Tà dương là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của nhà văn Dazai Osamu, tác phẩm đã bộc lộ những góc khuất và số phận bi thương của tầng lớp quý tộc sa sút tại Nhật Bản sau thế chiến.

Bằng chính những cảm nhận chân thực của mình, nhà văn đã khắc họa bức tranh bi kịch của một gia đình, qua đó phản ánh nỗi đau của chính bản thân và niềm tiếc nuối cho một thời vàng son đã qua không trở lại.

Dazai Osamu và nỗi buồn vạn kỷ trong Tà dương

Dazai Osamu sinh năm 1909, có tên thật là Tsushima Shuji, ông sinh ra trong một gia đình địa chủ thuộc vùng Đông Bắc, Nhật Bản. Ông bén duyên với viết lách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trở thành một đại diện tiêu biểu thuộc dòng văn học Vô lại phái.

Nhà văn bắt đầu sáng tác từ trước chiến tranh, tuy nhiên các tác phẩm của ông chưa thực sự tạo được tiếng vang trên văn đàn. Ông trượt tốt nghiệp và những truyện ngắn Dazai sáng tác trong giai đoạn này đều không được đón nhận.

Bên cạnh sự nghiệp mờ nhạt, đời tư của Dazai Osamu cùng rối ren bởi những mâu thuẫn và sự ngăn cấm tình yêu đến từ gia đình. Từng cố tự tử hai lần nhưng đều được cứu sống, sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đều trở nên sa sút.

Chân dung nhà văn Dazai Osamu
Chân dung nhà văn Dazai Osamu

Thế nhưng, sau khi được cho phép kết hôn cùng người mình yêu, nhà văn dần hồi phục và quay lại sáng tác. Tuy nhiên, không được bao lâu thì ông mắc bệnh và phát hiện người vợ đang ngoại tình nên quyết định ly dị.

Sau đó, Dazai tái hôn với một giáo viên trung học. Tưởng chừng đã có được hạnh phúc thì chiến tranh ập đến, nhà văn may mắn sống sót nhưng chỉ còn lại hai người con, một trai một gái. Chính những biến cố đau thương đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách của Dazai, khiến cho văn của ông luôn mang một vẻ bi thương mà thành thực.

Cũng bởi số phận nghiệt ngã, đặc biệt sự mất mát từ sau chiến tranh, đã thôi thúc nhà văn cầm bút ghi lại mọi nỗi niềm của bản thân và một bộ phận người Nhật thời bấy giờ. Những nhân vật trong các tác phẩm của Dazai thường rơi vào bế tắc và vòng luân hồi của bất hạnh, như sự phản chiếu chính cuộc đời và tâm hồn nhà văn.

Họ luôn phải vật lộn với cuộc sống hiện tại, quằn quại vì những lý tưởng mơ hồ không thể thực hiện và bởi vậy, khiến cho những trang văn luôn mang một màu ảm đạm khôn xiết, chân thực mà tàn nhẫn.

Cái tiền đề cuộc sống khó khăn, phiền phức, tàn khốc và không hợp đạo lý là cách nắm bắt cơ bản của tác gia này. Trong tiểu thuyết của Dazai, có phải chính cuộc sống được viết với một vẻ gì đó lấp lánh chăng? (cho dù đứng nhìn từ xa ta cũng có thể thấy được sự lấp lánh này).

– Kakuta Mitsuyo

Nhà văn tự kết thúc cuộc đời tại một hồ nước, khi vẫn chưa hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng có tên Good-Bye. Thế nhưng, Dazai vẫn kịp để lại cho nhân thế không ít những tác phẩm xuất sắc mà trong đó phải kể đến Tà dương.

Thất lạc cõi người là một tác phẩm xuất sắc của Dazai
Thất lạc cõi người là một tác phẩm xuất sắc của Dazai

Được ra đời vào năm 1947, Tà dương là một tiểu thuyết nổi bật trong giai đoạn sáng tác đỉnh cao của nhà văn, bên cạnh Thất lạc cõi người hay Nữ sinh. Tác phẩm viết dựa theo một cuốn nhật kí của nữ nhà văn Shizuko Ota, người tình của Dazai. 

Tác phẩm là miêu tả trần trụi mà sâu sắc về những biến cố của một gia đình quý tộc sa sút sau chiến tranh, với lối viết bi kịch ảnh hưởng không nhỏ từ chính những bất hạnh của nhà văn và người tình của ông.

Buổi tịch dương của tầng lớp quý tộc Nhật Bản sau thế chiến

Tà dương có nội dung chính xoay quanh một gia đình quý tộc đang trên bờ vực lụi tàn, chỉ còn lại người mẹ, cô con gái Kazuko và cậu con trai tên Naoji. Cuốn tiểu thuyết tập trung vào việc miêu tả những biến chuyển tâm lý của cả ba nhân vật chính, thông qua lời kể của Kazuko.

Từ đó, sự túng quẫn và vô vọng của một bộ phận người Nhật Bản sau chiến tranh được hiện lên qua từng trang văn. 

Chính nỗi thống khổ của tầng lớp quý tộc cũ là báo hiệu cho sự sụp đổ của một thời đại, khi nước Nhật bắt đầu lâm vào giai đoạn khốn khó và những giá trị xưa cũ đang dần biến mất. Điều ấy được thể hiện đậm nét qua nhân vật người mẹ, một phụ nữ quý tộc rất mực dịu dàng. 

Ở bà luôn ánh lên nét sang trọng mà hết sức tự nhiên, đến mức được coi như một biểu tượng mẫu mực của sự cao quý và thuần khiết. Qua lời miêu tả của Kazuko, từng chỉ chỉ, cách nói chuyện và biểu cảm của người mẹ đều đáng trân trọng, bởi bà thuộc về tầng lớp tinh hoa của xứ Phù Tang, một người phụ nữ quý tộc từ cốt cách lẫn tâm hồn. 

Ánh chiều soi sáng gương mặt mẹ, mắt mẹ sáng lấp lánh gần như một màu xanh, gương mặt dường như mang một chút gì giận dữ đẹp vô cùng, khiến người khác phải động lòng. Tôi chợt nghĩ gương mặt mẹ và con rắn đẹp đẽ khi nãy có một cái gì đó giống nhau. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có cảm giác con rắn xấu xí như con rắn độc mamushi đang uốn éo trong ngực tôi như muốn ăn tươi nuốt sống con rắn mẹ đẹp đẽ vô chừng và buồn rầu sang trọng đó.

– Tà dương

Trong buổi hoàng hôn của chế độ, khi nước Nhật điêu tàn sau thế chiến thứ hai, gia đình họ cũng rơi vào cảnh sa sút. Đó không chỉ là nỗi đau của một cá nhân hay một dòng họ mà là niềm đau chung của cả dân tộc lúc bấy giờ. 

Thế nhưng, dù phải rời bỏ cuộc sống xa hoa ngày xưa để chuyển đến một ngôi nhà đơn sơ ở vùng quê, người mẹ hòa nhã ấy cũng không hề than vãn hay oán trách, dù cho chính bà đang phải vật lộn để làm quen với cuộc sống mới. Mong muốn của bà là có thể làm chỗ dựa cho các con, dù bên trong trái tim đã vụn vỡ từ lâu.

Tuy vậy, bà lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, khiến cho sức khỏe ngày càng chuyển biến xấu. Tình trạng tuyệt vọng của người mẹ là ẩn ý của nhà văn về sự lụi tàn, một điềm báo cho kết thúc thời hoàng kim của đất nước. 

Người mẹ đẹp đẽ mà yếu ớt như ánh dương dần tắt là hiện thân cho tầng lớp quý tộc tinh hoa với những phẩm chất cao quý, đồng thời cũng là phản chiếu của dĩ vãng huy hoàng.

Tà dương ẩn chứa nỗi buồn và sự tuyệt vọng
Tà dương ẩn chứa nỗi buồn và sự tuyệt vọng

Bên cạnh hình ảnh người mẹ, Dazai còn đặc biệt khắc họa nhân vật người em trai Naoji. Từng là một công tử luôn đắm mình vào nghệ thuật và ăn chơi, thế nhưng sau cuộc chiến, Naoji trở lại gia đình với tâm hồn mục ruỗng và điểm nhìn tương lai hoàn toàn mờ mịt. 

Khi tôi giả vờ nghiêm chỉnh đĩnh đạc, người ta truyền tai nhau rằng tôi là người chín chắn. Khi tôi giả bộ lười biếng, người ta nói tôi là kẻ lười chảy thây. Khi tôi làm ra vẻ là mình không viết được tiểu thuyết, người ta nói tôi không viết tiểu thuyết được đâu. Khi tôi giả vờ nói dối, người ta bảo tôi là kẻ nói dối đấy. Khi tôi ra vẻ giàu có, người ta bảo tôi là kẻ lắm tiền. Khi tôi làm bộ lạnh nhạt, người ta bảo tôi là kẻ lạnh lùng. Nhưng khi tôi đau khổ thật sự bất giác buông lời than thở, người ta lại bảo tôi đang làm bộ tịch khổ đau.

Thế giới này thật là sai lạc.

– Tà dương

Kazuko từng cảm thấy không thể hiểu nổi em trai mình, thậm chí chán chường trước sự có mặt của cậu. Thế nhưng, đằng sau lớp vỏ bất cần và trác táng mà cậu phô ra, sâu thẳm trong Naoji là nỗi tuyệt vọng cùng cực, khi không thể cởi bỏ quá khứ và tìm ra lối đi riêng cho mình. 

Đứng trước sự biến chuyển của thời đại, Naoji không thể tìm ra cho mình một lý tưởng để theo đuổi, càng không chịu được sự đổ vỡ của gia tộc và tầng lớp mình từng thuộc về. Từ đó, con người ấy tự đánh mất chính mình, vừa không có cách nào vượt lên khỏi số phận nghiệt ngã, vừa không tìm được một con đường để quay về.

Niềm hy vọng le lói trong Tà dương

Cho dù sự bi thương là cảm hứng chung bao trùm cả tác phẩm, nhà văn Dazai vẫn tìm cách đan xen những tia hy vọng vào trong cuốn tiểu thuyết, điều này được bộc lộ rõ ràng qua nhân vật Kazuko. Dù sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng khi gặp buổi sa sút, cô đã nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống mới như những người nông dân.

Sau khi người cha mất và cả nhà trở nên khó khăn, Kazuko đứng lên làm trụ cột của gia đình. Không giống với người mẹ cao quý mà yếu đuối, trái ngược với cậu em trai vô vọng và bế tắc, Kazuko là một người phụ nữ luôn nuôi dưỡng lòng tin và dám hành động vì mục đích của bản thân.

Dazai đã bộc lộ niềm tiếc thương cho một thời vàng son trong tiểu thuyết Tà dương
Dazai đã bộc lộ niềm tiếc thương cho một thời vàng son trong tiểu thuyết Tà dương

Mặc cho phải sống trong nghèo túng, ngày ngày làm công việc nặng nhọc vất vả, Kazuko cũng không chịu gả cho một người cô không ưa hay đi ở cho một gia đình giàu có khác. Cô luôn sống với nghị lực mạnh mẽ dù cho phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời.

Cô đem lòng yêu Uehara, một kẻ bất lực trước thời cuộc, gàn dở và đã có gia đình. Một tình yêu sinh ra từ sự đồng cảm, thương xót và cố chấp với mộng tưởng. Vượt qua những định kiến đời thường, Kazuko đã quyết tâm theo đuổi tình cảm và lý tưởng của bản thân tới cùng.

Cho đến bây giờ, những người lớn trong thế gian này đã dạy tôi tình yêu và cách mạng, hai thứ đáng sợ và ghê tởm nhất mà trong thời chiến tranh tôi đã nghĩ như vậy. Nhưng sau chiến bại, chúng tôi không còn tin vào lời thế gian và cảm thấy con đường sống thực sự của mình là phản kháng tất cả những lời thuyết giáo đó. Tôi cho rằng, vì tình yêu và cách mạng thực sự là hai điều đẹp đẽ, tuyệt vời nhất của cuộc đời này nên những kẻ thế gian mới ác ý nói dối với chúng tôi rằng đó là những trái nho xanh. Tôi muốn xác thực điều này. Con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.

– Tà dương

Qua miêu tả của Dazai, nhân vật này cũng đang manh nha cho một sự khởi đầu mới, khi cô dần giác ngộ được ánh sáng của cách mạng. Xuyên suốt tác phẩm, Kazuko luôn là một người phụ nữ thích đọc sách và yêu nghệ thuật, chính điều này đã khiến cho cô thức tỉnh và tiếp thêm sức mạnh cho Kazuko.

Tà dương viết về nỗi khổ tâm của nhiều quý tộc Nhật Bản hậu thế chiến
Tà dương viết về nỗi khổ tâm của nhiều quý tộc Nhật Bản hậu thế chiến

Trong Tà dương, khi tầng lớp quý tộc tinh hoa đang dần thoái trào, những giá trị truyền thống cũng theo đó mà tan biến thì vẫn có vài tia sáng le lói báo hiệu cho một buổi bình minh của thời kỳ mới 

Cho dù họ là những nạn nhân khốn khổ của chiến tranh và thời đại loạn lạc, những con người ấy vẫn luôn cố gắng vùng vẫy với mong muốn thoát khỏi vũng lầy của thực tại. Bởi vậy, mặc dù Tà dương là một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm sự buồn thương, tiếc nuối cho một thời vàng son đã qua, độc giả vẫn thấy trong đó tương lai đang dần ló rạng.

Cảm nhận của độc giả về Tà dương

Đối với nhiều độc giả, Dazai chính là nhà văn hiện thân cho nỗi sầu bi và sự bế tắc. Các tác phẩm của ông thường đem đến sự u ám cùng những suy tư đầy phiền muộn và Tà dương cũng không phải một ngoại lệ. Thế nhưng, nổi bật hơn tất cả, độc giả vẫn cảm nhận được cái đẹp qua từng câu từ chau chuốt, tinh vi.

Mình nhớ đến Tà Dương, trong trí óc ngập tràn hình ảnh của một gia đình quý tộc cuối cùng của Nhật Bản, đang sống những tháng ngày hiu hắt như bóng chiều tà. U hoài và buồn bã, nhưng cũng đẹp đến ngỡ ngàng, cái đẹp của sự kết thúc. Một tuyệt đỉnh tàn phai.

Đối với họ, việc tiếp tục sống và giũ bỏ những giá trị truyền thống là một lá cờ trắng đầu hàng trước nỗi khốn khổ. Nỗi bất hạnh họ mang, nỗi bất hạnh mà Dazai thuật lại thông qua họ cũng chính là tâm tư của nhiều thế hệ người Nhật trong công cuộc xóa bỏ và đồng hóa bởi cách mạng.

– Goodreads

Bên cạnh đó, cách kể chuyện có lớp lang của nhà văn cũng khiến cho tác phẩm càng trở nên ấn tượng, thu hút. Mỗi nỗi khổ tâm và sự tuyệt vọng của các nhân vật đều được khắc họa đặc sắc, qua ngòi bút trần thuật sắc sảo của Dazai Osamu.

Tà Dương có cấu trúc mà mình rất thích. tác phẩm được chia ra từng chương rõ rệt, theo thứ tự thời gian, từng sự kiện mở ra như leo thang đến đỉnh điểm. Truyện kết thúc tưởng như trầm buồn nhưng lại mang đầy ý chí mạnh mẽ của nhân vật chính.

– Goodreads

Không chỉ vậy, qua tác phẩm không ít độc giả đã cảm nhận được những triết lý sâu xa và tư tưởng cấp tiến, đi trước thời đại. Số phận của người trí thức bất lực và người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản thời bấy giờ được thể hiện rõ ràng, ám ảnh.

Ngoài niềm bi cảm, cái lạc lõng và ham muốn được giải thoát khỏi thế nhân luôn thường trực, Tà dương còn nêu lên một số vấn đề đi trước thời đại. Tình yêu. Thời cuộc. Và người phụ nữ trong xã hội thời ấy.

– Goodreads

Bằng lối viết giản dị mà sắc sảo, Dazai Osama đã thổi hồn vào các nhân vật trong Tà dương, để tạo nên một cuốn tiểu thuyết vừa phảng phất nỗi buồn vừa âm ỉ niềm tin. Tất cả nỗi đau, mất mát của gia đình quý tộc là sự hoán dụ cho khủng hoảng chung của cả đất nước Nhật Bản sau thế chiến. 

Tà dương được đón nhận bởi người yêu văn chương
Tà dương được đón nhận bởi người yêu văn chương

Thế nhưng, sau đống hoang tàn đổ nát mà thời gian và chiến tranh để lại, độc giả vẫn thấy đâu đó tương lai và hạnh phúc dù là mong manh. Chính điều này đã tiếp thêm niềm hy vọng trong mỗi người và khiến Tà dương chạm đến tâm hồn của rất nhiều độc giả.

Tuệ Anh