Là một trong những biểu tượng sắc đẹp Việt Nam, áo dài được ví như “sứ giả” lan toả vẻ duyên dáng của phụ nữ Việt. Từ sự kiện quốc gia trọng đại đến sinh hoạt đời thường, người con gái trong tà áo dài thướt tha đã trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa dân tộc.
Qua hàng nghìn năm lịch sử, thiết kế áo dài tuy có nhiều biến đổi nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị truyền thống. Không chỉ tạo dấu ấn cho ngành thời trang, áo dài còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ, ý thức chủ quyền của người Việt, sánh ngang Kimono (Nhật Bản), Hanbok (Hàn Quốc).
Nguồn gốc của áo dài Việt Nam
Dù chưa xác định chính xác, phần đông giới sử học cho rằng áo dài được sáng tạo dựa trên hình ảnh người Việt cổ mặc áo xẻ hai tà trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Một nhóm nghiên cứu khác lại khẳng định loại trang phục này lấy cảm hứng từ chiếc áo dài cách tân màu hổ phách của Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân Hán.
Trên thực tế, đến thế kỷ mười tám khi vua Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc lệnh về trang phục truyền thống cho người phương Nam, áo dài mới xuất hiện trong các văn kiện lịch sử chính thức.
“Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép…” – Sách Đại Nam thực lục.
Lúc bấy giờ, hình thức áo dài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trang phục Chăm, thiết kế sặc sỡ trên nền vải voan. Ngoài thể hiện sự tôn trọng bản sắc văn hóa, áo dài còn hạn chế tác động của Trung Hoa và phân biệt với lối ăn mặc ở Đàng Ngoài nhằm tạo nét đặc trưng dân tộc.
Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ
Lịch sử phát triển của áo dài gắn liền với đặc trưng văn hóa dân tộc trong từng thời kỳ. Không chỉ biểu trưng cho quan niệm thẩm mỹ, thiết kế áo dài còn ghi dấu những ảnh hưởng từ Trung Hoa và Pháp đến thời trang Việt.
“Sự truyền bá được diễn ra trên hai chiều: họ đem thời kiểu ở nước họ đến nước khác – nơi họ tới và ngược lại họ đem thời kiểu ở nước khác về nước họ. Và sự truyền bá này thường khi không phải là cả một kiểu lối, chỉ là một số chi tiết trong một kiểu lối; vậy là sự truyền bá được diễn ra ở trình độ canh cải”.
Khéo léo kết hợp giữa yếu tố quốc tế, giá trị truyền thống cùng xu hướng hiện đại, những nghệ nhân Việt đã tạo nên tà áo dài đương thời duyên dáng. Dù trải qua nhiều biến chuyển, áo dài vẫn là biểu tượng cho nét uyển chuyển của phụ nữ Việt.
Áo dài Giao Lĩnh (thế kỷ thứ 18)
Xuất hiện năm 1744, áo dài Giao Lĩnh hay Giao Lãnh được ví như phiên bản sơ khai của áo dài Việt Nam. Loại áo này thường buộc chéo vạt sang nách phải, phong cách phổ biến ở châu Á lúc bấy giờ.
Về tổng thể, dáng và tay áo được may rộng rãi, xẻ hai bên hông. Phần thân áo ghép từ bốn tấm vải, dài chấm gót, mặc kèm với váy dài màu đen và thắt lưng vải màu.
Thời điểm đất nước chia cắt, Đàng Ngoài dưới sự cai trị của chúa Trịnh vẫn giữ nguyên dáng cũ trong khi ở Đàng Trong, chúa Nguyễn yêu cầu đổi sang áo cài khuy, mặc quần và bỏ lối thắt vạt.
Áo tứ thân và áo ngũ thân (thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20)
Nhờ sự phát triển của ngành dệt may, áo tứ thân xuất hiện từ thời nhà Lý nhưng chỉ dành riêng cho nam giới. Sang thời Trần, kiểu áo này mới được phụ nữ miền Bắc sử dụng và lưu truyền đến nay.
“Căn cứ vào tài liệu còn quá ít ỏi thì từ thời dựng nước tới Lý – Trần (thế kỷ XIII) trang phục của đông đảo nhân dân không có gì thay đổi lớn. Những bộ phận cơ bản của trang phục như các loại khố, váy, áo ngắn, yếm… vẫn không khác gì mấy so với thời Hùng Vương.”
Áo tứ thân gồm có hai vạt, bốn tà, hai tay áo và không có khuy. Thân áo dài từ cổ buông xuống quá đầu gối, làm nổi bật dáng hình gọn gàng, thon thả của người phụ nữ. Do kỹ thuật dệt còn thô sơ, khổ vải chỉ dài từ 35 – 40 cm nên người dân phải ghép chúng lại, tạo thành hai vạt trước, sau.
Vạt trước có hai tà không may liền, thường để buông hoặc thắt lại. Mặt khác, vạt sau cũng chia làm hai nhưng được nối với nhau thành đường sống áo, đây là nguồn gốc của tên gọi “tứ thân”.
Sự kết hợp giữa áo tứ thân cùng yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao đã trở thành biểu tượng cho những “liền chị” quan họ vùng Kinh Bắc.
Yếm cánh nhạn xẻ sâu và yếm cổ xây là hai loại phổ biến mặc kèm áo tứ thân. Nếu người đứng tuổi thường chọn màu nâu, đen giản dị thì những cô gái trẻ lại ưa thích màu sắc tươi tắn như đỏ, vàng, hồng. Ngoài ra, thắt lưng xanh được sử dụng như phụ kiện để giữ dáng và tạo điểm nhấn.
Những năm 1800, một cải tiến của áo tứ thân được nhiều phụ nữ thượng lưu ưa chuộng là áo Ngũ thân. Trang phục được may từ năm mảnh vải, chia thành hai thân trước, hai thân sau và một thân cụt ẩn phía trong.
Bốn thân áo trước – sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong là đại diện của người con. Áo Ngũ thân mang màu sắc nhã nhặn, không có viền cổ lẫn viền tay và thường mặc kèm áo lót trắng để làm nền, thể hiện quan niệm truyền thống về cái đẹp.
Kỹ thuật may áo còn khéo léo bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của người Việt, đồng thời có tính thẩm mỹ cao. Tiêu biểu nhất là cách ghép hoa văn trên sống áo và đường may thẳng, nhỏ, đều.
“Sự tinh tế còn thể hiện trên kỹ thuật may, như ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về góc độ mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa phù hợp với công năng sử dụng vừa có thẩm mỹ.” – Họa sĩ Nguyễn Đức Bình
Phần cổ được may chi tiết, dáng đứng, cài khuy kín. Năm cúc cài biểu trưng cho đạo lý làm người của dân tộc ta là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Tuy nhiên, điểm nối ở khuỷu tay khiến áo dễ bị nhăn ở phần nách.
Áo dài Lemur (1939 – 1943)
Nửa đầu thế kỷ hai mươi, khi văn hoá phương Tây du nhập vào nước ta, áo dài Việt dần xuất hiện điểm mới mẻ. Dựa trên xu hướng Âu hoá, họa sĩ Cát Tường, nghệ danh là Lemur, đã biến tấu áo dài thành nhiều phiên bản độc đáo.
Tháng ba năm 1934, áo dài Lemur được công bố trên báo Phong hóa với tên gọi mới “áo dài tân thời”. Vay mượn một số chi tiết từ y phục phương Tây như thiết kế ôm sát, tay bồng, viền cổ đăng ten, nhún bèo, Lemur biến áo dài trở nên gợi cảm và bắt mắt hơn.
Tuy nhiên, kiểu áo này chỉ tồn tại đến năm 1943 vì không thực sự phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam lúc bấy giờ.
Lấy cảm hứng từ áo dài Lemur, hoạ sĩ Lê Phổ tạo tiếng vang với thiết kế áo dài có hai tà ôm sát người, cổ hẹp, chất vải mềm mại. Ông cải tiến đường nét áo trở nên thanh mảnh bằng cách cắt bỏ phần tay phồng, ứng dụng những chi tiết của áo ngũ thân.
Hàng loạt điểm đặc sắc của áo Ngũ thân như phần cổ áo cài khuy, tay áo thẳng đều được giữ lại để tôn vinh vẻ kín đáo của phụ nữ Việt. Không những đem lại cảm giác thoải mái, áo dài Lê Phổ còn tôn vinh nét đẹp truyền thống dân tộc, trở thành xu hướng thịnh hành trong giai đoạn 1950.
Áo dài bà Nhu (1958 – đầu năm 1960)
Thời điểm Mỹ thay Pháp xâm lược Việt Nam, Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân đã tạo nên cuộc cách mạng thời trang gây nhiều tranh cãi khi kết hợp áo dài cổ thuyền, tay ngắn với găng tay.
Lấy ý tưởng từ áo tầm vông của người Khmer, chi tiết décolleté (cổ thuyền) có phần eo được chít lại giúp tôn lên vóc dáng thon thả cùng phần cổ kiêu kỳ của người phụ nữ. Do không phù hợp với quan điểm thẩm mỹ, thiết kế này bị chỉ trích nhiều đến nỗi ngừng xuất hiện ngay sau đó.
Áo dài Raglan (1960)
Những năm đầu 1960, áo dài Raglan, một số nơi còn gọi là áo dài Giắc lăng, được thiết kế bởi nhà may Dũng ở Đakao, Sài Gòn trở nên thịnh hành.
Với cách ráp raglan, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách, tà trước nối tà sau bằng hàng nút bấm dọc bên hông. Chi tiết này khiến áo trở nên phẳng phiu, ôm khít cơ thể mà vẫn tạo cảm giác thoải mái khi vận động.
Áo dài Raglan đặc trưng bởi phần cổ to dày, phần eo đính kèm sợi thun mỏng để kéo vòng eo, đây là phiên bản góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Áo dài Miniraglan (Từ thập niên sáu mươi đến thập niên bảy mươi)
Song hành với sự phổ biến của áo nịt ngực, những chiếc áo dài chít eo cũng được ưa chuộng nhờ cách may làm nổi bật đường cong cơ thể. Áo dài Miniraglan do đó trở thành đại diện cho phong cách thời thượng ở cuối thập kỷ sáu mươi.
Áo dài Miniraglan có vạt áo hẹp và ngắn, phần eo được may thắt lại, tà áo rộng, phần ngực nhô cao cùng gấu áo thẳng ngang. Phần thân buông dài đến mắt cá chân khiến dáng người duyên dáng, thanh mảnh.
Không chỉ cách tân về kiểu dáng, Miniraglan còn thể hiện chuyển biến trong quan niệm thẩm mỹ của phụ nữ Việt, táo bạo và hiện đại hơn. Dẫu phá bỏ khuôn mẫu truyền thống, Miniraglan vẫn được nhiều phụ nữ thành thị đón nhận một cách cởi mở.
Áo dài tân thời (Từ thập niên bảy mươi đến nay)
Ở thập niên bảy mươi – tám mươi, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới cũng là lúc văn hoá Hippy du nhập vào Việt Nam. Hưởng ứng trào lưu “sống hết mình”, áo dài được cách tân ngắn hơn với chất liệu mỏng nhẹ, màu sắc sặc sỡ, hoạ tiết sinh động.
Phiên bản mới sở hữu thân áo rộng, dài đến đầu gối, thiết kế cổ thấp, vạt áo hẹp hơn trước. Phong cách này kết hợp cùng quần ống loe và thịnh hành đến những năm 1990.
Năm 1995, áo dài Việt được trao danh hiệu “Trang phục truyền thống đẹp nhất” tại Tokyo, Nhật Bản. Tà áo truyền thống thướt tha và hoạ tiết gấm trúc xanh của Trương Quỳnh Mai đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng hội đồng giám khảo lẫn bạn bè quốc tế.
Bước sang thế kỷ 21, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ từ quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang quốc nội, áo dài Việt Nam trở nên thời thượng hơn nhưng vẫn giữ nguyên nét tinh tuý ban đầu.
“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước nên lời nước non.” – Văn Tiến Lê
Nhờ các nhà thiết kế tài ba, áo dài cách tân khéo léo kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống, trở thành trang phục phù hợp cho nhiều đối tượng với độ tuổi, sở thích đa dạng.
Đơn cử là nhà thiết kế Sĩ Hoàng, ông sử dụng tranh vẽ Việt Nam làm hoạ tiết trên thân áo hay Minh Hạnh, người dẫn đầu trong ngành công nghiệp thời trang, đã may áo bằng thổ cẩm dân tộc.
Gần đây nhất, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn cho ra đời bộ sưu tập áo dài cách tân độc đáo nhờ vận dụng sáng tạo chất liệu gấm truyền thống.
Áo dài – Biểu tượng văn hoá truyền thống dân tộc
Từ chất liệu, màu sắc, họa tiết trang trí đến kiểu dáng, áo dài đều thể hiện quá trình tiếp thu và phát triển hơi thở thời đại mới. Không chỉ định hình rõ nét, nó còn thể hiện một phần văn hoá tinh thần, trở thành vẻ đẹp biểu tượng dân tộc.
Ngoài nét đẹp duyên dáng vốn có, triết lý sâu sắc về năm đạo làm người: nhân, lễ, trí, nghĩa, tín của áo dài cũng biểu trưng cho những phẩm chất cao quý.
Vì vậy, dù không còn ứng dụng nhiều trong cuộc sống thường nhật nhưng áo dài vẫn là niềm tự hào văn hoá, thể hiện sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Hình thức của một chiếc áo dài truyền thống
Qua hàng nghìn năm, trang phục Việt được cải tiến với vô số phiên bản khác nhau nhưng hình thức của áo dài luôn gồm cổ, thân, tà áo, tay áo và quần.
Chiếc áo dài truyền thống có tay dài, ôm sát. Phần cổ được may cao từ 4 – 5cm, biến tấu đa dạng với một số kiểu dáng phổ biến như cổ tim, cổ tròn, cổ chữ U.
Thay cho váy ở thời kỳ áo tứ thân, áo dài hiện đại đi kèm quần suông, ống rộng. Sử dụng chất liệu mềm mại, màu sắc tối giản và tương đồng với áo, quần áo dài tạo vẻ đẹp kín đáo, tế nhị cho người mặc.
Đặc biệt, cách xẻ tà dọc hai bên thân áo, kéo dài từ thắt lưng đến mắt cá chân phối cùng hoạ tiết trên vạt áo là điểm nhấn trong thiết kế áo dài. Ngoài ra, phần cúc áo đính từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống đến hông cũng thể hiện kỹ thuật may áo dài tinh tế, điêu luyện.
Thể hiện cảm quan thẩm mỹ tinh tế
Vượt xa giới hạn vẻ đẹp hình thức thông thường, áo dài là tác phẩm nghệ thuật dựng lên từ cảm quan thẩm mỹ tinh tế của nhà thiết kế lẫn người mặc.
Thông qua họa tiết trang trí, đường may, màu sắc và chất liệu, nhà thiết kế đã thổi hồn vào bản vẽ, biến áo dài trở thành biểu tượng cho phong cách cá nhân. Tiêu biểu là áo dài Lãnh Mỹ A của nhà thiết kế Võ Việt Chung.
Làm “sống dậy” chất liệu vải từng mai một, Võ Việt Chung được UNESCO trao danh hiệu người có công khôi phục, phát triển Lãnh Mỹ A và giữ gìn truyền thống văn hoá qua áo dài vào năm 2007. Thiết kế của anh không chỉ ấn tượng bởi kiểu dáng tinh tế mà còn bởi cái hồn dân tộc ẩn bên trong.
Mặt khác, áo dài trở nên sống động, duyên dáng hơn nhờ cách lựa chọn phụ kiện đi kèm của người mặc. Chẳng hạn, khăn vấn được nhiều người ưa chuộng nhằm biểu hiện nét đẹp lâu đời.
Màu sắc áo dài cũng gắn liền với ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tính cách và mong ước riêng. Đơn cử, tà áo dài trắng là hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng của nữ sinh trung học.
Tinh thần dân tộc sâu sắc
Trong hành trình cải tiến, áo dài đã hình thành những chuẩn mực mới nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên tinh thần dân tộc. Với thiết kế vừa vặn, kín đáo, áo dài vừa tôn lên dáng hình mềm mại của người phụ nữ, vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ truyền thống.
“Dù Việt Nam chưa có một quy định chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” nhưng từ lâu nay nó đã được mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”.” – Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn
Vào những dịp lễ lớn hay sự kiện quan trọng, áo dài là trang phục phổ biến, thể hiện nét đẹp thanh lịch và tinh thần dân tộc. Trong cuộc thi Miss World 2021, hoa hậu Đỗ Thị Hà đã tự tin trình diễn áo dài thay vì những bộ cánh lấp lánh nhằm gửi gắm thông điệp về việc gìn giữ, trân trọng giá trị truyền thống.
Tựa lời khẳng định “chủ quyền” với tà áo mang dáng hình xứ sở nước Việt, áo dài đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.
Phương Uyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất