Tô Hoài là một trong những cây bút tiêu biểu cho dòng văn học hiện đại Việt Nam vào thế kỷ XX. Bén duyên với nghiệp viết từ khi còn rất trẻ, nhà văn đã để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm khổng lồ trải dài khắp các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến bút ký.
Ông là người kiến tạo nên thế giới văn chương đẹp đẽ từ dòng sông hiện thực qua lăng kính của bản thân, chính điều ấy đã góp một phần lớn trong việc đưa nền văn học nước nhà lên một tầm cao mới.
Các tác phẩm của Tô Hoài giống như bản trường ca sâu lắng dưới bóng cây đại ngàn, nó vượt qua cả sự băng hoại của thời gian mà neo đậu vững chắc trong lòng độc giả xuyên suốt năm tháng.
Tô Hoài với đời văn cần cù đi và viết
Nhà văn tên thật là Nguyễn Sen, ông sinh ra ở huyện Thanh Oai, tỉnh Quảng Đông trong một gia đình thợ thủ công nhưng lại lớn lên ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức.
Bút danh của Tô Hoài là do hai địa danh nổi tiếng sông Tô Lịch, phủ Hoài Đức ghép lại mà thành. Ngoài ra trong sự nghiệp của mình, nhà văn còn có thêm nhiều tên gọi khác như Mai Trung, Duy Phương hay Mắt Biển.
Suốt thuở thiếu thời, Tô Hoài phải làm đủ mọi nghề từ dạy học, bán hàng đến làm kế toán cho hàng buôn để bươn chải mưu sinh. Ông tham gia Hội Ái hữu công nhân vào năm 1938 và gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội trong năm 1943.
Sinh trưởng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài viết báo Cứu quốc và dùng con chữ làm vũ khí đánh giặc, ông là chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc.
Đồng thời Tô Hoài còn được bầu làm Tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam cũng như chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội.
“Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu như thế nào, tiếng chim gáy ở đồng bằng như thế nào. Hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào. Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được.”
Nhà văn đi đến nhiều nơi, học hỏi được nhiều thứ rồi biến những hiểu biết của mình thành văn chương để từ đó giúp độc giả hiểu rõ thêm về thế giới ngoài kia.
Suốt cả cuộc đời, Tô Hoài cần cù đi và viết để cống hiến hết mình cho văn chương cũng như tổ quốc. Trong hơn bảy mươi năm cầm bút, nhà văn đã để lại cho đời sau một kho báu khổng lồ, các tác phẩm của ông giống như dòng nước mát nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ và đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng độc giả.
Tô Hoài và vân chữ riêng trong văn chương
Nhà văn là một cây bút viết văn xuôi xuất sắc, người đọc biết đến ông không chỉ dừng lại ở những tác phẩm viết về miền núi Việt Bắc, Tây Bắc và những tập truyện dành cho thiếu nhi mà còn bắt gặp Tô Hoài ở các thể loại bút ký, tự truyện.
Dù ở thể loại nào, ông cũng thể hiện được phong cách nghệ thuật đặc sắc của bản thân trong tác phẩm, những câu chuyện của nhà văn vừa sắc sảo vừa sinh động, điều đó đã thu hút bạn đọc ngay từ những trang văn đầu tiên và để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người sau khi đã khép lại tác phẩm.
Rất nhiều bạn đọc cũng như đồng nghiệp của Tô Hoài đều khẳng định ông chính là hạt ngọc của văn đàn Việt Nam, điều này đã được chứng minh qua sự nghiệp đồ sộ của nhà văn. Dù Tô Hoài đã qua đời song tên tuổi của ông vẫn sống mãi với tháng năm.
Tô Hoài nổi danh từ rất sớm với những tác phẩm đầu tay được đăng ở Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ 7 vào những năm ba mươi của thế XX, ngay từ khi còn trẻ, nhà văn đã có được một chỗ đứng vững chắc ở văn đàn Việt Nam thời bấy giờ.
Truyện ngắn và hồi ký là những thể loại mà Tô Hoài thường xuyên sử dụng trong quá trình sáng tác, cả hai đều là điểm mạnh của nhà văn.
Ở truyện ngắn, ông tái hiện cho người đọc thấy về một miền núi thô sơ mộc mạc cùng những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời các truyện ngắn của nhà văn còn phác họa nên một bức tranh về đất nước trong thời kỳ khó khăn cùng những kiếp sống lầm than, chật vật nơi miền quê của ông.
Đến với hồi ký ta lại bắt gặp một màu sắc đầu độc đáo và mới mẻ của Tô Hoài, người đọc thấy được hình ảnh của chính bản thân ông cùng những gương mặt văn sỹ quen thuộc dưới đời sống xã hội của một thời kỳ đầy biến động.
Những hạt ngọc làm nên sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn lớn
Tô Hoài đã để lại cho đời sau một khối lượng khổng lồ những tác phẩm quý giá, điển hình là thiên truyện dài nổi danh Dế mèn phiêu lưu ký, cuốn hồi ký sâu lắng Cát bụi chân ai và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
Mỗi một tác phẩm đều là những chủ đề, những câu chuyện khác nhau được viết và kể qua lăng kính của tác giả, song tất cả đều thể hiện được phong cách nghệ thuật riêng biệt của Tô Hoài, đó là một chất giọng riêng của nhà văn mà không ai có thể tìm thấy trên trang văn của những người nghệ sĩ khác.
“Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có.”
Đến với Dế mèn phiêu lưu ký, một tác phẩm văn xuôi đặc sắc gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi, người đọc dường như lạc vào thế giới động vật mới lạ và sinh động để phiêu lưu cùng chú dế mèn, mỗi cuộc phiêu lưu gắn liền với một bài học vô cùng quý giá được tác giả gửi gắm bên trong.
Dế mèn phiêu lưu ký là một điểm sáng nổi bật trong sự nghiệp của Tô Hoài, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn đọc khắp nơi đón nhận nồng nhiệt, đồng thời nó giúp nhà văn đạt được nhiều giải thưởng văn học danh giá cũng như khẳng định tên tuổi của ông trên văn đàn Việt Nam.
Nếu Dế mèn phiêu lưu ký là thiên truyện gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ thiếu nhi và là một dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp của nhà văn thì ở những năm 53, 54 của thế kỷ trước, văn đàn lại một lần nữa xôn xao nhắc đến cái tên Tô Hoài với tập truyện Tây Bắc.
Tập truyện gồm bộ ba tác phẩm Cứu đất cứu mường, Mường giơn và Vợ chồng A Phủ viết về cuộc sống ở miền núi cao Tây Bắc.
Tác phẩm được viết trong một dịp nhà văn ghé thăm Tây Bắc, chính chuyến đi này đã gợi cho ông nhiều cảm hứng sáng tác để rồi sau khi về lại miền xuôi, lòng Tô Hoài vẫn chưa nguôi nỗi nhớ thương nơi vùng núi cao.
“Mảnh đất Tây Bắc để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá. Không thể và không bao giờ quên mảnh đất đau thương và nhiều hy sinh ấy.” – Chia sẻ của nhà văn Tô Hoài sau chuyến đi dài ở Tây Bắc.
Trong tác phẩm, Vợ chồng A Phủ là linh hồn của cả thiên truyện, đó là câu chuyện xoay quanh một cô gái dân tộc tên Mị và công cuộc giải cứu bản thân cùng người khác khỏi cường quyền, thần quyền và tiền quyền.
Ông viết tác phẩm này để lấy ánh sáng của Đảng, dùng tài văn của mình mà soi rọi đến những con người ở vùng núi cao Tây Bắc, truyện ngắn có một ý nghĩa vô cùng to lớn.
“Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian. Vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống. Vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử. Vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh. Sẽ còn có ai sau Tô Hoài làm công việc ấy cho thời này của chúng ta hôm nay?”
Ngoài những tác phẩm kể trên, Tô Hoài còn để lại cho đời rất nhiều hạt ngọc văn chương khác, mỗi hạt đều góp phần tô điểm hương sắc cho đời và giúp cho cái nhìn của mỗi độc giả ngày càng thêm phong phú hơn.
Tô Hoài là ngôi sao sáng trên bầu trời văn chương Việt Nam
Với những cống hiến to lớn cho nước nhà, Tô Hoài đã nhận được rất nhiều giải thưởng, đó có lẽ là một minh chứng chứng minh cho sự nghiệp đồ sộ của ông.
“Riêng với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Lời ông nói từ đầu thế kỷ nay mà ngỡ như vừa hôm qua. Mới hay trước khi định chặt một cái cây cũng cần nên đọc một trang sách, nhất là trang sách văn của Tô Hoài.” – Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Tô Hoài nhận được Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội, Giải thưởng của Hội Nhà văn Á – Phi và một số giải thưởng danh giá khác.
Nhà văn được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật ở các tác phẩm Nhà nghèo, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Vợ chồng A Phủ cùng với nhiều tác phẩm để đời khác.
Cả một cuộc đời cần cù đi và viết, Tô Hoài đã cống hiến hết mình cho văn học, bằng châm ngôn văn chương như cuộc sống, nhà văn đã kiến tạo nên một thế giới văn chương thực tế mà sinh động cuốn hút.
Dù đã qua đời ở tuổi 94, song Tô Hoài cùng sự nghiệp văn học già hơn nửa thế kỷ vẫn luôn trường tồn bất diệt với thời gian và mãi mãi neo đậu vững chắc trong lòng độc giả.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất