Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý từ lâu đã đi vào văn chương và trở thành nguồn cảm hứng vô tận nuôi dưỡng trang sách của nhiều nghệ sĩ. Nổi bật trong số đó là cây bút Cho Chang-In với tiểu thuyết Bố con cá gai.
Tác phẩm ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2000 và để lại dấu ấn khó phai mờ. Đây là bản giao hưởng về tình phụ tử cảm động, đồng thời mang đến cho độc giả nhiều bức thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Hành trình đến với văn học của Cho Chang-In và tác phẩm Bố con cá gai
Tác giả Cho Chang-In sinh ra và lớn lên tại Seoul, Hàn Quốc. Ông từng tốt nghiệp cử nhân và cao học tại Đại học Chungang.
Ngay từ khi còn tấm bé, Chang-In đã sớm bộc lộ niềm yêu thích đối với văn chương cũng như sách vở. Ông say mê và miệt mài với từng con chữ, ký thác những tâm tư có phần ngây ngô của mình vào trang viết.
Chính vì tài năng thiên bẩm cùng lòng nhiệt thành mà sau khi lớn lên, Chang-In sớm bén duyên với nghề viết. Ông từng đảm nhiệm vai trò nhà báo, giới thiệu đến bạn đọc khắp nơi nhiều tác phẩm ý nghĩa lúc làm việc trong ngành xuất bản.
Tâm hồn nhạy cảm cùng tài quan sát tinh tế đã khiến ông quyết định dấn thân sâu hơn vào trong nghề, trở thành một nhà văn thực thụ. Chất liệu chính hun đúc nên nhiều sáng tác của tác giả là hiện thực cuộc sống tuy khốc liệt nhưng vẫn lấp lánh sự cao cả và tình yêu thương.
Một số tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là Bố con cá gai, Người gác hải đăng, Con đường hay Người vợ. Dù viết về nhiều đề tài khác nhau nhưng các “đứa con tinh thần” của cây bút này đều phản ánh chân thực cuộc sống, khơi dậy ở người đọc lòng nhân ái và vị tha.
Trong số đó, Bố con cá gai được cho là tác phẩm xuất sắc và thành công bậc nhất, đưa tên tuổi của nhà văn Cho Chang-In vươn tầm quốc tế. Trải qua thời gian dài ấp ủ, tiểu thuyết chính thức xuất bản vào năm 2000.
Daum, nhân vật chính trong tác phẩm được lấy nguyên bản từ đời thật. Sau khi tác giả Chang-In lắng nghe nỗi lòng của người bạn thân thiết về bệnh tình con trai, trái tim cùng bầu máu nóng đã thôi thúc ông viết ngay tiểu thuyết Bố con cá gai.
Tác phẩm đã lấy đi nước mắt nhiều thế hệ độc giả bởi câu chuyện cảm động giữa người cha Jeong Ho Yeon và cậu con trai Jeong Daum. Những sóng gió, bão táp ngoài cuộc đời không thể dập tắt mà ngược lại, khiến cho sự yêu thương ấy càng trở nên đẹp đẽ, cao quý hơn.
Ý nghĩa đặc biệt đằng sau nhan đề Bố con cá gai
Gánh trên vai trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính nên tác giả Cho Chang-In hiểu hơn ai hết tầm quan trọng nhan đề tác phẩm. Nó không đơn thuần là tên gọi mà còn thể hiện phần nào nội dung cũng như tài năng, tư tưởng ở người viết.
Chính vì lẽ đó, nhà văn quyết định đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là Bố con cá gai. Từ khi ra mắt, có rất nhiều độc giả tò mò và thắc mắc về ý nghĩa đằng sau nhan đề đặc biệt này.
Cá gai là một loài động vật vô cùng đặc biệt, sau khi sinh con xong, cá mẹ sẽ rời bỏ chúng như chưa từng có chuyện gì. Thế nhưng ngược lại, những chú cá gai cha vẫn luôn ở đó, dốc lòng bảo vệ các quả trứng khỏi sự tấn công của bên ngoài.
Hình tượng bố cá gai cũng là ẩn dụ tượng trưng sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ bến của người cha Jeong Ho Yeon. Dù có phải một mình nuôi con, đối mặt với bao phen bão bùng thì anh vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con trai bé bỏng.
Người bố Jeong Ho Yeon cao cả trong Bố con cá gai
Bằng ngòi bút sắc sảo cùng vốn trải nghiệm đời sống phong phú, tác giả đã sáng tạo nên hình tượng nhân vật Jeong Ho Yeon cao cả, vĩ đại. Anh là một người cha luôn yêu thương, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đối lấy nụ cười rạng rỡ cho con trai.
Trải qua tuổi thơ bất hạnh, chịu sự bỏ rơi từ những người thân yêu nhưng chưa bao giờ Ho Yeon thôi mất niềm tin vào tương lai phía trước. Dường như chính nỗi đau đó đã khiến anh nhận ra trọng trách nặng nề của mình đối với đứa con bé nhỏ.
Những thương tổn không thể xóa nhòa trong quá khứ của người bố
Ngay từ lúc còn bé, Jeong Ho Yeon đã sớm trải qua nhiều nỗi đau quá sức chịu đựng. Gia đình anh vốn khốn khó khi bố làm công nhân hầm mỏ, phải sống ở nơi tăm tối, ọp ẹp.
Thế nhưng khó khăn đâu chỉ dừng lại ở đó, trong một lần làm việc, bố anh đã bị tai nạn và đánh mất đi đôi chân của mình. Mỗi khi đi học, Ho Yeon phải chịu đựng sự trêu chọc từ bạn bè, khiến thế giới bé thơ mang một màu u tối.
“Cái chân giả, cái chân cao su, cái chân gớm ghiếc lạch cà lạch cạch.” – Bố con cá gai
Không chỉ phải đối mặt với các trò đùa ác ý từ bạn bè, anh còn bị người mẹ mà mình yêu thương nhất bỏ rơi. Thậm chí khi rơi vào bước đường cùng, bố cũng muốn cùng Ho Yeon kết thúc cuộc đời.
Chính bóng đen quá khứ đã để lại nơi trái tim nhiều vết thương mà anh phải dùng đến cả đời cho việc chữa lành. Ho Yeon không muốn đi vào “bánh xe đổ” giống bố, người khiến con mình sống trong hoàn cảnh bất hạnh, đớn đau.
Người chồng luôn hết lòng vì gia đình trong Bố con cá gai
Chứng kiến sự đổ vỡ của bố mẹ nên Ho Yeon quyết định không để bản thân rơi vào tình yêu. Thế nhưng khi gặp được định mệnh đời mình, anh vẫn làm tròn bổn phận, vun vén từng chút một cho tổ ấm nhỏ.
Nhà văn Cho Chang-In đã sử dụng rất nhiều từ ngữ, chi tiết nhằm thể hiện đức tính tốt đẹp của Ho Yeon với vai trò trụ cột gia đình. Dưới yêu cầu từ người vợ, anh sẵn sàng từ bỏ con đường văn chương nhằm tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt hơn.
“Anh đã chuyển ngay sang làm phóng viên tạp chí Phụ nữ với tiền lương gấp đôi. Thỉnh thoảng anh còn giấu tên thật viết bài để gửi ra bên ngoài, hoặc làm công việc phiên dịch, nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá hơn trước.” – Bố con cá gai
Người đàn ông ấy sẵn sàng từ bỏ giấc mơ nghệ thuật cả đời để đổi lấy hạnh phúc gia đình. Vào phút giây đứa con trai dấu yêu chào đời, Ho Yeon biết rằng anh không chỉ sống cho riêng mình nữa.
“Ngắm nhìn đứa trẻ này và chỉ yêu thương một mình nó thôi, mà anh luôn thấy bao nhiêu vẫn không đủ.” – Bố con cá gai
Đến khi bị người phụ nữ duy nhất trong gia đình bỏ rơi, anh vẫn không than trách dù chỉ ở trong suy nghĩ. Ho Yeon luôn trân trọng đoạn tình cảm dẫu ngắn ngủi này, dành những lời tốt đẹp để nói về mẹ trước mặt con.
Đối với Ho Yeon, tình yêu thương chính là cội nguồn sức mạnh, giúp con người ta hoàn thiện chính mình. Vì vậy mà từ một anh chàng mang trong mình nhiều khuyết điểm và tổn thương, anh đã trở thành người chồng, người cha đáng quý.
Người cha sẵn sàng hy sinh tất cả vì con trong Bố con cá gai
Bằng tài năng kể chuyện của mình, văn sĩ Cho Chang-In đã dựng nên câu chuyện vô cùng cảm động về tình phụ tử. Ho Yeon đồng hành cùng đứa con trai trong công cuộc chiến đấu với bệnh tật suốt hai năm ròng rã, dùng sự dịu dàng để vỗ về cậu bé.
Vì mắc bệnh máu trắng hiểm ác, thiên thần nhỏ của anh có cuộc sống rất khác biệt so với người thường. Tuy nhiên, Ho Yeon không cảm thấy bất tiện mà ngược lại, càng thương yêu Daum nhiều hơn.
Đã từng trải qua tuổi thơ thiếu vắng tình hơi ấm và sự săn sóc từ người mẹ nên hơn ai hết, Ho Yeon rất thương con trai mình. Anh cố gắng làm mọi thứ để cậu bé không cảm thấy tủi thân.
Ho Yeon còn hiện lên là một người bố vô cùng tâm lý, dù biết Daum có năng khiếu về điêu khắc và hội họa, anh cũng chưa từng bắt ép cậu bé phải học. Đối với bậc làm cha mẹ, điều quan trọng nhất là thấu hiểu nỗi lòng cùng đam mê của con cái.
“Phần lớn lý do khiến cho cuộc sống của con người trở nên mệt mỏi là vì tham vọng quá độ, cũng như vậy, chính sự kỳ vọng thái quá của bố mẹ sẽ làm cho cuộc sống của con trẻ bị đảo lộn.” – Bố con cá gai
Anh biết rõ từng sở thích, thế mạnh và điểm yếu của con. Dù bận bịu đến mấy, bố Daum đều cố gắng giữ đúng lời hứa, không để cậu bé phải buồn rầu hay thất vọng.
Lần duy nhất người đàn ông ấy nổi giận là khi Daum nói lời xin lỗi mình. Đối với Ho Yeon, cậu bé chưa bao giờ là gánh nặng và vì vậy, anh không muốn con phải trách cứ bản thân.
“Không phải vì con đã mắc lỗi đến ba lần đâu. Sao bố lại không biết đấy là việc Daum không cố tình cơ chứ. Đúng thế, Daum đã không làm sai gì cả. Nhưng vì con đã nói xin lỗi. Không phải với ai khác mà với bố. Vì thế nên bố mới giận.” – Bố con cá gai
Cũng bởi vì sợi dây phụ tử sâu sắc nên Ho Yeon đã hy sinh tình cảm của mình đối với Jin Hee – người hậu bối luôn ở bên cạnh ngay cả khi khó khăn nhất. Anh yêu cô nhưng càng thương đứa con trai yếu ớt tội nghiệp phải chống chọi với bệnh tật hơn.
Nhìn con phải quằn quại hàng ngày vì sự hoành hành của bệnh tật, người làm cha như anh không thể ngừng dằn vặt. Ho Yeon nguyện gánh thay nỗi đau cho Daum, thậm chí dù phải đánh đổi cả sinh mệnh mình.
Không chỉ chăm con một mình, anh còn phải gánh vác gánh nặng tài chính. Viện phí điều trị đắt đỏ luôn là cơn ác mộng, khiến Ho Yeon nhiều đêm trăn trở khôn nguôi.
Để có tiền chi trả cho con, anh đã nhiều lần làm việc trắng đêm bên trang bản thảo. Người cha vĩ đại này còn vứt bỏ lòng tự tôn mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè.
Thậm chí, Ho Yeon còn vứt bỏ tín ngưỡng nghệ thuật cao quý, mang câu chuyện bi thương giữa mình và con trai để xuất bản thành thơ. Vào giây phút này, cuộc sống Daum là trên hết, nó quan trọng hơn cả ước mơ của anh.
Tâm hồn cao đẹp của cậu bé Jeong Daum
Không chỉ người cha Ho Yeon, đứa con trai Jeong Daum cũng khiến trái tim độc giả rung lên từng hồi bởi sự mạnh mẽ, hiểu chuyện của mình. Tuy sống chung với bệnh tật nhưng chưa bao giờ cậu bé làm bố phải buồn rầu hay thất vọng.
Tác phẩm Bố con cá gai đã đồng thời tái hiện cả hai số phận đau khổ, bị ruồng bỏ bởi người mà mình thương yêu. Thế nhưng vượt lên trên tất cả, họ vẫn sống một cách cao cả và đẹp đẽ.
Tuổi thơ thiếu vắng tình thương từ mẹ của Daum
Sinh ra trong một gia đình đầy đủ nhưng theo ngòi bút của văn sĩ Cho Chang-In, Daum tội nghiệp không được hưởng chút tình yêu từ mẹ. Người phụ nữ ấy chưa bao giờ ôm ấp, vỗ về mỗi khi cậu ốm hay khóc nhè mà chỉ toàn lời trách móc, thậm chí đánh đòn.
Chính vì điều đó nên lúc mẹ rời xa mình để đi đến nước Pháp xa xôi thực hiện ước mơ, Daum không hề than khóc khiến bố phải lo lắng. Thế nhưng, sâu trong trái tim nhỏ bé, vẫn có vết xước khó mà xóa nhòa.
Những ngày nằm viện điều trị bệnh máu trắng, cậu đã gặp mẹ của cậu bạn cùng phòng Seong Ho. Sự dịu dàng, ân cần của cô đã khiến đứa trẻ bé nhỏ ấy thoáng nghĩ đến tình cảnh tội nghiệp khi chỉ có bố bên cạnh.
“Bởi vì nếu Chúa cho tôi lựa chọn một trong hai, trí thông minh hay là người mẹ tuyệt vời, thì tôi muốn chọn mẹ cơ.” – Bố con cá gai
Thiên thần bé nhỏ ấy nhiều lần nghĩ về người mẹ nơi phương xa. Cậu không thể hiểu tại sao bà lại nhẫn tâm bỏ mặc mình và bố để đi theo ước mơ.
Đến khi người phụ nữ ấy quay trở về, tâm hồn Daum dường như không thể chấp nhận. Dưới những dòng miêu tả, bà không thay đổi gì cả, vẫn mang dáng vẻ lạnh lùng, chẳng biết về sở thích hay tâm tư con trai.
“Mỗi khi có mẹ ở cạnh thì tôi lại thấy thật khó chịu. Như thể người tôi bị gập lại làm đôi rồi nhồi nhét vào trong một cái thùng ấy. Có lẽ mẹ cũng như vậy. Từ nãy đến giờ cứ năm phút mẹ lại xem đồng hồ một lần.” – Bố con cá gai
Dù có tỏ ra yêu thương, săn sóc như thế nào đi nữa thì cậu bé vẫn không nhìn thấy sự ấm áp vốn có của một người mẹ ở bà. Có lẽ vết xước nơi tâm hồn Daum chưa thể lành lại, hoặc trái tim bé nhỏ này chỉ dành cho bố Ho Yeon.
Sự mạnh mẽ và kiên cường của cậu bé
Nhà văn Cho Chang-In đã xây dựng một nhân vật Daum tuy nhỏ bé nhưng lại vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Chiến đấu với bệnh tật ròng rã suốt hai năm, cậu bé dường như hết sợ kim tiêm cũng như quen dần với thuốc.
Nhiều khi đau đến kiệt quệ nhưng Daum vẫn cố gắng chịu đựng nó trong im lặng. Cậu là một đứa con ngoan ngoãn, không muốn làm người bố tội nghiệp của mình thêm lo lắng.
Suốt quãng thời gian nằm viện, chỉ có bố ở bên chăm sóc đứa con trai bé bỏng ấy từng chút một. Vì thế, Daum rất thương và hiểu rằng mình chính là sức mạnh lẫn niềm hy vọng của bố Ho Yeon.
“Vì thế nên, điều ước của bố, chính là mong tôi khỏe mạnh trở lại. Để khỏe mạnh trở lại có nghĩa là tôi phải chiến đấu với bệnh máu trắng và chiến thắng.” – Bố con cá gai
Cứ mỗi khi thấy bố, cậu bé lại tự an ủi và động viên chính mình. Đứa trẻ ấy uống không biết bao nhiêu viên thuốc đắng, để bác sĩ luồn từng đường ống vào cơ thể với hy vọng sớm khỏi bệnh.
Sự hiểu chuyện đến đau lòng của Daum trong Bố con cá gai
Không chỉ dũng cảm và mạnh mẽ mà Daum còn hiện lên với dáng vẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Từng trang văn miêu tả cậu bé khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào, xúc động.
Dù không muốn gần gũi người phụ nữ đã từng bỏ rơi mình nhưng Daum chưa bao giờ nói ra lời lẽ nào làm mẹ buồn, cậu bé chỉ giấu nó trong chùm suy nghĩ hỗn độn.
Đâu chỉ vậy, cậu còn lo lắng cho cả hạnh phúc tương lai của bố. Daum không muốn mình trở thành gánh nặng ngăn cản Ho Yeon đến với tình yêu đời ông.
Vì vậy mà dẫu Daum và Jin Hee không có nhiều chuyện để nói với nhau cho lắm, cậu vẫn cố gắng chấp nhận cô. Tâm hồn non nớt tờ mờ nhận ra người phụ nữ ấy yêu bố cũng như mình đến nhường nào.
“Cô Jin Hee không phải họ hàng gì với tôi cả, cô chỉ là hậu bối của bố. Hậu bối của bố không phải chỉ toàn là phụ nữ, nhưng hậu bối là phụ nữ đến thăm tôi thì chỉ có cô thôi.” – Bố con cá gai
Thông qua các chi tiết cùng tình huống khác nhau, độc giả còn nhìn thấy ở Daum đức tính cao cả, luôn sống vì người khác. Nhiều lần tái phát bệnh rồi chứng kiến dáng vẻ lo lắng của bố, cậu bé đã từng muốn từ bỏ mà lên thiên đàng với Chúa.
“Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu lần nữa thì mới chết được ạ?” – Bố con cá gai
Dẫu vậy, thiên thần bé nhỏ ấy vẫn ngoan ngoãn và nghe lời người đã không màng đến bản thân mà chăm sóc đứa con trai suốt hai năm dài đằng đẵng, mong ông có được hạnh phúc cho bản thân mình.
Bức tranh hiện thực khốc liệt trong Bố con cá gai
Không chỉ mang đến cho người đọc câu chuyện cảm động về tình cha con, tác giả Cho Chang-In còn phản ánh cả một bức tranh hiện thực tàn khốc. Ông nhìn thấy ở đời nhiều kiếp sống chắp vá, vì đồng tiền mà phải đánh đổi bản thân.
Chính vì cuộc sống cực khổ, không thể theo đuổi ước mơ mà vợ đã rời bỏ Ho Yeon và con trai. Rồi đến cả anh cũng phải từ bỏ phương châm nghệ thuật chân chính để làm những bài thơ chỉ mang tính “chiến thuật”.
“Tuy tiền không mang lại hạnh phúc nhưng nó có khả năng đẩy người ta xuống hố sâu của bất hạnh đến chừng nào cũng được.” – Bố con cá gai
Cho Chang-In còn để cho độc giả cảm nhận một cách chân thật, sâu sắc tình cảnh đáng thương của các bệnh nhân bị mắc bệnh máu trắng. Đối với văn sĩ, cuộc sống này không chỉ toàn màu hồng mà vẫn thấp thoáng đâu đó nhiều mảnh đời bất hạnh, tối tăm.
Ánh sáng lấp lánh của tình người hằn sâu trong trang viết
Dù khoác lên gam màu u buồn, ảm đạm nhưng không vì thế mà Bố con cá gai thiếu vắng đi những trang văn ấm áp tình người. Từ ông bố Ho Yeon, cậu con trai Daum đến các nhân vật khác đều mang trong mình sự cảm thông, lòng trắc ẩn sâu sắc.
Tuy ai cũng có cuộc đời riêng nhưng tất cả đều không khỏi xúc động trước tấm lòng mà Ho Yeon dành cho Daum. Họ luôn cố gắng giúp đỡ hai bố con bằng nhiều cách khác nhau.
Đó là một trưởng khoa Min đã tự đề xuất trở thành người chủ trì chính cho ca ghép tủy của Daum dù không phải người phụ trách hay cô phóng viên Jin Hee luôn tìm cách giúp Ho Yeon trang trải viện phí.
Dường như Cho Chang-In đã gói ghém vào trong tác phẩm quan điểm lẫn tư tưởng của mình về con người và sự sống. Bố con cá gai như một lời khẳng định rằng tình yêu thương, lòng trắc ẩn vẫn luôn hiện diện khắp mọi ngõ ngách cuộc đời.
Những nét đặc sắc nghệ thuật trong Bố con cá gai
Làm nên sự thành công vang dội cho tiểu thuyết Bố con cá gai, bên cạnh nội dung cùng bức thông điệp sâu sắc thì còn phải kể đến bàn tay tài hoa của văn sĩ Cho Chang-In. Ông đã thai nghén nên tác phẩm bằng tất cả tài năng và tâm huyết đời mình.
Tác giả đan xen khéo léo, tài tình hai ngôi kể cùng điểm nhìn trần thuật khác nhau, từ đó giúp câu chuyện vừa khách quan lại lắng đọng cảm xúc. Người đọc cũng vì thế mà nhìn thấy được một cách toàn diện nội tâm phức tạp của các nhân vật.
Không chỉ vậy, nhà văn còn kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp kể và tả. Câu chuyện về tình phụ tử được đặt vào nhiều khung cảnh khác nhau, từ Seoul vội vã cho đến vùng núi rừng rộng lớn, mênh mông.
Vì là người có vốn sống phong phú nên Cho Chang-In cũng rất tinh tế trong việc thể hiện nội tâm nhân vật. Vì vậy mà mỗi một câu thoại, chi tiết viết ra đều khiến độc giả cảm động không thôi.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất