Tokyu Plaza Ginza, tháp truyền hình Tokyo Sky Free là những hình ảnh quen thuộc khi nhắc về thủ đô Nhật Bản. Bên cạnh vẻ đẹp năng động, mảnh đất này còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời của xứ sở hoa anh đào.

Một góc thành phố Tokyo
Một góc thành phố Tokyo

Không mang trong mình chiều dài lịch sử hàng ngàn năm với nét đẹp cổ kính, thơ mộng như Kyoto hay Nara, Tokyo nổi bật bằng sự giao thoa giữa tính hiện đại và truyền thống thông qua hình ảnh chùa chiền, đền đài và lễ hội hấp dẫn. 

Chiều dài lịch sử hơn bốn trăm năm của Tokyo

Tokyo sở hữu chiều dài lịch sử hơn bốn trăm năm và là trung tâm văn hóa, chính trị quan trọng tại xứ sở hoa anh đào. Theo ghi chép, thành phố có tên ban đầu là Edo, bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thời Tokugawa.

Đến thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Edo được đổi tên thành Tokyo, đồng thời vùng đất chính thức được ghi nhận là thủ đô của Nhật Bản. Năm 1869, đường dây viễn thông đầu tiên tại xứ Phù Tang đã ra đời, kết nối Tokyo và Yokohama. 

Trong suốt thời kỳ sau đó là Taisho (1912-1926), số lượng người làm việc tại thủ đô tăng lên nhanh chóng, ngày càng nhiều công dân sở hữu lối sống tiêu dùng, …

Các tiêu chuẩn giáo dục dần cải thiện và tỷ lệ nữ giới đến trường cũng cao hơn trước. Ngoài ra, những loại hình nghệ thuật biểu diễn như hát kịch, opera dần phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trận động đất xảy ra vào tháng chín năm 1923 đã phá hủy thành phố, ngọn lửa do động đất gây nên cũng thiêu rụi trung tâm Tokyo. Thiệt hại về người lên đến hàng trăm nghìn và có khoảng ba trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy. 

Sau tám năm, thành phố dần hồi sinh với sự ra đời của sân bay Tokyo. Đến năm 1935, dân số thủ đô đạt mức 6,36 triệu người, tương đương hai đô thị New York và London. 

Sân bay Tokyo những năm 1960
Sân bay Tokyo những năm 1960

Đáng tiếc, sự bùng nổ của chiến tranh Thái Bình Dương năm 1941 một lần nữa tác động lớn đến Tokyo. Để nâng cao hiệu quả trong thời chiến, hệ thống hành chính kép của nơi đây bị bãi bỏ. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối chiến tranh, thành phố bị ném bom tổng cộng 102 lần. 

Cuộc chiến kết thúc vào tháng chín năm 1945 khi chính phủ Nhật Bản và đại diện quân đội ký văn bản đầu hàng. Lúc này, phần lớn Tokyo bị tàn phá bởi bom đạn và dân số chỉ còn 3,49 triệu người, bằng một nửa so với năm 1940.

Đến những năm 1960, Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc và cuộc sống của người dân Tokyo đã thay đổi đáng kể. Năm 1962, dân số thành phố chính thức vượt mốc mười triệu người. 

Năm 1964, Thế vận hội Olympic mùa hè tổ chức tại Tokyo, tàu Shinkansen đi vào hoạt động và tuyến đường cao tốc thủ đô được mở ra, đặt nền móng cho sự thịnh vượng ngày nay.

Thế vận hội mùa hè Tokyo năm 1964
Thế vận hội mùa hè Tokyo năm 1964

Trong những năm 1980, thủ đô Nhật Bản có những bước tiến dài trong tăng trưởng kinh tế nhờ toàn cầu hóa và sự phát triển của xã hội thông tin. Tokyo trở thành một trong những thành phố năng động nhất thế giới với nhiều điểm thu hút về công nghệ, văn hóa, thời trang cùng mức độ an toàn cao.

Bước vào năm thứ hai của thế kỷ XXI, dân số thành phố đạt mốc mười hai triệu người, đến năm 2010 đã vượt quá mười ba triệu người. Tuy nhiên, trận động đất xảy ra năm 2011 tại khu vực Tohoku khiến Tokyo chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Sau nhiều nỗ lực phục hồi, Tokyo hiện vẫn nằm trong nhóm thành phố đáng sống nhất thế giới. Đây là vùng đất đạt được sự cân bằng về phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống và văn hóa truyền thống. 

Những địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Tokyo

Khác với Kyoto, thành phố sở hữu khoảng một nghìn đền chùa rải rác khắp nơi, con số này tại Tokyo khiêm tốn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nét đẹp thiêng liêng và giá trị tâm linh mà các ngôi đền nơi đây mang lại thật khó đong đếm cụ thể.

Sensoji, Gotokuji hay Meiji Jingu là những địa chỉ thờ tự nổi tiếng tại Tokyo. Mỗi ngôi đền sở hữu câu chuyện riêng về quá trình hình thành, góp phần khẳng định tính đa dạng trong văn hóa nơi đây.

Ngôi đền Phật giáo cổ Sensoji (Asakusa Kannon)

Tọa lạc phía đông thủ đô Tokyo, Sensoji còn được biết đến với cái tên Asakusa Kannon, đây là ngôi đền Phật giáo cổ nhất thành phố. Sensoji ra đời từ năm 628, ngôi đền là địa điểm tâm linh thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Ngôi đền Phật giáo cổ nhất thành phố - Sensoji
Ngôi đền Phật giáo cổ nhất thành phố – Sensoji

Theo truyền thuyết, Sensoji gắn liền với câu chuyện về nữ thần Kannon. Năm 628, hai anh em nhà Hinokuma vô tình nhặt được bức tượng nữ thần trong quá trình lưới cá. Dù cố gắng thả trôi bức tượng về dòng sông Sumida thì nó vẫn quay về vị trí ban đầu. 

Nhận ra tính linh thiêng của câu chuyện, vị trưởng lão Haijio Nakamoto quyết định hiến dâng một phần ngôi nhà của ông để xây dựng đền thờ nữ thần Kannon. Ngôi đền bắt đầu xây dựng từ năm 642 và hoàn thành ba năm sau đó. 

Đền Gotokuji và câu chuyện chú mèo vẫy tay

Từ lâu, tượng mèo may mắn Maneki-neko đã trở thành một trong những biểu trưng của xứ sở hoa anh đào. Nép mình ở vùng ngoại ô Setagaya, đền Gotokuji được cho là địa điểm khai sinh của Maneki-neko. 

Mèo may mắn Maneki-neko là biểu tượng của ngôi đền
Mèo may mắn Maneki-neko là biểu tượng của ngôi đền

Theo truyền thuyết, vào thời Edo vị lãnh chúa Naotaka gặp mưa gió trên đường đi, ông vô tình trú dưới gốc cây gần ngôi đền. Lúc đấy, bên trong đền xuất hiện chú mèo vẫy tay gọi ông vào, đúng lúc Naotaka rời khỏi, gốc cây liền bị sét đánh ngã. 

Để đền đáp ơn cứu mạng của chú mèo, vị lãnh chúa đã góp tiền xây dựng ngôi đền. Sau khi ông mất, ngôi đền này mang tên Gotokuji, đây là cái tên được lấy từ tự Phật giáo Kyushoin-den Gotokuten ei-daikoji của Naotaka. 

Đền Meiji Jingu với chiếc cổng Torii biểu tượng

Meiji Jingu là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại thành phố, nơi đây còn được biết đến với cái tên đền Thiên Hoàng Minh Trị. Bởi lẽ, ngôi đền ra đời nhằm tưởng nhớ công ơn vị hoàng đế Minh Trị – người có công to lớn trong công cuộc cải cách Nhật Bản cuối thế kỷ XIX.

Bị tàn phá nặng nề bởi thế chiến thứ hai nhưng sau khi được phục dựng, nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Meiji Jingu hiện sở hữu hai khu vực chính với tổng diện tích lên đến bảy mươi ha.

Meiji Jingu - ngôi đền tưởng nhớ công lao của Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng hậu
Meiji Jingu – ngôi đền tưởng nhớ công lao của Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng hậu

Cụ thể, khu vực bên ngoài bao gồm chuỗi phòng triển lãm tranh và các sân thi đấu thể thao. Bước qua chiếc cổng Torii 1500 tuổi, không gian bên trong Meiji Jingu mở ra với hệ thống các ngôi đền nhỏ hơn. 

Khung cảnh thoáng đãng, tươi mát cùng không khí trang nghiêm, thiêng liêng tạo nên nét hấp dẫn rất riêng cho Meiji Jingu. Đặc biệt, nhiều khu vườn trong đền bắt đầu tỏa ngát hương thơm vào tháng sáu hằng năm, thu hút đông đảo khách tham quan. 

Không gian lễ hội xuyên suốt và đặc sắc tại Tokyo

Xứ sở hoa anh đào nổi tiếng với các lễ hội được tổ chức xuyên suốt bốn mùa. Nằm trong dòng chảy văn hóa đó, Tokyo là địa điểm diễn ra vô số lễ hội hấp dẫn, thu hút sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Sumidagawa, Sanja Matsuri hay Koenji Awa Odori là những lễ hội nổi tiếng tại Tokyo với lịch sử lên đến hàng trăm năm. Đây là dịp đặc biệt để du khách trải nghiệm sự hòa trộn văn hóa hiện đại và truyền thống giữa lòng Tokyo.

Lễ hội Sanja Matsuri 

Sanja Matsuri là lễ hội được tổ chức vào tháng năm hằng năm tại quận Asakusa nhằm tưởng nhớ công ơn người sáng lập đền Sensoji. Với gần hai triệu du khách tham quan, đây là một trong những lễ hội lớn nhất tại Tokyo.

Không khí lễ hội Sanja Matsuri
Không khí lễ hội Sanja Matsuri

Diễu hành đền di động Mikoshi là hoạt động chính của lễ hội. Với gần một trăm vị thần Shinto được đặt bên trong mỗi ngôi đền, buổi diễu hành đi xuyên qua các cung đường lớn nhỏ tại Tokyo để truyền sự may mắn đến người dân.

Bên cạnh đó, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực cũng là những hoạt động tạo nên không khí sôi nổi cho Sanja Matsuri. Thông thường, lễ hội diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ buổi chiều thứ sáu và kết thúc vào ngày chủ nhật. 

Lễ hội pháo hoa Sumidagawa

Ra đời từ năm 1733, Sumidagawa là lễ hội pháo hoa cổ nhất tại xứ sở hoa anh đào. Lễ hội được tổ chức hằng năm tại bờ sông Sumida, Tokyo vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng bảy. 

Địa điểm diễn ra lễ hội pháo hoa Sumidagawa
Địa điểm diễn ra lễ hội pháo hoa Sumidagawa

Theo ghi chép, Sumidagawa bắt nguồn từ nạn đói làm cho nhiều người thiệt mạng năm 1732. Để xua tan dịch bệnh và làm dịu nỗi đau mất mát của người dân, tướng quân Tokugawa Yoshimune tiến hành tổ chức lễ tế thần nước kết hợp cùng các màn pháo hoa. 

Sumidagawa vẫn được duy trì cho đến ngày nay và thu hút hơn một triệu du khách tham gia mỗi năm. Đây cũng là cơ hội giúp những công ty sản xuất pháo hoa mang đến các phần trình diễn đặc sắc với vô số chùm pháo mang hình thù độc đáo, từ ốc sên, cá đến Pokemon, chữ số.

Lễ hội Koenji Awa Odori

Được tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật cuối cùng của tháng tám, Koenji Awa Odori là lễ hội khiêu vũ mùa hè lớn nhất tại thủ đô Tokyo với sự góp mặt của hơn mười hai nghìn vũ công, nhạc sĩ và hai trăm nhóm nhảy. 

Hình ảnh về lễ hội Koenji Awa Odori
Hình ảnh về lễ hội Koenji Awa Odori

Theo ghi chép, Koenji Awa Odori ra đời từ năm 1957 và có lịch sử hơn sáu mươi năm. Đây cũng được cho là nơi bắt nguồn của “vũ điệu ngớ ngẩn” nổi tiếng khắp xứ sở hoa anh đào. Theo truyền thuyết, điệu nhảy này đã có bốn trăm năm hình thành và là nét đặc trưng gắn liền với lễ hội. 

Người tham dự lễ hội sẽ mặc trang phục Yukata và mang dép Gehta. Cho đến nay, sự kiện thu hút hơn 1,2 triệu lượt người tham gia mỗi năm và trở thành một trong những lễ hội không thể bỏ lỡ khi đến thăm Tokyo.

Tokyo – Không chỉ đơn thuần là một thủ đô

So với Kyoto, Nara hay một số thủ đô nổi tiếng trên thế giới, Tokyo lép vế hơn hẳn về chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa nếp sống hiện đại và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã tạo nên nét thu hút rất riêng của thành phố này.

Xen lẫn khung cảnh sầm uất của những trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí là cảm giác tĩnh lặng, thanh bình bên trong các ngôi đền Thần Đạo. Vẻ đẹp tương phản này tạo nên nét quyến rũ huyền bí, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

Hơn cả một thủ đô, Tokyo sừng sững như một biểu tượng hội nhập của nước Nhật thời hiện đại. Đây là minh chứng cho những đổi thay, sự vươn mình và phát triển của dân tộc Nhật Bản. 

Diệu Ngô