Xuyên suốt quá trình xây dựng nước Nhật phồn thịnh, văn hóa luôn được người dân và chính phủ Nhật Bản xem là “sức mạnh mềm” giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của xứ sở hoa anh đào trên trường quốc tế.

Văn hóa - sức mạnh mềm của dân tộc Nhật Bản
Văn hóa – sức mạnh mềm của dân tộc Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia giàu có về tài nguyên văn hóa, từ các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử đến các giá trị trong phong cách sống, tất cả đều mang trong mình sức hấp dẫn khó cưỡng đối với bạn bè quốc tế.

Con người – Thành tố quan trọng của văn hóa Nhật Bản 

Khi nhắc tới văn hóa xứ Phù Tang, con người phải là yếu tố đầu tiên được đề cập đến. Bởi lẽ, đó là chủ nhân của nền văn hóa, là những người đã tạo nên các nguyên tắc và giá trị sống riêng biệt cho dân tộc Nhật Bản.

Từ việc nuôi dưỡng tính sáng tạo, cẩn trọng khi tiếp thu văn hóa nước ngoài đến óc quan sát tỉ mỉ và tinh tế, người Nhật đã tác động trực tiếp đến việc duy trì và nâng cao sức ảnh hưởng của văn hóa đến mọi mặt đời sống xã hội tại xứ sở mặt trời mọc.

Con người Nhật Bản cẩn trọng với văn hóa ngoại lai

Một đặc điểm phổ biến được thể hiện trong văn hóa Nhật Bản từ xưa đến nay là sự cẩn trọng trong việc tiếp nhận các giá trị văn hóa nước ngoài.

Người Nhật luôn tiếp thu tinh hoa thế giới nhưng không vì thế mà đánh mất bản sắc dân tộc. Họ không những nhanh chóng tiếp thu và bắt kịp các giá trị tốt đẹp từ bên ngoài mà còn sẵn sàng bài trừ những điều làm tổn hại đến văn hóa nước nhà. 

Tôn giáo bản địa của người Nhật Bản là Thần đạo, sở hữu triết lý sống gắn liền với văn hóa, lịch sử xứ Phù Tang. Đây là tôn giáo ra đời dựa trên sự tiếp thu có chủ ý, chỉ giữ lại giá trị tốt đẹp từ các hệ tư tưởng lớn thời bấy giờ như Phật giáo, Pháp gia, Nho gia.

Trà đạo Nhật Bản - sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa Trung Hoa
Trà đạo Nhật Bản – sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa Trung Hoa

Đặc biệt, người Nhật rất chú trọng đến các xu hướng và sự biến động của thế giới. Từ đó, nhìn nhận và đánh giá xem chúng có ảnh hưởng thế nào đến văn hóa Nhật Bản. 

Vào thế kỷ mười hai, thời kỳ mối quan hệ ban giao giữa Nhật Bản và Trung Hoa còn tốt đẹp, các nhà sư xứ sở hoa anh đào đã sang Trung Hoa học tập về trà. Sau đó, họ đã kết hợp cùng nét đẹp của Thiền trong Phật giáo mà phát triển trà đạo thành nét văn hóa đặc sắc của xứ Phù Tang.

Tôn trọng thứ bậc là nguyên tắc bắt buộc với mỗi người Nhật

Xã hội Nhật Bản rất chú trọng đến tôn ti trật tự, ý thức tôn trọng thứ bậc được thể hiện qua nhiều tình huống khác nhau. Điển hình như trong cuộc họp, người có thứ bậc càng cao thì vị trí sẽ càng sâu vào bên trong, vị trí gần cửa ra vào là chỗ ngồi của người có thứ bậc thấp nhất.

Trong cách thức xưng hô, người Nhật phải dùng ngôn ngữ kính trọng (Sonkeigo) để gọi người lớn tuổi hoặc có địa vị cao trong xã hội. Trong khi đó, lúc đề cập đến chính mình và những người thân thì họ lại dùng ngôn ngữ khiêm nhường (Kenjougo). 

Nhật Bản là đất nước đặc biệt đề cao các nguyên tắc trong giao tiếp
Nhật Bản là đất nước đặc biệt đề cao các nguyên tắc trong giao tiếp

Văn hóa giao tiếp Nhật Bản thường sử dụng ba loại kính ngữ chính, đó là Sonkeigo (尊敬語), Kenjōgo (謙 譲 語) và Teineigo (丁寧 語). Đôi khi, Teichōgo (丁 重 語) và Bikago (美化 語) cũng được sử dụng nhằm bày tỏ sắc thái trang trọng, lịch sự.

Các nguyên tắc được hình thành trong đời sống hằng ngày như cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô, xem trọng tính tập thể, tính đúng giờ, trách nhiệm, Ganbaru (làm hết sức mình) chính là cơ sở bồi đắp nên lòng trung thành và tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản. 

Người Nhật sở hữu óc thẩm mỹ cao

Vẻ đẹp trong tính sáng tạo và óc quan sát tuyệt vời của con người Nhật Bản được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Đó có thể là sự đa sắc của những cuộn sushi được trang trí bắt mắt hay tính tỉ mỉ, cẩn thận trong cách sắp đặt nhà cửa.

Sushi là biểu tượng của văn hóa ẩm thực xứ Phù Tang, bắt nguồn từ phương pháp bảo quản cá thời cổ đại của người Trung Hoa. Bằng sự tinh tế và óc sáng tạo, người Nhật đã phát triển thành món ăn mang đậm dấu ấn của riêng họ.

Những cuộn sushi với nhiều hình dáng nghệ thuật kết hợp cùng cách cắt tỉa rau củ khéo léo và màu sắc tự nhiên đã làm cho món ăn thêm phần thu hút. Đối với nhiều thực khách nước ngoài, sushi là sự hoàn hảo từ hình thức đến hương vị, chứng tỏ sức hấp dẫn khó cưỡng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Sushi là món ăn biểu hiện rõ nét sự tinh tế của ẩm thực Nhật Bản
Sushi là món ăn biểu hiện rõ nét sự tinh tế của ẩm thực Nhật Bản

Sự tinh tế và óc thẩm mỹ của người Nhật được thể hiện rõ nét ở cách trang trí và sắp đặt nhà cửa. Trong đó, nghệ thuật bài trí KonMari là phương pháp được đông đảo mọi người trên khắp thế giới biết đến.

Người Nhật yêu thích sự sạch sẽ và đơn giản, vì thế phương pháp KonMari hướng gia chủ đến việc cải thiện lối sống, tìm thấy hạnh phúc bắt đầu từ việc dọn dẹp nhà cửa. Bởi lẽ, không gian sống thoải mái luôn mang đến nguồn cảm hứng bất tận cho con người.

Bên cạnh đó, dân tộc Nhật còn xây dựng hệ thống chín quan điểm thẩm mỹ, bao gồm Wabi Sabi (không hoàn hảo), Miyabi (sang trọng), Shibui (tinh tế), Iki (độc đáo), Jo-ha-kyu (chậm – tăng tốc – kết thúc), Yugen (bí ẩn), Geido (kỷ luật và đạo đức), Ensou (khoảng trống), Kawaii (dễ thương).

Những quan niệm thẩm mỹ này đã tạo nên nét đẹp tinh tế và vô cùng thu hút của văn hóa Nhật Bản. Đây cũng chính là các triết lý làm nền tảng cho phong cách sống, những giá trị tốt đẹp của người dân xứ sở mặt trời mọc.

Văn hóa Nhật Bản ẩn chứa trong những điểm đến du lịch nổi tiếng

Xứ sở hoa anh đào là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách tham quan nhất trên thế giới. Vẻ đẹp hoàn mỹ tựa tranh vẽ tại vùng đất này luôn để lại biết bao nỗi nhớ nhung cho du khách.

Vô số địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại xứ sở mặt trời mọc đã ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế như núi Phú Sĩ, lâu đài Himeji, làng lịch sử Shirakawa và Gokayama, tháp Tokyo.

Từ dòng sông, ngọn núi cho đến bảo tàng, ngôi đền hay lâu đài, mỗi nơi đều kể một câu chuyện riêng biệt về văn hóa, lịch sử và con người Nhật Bản.

Núi Phú Sĩ – Biểu tượng bất biến của văn hóa xứ Phù Tang

Phú Sĩ nằm ở độ cao 3776 mét và là ngọn núi cao nhất xứ sở mặt trời mọc, bắt ngang qua địa phận hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi. Đối với người dân Nhật Bản, ngọn núi là biểu tượng của sự tôn sùng, ẩn chứa nhiều giá trị tâm linh sâu sắc.

Theo truyền thuyết, nhà sư Hasegawa Kokugyo đã leo lên đỉnh núi 100 lần, điều này dẫn đến việc hình thành giáo phái Fujiko – nhóm những người tôn thờ núi Phú Sĩ.

Đây là giáo phái thông qua việc nhịn ăn và xây dựng các đền đài để minh chứng cho sự tôn thờ của họ dành cho ngọn núi. Tiếc rằng, sự cuồng tín này đã khiến Mạc Phủ Tokugawa ban lệnh cấm đối với giáo phái Fujiko.

Phú Sĩ là ngọn núi thiêng biểu tượng cho hình ảnh của con người xứ Phù Tang
Phú Sĩ là ngọn núi thiêng biểu tượng cho hình ảnh của con người xứ Phù Tang

Tuy nhiên, đây lại là sự việc tạo nên truyền thống thờ phụng có lịch sử hàng trăm năm trên núi Phú Sĩ. Đến ngày nay, người dân Nhật Bản vẫn tiếp nối truyền thống này và Phú Sĩ đã trở thành ngọn núi thiêng tại xứ sở hoa anh đào.

Từ xa xưa, hình ảnh quanh năm tuyết phủ trắng xóa của ngọn núi Phú Sĩ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất xứ Phù Tang. Phú Sĩ được xem là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tạo được sinh sôi, nảy nở. 

Ngọn núi này đã nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, nổi tiếng nhất là bản khắc họa trên mộc bản do họa sĩ Katsushika Hokusai và Utagawa Hiroshige thực hiện.

Dưới bàn tay của người nghệ sĩ, núi Phú Sĩ mang trong mình vẻ đẹp đa chiều và đầy sống động. Thông qua tác phẩm này, ngọn núi đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho Nhật Bản dưới góc nhìn của bạn bè thế giới.

Lâu đài Himeji – Cánh hạc tung bay giữa nền trời xanh

Vẻ đẹp cổ kính của lâu đài Himeji rất được lòng du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến thăm xứ sở mặt trời mọc. Himeji được tạo nên từ hơn ba mươi sáu tấn gỗ cùng lớp thạch cao trắng tinh vây phủ xung quanh.

Nhìn từ xa, lâu đài Himeji tựa những con chim hạc đang thả cánh tung bay trên bầu trời rộng lớn. Với người dân xứ sở hoa anh đào, hình ảnh này chính là biểu tượng cho vẻ đẹp cao thượng và thanh khiết của người quân tử.

Vẻ đẹp cổ kính của lâu đài Himeji luôn tỏa ra nét quyến rũ đặc biệt
Vẻ đẹp cổ kính của lâu đài Himeji luôn tỏa ra nét quyến rũ đặc biệt

Trong quá khứ, Himeji đã lừng lững nắm chặt tay dân tộc Nhật Bản bước qua biết bao tàn phá của chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là gạch nối của tương lai, thể hiện quyết tâm tái thiết đất nước của toàn thể người dân xứ sở mặt trời mọc.

Dẫu trải qua vô số thăng trầm lịch sử, hứng chịu biết bao tác động từ chiến tranh, tòa thành cổ Himeji vẫn sừng sững và giữ lại trọn vẹn những giá trị văn hóa, kiến trúc Nhật Bản.

Làng lịch sử Shirakawa và Gokayama

Shirakawa và Gokayama là hai ngôi làng cổ nằm ở cao nguyên Hida, miền trung Nhật Bản. Bước chân đến vùng đất này, những mái nhà tranh nằm giữa khung cảnh yên bình của đồng quê dễ khiến du khách ngỡ như lạc vào xứ sở cổ tích.

Nhà tại đây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gassho với lịch sử hàng trăm năm. Gassho là kiểu xây dựng mái nhà hình dạng tam giác, tựa như đôi bàn tay chắp lại lúc cầu nguyện. 

Kiến trúc Gassho cho thấy sự thích hợp với cuộc sống của người dân tại vùng đất này. Bởi lẽ, vào những ngày mùa đông khắc nghiệt, họ có thể tận dụng hơi ấm để nuôi tằm ngay trong nhà.

Bên cạnh đó, độ dốc của mái nhà khi xây dựng theo phong cách Gassho cũng giúp tuyết dễ dàng trượt xuống mặt đất, đặc biệt là vào những ngày tuyết rơi dày đặc.

Vẻ đẹp khi về đông của làng lịch sử Shirakawa và Gokayama
Vẻ đẹp khi về đông của làng lịch sử Shirakawa và Gokayama

Năm 1995, làng lịch sử Shirakawa và Gokayama đã được UNESCO vinh danh là một trong những Di sản Văn hóa Thế giới. Phong cảnh tuyệt đẹp với những ngôi nhà truyền thống liền kề nhau như đưa du khách trở về kỷ nguyên khác của xứ sở hoa anh đào.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh, người dân nơi đây bắt đầu tiến hành kết hợp các lễ hội truyền thống, các món ăn địa phương để phát triển làng lịch sử Shirakawa và Gokayama trở thành địa điểm du lịch. 

Mỗi năm, nơi này đón gần hai triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng, góp phần rất lớn vào việc quảng bá văn hóa du lịch xứ sở hoa anh đào.

Đền Itsukushima và câu chuyện về cổng Torii 

Itsukushima là ngôi đền thần được xây dựng trên biển, nằm ở đảo Miyajima, tỉnh Hiroshima. Nơi đây gắn liền với chiếc cổng Torii vươn cao trên mặt biển, một trong những biểu tượng của du lịch Nhật Bản.

Với niên đại khoảng 1400 năm, chiếc cổng Torii đã trải qua nhiều lần xây lại, bản thân chiếc cổng hiện tại có tuổi đời khoảng 140 năm và vẫn đứng vững ở đáy biển dù không có nền móng.

Điểm đặc biệt của đền Itsukushima nằm ở quang cảnh thay đổi theo sự lên xuống của thủy triều. Nếu thủy triều trên mức 250cm, ngôi đền sẽ nổi trên mặt nước biển còn nếu thủy triều dưới 100cm, du khách có thể trải nghiệm cảm giác đi bộ đến tận chân cổng Torii.

Đền Itsukushima và chiếc cổng Torii - hình ảnh nổi tiếng của du lịch xứ sở hoa anh đào
Đền Itsukushima và chiếc cổng Torii – hình ảnh nổi tiếng của du lịch xứ sở hoa anh đào

Đền Itsukushima được xem là một trong những bảo vật quốc gia của Nhật Bản. Điện chính của đền thờ ba vị thần nữ giới, khoảng cách từ nơi này đến cổng Torii khoảng 160 mét.

Bên cạnh đó, sân khấu Bugaku – loại hình nghệ thuật truyền thống Nhật Bản cũng thường xuyên được biểu diễn bên trong đền, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách khi đến tham quan.

Cụm di tích lịch sử cố đô Kyoto

Cụm di tích lịch sử cố đô Kyoto là quần thể gồm mười bốn ngôi chùa Phật giáo, ba đền Thần đạo và một lâu đài. Trong đó, nổi tiếng nhất là chùa Kiyomizu được xây dựng bằng gỗ và phủ những lá vàng nguyên chất.

Trong số đền đài tại cụm di tích cố đô Kyoto được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, chùa Kiyomizu (Dòng nước thanh khiết) được biết đến là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới với 139 cột dựng thẳng đứng, vững chãi.

Chùa Kiyomizu - ngôi chùa được biết đến nhiều nhất tại cụm di tích lịch sử cố đô Kyoto
Chùa Kiyomizu – ngôi chùa được biết đến nhiều nhất tại cụm di tích lịch sử cố đô Kyoto

Cái tên của chùa Kiyomizu bắt nguồn từ việc phía sau ngôi chùa là thác nước sở hữu dòng nước thiêng nổi tiếng, du khách thường tìm đến nơi này để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho sức khỏe, tình yêu và tiền bạc.

Bên cạnh Kiyomizu, Sanjusangendo, Yasaka cũng là những công trình của cụm di tích lịch sử cố đô Kyoto nổi danh khắp Nhật Bản.

Sanjusangendo xây dựng năm 1164 và được biết đến là ngôi chùa 1001 tượng Phật nghìn tay nghìn mắt. Bên trong chùa có 1000 tượng Phật bằng chất liệu gỗ bách, sơn son, thếp và dát vàng. Theo truyền thuyết, mỗi tượng sẽ cứu rỗi 1000 chúng sinh.

Đền Yasaka được xây dựng vào năm 650 và là nơi thờ Thần đạo Shinto, nơi đây nổi bật với hình ảnh đèn lồng Nhật Bản treo dưới mái hiên. Đền Yasaka cũng chính là địa điểm mà người dân xứ Phù Tang thường tổ chức lễ hội hoa anh đào và các hoạt động đón giao thừa.

Các lễ hội truyền thống tại Nhật Bản

Bên cạnh nét đẹp toả ra từ tính cách con người hay giá trị lịch sử lâu năm ẩn chứa trong phong cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống cũng là một điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh đa chiều của văn hóa Nhật Bản.

Đặc biệt, xứ Phù Tang là đất nước nổi tiếng với hệ thống lễ hội có lịch sử hàng trăm năm, trải dài khắp bốn mùa. Từ vẻ đẹp ngọt ngào của những cánh anh đào tháng tư đến đèn lồng, pháo hoa rực rỡ bầu trời đêm tháng mười hai, tất cả đều gây ấn tượng sâu đậm cho du khách.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi lưu giữ và phát triển nhiều giá trị văn hóa lâu đời mang đậm dấu ấn phương Đông của xứ sở hoa anh đào. Đó có thể là vẻ đẹp cổ kính thời Heian của lễ hội Kanda hay nét mơ màng về một Osaka xưa với lễ hội Tenjin.

Lễ hội Ngưu lang chức nữ (Lễ hội ngắm sao Tanabata)

Tanabata là lễ hội có nguồn gốc từ Trung Quốc và được tổ chức vào ngày 7/7 hằng năm. Tại xứ Phù Tang, cứ đến ngày này mọi người sẽ tổ chức lễ hội ngắm sao nhằm kỷ niệm cuộc gặp gỡ giữa Tanabata Tsume và Hikoboshi.

Theo truyền thuyết, Tanabata Tsume (Orihime) là con gái của thần bầu trời Tentei, nàng đem lòng yêu mến thần chăn bò Hikoboshi có tướng mạo vô cùng anh tú. Vì yêu thương con, thần Tentei đã cho phép công chúa nên duyên cùng Hikoboshi.

Trước lúc kết hôn, Orihime là người say mê dệt lụa, ngày ngày chuyên tâm vào việc dệt vải. Bên cạnh đó, Hikoboshi cũng là người rất chăm chỉ làm việc, yêu thương và chăm sóc cẩn thận cho những chú bò của chàng.

Những lời cầu nguyện được người dân viết nên trong ngày lễ hội Ngưu lang chức nữ
Những lời cầu nguyện được người dân viết nên trong ngày lễ hội Ngưu lang chức nữ

Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cả hai chỉ mải mê rong chơi mà chẳng đoái hoài đến công việc. Vì thế, đôi vợ chồng đã hứng chịu sự trừng phạt của thần Tentei khi phải sống tách biệt ở hai đầu của dải Ngân Hà và chỉ được gặp nhau vào ngày 7/7 hằng năm.

Nhiều lời truyền tụng cho rằng, nếu trời đổ mưa vào ngày này thì dòng sông Ngân Hà sẽ dâng cao và hai người không thể gặp mặt. Vì thế, ngày 7/7 cũng là dịp người dân Nhật thành tâm cầu mong khí trời tươi đẹp, quang đãng để đôi vợ chồng có thể gặp nhau.

Theo truyền thống, người dân Nhật Bản sẽ viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy và treo chúng lên các nhánh tre vào ngày lễ hàng năm. Khi lễ hội kết thúc, những nhành tre này sẽ được đem đốt hoặc thả trôi theo những con thuyền.

Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của lễ hội còn được tô điểm bởi ánh sáng rực rỡ của pháo hoa trên nền trời Nhật Bản và các hoạt động biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Lễ hội hoa anh đào (Lễ hội Hanami)

Khi nhắc đến hoa anh đào, hầu hết mọi người thường lầm tưởng chỉ có một loại hoa nhưng trên thực tế, đất nước Nhật Bản có đến hơn 50 loại hoa anh đào khác nhau, từ màu hồng đậm của Oyamazakura đến màu hồng nhạt của Yamazakura, hoa anh đào tỏa hương Oshimazakura.

Đây là một lễ hội truyền thống tại xứ Phù Tang, diễn ra vào cuối tháng ba và đầu tháng tư hằng năm, thời điểm mà hoa anh đào nở rộ rực rỡ nhất. 

Lễ hội Hanami được bắt nguồn từ thời Nara (710 – 794), khi ấy giới quý tộc Nhật Bản thường tổ chức những buổi tiệc trà dưới gốc hoa anh đào, cùng nhau thưởng trà, ngắm hoa.

Đến thời kỳ Heian (794 – 1185) hoạt động này mới chính thức được Nhật hoàng phổ biến cho toàn thể dân chúng và từ đây, Hanami dần trở thành quốc lễ của xứ Phù Tang.

Lễ hội hoa anh đào là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của xứ sở mặt trời mọc
Lễ hội hoa anh đào là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của xứ sở mặt trời mọc

Tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản là người đích thân chủ trì lễ hội Hanami, hành động này đã chứng tỏ tầm quan trọng của hoa anh đào đối với đời sống và văn hóa người dân nơi đây.

Ngắm hoa là hoạt động chính của mùa lễ hội, người tham gia có thể dạo bước dưới những tán cây anh đào đang tỏa hương thơm ngào ngạt hoặc chuẩn bị tiệc nhẹ để cùng nhau thưởng thức, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa này.

Người dân Nhật Bản thường truyền tai nhau câu nói: “Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo.” Bởi lẽ, vẻ đẹp của hoa anh đào luôn được so sánh cùng tinh thần dũng cảm, sự trong sạch và tinh khiết của người võ sĩ đạo.

Hoa anh đào chỉ rực rỡ nhất vào khoảnh khắc nở rộ dưới ánh mặt trời và lúc lìa cành theo cơn gió. Người võ sĩ đạo cũng thế, sống và chết đối với họ nhẹ tựa cánh anh đào bay trong gió, hòa cùng đất trời thiên nhiên, họ hiên ngang và dũng cảm, thanh cao và tự trọng.

Tenjin – Lễ hội rước kiệu lớn nhất thành phố Osaka

Tenjin là là lễ hội rước kiệu lớn nhất tại thành phố Osaka, diễn ra vào mùa hè hằng năm với nhiều nghi thức hoành tráng và các màn trình diễn pháo hoa rực rỡ.

Lễ hội Tenji có khởi nguồn tại ngôi đền Tenmagu từ năm 951 và được công nhận là một trong ba lễ hội lớn nhất xứ sở hoa anh đào, bên cạnh lễ hội Kanda và Gion.

Tenji khai hội vào ngày 24/7 với điệu múa rồng Shishimai nhằm cầu chúc bình an và thịnh vượng cho toàn dân Osaka. Sau đó, những tiếng trống được đánh vang từ đôi tay của người đàn ông đội mũ đỏ sẽ báo hiệu lễ hội chính thức bắt đầu.

Múa rồng Shishimai trong ngày lễ Tenji
Múa rồng Shishimai trong ngày lễ Tenji

Đến ngày 25/7, các hoạt động rước thần học vấn Sugawara Michizane sẽ diễn ra trên khắp các con phố ở Tenjimbashi và Nakanoshima, tạo nên bầu không khí lễ hội đầy sắc màu.

Điểm đặc biệt của Tenji nằm ở lễ rước đền thờ Mikoshi vào ban đêm. Đây là nghi thức diễn ra trên sông, thường có sự kết hợp của những màn biểu diễn Noh và Bunraku – hai loại hình kịch nghệ truyền thống Nhật Bản.

Cuối cùng, những màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời đêm Osaka sẽ đánh dấu sự khép lại của lễ hội Tenji, các Mikoshi cũng được đưa trở về đền Tenmagu.

Kanda Matsuri – Một trong ba lễ hội Thần đạo lớn

Kanda Matsuri là lễ hội ra đời từ năm 1600 khi quân đội Tokugawa Leyasu giành chiến thắng tại trận chiến Sekigahara, hiện nay lễ hội vẫn được duy trì tại thủ đô Tokyo.

Kanda Matsuri là một trong những lễ hội lớn nhất Tokyo và chỉ diễn ra hai năm một lần. Vào những năm số chẵn, lễ hội Sanno Matsuri – được xem là bản sao của Kanda sẽ được tổ chức tại Nagatacho.

Kanda Matsuri là một trong ba lễ hội Thần đạo lớn nhất tại xứ Phù Tang
Kanda Matsuri là một trong ba lễ hội Thần đạo lớn nhất tại xứ Phù Tang

Tuy diễn ra trong khoảng một tuần nhưng hai ngày chính của lễ hội Kanda Matsuri sẽ diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật, các hoạt động bao gồm diễu hành và lễ rước đền thờ.

Với sự tham gia của hơn hai trăm chiếc kiệu và đền thờ Mikoshi, những buổi diễu hành sẽ đi qua các tuyến phố trung tâm Tokyo.

Lễ hội mùa hạ (Lễ hội Domatsuri)

Domatsuri được biết đến là một trong những lễ hội nhảy múa nổi tiếng nhất tại Nhật Bản, quy tụ hàng trăm đội nhảy tham gia mỗi năm.

Đây là lễ hội văn hóa diễn ra vào mùa hè, có lịch sử hàng trăm năm và được tổ chức với mục đích cầu chúc sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

Vào ngày này, những chiếc thuyền rực rỡ sắc màu sẽ được người dân diễu hành trên khắp các con sông. Theo truyền thống, một chiếc thuyền sẽ dẫn đầu và các thuyền hộ tống nối theo sau.

Domatsuri là lễ hội nhảy múa lớn nhất tại Nhật Bản
Domatsuri là lễ hội nhảy múa lớn nhất tại Nhật Bản

Nếu có dịp đặt chân đến xứ Phù Tang, Domatsuri là một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc mà du khách nhất định phải tự mình khám phá.

Đặc biệt, Nebuta – lễ hội nằm trong chuỗi Domatsuri được tổ chức vào tháng tám hằng năm tại vùng Aomori sẽ là điểm dừng chân rất đáng được trải nghiệm.

Văn hóa – “Sức mạnh mềm” của dân tộc Nhật Bản

Văn hóa có tầm ảnh hưởng to lớn đối với sự phồn vinh của nước Nhật hiện nay, đó là sức mạnh tổng hợp và sự hấp dẫn tỏa ra từ một quốc gia thông qua nhiều yếu tố khác nhau. 

Người Nhật rất thông minh và tinh tế trong cách kết hợp tinh hoa văn hóa thế giới với các giá trị nội tại của đất nước. Từ đây, hàng loạt hàng hóa tinh xảo mang đậm dấu ấn văn hóa được sản sinh dưới con mắt thẩm mỹ của người dân xứ sở hoa anh đào.

Các sản phẩm gốm sứ Nhật Bản là minh chứng sống động cho chất lượng hàng hóa và vẻ đẹp thẩm mỹ nơi đây. Gốm sứ men Colbalt xanh trắng, gốm Kakiemon, gốm Banko, Fukagawa, Kutani, Satsuma là những thương hiệu nổi tiếng của xứ Phù Tang được bạn bè thế giới biết đến rộng rãi.

Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng vai trò mũi nhọn trong tiến trình phát triển kinh tế. Điển hình là ngành công nghiệp giải trí (Manga), Anime (Phim hoạt hình) mỗi năm đều đem lại cho xứ sở mặt trời mọc nguồn thu khổng lồ. 

Những bộ Manga và Anime từ xứ sở hoa anh đào làm say đắm hàng triệu trẻ thơ trên khắp thế giới
Những bộ Manga và Anime từ xứ sở hoa anh đào làm say đắm hàng triệu trẻ thơ trên khắp thế giới

Hàng loạt tác phẩm Manga nổi tiếng đến từ Nhật Bản đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của hàng triệu đứa trẻ khắp châu Á. Nổi tiếng nhất là bộ Manga One Piece – Đảo Hải Tặc ra đời năm 1997, bộ truyện hấp dẫn này hiện đã đạt mốc 400 triệu bản phát hành.

Bên cạnh đó, Dragon Ball – Bảy viên ngọc rồng, Naruto, Doraemon, Thám tử lừng danh Conan cũng là những bộ truyện tranh nổi tiếng, thu hút lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới với tổng doanh số chạm mức hàng trăm triệu bản.

Cùng với Manga, ngành công nghiệp Anime gồm những bộ phim đình đám như Vùng đất linh hồn, Hàng xóm của tôi là Totoro, 5 centimet trên giây, Mộ đom đóm đã góp phần giới thiệu với thế giới nét đẹp văn hóa và cá tính sáng tạo của con người Nhật Bản.

Trong kỷ nguyên mới, văn hóa là trụ cột quan trọng góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước Nhật Bản. Hiện nay, văn hóa đại chúng và phong cách sống của xứ sở hoa anh đào ngày càng được đón nhận rộng rãi trên khắp thế giới.

Diệu Ngô