Mơ mộng giữa ban ngày (daydreaming) từng được xem là lười biếng và thiếu tập trung. Khi còn bé, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với lời khuyên “đừng lơ đãng nữa, hãy tập trung vào”. 

Việc để cho tâm trí lang thang sẽ dẫn dắt chúng ta đến với sự tiêu cực. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đã chỉ ra việc mơ màng có tác động rất tích cực đến sức khỏe chúng ta.

Daydreaming có hiệu ứng tốt với cơ thể chúng ta
Daydreaming có tác động tích cực đến cơ thể chúng ta

Trong suốt sáu mươi năm qua, daydreaming được gọi bằng những cái tên khác nhau như mind wandering, thought intrusions, offline though, zone out. Mặc dù tên gọi có sự tương đồng, mơ mộng giữa ban ngày lại khác những giấc mơ đến trong lúc ngủ.

Daydreaming là gì? Trạng thái chính của daydreaming

Daydreaming (Mơ mộng giữa ban ngày) là trạng thái mà tâm trí chúng ta bắt đầu mơ màng và “lang thang” khỏi nhiệm vụ, công việc đang thực hiện và bỏ quên thực tại. Khi ấy, những hình ảnh từ quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ từ từ trôi qua.

Những hình ảnh ấy có thể là điều chúng ta mong muốn, có thể là một số sự kiện nhất định trong quá khứ được bộ não “phát lại”. Chúng trải dài từ suy nghĩ bản thân sẽ thế nào trong mười năm tới, công việc nhàm chán ở hiện tại đến bài tập phải làm tối nay.

Theo tạp chí CogniFit, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy bản thân mỗi người dành khoảng 30% đến 47% trong ngày để giúp bộ não thư giãn, thả lỏng và mơ mộng.

Thông thường, daydreaming xảy đến khi chúng ta phải tập trung vào công việc và bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Khi đó, hầu hết bộ não vẫn tỉnh táo nhưng một số phần sẽ rơi vào trạng thái như lúc đang ngủ. 

Đây là lúc tâm trí chúng ta trôi dạt một cách tự do còn luồng ý thức tách rời khỏi công việc hiện tại. Não bộ lúc này ở trong trạng thái sóng Alpha và giúp chúng ta bình tĩnh, giảm căng thẳng, bồn chồn.

Những dạng chính của daydreaming

Những giấc mơ giữa ban ngày góp phần phản ánh nội tâm của chúng ta, nếu luồng suy nghĩ xoay quanh gia đình hay bạn bè, đây là minh chứng cho việc chúng ta đang hạnh phúc.

Tuy nhiên, cả hai phái lại có sự khác biệt nếu không hài lòng với cuộc sống hiện tại, nam giới sẽ thường xuyên mơ màng, mất tập trung còn phụ nữ sẽ có những ý nghĩ sống động, hình ảnh chân thật về điều họ khao khát.

Hai phái có những suy nghĩ trái ngược nhau khi daydreaming
Nam giới và nữ giới có sự khác biệt nhất định trong việc mơ mộng

Theo tạp chí APS – Association for Psychological Science, các nghiên cứu cho thấy việc mơ mộng giúp tạo ra giải pháp cho nhiều vấn đề khó khăn. Hơn mười năm trước, tỷ phú Elon Musk đã nuôi hy vọng chinh phục thị trường ô tô với dòng xe điện.

Hiện tại, sau thành công của Tesla Motors, tập đoàn của ông lại ấp ủ giấc mơ sản xuất máy bay điện. Những tưởng viển vông, chúng đã dần biến thành ý tưởng và mục tiêu thúc đẩy họ phát triển.

Bên cạnh lợi ích, chắc chắn sẽ có những mặt tối và ảnh hưởng xấu đến tâm lý chúng ta. Hiện nay, daydreaming được chia thành hai dạng là positive-constructive và guilty-dysphoric.

Positive-Constructive Daydreaming

Positive-Constructive Daydreaming gồm các suy nghĩ vui vẻ, tích cực, mang tính xây dựng. Có thể là tưởng tượng về sự thành công trong công việc, được đồng nghiệp ngưỡng mộ hoặc kết hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Những ý nghĩ này giúp nuôi dưỡng sự sáng tạo, vô cùng hữu ích trong việc lập kế hoạch hay định hướng mục tiêu. Chúng cho phép tâm trí nghỉ ngơi, tạm thời quên đi phần áp lực hiện hữu nơi đời sống.

Guilty-Dysphoric Daydreaming

Trái với Positive-Constructive Daydreaming, sẽ có khoảnh khắc chúng ta chìm đắm trong viễn cảnh tồi tệ, bị bao phủ bởi mớ cảm xúc không mong muốn như sợ hãi, tội lỗi và tức giận. 

Chúng có thể là suy nghĩ về việc cãi nhau với người yêu, bị sếp phàn nàn hoặc đuổi việc, đồng nghiệp quay lưng, mất đi một mối quan hệ quý giá bên đời. 

Những cá nhân thường xuyên đối mặt với các tình huống rủi ro, có cảm giác bản thân bị đe dọa sẽ dẫn đến việc ý nghĩ tự phát theo chiều hướng tồi tệ. Giấc mơ hóa thành cơn ác mộng, không ngừng lặp lại trong tâm trí.

Giấc mơ hóa thành cơn ác mộng, không ngừng lặp lại trong tâm trí.
Giấc mơ hóa thành cơn ác mộng và không ngừng lặp lại trong tâm trí.

Đây là dấu hiệu của việc căng thẳng quá mức, tâm lý thiếu ổn định và trầm cảm. Lúc này, chúng ta cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe, tinh thần của bản thân và tránh âu lo kéo dài.

Những khía cạnh tích cực của daydreaming

Chúng ta vẫn được nhắc nhở rằng việc thường xuyên “thả hồn trên mây” sẽ dẫn đến mất tập trung, giảm năng suất học tập và làm việc. Đôi khi não bộ không thể chú ý vào một vấn đề nào đó, đây là điều hoàn toàn bình thường, không thể tránh khỏi.

Từ rất lâu, chúng ta đã bị gieo vào suy nghĩ rằng mơ màng chỉ dành cho những kẻ lười biếng, ngớ ngẩn, cần phải loại bỏ để phát triển và thành công hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học lại cho thấy lợi ích của việc tạm xa rời thực tại, thả mình vào sự mơ màng.

“Những suy nghĩ và liên tưởng tự phát có ảnh hưởng tích cực, đồng thời tác động đến hiệu suất công việc.” – Bar-Ilan University

Dù mang theo những tác động tiêu cực, daydreaming lại là yếu tố cần thiết để có tinh thần và sức khỏe tốt hơn, đây cũng là nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống mỗi người. 

Gỡ rối vấn đề bản thân đang gặp phải

Theo nghiên cứu được công bố trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), não bộ có xu hướng giải quyết mọi việc tốt hơn khi chúng chuyển sang trạng thái mộng mơ.

Trong một vài nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc để tâm trí lang thang sẽ mở ra những ý tưởng mới. Dù trông như không chú tâm, daydreaming lại giúp xử lý các vấn đề mà khi tập trung không thể giải quyết được.

Việc nghỉ ngơi tạm thời vốn là cách giúp tỉnh táo và năng suất hơn. Nếu làm việc liên tục với một tinh thần tập trung cao độ, đôi lúc bạn nên thả lỏng để công việc được gỡ rối dễ dàng.

Gia tăng sự sáng tạo và khơi dậy cảm hứng 

Nhà thần kinh học Muireann Ailen nói rằng daydreaming sẽ rèn luyện khả năng ghi nhớ quá khứ và gia tăng trí tưởng tượng. Khi mơ mộng, tâm trí của bạn sẽ di chuyển qua các phần khác nhau của não, bắt đầu thu thập thông tin mà nó có thể kết nối đến. 

Daydreaming sẽ rèn luyện khả năng ghi nhớ quá khứ và gia tăng trí tưởng tượng.
Daydreaming sẽ rèn luyện khả năng ghi nhớ quá khứ và gia tăng trí tưởng tượng.

Những kết nối này thường là khởi đầu cho cảm hứng mới lạ và sáng tạo. J.K. Rowling đã luôn mơ mộng với những ý tưởng của bản thân, để rồi biến chúng thành Harry Potter, bộ tiểu thuyết nổi tiếng toàn cầu.

Tạo động lực hoàn thành cho bản thân

Tiến sĩ Gabriele Oettingen, giáo sư ngành Tâm lý học tại New York University tin rằng mơ mộng là điều cần thiết để giúp mỗi cá nhân đạt được mục tiêu. Tưởng tượng về việc hoàn thành sẽ giúp chúng ta có thêm động lực, thúc đẩy bản thân hành động.

Daydreaming là chìa khóa giúp tập trung vào những gì bạn thật sự muốn. Hãy nghĩ về những điều chúng ta muốn làm, tưởng tượng rằng đang thực hiện một cách chi tiết và cảm nhận sự hân hoan khi đạt thành tựu sau nhiều nỗ lực không ngừng.

Kiểm soát sự lo âu và giảm bớt căng thẳng

Để não bộ nghỉ ngơi, cho tâm trí “trôi dạt” không chỉ mang đến thêm niềm vui mà thật sự cần thiết cho sức khỏe tâm thần. Trên thực tế, não bộ không thể duy trì sự tập trung khi làm việc trong thời gian quá lâu.

Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia, việc cho phép tâm trí lơ đãng, tránh suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp não bộ giảm bớt căng thẳng. Nó giống như thôi miên bản thân ở mức độ thấp, thậm chí có thể giúp chúng ta hạnh phúc hơn.

Làm sao để tận dụng daydreaming đúng cách?

Với tất cả những lợi ích đã được nhắc đến, không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhận ra bản thân đã hạnh phúc hơn sau những phút giây “thả hồn trên mây” và có thêm nhiều suy nghĩ tích cực, daydreaming sẽ trở thành vũ khí tuyệt vời nếu ta biết cách tận dụng.

Daydreaming sẽ trở thành vũ khí tuyệt vời nếu ta biết cách tận dụng.
Daydreaming sẽ trở thành vũ khí tuyệt vời nếu ta biết cách tận dụng.

Thậm chí, giới xuất bản còn có một cuốn sách về chủ đề này là Tinker Dabble Doodle Try: Unlock the Power of the Unfocused Mindand, chấp bút bởi Srini Pillay, Giáo sư khoa Tâm thần học tại Harvard. 

Đây là kỹ năng có thể sở hữu được cũng như kiểm soát bằng việc thực hành, bên dưới là vài cách nhỏ mà giáo sư Srini đề xuất, chúng được gợi ý trong tạp chí Dumb Little Man.

Lập kế hoạch cho việc mơ mộng

Lập kế hoạch cho daydreaming thoạt nghe có vẻ kỳ dị. Nhưng thật ra, nếu dành thời gian để sắp xếp cho việc kiểm soát những gì diễn ra với mình, bạn hoàn toàn có thể khiến việc mơ mộng giữa ban ngày diễn ra theo hướng mình muốn. 

Ngoài ra, việc này còn giúp tránh những suy nghĩ tiêu cực đột nhiên xuất hiện khi bạn để đầu óc đi lang thang.

Bắt đầu những hoạt động đơn giản

Không làm gì cả hoặc quá tập trung sẽ khiến việc rèn luyện mất hiệu quả. Vì vậy, hãy thử những hoạt động đơn giản như đan len, trồng cây, vẽ nguệch ngoạc để giúp tâm trí bay bổng theo ý muốn, kích thích sự sáng tạo một cách tự nhiên.

Khoảng thời gian khi thực hiện các công việc nhẹ nhàng, thư giãn sẽ là lúc chúng ta có thể suy nghĩ, mộng mơ về những điều vui vẻ. Từ đó giúp những giấc mơ tích cực dễ dàng xảy đến.

Thanh Tiêu