Nhắc đến sự thành công của phong trào thơ mới, độc giả sẽ bắt gặp được những cái tên tiêu biểu như Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Huy Cận và đặc biệt là ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, cây bút tài hoa đã vẽ nên một đường cung phá cách của văn thơ Việt Nam.

Không đi theo khuôn mòn của thơ cũ, Xuân Diệu lựa chọn thoát khỏi những niêm luật nghiêm ngặt của thơ Đường Luật bằng một con đường mới mẻ, nơi cái tôi và cảm xúc chân thuần của người nghệ sĩ không bị bó buộc bởi bất kỳ nguyên tắc nào.

Đôi nét về cuộc đời của thi sĩ tài hoa Xuân Diệu

Ông sinh năm 1916 với tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu tại quê mẹ Bình Định nhưng lại lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh, nơi bút danh Trảo Nha của nhà thơ ra đời gắn liền với tên làng quê. Vào năm mười một tuổi, Xuân Diệu rời quê nhà Tuy Phước xuống học ở Quy Nhơn.

Năm 1937, ông ra Huế sống một năm đến khi tốt nghiệp trường tú tài Khải Định và theo học ở trường Luật tại Hà Nội, sau đó trở thành thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Đến cuối năm 1940, Xuân Diệu đến Mỹ Tho làm viên chức và quay lại Hà Nội vào hai năm sau, ông hành nghề viết văn để kiếm sống.

Xuân Diệu là một trong những cây bút tiên phong cho phong trào Thơ mới
Xuân Diệu và những đóng góp đối với cách mạng

Chiến tranh ập đến, nhà thơ tham gia phong trào Việt Minh và di tản lên chiến khu Việt Bắc, ông hoạt động văn nghệ cách mạng trong Hội văn hóa cứu quốc cũng như làm thư ký cho tạp chí Tiền phong của hội, sau đó nhà thơ còn là thư ký của tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc, đến khi hòa bình lặp lại, Xuân Diệu chuyển về Hà Nội sống và sáng tác đến cuối đời.

Ông từng kết hôn với NSND Bạch Diệp nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài, hai người ly hôn và không có con chung, sau đó Xuân Diệu sống độc thân đến cuối đời, liệu ông hoàng thơ tình sẽ có đời sống tình cảm như thế nào vẫn là thắc mắc lớn cho đến ngày hôm nay.

Nhiều nghi vấn được đặt ra xoay quan việc Xuân Diệu là một người đồng tính luyến ái và từng có tư tình với nhà thơ Huy Cận, Hoàng Cát, tuy nhiên cho đến nay, những giả định được đặt ra ấy vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Xuân Diệu và đời thơ huy hoàng ghi tạc vào lòng thế kỷ văn chương

Bén duyên với nghiệp bút nghiêng từ rất sớm, nhà thơ đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm không lồ, đặc sắc nhất là hai tập thơ Gửi hương cho gióThơ thơ được giới văn học đánh giá là kiệt tác trong đời thơ huy hoàng của ông.

Bên cạnh thơ ca, Xuân Diệu cũng viết bài cho một số báo như Ngày nayTiên phong, ông là một trong những người sáng lập nên Đoàn báo chí Việt Nam, ngày nay gọi là Đoàn Nhà Báo Việt Nam.

Xuân Diệu và khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại cho đời
Xuân Diệu và khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại cho đời

Cả cuộc đời cần mẫn với nghiệp bút nghiêng, nhà thơ đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hơn bốn trăm bài thơ và một số còn chưa được xuất bản, bên cạnh hai tập thơ là Gửi hương cho gióThơ thơ được giới văn học đánh giá cao, một số tác phẩm khác của ông cũng ghi danh vào hàng danh tác của văn học Việt.

Điển hình như truyện ngắn Phấn thông vàng, tập thơ Thanh ca, Ngọn quốc kỳ, Một khối hồng cũng như nhiều bút ký, tiểu luận khác. 

Con đường đến với thơ ca của Xuân Diệu không êm đềm như người tri kỷ Huy Cận, những thi phẩm do nhà thơ sáng tác dù nhận được không ít lời khen nhưng kèm theo đó cũng luôn có những đánh giá không tốt, Xuân Diệu là ngọn gió mới thổi tới văn đàn mà không phải ai cũng đủ hiểu để cảm nhận hết hồn thơ của ông.

“Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời.”

– Thi nhân Việt Nam

Nguồn nhựa sống của tuổi trẻ và cái rạo rực từ tình yêu nằm trong thơ Xuân Diệu đủ sức để làm lung lay cái khuôn khổ mà thơ xưa đã có tự bao đời, cây bút tài hoa này đã góp một phần công sức không nhỏ trong việc xây dựng vững mạnh nền Thơ mới Việt Nam.

Dù gặp không ít khó khăn trên con đường vận động đổi mới thơ ca nhưng Xuân Diệu vẫn luôn đấu tranh cho cái tôi cá biệt của mình trong thơ, nhờ tấm lòng luôn hướng đến sự chín đỏ của cảm xúc trong thơ ca mà Xuân Diệu đã tạo nên cho chính mình một âm hưởng riêng biệt giữa làng thơ Việt Nam.

Ông hoàng thơ tình và con đường tìm kiếm vân chữ đặc sắc của riêng mình

Xuân Diệu là một trong những cái tên có sức hút mãnh liệt nhất trong Phong trào Thơ mới lúc bấy giờ, tâm hồn ông mặc một chiếc áo quá chật so với hồn thời đại và nhà thơ luôn tìm cách thoát ra khỏi sự ngột ngạt ấy bằng những vần thơ của mình.

Xuân Diệu là một trong những cây bút tiên phong của Phong trào Thơ mới
Xuân Diệu là một trong những cây bút tiên phong của Phong trào Thơ mới

Ông được xem là gương mặt tiêu biểu nhất của trường phái lãng mạn trong thơ ca và còn được gọi với danh “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.

Đánh giá về những thi phẩm của Xuân Diệu, các nhà phê bình nhận định rằng thơ ca của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Pháp và luôn ám ảnh bởi bước đi của thời gian, đối với Xuân Diệu, không có điều gì tồn tại vĩnh cửu trên đời và đó cũng là lý do mà những cuộc chia ly luôn xuất hiện nhiều trong thơ ông với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Hoa nở để mà tàn

Trăng tròn để mà khuyết

Bèo hợp để chia tan

Người gần để ly biệt

Hoa thu không nắng cũng phai màu

Trên mặt người kia in nét đau.”

– Hoa nở để mà tàn

Hiểu được sự vô thường của đời người, Xuân Diệu luôn trân trọng từng phút giây cuộc sống và lòng khát khao được tận hưởng trọn vẹn mọi cảm xúc của đời luôn in đậm trong từng trang thơ của ông, từng vần thơ nằm trên trang giấy như có nguồn nhựa sống dạt dào làm rung lên từng cung điệu cảm xúc của người đọc.

Xuân Diệu khát khao sự sống và đồng thời ông cũng luyến tiếc tuổi trẻ, có thể nói, tình yêu và thời niên thiếu luôn là những chủ đề đậm nét trong thơ ca của ông hoàng thơ tình.
Tuy nhiên, thi phẩm của Xuân Diệu lại mở ra trong tâm tưởng người đọc một cái tình rất khác, gợi lên nhiều nỗi băn khoăn và trăn trở.

“Xuân Diệu không quan niệm tình yêu chỉ là sự giao cảm xác thịt mà còn là sự giao cảm giữa những linh hồn mà đấy mới là cái khát vọng cao nhất, cái đích cao nhất trong tình yêu.”

– Nguyễn Đăng Mạnh 

Đối với ông, tình yêu là mục đích của cuộc sống và vì thế, thơ ca Xuân Diệu luôn gắn liền với chữ tình, tâm hồn nhà thơ dạt dào cái mê luyến của tình và yêu thương đã dần trở thành động lực lớn đối với ông.

“Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào.”

– Bài thơ tuổi nhỏ

Cái sắc thái riêng trong mỗi vần thơ mà Xuân Diệu chắp bút đã quyện nên âm hưởng đặc biệt của riêng ông, ấy là một giai điệu rạo rực sức sống của kẻ có khát khao mãnh liệt với đời, nó sẽ mãi mãi đồng vọng tháng năm.

Những thi phẩm của ông hoàng thơ tình mang âm hưởng riêng nhưng vẫn đồng điệu với tâm hồn người đọc
Những thi phẩm của ông hoàng thơ tình mang âm hưởng riêng nhưng vẫn đồng điệu với tâm hồn người đọc

Thơ ca Xuân Diệu mang sắc thái riêng không có nghĩa là nó vô hồn và chỉ phản chiếu độc mỗi cảm xúc của nhà thơ, cái tài của người cầm bút còn được ở hiện ở sự đồng điệu tâm tình với độc giả, những thi phẩm do Xuân Diệu viết nên là thức quả thơm ngọt của cảm xúc dễ dàng chạm đến trái tim của phần lớn chúng ta.

Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp nội hàm bên trong mà thơ của ông còn đặc biệt chú trọng hình thức bên ngoài, sự mới mẻ về cách dùng từ, đặt câu và vốn kiến thức phong phú luôn khiến những thi phẩm của Xuân Diệu được khoác lên lớp áo tinh tế và sang trọng.

Ngoài ra, ở một số thi phẩm, nhà thơ còn thể hiện hiện sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống một cách tài tình.

“Càng cao càng lạnh trao lôi

Trên cung xanh vắng, lạnh thôi mấy chừng!”

– Bụi mưa mờ cũ 

Tựa như ngọn gió mát từ phương xa thổi về, Xuân Diệu đã làm xao xuyến biết bao lòng người bằng cái hồn thơ rạo rực, tràn đầy nhựa sống và mang đậm hơi thở phương Tây ấy, tên tuổi ông là một dấu son in đậm trên trang sử của nền văn học nước nhà muôn thuở về sau.

Những nghi vấn xoay quanh các mối tình trai của Xuân Diệu

Đời sống tình cảm riêng tư của nhà thơ vẫn luôn là một ẩn số lớn đối với các nghiên cứu về cuộc đời ông, có không ít thông tin liên quan đến chuyện tình cảm của Xuân Diệu, đặc biệt là tính hướng và những mối tình trai trứ danh của ông, tuy nhiên đến tận ngày nay, vẫn chưa ai có câu trả lời xác đáng cho vấn đề vày.

Nhà thơ tài hoa và những mối tình trai ngang trái
Nhà thơ tài hoa và những mối tình trai ngang trái

Trong khoảng thời gian gắn liền với nghiệp bút nghiệp, Xuân Diệu đã sáng tác không ít thơ ca nhưng có một thi phẩm vẫn luôn khơi gợi lên sự tò mò của độc giả đối với đời tư của ông, đó là bài thơ mang tên Tình trai với những vần điệu đẹp đẽ viết về hai nhà thơ đồng tính nổi tiếng thế giới.

“Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên.”

– Tình trai

Tác phẩm này là một lời bào chữa của thi sĩ đối với mối tình ngang trái phải gánh trên vai định kiến của dư luận, đồng thời đó cùng là tiếng nói đồng tình của Xuân Diệu về khát vọng được yêu và được sống như chính mình, phải chăng đó cũng là lời tâm tình của nhà thơ về con người thật trong ông?

Ở cuốn hồi ký Cát bụi chân ai, Tô Hoài từng đề cập đến Xuân Diệu cũng như cái đêm huyền diệu, quái quỷ mà hai người đã có với nhau, ông cũng nhắc đến việc nhà thơ phải chịu kỷ luật nặng nề khi đơn vị biết chuyện, những dòng hồi tưởng mà nhà văn của mọi lứa tuổi ghi lại đủ để làm rúng động những người yêu thơ Xuân Diệu và muốn tìm hiểu về cuộc đời ông.

“Cả dạo mưa gió, Xuân Diệu ở lại u tỳ quốc không ra ngoài. Giọt gianh lách tách mái nứa gọi về những đêm ma quái, rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đường ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội dằn ngửa cái xác thịt kia.”

– Cát bụi chân ai

Sau đó, Xuân Diệu cũng có tin đồn với nhà thơ Huy Cận, người được xem là tri kỷ cả đời và đồng thời cũng là em rể của ông, trong suốt quãng đời của mình, cả hai ở bên nhau như hình với bóng dẫu mỗi người đều từng có gia đình riêng của mình.

NSND Bạch Diệp là người vợ duy nhất của Xuân Diệu
NSND Bạch Diệp là người vợ duy nhất của Xuân Diệu

Hai người chơi thân với khi còn học trung học, khi Xuân Diệu chuyển công tác đến Mỹ Tho, cả hai đã sống chung với nhau dưới một mái nhà và sau đó sống cùng trên một gác một tòa nhà khi chuyển về Hà Nội, tầng dưới là vợ chồng Lưu Trọng Lư.

Xuân Diệu và Huy Cận gắn bó đến nỗi ngay cả tên nhà xuất bản của họ cũng được ghép từ tên của hai người là Huy Xuân như cách mà những đôi tình nhân vẫn thường đặt, hai người cũng thường đề cập đến đối phương trong những thi phẩm của mình một cách thân thiết hơn cả mức tình bạn.

“Tựu trường năm 1936, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở trường tú tài Khải Định, Huế. Anh Diệu học năm thứ ba, tôi vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và ‘đồng thanh tương ứng’, kết bạn với nhau gần như tức khắc… Tựu trường 1937, anh Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo Ngày nay, tôi học năm thứ hai ban tú tài… Anh Diệu và tôi viết thư cho nhau hàng tuần… Năm 1938, tôi ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ. Ở đó Diệu viết ‘Truyện cái giường’, một số bài thơ, còn tôi thì viết ‘Buồn đêm mưa’, ‘Trông lên’, ‘Đi giữa đường thơm’ và mấy bài khác… Tựu trường năm 1939,… hai chúng tôi cùng sống ở gác 40 phố Hàng Than, Hà Nội… Cuối năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho… Chúng tôi tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hàng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư… Hè 1942, tôi đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở nghiên cứu tầm tang. Diệu điện hỏi tôi: ‘Diệu từ chức được chưa?’, tôi điện trả lời: ‘Từ chức ngay! Về ngay Hà Nội!’. Chúng tôi sống trên gác Hàng Bông (số nhà 61), tiếp tục làm thơ.”

– Nửa thế kỷ tình bạn

Tuy nhiên, sau đó Xuân Diệu cũng từng dính lời đồn với Hoàng Cát , ông từng viết không ít thi phẩm đề tặng nhà thơ này và cả hai cũng từng có khoảng thời gian chung sống với nhau, tình bạn hoặc có thể là tình yêu mà Xuân Diệu dành cho người em này luôn nồng nàn và tha thiết, bao cảm xúc ấy đều in đậm trong từng vần thơ của ông.

“Một tấm lòng em sâu biết bao

Để anh thương mãi, biết làm sao!

Em đi xa cách, em ơi Cát

Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu…”

– Bài thơ “Em đi” với lời đề “Tặng Hoàng Cát

Dù có đời tư phức tạp và không ít tin đồn song những điều ấy vẫn không làm lu mờ được tài năng của Xuân Diệu, không phải lẽ tự nhiên mà ông được người đời suy tôn là ông hoàng thơ tình của làng thơ Việt Nam, vần điệu tha thiết dào dạt nhựa sống trong thơ Xuân Diệu đã thể hiện được nỗi niềm khao khát và tin yêu của ông đối với cuộc sống này.

Xuân Diệu là một vì tinh tú trên dải ngân hà văn học của nước nhà, đời văn huy hoàng của ông đã ghi tạc vào trang sử văn chương một dấu ấn son sắt không bao giờ phai nhòa.

Diệu Uyển