Tấm lòng thiết tha đối với quê hương từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận nuôi dưỡng trang viết của nhiều cây bút. Một trong số đó là I-li-a E-ren-bua (Ilya Grigoryevich Ehrenburg) với tùy bút chính luận Thử lửa, ra đời vào giữa năm 1942.

Lòng yêu nước: Khi tình yêu quê hương nảy nở từ những điều giản đơn

Đoạn trích Lòng yêu nước nằm trong tác phẩm thể hiện một cách sâu sắc tình cảm yêu thương đất mẹ từ trái tim tác giả. Sự xuất hiện của nó đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Liên Xô giữa lúc cuộc chiến tranh vệ quốc rơi vào giai đoạn khó khăn. 

Phong cách văn học của I-li-a E-ren-bua và văn bản Lòng yêu nước 

I-li-a E-ren-bua sinh năm 1891 trong một gia đình Do Thái giàu có ở vùng Kiev. Từ thuở nhỏ, ông đã được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Phong cách văn học của I-li-a E-ren-bua và văn bản Lòng yêu nước 

Chính vì vậy mà trong suốt sự nghiệp văn học, ngòi bút người nghệ sĩ này luôn một lòng hướng về cội nguồn dân tộc. Ông dùng con chữ để đấu tranh cho lẽ phải, phản ánh bản chất tàn bạo của phát xít Đức.

Bên cạnh việc được biết đến với vai trò nhà văn, E-ren-bua còn là một nhà báo lỗi lạc ở đất Liên Xô. Ông không quản ngại gian khó mà đi tìm chất liệu sáng tác từ trong chiến tranh, phơi trải nỗi bi thương của người dân lên từng trang giấy. 

Đối với E-ren-bua, văn học là tấm gương soi chiếu thời đại, vì vậy giới nghệ sĩ phải luôn tôn trọng sự thật, không được che đậy hay giấu giếm. Một người cầm bút sẽ chẳng thể nào cống hiến cho đời nếu anh ta phủ nhận hiện thực.

Với nhiều sáng tác xuất sắc cùng đóng góp tiêu biểu cho nền văn học nước nhà, tác giả được hai lần trao tặng giải thưởng Stalin danh giá. Năm 1952, I-li-a E-ren-bua vinh dự nhận giải thưởng Lênin vì “sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. 

Ngôn từ ông mang đậm nét chính luận song vẫn giữ được chất gần gũi đời thường. Một số tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn học của tác giả là tiểu thuyết Cầu nguyện cho nước nga, Paris sụp đổ, tùy bút Thử lửa hay Biên niên sử của sự can đảm.

Trong đó, Lòng yêu nước là một phần của thiên tùy bút chính luận Thử lửa, được công chúng khắp thế giới đón nhận và yêu thích. Văn bản đã khẳng định chân lý, tình yêu đất nước không phải tình cảm cao siêu mà hiện diện ở chính những điều bình thường nhất.

Ngọn nguồn của tình yêu tổ quốc trong tác phẩm 

Là một người trải qua nhiều sương gió cuộc đời, nhìn thấu nỗi đau thương của dân tộc, ông hiểu hơn ai hết về cội nguồn tình yêu nước. Nó bắt đầu từ những tình cảm đơn thuần với vạn vật xung quanh, sự yêu mến phố phường hay vùng thảo nguyên xanh ngát. 

Ngọn nguồn của tình yêu tổ quốc trong tác phẩm 

Chính thứ tình cảm có phần khiêm nhường ấy đã đặt nền móng đầu tiên cho lòng yêu nước cao quý. Người ta sẽ chẳng thế nào hướng đến các giá trị lớn lao nếu lãng quên đi sự có mặt của những điều nhỏ bé, đơn giản.

Trong trang văn của I-li-a E-ren-bua, mảnh đất Liên Xô giống như một người mẹ tảo tần, dẫu trải qua khổ đau vẫn luôn dịu dàng đối với nhân dân nơi đây. Chiến tranh khốc liệt không làm lu mờ vẻ đẹp mà càng khiến đất nước trở nên lung linh hơn.

Vốn trải nghiệm phong phú cùng các chuyến đi thực tế đã trở thành thứ chất liệu quý báu ôm ấp câu chữ nhà văn. Ông nhớ từng đặc điểm của nhiều địa phương khác nhau, phô bày lên trang giấy sự đa dạng trong thiên nhiên Liên Xô. 

“Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng ‘cô nàng’ gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa.” – Lòng yêu nước 

I-li-a đặt trọn hồn mình vào tác phẩm, hết lòng với nghề văn hệt cái cách người Gru-di-a trân trọng khí trời mà Tạo hóa ban tặng. Chỉ bằng vài nét phác họa, từng vùng miền trên dải đất Liên Xô xinh đẹp như hiện ra vằng vặc trước mắt độc giả. 

Mỗi cá nhân sẽ có cách thể hiện tình cảm đối với cội nguồn khác nhau. Nếu như người thành Lê-nin-grát đi đến đâu cũng nhớ sương mù quê nhà thì người Mát-xcơ-va luôn khắc ghi trong lòng những con phố cũ thân thương.

Con người từ lúc sinh ra đã luôn sống trong sự bao bọc, che chở của gia đình cùng quê hương. Vì thế, họ không thể tự mình tách biệt khỏi cộng đồng, quay lưng với những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại cho đời sau. 

Thấu hiểu điều đó, văn sĩ khéo léo lồng ghép thông điệp ý nghĩa này qua bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nhằm gợi dậy trong lòng nhân dân Liên Xô sự yêu thương đối với con người cũng như cảnh vật từng gắn bó một thời.

“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” – Lòng yêu nước

Từ đó, nhà văn khẳng định khi con người mở rộng vòng tay và trái tim, biết trân trọng mọi vật xung quanh thì họ mới yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Tình cảm này không thể chỉ vài ba ngày là có được mà phải trải qua cả một quá trình bồi đắp, nuôi dưỡng.

Lòng yêu nước và sức mạnh cứu rỗi diệu kỳ 

Khi đất nước yên bình, người ta yêu quý cảnh sắc thiên nhiên, những đô thị tấp nập cùng bóng hình người yêu trong đêm trăng huyền diệu. Lúc quê hương gặp hiểm nguy, họ sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ, thậm chí là cuộc đời để bảo vệ nơi mình lớn khôn.

Lòng yêu nước và sức mạnh cứu rỗi diệu kỳ 

Hoàn cảnh càng khó khăn, khốc liệt thì tinh thần yêu nước càng bộc lộ mãnh liệt và sâu sắc. Bom đạn chiến tranh không hề làm nhân dân Liên Xô chùn bước mà còn dạy họ biết cách trân trọng cũng như bảo vệ cảnh sắc quê nhà.

“Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách.” – Lòng yêu nước 

Tình yêu nước đã mang đến cho nhân dân nơi đây nguồn sức mạnh kỳ diệu, chiến thắng mọi nỗi sợ để tiếp tục hành trình vệ quốc cao cả. Những lúc sức cùng lực kiệt, tâm hồn họ như được an ủi và vỗ về bởi hình ảnh ngõ phố, con sông. 

Không một thứ vũ khí tối tân hay đội quân tinh nhuệ nào có thể chiến thắng lòng yêu nước. Nó giúp mọi dân tộc vượt qua giông bão và xây dựng xã hội thái bình. 

Đối với I-li-a E-ren-bua, cũng chỉ khi đất nước cần, con người mới có thể thấu hiểu được tình cảm của mình lớn đến nhường nào, biết liệu nó có đủ để họ không màng hiểm nguy mà bảo vệ những người thương yêu.

“Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết.” – Lòng yêu nước 

Ở cuối tác phẩm, văn sĩ trực tiếp cổ vũ toàn thể người dân Liên Xô đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập. Hạnh phúc nhân dân với vận mệnh dân tộc là một thể thống nhất, không thể tách rời.

“Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điều giản dị này: ‘Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa’.” – Lòng yêu nước 

Sự ra đời của văn bản Lòng yêu nước cũng như tùy bút Thử lửa của I-li-a E-ren-bua đã tiếp thêm tinh thần cho người dân Liên Xô chiến đấu quả cảm để mang lại sự yên bình vốn có cho quê hương.

Ông đã dùng ngòi bút để vẽ nên con đường tự do cho dân tộc, thắp lên ánh sáng hy vọng giữa màn đêm hiện thực u tối. Đây cũng chính là thanh nam châm thu hút thế hệ mọi thời đại, làm nên tên tuổi nhà văn.

Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng trong Lòng yêu nước 

Trong trang văn, độc giả không chỉ cảm nhận tình yêu nước sục sôi mà còn được chiêm ngưỡng bức họa thiên nhiên vừa hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi thơ mộng của Liên Xô. 

Mỗi vùng miền sẽ có các kiểu khí hậu và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Đó là cánh rừng cạnh dòng sông Vi-na thơ mộng, màu nắng vàng ươm buổi trưa hè xứ U-crai-na hay con suối mát lành ở Gru-di-a.

I-li-a say sưa viết về cảnh vật thiên nhiên rộng lớn với tất cả sự trân trọng và nâng niu. Chính nó đã biến đất nước Liên Xô thành mảnh đất xinh đẹp, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn bé thơ.

Dường như qua sự miêu tả của ông, thiên nhiên không chỉ là khoảng không gian bao la rộng lớn mà nó còn trở thành một sinh thể sống, có cảm xúc riêng. 

Dòng sông quê tưới mát tâm hồn, các cánh rừng bảo vệ nhân dân trước mưa bom bão đạn của kẻ thù. Dường như nó cũng mang trong mình nét tính cách chất phác, hồn hậu hệt như người dân nơi đây.

Cốt cách dân tộc ẩn hiện trong từng câu chữ 

Bất kỳ cây bút chân chính nào cũng đều mang vào tác phẩm những nét tính cách đậm chất dân tộc. Đó là bởi vì, chính quê hương đã nuôi lớn người nghệ sĩ, chắp cánh cho đứa con tinh thần họ bay xa.

Cốt cách dân tộc ẩn hiện trong từng câu chữ 

Hằn sâu trong lời văn của I-li-a E-ren-bua là cốt cách dân tộc Liên Xô với sự hồn hậu, kiên cường và quả cảm. Nó tạo cái phách điệu luyến thương níu hồn người đọc, khiến họ phải dừng tay trên trang giấy đáng lẽ đã lật đi. 

Thiên nhiên hùng vĩ xen lẫn nét thơ mộng, con người thì sống chan hòa với mọi vật xung quanh. Họ yêu thương từng bức tường thành, cánh đồng thơm mùi hoa cỏ và góc công viên quen thuộc.

Nhân dân Liên Xô luôn yêu chuộng hòa bình và luôn đứng về phía lẽ phải, không tiếc mình hy sinh để đổi lại nền độc lập, sự bình yên cho những người thân yêu. 

I-li-a tự hào và trân quý phẩm chất cao đẹp của dân tộc mình, phơi trải nó dưới ngôn từ đầy chất thơ nhưng vẫn giàu khả năng gợi hình. Đây cũng là đặc điểm ngôn ngữ cùng phong cách văn học Nga.

Lòng yêu nước và bàn tay tài hoa của tác giả 

Bên cạnh bức thông điệp đầy ý nghĩa về lòng yêu nước, tác phẩm còn khiến nhiều thế hệ độc giả say mê bởi lối hành văn chặt chẽ cùng lớp ngôn ngữ tinh tế, gợi dậy bao xúc cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc.

Ngòi bút miêu tả của I-li-a E-ren-bua mang đậm sắc thái trữ tình, thể hiện sự son sắc và tự hào về con người cùng đất nước mình. Từ đó, nhà văn dễ dàng diễn tả chính xác cũng như truyền cảm khái niệm lòng yêu nước. 

Bàn tay tài hoa của tác giả còn khiến độc giả ngạc nhiên và ấn tượng bởi sự vận dụng khéo léo nhiều biện pháp nghệ thuật. Ông ví quá trình hình thành lòng yêu nước như chặng đường mà sông tìm về biển. 

Ông còn đưa vào tác phẩm nhiều địa danh của quê hương, chọn lọc các dẫn chứng tiêu biểu để gọi dậy cái hồn sự vật. Vì thế, dù là nhân dân Liên Xô hay dân tộc khác thì vẫn cảm nhận được toàn cảnh đất nước xinh đẹp này. 

Hạ Miên