Lặng lẽ lôi cuốn người đọc và cuối cùng lay động tâm can, Rừng Na-Uy là một hồi ức đau buồn về cái đã có và cái đã có thể xảy ra, một kết hợp tài tình giữa trí tuệ của người già và trái tim của người trẻ. 

Rừng Na-Uy dịu dàng, quyến rũ như thơ nhưng căng thẳng như bi kịch và gợi cảm một cách mê đắm. Câu chuyện tình giản dị này khiến Murakami xứng đáng với biệt danh “nhà văn của giới trẻ” hơn bao giờ hết. 

Murakami Haruki là nhà văn của giới trẻ 

Murakami Haruki là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật.

Hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mỹ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất” hay “nhà văn của giới trẻ”. 

Murakami Haruki là nhà văn của giới trẻ
Murakami Haruki là cây bút thân thuộc với giới trẻ

Murakami sinh năm 1949 tại cố đô Kyoto nhưng lớn lên tại thành phố Nishinomiya và thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo. Ông nội là nhà sư còn ông ngoại của ông lại là một thương gia ở Osaka. Cha mẹ ông đều là giáo viên bộ môn Văn học Nhật Bản.

Phong cách văn chương không trộn lẫn của Murakami

Phong cách văn chương của Murakami rất đơn giản. Từng câu, từng chữ của ông luôn thoát ly ra khỏi cái lối mòn cũ rích đã được đóng khung, định hình trong văn học Nhật Bản thời bấy giờ.

Một vẻ đẹp khác trong những tác phẩm văn học của Murakami là khả năng đào sâu nội tâm của con người. Vẻ đẹp đó thể hiện trên từng câu chữ, cách hành văn và được ẩn giấu trong việc xây dựng tính cách nhân vật trong tiểu thuyết của ông.

Độc giả có thể cảm nhận ông đã hóa thân vào từng nhân vật trong tiểu thuyết để sống cùng họ, đau nỗi đau của họ, vật vã, cô độc và đau đớn cùng với họ. Điều này đã cho thấy cái nhìn sâu sắc cùng trí tưởng tượng rộng lớn của nhà văn vĩ đại này.

Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan, sự ảnh hưởng của phương Tây chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác.

Việc kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa phong cách Á Đông và phong cách phương Tây giúp cho văn ông không mang vẻ nặng nề về câu chữ như các nhà văn Nhật Bản cùng thời. Ngược lại, điều này đã tạo nên một nét riêng, một phong cách rất riêng chỉ có ở Haruki Murakami.

Murakami và thương hiệu “Rừng Nauy”

Murakami nổi tiếng và được độc giả biết đến nhiều hơn sau khi cuốn sách Rừng Na-Uy ra đời, thành công lớn của tiểu thuyết đã khiến ông trở thành nhà văn danh tiếng của Nhật Bản. Theo thống kê, cứ bảy người Nhật thì sẽ có một người đọc Rừng Na-Uy.

Rừng Na-Uy đưa tên tuổi Haruki Murakami thành một thần tượng văn hóa đại chúng. Ông đã xây dựng nên một sự nghiệp văn học phong phú và trở thành nhà văn quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe. 

Tiểu thuyết Rừng Na-Uy lọt lòng năm 1987 tại quốc đảo hoa anh đào. Với thủ pháp dòng ý thức được kể theo ngôi thứ nhất, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của chàng sinh viên trẻ Watanabe Toru xưng “tôi”.

Toru đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ yêu tự do. Thế nhưng, cậu cũng có những mối tình sâu nặng mà cụ thể là với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất, một cô gái luôn xung đột về cảm xúc và với Midori, cô gái thẳng thắn và hoạt bát mà cậu gặp trên giảng đường đại học.

Cốt truyện được lột tả khá đơn giản, các nhân vật trong truyện hầu hết là những con người cô đơn móc nối với nhau. Ở đó, có những người phải tìm đến cái chết để mãi mãi giải thoát khỏi nỗi đau đớn ấy.

Nỗi đau của sự trưởng thành bên trong Rừng Na-Uy

Đọc Rừng Na-Uy, không một giây phút nào trái tim độc giả thôi thổn thức và không một khoảnh khắc nào họ có thể dừng suy nghĩ về số phận, cuộc đời của các nhân vật cũng như chính mình.

Trưởng thành là một quá trình dai dẳng và đầy đau đớn. Trên hành trình đó, có người đã gục ngã, có người kiên trì bước tiếp. Dù thế nào đi nữa, cái giá cho sự trưởng thành vẫn là quá đắt so với những cô cậu lứa tuổi đôi mươi, đang tập tễnh bước chân vào thế giới người lớn.

Một thế hệ trẻ “kỳ dị” và “méo mó” 

“Méo mó” là sự miêu tả mà Haruki dành riêng cho những người trẻ tuổi trong tiểu thuyết này. Tất cả các nhân vật mà ông xây dựng đều mang trong mình một vẻ bất toàn đến bất thường mà độc giả phải tinh tế mới nhận ra.

Đó là sự “méo mó” của một Naoko chật vật “trưởng thành”. Khi cô chị gái yêu quý và người mình yêu đều chọn cách ra đi vào tuổi mười bảy, Naoko đã rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng. 

Dần dần, Naoko thu mình và sợ hãi việc gặp gỡ người đời. Naoko cứ mãi níu giữ quá khứ khổ đau, quẩn quanh trong sự hỗn loạn nội tâm đến mức tự bóp nghẹt bản thân.

Rừng Na-Uy - Nỗi đau của sự trưởng thành
Rừng Na-Uy nói về nỗi đau và cái giá của sự trưởng thành mà tất cả nhân vật phải trải qua

Sự “méo mó” ấy còn thành hình ở nhân vật chị gái Naoko. Là người con gái xinh đẹp, tài năng, chín chắn và trưởng thành để Naoko dựa vào, cô cũng đột ngột tìm đến cái chết để tự giải thoát cho những bí bách tổn thương mà hai từ “trưởng thành” gây ra. 

Cái chết trong câu chuyện của Haruki đến thật chóng vánh và bất thình lình, thế nhưng dư âm để lại thì tồn đọng khôn nguôi. Sự ra đi của họ chính là vết thương không thể chữa lành trong Naoko, đày đọa cô suốt những ngày tháng sau này.

Trưởng thành dẫn họ vào những mâu thuẫn, chông chênh mà bất cứ người trẻ cũng phải và cũng từng trải qua. Thế nhưng, họ không chấp nhận bản ngã méo mó đang bị nhào nặn ấy, vậy nên họ chọn cái chết để kết liễu và chối bỏ bản ngã của chính mình.

Độc giả khi đọc Rừng Na-Uy sẽ nhận thấy quá trình trưởng thành thật đau đớn nhường nào, nó lần lượt tước đi những tâm hồn trẻ tuổi vốn đang học cách kết nối với cuộc đời. 

Toru là móc xích để Kizuki và Naoko có thể tiếp cận với thế giới thực tại. Bởi lẽ, họ vẫn chưa trả cái giá cho sự trưởng thành, Kizuki và Naoko không chịu đựng nổi việc lớn lên và nhanh chóng gia nhập xã hội.

Họ như những đứa trẻ “không chịu lớn” nên đã cố gắng thông qua Toru để hòa nhập với thế giới. Thế nhưng, cuối cùng việc đó không thành, đó là lý do Kizuki làm điều anh ấy đã làm, Naoko thì rơi vào tâm lý bất ổn.

Rừng Na-Uy và nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại

Trong Rừng Na-Uy, có nhiều cảnh và nhiều đoạn nói về tình dục. Việc miêu tả chúng trong tác phẩm nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn, sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn.

Trong quãng đời rối rắm của nhân vật chính Toru, điểm sáng le lói duy nhất là cuộc gặp gỡ với Midori, một người con gái rất khác với Naoko cậu thầm yêu. Thế nhưng, Midori cũng không tránh khỏi số phận của một đứa trẻ bất hạnh.

Giữa năm tháng của tuổi thanh xuân, những người trẻ trong câu chuyện sống chật vật trong cô đơn và lạc lõng. Họ đã trải qua một tuổi trẻ đau đớn, ám ảnh và đầy day dứt.

Tất cả những người trẻ tuổi như Toru, Naoko, Midora ở Rừng Na-Uy đều mang trong mình một nỗi chán ghét thực tại đến ám ảnh, lời tự vấn không thể giải đáp về lẽ tồn tại của bản thân trong cuộc đời này.

Các tác phẩm khác của Murakami cũng chung một nỗi hoang tưởng mang tính hậu hiện đại về tình trạng các thế lực to lớn chi phối toàn bộ cuộc sống các nhân vật, họ thực sự không có quyền lựa chọn.

Rừng Na-Uy mang đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết 

Cái chết của Rừng Na-Uy đến chầm chậm, êm dịu, không báo trước nhưng cũng không gây bất ngờ. Nó như đã luôn ở đó, ngay cạnh và chờ đợi các nhân vật. 

Thế nhưng, cách nhân vật trong Rừng Na-Uy chọn lấy cái chết khiến người ta không thể buông lời phán xét. Họ là những người của lưng chừng thời đại và cảm thấy bản thân không thuộc về thế giới này.

Khi cái chết tựa như cơn gió thoảng

Nhật Bản luôn xếp đầu trong tỷ lệ người trẻ tự tử. Chủ đề này được khai thác mạnh mẽ và triệt để do tác phẩm đặt trong bối cảnh những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản kiên quyết đấu tranh chống lại những định kiến bất ổn trong xã hội.

Câu chuyện khởi đầu khi nhân vật chính Toru, lúc này đang 37 tuổi, vừa đặt chân tới thành phố Hamburg, nước Đức. Khi bất chợt nghe thấy bài hát Rừng Na-Uy của The Beatles, anh bỗng hồi tưởng lại mối tình đầu của mình với Naoko.

Ký ức mang anh trở lại với những năm tháng trước của thập kỷ 1960, khi hàng loạt những sự kiện xảy ra đã khiến cuộc sống của anh thay đổi mãi mãi. 

Toru có một nhóm bạn thân thiết gồm ba người là anh, cậu bạn Kizuki và cô bạn gái Naoko. Kizuki và Naoko là một đôi tình nhân, luôn luôn ở cạnh nhau từ những ngày còn thơ bé trong khi Toru dường như rất hạnh phúc và ủng hộ cho mối tình của họ. 

Tình bạn này đứt gãy khi Kizuki quyết định tự tử vào chính ngày sinh nhật thứ mười bảy. Sự ra đi này đã ảnh hưởng sâu sắc tới hai người còn lại, Toru luôn cảm thấy day dứt, ám ảnh về cái chết của Kizuki trong khi Naoko thấy cô dường như đã mất đi một phần con người mình.

Rừng Na-Uy mang đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết
Cái chết trở đi trở lại trong tác phẩm Rừng Na-Uy

Cái chết của Kizuki đến tự nhiên như một cơn gió thoảng, không hề báo trước. Sự việc này ảnh hưởng trầm trọng tới Toru, nó khiến anh suy sụp, tưởng như chết mòn trong nỗi cô đơn, hoang tàn của thế giới người lớn.

Chị gái Naoko, điểm tựa tinh thần vững chắc của cô, là một trong những cô gái toàn diện trong mọi chuyện từ học hành, thể thao tới ứng xử. Thế nhưng, người ấy cũng quyết định ra đi ở tuổi mười bảy, hệt như cách Kizuki đã làm. 

Không ai biết tại sao Kizuki và người chị của Naoko tự vẫn. Cả hai người đều mười bảy tuổi và cũng không để lộ chút thông tin nào cho việc này, dù chỉ một dòng chữ hay lá thư tuyệt mệnh.

Nhật Bản hiện đại và phát triển nhưng đất nước này từ lâu vẫn “nổi tiếng” với áp lực cuộc sống gay gắt. Những học sinh lứa tuổi thiếu niên hẳn đã rất cùng cực, bế tắc để tự giải thoát mình theo cách như vậy.

Vào lúc cuộc sống quá nhiều bộn bề, con người ta sẽ dễ nghĩ tới bến bờ bên kia của thực tại. Cái chết là điều họ nghĩ đến, vì khi đó thế giới ấy là lối thoát duy nhất.

Cái chết và sự loay hoay của người ở lại 

Naoko không phải người hay nói, Toru thì lại nghe giỏi hơn nói, thế nên Kizuki là sợi dây liên kết duy nhất giữa hai người. Ngày cậu ra đi cũng đồng nghĩa với việc sợi dây ấy đứt quãng, buộc Toru và Naoko phải nhặt nhạnh và nối nó lại từ đầu.

Trong khoảng thời gian mười tháng kể từ cái chết của Kizuki, Toru đã hoàn toàn mất phương hướng. Cậu sa đà vào các mối tình vội vàng, như thể đang chạy trốn khỏi thực tại đau thương. 

Cậu quyết tâm dứt áo rời khỏi Kobe để lên Tokyo, nơi bản thân có thể bắt đầu một cuộc sống mới mà chẳng quen biết một ai, tất cả là để quên đi kỷ niệm xưa kia với Kizuki.

Toru tập cách quên dần chiếc bàn bi-a màu xanh nâu, những chiếc N-360 màu đỏ cùng đóa hoa trắng trên bàn học, đám khói bốc lên từ ống khói ngất ngưởng của lò thiêu xác, tất cả những thứ có thể làm cậu nhớ tới sự hiện diện của người bạn quá cố. 

Thế nhưng sâu thẳm bên trong, Toru vẫn tồn tại một chút âm hưởng còn sót lại, vấn vương đến mơ hồ. Khi thời gian trôi đi, âm hưởng ấy lại thêm cao nốt đến nỗi có thể thốt lên thành lời:

“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống.”

Không điều gì có thể cho phép cậu quên được điều đó. Bởi cái chết đã ở ngay đây rồi, nó như cục khí vón lại trong tâm trí người ở lại. Ngày Kizuki mười bảy tuổi bị cuộc đời mang đi trong cái đêm tháng Năm ấy, sự chết đã tóm được cả Toru.

“Không có chân lý nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lý nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào.”

Cậu đã mang cái chân lý nghẹt thở ấy đi qua những tháng ngày tuổi trẻ, mọi thứ như lẩn quẩn trong một mê cung không lối thoát. Thật lạ lùng khi ở những năm tháng đầy rẫy mơ ước như người ta thường nói, sự chết đã bao trùm lấy mọi thứ.

“Nhẽ ra đã phải có ai làm cái gì đó – bất cứ cái gì – để cứu cậu ấy.” 

Toru hồi tưởng về cái chết của Kizuki với nỗi niềm thương tiếc vô hạn. Thế nhưng, chẳng ai có thể cứu chàng trai trẻ ấy hay làm cho cậu tự cứu chính mình. 

Rừng Na-Uy – Sống là trách nhiệm của người trẻ

Vào thời khắc chật vật nhất của tuổi trẻ, Toru vực dậy từ đống bùn lầy đã níu chân anh từ lâu để bước tiếp, hy vọng vào một tương lai sáng đẹp hơn đang chờ đợi phía trước. 

Tác phẩm giúp độc giả hiểu thấu rằng chỉ khi con người ta trung thực với nhau, cùng làm quen và chấp nhận những điều bất toàn, họ mới có thể tìm thấy bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn mình. 

Hai dòng suy tưởng giữa sự sống và cái chết

Rừng Na-Uy được mệnh danh là tác phẩm dành cho người trẻ, được chấp bút bởi “nhà văn của giới trẻ”. Thế nhưng, không khí ảm đạm, xám xịt màu tang thương lại chiếm trọn tầm nhìn trong bức tranh ấy. 

Có những người như Kizuki, thông minh, chân thành, mang cái nhìn tinh tế và rồi tự tử ở tuổi mười bảy. Có những người như chị gái của Naoko, xinh đẹp, tài năng và rồi cũng lựa chọn cái chết để giải thoát mình.

Độc giả cũng bắt gặp những người như Nagasawa, cậu sinh viên Đại học Luật Tokyo điển trai, giỏi giang trong mọi thứ từ học hành, giao thiệp và khiến người khác nể sợ, thế nhưng cũng tồn tại những điểm đối nghịch đầy mâu thuẫn trong con người cậu. 

Cuộc sống với Nagasawa không phải những rào cản, thử thách mà cậu cần vượt qua. Chàng thanh niên đó coi cuộc sống này như trò chơi mà bản thân mình làm chủ và sẽ luôn về nhất.

Nagasawa là thái cực đối lập với Toru và Naoko trong “trò chơi cuộc đời”. Thay vì để bản thân rơi vào vòng lặp cảm xúc luân hồi, triết lý sống của cậu khiến độc giả không khỏi ngưỡng mộ:

“Nếu đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ mà thôi.” 

Đọc Rừng Na-Uy, độc giả thấm thía được một chân lý giản đơn rằng cái chết không phải đối nghịch mà là một phần của sự sống. Sống tức là đang nuôi dưỡng chết, nó không phải kết thúc mà cũng chẳng phải bắt đầu.

Rừng Na-Uy: Sống là trách nhiệm của người trẻ
Những người trẻ trong Rừng Na-Uy chọn tự sát như một lẽ tất yếu 

Chỉ những nhân vật trung thực và dũng cảm trong Rừng Na-Uy mới dám kết liễu cuộc đời mình. Họ còn trẻ và không đủ kiên nhẫn để hy vọng cuộc đời sẽ nuôi dưỡng được một cái chết tự nhiên, xứng đáng. 

Kizuki, Naoko hay các nhân vật khác trong truyện chọn tự sát như một lẽ tất yếu. Họ đều là những con người trẻ tuổi với khao khát, ước vọng và cái nhìn thật tươi mới về cuộc đời, tuy nhiên cái hiện thực ngỡ ngàng kia đã đánh gục tất cả.

Khi cái chết nuôi dưỡng sự sống 

Cả tác phẩm dường như là đám tang này nuôi dưỡng những đám tang khác, sự ra đi đột ngột của chị gái và cậu bạn trai Kizuki đã dồn đẩy cô gái Naoko vốn yếu đuối, mỏng manh vào bước đường cùng. 

Không khí ảm đạm của chết chóc lan dần, khiến người đọc vừa cảm nhận hoang tàn, lạc lối vừa thấu suốt cái ấm áp, tươi trẻ khi họ nằm trong vòng tay nhau. Hồi ức như con dao hai lưỡi, nó vừa cứu rỗi linh hồn vừa là mồ chôn cảm xúc trong thiên truyện này.

Murakami đã tái hiện chân thực và rõ nét nền xã hội Nhật Bản những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Dưới ngòi bút của ông, thế hệ trẻ xứ sở hoa anh đào hiện lên một cách tuyệt vọng, chán chường nhưng cũng thật thơ mộng và quyến rũ.

Cái trẻ trong Rừng Na-Uy không chỉ dừng ở những nỗi bất an, vô vọng ấy. Bởi sau tất cả, thứ mà con người ta thèm khát có được vẫn chỉ là tình yêu, một tình yêu đến đắm đắm say, có thể lấp đầy mọi khoảng trống trong tâm hồn mỗi người: 

“Tớ vẫn luôn thèm được yêu, dù chỉ một lần thôi. Tớ muốn biết được yêu đầy phần mình nó ra sao, đến đầy mức không thể chịu đựng được nữa ấy. Chỉ một lần thôi. Nhưng họ chưa bao giờ cho tớ cái đó, chưa bao giờ. Dù chỉ một lần.” 

Mọi buồn đau rồi sẽ vơi, những người ở lại sẽ phải tiến về phía trước như cách Naoko nói “Người chết sẽ luôn là người chết, còn chúng ta phải tiếp tục sống”, như cách Toru đã gắng gượng vượt qua, như cách Midori luôn tươi cười và tỏa sáng.

“Một con nhóc mười lăm tuổi tiết kiệm từng xu để mua rổ rá đá mài và nồi chống dính trong khi lũ con gái khác ở trường đã nhiều tiền thì chớ lại tha hồ sắm quần áo giày dép để chưng diện. Cậu có thấy buồn cho tớ không hả?” – Rừng Na-Uy 

Bản thân Midori đã phải nếm trải cảm giác lạnh nhạt, xa cách trong chính căn nhà của mình, dành dụm tiền ăn vặt mua đồ bếp vì đã “lớn lên trong một cái nhà mà mọi người đều chẳng thèm để ý gì đến đồ ăn thức uống”.

Nỗi sợ hãi trưởng thành là một phần tuổi trẻ nhưng trong lớp lang ký ức đó, có người bị sự sợ hãi chèn ép không thương tiếc và rớt xuống đầm lầy cùng nhau, có người vẫn lạc quan, dũng cảm sống tiếp vì thấu suốt chân lý:

“Giản dị như sự thật

Như bốn mùa

Như sống chết.” 

Từ chính bãi đầm lầy ấy, Toru đã quyết định lựa chọn sự sống. Dẫu khó khăn nhưng cậu kiên quyết sẽ vượt qua, sẽ thành người lớn vì đó là trách nhiệm của người trẻ, vì bản thân phải trả giá để được tiếp tục sống, yêu và khao khát.  

Cái giá của sự sống trong Rừng Na-Uy

Tất cả những người trẻ tuổi như Toru, Naoko hay Midori trong Rừng Na-Uy đều mang trong mình một nỗi chán ghét thực tại đến ám ảnh, lời tự vấn không thể giải đáp về lẽ tồn tại của mình trong cuộc đời này. 

Không phải tất yếu mà là sự lựa chọn, Toru Watanabe đã đi qua năm tháng lưng chừng tuổi trẻ một cách chật vật, bỏ lại sau lưng nhiều mối tình chớp nhoáng, lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân thương nhất. 

Cái giá của sự sống trong tác phẩm
Cuối cùng Toru đã quyết định sống tới cùng khi lựa chọn giữa sống và chết

Cậu đã trải qua những ngày tháng đau khổ, tự dằn vặt với chính mình nhưng chưa từng tìm đến cái chết. Toru chỉ băn khoăn đi tìm ý nghĩa của cuộc đời và cuối cùng vẫn lựa chọn sự sống. 

Trong cái ảm đạm của Rừng Na-Uy, độc giả tìm được một nguồn động lực mạnh mẽ. Bởi vì cuộc sống không hoàn hảo nên con người mới cần nương tựa vào nhau trong cuộc đời này, bù đắp vào khoảng trống tâm hồn và chấp nhận cả những “méo mó”.

Đó chính là ý nghĩa và lý do mà con người ta tiếp tục sống trên cõi đời này, đồng thời cũng là thông điệp tích cực mà nhà văn Haruki Murakami muốn truyền tải tới độc giả. 

Mân Côi