Tôi thấy những vết xước trên ngăn bàn của em, là những vết rạch rất nhỏ nhưng chồng chất lên nhau tạo thành một mớ hỗn loạn xấu xí. Tôi thấy những tờ giấy nguệch ngoạc vài nét vẽ rối tung rối mù, tạo lên một mớ hỗn độn đen thui như chính tâm trạng của mình bây giờ.

Bàn học của em sạch sẽ nhưng có phần kì lạ, mọi thứ sắp xếp bừa bãi chứ không theo một môn học nhất định, những món đồ em cứ để lung tung như kiểu chỉ cất chúng vào đấy chứ không phải là xếp cho dễ lấy. Tôi chợt nghĩ đến bàn học trong lớp, chiếc bàn dơ dáy với những từ ngữ tệ hại khiến tâm tình tôi tệ đi hẳn.

Phòng em không gọn gàng cho lắm, chiếc giường rối tung với chiếc chăn ném vội, mấy bộ quần áo vốn nên treo trong tủ cũng bị vứt hết xuống sàn, trong đó tôi còn thấy bộ đồng phục áo sơ mi trắng loang lổ vết mực, vết dơ và có cái còn bị rách toác cả lên.

Sau những bức tranh em treo trên tường là những bí mật em hằng chôn giấu, là những câu chữ em dùng bút viết lên, là những vết mực đỏ em tự nguyền rủa chính mình, nguyền rủa cái thân xác tồi tàn đang mục rữa.

Em vừa chết hồi tuần trước.

Họ nói là tự tử, nhiều học sinh thấy em leo lên lan can rồi thả mình xuống dưới. Nếu chỉ là tầng một tầng hai thì có lẽ chỉ gãy đôi vài thứ nhưng em lại ngã từ tầng năm xuống, khi đó chẳng ai kịp ngăn cản dù nhiều người ở bên mà em cũng chẳng ngại ngần mà buông mình.

Tôi lớn hơn em mười tuổi, khi em mới mười bốn thì tôi đã hai tư, tôi đi lên thành phố học hành và làm việc còn em ở lại với ba mẹ. Từ nhỏ, em đã bị so sánh với tôi, về việc học, cách cư xử và rất nhiều điều, tính cách em ương bướng, dễ tổn thương nên luôn luôn chống đối lại lời ba mẹ nói.

Thì cái tuổi của học sinh cấp hai vốn là cái tuổi bạo động, nhưng tôi thấy em vẫn nghe lời lắm chỉ là ba mẹ lại không thích vì thành tích học tập em không xuất sắc như họ mong muốn. Tôi từng thấy ba mẹ chửi bới, đánh em khi em chỉ vô tình làm bể một cái chén ăn cơm, chỉ là vô tình nhưng với ba mẹ thì đó lại là một cái lỗi rất là lớn, lớn đến mức mà họ có thể lôi đủ mọi chuyện ra chì chiết, chửi bới.

Nhiều lần em giận dỗi, khóc lóc cãi lại và cũng là nhiều lần em bị đánh, bị tổn thương. Dù cho tôi can ngăn, lên tiếng nhưng khi tôi không ở nhà thì mọi chuyện vẫn cứ thế mà diễn ra như thường.

Chỉ là tôi không ngờ em còn bị cô lập, bắt nạt trên trường.

Bản thân em là cô gái quê nghèo khổ, gia đình tôi cũng nhờ vào việc làm nông mà nuôi sống nên em chẳng có làn da trắng muốt hay biết cách ăn diện như bao cô gái nhỏ, em cũng không biết cách nói chuyện hay kết bạn nên thành ra em bị mọi người bỏ rơi trong lớp học lạnh lẽo, họ thấy em một mình nên đem ra bắt nạt, làm trò tiêu khiển, những thú vui bọn con nít làm chỉ để thỏa mãn tụi nó nhưng lại dồn ép một người đến bước đường cùng.

Trước khi em tự tử thì em đã phản kháng lại những trò quá đáng của bạn học, giáo viên cũng không biết chuyện gì xảy ra, cô chỉ thấy trẻ em trong lớp đánh nhau là sai nên mời ba mẹ hai bên lên giải quyết. Tôi nghe mẹ nói, mẹ lỡ đánh em trước mặt bạn bè và thầy cô, mẹ nặng lời mắng chửi mà không hề hỏi han điều gì vì bà thấy mất mặt và xấu hổ.

Không ngờ chính điều đó lại làm em chạnh lòng và tổn thương, cũng có lẽ do nhiều điều tích tụ sâu trong lòng dồn ép em đến cùng, nào là bị bắt nạt, nào là cách ba mẹ dạy dỗ khiến em cảm giác như bị nghẹt thở trong cái lồng giam vô hình. Và, em phản kháng bằng cách kết thúc đời mình để thoát khỏi điều đó.

Tôi đọc được nhật ký của em, những dòng bút non nớt viết lên giấy cùng với những vệt nước mắt chảy dài.

Những nỗi đau, tủi nhục mà em chịu đựng, những ngày u ám mỗi khi đến trường và những đêm em sợ hãi co mình trong phòng sợ sớm mai đến và em lại bắt đầu cam chịu tháng ngày đau đớn, là những ngày em sống mà chỉ muốn chết đi từng giờ.

Thu Hương | Gửi từ group Hall of Dreamers