thơ lục bát của Nguyễn Duy trong tập Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng 

Từ khi xuất hiện trên Tao đàn, Nguyễn Duy đã khẳng định tên tuổi mình bằng những bài thơ lục bát lay động trái tim người đọc như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa hay Tre Việt Nam

Sự thành công này không phải là một yếu tố ngẫu nhiên bởi trong tiềm thức, nhà thơ luôn dành sự kính trọng và nâng niu điệu sáu tám của ca dao ngàn đời.

“Tôi sinh ra ở nông thôn. Làm ruộng từ bé, đắm mình trong đất cát, rơm rạ, cua ốc và ngôn ngữ nhà quê. Lớn lên thì đi lang thang nhiều nơi, nhưng mà cái thần hồn của làng quê trong tôi cứ nhập vào như lên đồng. Chính vì thế mà sau này tôi rất thích làm thơ lục bát.” – Nguyễn Duy chia sẻ về quan điểm của mình

Trung thành với thể thơ lục bát dân tộc nhưng Nguyễn Duy luôn khát khao cách tân, mang đến cho nó sự độc đáo. Cũng chính vì thế mà thơ ông viết ra, vừa có gì đó rất gần gũi, quen thuộc lại mới mẻ, khác lạ. 

“Nhìn về quê mẹ xa xăm 

Lòng ta chỗ ướt, mẹ nằm đêm mưa 

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.” – Tác giả bộc lộ nỗi nhớ nhung mẹ già trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 

Hai câu ca dao “miệng nhai cơm búng” và “lưỡi lừa cá xương” nhập vào đoạn thơ một cách rất tự nhiên. Nó vừa tạo nên tiếng nói đằm thắm, mộc mạc lại có chút mơ hồ, xa xăm. 

Ở thể lục bát, thi sĩ sử dụng rất nhiều chất liệu ca dao và dân ca, đôi khi cả “nguyên khối”. Đó chính là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ nhằm cách tân, tạo âm điệu mới cho hồn thơ dân tộc. 

“Ai làm ra lúng liếng sông

để đưa tu hú sổ chồng sang ngang” – Vải thiều 

Bên cạnh việc đem chất liệu văn học dân gian vào trong sáng tác, Nguyễn Duy còn khiến hơi lục bát tràn lướt qua mỗi câu chữ, cất lên những nét nhạc mới bằng cách ngắt dòng, nhịp phi truyền thống.

“Thắng rồi – trận đánh thọc sâu

Lại về với mái tăng – bầu trời vuông.” – Bầu trời vuông 

Câu sáu chữ ngắt nhịp 2/4 còn câu tám chữ ngắt nhịp 5/3 mang đến cho đoạn thơ sự mới lạ thú vị. Âm hưởng lục bát vẫn phảng phất nhưng nó đang khoác lên mình một diện mạo và âm điệu mới. 

Trong bài Tre Việt Nam, tác giả cũng liên tục khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự biến tấu thể thơ truyền thống một cách tinh tế và tài ba. 

“Tre xanh 

xanh tự bao giờ ?

chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

……. 

mai sau

mai sau 

mai sau

đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh” – Tre Việt Nam 

Với hai cầu sáu chữ mở đầu và kết thúc của bài thơ, thi sĩ đã tạo lập nên một cách ngắt dòng hết sức độc đáo. Nếu như câu mở đầu được tách thành hai dòng thì câu kết thúc được tách thành ba dòng. 

Điều này vừa thể hiện sự đa dạng về mặt hình thức thơ, vừa là một minh chứng tiêu biểu cho tư duy thơ mới lạ của Nguyễn Duy. 

Người nghệ sĩ này còn có ý thức ở việc đổi mới nhịp, phá vỡ nhịp chẵn và tạo nhịp lẻ bằng cách kết hợp ngôn từ, mang đến cho câu thơ sắc thái mạnh mẽ, cá tính. 

“Ô kìa đột ngột trăng lên 

Trăng, trời, trăng láng bạc trên lá rừng.” – Cách xây dựng nhịp độc đáo của Nguyễn Duy trong bài thơ Trăng 

Nguyễn Duy đã thực sự đưa thể thơ lục bát dân tộc lên một tầm cao mới với những cách tân mới mẻ, sáng tạo. Nhà thơ tuy sử dụng chất liệu văn học dân gian nhưng lại mang đến cho nó một dáng vẻ cùng âm điệu mới, tân kỳ và hiện đại hơn. 

Chính vì thế, thơ lục bát Nguyễn Duy vừa có sự ngọt ngào, bình dân của ca dao, dân ca lại vừa thấm đẫm sự uyên thâm của thơ ca bác học. Đây là sự đổi mới linh hoạt, là sự hòa quyện giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại. 

Một thế giới ngôn từ đầy sắc màu

Mỗi một người nghệ sĩ khi bước vào thế giới của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng đều có một phong cách ngôn ngữ đặc trưng riêng biệt, không thể lẫn với bất kì một cá nhân nào khác.

Nguyễn Duy không phải là một ngoại lệ, ngay khi bén duyên với thơ ca, ông đã trung thành với ngôn ngữ làng quê, ngôn ngữ sinh hoạt. Xuyên suốt sự nghiệp cầm bút, thi sĩ vẫn luôn theo đuổi và vận dụng vốn ngôn ngữ ấy vào hành trình sáng tạo. 

Thế giới ngôn từ đầy sắc màu trong thơ

Bức tranh ngôn từ của nhà thơ lấy làng xóm, thôn quê làm trung tâm giá trị. Dù đổi mới hay cách tân cầu kỳ đến đâu, tác giả vẫn không quên đem lời ăn tiếng nói nhân dân gói ghém vào trong thơ.

Với ông, dân làng là bà con và bà con thì giống như người nhà. Nhà thơ trân trọng công sức lao động, nâng niu sự đôn hậu, thật thà nơi tấm lòng những người nhà quê ấy.

“Nhà bên xay lúa ù ù 

Vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào.” – Nguyễn Duy ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt chốn làng quê trong bài thơ Về làng

Việc tiến sĩ Chu Văn Sơn ví Nguyễn Duy như “thi sĩ thảo dân” là đúng đắn khi ngôn ngữ thơ ông luôn hướng đến phần đông quần chúng nhân dân lao động. 

Không phải ngẫu nhiên khi độc giả luôn cảm nhận ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy có chút bụi bặm, bình dị, gần gũi với đời sống.

Dưới bàn tay tài hoa cùng nhãn quan sắc sảo của người nghệ sĩ, lớp từ ngữ vốn có phần thô kệch bình dân đã trở nên mềm mại và uyển chuyển hơn bao giờ hết. 

Điều này đã biến thơ ông trở thành một phần của đời sống thực bởi ở đó không còn sự hoa mỹ, chỉ có sự trăn trở, lo toan của cuộc sống thường nhật. 

“Em có nghĩ tôi là con chích chòe ăn và gại mỏ? 

Em có nghĩ tôi là tay chuyên sản xuất hàng giả?

… Em có nghĩ …

mà thôi!” – Nguyễn Duy viết trong bài Đánh thức tiềm lực

Nguyễn Duy quý cả phương ngữ, ông đưa vào trong thơ rồi chắp cho nó đôi cánh để biến thành nghệ thuật. Với thi sĩ, ngôn ngữ nhân dân đẹp và cao quý nhất, nó là nguồn chất liệu vô biên cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, khẳng định mình. 

Không tìm kiếm thứ ngôn từ cao sang, có phần xa rời thực tại đời sống, Nguyễn Duy trân trọng và gìn giữ ngôn ngữ của làng quê, của tầng lớp nhân dân lao động. Đó chính là kim chỉ nam trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đáng quý của ông. 

Văn học rồi cũng sẽ có những dòng chảy nhưng các tác giả chân chính như Nguyễn Duy sẽ mãi trường tồn cùng với thời gian và năm tháng. Những bài học nhân sinh sâu sắc mà ông gửi gắm sẽ mãi khiến mọi thế hệ người đọc phải suy ngẫm. 

Hạ Nhiên