Ru-xô được biết đến là một cây bút cũng như nhà triết học có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học Pháp lẫn cuộc Cách mạng tư sản năm 1789. Hầu hết sáng tác của ông đều chứa đựng các quan điểm tiến bộ, đề cao sự công bình và nhân quyền.
Đi bộ ngao du nằm trong số tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn học giàu triết lý và tư duy của ông, xuất bản lần đầu năm 1762. Văn bản không chỉ khẳng định các lợi ích từ việc đi bộ mà còn bộc lộ tình yêu mến thiên nhiên sâu sắc.
Phong cách nghệ thuật của nhà văn Ru-xô và tác phẩm Đi bộ ngao du
Ru-xô (Jean-Jacques Rousseau) sinh năm 1778 tại Geneva, Pháp. Ông là người có vốn sống phong phú, từng làm nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai trước khi chính thức trở thành nhà văn, nhà triết học và hoạt động cách mạng xã hội.
Xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, Ru-xô gói ghém trong từng câu chữ những tư tưởng tiến bộ về xã hội và giáo dục. Nhà văn đau đáu về số phận con người, quyền được làm chủ cũng như mưu cầu hạnh phúc.
Nhiều sáng tác của văn sĩ phản ánh một cách chân thật thời đại đương thời, gieo vào tâm hồn người đọc hạt mầm của tương lai tươi đẹp, điển hình là tiểu thuyết Giuy-li hay Nàng Hê-lô-i-dơ mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục cũng như thế hệ trẻ với sự phát triển đất nước, Ru-xô dồn tâm huyết và cho ra đời cuốn tiểu thuyết Ê-min (Emile). Với ông, chỉ có học tập mới dẫn dắt con người đến lối sống đúng đắn.
Ngay từ khi ra đời, tiểu thuyết đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía độc giả. Thông qua chuyện nuôi dưỡng cậu bé Ê-min, văn sĩ Ru-xô nhắn nhủ đến mọi thế hệ về tầm quan trọng của giáo dục.
Văn bản Đi bộ ngao du được trích trong phần cuối của bộ tiểu thuyết khi nhân vật Ê-min lớn khôn. Trải qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, thông điệp tác phẩm mang lại vẫn giữ vẹn nguyên giá trị, giúp độc giả nhận thức được lợi ích từ việc đi bộ.
Đi bộ ngao du mang đến sự tự do thưởng ngoạn
Với lối viết hàm súc và cô đọng, tác giả Ru-xô đã bày tỏ một cách thẳng thắn, trực diện quan điểm của mình về chuyện ngao du ngay ở phần mở đầu văn bản. Nhà văn cho rằng đi bộ thú vị hơn đi ngựa, bản thân có thể tự làm chủ thời gian, điểm dừng.
Đây không phải là lần đầu văn sĩ lên tiếng ủng hộ lối sống hòa mình vào cảnh vật xung quanh. Trong suốt hành trình sáng tác văn học, Ru-xô luôn đề cao đời sống thiên về tự nhiên hơn là hưởng thụ để rồi dần lãng quên chính mình.
“Ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều ít thế nào là tuỳ.” – Ru-xô khẳng định đi bộ có thể giúp con người ta tự quyết định thời gian cũng như điểm dừng
Ngòi bút nhà văn trở nên sắc sảo hơn khi đưa ra những lập luận về lợi ích của việc đi bộ. Ông có thể quan sát sự vật ngoài thiên nhiên, khám phá nhiều điều mới mẻ và quan trọng là tới bất cứ đâu mà mình thích.
Không dừng lại ở đó, nhà văn thấy bản thân trở nên chủ động hơn và tự quyết định cung đường kế tiếp, tận hưởng sự tự do quý giá mà không một cỗ xe ngựa nào có thể mang lại.
“Tôi chẳng cần chọn những lối đi có sẵn hay những con đường thuận tiện; tôi đi qua bất cứ nơi nào con người có thể đi qua.”
Đi bằng chính sức lực của mình, đôi lúc nhà văn cũng sẽ cảm thấy mỏi hay bị cản trở bởi thời tiết xấu. Những lúc ấy, ông sẽ đi ngựa hoặc dừng lại bên đường nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành trình.
Thế nhưng, đó chỉ là suy nghĩ bên trong tác giả, còn nhân vật chính Ê-min lại kiên cường và bản lĩnh hơn nhiều. Cậu không bao giờ cảm thấy mệt, luôn tìm cách để vận động.
“Em vào nhà một người thợ, em làm việc; em vận động hai cánh tay để cho đôi bàn chân nghỉ ngơi.” – Đi bộ ngao du
Với sự thông thái cùng các lý luận chặt chẽ, tác giả Ru-xô đã khắc họa một cách rõ nét sự tự do tự tại mà việc đi bộ ngao du mang lại. Chỉ khi làm chủ được chính mình, con người mới khám phá ra nhiều điều thú vị từ cuộc sống xung quanh.
Hành trình khám phá thiên nhiên và cuộc đời
Đối với nhà văn, sự giàu có của mỗi người được đo bằng vốn sống, trải nghiệm và hiểu biết về vạn vật. Đây cũng chính là giá trị to lớn khác mà con người nhận được từ việc ngao du, ngắm nhìn thế giới từ một lăng kính mới.
Thông qua các mảnh đất mà Ru-xô đặt chân đến, ông hiểu hơn về đời sống bên ngoài, trau dồi tri thức để sống một cách ý nghĩa hơn. Nhà văn biết về những sản vật đặc trưng ở từng miền khí hậu, sưu tập vô vàn loài hoa và hóa thạch quý hiếm.
Tác giả còn nhắc đến những tấm gương tiêu biểu của việc đi bộ ngao du để làm sắc bén thêm quan điểm của mình như Ta-lét, Pla-tông hay Pi-ta-go. Thông qua hành trình riêng, họ phát hiện ra nhiều điều mới lạ, tạo tiền đề cho các phát minh vĩ đại.
Ê-min cũng không phải ngoại lệ khi việc đi bộ đã mang đến cho cậu vốn hiểu biết phong phú về thế giới bao la. Cậu bé nhặt nhạnh từng thứ hay ho trên hành trình, biến căn phòng bình thường trở thành nơi sưu tập nhiều món đồ thú vị.
“Nhưng phòng sưu tập của Ê-min thì phong phú hơn các phòng sưu tập của vua chúa; phòng sưu tập ấy là cả trái đất.” – Đi bộ ngao du
Đi bộ ngao du còn thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng nhà văn khi ông khẳng định học tập là chuyện cả đời, không chỉ giới hạn trên sách vở. Phải đi thì người ta mới có thể khám phá nhiều điều bị che lấp, biết nhìn cuộc sống từ nhiều khía cạnh.
Ru-xô dùng trải nghiệm cá nhân cũng như khả năng lập luận thuyết phục để truyền tải đến người đọc giá trị mà việc ngao du mang lại, đồng thời cho rằng mỗi bước chân là một bài học về nhân sinh và vạn vật xung quanh.
Đi bộ ngao du mang đến lợi ích cho thể chất và tinh thần
Ngoài giúp con người mở mang đầu óc và mang đến sự tự do, đi bộ ngao du còn khiến tinh thần thoải mái, vui vẻ mà không cỗ xe tốt nào có thể làm được.
Nhờ vào sự quan sát tỉ mỉ, Ru-xô đã xây dựng nên hai trạng thái đối lập giữa người đi xe ngựa và kẻ đi bộ. Từ đó, văn sĩ đi đến nhận định rằng chỉ có khi hòa vào thiên nhiên, con người mới cảm thấy khoan khoái, yêu đời.
“Tôi thường thấy những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ; còn những người đi bộ lại luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả.” – Đi bộ ngao du
Lời văn Ru-xô viết ra tuy mộc mạc nhưng thấm đẫm tính triết lý và chiêm nghiệm. Vì là người từng trải nên ông hiểu rõ nếu con người muốn thấu hiểu tầm quan trọng của gia đình và bữa cơm ấm cúng, họ phải tự bước đi bằng chính đôi chân mình.
“Ta hân hoan biết bao khi về gần đến nhà! Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế! Ta thích thú biết bao khi lại ngồi vào bàn ăn!” – Đi bộ ngao du
Ở cuối văn bản, tác giả lại một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc đi bộ trong chuyến ngao du thưởng ngoạn. Đi để trở về, lớn khôn và tìm thấy được con người đích thực bên trong mình.
Sợi dây gắn kết con người và thiên nhiên trong tác phẩm
Với trái tim nhạy cảm cùng quan điểm sống tiến bộ, văn sĩ luôn đề cao lối sống thiên về tự nhiên. Trong Đi bộ ngao du, bằng sự so sánh phòng sưu tập của Ê-min với các vua chúa hay nhà tự nhiên học Đô-băng-tông, ông lại một lần nữa thể hiện tư tưởng này.
Phòng sưu tập của những vị vua chúa thì bày biện rất nhiều thứ linh tinh nhưng họ chỉ biết gọi tên chứ chẳng có chút ý niệm gì về tự nhiên. Điều này đi ngược lại sự thật bên ngoài thiên nhiên hùng vĩ, nơi mọi vật ở đúng vị trí, mang linh hồn riêng.
“Những triết gia phòng khách của các ngài nghiên cứu tự nhiên học trong các phòng sưu tập, họ có các thứ linh tinh; họ biết gọi tên nhưng chẳng có một ý niệm gì về tự nhiên cả.” – Đi bộ ngao du
Trong khi đó, phòng sưu tập của Ê-min chứa đựng cả Trái Đất và “mỗi vật đều ở đúng vị trí của nó”. Qua từng bước đi, cậu bé thêm hiểu về tự nhiên, lắng nghe được tiếng thì thầm của cỏ cây, muông thú.
Chính sự so sánh tưởng như khập khiễng nhưng thực chất vô cùng xác đáng này đã làm nổi bật bài học sâu kín mà Ru-Xô gửi gắm. Con người muốn mở mang tri thức, hoàn thiện tâm hồn thì không được tách rời mà phải hòa mình vào thiên nhiên.
Tâm hồn cao đẹp và tư tưởng tiến bộ của tác giả
Tác phẩm Đi bộ ngao du không chỉ chuyên chở đến cho người đọc những giá trị to lớn xoay quanh việc đi bộ mà còn thể hiện phẩm chất cao đẹp cùng tư tưởng tiến bộ của tác giả Ru-xô.
Thấp thoáng trong từng lời văn là tình yêu cùng sự yêu mến cỏ cây sâu sắc. Văn sĩ khao khát mang đời sống tự nhiên đến gần hơn với con người, từ đó khơi dậy lòng thành kính vốn có đối với mẹ thiên nhiên.
Không chỉ mong muốn hòa mình vào vạn vật xung quanh, Ru-xô còn được biết đến như người nghệ sĩ suốt đời hướng đến sự tự do. Đối với ông, đây chính là chiếc chìa khóa mở ra một xã hội công bình, hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương.
Chỉ bằng câu chuyện đi ngộ ngao du muôn thuở, Ru-xô đã bộc lộ rất rõ tư tưởng tiến bộ về việc cân bằng đời sống vật chất và tinh thần. Con người không thể chỉ chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài mà còn phải biết di dưỡng tâm hồn.
Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong Đi bộ ngao du
Nếu như bức thông điệp về việc đi bộ là lớp dư ba đọng lại trong lòng người đọc thì chính bàn tay nghệ thuật tài hoa, khéo léo của Ru-xô lại là thứ làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Giọng văn tác giả thay đổi nhịp nhàng, lúc thì mạnh mẽ khi lại mềm mỏng, giàu chất triết lý. Điều này đã giúp văn sĩ truyền tải đến độc giả mọi thế hệ ý nghĩa của đi bộ ngao du đối với hành trình khám phá thế giới bao la.
Không chỉ vậy, Ru-xô còn thể hiện một cách rõ ràng phong cách viết văn đậm nét dư duy. Ông kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo lý lẽ với các dẫn chứng từ thực tiễn, biến chúng thành tác phẩm thống nhất, hoàn chỉnh.
Đi bộ ngao du khép lại nhưng ý nghĩa sâu sắc mà nó chứa đựng vẫn sẽ mãi còn đó, băng qua mọi thời đại và khắc sâu trong trái tim người đọc.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất