Ngày xưa có một chuyện tình là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được coi là tập tiếp theo của truyện ngắn Mắt biếc. Đó là câu chuyện từ thuở thiếu niên tới lúc thành lập gia đình của ba con người trẻ tuổi và mối tình tay ba đầy ngang trái. 

Hiếm có nhà văn nào viết truyện thiếu nhi mà vẫn được người lớn gật gù tâm đắc như Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ những ai thực sự phiêu lưu cùng ngòi bút của tác giả đến cuối cùng mới thực sự hiểu thấu, chuyện tình này vốn dĩ chưa bao giờ viết cho trẻ con.

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn của tuổi thơ 

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 1973, ông chuyển vào Sài Gòn để học theo học ngành sư phạm. Bản thân nhà văn đã từng tham gia Thanh niên xung phong, có khoảng thời gian làm thầy giáo dạy Văn tại trường THCS Bình Tây từ năm 1983 – 1985.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. 

Nguyễn Nhật Ánh - Nhà văn của tuổi thơ
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam

Nguyễn Nhật Ánh cũng được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm, từ 1975 tới 1995 qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc, đồng thời được bình chọn là một trong hai mươi nhà văn trẻ tiêu biểu. 

Ông nổi tiếng nhờ các tác phẩm về đề tài tuổi thành niên và được coi là một trong những nhà văn thành công nhất trong hạng mục sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn một trăm tác phẩm mọi thể loại. 

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả và kể từ đó, nhà văn tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say đắm biết bao thế hệ độc giả Việt Nam như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua. 

Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh. Cũng nhờ vậy, ông vinh dự đón nhận các mỹ danh như “nhà văn của thiếu nhi” hay “nhà văn của tuổi thơ”.

Cuộc tình tay ba đầy ngang trái trong Ngày xưa có một chuyện tình

Chuyện tình tay ba là đề tài không mới mẻ, thế nhưng trong ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh, các nhân vật hiện lên rõ nét và mang màu sắc cao nhất của hiện thực. Đó là sự thơ ngây, hồn nhiên ở tuổi mới lớn, là sự trải lòng của tuổi trưởng thành.

Vinh, Miền và Phúc, ba nhân vật sẽ thay nhau kể cho bạn đọc nghe về một câu chuyện tình đẹp đẽ. Vinh mến Miền nhưng cô gái ấy lại say đắm Phúc, bạn thân của cậu. Đến khi Phúc biết được, cậu ấy cũng lại ngẩn ngơ tương tư và từ đó, câu chuyện bắt đầu.

Tình bạn là mảnh đất để tình yêu gieo mầm

Vinh, cậu bé học lớp bảy mang trong mình trái tim nhân hậu, cảm thông sâu sắc với sự cô đơn lạc lõng của cô bạn cùng bàn tên Miền. Mãi sau này khi trở thành một người đàn ông chững chạc, cậu vẫn giữ được vẹn nguyên tình cảm ấy.

Vinh chơi với Miền, ở bên Miền bất chấp bạn bè xa lánh, bất chấp những trận đòn oan từ thằng Hướng, ông anh côn đồ của Miền. Tình cảm ngày ấy chỉ đơn giản là tình cảm giữa những người bạn thân thiết, trong sáng và thuần khiết.

Những ngày Miền bỏ học về giữa chừng, Vinh lặng lẽ xách cặp nó về, tới cửa thì bị Hướng đánh “cho nên thân” vì tưởng là đang tán tỉnh cô em gái. Dù Hướng là nỗi khiếp sợ của toàn thể lũ trẻ con nhưng Vinh vẫn mặc kệ.

Cuộc tình tay ba đầy ngang trái
Câu chuyện tình tay ba đầy ngang trái giữa Vinh, Miền và Phúc

Vinh thích Miền, cậu mang trong mình tình cảm ấy rồi dần dần, nó trở thành yêu, một định nghĩa Vinh chẳng thể hiểu nổi. Dù tin rằng tình bạn là mảnh đất kỳ diệu để gieo mầm hạt giống của tình yêu, thế nhưng bao giờ ngày ấy đến thì Vinh cũng không biết.

Cứ thế, như một mầm cây lớn dần theo năm tháng, tình cảm ấy dần hiện ra mồn một, rõ ràng trong suy nghĩ mơ hồ của Vinh. Khi cả hai bước vào trung học thì Vinh cũng nhận thức được những cảm xúc bấy lâu nay gọi tên là “yêu”.

Khi lỗi thuộc về tình yêu 

Vinh yêu Miền là thế nhưng trớ trêu thay, Miền lại trót say đắm cậu bạn thân duy nhất của Vinh, cậu bạn Phúc. 

Phúc chơi thân với Vinh từ ngày còn học chung lớp bảy. Cậu chính là người đã trừng trị bọn thằng Đuôi Tôm một trận ra trò vì bắt nạt Vinh. Hai cậu bé dần dần trở nên thân thiết, chia ngọt sẻ bùi từng buồn vui kỷ niệm trong cuộc sống. 

Chính nhờ Phúc mà Vinh thoát khỏi sự đe dọa của bọn Cu Em, nhờ Phúc mà Vinh được hưởng những món đồ ăn vặt do bọn bạn cống nạp khi nghe Phúc kể chuyện, cũng nhờ Phúc mà Vinh nhận ra tình cảm bấy lâu nay cậu dành cho Miền. 

Xuyên suốt tác phẩm, Phúc không phải lúc nào cũng giữ được trọn vẹn tình bạn trong sáng với Vinh. Đã có lúc, những sự ích kỷ hẹp hòi thật bản năng khiến Phúc không thể cưỡng lại được. 

Phúc mặc dù biết Vinh thích Miền, thế rồi bản thân cũng không cản nổi tình cảm của mình dành cho Miền vậy nên đã ích kỷ đến bên cô bạn ấy, dù biết điều này sẽ làm trái tim Vinh tan nát.

Miền có sự nhạy cảm của con gái, dẫu biết tình cảm của Vinh dành cho mình nhưng cô bé lại không cưỡng được sức hút từ Phúc. Vì vậy, Miền bất chấp mọi thứ, kể cả Vinh để được ở bên Phúc.

Vinh, Miền và Phúc, ba nhân vật thay nhau kể cho độc giả nghe một câu chuyện tình rất đẹp giữa họ. Vinh mến người con gái tên Miền, cô gái tuổi ngây thơ ấy lại bị mê hoặc bởi Phúc, anh bạn thân của cậu. Đến khi cậu chàng Phúc biết được thì lại ngẩn ngơ, tương tư.

“Mày đánh tao đi!” Phúc lôi Vinh ra

“Vì sao?”

“Vì tao biết người mà Miền thích rồi”

“Không phải là tao, đúng không?”

….

“Là mày?”

….

“Mày không có lỗi gì hết. Lỗi tại tình yêu.”

Khởi đầu của câu chuyện tình trắc trở là việc Phúc và Miền trở nên thân thiết theo một cách bí mật sau lưng Vinh, để rồi sau đó là cuộc tình công khai trước mặt Vinh dù cậu chính là người được bạn tin tưởng, chia sẻ và nhờ thăm dò tình cảm của Miền. 

Nhiều năm sau đó, sự xuất hiện của Phúc một lần nữa khiến hạnh phúc của Vinh đứng trước tình cảnh tan vỡ, đổ sụp sau bao năm câm lặng trong mối tình đơn phương với Miền.

Phúc trở về khi Vinh và Miền đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Mọi thứ sẽ trở nên thật giản đơn nếu như năm mười bảy đó, Miền đã không trao trọn vẹn cho Phúc để rồi bé Su ra đời, nó khiến ngày gặp mặt của ba người bạn trở nên ngượng nghịu khó xử. 

Cũng từ đây, những dằn vặt trong tâm tưởng ba nhân vật chính được bộc lộ để đến cuối cùng, tất cả đều chọn lựa vì tình yêu, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm thuở thiếu thời ngây dại.

Mối tình đầu không trọn vẹn trong văn Nguyễn Nhật Ánh 

Những câu chuyện tình trong văn Nguyễn Nhật Ánh thường đề cập tới đề tài mối tình đầu. Đó là câu chuyện mà khi đọc xong, độc giả cứ buồn thương vương vấn, tiếc nuối khôn nguôi.

Đó là những đứa trẻ cùng lớn lên ở cái làng quê nghèo xa xôi đâu đó ở miền Trung, những chàng trai mới lớn loay hoay ôm ấp giấc mộng tình đầu tổn thương khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác.

Đớn đau thay, kẻ khác trong câu chuyện này lại chính là người Vinh tin tưởng nhất. Độc giả đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng Miền sẽ không đáp trả tình cảm ấy, chỉ bởi vì Vinh thực sự quá tốt so với cô.

Thế rồi, Vinh cứ ôm mãi mối tình đơn phương của mình trong vô vọng, khắc khoải. Chuyện tình của cậu không có mở đầu và cũng không thể có một kết thúc, Vinh vẫn cứ yêu Miền nhưng cô lại chỉ một lòng hướng về Phúc. 

Đến đây, độc giả không khỏi nhớ tới chàng Ngạn trong truyện ngắn Mắt biếc trước đó của Nguyễn Nhật Ánh. Ngạn và Vinh đều là những kẻ nhút nhát, rụt rè, sống nội tâm và không có gì nổi bật.

Mối tình đầu không trọn vẹn trong văn Nguyễn Nhật Ánh như Ngày xưa có một chuyện tình
Mối tình đầu trong văn Nguyễn Nhật Ánh hiếm khi trọn vẹn

Cả hai chàng trai đều mang trong mình một mối tình đầu không trọn vẹn, một mình đơn phương mà không có lời hồi âm. Ngạn yêu Hà Lan, Vinh yêu Miền và đều phải nhận đau khổ về phía mình.

Thế nhưng, ít nhất Nguyễn Nhật Ánh đã cho Vinh cơ hội, cũng là cho Miền một lối để làm lại cuộc đời. Bởi vì Vinh tốt quá so với Miền, như cô đã nói “Cuộc đời tôi giống như một quả táo bị sâu, trong khi tình yêu Vinh dành cho tôi không một tì vết”.

Tình cảm là thứ không thể chi phối, ai cũng muốn được hạnh phúc, con người ta chỉ làm theo bản năng để tìm kiếm hạnh phúc. Thế nhưng, đôi khi hạnh phúc của người này lại là đau khổ bên phía người kia.

Ngày xưa có một chuyện tình là câu chuyện của những tâm hồn cao cả 

Ngay từ đầu tác phẩm, tình cảm của Vinh được tái hiện rõ nét còn tình cảm bên Phúc lại âm thầm, lặng lẽ và khó đoán. Sau đó, Miền và Phúc trở thành một đôi, trong sự ngỡ ngàng lẫn đau lòng của Vinh.

Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, Vinh âm thầm gặm nhấm mối tương tư trong khi chứng kiến người thương sánh bước bên cậu bạn thân. Cho đến ngày Phúc bỏ đi bặt tin, để lại một khoảng lặng trong lòng độc giả, đặc biệt là với Miền.

Vinh – người hùng trong tình bạn lẫn tình cảm 

Nhân vật Vinh được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng như một người hùng trong tình bạn lẫn tình cảm. Cậu là người chịu nhiều thiệt thòi và bất công, lặng lẽ đứng từ xa ngắm nhìn Miền và Phúc bên nhau.

Vinh luôn tôn trọng và bảo vệ bạn thân của mình là Phúc, tình cảm ấy có sự nể phục lẫn tôn trọng. Cậu biết ơn Phúc vì đã đứng ra bảo vệ mình trước sự bắt nạt của thằng Hưởng, vì Phúc luôn sẵn sàng chia sẻ với mình mọi điều.

Thế nhưng, tình cảm là thứ không thể cưỡng cầu, hai cậu học sinh đều có chung tình yêu với cô bạn Miền, điều này khiến độc giả không khỏi xót xa. Độc giả tuy ngỡ ngàng với hoàn cảnh trớ trêu ấy nhưng cũng thán phục cách Vinh đối diện tất cả.

Vinh nhút nhát nên chỉ thể hiện tình yêu với Miền qua những quan tâm nhỏ nhặt, âm thầm và lặng lẽ. Cậu không có vẻ cuốn hút của Phúc, chỉ còn lại tình cảm trong sáng, thuần khiết nhất dành tặng Miền.

Ngày xưa có một chuyện tình là câu chuyện tình của những tâm hồn cao cả
Câu chuyện về những tâm hồn và trái tim cao cả trong tình yêu

Tình cảm ngây ngô ấy lớn dần theo năm tháng, lớn tới mức lồng ngực chẳng thể chứa nổi. Cậu trở thành một người sống vì tình yêu, dành hết tất cả những điều tốt đẹp nhất để cho Miền và mong cô hạnh phúc.

Vinh đã yêu Miền hơn chính bản thân, yêu khờ dại, không đắn đo toan tính, yêu đến mức quên mình. Cậu sẵn sàng hy sinh cái tôi, để nỗi buồn giằng xé mình trong khi một mực ủng hộ tình cảm của Miền với Phúc. 

Với Vinh, đó là tình yêu “bền chắc,vị tha, sáng rõ, vững chãi, gần như ở thể rắn , có thể sờ thấy được. Đó là thứ tình yêu được chưng cất mỗi ngày và bền bỉ kết tinh qua năm tháng”.

Có lẽ vì thế, Vinh không hề ghen tuông đến mức hành động xuẩn ngốc, ngay cả khi hạnh phúc của bản thân một lần nữa đứng trước nguy cơ bị cướp mất vĩnh viễn.

“Tôi đến với Miền vì tình yêu tinh khôi như ánh mặt trời và cưới Miền dưới bóng mây đen của quá khứ. Nhưng tôi không quan tâm Miền có còn yêu Phúc hay không, vì tôi biết chỉ những ai điên rồ mới húc đầu vào bức tường dĩ vãng. Tôi chỉ cố sống trọn vẹn tình cảm của mình như con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng cốt để nói với Miền rằng khi yêu em tôi đã dốc hết lòng mình, không còn giấu giếm hay giữ lại chút gì cho riêng tôi nữa.” – Ngày xưa có một chuyện tình 

Tất nhiên, đó không phải một sự nhu nhược hay chấp nhận đầu hàng số phận, chỉ bởi tình yêu có những ngôn ngữ và lý lẽ riêng của nó. 

“Tôi làm tất cả , chỉ vì tôi tin rằng tình yêu không thuần tuý là cảm xúc mà còn là một nỗ lực lớn lao để thu hẹp mọi khoảng cách, san bằng mọi hố sâu, cuối cùng để ai cũng có thể tìm thấy cho đời mình một chỗ nương náu đáng tin cậy. Cho đến tận khi đám cưới diễn ra tôi chưa một lần đắn đo tôi sẽ có một người vợ như thế nào mà chỉ băn khoăn Miền sắp lấy một người chồng như thế nào, và tôi cố tự hoàn thiện mình mỗi ngày để em có thể yên tâm về điều đó.” – Ngày xưa có một chuyện tình 

Trên đời này, hiếm ai có được tình yêu như thế, cao thượng và hy sinh vì người mình yêu nhiều như Vinh. Hết lần này tới lần khác, người chịu tổn thương vẫn luôn là cậu. 

Suốt bao năm trời, Vinh đều hết lòng yêu thương Miền, bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi của tuổi trẻ để ở bên cô. Vậy mà trong phút chốc, Miền đã có ý định rời bỏ cậu để theo đuổi hạnh phúc cô đã bỏ lỡ. 

Tiếng gọi của tình yêu bên trong Miền

Với Miền, cô mắc kẹt giữa sự yêu mến của hai chàng trai, để rồi quyết định chủ động bắt đầu với Phúc trong khi cảm nhận rõ ràng tình yêu từ Vinh. Miền đã bị cuốn theo sự mãnh liệt trong tình cảm ấy, sau đó là cuộc sống kéo dài gần tám năm trong sự chờ đợi mỏi mòn.

Cô tìm đủ lý do thuyết phục, níu kéo bản thân chờ đợi Phúc trở về mặc dù anh ra đi chẳng nói một lời, cũng chẳng hứa hẹn một hạnh phúc tương lai và cũng chẳng một thông tin gì suốt ngần ấy năm xa cách.

Ngày Phúc trở về, trái tim Miền vẫn lỗi nhịp vì anh như thuở nào. Cô bị Phúc cuốn vào kế hoạch tìm lại gia đình trọn vẹn cho cậu con trai vốn đã thiệt thòi từ nhỏ. Thế nhưng tới phút chót, trái tim người phụ nữ đã lên tiếng, cẩn thận và đầy yêu thương:

“Có thể tôi rất sẵn sàng chết vì Phúc , nhưng tôi chỉ sẵn sàng sống vì Vinh. Tình yêu tôi có với Vinh là thứ không làm con người tê liệt đi mà nâng con người ta lên. Nó không gây cảm giác ta bị nhiễm độc tình cảm. Nó không nhúng ta vào vũng lầy mụ mị, làm cho trái tim ta sưng tấy lên một cách bất thường. Như kiểu yêu giữa tôi và Phúc.” – Ngày xưa có một chuyện tình 

Ngày xưa có một chuyện tình là câu chuyện phù hợp với mọi lứa tuổi, Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo đan cài vào từng trang sách những bài học về tình yêu, tình bạn, sự hy sinh và lòng vị tha.

Ngày xưa có một chuyện tình là thứ cổ tích đang dần biến mất

Với Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về một chuyện tình dang dở của những kẻ yêu nhau. Ông còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích.

Độc giả lần nữa bắt gặp một nỗi buồn, một sự day dứt vô cùng khi ba cuộc đời đều bị số phận dập vùi, một mối tình tay ba kéo dài gần thập kỷ và khiến cho các nhân vật phải đấu tranh hết mình về nội tâm, giằng xé với bản ngã.

Ngày xưa có một chuyện tình là thứ cổ tích đang dần biến mất
Ngày xưa có một chuyện tình là thiên cổ tích về tình yêu đang dần tuyệt chủng giữa thời hiện đại

Tình yêu không phải lúc nào cũng là một trận tuyến và trái tim của người con gái cũng không phải bốt đồn. Nó khác với tiền bạc và quyền lực rất nhiều, không phải thứ để tranh đoạt.

Tình yêu đâu phải là hành động để trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên chiếc xe lăn, khi tay và chân bị bó bột, để rồi kêu gọi một sự xót thương. 

Vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn ngắn, gãy gọn, vẫn là cái vòng tròn mà Nguyễn Nhật Ánh tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của riêng ông.

Ngày xưa có một chuyện tình tuy hướng đến những vấn đề vô cùng gai góc nhưng vẫn rất gần gũi, dung dị và phù hợp cho những người muốn đi tìm lại ký ức của thuở ban đầu ngây thơ.

Mân Côi