Việc làng được xuất bản vào năm 1941, là thiên phóng sự đào sâu và phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống nông thôn Việt Nam, do nhà văn Ngô Tất Tố chắp bút. Tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc ghi chép toàn diện và trung thực bức tranh làng quê ta đầu thế kỷ XX cũng như để lại nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc, quý giá.

Ngô Tất Tố và tác phẩm Việc Làng

Nhắc đến dòng văn học hiện thực phê phán của Việt Nam không thể bỏ qua Nam cao có truyện ngắn Chí Phèo hay Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết Số Đỏ và đặc biệt phải kể đến Ngô Tất Tố, cây bút hàng đầu trong việc đả kích sâu cay xã hội đương thời mục ruỗng, bế tắc và dồn dân chúng vào bước đường cùng.

Ngô Tất Tố sinh năm 1983 trong một gia đình đông con nghèo khó tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ một nho sĩ lấy khoa cử làm con đường công danh nhưng gặp nhiều trắc trở đến việc đứng trước sự kiện phủ Toàn quyền Đông Dương quy định lại bộ máy giáo dục ở miền Bắc vào năm 1917, ông chuyển hướng trở thành nhà báo phục vụ kháng chiến, nhân dân.

Hình ảnh nhà văn Ngô Tất Tố
Một trang sách giới thiệu nhà văn Ngô Tất Tố

Theo đuổi nghiệp làm báo một thời gian dài từ Nam ra Bắc, nhà văn nhanh chóng trở thành cây bút đanh thép có sức ảnh hưởng rất lớn. Ông viết cho vô số các tờ báo lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng như An Nam tạp chí, Hà Nội tân văn, Thời vụ hay Tuần lễ dưới nhiều bút danh khác nhau. 

Các bài báo của nhà văn đạt đến trình độ thuyết phục, truyền cảm, điển hình hóa mà không hư cấu cùng nghệ thuật trào lộng, đả kích và phong cách đậm đà bản sắc dân tộc. Ông không ngừng cập nhật tin tức thời sự và dám thẳng thắn nêu lên những vấn đề nhức nhối trong xã hội.

“Ngô Tất Tố đã viết báo trong một nghĩa vụ công dân đấu tranh cho lẽ phải, cho đạo lí của cái đương thời, của việc đang xảy ra. Nó là sự lên tiếng trước thời cuộc, trước vận nước. Ông vạch trần các thứ bánh vẽ, lừa dân của tầng lớp thống trị, vạch ngay khi bọn gian viết chưa khô mực, bọn bịp nói vừa dứt lời.”

– Nhà thơ Vũ Quần Phương

Là nhà văn của buổi giao thời, Ngô Tất Tố vừa thụ hưởng nền giáo dục Nho học cũ vừa có cơ hội tiếp xúc với tri thức văn hóa mới. Điều này góp phần quan trọng giúp ông thấy rõ những tồn tại của nền văn hóa giáo dục cũ, lỗi thời và được ông phản ánh qua thiên tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng Lều Chõng.

Ảnh bìa cuốn sách Lều chõng do Ngô Tất Tố chắp bút
Ảnh bìa cuốn sách Lều chõng do Ngô Tất Tố chắp bút

Tác phẩm này chứa đựng tấn bi kịch của các nho sĩ cuối mùa dưới triều nhà Nguyễn, vì chưa kịp thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới nên phải lui về ở ẩn rồi dạy học tại làng quê hay ra chợ lang thang làm các nghề như bói toán, ông đồ viết thư pháp sinh sống qua ngày. 

“Tác phẩm của Ngô tất Tố như một lời cải chính, hơn thế, một bản tố cáo chế độ khoa cử lỗi thời và thấp thoáng sau mỗi chương, mỗi hàng chữ là một nụ cười chế giễu, có khi là tiếng cười ra nước mắt.”

– Nhà xuất bản Văn học, 2002

Trước Lều Chõng, Ngô Tất Tố từng viết về nỗi cơ cực, bần cùng của người nông dân dưới ách thống trị tàn bạo của Thực dân Pháp trong tiểu thuyết Tắt đèn, được in lần đầu tiên vào năm 1937. 

Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trên văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ, thậm chí từng bị chính quyền thực dân Pháp ra lệnh cấm xuất bản bởi qua đó, Tắt đèn đã tố cáo mạnh mẽ chế độ đương thời tàn bạo, vô nhân tính, chặn mọi đường sống của con người và gián tiếp cổ vũ người nông dân đứng lên nổi loạn. 

Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết Tắt đèn tiêu biểu của Ngô Tất Tố
Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết Tắt đèn tiêu biểu của Ngô Tất Tố

Ngô Tất Tố là nhà văn phụng sự dân quê, ông nhận thức sâu sắc và toàn diện về cảnh ngộ và số phận của người nông dân Việt Nam trước giai đoạn 1945. Lối viết khác biệt, sắc sảo và chi tiết là nét đặc trưng không thể hòa lẫn của ông. 

“Cuộc đời, sự nghiệp của Ngô Tất Tố có ảnh hưởng sâu rộng trong buổi nhận đường. Với những đóng góp của giới nghiên cứu, lý luận phê bình, đặc biệt là công tác giảng dạy trong nhà trường, tên tuổi và sự nghiệp của Ngô Tất Tố đã được phổ thông hóa. Một tên tuổi, một sự nghiệp được coi là hành tranh không thể thiếu của một người được coi là trưởng thành về mặt văn hóa.”

– Nhà thơ Hữu Thỉnh

Là tên tuổi hàng đầu của văn học hiện thực phê phán trên văn đàn Việt Nam, tác giả không chỉ gây tiếng vang bởi Tắt đèn mà còn phải kể đến nhiều tác phẩm khác, trong đó không thể bỏ qua Việc Làng, thiên phóng sự toàn diện và rõ nét nhất về nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Những tác phẩm nổi bật nhất của Ngô Tất Tố
Những tác phẩm nổi bật nhất của Ngô Tất Tố

Thông qua tác phẩm Việc làng, tác giả lần lượt đưa ra 17 bức tranh về hủ tục, tập quán đương thời ở làng quê Bắc Bộ, từ đó lên án bọn thực dân phong kiến tàn ác lợi dụng sự mê tín của dân chúng nhằm thực hiện chính sách bóc lột, trục lợi cho bản thân. Những giá trị nhân văn mà Việc làng đem lại còn vẹn nguyên cho đến ngày nay.

Những gánh nặng vô hình mang tên hủ tục

Nếu Hạnh phúc của một tang gia, đoạn trích trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng hướng đến đả kích sâu cay tầng lớp thượng lưu chạy theo giá trị văn minh “rởm” mà bỏ qua đạo đức, truyền thống thì Ngô Tất Tố lại đào sâu những hủ tục, lệ làng lạc hậu chôn vùi người nông dân vào bần cùng, nghèo khổ.

Ảnh bìa phóng sự Việc làng do Ngô Tất Tố chắp bút
Ảnh bìa phóng sự Việc làng do Ngô Tất Tố chắp bút

Ký hậu là phong tục sinh ra bởi quan niệm sinh ra ở làng thì gắn bó với nó đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy nếu một gia đình không có con trai, thì có thể mua hậu, tùy nơi mà nộp tiền, nộp ruộng, nộp đất cho cho làng, để sau này chết rồi thì còn được hương khói về sau. 

Vậy mà phong tục này lại bị lợi dụng, biến tướng trở thành cách họ hàng, làng xã dựa vào mà bòn rút của nhau, tình nghĩa đặt sau tiền bạc, ruộng vườn, mâm cỗ. 

Điển hình của việc này là bà Tư Tỵ, góa chồng từ thuở còn hai mươi. Mấy chục năm gồng gánh từ hai bàn tay trắng cũng tậu được hơn bốn mẫu ruộng, làm được năm gian nhà ngói, còn tiền cho vay không kể. Vậy mà vì bà lo sau khi chết không có người hương hỏa về sau, cuối cùng mất hết ruộng đất, tiền bạc nộp cho các ông lớn trong làng. 

Việc làng là bức biếm họa đả kích sâu cay chế độ cũ nơi làng quê nghèo
Việc làng là bức biếm họa đả kích sâu cay chế độ cũ nơi làng quê nghèo

Việc ma chay, hậu táng để bà con xóm giềng cùng chia buồn, tri ân người đã khuất nay lại trở thành gánh nặng cho tang gia. Tục lệ mổ trâu, thiết đãi linh đình mỗi khi làng có người chết khiến người dân càng nghèo đói, túng thiếu. Như cụ Thượng Lão Việt, lúc sắp trút hơi thở cuối cùng phải thốt lên:

“Bây giờ tôi sắp nằm xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó chưa chắc trả hết.”

– Việc làng

Có rất nhiều lý do để người ta bắt vạ tổ chức tiệc ở đình làng, đặc biệt là phải có đủ chỗ cho tất cả quan to chức lớn, mà trong cái làng ba nghìn suất đinh đó có đến bốn trăm ông đã ít. Việc của dân là làm sao xoay sở cho đủ mâm cỗ, không được phép thiếu dù chỉ một bàn.

Ảnh bìa phía sau của cuốn sách Việc làng
Ảnh bìa phía sau của cuốn sách Việc làng

Hằng năm, bất cứ lễ hội gì từ tết nhất, lễ thượng điền, tế thần Thành Hoàng, lễ mua nhiêu, mua ấm hay lễ xin vào làng thì bọn kỳ mục lại lợi dụng để bày mâm cỗ chè chén no say. Số tiền phung phí cho hủ tục, lệ làng bòn rút của người nông dân đến tận xương tủy. 

Bên cạnh đó, còn phải nói đến hủ tục nhập ngôi cho dân ngụ cư. Người xứ khác đến cư trú phải ba đời mới chính thức ngang hàng với người khác, chưa nói đến muốn nhập ngôi phải tốn vài trăm đồng bạc và thiết đãi linh đình. 

Tốn kém nhiều như vậy bởi lẽ họ quan niệm ở làng mà không có ngôi là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc, người ngụ cư sẽ không được chia phần, còn khi hội hè, đình đám, dân làng rước cờ, rước quạt thì họ chỉ đóng vai khiêng chiêng, nếu có cha mẹ qua đời cũng không được chôn cất giúp. 

Việc làng là bản tố cáo sâu cay những tồn tại trong nông thôn Việt Nam

Các hủ tục này ăn sâu vào tâm trí những nông dân cần cù, chất phác nơi đây, họ xem đó là điều hiển nhiên phải thực hiện. dẫn đến việc bọn thực dân phong kiến như lý trưởng, lý phó, bọn tư văn, bô lão trong làng lợi dụng để bóc lột, trục lợi cho riêng mình.

Việc làng vạch trần những hủ tục lạc hậu đày đọa người nông dân
Việc làng vạch trần những hủ tục lạc hậu đày đọa người nông dân

Bằng sự quan sát tinh tế, Ngô Tất Tố khai thác các hủ tục lạc hậu, vô lý ở rất nhiều khía cạnh. Hệ lụy mà chúng gây ra cho người dân là hết sức nghiêm trọng. Họ rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng, nợ nần chồng chất qua nhiều thế hệ, thậm chí bị ép vào con đường cùng là kết liễu cuộc đời. 

Việc làng viết nên nhằm vạch mặt những kẻ đặt ra và duy trì những hủ tục ấy, dựa vào nó để ăn chặn tiền bạc, của cải của nông dân và củng cố quyền lực, địa vị của mình. Sự tàn nhẫn và ích kỷ của một bộ phận người kéo theo hàng loạt hậu quả đau lòng đằng sau.

Làng Việt xưa là hiện thân của triều đình phong kiến thu nhỏ với thủ đoạn bóc lột ngang nhiên của bọn cường hào, địa chủ. Cùng với đó, thiên phóng sự góp phần lên án chính sách ngu dân thâm độc của thực dân Pháp ở thuộc địa khiến dân ta bị xiềng xích của hủ tục và mê tín dị đoan trói chặt, dẫn đến nghèo khổ tột cùng.

Những mảng tối đã bám trễ vào đời sống người dân hàng thế kỷ được thể hiện rõ nét qua Việc làng
Những mảng tối đã bám trễ vào đời sống người dân hàng thế kỷ được thể hiện rõ nét qua Việc làng

Nếu Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao tự tử vì muốn gắn gượng giữ lại mảnh vườn cho con trai trong hoàn cảnh túng quẫn thì người nông dân trong trang văn của Ngô Tất Tố lại vì chấp nhận hủ tục mà khiến bản thân rơi vào cảnh khốn khó, bần cùng. 

Tâm lý hiếu danh, trọng ngôi thứ, mê tín dị đoan, chạy theo số đông là một trong những nguyên nhân khiến hủ tục này ngày càng bám rễ sâu vào đời sống người dân nghèo khó. Ví như lệ phân chia chỗ ngồi theo thứ bậc ở đình lại khiến vợ chồng ông L, tuổi tác đã cao muốn mưu cầu ít danh phận mà tán gia bại sản. 

 Hai vợ chồng họ đều thật thà, chăm chỉ lại có chính sách tiết kiệm, bao năm làm thuê cuốc mướn mới được của ăn của để. Vậy mà vì cái hư danh nên bị quan chức trong làng vét sạch tiền của, đến cuối cùng phải quay về làm thuê để trả nợ cho bữa tiệc nhậm chức lý cựu.

“Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui: 

– Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây. 

Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa: 

– Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng, nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ?”

– Việc làng

Mỗi năm đến mùa lúa mới, dân làng phải làm lễ xôi mới cúng ông Thần Nông nhằm đền đáp công ơn phù hộ mưa hòa gió thuận. Xôi cúng phải do chính người trong làng làm ra, nếu nhà nào chưa làm lễ ấy thì không được phép ăn, cúng hay bán bất cứ thứ gì bằng gạo nếp. 

Sau đó lễ ấy lại biến tướng thành tiệc rượu linh đình nhằm thiết đãi những người phụ giúp, nếu không có sẽ bị hàng xóm láng giềng chê cười. Nhà ông Quyết đến phiên làm lễ, hậu đãi cũng hơn hai chục người. Còn tốn thêm tiền công xay giã gạo và nộp một nồi xôi cho làng. Phần ruộng nhà ông chỉ được hai sào rưỡi, sau lễ cúng mất đi phân nửa gia tài.

Việc làng thể hiện sự thẳn thắn trung thực và tâm huyết của nhà báo chuyên nghiệp Ngô Tất Tố
Việc làng thể hiện sự thẳn thắn trung thực và tâm huyết của nhà báo chuyên nghiệp Ngô Tất Tố

Hiện thực của vấn nạn thịt xôi ở chốn cửa Khổng sân Trình tồn tại dai dẳng và tốn kém như thế khiến bao người dân chỉ sửa một vấn xôi mới đã mất đi cơ nghiệp. Ngô Tất Tố lên án quan hệ “thằng công làm cho thằng ngay ăn”, phẫn nộ thay cho hoàn cảnh của dân nghèo vì hủ tục, lệ làng mà càng thêm cơ cực.

Tấm lòng của tác giả gửi gắm qua Việc làng

Mặc dù thấy được hiện trạng nhức nhối trong đời sống người nông dân ở làng quê nghèo nhưng đây không phải bản chất của họ. Những thứ được lưu truyền qua hàng thế kỷ kia khiến người dân nghèo quẩn quanh sau lũy tre làng chỉ biết tiếp thu và tuân theo.

Phân hóa giai cấp lúc bấy giờ khiến người nông dân thấp cổ bé họng không được quyền phản kháng. Giai cấp thống trị bành trướng, không ngần ngại giẫm đạp lên họ để tư lợi. Ngô Tất Tố cầm bút để vạch ra những tồn tại đã bám sâu trong lòng nông thôn Việt Nam và đấu tranh cho tiếng nói, lợi ích của họ.

Không chỉ thể hiện sự phẫn nộ của mình, nhà văn còn cho thấy cái nhìn cảm thông, bao dung với toàn bộ nỗi khổ cực mà người nông dân phải gánh chịu. Điều này gián tiếp bộ lộ qua khắp các chương của thiên phóng sự Việc làng. Từ đó thấy được sự trân trọng, kính mến mà Ngô Tất Tố dành cho tầng lớp dân quê. 

Trong chương đầu tiên Lớp người bị bỏ sót, những dòng miêu tả cụ Thượng Lão Việt trước khi qua đời hay lời trăn trối cuối cùng của cụ đều cho thấy nỗi xót thương mà nhà văn dành cho người nông dân vô tội.

“Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên, người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con ngươi lóng lánh.”

– Việc làng

Những lời của cụ Thương Lão Việt đại diện cho tầng lớp dân quê mặc dù nhận rõ khiếm khuyết, sai lầm của đời sống đương thời nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong chứ không đủ cam đảm đứng lên phản kháng.

“Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai đả động đến nó. Lạ thay!”

– Việc làng

Hay nhân vật ông Phúc trong chương Cỗ oản tuần sóc, một lão nông ốm yếu chịu tác hại của những tục lệ hà khắc. Hằng ngày ông làm nghề gánh mướn mưu sinh khiến đôi vai ông thịt dập nát, sưng u lên, đau nhức.

Khi vợ ông qua đời, gánh nặng của món tiền tiêu vào cúng lễ ma chay và cỗ tuần sóc nhiều đến mức ông phải dỡ nhà ra bán để lấy tiền làm oản cúng thần. Vậy mà người ta vẫn kéo đến ăn uống, chúc mừng trong căn nhà trống hoác, họ khen ông tháo vát, biết chăm lo việc cúng thần, khen mâm cỗ được chuẩn bị rất ngon.

Việc làng đã thu hút người đọc bằng khả năng lý giải vấn đề một cách sâu sắc và nghệ thuật miêu tả tinh tế của một nhà văn sống lâu đời ở nông thôn. Mỗi câu chuyện lại đánh bật lên một vấn đề thương tâm về hủ tục, lệ làng đem lại biết bao tai họa cho người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. 

Việc làng gửi gắm tình cảm của tác giả với người nông dân
Việc làng gửi gắm tình cảm của tác giả với người nông dân

Từ đó, nhà văn đưa ra thái độ phủ định gần như triệt để nhiều mặt tiêu cực của xã hội lạc hậu. Ông đặt ra vấn đề rằng, phải gấp rút cải tạo bộ mặt của làng quê Việt và giải phóng người nông dân khỏi chế độ phong kiến và ý thức hệ phong kiến thối nát.

Cách khai thác các tuyến nhân vật, các sự kiện và cách tố cáo, phê phán trong Việc làng hoàn toàn mới. Thiên phóng sự đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng”, tố cáo những hủ tục cổ hủ của chốn làng quê và gửi gắm những giá trị nhân sinh sâu sắc, quý giá.

Phóng sự Việc làng vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh về những tồn tại tiêu cực nơi làng quê Việt Nam trong một thời gian rất dài và đến tận ngày nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Từ đó, tác phẩm khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của Ngô Tất Tố đối với nền văn học và báo chí nước nhà.

Phan Quyên