Hàn Mặc Tử là thi sĩ có phong cách vô cùng sáng tạo và bí ẩn trong làng Thơ mới. Ông đặt nền móng cho dòng thơ lãng mạn Việt Nam, luôn gửi gắm vào những tác phẩm của mình một tình yêu cháy bỏng với cuộc sống, khát khao tình người đến xót xa.
Tuy tài hoa là vậy song “chữ tài đi với chữ tai một vần”, cuộc đời ông nhuốm màu đau thương, bạc mệnh. Trải qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm, thơ văn Hàn Mặc Tử ngày càng chứng tỏ được sức sống bền bỉ và là giá trị khó phai mờ trong nền văn học Việt Nam.
Hàn Mặc Tử là ngôi sao cô đơn trên bầu trời Thơ mới
Hàn Mặc Tử chính tên là Nguyễn Trọng Trí, sinh tháng 9 năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tuy vậy ông gần như gắn bó trọn đời với mảnh đất Quy Nhơn đầy nắng và gió.
Tổ tiên Hàn Mặc Tử vốn xuất thân từ họ Phạm ở Thanh Hóa. Cụ tổ ông là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, bị truy nã nên người con trai Phạm Bồi phải dời vào Thừa Thiên Huế, sau đổi sang họ Nguyễn của mẹ.
Thi sĩ vốn thể chất yếu ớt từ nhỏ , tính tình hiền lành lại chăm chỉ học hành và thích kết bạn để đàm đạo văn chương, thơ phú. Cha ông là Nguyễn Văn Toàn làm thông ngôn ký lục nên thường đi nhiều nơi, do đó Hàn Mặc Tử cũng theo học nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ, Quy Nhơn, Bồng Sơn, Pellerin Huế.
Từ thuở thiếu niên, Hàn Mặc Tử đã bộc lộ năng khiếu làm thơ, ông gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng lớn từ vị danh sĩ này, về sau lại được cụ Phan giới thiệu tác phẩm Thức khuya của mình lên một tờ báo.
Năm 1933, nhà thơ bắt đầu vào Sài Gòn lập nghiệp rồi làm ở Sở Đạc điền thời gian ngắn. Về sau, ông trở thành phóng viên phụ trách trang thơ của báo Công luận. Làm được ít lâu thì Hàn Mặc Tử lại trở về Quy Nhơn.
Năm 1935, gia đình đã phát hiện trên người thi nhân có dấu hiệu của bệnh phong. Tuy vậy ông không quan tâm vì nghĩ rằng chỉ là chứng ngứa không đáng kể, đâu ngờ lại là một căn bệnh nguy hiểm, nan y.
Khoảng từ năm 1938 đến năm 1939, Hàn Mặc Tử đau nặng nhưng không dám nói với ai mà chỉ gào thét đau thương trong thơ mà thôi. Về sau, ông được đưa vào trại phong Quy Hòa để điều trị và qua đời một thời gian ngắn sau đó.
Bút danh gắn liền với cuộc đời bi thương của Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử chỉ là bút danh, còn nhà thơ tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Theo các nhà nghiên cứu, bút danh ấy được kết hợp giữa nghĩa của từ tiếng Hán và Việt. “Hàn” dùng để chỉ bút lông, “Mặc” tức mực dùng để viết, “Hàn Mặc Tử” mang hàm ý chỉ người viết văn, làm thơ, người có duyên với văn chương.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu về vấn đề phân thành hai “trường phái” khác nhau là Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử.
Ông Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ cho biết sinh thời anh trai mình vô cùng ngưỡng mộ triết gia Mặc Dịch thời Chiến Quốc và tự nhận mình thuộc môn phái này. Chữ “Mặc Tử” mang hàm ý môn đồ Mặc Dịch còn chữ “Mạc Tử” thì không có ý nghĩa.
Tuy vậy, theo những tài liệu khác ghi chép lại thì chữ “Mạc Tử” gắn với một câu chuyện về mối tình với nàng Hoàng Cúc của Hàn Mặc Tử. Bạn bè ông kể lại rằng có nhiều hôm thi sĩ ngồi thừ trên chiếc ghế mây, nhìn qua bức mành tre sáo trước cửa, đợi cô Cúc đi ngang qua, trông đến thiểu não.
Bạn bè đến chơi trông thấy ông ngồi buồn bã như kẻ thất tình, nên thường trêu đùa là con người sau bức rèm lạnh và gọi vui Hàn Mạc Tử. Chữ “Hàn” ở đây mang nghĩa là lạnh và chữ Mạc không dấu là bức màn, hai chữ “Hàn Mạc” là bức rèm lạnh.
Trước khi bước vào nghề văn, thi sĩ gốc Quảng Bình còn lấy bút danh là Minh Duệ Thị, sau đổi thành Phong Trần. Nhà thơ Quách Tấn chê rằng bút danh này không hợp với ông nên lại đổi qua Lệ Thanh.
Tuy cuộc đời mang nhiều đau thương, cay đắng song Hàn Mặc Tử lại là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất, có nhiều đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam, đặc biệt là dòng thơ trữ tình lãng mạn.
“Tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mặc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mặc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đều sáu, bảy tập. Học thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ.” – Nhà phê bình văn học Hoài Thanh
Biết bao độc giả phải rùng mình khi đắm chìm vào hồn thơ u ám và đẫm sương lạnh của ông. Hàn Mặc Tử đã ghi dấu ấn đậm nét qua nhiều tuyển tập tác phẩm như Thơ điên, Mật đắng, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội, Gái quê, Thượng Thanh Khí, Xuân Như Ý, Cẩm Châu Duyên.
Đây thôn Vĩ Dạ là viên ngọc sáng mãi trong đời thơ của thi sĩ
Đây thôn Vĩ Dạ với chất thơ riêng biệt cùng hình ảnh người con gái Huế thân thương đã mãi khắc sâu trong tâm trí người yêu văn chương, được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới Việt Nam.
Thông qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu tha thiết giữa cảnh và người đồng thời bày tỏ tâm trạng buồn, hoài nghi của những mặc cảm không thể rũ bỏ.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” – Đây thôn Vĩ Dạ
Miền ký ức Vĩ Dạ được khơi nguồn trong một buổi sớm mai khi ánh bình minh chan hòa khắp khu vườn. Ấn tượng sâu nhất được vương lại từ những câu thơ đầu tiên chính là không gian ngập tràn sắc nắng, đặc trưng của xứ sở miền Trung.
Không phải là nắng ửng trong “làn khói mơ tan”, cũng chẳng phải “nắng chang chang dọc bờ sông trắng”, nắng ở đây là thứ nắng mới tinh khôi, không đậm màu đậm hương.
Hình ảnh “hàng cau” là đặc trưng thứ hai ở xứ Vĩ bởi cau là loại cây tô điểm không thể thiếu trong cấu trúc nhà vườn xưa, gợi đến truyền thống cau trầu, nét văn hóa gìn giữ của mảnh đất cố đô.
Hơn thế nữa, cau lại là cây cao nhất trong vườn, vì vậy mỗi ban mai, khi những tia nắng đầu tiên lấp ló đổ xuống, cau hướng lên hứng nắng nhẹ nhàng, nắng tràn xuống thân cau từng đốt một cũng là lúc cả khu vườn được tắm bởi nắng sớm.
Ý thơ “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” có thể nói là một so sánh độc đáo và vô cùng tinh tế. Một khoảng xanh vườn tược được hiện ra. Nhắm mắt lại ta cũng hình dung ra ngay cái màu xanh mỡ màng, mượt mà của vườn cây.
Ở đó không chỉ có màu xanh của vẻ đẹp thiên nhiên mà nó còn tràn trề sức sống mơn mởn. Những tán lá, cành cây được gột rửa bởi sương đêm đã trở thành “lá ngọc”. Từ “mướt” gợi tả lên vẻ đẹp ngồn ngộn sức sống, cao quý, lấp lánh và đầy trong trẻo.
“Khuôn mặt chữ điền” hiện ra sau những nhành lá trúc hư hư thực thực, cảnh và người hòa hợp trong nhau, đến một lần là cả đời chắc chắn sẽ không bao giờ quên được.
Câu hỏi tu từ đầu thi phẩm cất lên đầy ẩn ý, giống như lời mời gọi lại cũng như lời trách móc, thở than, Điều cốt lõi những độc giả thấy được ở đây chính là nỗi niềm tha thiết, xúc động của người thi sĩ khi được trở về với mảnh đất nhiều kỉ niệm dù chỉ là trong tâm tưởng.
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?” – Đây thôn Vĩ Dạ
Bức tranh thứ hai hiện lên tương đối khác so với bức tranh thứ nhất, khi có sự “nhảy cóc” từ ánh sáng bình minh tới không gian mơ màng của đêm trăng. Cảnh vật thi vị, gió nhè nhẹ, mây lững lờ bay trong một đêm thanh vắng.
Tưởng chừng như cả gió và mây đều cố khẽ khàng để không phá tan bầu yên tĩnh. Một bức tranh gợi sầu, gợi buồn, cái dáng Huế mấy mươi thế kỉ cơ hồ cũng chỉ có thế thôi. Không khí trầm tịch của đất cố đô dường như được khắc họa chỉ qua mấy nét chấm phá.
Đối với Hàn Mặc Tử, “trăng” là tri âm, ám ảnh, một hiện tượng độc đáo trở đi trở lại trong rất nhiều tác phẩm của ông. Hồn thi sĩ và trăng hòa quyện với nhau, vì nhau mà tồn tại. “Có chở trăng về kịp tối nay” ẩn chứa niềm tha thiết cháy bỏng, niềm tin yêu cuộc sống mạnh mẽ đầy khát khao, đầy hy vọng.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?” – Đây thôn Vĩ Dạ
Đến với khổ thứ ba, mọi ký ức đã trở nên mơ hồ, dòng tâm tưởng chờn vờn như một giấc mơ. Do đó mà những hình ảnh xuất hiện cũng chập chờn, thiếu rõ ràng, bồng bềnh như sương khói.
Hình ảnh “vị khách đường xa” chỉ như một tên gọi, không hình dung được dáng hình. “Màu áo trắng” đầy ám ảnh gợi độc giả liên tưởng đến màu áo dài trắng của nữ sinh trường Đồng Khánh, nơi người thương của Hàn Mặc Tử từng theo học.
Có lẽ trong ấn tượng của ông, màu áo tinh khôi thanh khiết ấy đã trở về trong miền ký ức chập chờn, như sáng lên giữa mịt mù sương khói, để thi nhân có thể thấu rõ dáng hình cô gái năm xưa.
Lời thơ kết lại với một câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?” mang bao ưu tư như nhắc nhở, vừa nâng niu, hy vọng lại vừa có chút thất vọng, sự hồ nghi mang bao đau đớn.
“Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ.” – Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh
Bài thơ như khúc đoản ca về tình yêu và niềm khao khát, hướng tìm một mảnh đất cũng là hướng về một mảnh đời. Đây thôn Vĩ Dạ viết theo mạch cảm xúc tâm tưởng, được tạo bởi những nghệ thuật mang phong cách riêng của Hàn Mặc Tử, hình ảnh tượng trưng đầy hàm nghĩa.
Đây thôn Vĩ Dạ xứng đáng là một thi phẩm với những thi từ đẹp nhất, trong sáng nhất. Mỗi tiếng thơ đều đậm đà biết bao cảm xúc, biết bao trăn trở, day dứt, suy tư, thực sự làm rung động trái tim độc giả đến muôn đời.
Hàn Mặc Tử và những vần thơ điên loạn
Hàn Mặc Tử đã trở thành tượng đài phong trào Thơ Mới, một trong những thời đại rực rỡ nhất của thi ca Việt Nam. Ông thực sự phá tung xiềng xích mà những lễ giáo phong kiến cũ thiết lập để khám phá ra một hành trình mới cho nghệ thuật nước nhà.
“Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch…” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Những ngày tháng cuối đời thi nhân bị mắc bệnh phong và phải điều trị tại trại phong Quy Hòa. Căn bệnh nan y ấy khiến ông trở nên suy sụp, khép lòng mình và chìm vào thế giới riêng với những vần thơ điên loạn.
Dường như nỗi cô đơn, đau đớn vì bệnh tật đã khiến thi sĩ rút ruột ra để làm thơ. Trên thi đàn Việt Nam hiếm có ai cất lên được những tiếng thơ đau thương đến thế. Dẫu vậy, ông khi ấy vẫn còn nồng nàn tình yêu với cuộc sống lắm, “chới với bên miệng vực mà vẫn nhìn đời, níu đời”.
“Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.” – Trút linh hồn
Nổi bật nhất trong di sản văn chương mà Hàn Mặc Tử để lại có lẽ phải kể đến tập Thơ Điên xuất bản năm 1938, về sau đã đổi tựa thành Đau thương. Những thi từ rơm rớm máu, thấm đượm chất điên cuồng, mê loạn.
Thơ ông ngập tràn trong “máu”, không khí rùng rợn, tang thương bao trùm lên mỗi thi phẩm. Đó chính là “tiếng kêu rỏ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫng, tan hoang, là tiếng nói của một thân phận bị dồn đẩy vào miệng vực của cái chết.”
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.” – Rướm máu
Đang ở độ tuổi xuân phơi phới, Hàn Mặc Tử phải chịu đựng căn bệnh quái ác ngày đêm hành hạ, nỗi lo về cái chết cận kề dần hủy diệt cuộc sống của thi sĩ. Cảm xúc ngày một bi quan và ông chỉ biết trút hết những tiêu cực đó vào thơ.
“Ta trút linh hồn giữa phút đây
Gió sầu vô hạn núi trăm cây
Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày.” – Trút linh hồn
Dẫu có đau đớn thế nào thì tình yêu tha thiết với cuộc sống của Hàn Mặc Tử vẫn còn rất lớn. Lòng ham sống mãnh liệt được thể hiện qua những hình ảnh đẹp đẽ, tươi sáng. Tình yêu ấy vẫn đủ mạnh mẽ để níu kéo một tâm hồn tuyệt vọng.
“Tuyệt vọng có thể chấm dứt hy vọng nhưng không chấm dứt được tình yêu. Tình yêu ở Hàn Mặc Tử càng mãnh liệt, càng tuyệt vọng, càng tuyệt vọng, càng mãnh liệt. Và như một nghịch lý khó hiểu, tình yêu tuyệt vọng đã trở thành một cách thể yêu đời của Hàn Mặc Tử.” – Sưu tầm
Thưởng thức tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử, độc giả dường như cảm nhận được cái ham muốn tột cùng trong tâm trí thi sĩ là tìm tới một cõi siêu thực, để có thể cứu cánh ông khỏi nỗi đau thương đã quá sức chịu đựng.
Những ai đã đọc Thơ Điên chắc hẳn đều thấy được vẻ kỳ dị tràn ngập từng câu chữ. Ông hay nói tới cái sự rơi rụng, tàn rữa của thân xác và đề cập tới các hành động mạnh bạo như “ăn, đớp, nuốt, nhả, mửa, khạc” đầy quái đản.
“Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.” – Say trăng
Tuy siêu thực và đầy mộng mị nhưng các tác phẩm của ông vẫn có yếu tố lãng mạn níu lại. Sự kết hợp tinh tế ấy giúp cho nỗi niềm thương đau trở nên huyền bí, kỳ ảo. Nó chạm tới tận đáy sâu trong tâm hồn của tất cả những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử và những nàng thơ thoảng qua cuộc đời
Trong tình yêu đôi lứa, Hàn Mặc Tử nguyện hy sinh tất cả mà chẳng hề đòi hỏi người phải dành tình cảm cho mình. Nhiều mối tình đơn phương chỉ đem lại cô đơn song ông vẫn yêu và cất lên những vần thơ tha thiết, đắm say.
Người tình đầu tiên của chàng thi sĩ tài hoa là nàng Mộng Cầm. Ông dường như dành trọn những gì tốt đẹp, tươi mới nhất từ tuổi trẻ cho cô gái ấy, một người đem lại nguồn thi hứng bất tận song cũng gây nên cho nhà thơ nỗi đau tột cùng.
Hàn Mặc Tử say đắm Mộng Cầm ngay từ những ngày đầu tiên bước chân lên Sài Gòn làm báo. Để có thể gặp gỡ nàng thơ của mình, tuần nào ông cũng dành thời gian đi xe lửa ra Phan Thiết.
Theo những gì mà người bạn thân của Mộng Cầm là Châu Hải Kỳ kể lại, phải chăng cô chỉ yêu thơ Hàn Mặc Tử chứ không hẳn là yêu ông. Có nguồn thông tin khác cho rằng vì nàng học y nên sớm phát hiện thi sĩ đã mắc bệnh phong, mệnh yểu khó sống lâu nên viện lý do tôn giáo khác biệt để né tránh tình cảm.
“Họ đã xa rồi không níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…” – Những giọt lệ
Có tư liệu cho rằng mối tình đầu của thi sĩ không phải Mộng Cầm mà là một cô gái Huế tên Trà, con gái út người cậu họ. Mối tình ấy có lẽ là yên bình, tĩnh lặng nhất, không ồn ào song lại đau đáu khó quên.
Hai người do có cùng sở thích là viết văn và đọc báo nên sớm xích lại gần với nhau, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Dẫu vậy ông lại chẳng sáng tác nổi câu thơ nào dành cho cô vì tình yêu quá thổn thức, khác hẳn với những mối tình sau này đều được “giải tỏa” bằng văn chương.
Người tình thứ hai mà Hàn Mặc Tử yêu say đắm đó là cô Hoàng Cúc, được phỏng đoán là nàng thơ trong tuyệt phẩm Đây thôn Vĩ Dạ. Cô gái quê ấy chân phương, thật thà lại nết na, thùy mị, khiến chàng thi sĩ ngày đêm mong nhớ, ôm mộng tương tư.
Năm 1939, nàng Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Tin ấy đối với Hàn Mặc Tử mà nói chẳng khác nào sét đánh ngang tai, suy sụp như thể nàng cất bước theo chồng. Về sau cô có gửi thư hỏi thăm nhà thơ và tặng kèm một bức tranh phong cảnh. Ông đã viết bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để đáp lại tấm chân tình ấy.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” – Đây thôn Vĩ Dạ
Mối tình thứ ba là cô gái Mai Đình, rất có học thức và cực kỳ ái mộ những vần thơ bay bổng của Hàn Mặc Tử. Trớ trêu thay khi ấy thi sĩ biết bệnh mình trở nặng nên nhất quyết né tránh Mai Đình cho dù cô đã đến tìm nhiều lần.
Thậm chí cô Mai Đình còn tuyên bố chỉ coi Hàn Mặc Tử là chồng chính thức, ngỏ ý giúp đỡ ông chút tiền để chạy chữa, thuốc thang. Lâu dần hai người trở nên tâm đầu ý hợp, thường xuyên gặp gỡ xướng họa. Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán nàng thơ trong tập Thượng Thanh Khí chính là cô Mai Đình.
“Non nước tâm tình rộng bốn phương
Đòi em làm Nhạc, tôi làm Hương
Đêm nay đại yến Lâm Xuân Các
Điêu Thuyền đàn khúc Tề Tuyên Vương
Xong rồi đôi ta qua Đào Nguyên
Em làm rượu ngọt, anh làm men
Tiên cô không đợi duyên mời mọc
Say thôi gò má đỏ rần lên…” – Mơ duyên
Một hai năm trước khi mất, có một sự tình cờ đến bên đời Hàn Mặc Tử, đó là giai nhân có cái tên khả ái, Thương Thương. Dẫu vậy, ông lại chẳng biết gì nhiều về người con gái ấy ngoài hai chữ Thương Thương.
Có tài liệu cho rằng, bạn thân của nhà thơ là Trần Thanh Địch vì thương bạn mà nghĩ cách lấy tên Thương Thương để viết thư cho ông. Dù chỉ trao đổi với nhau qua những con chữ song tình cảm thi nhân dành cho người con gái ấy đã ngày một lớn dần.
Về sau, khi Hàn Mặc Tử biết được thân phận cô gái Thương Thương thì dường như thế gian sụp đổ. Bệnh tình ông trở nặng và phải đưa vào nhà thương để điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bệnh khó chữa do ông sử dụng nhiều loại thuốc có độc tố làm ảnh hưởng đến nội tạng.
“Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng,
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn…” Trường tương tư
Hàn Mặc Tử đã đặt biệt danh cho nàng là “người lụa bến sông Hương”, tình yêu ấy vẫn chắp cánh cho hồn thơ ông bay bổng, sáng tác nên những vở kịch thơ đầy ngọt ngào và lãng mạn trong Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.
Một mối tình khác thoáng qua trong đời Hàn Mặc Tử chính là cô Ngọc Sương, chị ruột nhà thơ Bích Khê. Nàng xuất hiện tựa như sự an ủi của Chúa dành cho ông, để những ngày tháng dày vò vì bệnh tật không còn quá đau đớn.
“Thơ tình của Hàn là những lời tình đau thương nhất trong thi ca Việt nam, bởi nó gói trọn cả không gian, cả thiên nhiên vạn vật trong đau khổ, gói cả cõi thơ, cả linh hồn vào một vùng không gian xuất huyết, chết theo với bóng tà ác lặn.” – Sưu tầm
Bất hạnh đến vậy song ông trời vẫn không dành cho ông chút an ủi cuối cùng lúc sắp từ trần. Hàn Mặc Tử qua đời khi xung quanh chẳng có người thân, bạn bè hay nàng thơ nào bên cạnh. Chỉ có tiếng sóng biển và rặng thông reo trên đồi ru ông vào giấc ngủ ngàn năm.
Thi sĩ họ Hàn và mối lương duyên kì lạ với “trăng”
Hàn Mặc Tử là thi nhân mang hồn thơ “điên loạn”, chạm tới những điều mà người thường không bao giờ tưởng tượng được. Miền hư ảo của ông quẩn quanh mối tương quan giữa hồn – trăng – máu, chắc hẳn sẽ khiến bất cứ ai cũng rùng mình khi thưởng thức.
Trăng trong tiềm thức con người bất hạnh ấy không chỉ mang dáng hình thuần khiết của sự vật mà còn là minh chứng hùng hồn rằng thế giới tưởng tượng của ông là có thật, luôn tồn tại song hành với chúng ta.
“Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô.” – Huyền ảo
Nhà thơ luôn khao khát thoát khỏi trần thế bi ai để tìm về với cõi an nhiên, cõi vĩnh hằng. Ông lấy trăng làm điểm tựa, ánh sáng dịu dàng ấy sẽ gột rửa được những nỗi thống khổ tầm thường. Trăng tuôn ra từ đầu ngọn bút, vừa trần tục lại vừa thiêng liêng.
“Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực…” – Hồn là ai
Trăng và hồn thi sĩ như hòa vào làm một, từ đó họa ra thế giới hư vô, ngập tràn ảo ảnh lung linh. Trăng đại diện cho mong muốn tột cùng của Hàn Mặc Tử, đó chính là khát khao được thoát tục, thoát khỏi những khổ ải tầm thường đang ngày đêm bủa vây.
“Nàng thơ” đặc biệt ấy cũng tượng trưng cho cuộc đời chứa đầy nước mắt của thi sĩ. Không chỉ chịu đựng nỗi đau thể xác mà tinh thần cũng bị dày vò bởi những yêu thương không trọn vẹn.
“Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người…” – Sưu tầm
Trăng qua ngòi bút của Hàn Mặc Tử vẫn luôn thấm đậm đớn đau như thế. Tuy vậy vầng trăng đơn độc ấy cũng ít khi được trọn vẹn, ông đành lòng chia nửa vầng trăng như thể mong muốn chúng đồng cảm với mình.
“Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!” – Một nửa trăng
Có lẽ ông trời cũng quá sức nhẫn tâm khi ban cho Hàn Mặc Tử sức sáng tạo vô biên nhưng lại khiến ông đau thương để khơi nguồn cho dòng cảm hứng. Với tác giả, thương đau đồng nghĩa với sáng tạo, là phương tiện để chạm tới cung bậc cảm xúc con người.
Hơn hết, trăng vẫn luôn được coi là người bạn tri âm, tri kỷ của Hàn Mặc Tử. Ông dùng trăng để thổi hồn vào thơ, nhân hóa như thể chúng cảm nhận được tình yêu, thù hận.
Con thuyền trăng chở nặng nỗi niềm thi sĩ, gieo vào lòng độc giả hậu thế biết bao tâm tư, suy ngẫm chẳng biết giãi bày cùng ai. Ông yêu trăng, trân trọng như một phần của cơ thể.
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.” – Bẽn lẽn
Trăng trong thơ Nguyễn Du gợi tình, gợi cảm, ánh trăng Xuân Diệu nhẹ nhàng, tha thiết còn thuyền trăng của Hàn Mặc Tử lại đầy bí ẩn, dị thường. Ông say cùng trăng, giỡn với trăng, ôm ấp trăng vào lòng mà thủ thỉ, tâm tình.
Trăng của Hàn Mặc Tử vừa đẹp như một giấc mơ, lại giống như cô gái đang phô diễn nét đẹp hình thể. Bóng trăng ấy rất quyến rũ, mê hồn, lả lơi trêu ghẹo những anh chàng si tình một cách đầy táo bạo.
“Trong khóm vi lau hồi hộp mãi:
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…” – Bẽn lẽn
Dẫu tri kỷ là vậy song cũng có lúc Hàn Mặc Tử muốn “bán trăng” đi, để nó rời xa không dấu vết. Phải chăng bởi nó vừa xoa dịu nỗi đau nhưng cũng là tác nhân gây nên nỗi đau mà ông ngày đêm phải chịu đựng.
“Trăng! Trăng! Trăng! Là trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ.” – Trăng vàng trăng ngọc
Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử đa dạng và nhiều màu sắc, ngôn từ ấn tượng gợi cho độc giả biết bao liên tưởng phong phú. Tâm hồn ông thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu, không chỉ đem đến niềm thương cảm mà còn vương lại cảm xúc thẩm mĩ khó quên.
Cuộc đời Hàn Mặc Tử cũng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho hậu thế, trải dài trên hầu hết các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc.
”Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử.” – Nhà thơ Chế Lan Viên
Ông được xem là một trong những “hiện tượng” kì lạ nhất của nền văn chương Việt Nam. Các tác phẩm đều vượt ra khỏi cái vòng an toàn mà lễ giáo phong kiến đã áp đặt.
Gần một thế kỉ đã trôi qua nhưng “hiện tượng” Hàn Mặc Tử vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hiện đã có hơn một trăm công trình, chuyên đề lớn nhỏ để nghiên cứu về sự nghiệp thơ văn của thi sĩ họ Hàn.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất