Một cuốn sách với độ dày không lớn nhưng lại chứa đựng sự tăm tối và tàn nhẫn đến lạnh người. Thú tội là tác phẩm trinh thám khiến độc giả chìm sâu vào bóng tối của tội ác được cô đọng trong từng chi tiết.
Cuốn tiểu thuyết đã mang đến một lượng độc giả lớn cũng như định hình cho phong cách viết riêng biệt của nhà văn Minato Kanae. Hầu hết tác phẩm về sau đều thuộc dòng sách trinh thám – kì bí và được công chúng đánh giá cao.
Cái hay của “Thú tội” nằm ở việc đào sâu tâm lý nhân vật nhằm phơi bày những góc khuất tối tăm nhất bên trong con người. Ngoài ra, câu chuyện xảy ra được tái hiện thông qua suy nghĩ, cái nhìn của từng cá nhân với thái độ khác nhau.
Nhà văn Minato Kanae và cuốn tiểu thuyết đầu tay nhiều thành tựu
Bước vào con đường viết lách khá muộn nhưng Minato Kanae đã chứng minh thực lực qua thành công của Thú tội và nhiều tác phẩm khác như Chuộc tội, Tất cả vì N, Vòng đu quay đêm.
Các tác phẩm của bà nhận được sự yêu thích đến từ độc giả nhờ giọng văn đơn giản nhưng cuốn hút, phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, xây dựng tình tiết không chút dư thừa.
Có lẽ chính điều ấy đã dẫn đến sự thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay, khi Thú tội giành Giải Sách bán chạy Nhật Bản và trở thành tác phẩm bí ẩn xuất sắc nhất năm 2014 do Tạp chí Phố Wall bình chọn.
Không chỉ vậy, tiểu thuyết còn được chuyển thể thành phim điện ảnh Thú tội vào năm 2010 do Nakashima Tetsuya làm đạo diễn. Tác phẩm gặt hái những thành công nhất định khi lọt vào danh sách đề cử giải Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài.
Toàn bộ cuốn sách không chỉ là những lời thú tội
Mỗi chương sách là một định danh riêng được gắn với từng nhân vật, bao gồm cả những người “không thật sự” có tội. Tuy vậy, khi viết ra lời thú nhận, dường như ai cũng nhận thức rõ hành động của mình và hậu quả đằng sau nó.
Họ bị đẩy vào hoàn cảnh phải đưa ra những quyết định khó khăn dù ở bất kỳ độ tuổi hay địa vị xã hội nào. Từng hành động đều lý giải nguyên do, diễn biến sự việc và cảm xúc một cách chi tiết.
Mặc dù tuyến thời gian không đồng nhất nhưng mọi tình tiết lại được kể rất rõ ràng và mạch lạc. Yếu tố máu me hay kinh dị ít xuất hiện, ngược lại sự ớn lạnh, tàn nhẫn của con người mới chính là thứ gây ám ảnh ở những lời thú tội.
Điển hình ở chi tiết nhân vật Shuya Watanabe nhắc đến việc tước đi sinh mạng một cách thản nhiên có thể khiến nhiều người cảm thấy rùng mình. Bởi lẽ, những lời nói ấy mang theo vẻ đáng sợ, như một cái nhìn không còn tôn trọng sự sống, thay vào đó là sự coi thường.
“Nói cách khác, đây chính là điểm cuối, giết người là kết quả tất yếu.”
Nhưng những lời lẽ như thế lại đính kèm với sự lạnh lùng, như một cái nhìn không còn tôn trọng sự sống, mà thay vào đó là sự coi thường và thản nhiên trước mặt cái chết. Điều này tạo nên một tầm nhìn tối tăm về tâm hồn, khi người ta không chỉ phải đối diện với hành vi kẻ giết người mà còn là với sự mất đạo đức trong tâm hồn con người.
Mở đầu của chuỗi bi kịch tàn nhẫn trong Thú tội
Vào ngày học cuối cùng, cô giáo Moriguchi đã gây bất ngờ với tuyên bố bỏ nghề giáo vì tai nạn của cô con gái nhỏ mới lên bốn tuổi. Khi bản điều tra được đưa ra, nguyên nhân tử vong lại là đuối nước.
Sự việc đáng tiếc này có liên quan trực tiếp đến hai học sinh ở trong lớp mà cô giáo Moriguchi chủ nhiệm. Nó đánh dấu chấm hết cho những ngày tháng sống hạnh phúc cùng con gái của cô và mở đầu chuỗi bi kịch đau lòng.
Trong buổi học cuối, cô giáo Moriguchi thẳng thắn vạch trần sự thật đằng sau tai nạn của cô con gái nhỏ. Tuy không tiết lộ về danh tính nhưng mọi người đều rõ hung thủ thật sự là ai.
“Tuy nhiên, nếu cái chết của Manami thực sự là tai nạn thì cô sẽ vẫn tiếp tục làm giáo viên, vừa để nguôi đi nỗi buồn, vừa để chuộc lại lỗi lầm của mình. Vậy vì sao cô lại thôi việc?
Vì Nanami không chết do tai nạn mà bị học sinh lớp này giết chết.”
Cô không nhờ đến sự can thiệp của luật pháp mà quyết định “trừng phạt” những đứa trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên ấy bằng cách thức riêng. Màn trả thù tưởng chừng là một lời đùa giỡn nhưng thật sự có ảnh hưởng mạnh đến tâm lý hung thủ.
Trí thông minh và sự lạnh lùng đáng sợ của cô giáo Moriguchi hiện lên ở chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết. Không chỉ tạo một kết thúc đầy bất ngờ với các độc giả mà cô còn khéo léo lý giải cho hành động tàn nhẫn đối với hung thủ đứng sau vụ việc.
Con đường lầm lỗi của đứa trẻ tầm thường mang bản chất thiện lương
Trải qua những ngày tháng mờ nhạt ở độ học sinh học vấn bình thường và lớn lên như bao người bạn đồng trang lứa, Naoki Shimomura được nuôi dưỡng bởi sự bao bọc quá mức với tình yêu thương có phần méo mó của mẹ.
Chính điều này khiến Naoki không thể cảm nhận được gì khác ngoài gánh nặng trong tình cảm mà bà dành cho mình, từng chút một đã hình thành nỗi mặc cảm cũng như che mờ đi ranh giới giữa “sự thật” và “giả dối” ở cậu.
Lớn lên bởi sự ám ảnh về một người con hoàn hảo, hình ảnh của cậu trong mắt mẹ quá đỗi xuất chúng và khiến Naoki dần trở nên tự ti, chán ghét chính bản thân mình.
Bởi lẽ xuất phát điểm quá đỗi bình thường cũng như bị cô lập tại trường học nên đối với Naoki, việc kết bạn với người tài giỏi và thông minh như Shuya Watanabe là một niềm tự hào, vui mừng khi tìm được sự công nhận đến từ cậu bạn giỏi khoa học, có nhiều phát minh đạt giải thưởng lớn.
Chính vì vậy, khi nhận được lời mời tham gia vào “kế hoạch trả thù” của Shuya, cậu ngay lập tức đồng ý và thể hiện sự háo hức mà chẳng hề phát hiện ra mình đã bị lợi dụng, cuối cùng trở thành hung thủ B trong vụ việc.
Khi vụ việc ấy diễn ra thành công, cậu thất vọng phát hiện bản thân chỉ là một công cụ cho kế hoạch của Shuya Watanabe. Lúc này đây, nỗi mặc cảm kín đáo che giấu trong Naoki bị phơi bày bởi người bạn thiên tài nhận được nhiều sự mến mộ.
“Cứ nói với mọi người đi. Đừng lo chuyện tòng phạm nhé. Ngay từ đầu tao đã không coi mày là chiến hữu. Tao ghét nhất loại không có tài mà tự ái lại cao. Đối với một nhà phát minh như tao thì mày đúng là thất bại của con người.”
Naoki Shimomura, một đứa trẻ mang trong mình bản chất thiện lương, dần trượt dốc vào vực thẳm của tội ác sau khi trải qua tổn thương mãnh liệt do cú sốc từ người bạn thân.
Sau khi hứng chịu màn trả thù từ cô giáo Moriguchi vào buổi học cuối cùng, Naoki Shimomura đã hoàn toàn mất đi lý trí, sợ hãi cái chết cận kề. Dẫu sao,cậu vẫn chỉ là đứa trẻ với tâm lý yếu ớt đang lớn lên trong vòng tay của mẹ.
Giống như một xác sống vẫy vùng bằng mọi cách để thoát khỏi cái đầm lầy tù đọng đầy tối tăm nhưng không thể, Naoki lúc này đây đã hoàn toàn trở nên điên loạn.
“Chết, chết, chếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchếtchết… Tôi, sẽ chết.
Cơ thể tôi cứ chìm mãi, chìm mãi xuống dưới bùn bẩn lạnh ngắt.”
Tâm lý chịu tổn thương bởi những suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc bị dồn nén đến mức cực đoan. Cậu thừa nhận hành động của mình với mẹ và điều đáng tiếc đã xảy ra.
Người đọc sẽ không thể thoát khỏi cảm giác nặng nề ở từng câu chữ miêu tả về Naoki, đặc biệt ở thời điểm đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Nó hiện hữu nhiều chi tiết dồn dập đến ám ảnh trong suy nghĩ, tâm hồn của một học sinh cấp hai.
Bản án cho thiên tài lạc lối và thiếu thốn tình yêu thương
Shuya Watanabe, một học sinh được mệnh danh là thiên tài và có hiểu biết trong khoa học, cậu cũng chính là hung thủ A khi nhắc đến tai nạn của con gái cô giáo Moriguchi. Shuya gây ấn tượng với tất cả nhờ trí thông minh, khả năng sáng chế cùng những phát minh nhỏ.
Không giống những đứa trẻ khác, Shuya chưa từng lớn lên trong những câu chuyện cổ tích. Ngược lại, cậu gánh trên vai áp lực trở thành nhà khoa học vì đó là ước mơ còn dang dở của bà Watanabe.
Shuya rất yêu mẹ nhưng chính bà cũng là người đã chọn lựa rời bỏ cậu. Hạnh phúc duy nhất lúc này tan biến giống như những bong bóng mong manh, dễ vỡ.
Không tìm thấy sự công nhận từ mọi người xung quanh với các phát minh của mình, Shuya mong muốn gặp lại mẹ, nghe bà ấy khen ngợi về những thành tựu nhỏ mà bản thân đạt được.
Mọi công sức của cậu bị phí hoài bởi “Lunacy”, một vụ án gây náo động do trẻ vị thành niên gây ra, đó chính là khởi điểm cho tội ác được thực hiện bởi một kẻ máu lạnh khi đang còn độ tuổi học sinh.
Khát khao gặp lại mẹ, giành lấy sự công nhận và lời khen lớn đến mức Shuya có thể làm mọi thứ để được đoàn tụ cùng bà, kể cả việc gây ra tội ác không thể dung thứ.
“Tôi hiểu giết người là phạm tội. Song tôi không hiểu tại sao việc đó là xấu. Con người cũng chỉ là một trong vô vàn vật thể tồn tại trên trái đất này. Để đạt được một lợi ích nào đó mà phải xóa sổ một vật thể khác thì chẳng phải là vì không còn cách nào khác hay sao?”
Các độc giả sẽ không khỏi bất ngờ vì suy nghĩ của một đứa trẻ như Shuya. Cậu coi thường những sinh mệnh đang tồn tại xung quanh và coi chúng là bước đệm để tới gần hơn với mục đích.
“Nó chết rồi! Chết rồi! Thành công lớn rồi. Mẹ sẽ đến vì tôi, ôm chặt tôi và nói, “Mẹ xin lỗi con vì thời gian vừa qua”. Rồi sau đó hai mẹ con sẽ được ở bên nhau.”
Sau khi gây ra cái chết cho con gái cô chủ nhiệm, Shuya mong chuyện này sớm được tiết lộ nhưng Naoki lại cướp đi ánh hào quang trở thành “kẻ mang danh giết người” của cậu.
“Tại sao không ai nói là Watanabe Shuya đã dùng phát minh đoạt giải ở “Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc” để sát hại con cô chủ nhiệm.”
Shuya càng lúc càng thể hiện sự sai trái khi cô giáo chủ nhiệm phát hiện ra sự thật và đã thừa nhận tất cả tội ác mà bản thân gây ra trong niềm hân hoan. Việc hứng chịu màn trả thù đến từ người mẹ mất con cũng không làm cậu hối hận hay sợ hãi.
Từ rất lâu, Shuya đã có câu trả lời cho việc bản thân bị rời bỏ. Đáng tiếc thay, đứa trẻ ấy lại không đủ dũng khí để đối mặt với việc này bởi người mà cậu yêu thương.
Shuya Watanabe là đứa trẻ đáng thương trải qua những ngày tháng được yêu thương, quan tâm đồng thời cũng nếm mùi bị lãng quên và ghẻ lạnh. Chính điều ấy, đã tạo nên một Shuya để mặc bản thân mục nát trong sự suy đồi về nhân cách.
Dưới lớp mặt nạ của những con người nhân danh chính nghĩa
Vụ việc sau khi được tiết lộ đã thay đổi hoàn toàn bầu không khí trong lớp học và khiến chung trở nên đầy áp lực, phức tạp. Tầng tầng lớp lớp của cảm xúc pha trộn gồm sự ngạc nhiên, tức giận, hối hận cùng xa cách.
Với góc nhìn một chiều phiến diện, các học sinh ấy tự trao cho bản thân quyền đánh giá và phán xét người khác. Chúng nhân danh chính nghĩa để trừng phạt nhằm thỏa lấp những khoái cảm của chính mình.
“Khoảnh khắc ấy, một cảm giác vui sướng lạ kỳ dâng lên trong em.
TA MUỐN GIÀY VÒ KẺ GIẾT NGƯỜI NÀY NHIỀU HƠN NỮA.
HƠN NỮA, HƠN NỮA, ĐÂY CHÍNH LÀ SỰ TRỪNG PHẠT!”
Thế nhưng, họ dường như quên mất một điều cơ bản rằng không ai có quyền được phán xử hay đứng trên luật pháp, dù cho đây là tội ác không thể dung thứ.
Tình yêu thương của những người mẹ trong Thú tội
Trong Thú tội, khi cô bé Manami được sống hạnh phúc thì cả Naoki và Shuya đều là nạn nhân đến từ tình yêu thương sai cách. Ở đây, nhà văn Minato Kanae đã cho thấy ba khía cạnh khác nhau của tình mẹ.
Mải mê theo đuổi hoài bão và hạnh phúc cá nhân mà bỏ rơi con, cố chấp rằng phương pháp giáo dục của mình là đúng, sự bao che mù quáng dẫn đến kết cục đầy bi thương cho cả hai đứa trẻ.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn rộng hơn, nguyên nhân rõ ràng không chỉ đến từ người mẹ mà còn là các ông bố sống cùng mái nhà nhưng thờ ơ, không chăm lo gia đình vì mải mê kiếm tiền.
Hình ảnh người bố không được nhắc đến quá nhiều đã đề lên một thực trạng hiện có trong các gia đình Nhật Bản rằng sự nuôi dạy và chăm sóc con cái đang đè nặng trên vai các bà mẹ.
Không chỉ đơn giản là một cuốn tiểu thuyết trình thám, ẩn sâu dưới nhiều lớp lang ý nghĩa khác, Minato Kanae muốn khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục và hình thành nhân cách với những đứa trẻ đang lớn.
Thú tội lột tả góc khuất của cuộc sống xã hội qua từng chi tiết nhỏ nhất
Minato Kanae không chỉ đơn giản là đem đến câu chuyện trinh thám nặng nề về tâm lý, những góc khuất của cuộc sống cũng được nhà văn khéo léo gợi nhắc qua từng chi tiết nhỏ.
Đó là lỗ hổng của Luật vị thành niên và câu hỏi về giới hạn độ tuổi. Những đứa trẻ phạm tội nghiêm trọng chỉ bị trừng phạt bằng cách đưa vào trại giáo dưỡng mà lại không có bài học răn đe hay một hình thức nào khác để giúp chúng nhìn nhận sai phạm của bản thân.
Hay sự tiêu cực của truyền thông khi chỉ đăng những vụ án nghiêm trọng mà quên đi việc khen ngợi, nêu gương. Chính điều này vô tình hình thành một tâm lý tiêu cực đối với những đứa trẻ đang lớn và khiến chúng đi vào con đường sai lầm.
Những chi tiết nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn khiến độc giả phải trầm tư, suy ngẫm và day dứt. Qua đó, Thú tội thành công trong việc thỏa mãn trí tò mò của bạn đọc đồng thời đưa đến nhiều vấn đề về chuẩn mực đạo đức, tâm lý trẻ vị thành niên.
Một câu chuyện tâm lý kinh dị tạo cảm giác ớn lạnh và gây bất ngờ
Thú tội khiến độc giả không khỏi rùng mình xen lẫn những cảm xúc khác như tò mò, tức giận, phẫn nộ cho đến thương hại, ghê sợ và sợ hãi về câu chuyện mà nó mang lại.
Mạch truyện chậm rãi và ẩn chứa những tình tiết dồn dập khó cưỡng, chứa đựng các chi tiết tưởng chừng như không liên quan đến nhau, thế nhưng chúng lại là dấu mốc mang ý nghĩa sâu xa, tạo thành mảnh ghép vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, cuốn sách không có bất cứ yếu tố kinh dị nào nhưng vẫn tạo nên cảm giác ghê rợn trong tâm hồn độc giả bằng mức độ nặng nề trong tâm lý nhân vật. Đơn cử như chi tiết về cuộc đấu tranh nội tâm của Naoki Shimomura.
Thú tội trong mắt độc giả và giới phê bình
Thú tội không những được độc giả vô cùng yêu thích mà bộ phim điện ảnh cùng tên công chiếu hai năm sau đó cũng gặt hái những thành công đáng kể cả về mặt thương mại lẫn chuyên môn.
“Cuốn sách đáng đọc này vừa tăm tối, gây xáo động và biết đánh lừa độc giả, với giọng văn sắc bén, dồn dập; mỗi chương đều đưa người đọc tới tận cùng căng thằng.” – The Toronto Star
Không miêu tả chi tiết như những tiểu thuyết cùng loại, Thú tội phác họa toàn cảnh bi kịch qua góc nhìn tâm lý và quá khứ của các nhân vật, từ đó dẫn độc giả vào một hành trình thú vị, sâu sắc hơn về những khía cạnh ẩn sau vẻ bề ngoài.
“Lâu lắm rồi mình mới đọc được một cuốn sách lôi cuốn và khiến mình tò mò dõi theo đến tận trang cuối cùng. Mình cảm nhận được rõ ràng sức hấp dẫn của cuốn này so với các cuốn trinh thám khác đã đọc, đến từ mọi khía cạnh: cách tiếp cận câu chuyện, cách xây dựng plot twist và hơn cả là những vấn đề mang tính xã hội mà tác giả muốn gửi đến người đọc” – Độc giả Thiên Trang chia sẻ trên Facebook
Bằng cách kết hợp những suy nghĩ cùng tâm tư của từng nhân vật, cuốn tiểu thuyết đã xây dựng lên khung hình đa dạng, phong phú về tâm hồn con người. Thú tội khai phá một hướng đi độc đáo, mang lại trải nghiệm đọc đầy cảm xúc và suy ngẫm cho độc giả.
“Đây là một cuốn sách tôi sẽ khuyên mọi người nên đọc! Những bước ngoặt trong truyện thật không thể tin nổi, chúng đã khiến tôi bất ngờ và điều đó hiếm khi xảy ra, vì tôi đã từng đọc nhiều sách cùng thể loại. Cuốn sách này thực sự xứng đáng được nổi tiếng. Tất nhiên tôi không muốn tiết lộ bất cứ điều gì về nội dung vì tôi không muốn làm hỏng nó.” – Độc giả Sarah chia sẻ trên Goodreads
Những khám phá về tâm lý không chỉ giới hạn trong từng nhân vật mà còn tạo ra kết nối và đồng cảm từ phía độc giả. Người đọc giờ đây không chỉ quan sát mà còn tự mình tham gia vào chính câu chuyện.
“Nhưng đối với tôi, tất cả những chi tiết làm nên câu chuyện điều vô cùng chân thực. Tôi thích nó. Nếu bạn là người đam mê Nhật Bản như tôi, thì đây là cuốn sách bắt buộc phải đọc. Và nếu bạn thích nó, một người bạn trên Goodreads mới đây đã nói với tôi về bản điện ảnh. Tôi không thể chờ để xem nó!” – Độc giả Lisa chia sẻ trên Goodreads
Rõ ràng, đây là một quyển tiểu thuyết tâm lý nặng đô, tình tiết truyện diễn ra nhanh gọn, dứt khoát, không câu chữ hay lời kể nào dư thừa, tất cả đều có sức mạnh và sắc bén vô cùng.
Táo Xanh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất