Tuổi thơ của những độc giả trẻ Việt Nam hẳn không thể vắng bóng cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Đây là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của ông viết về loài vật và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc mọi lứa tuổi.

Đôi nét về nhà văn Tô Hoài và Dế Mèn phiêu lưu ký

Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 và mất năm 2014.  Hơn sáu mươi năm cầm bút, Tô Hoài đã có cho mình một gia tài tác phẩm đồ sộ thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, hồi kí, tiểu luận, kịch bản phim.

Ông được biết đến là cha đẻ của các tác phẩm nổi tiếng và mang giá trị tư tưởng cao như Vợ chồng A Phủ, Xóm giếng, O chuột, Nhà nghèo, Giăng thề. Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật vào năm 1996.

Nhà văn Tô Hoài
Chân dung nhà văn Tô Hoài

Dế Mèn phiêu lưu ký ban đầu có tên là Con dế mèn (bao gồm 3 chương đầu của truyện) được Nhà xuất bản Tân Dân phát hành vào năm 1941. Sự đón nhận nhiệt tình của độc giả trong nước là động lực để giúp Tô Hoài viết thêm Dế Mèn phiêu lưu ký (7 chương cuối).

Đến năm 1955, ông mới gộp cả hai phần với nhau để đem đến cho chúng ta một Dế Mèn phiêu lưu ký như ngày nay.

Dế Mèn phiêu lưu ký gồm mười chương và xuyên suốt toàn bộ câu chuyện là cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn; Mọi chuyện khởi sự từ việc Dế Mèn cảm thấy chán nản với cuộc sống an nhàn nơi vùng cỏ ấu ven đầm nước, thêm vào đó là bản tính ham chơi nên chú ta đã quyết định một mình đi khám phá thế giới ở ngoài kia.

 “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim giàu lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi đào bới đất làm tổ, đêm thì đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao.”

Trên chuyến hành trình dài rộng đó, Dế Mèn đã gặp được rất nhiều người bạn, từ Dế Choắt, Bọ Ngựa đến Dế Trũi, mỗi con vật nhỏ bé đó đều đã để lại cho nhân vật chính của chúng ta những bài học vô cùng sâu sắc và đáng nhớ.

Sách Dế Mèn phiêu lưu ký
Bìa sách Dế Mèn phiêu lưu ký

Chú Dế Mèn với xuất phát điểm là một kẻ hung hăng, ngang ngược lại còn hay đi bắt nạt kẻ yếu. Ấy vậy mà ngòi bút tài tình của Tô Hoài đã đem Dế Mèn đi qua những thử thách và gian nan, những gian truân trên đường đời để chú tự chiêm nghiệm những bài học cho riêng mình.

Những mất mát, những khó khăn, những lời nói của các nhân vật khác trong truyện dần dần đem chú trở thành một người biết yêu thương hơn, tử tế và tốt bụng hơn.

Tư tưởng lớn được gửi gắm trong câu chuyện về loài vật

Nếu chỉ dừng lại ở cuộc phiêu lưu kì thú của chú Dế Mèn, hẳn là cái tên Tô Hoài sẽ không đi xa được tới vậy. Ẩn khuất đằng sau câu chuyện về những loài vật đó là những bài học đắt giá cho cả loài người.

Văn học bao giờ cũng thế, dù nhà văn có viết về cái gì thì tựu trung lại vẫn hướng cái nhìn về con người. Dế Mèn, Dế Choắt và Dễ Trũi đều là hiện thân của con người trong cuộc đời và qua đó để nhà văn gửi gắm những tư tưởng và triết lý nhân sinh của mình.

Bìa sách Dế Mèn phiêu lưu ký
Đằng sau câu chuyện của loài vật là câu chuyện của cả loài người

Đó là lí do tại sao Dế Mèn phiêu lưu ký vốn là một câu chuyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng lại khiến người lớn cũng phải giật mình suy ngẫm, phải sực tỉnh và nhìn nhận lại chính bản thân mình.

Dế Mèn đã cho chúng ta một bài học về thái độ sống, sống phải biết người biết ta và không đánh giá kẻ khác chỉ dựa vào ngoại hình của họ. Cuộc hội ngộ giữa Dế Mèn và Dế Choắt đã giúp ta nhận ra điều đó.

Trong khi Mèn được miêu tả là một anh thanh niên cường tráng cùng với đôi càng mẫm bóng và những cái vuốt ở chân thì Choắt lại bẩm sinh yếu đuối, người gầy gò và trông chẳng khác nào một gã nghiện.

Mèn còn đi trêu chọc chị Cốc và khi bị phát hiện thì chú ta liền chui tọt vào hang. Về phía Choắt, chú cứ loay hoay ở cửa hang nên bị chị Cốc hiểu lầm và mổ chết.

Không ai khác mà chính Dế Mèn đã gián tiếp gây ra cái chết cho Dế Choắt. Cái thói ngang ngược, kiêu ngạo đã khiến chú phải trả một cái giá đắt là sinh mạng của người bạn mình.

“Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy!” – Dế Choắt

Sau lỗi lầm đó, bạn đọc có thể thấy được sự thay đổi trong tính cách của Mèn. Chú đã học được cách giúp đỡ chị Nhà Trò, một kẻ vốn suy dinh dưỡng, mẹ lại mới mất, chị phải mang vác trên mình món nợ với bọn Nhện.

Trước tình cảnh thảm thương đó, Dế Mèn cũng phải động lòng. Chú ta đã ra tay giúp chị Nhà Trò và nhà Nhện xóa bỏ mối hiềm khích và cùng nhau chung sống hòa thuận về sau.

Lời tác giả Tô Hoài
Lời gửi gắm của cha đẻ Dế Mèn phiêu lưu ký

Trên hành trình của mình, Dế Mèn đã gặp được Dế Trũi, nhân vật đã mang lại cho Mèn nhiều bài học hơn cả.

Thoạt đầu, chú ta vẫn chứng nào tật nấy, bắt đầu đánh giá Dế Trũi dựa vào vẻ ngoài xấu xí, thô kệch của nó. Dần dà Mèn mới biết Trũi là một kẻ giỏi võ lại còn tốt tính thì chú lại xin kết nghĩa anh em.

“Tôi hiểu rằng không nên chỉ xem vẻ bề ngoài mà coi thường người khác một cách hồ đồ như vậy.” – Dế Mèn

Kể từ đó, cuộc phiêu lưu của Dế Mèn đã có thêm người bạn đồng hành là Dế Trũi.

Trong một cơn hoạn nạn, ngỡ rằng Trũi đã mất tích, chú Mèn của chúng ta đã học được cách trân quý tình bạn. Nhờ Dế Trũi mà Dế Mèn không còn cô độc và lẻ bóng nữa, gặp khó khăn thì cả hai sẽ cùng nhau vượt qua.

Một tình bạn đẹp và bền vững phải trải qua những cuộc thử lửa, có đắng cay mới có ngọt bùi. Nhờ đó mà cả hai chú dế của chúng ta mới có thể thấu hiểu và gắn bó với nhau hơn.

Sau khi đi qua Vương quốc đầm lầy và làng Cỏ May, đôi bạn đã đặt chân đến Vương quốc Kiến. Họ đã tự rút ra cho mình những bài học thông qua cách thức những chú Kiến làm việc, chúng tuy là loài vật vô cùng nhỏ bé nhưng ý thức kỉ luật lại vô cùng cao và có thể phân công theo đúng trật tự.

Dế Mèn phiêu lưu ký tái bản
Toàn bộ Dế Mèn phiêu lưu ký là quá trình trưởng thành nhân vật Dế Mèn

Cũng chính ở nơi đây, Dế Mèn và Dế Trũi cũng đã kêu gọi các loài vật hãy biết yêu thương và đoàn kết để có thể cùng nhau sinh sống trong hòa bình.

Những bài học bên trong Dế Mèn phiêu lưu ký

Có lẽ không khó để nhận ra rằng toàn bộ Dế Mèn phiêu lưu ký là quá trình trưởng thành của nhân vật Dế Mèn, chú ta từ một kẻ ngạo mạn, bướng bỉnh giờ đây đã biết yêu thương và giúp đỡ người khác.

Cuộc hành trình của Dế Mèn cũng phần nào nói lên hành trình của những người trẻ chúng ta. Ban đầu ta có thể sẽ ngông cuồng, xốc nổi, bồng bột nhưng sau khi đã nếm trải đủ những mật ngọt và đắng cay của cuộc đời thì chúng ta sẽ trưởng thành hơn, cứng cáp hơn và biết cho đi nhiều hơn.

Bạn có thấy rằng những nhân vật bên trong Dế Mèn phiêu lưu ký đều đại diện cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội? Chị Nhà Trò tượng trưng cho những con người nhỏ bé, thân phận thấp kém và phải chịu áp bức bóc lột, Dế Choắt là những kẻ yếu đuối, sống trong cảnh cơ cực, bần hàn và không một ai bảo vệ.

Qua Dế Mèn phiêu lưu ký, người đọc đã thấy được tài năng và tư tưởng của nhà văn Tô Hoài. Tưởng như cuộc du hành của chú Dế Mèn chỉ là một câu chuyện vô thưởng vô phạt, chỉ là những câu chuyện mua vui cho thiếu nhi nhưng nhà văn đã thổi vào đó những giá trị nhân văn cao cả và gửi đến cho cả loài người.

Dế Mèn phiêu lưu ký tiếng Anh
Dế Mèn phiêu lưu ký bản tiếng Anh

Vì thế mà câu chuyện của ông mới sống mãi với dòng chảy của thời gian, trở thành cuốn sách gối đầu giường của biết bao bạn đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tác phẩm của Tô Hoài từ khi ra mắt cho đến tận bây giờ đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau để cuốn sách này có thể tiệm cận với những độc giả trẻ trên toàn thế giới. Đây cũng như là một sự khẳng định cho tài năng của nhà văn Tô Hoài.

Không chỉ có thiếu nhi mà Dế Mèn phiêu lưu ký cũng là một miền kí ức mà người lớn có thể tìm về với những khoảng trời bình yên và tươi đẹp, bởi câu chuyện về những loài vật chưa bao giờ vơi bớt đi sự hấp dẫn cố hữu của nó.

Dế Mèn phiêu lưu ký chính là người bạn đồng hành của tất cả chúng ta, là mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một tuổi thơ tươi đẹp.

Khánh Nguyên