Cố đô Kyoto nghìn năm văn hiến – vùng đất được xem như trái tim của văn hóa truyền thống Nhật Bản, chứa đựng vô vàn giá trị vật chất và tinh thần xứ Phù Tang.

Nhắc đến Kyoto, công chúng thường hoài niệm về hình ảnh trầm tĩnh của những đền đài Phật giáo, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và nền ẩm thực đầy sức hấp dẫn.

Kyoto qua các triều đại trong lịch sử Nhật Bản

Lịch sử Nhật Bản ghi nhận Kyoto là nơi được các Thiên Hoàng lựa chọn làm kinh đô trong suốt mười một thế kỷ, cho đến khi Thiên Hoàng Minh Trị chính thức dời đô về Tokyo vào năm 1868.

Vẻ đẹp của thành phố Kyoto
Vẻ đẹp của thành phố Kyoto

Song hành cùng biết bao thăng trầm của đất nước mặt trời mọc, Kyoto chứng kiến những đau thương, mất mát của người dân và cả giai đoạn hoàng kim của văn hóa truyền thống Nhật Bản. 

Thời kỳ đầu phát triển

Các bằng chứng về khảo cổ đã chứng minh Kyoto là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc Nhật Bản. Theo đó, con người xuất hiện tại Kyoto từ thời đồ đá, dẫu hiện nay có rất ít thông tin về các dân tộc sinh sống trong khoảng thời gian này.

Đến thế kỷ thứ sáu, Shimogamo – một trong những ngôi đền thần đạo lâu đời nhất Nhật Bản được xây dựng tại Kyoto, góp phần khẳng định giá trị lâu đời về mặt lịch sử của thành phố này.

Koryu Ji - Ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại Kyoto
Koryu Ji – Ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại Kyoto

Sang thế kỷ thứ bảy, bộ ba ngôi chùa Kamo Jinja, Yasaka No To, Koryu Ji lần lượt được xây dựng, trong đó Koryu Ji là ngôi chùa sở hữu niên đại lớn nhất ở cố đô.

Năm 794, Thiên Hoàng Kanmu tiến hành dời đô đến Heian Kyo (Kyoto hiện nay). Từ đây, Kyoto được chọn làm kinh đô của các triều đại trong suốt mười một thế kỷ.

Thời kỳ Kamakura (1185 – 1333)

Cuộc chiến tranh Genpei (1180 – 1185) giữa hai gia tộc Taira và Minamoto vào cuối thời kỳ Heian với chiến thắng của gia tộc Minamoto đã góp phần đánh dấu sự kết thúc của triều đại Heian. Từ đây, một thời kỳ được mở ra với sự thống trị của Mạc phủ Kamakura do Minamoto Yoritomo lãnh đạo.

Trong thời kỳ Kamakura, ngôi đền Phật giáo Kennin Ji đã được xây dựng tại thành phố Kyoto. Cho đến hiện nay, đây là một trong năm ngôi chùa Thiền Tông Phật Giáo quan trọng nhất tại Kyoto. 

Kamakura cũng là triều đại mà việc xây dựng lẫn tái thiết đền chùa rất được xem trọng. Điển hình là Kozan Ji, một trong những ngôi chùa bị tàn phá nặng nề nhất bởi hỏa hoạn và chiến tranh đã được tái thiết dưới triều đại Kamakura. 

Thời kỳ Muromachi (1336 – 1573)

Bước vào thời kỳ Muromachi (1336 – 1573), ngôi chùa vàng Kinkaku Ji – một trong những biểu tượng của cố đô Kyoto ngày nay đã ra đời. Kinkaku Ji được xây dựng với mục đích trở thành nơi an nghỉ của tướng quân Yoshimitsu Ashikaga (1358 – 1408).

Kinkaku Ji - một trong những hình ảnh biểu tượng của vùng đất cố đô
Kinkaku Ji – Một trong những hình ảnh biểu tượng của vùng đất cố đô

Tên gọi chùa vàng bắt nguồn từ kiến trúc đặc sắc của Kinkaku, ngoại trừ tầng trệt thì phần còn lại của ngôi chùa đều được dát vàng. Đến năm 1950, Kinkaku được UNESCO ghi nhận vào danh sách di sản thế giới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Nam Bắc triều ở giai đoạn đầu thời kỳ Muromachi (1336 – 1392) đã dẫn đến khó khăn về kinh tế và sự tranh chấp quyền lợi khủng khiếp tại Kyoto. Đây cũng là khoảng thời gian mà nhiều kho tàng lịch sử tại vùng đất này đã bị phá hủy.

Thời kỳ Edo (1603 – 1868)

Sự sụp đổ của Mạc phủ Muromachi được đánh dấu vào năm 1573 khi Oda Nobunaga tiến hành lật đổ chính quyền, kiểm soát toàn bộ nước Nhật và mở ra thời gian thống trị của triều đại Azuchi Momoyama (1573 – 1603). 

Trên thực tế, triều đại này chỉ kéo dài khoảng ba mươi năm, trận chiến Sekigahara diễn ra năm 1600 đã kéo theo sự lụi tàn của Azuchi Momoyama. 

Tokugawa Ieyasu, người giành phần thắng trong trận chiến đã được tôn làm Shogun (tướng quân) và chính thức mở ra thời kỳ Edo (1603 – 1868).

Trong các giai đoạn lịch sử của xứ sở hoa anh đào, Edo được ghi nhận là thời kỳ phồn vinh và thịnh vượng nhất, một khoảng thời gian không có chiến tranh, sự ổn định của đất nước kéo dài trong suốt 250 năm.

Kyoto lúc bấy giờ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả kinh tế và dân số, đặc biệt là sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp.

Hình ảnh Kyoto thời kỳ Edo
Hình ảnh Kyoto thời kỳ Edo

Nhật Bản thời Edo khép kín với bên ngoài, hạn chế giao thương quốc tế, thậm chí tiến hành việc trục xuất người nước ngoài. Công dân Nhật Bản bị cấm theo đạo Thiên Chúa và không được phép xuất ngoại.

Trái ngược với sự cấm đoán văn hoá ngoại lai, thời kỳ Edo đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn hóa truyền thống Nhật Bản, nổi bật là sự thịnh hành của thơ Haiku với đại diện tiêu biểu là thi sĩ Matsuo Basho. 

Ngoài ra, bộ môn đấu vật Sumo và món ăn truyền thống Sushi cũng được ra đời trong khoảng thời gian này. 

Tuy nhiên, nhiều trận hỏa hoạn lớn đã liên tục xảy ra, đặc biệt là sự bùng phát hỏa hoạn tại hoàng cung Kyoto năm 1788. Không chỉ khiến phần lớn thành phố chìm trong biển lửa, các ngôi chùa, đền thờ và nhiều công trình kiến trúc tại Kyoto phải được tiến hành tái dựng.

Thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912)

Sau mười một thế kỷ lựa chọn Kyoto làm nơi đóng đô, nước Nhật bắt đầu tiếp nhận văn hóa phương Tây vào thời kỳ Minh Trị, Thiên Hoàng cũng tiến hành dời đô về Tokyo.

Đến năm 1871, tỉnh Kyoto chính thức thành lập, hồ Biwa và công viên Maruyama cũng ra đời, trở thành địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất tại thành phố Kyoto.

Một góc thành phố Kyoto thời kỳ Minh Trị
Một góc thành phố Kyoto thời kỳ Minh Trị

Vào cuối thế kỷ 19, ngôi đền Heian Jingu được xây dựng nhằm tưởng nhớ Nhật Hoàng Kammu – người đầu tiên lựa chọn Kyoto làm nơi đóng đô, kết hợp cùng việc tổ chức lễ hội Jidai Matsuri đã thể hiện sự tôn vinh những giá trị lịch sử lâu đời của thành phố.

Jidai Matsuri là một trong ba lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất tại Kyoto. Đây là dịp giúp người dân Nhật Bản có cơ hội nhìn lại từng thời kỳ đã qua của vùng đất cố đô. Từ lễ diễu hành, trang phục và các nhân vật, tất cả vẽ nên bức tranh đầy sắc màu về thành phố.

Đền chùa Kyoto – nét đẹp  của “trung tâm” văn hóa Nhật Bản

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, Kyoto được xem là nơi lưu giữ vô vàn giá trị truyền thống của dân tộc Nhật Bản. Nơi đây chưa bao giờ rũ bỏ nét cổ kính ẩn chứa bên trong mình, kiến trúc đền chùa là thứ phản ánh rõ nhất vẻ đẹp này.

Thành phố hiện tồn tại hơn hai nghìn đền chùa, theo nhiều tài liệu thì phần lớn chịu ảnh hưởng từ cố đô Tây An, Trung Quốc. Trải qua thời gian dài phát triển, Kyoto đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng, kết tinh và hội tụ tinh thần Nhật Bản sâu sắc.

Đền Tofukuji – cảnh sắc mùa thu đầy ấn tượng 

Tofukuji được gia tộc Fujiwara xây dựng năm 1236 và nằm ở phía đông nam thành phố Kyoto, ngôi đền nổi tiếng khắp Nhật Bản với cảnh sắc mùa thu đẹp đến nao lòng.

Với Thiền tông Phật giáo Nhật Bản, Tofukuji được xem là một trong những hình ảnh biểu trưng chính của phái thiền Rinzai. Người dân có thể đến nơi này cầu ước những điều may mắn cho bản thân và gia đình.

Đền Tofukuji trong khung cảnh mùa thu
Đền Tofukuji trong khung cảnh mùa thu

Vào mùa thu, Tofukuji trở nên đông đúc với sự viếng thăm của hàng nghìn du khách. Cảm giác tươi mát khi đứng trên cầu Tsutenkyo, ngắm nhìn cảnh sắc thanh bình của thung lũng bao quanh ngôi chùa luôn là sức hút khó cưỡng.

Saihoji – Ngôi đền rêu nổi tiếng tại Kyoto

Saihoji tọa lạc tại Nishikyo, thành phố Kyoto và nằm trong quần thể di tích lịch sử cố đô Kyoto. Saihoji được mệnh danh là ngôi đền rêu (Koke Dera) với sự nổi tiếng của khu vườn rêu gồm khoảng 120 loài phủ xanh mặt đất, tạo thành thảm thiên nhiên tươi tốt.

Theo nhiều bằng chứng lịch sử, đền Saihoji được xây dựng vào thời kỳ Nara. Sau khoảng thời gian dài rơi vào tình trạng hư hỏng, Matsunoo – linh mục trưởng của đền đã gọi người làm vườn nổi tiếng Muso Soseki đến hồi sinh ngôi đền theo khuynh hướng Thiền tông Phật giáo.

Thảm thiên nhiên tươi tốt bên trong ngôi đền rêu Saihoji
Thảm thiên nhiên tươi tốt bên trong ngôi đền rêu Saihoji

Bên trong ngôi đền hiện còn tồn tại bức chân dung Muso Soseki, đây là một trong những tài sản văn hóa quan trọng của Saihoji. Nơi đây còn chứa đựng nhiều tượng đài đá khắc chữ Kyoshi Takahama Haiku, một số tác phẩm của Osaragi.

Kurama Dera – Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia Nhật Bản

Kurama Dera nằm ở phía Bắc thành phố Kyoto, ngôi đền hiện lưu giữ một số bảo vật quốc gia của Nhật Bản và là địa chỉ tâm linh nổi tiếng, có vị trí quan trọng trong Phật giáo xứ sở hoa anh đào.

Theo nhiều tài liệu, ngôi đền ra đời vào năm 770 và là thành viên của phái thiền Tendai. Bởi lẽ, người có công thành lập Kurama Dera là nhà sư tei, trụ trì trường Phật học Tendai thời kỳ Nara. 

Kurama Dera - địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Kyoto
Kurama Dera – Địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Kyoto

Xuyên suốt lịch sử, Kurama Dera hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn nghiêm trọng, tuy nhiên các bức tượng phật cùng bảo vật bên trong luôn được bảo vệ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Cũng vì thế, người dân đất nước mặt trời mọc cho rằng ngôi đền này sở hữu năng lượng thần bí mạnh mẽ, đây có thể là nơi ẩn nấp của Tengu (thiên cẩu) – sinh vật huyền thoại trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản.

Ẩm thực Kyoto – sức hấp dẫn không thể chối từ

Bên cạnh kiến trúc cổ kính, vẻ đẹp thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thành phố này còn hấp dẫn người khác bởi nền ẩm thực phong phú.

Món ăn Kyoto được xem là nơi ký gửi văn hóa truyền thống trăm năm của xứ sở hoa anh đào, tổng hợp hài hòa và tinh tế ẩm thực từ khắp nơi trên đất nước Nhật Bản với một số món ăn nổi tiếng như Kaiseki Ryori, đậu phụ Kyoto, Yatsuhashi.

Kaiseki Ryori

Cha Kaiseki Ryori được bến đến là nghệ thuật ẩm thực có truyền thống từ văn hóa trà đạo Nhật Bản và vô cùng phổ biến với giới quý tộc. 

Kaiseki Ryori - hình thức ẩm thực phổ biến tại Kyoto
Kaiseki Ryori – Hình thức ẩm thực phổ biến tại Kyoto

Cha Kaiseki ban đầu là những bữa ăn nhẹ phục vụ trong quá trình thưởng thức trà đạo. Tuy nhiên, Cha Kaiseki dần tách khỏi trà đạo và trở thành món ăn riêng biệt với tên gọi Kaiseki Ryori.

Điểm nổi bật của Kaiseki Ryori nằm ở hương vị tinh tế và phong cách chế biến tinh xảo, cầu kỳ, nhấn mạnh vào hương vị theo mùa của từng địa phương. 

Yatsuhashi 

Yatsuhashi còn được biết đến với cái tên bánh gối tam giác, đây là món bánh kẹo biểu trưng cho thành phố Kyoto và thường xuyên hiện diện tại các cửa hàng lưu niệm (Miyagegashi)

Yatsuhashi - món ăn đặc trưng cho thành phố Kyoto
Yatsuhashi – Món ăn đặc trưng cho thành phố Kyoto

Nguyên liệu chính tạo nên Yatsuhashi là bột gạo kết hợp cùng đường, quế và lớp bột đậu tương truyền thống ở phần vỏ bên ngoài.

Hình dáng của Yatsuhashi phỏng theo hình tam giác của đàn Koto, loại nhạc cụ đặc sắc của dân tộc Nhật Bản. Thông thường, Yatsuhashi gồm ba loại hương chính là quế, vừng đen và trà xanh.

Mì ramen phong cách Kyoto

Tenkaippin là chuỗi nhà hàng mì ramen nổi tiếng khắp Nhật Bản. Thương hiệu ra đời tại Kyoto vào năm 1981 với tên gọi địa phương là Tenichi. Trải qua bốn mươi năm phát triển, mì ramen Kotteri của Tenkaippin dần trở thành cái tên tên biểu cho văn hóa ẩm thực Kyoto. 

Điểm đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của thương hiệu nằm ở loại mì ramen Kotteri sợi dày, hương thơm và mùi vị đậm đà với nước dùng được nấu trong mười bốn giờ đồng hồ.

Mì ramen Kotteri Tenkaippin nổi tiếng khắp Nhật Bản được ra đời tại Kyoto
Mì ramen Kotteri Tenkaippin nổi tiếng khắp Nhật Bản được ra đời tại Kyoto

Bên cạnh đó, sự thanh mát của hương vị nước dùng hầm từ xương gà và rau củ cũng góp phần tăng thêm nét độc đáo của Kotteri ramen. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt so với mì ramen Tonkotsu truyền thống vốn sử dụng nước súp hầm từ xương heo.

Kyoto – Trái tim văn hóa Nhật Bản

Cùng với Nara, Kyoto là một trong hai cố đô lưu giữ vô vàn giá trị văn hóa của các triều đại trong lịch sử Nhật Bản. Vùng đất này sở hữu vẻ đẹp thanh bình và cổ kính với những kiến trúc, khung cảnh tĩnh lặng gợi lên hình ảnh về nước Nhật hiện đại mà sâu lắng.

Không phải ngẫu nhiên Kyoto được mệnh danh là “linh hồn Nhật Bản”, bên cạnh lịch sử lâu đời, nơi đây còn sản sinh và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc khác.

Từ bộ môn võ thuật Sumo, món ăn truyền thống Sushi ra đời vào thời kỳ Edo cho đến nghệ thuật Geisha, trang phục Kimono. Tất cả những nét đẹp văn hóa này đều giữ được sức sống và phát triển mạnh mẽ tại Kyoto cho đến ngày nay. 

Diệu Ngô