Cái đói và miếng ăn là một sự thật vô cùng thảm khốc, một nỗi ám ảnh của nhân dân ta suốt bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế kỉ. Hiểu được nỗi khổ của nhân dân ta thế nên Ngô Tất Tố đã cho ra đời tác phẩm Tắt đèn.

Mặc dù ở xã hội hiện tại, cả hai điều ấy vẫn là một mối dày vò đối với đất nước thế nhưng khi quay trở về lịch sử trong thời kì đất nước bị đàn áp dưới ách đô hộ của thực dân và chế độ phong kiến thì nó còn là một nỗi cay đắng, dày vò. 

Tác phẩm Tắt đèn
Tác phẩm Tắt đèn

Theo sát ngòi bút của ông với tác phẩm Tắt đèn, ta sẽ được tận mắt chứng kiến một xã hội đầy khắc nghiệt, một cuộc sống đọa đày của người nông dân bị đè nén bóc lột đến cùng cực. Song song đó, Tắt đèn còn dõng dạc khẳng định nhân phẩm của nhân dân trong một xã hội đã vùi dập họ đến mất cả hình người, tính người.

Hiện thực nghiệt ngã hằn lên những dấu vết trong Tắt đèn

Đến với tác phẩm, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được cái không khí đấu tranh giai cấp sôi sục và đầy náo nhiệt.

Tắt đèn là tiếng nói của người dân, là tiếng than thân trách phận, là lời kêu cứu trong đêm đen sâu thẳm. Chính vì thế nên tác giả đã lấy một gia đình nông dân làm nhân vật chính mà rõ ràng hơn là chị Dậu làm trung tâm.

Gia đình của chị Dậu ban đầu cũng có của ăn của để thế nhưng mọi chuyện xấu lại vồ vập ập đến. Mẹ chồng và em chồng của chị đột ngột mất thế nên bao nhiêu tài sản của cải trong nhà đều bị vét sạch vì hai đám ma chay.

Số phận bạc bẽo của nhân dân ta trong Tắt đèn
Số phận bạc bẽo của nhân dân ta trong Tắt đèn

Anh Dậu chồng chị tuy là người chăm chỉ cần cù thế nhưng lại trở bệnh khiến cả nhà rơi vào cảnh túng quẫn nhất nhì làng. Nguồn thu nhập duy nhất trong nhà bị cắt đứt khiến năm miệng ăn đã đói nay càng khổ hơn.

Giữa cảnh khốn cùng ấy, số phận lại đẩy cả gia đình chị thêm một bước đến trước tử thần. Hạn đóng thuế hàng năm đã đến, nhà chị đã vốn chẳng còn cơm ăn chỉ có thể đào rễ khoai mớm qua ngày thì nào có tiền mà đóng.

Chính vì lẽ đó nên mặc dù thân anh Dậu bệnh trước còn chưa khỏi mà lũ tay sai đã vội mang anh ra đầu đình hành hạ, đánh đập dã man. Đớn đau thay cho vợ con ở nhà, giữa tiếng reo inh ỏi vì đã quá đói của ba đứa con cùng với sự khổ tâm khi thấy chồng mình yếu dần mà chị chỉ có thể bất lực rơi lệ.

Gia đình anh Dậu trong tác phẩm Tắt đèn
Gia đình anh Dậu trong tác phẩm Tắt đèn

Song, nước mắt cũng chỉ là nước mắt. Nó đâu phải là sức mạnh vạn năng để có thể xoay lại cuộc đời hay giúp ta khỏi cảnh khốn khổ. Thế nhưng đồng tiền lại hoàn toàn có thể và Ngô Tất Tố đã chứng minh được điều đó trong Tắt đèn.

Từ ngàn đời xưa, đồng tiền đã có mặt khắp mọi nơi. Chính con người đã phát minh ra nó nhưng nghịch lí thay chính chúng ta lại là nô lệ của nó. Nó ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người, nó gặm nhấm bản ngã và nhân cách của chúng ta, nó đổi trắng thay đen và là thứ có thể quyết định tất cả.

Vì đồng tiền chẳng hề có tình người hay lòng vị tha, nó còn chẳng đạo đức hay phẩm chất. Éo le thay đó lại là tất cả những gì mà con người đang mang trong mình. Song, khi con người ta càng tiếp xúc nhiều với chúng, càng có nhiều tiền hơn họ lại bị chính nó tha hóa.

Để rồi chúng ta cũng như những vật vô tri vô giác ấy, chẳng còn lấy một hơi ấm của con người.

Đồng tiền đã đấy cả gia đình chị Dậu vào cảnh xót xa, ai oán. Bắt chị phải đứt ruột bán đi đứa con thơ của mình cho ông Nghị Quế. Cái Tý là chị cả trong nhà, em chỉ mới lên bảy thế nhưng tấm lòng cao cả của em hơn tất cả những người đã trưởng thành trong truyện.

Ý thức được gia đình mình đã rơi vào cảnh túng quẫn em chẳng dám than đói mà chỉ lặng lẽ đào những củ khoai còn sót lại để ăn. Thế nhưng khi đã tìm được khoai, em vẫn lặng lẽ giữ một phần cho cha mình và mong cha sẽ về ăn hồi sức.

”Tiền bán khoai còn phải để dành đóng sưu cho ông Lý chứ ? Dễ được đem mà mua gạo đấy hẳn ? Em có đói thì hãy ăn tạm cũ khoai sống vậy!” – Cái Tý

Mới lên bảy, cái tuổi mà cái Tý phải được rong chơi với bạn bè được cắp sách lên trường lớp được hưởng những quyền lợi mà một đứa trẻ phải có thì em lại hiểu chuyện đến mức khiến người đọc đau lòng.

Còn gì cho một kiếp người trong Tắt đèn
Còn gì cho một kiếp người trong Tắt đèn

Cuối cùng chị Dậu cũng chẳng thể chiến thắng được cái xã hội mục nát này mà cắn răng bán đi đứa con đầu lòng của mình. Nực cười thay cho chị khi sinh mệnh của một đứa trẻ không bằng một ổ chó.

Lũ người ấy hạch sách chị, chèn ép người phụ nữ bần cùng ấy chỉ vì vài hào tiền. Đớn đau thay cho chị Dậu khi đã bán cái Tý còn phải tận mắt chứng kiến lũ người ấy sỉ nhục con mình.

Chúng bắt em phải ăn cơm dư cơm thừa của những con chó rồi mới có cơm mới để ăn. Danh dự của một cô bé bảy tuổi đã bị tổn thương như thế nào thế nhưng vì xót mẹ bị bọn người ấy chửi mắng nên em chỉ có thể bốc từng nắm cơm trong nước mắt.

“Mẹ mày dạy mày thế đấy chứ ? Con ranh con! Ở đât với bà mày cứ giữ cái thói khoảnh ấy, thì bà dần từng cái xương. Này bảo cho mày biết: mày ăn cơm chó nhà bà cũng chưa đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày, bà chỉ mua có một đồng đấy thôi.” – bà Nghị

Tưởng chừng như sau cuối con đường mịt mù ấy cuối cùng cũng lấp lóe tia sáng khi chị Dậu đã đủ tiền đóng thuế, chỉ cần chuộc anh Dậu về và cố gắng làm lụng thì ngày chuộc được cái Tý chẳng còn bao xa nữa thì cái xã hội ấy lại tiếp tục xát muối vào vết thương còn chưa kịp lành lặn.

Khi sinh mệnh của con người không bằng một ổ chó
Khi sinh mệnh của con người không bằng một ổ chó

Chúng bắt anh chị phải đóng thuế cho cả người em đã chết. Một xã hội bất công như thế, chẳng còn tình người và mục ruỗng đến mức không một ai có thể cứu vãn nữa rồi.

Phẩm chất đầy đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam

Gánh nặng lại một lần nữa đổ hết lên vai của chị Dậu nhưng chị quyết không buông xuôi. Nhờ vào sự tốt bụng của bà lão hàng xóm đã cho chị một lon gạo, chị Dậu lặng lẽ nấu một nồi cháo để cả nhà ăn lấy sức.

Xót xa thay cho thân phận của chị Dậu trong xã hội lúc bấy giờ
Xót xa thay cho thân phận của chị Dậu trong Tắt đèn

Mọi chuyện cứ dồn dập ập đến khiến người đàn ông có ý chí như anh Dậu cũng dần nản lòng nhưng với nghị lực của mình chị đã khuyên răng anh phải cố gắng vì gia đình.

Thế nhưng khi anh Dậu còn chưa hớp được miếng cháo nào thì bọn cai lệ và người nhà Lý trưởng đã ồ ập tiến vào. Bọn chúng lại một lần nữa muốn hành hạ và đánh đập anh Dậu- người đã trải qua biết bao nhiêu trận đòn roi khiến thân xác anh tiều tụy khủng khiếp và nếu còn nhận thêm một trận nào nữa, có lẽ anh sẽ chẳng qua nổi.

Người xưa có câu con giun xéo lắm cũng quằn, khi chứng kiến bọn người không có tính người đẩy cả nhà mình vào chân tường thì một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Dậu cũng phải đứng dậy đấu tranh.

Sự phản kháng của chị tựa như một giọt nước tràn ly xuyên suốt những tháng ngày khốn khổ mà chị đã chịu đựng.

Hơn thế nữa, sức phản kháng tiềm tàng này không chỉ vì gia đình chị Dậu mà còn đại diện cho ý chí của nhân dân ta lúc bấy giờ khiến người đọc đã sâu sắc cảm nhận được cái khốc liệt của mỗi mâu thuẫn giai cấp ngàn đời giữa nông dân và địa chủ không gì có thể xoa dịu.

Tắt đèn đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố
Tắt đèn đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố

Cái sức mạnh ghê gớm của mối căm thù giai cấp đang âm ỉ trong lòng trật tự phong kiến nông thôn, càng nén xuống thì càng bùng nổ không gì có thể dập tắt.

Nỗi khổ của cả đời chị Dậu như liên tục kéo nhau hành hạ lên thân xác chị. Thân là một người vợ, một người mẹ của gia đình chị đã lo toan mọi việc thay chồng, chạy ngược chạy xuôi để kiếm tiền đóng sưu và đảm đương cho cả những đứa con thơ đang mong ngóng ở nhà.

Vậy mà số phận của người phụ nữ ở xã hội phong kiến chưa bao giờ được đề cao. Khi bị bắt vì tội đã đánh lại bọn cai lệ, chị đã suýt bị tên quan huyện dâm ô. Nhưng với sự cương quyết và can trường vốn có, chị Dậu đã bảo toàn được sự trong sạch của mình mà một lòng một dạ với chồng con.

Tưởng chừng như mọi nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng khi chị tìm được một công việc vú em. Một công việc dành cho những bà mẹ chưa tắt sữa để sử dụng sữa ấy cho một cụ ông đã ốm yếu đến mức không còn sức lực để ăn. Bọn họ trả tiền sưu giúp chị, cho chị một chỗ làm không cực khổ nắng noi như trước.

Hình ảnh đầy bế tắc của hai mẹ con chị Dậu trong tác phẩm
Hình ảnh đầy bế tắc của hai mẹ con chị Dậu trong Tắt đèn

Ngày tháng dần trôi đi, chị Dậu đã có thể gửi tiền về cho chồng và thậm chí còn có tiền để may thêm vài bộ đồ mới cho con thế nhưng cái xã hội ấy lại một lần nữa đẩy chị vào hoàn cảnh éo le.

Vào một đêm tối nọ, quan cụ đã lẻn vào phòng chị với mục đích dở trò dâm ô và lại một lần nữa với phẩm chất của một người phụ nữ mạnh mẽ chị đã thoát khỏi lão ta để chạy vào đêm đen mà không biết lần này số phận của chị lại phải đương đầu với những đớn đau gì trong tương lai.

Kết thúc của Tắt đèn như một báo động về xã hội phong kiến thối nát và mục ruỗng lúc bấy giờ. Nơi mà tính mạng con người còn thua cả cỏ rác, thời kì mà đồng tiền đã đay nghiến biết bao sinh mệnh hẩm hiu và cho dù họ có nỗ lực cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì cái tiền đồ ấy vẫn tối tăm hệt như cái đêm đen mà chị Dậu đã vùng chạy.

Tắt đèn chính là kết tinh từ những điều thành công nhất của Ngô Tất Tố

Không phải tự nhiên mà Ngô Tất Tố được người người ngợi ca là nhà văn đại diện cho nông dân. Ông được coi là tác gia hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam với vô số tác phẩm đặc sắc.

Chân dung của nhà văn Ngô Tất Tố
Chân dung của nhà văn Ngô Tất Tố

Trong vô số những sáng tác của ông, Tắt đèn như một tường thành khó phá vỡ. Với chủ đề xoáy sâu vào bi kịch tinh thần, Ngô Tất Tố đã lên án sâu sắc cái hiện thực tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của nhân dân và tước đi ý nghĩa sự sống chân chính thật sự xứng đáng với con người.

Ngọc Anh