Sóng là bài thơ được sáng tác bởi nữ sĩ Xuân Quỳnh, viết về tiếng lòng của người con gái khi yêu với nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp. Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh đất nước lầm than, thi phẩm vẫn để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả đương thời.

Đứng trước sự vô hạn của cuộc đời rộng lớn và sự hữu hạn của đời người bé nhỏ, nhà thơ đã mượn hình tượng “sóng”, đan cài với cái tôi trữ tình để bộc bạch nỗi khao khát tình yêu cao đẹp, vĩnh hằng. 

Với thủ pháp ẩn dụ khéo léo xuyên suốt các khổ thơ, tạo nên âm điệu thơ ca nhịp nhàng mà sống động, Sóng thành công khắc hoạ trái tim mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ và để lại những rung động trường tồn với thời gian cho làng thơ Việt Nam.

Phong cách sáng tác bình dị mà đằm thắm của “nữ hoàng thơ tình” Việt Nam

Từ ngàn xưa đến nay, tình yêu vẫn luôn là một đề tài quen thuộc với giới văn nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có phương cách thể hiện quan điểm hay câu chuyện tình yêu bằng phong cách sáng tác riêng biệt.

Nổi bật trong số đó là Xuân Quỳnh, bà được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất Việt Nam sau năm 1975. Cùng với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, Xuân Quỳnh cũng được người đời phong danh là “nữ hoàng thơ tình”.

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, bà xuất thân từ một gia đình công chức ở tỉnh Hà Tây cũ, Hà Nội ngày nay. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lại đi thêm bước nữa, nữ sĩ lớn lên trong tình yêu thương của bà nội và người chị gái tên Đông Mai.

Trước khi phát triển con đường sáng tác văn thơ, Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa, nhiều lần đi lưu diễn ở nước ngoài. Người nghệ sĩ đa tài còn là biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới kể từ sau năm 1978.

Bén duyên với thơ ca từ những năm 1962, thơ Xuân Quỳnh nổi lên như một hiện tượng và giữ vững phong độ qua bao năm tháng. Tiếng nói nội tâm của nhà thơ là nhân tố cốt lõi giúp Xuân Quỳnh khơi gợi những dòng cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng độc giả.

Đó là tiếng nói từ tâm hồn của một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, vừa hồn nhiên, rạng rỡ lại vừa chân thành, da diết. Bà lấy cảm hứng sáng tác từ nhiều chủ đề, lựa chọn chất liệu ở những điều bình dị trong cuộc sống, thế nhưng thành công nhất vẫn là dòng thơ tình với lời thơ giàu tính tự sự.

Chính danh xưng mỹ miều “nữ hoàng thơ tình” đã phần nào lột tả được phong cách nghệ thuật của Xuân Quỳnh. Giữa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, giữa những trắc trở cay đắng trên đường đời, Xuân Quỳnh không bi luỵ, ca thán tình yêu là nỗi bi ai, mất mát.

Thay vào đó, người phụ nữ tinh tế, tài hoa đã khắc hoạ tình yêu như một điều thiêng liêng, mong muốn được yêu mãnh liệt, thuỷ chung mà tràn ngập sự thấu hiểu.

Sóng là lời tự tình đầy ý vị của người con gái khi yêu

Sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, Thái Bình vào năm 1967, Xuân Quỳnh đã sáng tác bài thơ Sóng. Vẻ đẹp của sóng biển và tâm tư sâu sắc trong lòng đã mang lại cho nữ sĩ cảm hứng tạo nên một tác phẩm để đời.

Bài thơ được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) và là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Sóng xuất hiện vào thời điểm dân tộc Việt Nam xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tựa như đóa hoa ngọc ngà mà gần gũi với thời cuộc.

Sóng là tiếng lòng của nhà thơ về tình yêu và nhân loại
Sóng là tiếng lòng của nhà thơ về tình yêu và nhân loại

Trước Xuân Quỳnh, đã có nhiều nhà thơ sử dụng hình tượng sóng để bộc lộ tâm trạng. Là Huy Cận và một Tràng giang với hình ảnh những con “sóng gợn”, thể hiện nỗi u sầu của kẻ tri thức bất lực trước hành trình đi tìm hướng đi cho đời mình. 

Là Xuân Diệu và thi phẩm Biển với câu thơ “Anh muốn làm sóng biếc” để thổ lộ ước ao trao tấm chân tình cho người con gái mình yêu “đến nát cả trời”. Trong hồn thơ giàu biểu cảm của thi sĩ, sóng không còn vô tri vô giác mà trở thành hình ảnh quen thuộc để các nhà thơ gửi gắm tấm lòng.

Tuy nhiên, Sóng của Xuân Quỳnh vẫn đặc biệt, không thể lẫn lộn với “con sóng” của bất cứ thi nhân nào. “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn người con gái khi yêu, là sự hoá thân từ cái tôi trữ tình “em” và là đối tượng khắc họa mọi trạng thái phức tạp trong tình yêu.

Xuyên suốt tác phẩm, “sóng” và “em” khi thì song hành với nhau, khi lại tách ra để soi chiếu vào nhau, cho phép người đọc thấy sự hòa hợp giữa hai hình tượng và cảm nhận được tình cảm vĩnh hằng như sóng ngoài biển cả.

Nhờ đó, lời bộc bạch của nhà thơ cũng trở nên chân thật, gần gũi với thực tế mà không kém phần thơ mộng, ngọt ngào. Từng dòng chữ được trải lên mặt giấy đều chứa đựng ý nghĩa mà Xuân Quỳnh muốn truyền tải với độc giả thông qua hai hình ảnh “sóng” và “em”.

Sự liên hệ đến tình yêu và người con gái khi say đắm trong men tình

Để khắc họa tình yêu trường tồn và người con gái khi rơi vào bể tình, Xuân Quỳnh sử dụng hình tượng sóng cả ngoài biển khơi. Nhà thơ khai thác “sóng” triệt để nhằm mục đích mô tả những cung bậc cảm xúc của phụ nữ đồng thời so sánh với tình yêu vĩnh cửu của nhân loại.

Nhờ đó, bức chân dung cô gái trở nên thơ mộng, gần gũi còn khao khát yêu và được yêu thì hóa cao cả, thiêng liêng hơn. Ngòi bút Xuân Quỳnh mang sóng từ đại dương vào thi ca và tạo ra tiếng vang lớn bằng nghệ thuật mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tình cảm loài người.

Cây bút tài hoa đã biến sóng thành hình tượng để ẩn dụ về tình yêu và người con gái khi yêu
Cây bút tài hoa đã biến sóng thành hình tượng để ẩn dụ về tình yêu và người con gái khi yêu

Thủ pháp này được thể hiện rõ ràng trong hai đoạn thơ đầu, đoạn đầu dùng đặc điểm thất thường ở sóng để nói về sự phức tạp trong trái tim người con gái. Với đoạn thơ thứ hai thì tác giả đã đặt sự tồn tại bất diệt của sóng và tình yêu lên cùng một bàn cân.

Sự phức tạp và bí ẩn trong tim người phụ nữ được mô tả bởi cơn sóng thất thường

Tâm trạng con người vốn bất định, tâm tình người phụ nữ đang yêu lại càng khó hiểu gấp bội. Ngôn từ miêu tả bình thường không đủ sức gợi tả trái tim những cô gái khi say đắm với men tình, vậy mà nghệ thuật đối lập trong bốn câu thơ đầu đã phần nào thể hiện sự bí ẩn ấy.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Cặp từ trái nghĩa “dữ dội” và “dịu êm” vẽ lên hình ảnh sóng biển đầy bí hiểm, khi thì dữ dội, ồn ào, khi lại hiền hòa, êm dịu. Nhịp sóng không yên định và tâm hồn của phái nữ khi yêu cũng vậy.

Trái tim họ bùng cháy ngọn lửa say mê rạo rực, khát khao được yêu thương. Những nồng nàn cất giấu từ thâm tâm chỉ chực chờ vỡ oà để chứng minh nỗi say đắm không thể nào an giấc.

Tuy nồng nhiệt với mong ước là thế, lắm lúc người con gái lại thể hiện tình yêu nhẹ nhàng đến lạ. Họ yêu bằng thái độ đằm thắm, dịu dàng, có khi lặng lẽ bởi chẳng thể thổ lộ lời tự tình sâu thắm.

Chính vì sự thất thường, đối lập ấy nên “sóng” hay cái tôi trữ tình “em” ý thức rằng người tình chưa hiểu tấm lòng mình. Những lúc đó, sóng không cam chịu mà vẫy vùng đến tận biển khơi, đi tìm người yêu để đối phương hiểu tấm chân tình nơi “em”. 

Thời xa xưa, phụ nữ Việt Nam luôn bị gò bó trong khuôn mẫu khắt khe, không thể thẳng thắn bày tỏ lời yêu nhiệt thành. Thế nhưng, Xuân Quỳnh lại trở nên dạn dĩ bất ngờ, sẵn sàng vượt qua chông gai để tìm được bản ngã chân thật trong tình yêu. 

Tuy nhiên, Xuân Quỳnh không viết thơ tình chỉ để bộc lộ khao khát yêu đương đôi lứa đơn thuần. Trong hoàn cảnh nước nhà chìm trong khói lửa, nữ sĩ cũng khéo léo bộc bạch mong muốn vươn tới một tình yêu cao cả, bao dung của người con gái nơi hậu phương.

Tình yêu nồng nàn giữa hai con người đã hòa làm một với tình yêu quê hương thiêng liêng, những câu thơ đầy ý vị phần nào tạo nên động lực chiến đấu ở tiền tuyến cho người lính.

Sự tồn tại vĩnh hằng của sóng và tình yêu

Nếu ở khổ thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh khéo léo so sánh hình tượng “sóng” và tâm tình khi yêu của người phụ nữ thì trong khổ thơ tiếp theo, bà lại mượn sự trường tồn của “sóng” để nói đến nét vĩnh hằng của “tình yêu”.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Mở đầu khổ thứ hai, Xuân Quỳnh sử dụng thán từ “Ôi” như trút hết nỗi lòng xốn xang, rạo rực vào tiếng than đầy bồi hồi. Tựa một quy luật bất di bất dịch, “con sóng ngày xưa” và “ngày sau” vẫn trường tồn cùng biển bờ, bãi cát. 

Liên hệ đến tình yêu cũng thế, từ thuở xa xưa đến nay, tình yêu luôn là điều kỳ diệu và tồn tại cho đến khi nhân loại hoàn toàn mất đi. Đặc biệt là tình yêu tuổi trẻ, thứ tình yêu mãnh liệt, không toan tính giữa những mái đầu xanh biếc.

Trong khổ thơ này, nữ thi sĩ tinh tế vận dụng nghệ thuật đối lập giữa “ngày xưa” và “ngày nay” để khẳng định sự vĩnh hằng của sóng, của tình yêu. Đối với Xuân Quỳnh, tình yêu cao cả đã vượt khỏi khuôn khổ thời gian, không gian và khắc sâu vào tâm trí mỗi người.

Dù ở quá khứ, hiện tại, tương lai hay chứa đựng trăm nghìn cung bậc cảm xúc đa dạng thì tình yêu vẫn thế, muôn đời sống cùng với nhân loại. Nỗi khát vọng tình yêu cũng vậy, nó tồn tại bên trong trái tim mỗi người, làm chúng ta không ngừng bồi hồi, ước ao. 

Các nhân tố quan trọng của tình yêu

Để cắt nghĩa tình yêu, người đời thường nhắc đến các nhân tố quan trọng như sự khởi đầu, nỗi nhớ hay thái độ thuỷ chung. Đối với Xuân Quỳnh, đó cũng là ba thứ bất chợt ùa đến vào thời điểm bà nhìn thấy biển Diêm Điền.

Những trăn trở về tình yêu đã được Xuân Quỳnh diễn tả một cách ngây thơ mà sâu sắc
Những trăn trở về tình yêu đã được Xuân Quỳnh diễn tả một cách ngây thơ mà sâu sắc

Những suy nghĩ theo đuổi tâm trí nhà thơ, thôi thúc bà đặt bút viết nhằm trút nỗi tâm tư của mình. Trong quá trình đó, sóng vẫn là hình ảnh tiếp tục được sử dụng để diễn tả sự băn khoăn hay mong muốn mãnh liệt.

Trí tưởng tượng phong phú, bút lực sáng tạo, dồi dào giúp nữ sĩ thuận lợi truyền đạt cảm nhận cá nhân trong các khổ thơ tiếp theo về căn nguyên, nỗi nhớ nhung và lòng son sắt khi yêu.

Những trăn trở về căn nguyên của tình yêu cùng Sóng

Với hai khổ thơ trước đó, Xuân Quỳnh tạo nên một sự sóng đôi, hài hoà giữa “sóng” và những nhân tố khác. Còn ở hai đoạn thơ kế tiếp, nữ sĩ lại tách “sóng” và cái tôi trữ tình “em” để nói về nỗi trăn trở của người con gái.

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”

Đối diện với sóng biển trùng trùng điệp điệp hay đứng trước biển tình nơi nhân loại, “em” bỗng cảm thấy hoang mang và suy tư. Nhà thơ nói riêng hay những cô gái nói chung khi yêu đều mong mỏi đi tìm căn nguyên của tình yêu nhưng lại không thể cắt nghĩa trọn vẹn.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?”

Điệp ngữ “Em nghĩ về” diễn tả sự trân trọng và nỗi lo âu về tình yêu. Nhân vật trữ tình “em” nhớ đến người yêu, nghĩ đến biển lớn hay rộng mở hơn là tình cảm đôi lứa, tự đặt câu hỏi về khởi nguồn của sóng, gió, của tình yêu và rồi chân thành thú nhận rằng: 

“Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Lời bộc bạch giản dị và nhỏ nhẹ cho thấy cách định nghĩa về tình yêu đầy nữ tính của Xuân Quỳnh. Nhà thơ có thể lý giải “sóng bắt đầu từ gió” nhưng không thể xác định khoảnh khắc bắt đầu tình yêu, những trăn trở ùa đến bất chợt và cũng lắng xuống bằng ngôn từ giản đơn, chân thành.

Trên thực tế, tình yêu vốn là một ẩn số đầy bí ẩn, người đời luôn khao khát giải mã nhưng không bao giờ tỏ tường về nó. Ngay cả “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng từng suy tư rằng: 

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Gặp người con gái thân thương ấy

Rồi nhớ, rồi thương, thế là yêu!”

Xuân Diệu cắt nghĩa tình yêu bằng những hình ảnh giản dị, đầy chất thơ. Trong khi đó, Xuân Quỳnh lại mong muốn tìm hiểu cội nguồn của tình yêu, điều dường như là không tưởng bởi chẳng ai thấu rõ khởi nguyên của thứ vốn đã tồn tại tựa lẽ hiển nhiên từ bao đời nay.

Bằng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, điệp ngữ, kết hợp với thể thơ ngũ ngôn hiện đại, giàu nhịp điệu, Sóng đã vẽ lên bức chân dung về khát vọng tình yêu nồng nàn và vẻ đẹp trong suy nghĩ của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Nỗi nhớ là cung bậc không thể thiếu trong tình yêu

Đi từ những bộc bạch về sự thất thường, trường tồn cho đến khởi nguyên của chữ “tình”, nữ thi sĩ tiếp tục đề cập một cung bậc không thể thiếu trong tình yêu. Đó là nỗi nhớ da diết, thứ kết nối hai tâm hồn với nhau mỗi khi đôi lứa buộc phải xa cách.

Khi yêu, tiềm thức của con người chủ động khắc sâu hình bóng đối phương. Bao kỷ niệm, mong mỏi xâm chiếm tâm trí khi khoảng cách bắt đầu xen vào một cuộc tình. Vì lẽ đó, dân gian Việt Nam vẫn thường truyền miệng câu ca dao:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi 

Như đứng đống lửa như ngồi đống than”

Nỗi nhớ trong Sóng cũng mãnh liệt, đảo điên như thế, đến mức người con gái chẳng thể ngủ yên giấc. Sự trông mong, đợi chờ gặp gỡ người tình xâm chiếm tâm trí khiến họ thổn thức khôn nguôi.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi! Con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Trong đoạn thơ này, Xuân Quỳnh khéo léo sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật để diễn tả sự nhung nhớ tận đáy lòng. Bà thổi vào hình tượng sóng cả một làn hơi của con người, để “con sóng” biết thương, biết “nhớ bờ” đến nỗi thao thức ngày đêm.

Xuân Quỳnh dùng nghệ thuật lặp cấu trúc câu và hai cụm từ đối lập “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước” tạo nên những con sóng với tính chất khác nhau. Tuy nhiên, dù là con sóng nào chăng nữa thì nỗi nhớ vẫn nguyên vẹn, vẫn chung thuỷ mà trao cho bến bờ của mình.

Sự nhớ nhung không chỉ phủ lấp mọi không gian mà còn bao trùm lên thời gian. Dẫu ngày hay đêm thì “sóng” vẫn thương nhớ “bờ”, vẫn thao thức được gặp “bờ” như người con gái khi yêu luôn ước ao gặp gỡ người yêu.

Tình yêu và lòng chung thủy luôn gắn liền với nhau

Khi nói đến tình yêu, lòng chung thủy là điều mà người con gái truyền thống luôn giữ trọn. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, đứng trước cảnh ái nhân phải rời xa quê hương, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc thì người phụ nữ ở chốn hậu phương phải vững lòng gấp bội.

Sự xa cách không ngăn được nỗi nhớ cô gái dành cho người yêu, không tạo cảm giác “xa mặt cách lòng” mà càng chứng minh cho tình yêu bền bỉ trong tim họ. Chính vì vậy, khoảng cách lúc này chỉ như một thử thách để người con gái vượt qua, giữ trọn tấm lòng son.

“Dẫu xuôi về phương Bắc 

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”

Xuân Quỳnh mở ra một không gian lớn, trải dài từ Bắc đến Nam. Với nghệ thuật điệp cấu trúc, điệp từ, phương cách sử dụng cặp từ trái nghĩa như “xuôi” – “ngược” hay “Bắc” – “Nam”, bà tinh tế khẳng định rằng khoảng cách không thể dập tắt tình yêu.

Câu “Nơi nào em cũng nghĩ” khẳng định rằng dù đi đâu, về đâu, người con gái vẫn mãi dành trọn tấm lòng cho đối phương. Lời khẳng định đầy cứng rắn mà vẫn dịu dàng, tha thiết là tiếng nói nội tâm của Xuân Quỳnh, của những cô gái đang yêu giữa thời cuộc loạn lạc.

Đất trời vốn có bốn phương, Xuân Quỳnh còn sáng tạo thêm “phương anh” để bày tỏ nỗi lòng. Nhờ số chỉ từ phương hướng “một phương”, nhà thơ mạnh dạn thổ lộ rằng tình yêu của bà chỉ dành cho duy nhất một người, tựa trái tim son sắt chọn được đích đến vĩnh hằng.

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Ở ngoài đại dương mênh mông, biết bao con sóng vượt ngàn trùng xa cách để tìm tới bến bờ. Những cách trở không thể ngăn cản “trăm ngàn con sóng” cập bến, người con gái vì muốn hòa cùng nhịp sống lứa đôi mà luôn tin tưởng vào tình yêu của mình.

Ca dao Việt Nam thường mượn hình tượng “thuyền” và “bến” để biểu hiện tình cảm đôi lứa, “thuyền” như biểu tượng động chỉ chàng trai còn “bến” là biểu tượng tĩnh chỉ phái nữ. Xuân Quỳnh lại phá vỡ sự thông thường ấy, mượn “bờ” tĩnh tại miêu tả ái nhân còn “sóng” động rì rào để tả chính mình.

Những người phụ nữ Việt Nam đã vượt mọi thử thách, nhất là sự xa xôi để giành quyền chủ động vươn đến tình yêu vĩnh cửu. Họ yêu hết mình và hy sinh bằng cả tấm lòng với sự tự tin rằng dẫu ra sao, bản thân vẫn có thể đến bên người tình yêu dấu.

Dù không cắt nghĩa được chữ “yêu” một cách tròn trịa, nhà thơ vẫn yêu như thể đó là lần đầu và cũng là lần cuối. Nguyên vẹn từng cung bậc cảm xúc, vun đắp dẫu xa xôi và chung thủy trước sự mài mòn của thời gian.

Triết lý về kiếp người và sứ mệnh của nhân loại

Sóng là bài thơ chất chứa nhiều triết lý về nhân loại, mở ra những quan niệm đẹp đẽ, đúng đắn dành cho độc giả. Với nhà thơ Xuân Quỳnh, thơ bà xoay quanh đời sống thường nhật không có nghĩa là hồn thơ thiếu vắng các bài học nhân sinh sâu sắc.

Triết lý nhân sinh trong bài thơ là giá trị mà thế hệ nào cũng cần gìn giữ
Triết lý nhân sinh trong bài thơ là giá trị mà thế hệ nào cũng cần gìn giữ

Cụ thể, sau muôn vàn đắn đo về tình cảm lứa đôi thì Xuân Quỳnh bắt đầu trăn trở về kiếp người và sứ mệnh cá nhân. Cuộc đời bất tận nhưng đời người lại hữu hạn, sự hy sinh cái tôi vì biển lớn tình người là điều mà thi nhân muốn gửi gắm đến người đọc.

Quả thật, tấm lòng người phụ nữ hồn nhiên, nhân ái, dịu dàng đã thật sự chinh phục trái tim của văn đàn Việt Nam từ bao năm qua và sẽ để lại triết lý sống tươi sáng mãi về sau này.

Sóng và sự hữu hạn của kiếp người

Sóng biển ở Diêm Điền không chỉ gợi cho Xuân Quỳnh cảm hứng viết về tình yêu đôi lứa mà còn khiến thi sĩ trăn trở trước sự hữu hạn của kiếp người.

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

Đoạn thơ với âm điệu tha thiết, ngọt ngào mà đầy nỗi suy tư của Xuân Quỳnh về đời người. Cuộc đời thì vô hạn, kéo dài với một chuỗi tuần hoàn của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông bất tận, chỉ có kiếp người là ngắn ngủi. 

Tác giả sử dụng cặp quan hệ từ “Tuy… vẫn”, “Dẫu… vẫn” để bộc lộ nỗi muộn phiền song cũng thể hiện ý chí khẳng định. Quy luật của cuộc sống là hoa nở rồi cũng tàn, tiệc mở rồi sẽ tan, chỉ có tình yêu mà nhà thơ dành cho người tình là mãi mãi trọn vẹn.

Xuân Quỳnh nhận thức được những trắc trở có thể xuất hiện trong chuyện tình lứa đôi và lo âu, trăn trở nhưng bà không từ bỏ tình cảm dễ dàng. Thay vào đó, người phụ nữ với hồn thơ dịu dàng, đằm thắm lựa chọn tin tưởng vào sức mạnh tình yêu. 

Dẫu năm tháng đằng đẵng, thế sự đổi thay khó lường thì sóng vẫn cập bờ, đám mây vẫn vượt qua năm dài tháng rộng để bay về nơi xa. Loạt hình ảnh ẩn dụ được sắp xếp tương phản, đối lập nhằm mục đích nói lên dự cảm và niềm tin của Xuân Quỳnh với tình yêu.

Dẫu vượt qua thời gian, vượt qua muôn trùng cách trở thì tình yêu của người con gái vẫn mãnh liệt, mạnh dạn tìm đến chốn vĩnh hằng. Những lời thơ đẹp đẽ, tinh tế đã khắc sâu trong lòng bao thế hệ độc giả và củng cố quan điểm sâu sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Ước ao sống với tình yêu đến muôn đời

Khi hạ bút viết những dòng thơ cuối cùng, Xuân Quỳnh đã bộc bạch nỗi ước ao được sống mãi với tình yêu. Một lần nữa, nhà thơ nhấn mạnh khao khát yêu thương và sự truy cầu hạnh phúc đến cùng trời cuối đất. 

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Mở đầu đoạn thơ, thi sĩ viết hai lên hai tiếng “Làm sao” để thổ lộ mong muốn cháy bỏng và nỗi âu lo ngập tràn trong tâm hồn. Đó là tiếng nói nhẹ nhàng mà da diết, như tiếng lòng của người con gái loay hoay tìm kiếm trăm nghìn cách để đạt được nguyện vọng sâu thẳm. 

Xuân Quỳnh hiểu rằng đời người hữu hạn, tình yêu sẽ sống mãi nhưng bà không thể thoát khỏi quy luật cuộc sống. Những lớp sóng trên đại dương trường tồn như tình yêu bất diệt, nhà thơ hay người con gái cũng chỉ mong được sống êm đềm vĩnh cửu cùng “biển tình”. 

Nữ sĩ muốn “tan ra” thành trăm ngàn con sóng khác nhau, cụm từ “tan ra” không mang nghĩa biến mất mà là ám chỉ sự hòa quyện giữa kiếp người và sóng vỗ vô hạn. Bà muốn hoá thân thành sóng để được bao bọc bởi “biển lớn tình yêu”, đến ngàn năm sau thì con sóng còn vỗ cũng như trái tim bà còn đập vì yêu.

Đọc thơ Xuân Quỳnh, độc giả mường tượng đến hình ảnh của những cô gái yêu chân thành, mãnh liệt và đầy chủ động. Thế tục khắt khe không thể ngăn cản họ biểu đạt tấm lòng thành và sự hy sinh vô bờ bến. 

Người nghệ sĩ đa tài, đa cảm đã thành công nói lên tiếng nói táo bạo, mượn hình tượng con sóng trường cửu để khắc hoạ khát vọng yêu dào dạt. “Con sóng” trong bài thơ dịu dàng, đằm thắm mà cũng hiện đại, nó vươn đến giá trị tuyệt mỹ và vỗ mãi trong lòng người đọc. 

Ngoài ra, bốn câu thơ đầy ý vị này không chỉ xoay quanh tình cảm đôi lứa mà còn đề cập đến tình yêu cộng đồng. Đối với Xuân Quỳnh, cuộc đời là “biển lớn tình yêu”, mỗi một con sóng đều góp phần kết tinh những ân tình đẹp đẽ giữa con người với nhau.

Bà khéo léo nhắn nhủ về quan niệm số phận cá nhân luôn hòa quyện với số mệnh của tập thể. Đã có thời thơ ca Việt Nam tràn ngập những thi phẩm đề cao cái tôi và thể hiện sự cô độc giữa thời cuộc rối ren, Xuân Quỳnh lại mong muốn truyền tải tinh thần hòa nhập.

Kết thúc bài thơ bằng tiếng sóng vỗ “ngàn năm”, ngòi bút của nữ sĩ để lại trong lòng độc giả âm hưởng của một tình yêu vĩ đại, vĩnh hằng và nỗi ước ao mãnh liệt, sống mãi với thời gian.

Những nhận định xoay quanh tác phẩm Sóng

Khi nói về thơ Xuân Quỳnh, nhiều nhà phê bình văn học đều dành sự ưu ái nhất định cho người phụ nữ tài năng, sâu sắc. Xuân Quỳnh viết thơ như thể đó là lẽ sống của đời bà, nữ thi sĩ thổ lộ trong Nếu ngày mai em không làm thơ nữa rằng “trời không xanh trong đáy mắt” khi bà ngừng gieo vần, gieo chữ.

Sóng nhận được nhiều lời tán dương từ các nhà phê bình văn học
Sóng nhận được nhiều lời tán dương từ các nhà phê bình văn học

Vì niềm đam mê sáng tác đó mà thơ Xuân Quỳnh chỉn chu, chứa đựng sự chiêm nghiệm, suy tư và mang lại ấn tượng khó phai với người đọc, đặc biệt là thi phẩm Sóng. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đánh giá Sóng là bài thơ tồn tại mãi với thời gian, mang lại những giá trị không thể nào phủ nhận cho thế hệ sau.

“Sóng không chỉ là tên một thi phẩm đã gây xốn xang cho nhiều thế hệ bạn đọc. Sóng không chỉ là biểu trưng cho một hồn yêu chưa từng nguội yên. Sóng còn là một nguồn sống, nguồn năng lượng mà nữ thi sĩ ấy đã truyền lại cho thế hệ sau qua mỗi tiếng thơ của mình. Và, lâu nay, lòng thơ của chúng ta, người mờ người tỏ, người đang yêu, người đã yêu, đều từng thầm thu thầm phát thứ sóng đặc biệt ấy: Đó chính là Sóng Xuân Quỳnh.”

Tiếng sóng trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ gợn tại thời điểm nó mới được sinh ra mà còn trở thành tiếng sóng vang dội bất diệt. Nhà thơ viết Sóng vào độ tuổi thanh xuân, đến khi bà có tuổi thì thi phẩm này nói riêng và hồn thơ Xuân Quỳnh nói chung vẫn được ca ngợi là gìn giữ trọn vẹn khát vọng tình yêu thiêng liêng, đẹp đẽ.

“Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa. Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu có yêu thương của chị.” – Những bài văn hay (Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và giáo sư Trần Đăng Xuyền)

Ngay cả nhà thơ Vũ Cao, chủ nhân tác phẩm Núi Đôi cũng hóm hỉnh đề cao ngòi bút tài hoa của Xuân Quỳnh trong bài Sóng. Ông nhận xét một cách ngắn gọn, hài hước mà chân thành, đầy ý ngợi khen rằng:

“Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩ là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút, cho nó phải nể.”

Những lời tán dương của các vị giáo sư, tiến sĩ, nhà phê bình văn học hay nhà thơ nổi tiếng là minh chứng cho thấy Sóng luôn luôn được đề cao ở mọi thời điểm, từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho đến thời bình ấm no.

Sóng và những lớp sóng vỗ vĩnh cửu trên đại dương

Với Xuân Quỳnh, ngòi bút là phương tiện truyền tải niềm vui, nỗi khổ, bà theo đuổi văn chương như thể đó là hơi thở của mình. Trái tim luôn thôi thúc ghi lại những hình ảnh bình dị và mang đến giá trị tốt đẹp cho độc giả giúp thi sĩ sáng tác nên nhiều bài thơ ấn tượng. 

Những câu thơ đẹp của Sóng trường tồn cùng với thời gian
Những câu thơ đẹp của Sóng trường tồn cùng với thời gian

Sau chuyến đi Diêm Điền, Xuân Quỳnh đã để lại Sóng cho làng thi ca Việt Nam, tiếng sóng rì rào trên đại dương gần như bất tử. Một tác phẩm về tình yêu đôi lứa, tình yêu con người hoàn mỹ đã sống cùng bao thế hệ kể từ khi nó ra đời vào năm 1967. 

Trong thế giới văn học, tiếng sóng của Xuân Quỳnh không phải độc nhất nhưng chắc chắn là tiếng sóng tiêu biểu. Từng đợt sóng vỗ vẫn ngày ngày xuất hiện nơi biển lớn, hệt như Sóng vẫn luôn có mặt trên khắp các diễn đàn văn chương, không bao giờ ngưng rì rào.

Bích Thuỳ