Lòng sắc son đối với quê hương đất nước là nguồn cảm hứng dạt dào trong sáng tác của nhiều thi sĩ. Một trong số đó phải kể đến là nhà thơ Tế Hanh với tác phẩm Quê hương, xuất bản lần đầu năm 1939. 

Thi phẩm không chỉ tái hiện một cách sinh động vẻ đẹp làng chài ven biển mà còn là ngợi ca tinh thần lao động hăng say của con người nơi đây. Thi sĩ nặng lòng với quê mẹ đã gói ghém từng mảnh ký ức, đoạn tình cảm vào trang thơ. 

Đôi nét về tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương 

Tế Hanh sinh năm 1921 tại một làng chài nhỏ ven biển thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vốn thừa hưởng tình yêu văn chương từ người cha nên ngay từ thuở tấm bé, ông đã bộc lộ niềm say mê với câu chữ. 

Năm mười bảy tuổi đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp thơ ca của Tế Hanh với bài thơ đầu tiên mang tên Những ngày đi học. Sau đó, tác giả tiếp tục sáng tác và tập hợp các tác phẩm thành tập Nghẹn ngào

Mạch cảm hứng xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ xứ Quảng là tình yêu con người cũng như đất nước. Dù là bức tranh thiên nhiên quen thuộc hay khung cảnh lao động đời thường,Tế Hanh đều miêu tả với thái độ trân trọng.

Đôi nét về tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương 

Các tác phẩm tiêu biểu bậc nhất trong di sản thơ ông là Nhớ con sông quê hương, Bão, Hoàng hôn hay Nhớ Quy Nhơn. Thế nhưng tài năng của người nghệ sĩ tài ba được công chúng biết đến nhiều hơn cả qua bài thơ Quê hương

Thi phẩm ra đời vào năm 1939, ngay khi nhà thơ đang theo học tại trường Quốc học Huế. Chẳng cần ngôn từ hoa mỹ, Tế Hanh chinh phục trái tim người đọc bởi nỗi nhớ quê hương da diết cùng sự mộc mạc, gần gũi trong từng lời thơ. 

Tên tuổi Tế Hanh được công chúng biết đến nhiều hơn với tác phẩm này, thậm chí giới phê bình Văn học còn dành “lời có cánh” cho người nghệ sĩ đất miền Trung. 

“Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi.” – Nhà phê bình Hoài Thanh nói về hồn thơ Tế Hanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam 

Hơn cả một bức tranh khắc họa quang cảnh làng quê và con người miền biển, Quê hương là cách Tế Hanh bộc lộ tình cảm cũng như sự nhớ nhung sâu sắc đến nơi đã bao bọc, chở che mình suốt thuở ấu thơ.

Lời giới thiệu của Tế Hanh về quê hương 

Bằng tư duy thơ độc đáo, Tế Hanh đã giới thiệu một cách ngắn gọn nhưng vẫn rất đầy đủ về đất mẹ thiêng liêng. Không sử dụng từ ngữ hay cấu trúc phức tạp, thơ ông thấm đượm chất mộc mạc, chân tình.

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.” 

Khác với các nhà thơ cùng thời viết về quê nhà có mái đình, gốc đa, giếng nước sân đình, Tế Hanh đưa người đọc đến với một làng nghề chài lưới gắn liền sông nước, vang vọng tiếng sóng vỗ dập dềnh.

Thơ cũng chính là cách người nghệ sĩ bộc lộ cái tôi và tâm tư sâu kín trong lòng. Khi hướng ngòi bút về nơi bản thân từng gắn bó, Tế Hanh khiêm tốn nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Bức tranh sinh hoạt giàu khoáng đạt trong Quê hương 

Nếu như hai câu thơ đầu, nhà thơ đất miền Trung giới thiệu về đặc điểm của quê hương thì giờ đây, bút lực Tế Hanh tập trung khắc họa bức tranh sinh hoạt và nét đẹp lao động nơi đây.

Tuy xa quê nhưng sâu thẳm trong tâm trí thi sĩ vẫn có hình bóng của từng đoạn ký ức chốn thân thuộc, bởi lẽ đó là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, tiếp thêm sinh khí cho ngòi bút Tế Hanh.

Cảnh đoàn thuyền ra khơi chuyên chở bao hy vọng 

Khi thưởng thức thơ Tế Hanh, người đọc luôn nhận thấy có sự đồng điệu giữa con người cũng như cảnh vật. Ở Quê hương, một lần nữa người nghệ sĩ ấy lại thể hiện sự gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời. 

Trong buổi bình minh với bầu trời quang đãng, làn gió dịu nhẹ cùng sự rực rỡ của nắng hồng, những chàng thanh niên trai tráng phấn khởi bắt đầu công cuộc đánh cá, hứa hẹn một chuyến ra khơi thắng lợi. 

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.” 

Trí tưởng tượng cùng tài năng văn học thiên bẩm đã tỏa sáng khi Tế Hanh sáng tạo nên một hình tượng con thuyền đầy thú vị. Thủ pháp so sánh cùng hàng loạt động từ mạnh như “phăng”, “vượt” làm tôn thêm khí thế dũng mãnh của chiếc thuyền. 

Chinh chiến trên biển cả, đối mặt với biết bao nguy hiểm nhưng “con tuấn mã” chưa bao giờ chùn bước bởi nó được điều khiển bởi các ngư dân dũng cảm, tràn trề nhiệt huyết và nặng tình cuộc sống, quê hương.

Cứ thế, chiếc thuyền vượt lên sóng, đạp lên gió tiến về phía trước, nơi rực rỡ ánh hào quang của tương lai tốt đẹp.

Không dừng lại ở phép so sánh “chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”, Tế Hanh còn khiến người thưởng thơ ông phải ngạc nhiên, thán phục bởi sự liên tưởng độc đáo, ấy là cánh buồm với mảnh hồn làng.

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.” 

Có lẽ, tình yêu quê hương chân thành nơi tâm hồn đã hòa quyện cùng hồn thơ Tế Hanh để cất lên dòng thơ đẹp đẽ, giàu sức gợi. Thuyền ra khơi mang cả tình cảm, mong đợi của dân làng về mùa màng bội thu với cá, tôm đầy khoang. 

Cảnh đoàn thuyền ra khơi chuyên chở bao hy vọng 

Tuy không trực tiếp chứng kiến khung cảnh ra khơi giữa thời tiết quang đãng, thi sĩ vẫn khiến bao trái tim phải rung lên từng hồi thổn thức bởi cách miêu tả chân thật, tinh tế đến từng chi tiết.

Với Tế Hanh, ông trân trọng từng chiếc thuyền nơi quê hương bởi chúng chứa chan niềm hy vọng và thắp lên niềm tin về một cuộc sống ấm no, trọn vẹn. 

Cảnh đoàn thuyền trở về trong niềm vui hân hoan 

Trải qua một ngày lênh đênh trên biển cả, miệt mài với từng mẻ lưới thì đến đoạn thơ này, chiếc thuyền đã trở về trong niềm vui hân hoan của cả dân làng. 

“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ 

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.” 

Tế Hanh không chỉ là một người nghệ sĩ nặng lòng với cuộc đời mà còn tinh tế trong khâu chọn lọc từ ngữ. Chỉ với tính từ miêu tả sắc thái “ồn ào” và “tấp nập”, nhà thơ đã lột tả được không khí rộn ràng khi thuyền cập bến. 

Tuy thi sĩ không trực tiếp miêu tả nhưng sâu thẳm trong ý thơ, độc giả nhìn thấy sự vui mừng của ngư dân khi tự do lao động, làm giàu từ quê hương. Niềm vui ấy cũng xuất hiện trong thơ Huy Cận năm 1958, khi miền Bắc xây dựng cuộc sống mới.

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.” – Niềm vui khi được tự do lao động, làm chủ thiên nhiên trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Đại dương giàu có, rộng lớn với vô vàn con tôm, con cá màu sắc sặc sỡ nhưng đồng thời, nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bắt trắc mà không thể lường trước được. 

Chỉ có những người dành một đời gắn bó, quyết tâm bám biển mưu sinh mới thấu rõ điều đó. Phút giây nhìn thấy con thuyền trở về cũng là lúc người mẹ, người vợ thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ được nỗi lo âu canh cánh trong lòng.

Con người làm chủ thiên nhiên nhưng họ vẫn giữ thái độ thành kính, biết ơn những gì mà thần Nam Hải ban cho. Đức tính tốt đẹp này chính là truyền thống tốt đẹp của người Việt, họ hồn hậu, sống chan hòa với vạn vật xung quanh.

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe 

“Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.” – Người dân làng chài luôn thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến thiên nhiên

Có lẽ sự lương thiện, cần mẫn của dân làng khiến cả đất trời cũng phải cảm động, ban tặng cho họ một mùa màng bội thu, đủ đầy. 

Cảnh đoàn thuyền trở về trong niềm vui hân hoan 

Sau hành trình gian nan trên biển cả cũng là khoảnh khắc dân chài lưới tạm nghỉ ngơi. Tế Hanh vận dụng cả thị giác và thính giác để miêu tả dấu ấn sâu đậm, đặc trưng trong con người họ bằng sự trân trọng, yêu thương vô bờ bến.

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.” 

Màu da “ngăm rám nắng” vốn là điểm chung của người con miền biển, họ không quản ngại gió mưa và kiên cường bám biển. Cái nắng chói chang không chỉ “tô điểm” cho màu da mà còn tôi luyện tinh thần, thể chất mạnh mẽ, rắn rỏi hơn. 

Không chỉ làn da mà ngay cả ánh mắt, cử chỉ và bước đi của họ đều nhuốm hơi thở đại dương. Nó có thể là vị gió, vị muối hay hơi thở các loài cá, tôm dưới làn nước xanh sâu thẳm.

Tế Hanh đã lắng nghe thật kỹ tiếng lòng mình, ghi tạc thật sâu ký ức tuổi bé thơ để vẽ nên bức tranh chân dung người ngư dân dũng cảm. Trong họ luôn bừng sáng tinh thần lao động hăng hái, rạng ngời vẻ đẹp thể chất cũng như tâm hồn. 

Ngòi bút của người được độc giả ưu ái gọi bằng cái tên “nhà thơ quê hương” đâu chỉ dừng lại ở khâu khắc họa bóng hình con người. Thi sĩ lúc nào cũng hướng tâm thức ra thật xa, tìm thấy trong sự vật bình thường những nét đẹp đặc biệt.

“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm 

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.” 

Đồng hành cùng ngư dân trong những chuyến ra khơi vất vả, những chiếc thuyền dường như cũng có cảm xúc và nỗi lòng riêng. Chúng biết “mỏi” như con người, nằm trên bến chờ đợi cuộc hành trình tiếp theo. 

Không còn miệt mài rẽ sóng nhưng “chất muối” vẫn thoang thoảng đâu đó trên chiếc thuyền. Đó không chỉ là hương vị đặc trưng miền biển cần lao mà còn là “chất thơ” của cuộc đời, được Tế Hanh cảm nhận và phơi trải lên trang viết.

Nỗi nhớ quê hương ngập tràn câu chữ 

Quê hương được Tế Hanh chấp bút trong tháng ngày rời xa đất mẹ thân thương, vì thế thấp thoáng trong từng lời thơ, câu chữ là nỗi nhớ nhà đến da diết, nghẹn ngào.

Trong bốn câu kết, nhà thơ trực tiếp thổ lộ đoạn tình cảm sâu đậm ấy bằng lời thơ trữ tình, mộc mạc. Thi sĩ sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất càng khiến thanh âm của nỗi nhớ ấy vang vọng, chạm đến tầng sâu kín nhất nơi tâm hồn.

Nỗi nhớ quê hương ngập tràn câu chữ 

Dù có đi đâu thì sắc xanh biển cả cùng cá bạc, hương vị “nồng mặn” vẫn là thứ neo đậu nơi tâm hồn Tế Hanh. Chúng là hiện thân của quê hương, nuôi dưỡng, ôm ấp và vỗ về tâm hồn tác giả từ thuở ấu thơ. 

Hình ảnh con thuyền “rẽ sóng chạy ra khơi” cuối bài thơ vừa là sự hồi tưởng quá khứ, vừa là niềm hy vọng dân làng sẽ tiếp tục bám biển, kế thừa truyền thống tốt đẹp mà cha anh để lại của thi sĩ. 

“Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”

Tình yêu thương cùng nỗi nhớ da diết cứ ngập tràn trong từng câu chữ, mang thơ Tế Hanh đi xa, băng qua vạn dặm đường để sưởi ấm trái tim những kẻ phương xa nhung nhớ quê nhà.

Chất thơ chảy từ cuộc đời trong Quê hương 

Viết Quê hương, Tế Hanh không đơn thuần ghi tạc, ký họa đặc điểm thiên nhiên hay con người của vùng cù lao sông nước mà bằng đôi mắt tinh anh và nhanh nhạy, ông còn nhìn thấy ở đó chất thơ chảy từ cuộc đời. 

Chất thơ trong Quê hương bắt đầu từ chính hành trình gian nan của người ngư dân suốt đời bám biển. Dù đối mặt với nhiều ngọn sóng, làn gió dữ nhưng thuyền kia vẫn ra khơi, tràn trề niềm hy vọng về ngày mai tốt đẹp. 

Tuy cái nắng và gió trời khiến làn da họ mang màu “ngăm rám nắng” nhưng không thể che lấp nụ cười rạng rỡ khi khoang thuyền ngập cá tôm. Sự hăng say lao động vượt lên trên tất cả, khiến dân chài hiện lên thật lớn lao, cao cả. 

Chất thơ chảy từ cuộc đời trong Quê hương 

Vẻ đẹp tâm hồn của những đứa con miền biển ấy  khiến lời thơ Tế Hanh viết ra tuy toát lên nỗi vất vả nhưng vẫn mềm mại, êm ái một cách lạ thường. Trong nỗi cơ cực còn có sự hiện diện của tinh thần lạc quan, kiên cường đáng quý.

Với tư cách là người “khơi mào cho cái đẹp tràn vào trang giấy”, Tế Hanh đã đem đến cho độc giả vẻ đẹp từ những con người nhỏ bé, bình thường. Đây cũng là cái phách điệu luyến thương khiến thơ ông đi mãi với thời gian.

Bàn tay tài hoa của Tế Hanh qua thi phẩm 

Quê hương gây thương nhớ không chỉ bởi tình yêu quê nhà vô bờ bến mà còn những đặc sắc nghệ thuật từ đôi bàn tay tài hoa của người viết. 

Bằng giọng thơ mộc mạc, giản dị cùng ngôn ngữ thơ giàu giá trị biểu cảm, thi sĩ đã truyền tải đến người đọc bức thông điệp sâu sắc về quê hương nói riêng, đất nước nói chung. 

Tế Hanh còn đan xen nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ khiến hình ảnh thơ thêm sinh động, hấp dẫn. Tài năng song hành cùng cảm xúc, nâng đỡ thi sĩ trong hành trình khẳng định phong cách riêng của mình. 

Quê hương và những cảm nhận của độc giả 

Ngay từ khi xuất bản, Quê hương đã khiến bao độc giả xao xuyến bởi tình yêu đất mẹ nồng thắm được gửi gắm. Khi cảm nhận tác phẩm cũng là lắng nghe tiếng lòng Tế Hanh, đồng cảm với nỗi nhớ in dấu trong hành trình văn học của thi sĩ.

“Bài thơ quê hương của Tế Hanh là cuộc hành trình của một tâm hồn không lúc nào ngừng đau đáu hoài hương vượt qua không gian và thời gian trở về thế giới một thời – nơi đã trở thành ám ảnh đối với nhà thơ trong suốt quãng đường còn lại. đó là bài thơ về kí ức.” – Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch nói về tác phẩm Quê hương 

Sức hấp dẫn của thơ Tế Hanh không chỉ ở việc lột tả linh hồn cảnh vật mà còn khai thác chất thơ trong cuộc sống đời thường. Đây cũng chính là sức nặng của ngòi bút thi sĩ, khiến thơ ông luôn có một vị trí nhất định trong nền văn học nước nhà.

“Sức hấp dẫn của những vần thơ viết về quê hương của Tế Hanh không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cảnh vật vùng biển kỳ vĩ mà hồn thơ Tế Hanh còn dành tình yêu đặc biệt với những người dân vạn chài nơi đây.” – Một ý kiến nhận xét về tác phẩm 

Dòng sông thơ của Tế Hanh chảy qua khắp mọi miền Tổ quốc, nó len lỏi vào tâm hồn người đọc, làm sống dậy vùng ký ức về miền biển từng gắn bó một thời.

Hạ Miên