Hiện thực cuộc đời bao la rộng lớn từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận nuôi dưỡng sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Một trong số đó phải kể đến là Mô-li-e, người được ví như nhà viết kịch vĩ đại bậc nhất nước Pháp xinh đẹp.
Văn bản Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục được trích từ vở kịch Trưởng giả học làm sang, ra mắt lần đầu năm 1670. Tác phẩm là sự phê phán sâu cay căn bệnh hư danh kệch cỡm trong xã hội đương thời.
Phong cách văn học của Mô-li-ê và văn bản Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục
Mô-li-e (Jean-Baptiste Poquelin) sinh năm 1622 trong một gia đình làm nghề dệt và kinh doanh thảm ở Paris. Khi tròn mười tuổi, việc mẹ qua đời đã để lại trong ông một vết thương không thể xóa nhòa.
Ngay từ nhỏ, Mô-li-e đã tỏ ra niềm yêu thích mãnh liệt đối với văn chương, đặc biệt là thể loại kịch. Năm hai mươi tuổi, ông quyết tâm dấn thân vào trường nghệ thuật, khao khát hiện thực hóa ước mơ cháy bỏng năm xưa.
Tuy nhiên, chặng đường sáng tác văn học của Mô-li-e không mấy suôn sẻ khi đoàn kịch do ông tạo lập liên tục gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Chính trong giai đoạn khó khăn ấy, ông vừa viết và gánh vác cả vị trí diễn viên.
Trải qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, tên tuổi Mô-li-e dần được nhiều người biết đến và đón nhận. Các vở kịch tiêu biểu là Trường học làm vợ, Tác-tuy-phơ hay Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang.
Được mệnh danh là “bậc thầy của thể loại hài kịch”, các sáng tác do Mô-li-e viết đều khiến cho độc giả phải bất ngờ và thán phục bởi tư duy nghệ thuật mới mẻ cùng quan điểm tiến bộ về con người.
Bằng tài năng văn học cùng những chiêm nghiệm về đời quý giá, ông đã tái hiện một cách sinh động và đầy đủ bức tranh toàn cảnh xã hội Pháp thế kỷ XVII với nhiều hạng người, từ hà tiện, ngạo mạn đến huênh hoang, giả tạo.
Ngòi bút Mô-li-e vừa mạnh mẽ, sắc sảo lại có chút gì đó mỉa mai, châm biết khi viết về những sự thật nghiệt ngã trên đời. Đối với ông, vai trò của văn chương không chỉ dừng ở việc phản ánh cuộc sống mà còn là phương tiện để thể hiện tư tưởng, cải tạo xã hội.
Trưởng giả học làm sang là một trong các vở kịch tiêu biểu cho phong cách của Mô-li-e, gồm có năm hồi. Tác phẩm xoay quanh ông Giuốc-đanh cục mịch, luôn khát khao trở thành quý tộc nên bị nhiều kẻ nịnh hót, lợi dụng nhằm moi tiền.
Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục được trích từ lớp kịch hồi II của Trưởng giả học làm sang, khi Giuốc-đanh đang thử bộ đồ đặt may trước. Văn bản là lời tố cáo thói hư danh đến mức ngờ nghệch, mê muội trong xã hội đương thời.
Bức chân dung nhân vật ông Giuốc-đanh
Với ngòi bút sắc sảo cùng nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật tài tình, Mô-li-e đã dựng nên một bức chân dung rõ nét về ông Giuốc-đanh vừa ngờ nghệch lại lố bịch trong cảnh nhận và mặc lễ phục.
Mỗi chi tiết viết ra đều mang tính châm biếm gã trọc phú lắm của học làm sang. Đứng trước sự xu nịnh giả dối, Giuốc-đanh không còn cả khả năng phân biệt đúng sai, thậm chí sẵn sàng mất tiền để tiếp tục nghe những lời có cánh.
Ông Giuốc-đanh và phân cảnh nhận lễ phục
Phân cảnh đầu tiên có sự xuất hiện của nhân vật chính là Giuốc-đanh và gã phó may. Vì muốn “bắt chước” trào lưu ăn mặc trong giới quý tộc đương thời, ông đã đặt may bộ lễ phục sang trọng, đắt giá.
Thế nhưng, trái ngược với sự kỳ vọng to lớn của Giuốc-đanh, thứ ông nhận lại chỉ toàn “đồ rởm”, nào là chiếc bít tất bằng lụa quá chật , “đôi giày làm đau chân ghê gớm” hay thậm chí hoa văn trên bộ lễ phục bị may ngược.
“Đôi bít tất lụa bác gửi đến cho tôi chật quá, tôi khổ sở vô cùng mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi.”
Đối mặt với sự thật trước mắt, Giuốc-đanh vẫn nhận ra điểm bất thường và liên tục phàn nàn. Tuy nhiên, tình huống gây cười cũng bắt đầu từ đây khi gã phó may lấp liếm để tránh lời trách móc, khiến lão trưởng giả phải thay đổi thái độ.
Nghe thấy người thợ khẳng định các quý tộc đều mặc áo may hoa văn ngược, Giuốc-đanh như vừa học được một kiến thức mới. Ông không còn tức giận nữa mà thay vào đó trở nên phấn khởi, khen ngợi tay nghề gã phó may.
Chưa dừng lại ở đó, khi phát hiện người thợ ăn bớt vải của mình, ông chỉ trách móc nhẹ nhàng. Tâm trí Giuốc-đanh giờ đây đều chú ý vào bộ lễ phục, không mảy may nghĩ ngợi gì đến mọi thứ xung quanh.
Sự mê muội đáng trách của Giuốc-đanh còn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi tỏ vẻ tự mãn và đắc ý trước lời nịnh nọt từ gã phó may rằng trông ông chững chạc như một quý tộc thực thụ.
Chỉ qua đoạn đối thoại giữa nhân vật trưởng giả học làm sang và người thợ may vá trong phân cảnh thử đồ, Mô-li-e đã thành công khắc họa sự ngốc nghếch của Giuốc-đanh, vì muốn giống như giai cấp thượng lưu mà bị kẻ khác chơi xỏ, lợi dụng.
Ông Giuốc-đanh và phân cảnh mặc lễ phục
Yếu tố châm biếm gây cười được tác giả lồng ghép vô cùng khéo léo, xuất hiện ở cả phân đoạn Giuốc-đanh khoác lên mình bộ lễ phục hằng ao ước.
Dưới sự miêu tả của Mô-li-e, lão trưởng giả trông giống như một con rối khi để cho bốn tay thợ phụ mà phó may gọi đến hầu hạ, mặc đồ theo nhịp điệu và thể thức giới thượng lưu.
“Bốn chú thợ phụ ra, hai chú cởi tuột quần cộc của ông Giuốc-Đanh mặc lúc tập kiếm vừa rồi, hai chú thì lột áo ngắn rồi họ mặc bộ lễ phục mới vào cho ông. Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục xong, đi đi lại lại giữa đám thợ, phô áo mới cho họ xem có được không. Cởi áo, mặc áo, chân bước, miệng nói, tất cả đều theo nhịp của dàn nhạc.” – Khung cảnh mặc lễ phục diễn ra vô cùng lố lăng
Không khí vở kịch trở nên nhộn nhịp và thú vị hơn khi màn thay đồ diễn ra theo giai điệu của dàn nhạc. Chính thói học đòi làm sang đã biến Giuốc-đanh từ một trọc phú lắm tiền thành kẻ hề lố lăng.
Nếu như ở cảnh đầu, gã phó may nhờ nhìn thấu lòng ham hư vinh của Giuốc-đanh mà thành công tránh né những sai sót trong quá trình làm việc thì đến phân đoạn này, ông ta lại một lần nữa bị trục lợi bởi đám thợ phụ.
Khi mặc xong lễ phục, các anh thợ cố tình xu nịnh Giuốc-đanh bằng danh xưng “ông lớn”. Cách gọi này khiến lão trưởng giả vô cùng thích thú và thưởng tiền ngay mà không chút do dự.
Không chỉ dừng lại ở tước hiệu “ông lớn” mà tiếp sau đó còn là “cụ lớn” rồi “đức ông”. Tưởng mình đã trở thành bề trên, Giuốc-đanh càng hăng say lấy tiền thưởng cho bốn người thợ.
Dù tính cách có phần “keo kiệt” nhưng đứng trước lời tung hô cùng sự tán thưởng, ông vẫn bất chấp vung tiền. Thói hư danh hão huyền đã hoàn toàn che mờ con người lý trí, khiến Giuốc-đanh không khác gì gã khờ bị lợi dụng.
“Lại ‘đức ông’ nữa! Hà hà! Hà hà! Các chú hãy đợi tí, đừng đi vội. Ta là đức ông kia mà! (nói riêng) Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công, thì nó sẽ được cả túi tiền mất. Đây nữa này, thưởng cho chú về tiếng ‘đức ông’ đấy nhé.”
Vở kịch được đẩy lên cao trào và rồi bùng nổ bởi những tiếng cười châm biếm trước sự hám danh lợi của ông Giuốc-đanh. Đây cũng chính là căn bệnh chung trong giai cấp tư sản đương thời, khiến nhân cách con người bị tha hóa.
Tuyến nhân vật phụ trong Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục
Làm nên thành công cho vở kịch, phải đến sự hiện diện của gã phó may hay đám thợ phụ. Chính các nhân vật này đã giúp Mô-li-e khắc họa một cách rõ nét sự lố bịch đáng chỉ trích trong hành động và lời nói ông Giuốc-đanh.
Nếu gã phó may dùng lời để che giấu lỗi sai thì bốn tên thợ phụ lại hiện ra với thói xu nịnh, lợi dụng người khác nhằm moi tiền của. Tuy không hám quyền lực đến mức lú lẫn như ông Giuốc-đanh nhưng rất đáng khiển trách bởi sự suy đồi đạo đức, vì vật chất mà đánh mất lương tâm.
Các hạng người này được lấy nguyên mẫu từ đời thật và thường xuyên có mặt trong những sáng tác Mô-li-e. Không chỉ làm nền cho nhân vật chính, sự xuất hiện của họ còn mang giá trị tố cáo lối sống giả tạo, nịnh bợ.
Giá trị hiện thực trong văn bản Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục
Là người nghệ sĩ lấy cuộc đời làm gốc, các sáng sáng tác của Mô-li-e đều nhuốm sắc màu hiện thực. Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục cũng không phải ngoại lệ khi nó phản ánh một cách rõ nét thói học đòi trong tầng lớp tư sản đương thời.
Điểm đặc sắc trong kịch của Mô-li-e là nhà văn luôn phát hiện ở đời những điều ít ai nhìn thấy hoặc thường vô tình lướt qua. Để rồi, khi tâm thức và tài năng hòa làm một, ông mang nó lên trang viết mà không chút giấu giếm hay che đậy.
Bằng cách xây dựng hình tượng ông Giuốc-đanh và đặt nhân vật dưới nhiều phân cảnh khác nhau, tác giả đã phần nào lột tả lối sống sai trái, hám danh lợi trong xã hội đồng thời lên án các hạng người “đạo đức giả” suốt đời hèn nhát, xu nịnh.
Văn học sẽ chẳng là gì nếu nó không xuất phát từ cuộc đời dẫu đầy rẫy bất công và dối trá. Với đứa con tinh thần của mình, Mô-li-e đã làm sống dậy cả một tầng lớp tiểu tư sản nước Pháp thế kỷ XVII vì mải mê chạy theo danh lợi hão huyền mà đánh mất bản chất tốt đẹp vốn có.
Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục và tiếng cười nhuốm màu bi kịch
Ẩn sâu yếu tố châm biếm, trào phúng trong tác phẩm chính là bi kịch của cả một thế hệ. Mô-li-e nhận thức được rằng sẽ chẳng có ý nghĩa nếu khi trang sách kết thúc, tiếng cười kia không đọng lại gì nơi tâm hồn độc giả.
Với tư duy nghệ thuật tiến bộ, Mô-li-e không bị phụ thuộc vào các quy chuẩn của chủ nghĩa cổ điển. Ông dùng tiếng cười làm vũ phí, phê phán và tống khứ cái xấu xa, lố bịch ra khỏi xã hội.
Vì thế, nhà văn đã tạo dựng nên hình tượng nhân vật chính với nét tính cách tiêu cực đặc trưng trong tác phẩm. Ông Giuốc-đanh càng ngờ nghệch, lố bịch bao nhiêu thì tiếng cười lại vang lên mạnh mẽ, sâu cay bấy nhiêu.
Đối với hài kịch Mô-li-e, tiếng cười bi kịch là nét nghệ thuật đặc sắc, tô đậm giá trị tác phẩm cũng như lưu giữ dư ba khó quên khi trang văn khép lại. Sâu xa hơn, nó còn chất chứa cả sự chán chường trước thời cuộc và niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp, công bình của nhà văn.
Bàn tay tài hoa của Mô-li-e qua tác phẩm
Không phải ngẫu nhiên mà Mô-li-e được giới phê bình văn học tôn vinh là “bậc thầy của thể loại hài kịch”. Chính bàn tay tài hoa của ông khẳng định vị trí và tầm vóc, đưa thể loại kịch lên một tầm cao mới.
Chỉ bằng lời nói và hành động mà tác giả đã khắc họa toàn diện tính cách lố lăng của ông Giuốc-đanh cũng như sự xảo trá ở cả tuyến nhân vật phụ. Mỗi chi tiết trong tác phẩm đều được sắp xếp một cách hợp lý, đẩy vở kịch lên cao trào.
Mô-li-e còn rất tài tình trong việc vận dụng khéo léo các biện pháp nghệ thuật truyền thống để tạo tiếng cười như cường điệu, phóng đại và xây dựng cốt truyện nhiều mâu thuẫn.
Dù đã mấy trăm năm trôi qua nhưng tên tuổi Mô-li-e cùng Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục vẫn để lại trong lòng người đọc dấu ấn sâu sắc. Rồi mai sau, độc giả vẫn sẽ tìm đến các sáng tác của ông để hiểu thêm về cuộc đời và con người.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất