Ánh trăng là tác phẩm được sáng tác trong thời kì văn học Việt Nam sau 1975, khoảng thời gian chuyển giao từ chiến tranh khốc liệt trở về cuộc sống thường nhật với nhiệm vụ phát triển và xây dựng đất nước.

Ra đời trong hoàn cảnh như vậy nên Ánh trăng cũng như nhiều bài thơ cùng thời, tập trung đi sâu vào việc khắc họa tâm lý và thái độ sống của con người khi chiến tranh đi qua, nền hòa bình được lập lại.

Nguyễn Duy là một ngòi bút trầm tĩnh nhưng giàu cảm xúc

Trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Duy đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân trên chiến trường đầy máu lửa và khốc liệt.

Trong giai đoạn ấy, ông đã trực tiếp chứng kiến và thấm thía sâu sắc những hy sinh, mất mát lớn lao của dân tộc cũng như nhiều kiếp người, để rồi từ đó trở thành một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.

Trầm tĩnh nhưng giàu cảm xúc là văn phong đặc trung của nhà thơ Nguyễn Duy
Trầm tĩnh nhưng giàu cảm xúc là văn phong đặc trưng của nhà thơ Nguyễn Duy

Người nghệ sĩ Nguyễn Duy đã làm thơ từ sớm, khi còn đang theo học tại trường cấp ba Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tới năm 1977, nhà thơ tuyên bố “gác bút” để chiêm nghiệm lại bản thân và tập trung vào việc làm lịch thơ.

Tác giả Nguyễn Duy gây ấn tượng với nhiều độc giả bằng ngòi bút ngang tàng nhưng lại trầm tĩnh, giàu cảm xúc khi viết những đề tài gần gũi, bình dị trong cuộc sống.

“Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh nó lắng sâu và dường như đọng lại….” – Hoài Thanh

Nhiều độc giả trẻ tuổi biết tới nhà thơ Nguyễn Duy qua nhiều tác phẩm đặc sắc của ông như Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò lèn hay bài thơ thể hiện những trăn trở và nghĩ suy về tương lai đất nước như Đánh thức tiềm lực.

“Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó.” – Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ

Với Ánh trăng, bài thơ được tác giả Nguyễn Duy sáng tác lúc cuộc chiến tranh đẫm máu đã đi qua ba năm, khi con người có khoảng thời gian sống trong hòa bình và những hồi ức quá khứ dần mờ nhòe theo năm tháng.

Ánh trăng là lời nhắn nhủ chân tình về lối sống nghĩa tình cao đẹp

Tác giả Nguyễn Duy sáng tác bài thơ giống như một câu chuyện được kể theo trình tự thời gian, bắt đầu từ khoảnh khắc “hồi nhỏ sống với đồng” tới “hồi chiến tranh ở rừng” và kết thúc là khi “về thành phố”.

Hình tượng ánh trăng xuất hiện qua ba dấu mốc thời gian cũng đi theo dòng tự sự mà nhà thơ xây dựng. Hồi nhỏ và khi ở chiến trường, vầng trăng là “tri kỷ”, “tình nghĩa” thì khi về thành phố, ánh trăng lại như “người dưng qua đường”.

Lối sống thủy chung là lời nhắn nhủ được nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm
Lối sống thủy chung là lời nhắn nhủ được nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm

Điểm nghệ thuật độc đáo được nhà thơ xây dựng nằm ở từng khổ thơ ông sáng tác. Mở đầu mỗi khổ, chỉ duy nhất chữ cái nơi dòng đầu tiên viết hoa, tạo thành một câu kể dài trọn vẹn ý, đó cũng là sự cách tân mới mẻ trong thơ.

Hơn thế, trong toàn bộ bài thơ Ánh trăng, tác giả Nguyễn Duy chỉ sử dụng một dấu chấm duy nhất ở cuối tác phẩm nhằm tạo ra sự liền mạch về mặt cảm xúc, khiến dòng tư tưởng không bị ngắt mạch.

Xuyên suốt diễn biến của mạch cảm xúc, một sự việc bất thường là “thình lình đèn điện tắt” xảy ra, tạo nên bước ngoặt để rồi, nhà thơ Nguyễn Duy từ đó bộc lộ rõ tư tưởng và chủ đề tác phẩm.

Với ngòi bút có sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố tự sự và trữ tình, Ánh trăng không chỉ được nhiều độc giả biết đến như bài thơ mà nó còn mang dáng dấp của một câu chuyện nhỏ với lời kể chân tình, mộc mạc.

Hình tượng đa nghĩa vầng trăng trong tác phẩm Ánh trăng

Vầng trăng từ bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn.

Vầng trăng là hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm
Vầng trăng là hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm

Thời trung đại, Lý Bạch khi đối diện với vầng trăng đã giật mình thảng thốt nhớ cố hương. Tới nay, Nguyễn Duy, ngòi bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng góp vào mảng thơ thiên nhiên một “Ánh trăng”.

Đến với Ánh trăng của tác giả Nguyễn Duy, trăng xuất hiện trong tác phẩm vừa là hình ảnh ẩn dụ vừa là hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng, truyền tải tới độc giả tư tưởng và tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm.

Hình tượng vầng trăng đầy tình nghĩa trong quá khứ

Trước hết, trong hai khổ thơ đầu, hình tượng vầng trăng được nhà thơ khắc họa dưới không gian rộng lớn của ruộng đồng, núi rừng và sông biển, nơi con người “hồn nhiên như cây cỏ”.

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa.”

Nhớ tới trăng là nhớ về không gian bao la “với đồng với sông rồi với bể”. Bằng cách gieo vần lưng và điệp từ “với” lặp lại ba lần, nhà thơ Nguyễn Duy đã gợi ra trước mắt người đọc một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm tươi đẹp.

Đó là quãng thời gian được thỏa thích vui đùa, hòa mình cùng thiên nhiên một cách “trần trụi” và tới khi trở thành người lính, vầng trăng và con người vẫn gắn bó với nhau như người bạn “tri kỉ”.

“Hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ.”

Trong khoảnh khắc “hồi chiến tranh ở rừng”, vầng trăng đẹp đẽ ân tình như tri kỷ gắn liền với bao kỷ niệm thiếu thời và những năm tháng chinh chiến, hành quân ra chiến trường miền Nam đổ lửa.

Nhiều độc giả phát hiện hình ảnh vầng trăng đồng hành cùng người lính trên đường hành quân được nhà thơ Nguyễn Duy khắc họa có nét tương đồng với hình tượng trăng trong tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu.

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng canh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Cùng là vầng trăng và người lính nhưng ở Đồng chí, ánh trăng hiện lên qua hình ảnh “đầu súng trăng treo” thì đến với Ánh trăng, mối quan hệ giữa hai sự vật là người bạn “tri kỷ”.

Vầng trăng tròn đầy tình nghĩa trong quá khứ hiện qua dòng suy nghĩ của người lính
Vầng trăng tròn đầy tình nghĩa trong quá khứ hiện qua dòng suy nghĩ của người lính

Trong không gian đêm tối của núi rừng, trăng không chỉ là ánh sáng soi đường đi mà còn đóng vai trò như niềm vui bầu bạn, nơi để người lính gửi gắm những tâm tư thầm kín. Con người khi ấy sống hòa hợp với thiên nhiên trong lành.

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa.”

Trần trụi và hồn nhiên là một vẻ đẹp bình dị, hiền hòa đến lạ thường. Hình ảnh so sánh “hồn nhiên như cây cỏ” đã tô đậm thêm sự quyến rũ tự nhiên đó của vầng trăng.

Tuy nhiên, sự giản dị đó còn được nhiều độc giả hiểu là nét mộc mạc trong tâm hồn của những con người nhà quê, của toàn bộ thiên nhiên đất trời và của người lính chân chất.

Vầng trăng đã được nhà thơ Nguyễn Duy nhân hóa cao độ để trở thành chỗ dựa tinh thần của nhà thơ cũng như một người bạn tri âm, tri kỷ tưởng chừng không bao giờ có thể lãng quên.

Câu thơ “Ngỡ không bao giờ quên/ Cái vầng trăng tình nghĩa” như một bản hiệp ước thiêng liêng giữa con người và vầng trăng tròn. Từ “nghĩa tình” vang lên khiến cho ranh giới giữa con người với trăng tưởng chừng như mãi bền vững.

Thế nhưng, giữa dòng hồi tưởng tươi đẹp, tác giả chợt có những vướng bận mơ hồ, báo hiệu cho một bước ngoặt được hình thành trong câu chuyện. Từ “ngỡ” xuất hiện như điểm tiếp nối tinh tế giữa hai mạch cảm xúc.

Vầng trăng và cảm xúc con người ở hiện tại

Khép lại mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa con người và vầng trăng tri kỷ trong quá khứ, nhà thơ Nguyễn Duy đưa độc giả đến với thực tại khi sự thân thiết ấy dần bị mờ nhòe theo năm tháng với những đổi thay trong lòng người.

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.”

Vẫn là vầng trăng xưa nhưng con người giờ đã thay đổi, họ quen với ánh sáng nhân tạo mà quên đi sự hiện diện của vầng trăng. Đây đích thực là sự thay đổi đến phũ phàng khi mọi người xem nó hoàn toàn xa lạ.

Người lính xưa rời khỏi chiến tranh, trở về với cuộc sống thời bình nhiều biến chuyển. Họ không còn những lần hành quân có trăng bầu bạn, cũng chẳng đối mặt với kẻ thù mà bây giờ chỉ có “ánh điện, cửa gương” hiện đại.

Trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi ấy, người lính đã vô tình quên đi ánh trăng, bạc bẽo với nghĩa tình sâu nặng một thời. Trăng vẫn đồng hành bên cạnh con người nhưng thật xót xa khi người đã xem trăng như “người dưng qua đường”.

“Vầng trăng đi qua ngõ

như người qua đường.”

Sự đối lập giữa ánh trăng với tấm lòng thủy chung và việc con người xem trăng như người dưng qua đường xuất hiện như một lời ăn năn, day dứt trong lòng tác giả trước sự thật phũ phàng.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng như Tố Hữu đã nhận ra một quy luật bắt nguồn từ sự lãng quên và thích nghi nhanh chóng của con người, họ dễ dàng quay lưng với quá khứ vất vả mà chỉ quan tâm tới việc hưởng thụ hiện tại tươi đẹp.

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.” – Tố Hữu (Việt Bắc)

Con người lãng quên quá khứ, bội bạc với ân tình một thuở chưa xa. Những câu thơ của tác giả Nguyễn Duy chứa đựng nỗi niềm trăn trở và day dứt trước nhân tình, thế thái thời hậu chiến.

Tưởng chừng vầng trăng cứ thế chìm khuất mãi mãi, mối quan hệ giữa người và trăng sẽ dần bị mờ nhòe theo sự phát triển của cuộc sống xô bồ nhưng đột nhiên một tình huống bất ngờ xảy đến, đánh thức bao suy tư trong lòng thi nhân.

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn – đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn.”

Nếu ở các khổ thơ trước, giọng thơ chậm rãi, nhịp nhàng men theo dòng kỉ niệm thì đến khổ bốn, giọng điệu đột ngột thay đổi như thể hiện niềm bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng ngoài khung cửa sổ.

Khi “thình lình đèn điện tắt”, con người “vội bật tung cửa sổ” để tìm tới nguồn sáng mới theo một lẽ tự nhiên thì vô tình gặp lại “vầng trăng tròn” tình nghĩa thuở nào.

Nhà thơ Nguyễn Duy đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đẩy từ “đột ngột” lên đầu câu thơ nhằm nhấn mạnh sự ngạc nhiên và bàng hoàng của con người khi bắt gặp vầng trăng năm xưa.

Vầng trăng tròn chan chứa tình nghĩa vẫn luôn tỏa sáng, đồng hành cùng con người còn người thì đã “quen ánh điện,, cửa gương” mà quên đi ánh trăng ấy. Có lẽ vì vậy nên khi “vầng trăng tròn” xuất hiện, tác giả cảm thấy “đột ngột”.

Chỉ tới khi đèn điện tắt, con người mới nhìn thấy và nhận ra vầng trăng năm nào. Đột ngột, bất ngờ, sự xuất hiện của trăng đã làm thức dậy trong tâm trí tác giả bao cảm xúc.

Tâm trạng của tác giả khi gặp lại ánh trăng xưa

Phép nhân hóa tài tình khiến trăng và người thấy trăng đàm tâm trong im lặng là cách viết độc đáo của riêng nhà thơ Nguyễn Duy. Trong cuộc gặp không lời ấy, người lính xưa đã xúc động đến “rưng rưng”.

“Ngửa mặt nhìn lên trời

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng.”

Mạch cảm xúc bài thơ trở nên nghẹn ngào và khắc khoải như chỉ chực trào nước mắt. Khoảnh khắc “ngửa mặt nhìn lên lời” là sự kiện bất ngờ khi con người gặp lại “cố nhân”, người bạn tri âm tri kỷ một thời.

Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng không chỉ làm ùa dậy trong tâm trí nhà thơ những hình ảnh thiên nhiên của quê hương “như là đồng là bể/ như là sông là rừng” mà còn đánh thức bao kỷ niệm tuổi thơ và lúc chiến đấu.

Tâm trạng "rưng rưng" của nhà thơ khi gặp lại vầng trăng quá khứ
Tâm trạng “rưng rưng” của nhà thơ khi gặp lại vầng trăng quá khứ

Hình ảnh đồng, bể, sông và rừng được lặp lại trong khổ thơ như muốn nhấn mạnh sâu sắc sự xúc động nghẹn ngào của người lính khi gặp lại vầng trăng, nhớ về một thời quá khứ đầy gắn bó.

Tất cả hình tượng hiện lên trong khổ thơ đều được tái hiện rõ nét qua cảm xúc thiết tha, tư thế lặng im thành kính của nhà thơ Nguyễn Duy. Vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy, ông như nhận ra một chân lý.

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Từ láy “vành vạnh” đã diễn tả rõ nét hình ảnh một vầng trăng viên mãn, không hề hao khuyết. Sự tròn đầy ấy của trăng là ẩn dụ về quá khứ nghĩa tình, ấm áp.

Phụ từ “cứ” chỉ sự tiếp diễn liên tục được nhà thơ sử dụng nhằm thể hiện tấm lòng thủy chung, bất chấp hoàn cảnh và thời gian, mặc cho lòng người đổi thay của vầng trăng tình nghĩa.

Vầng trăng ấy bao dung và độ lượng “kể chi người vô tình”. Lời thơ mộc mạc như lời nói thường ngày mà chứa đựng sức nặng khi không trách móc thái độ bạc bẽo của người đời.

Biện pháp nhân hóa và cách sử dụng từ láy gợi hình “phăng phắc” được sử dụng trong câu thơ “ánh trăng im phăng phắc”, nhà thơ khi ấy gợi tả sự im lặng khác thường của vầng trăng.

Tiếng lặng ấy không phải là biểu hiện của sự bất lực hay vô tình mà nó đóng vai trò như lời nhắc nhở nghiêm khắc, cảnh tỉnh con người về lẽ sống ân nghĩa, thủy chung ở đời.

Gặp mặt vầng trăng ấy, người lính phải “giật mình” thức tỉnh. Giật mình là một phản xạ tự nhiên khi người chợt nhận ra sự bạc bẽo, vô tình của mình lúc “quay lưng” với trăng và quá khứ tình nghĩa.

Điều đó cũng thể hiện thái độ ăn năn và sự tự ý thức của con người về lối sống vội vàng thời hiện đại, dễ dàng lãng quên những ân tình xưa cũ cũng như đánh mất bản thân mình.

Giây phút giật mình ấy đã kéo con người ra khỏi vòng xoáy xô bồ từ cuộc sống, đưa họ trở về với những giá trị đích thực, trường tồn theo dòng chảy thời gian. Đó chính là sự thức tỉnh nhân bản mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Khi viết bài thơ, tác giả Nguyễn Duy thảng thốt, lo âu trước sự thay đổi chóng vánh của con người khi cuộc chiến tranh ác liệt đã đi qua, đất nước bước vào thời kì phát triển và đổi mới.

Khi trở về với cuộc sống thời bình, nhiều người vô tình quên mất quá khứ tình nghĩa, đầy hào hùng của dân tộc mà chỉ tập trung xây dựng quê hương theo con đường hiện đại hóa.

Tuy nhiên, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm Ánh trăng, nhà thơ không đánh mất niềm tin vào nhân cách con người. Ông vẫn hy vọng trong cuộc sống bộn bề lo toan, sẽ có lúc người ta dừng lại và ngoái nhìn về quá khứ.

Việc nghỉ ngơi và tìm lại những gì đã mất trong quá khứ hay có phút giây “giật mình” như thế thật nâng niu, trân trọng. Đó là lời nhắc nhở của nhà thơ đối với thế hệ tương lai về lối sống ân tình, thủy chung.

Bài thơ không phải câu chuyện riêng của người nghệ sĩ Nguyễn Duy hay người lính từ chiến tranh trở về, nó còn là dòng tâm sự đến từ những người từng trực tiếp chứng kiến dân tộc Việt Nam đi lên từ năm tháng gian khổ.

Bạch Dương