Nhà thơ Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam thời kháng chiến. Các thi phẩm của ông thường hướng đến lý tưởng cách mạng với niềm tin yêu tuyệt đối vào Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tác phẩm điển hình trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của người chiến sĩ ấy là bài thơ Khi con tu hú.

Tác phẩm ra đời năm 1939 khi tác giả bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ. Thi phẩm đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên vào hè rực rỡ cùng khát vọng tự do đến thiết tha, cháy bỏng.

Nhà thơ Tố Hữu là cánh chim đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam

Nhà thơ Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920, nguyên quán tại làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh sự nghiệp thi ca đồ sộ, ông còn là một cán bộ lão thành cách mạng, giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Chính trị Việt Nam.

Nhà thơ Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam

Tác giả chịu ảnh hưởng lớn từ cha, một nhà Nho nghèo thi cử lận đận nhưng rất thích làm thơ và hay sưu tầm ca dao, tục ngữ. Mẹ ông cũng dạy cho con nhiều làn điệu dân ca xứ Huế, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.

Ông giác ngộ lý tưởng và đi hoạt động cách mạng từ rất sớm, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế, đến năm 1936 thì bị Thực dân Pháp bắt giữ và chịu cảnh tù đày. 

Tác giả được tôn vinh là “Nhà thơ của cách mạng”, ông đã để lại trong kho tàng thơ ca Việt Nam một di sản khổng lồ với rất nhiều những thi phẩm đi vào lòng người. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận định “di sản thơ của Tố Hữu chắc chắn sẽ còn mãi cùng nhân dân, đất nước”.

Sống trong thời đại Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ người Việt đã thuộc lòng những vần thơ của Tố Hữu. Các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa đã gợi nhớ về một thuở nô lệ, nước mất nhà tan.

Thi sĩ đi theo chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh, tái hiện cuộc đời bằng ngòi bút trung thực, chân thành. Có lẽ vì điều đó nên trang thơ của ông không chỉ mang vẻ đẹp bình dị, đời thường mà còn thấm đượm tình cảm con người quý giá.

Tố Hữu được đánh giá là “nhà thơ cách mệnh có tài” ngay khi mới xuất hiện trên thi đàn. Các tác phẩm thổi làn gió mới cho văn học và xã hội đương thời, có sức ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều tầng lớp công chúng, đặc biệt là thế hệ thanh niên.

“Nhờ có cách mạng mà có thơ Tố Hữu, nhưng rồi nhờ có thơ của Tố Hữu mà tất cả các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và chính phủ đã tới từng người dân, kể cả những người dân ở những vùng sâu vùng xa nhất.” – Nhà thơ Vũ Quần Phương

Thơ Tố Hữu có sức lay động mạnh mẽ đối với số đông nhân dân là bởi chúng không rắc rối, cầu kỳ hay đánh đố người đọc. Ông biến thơ ca thành phương thức truyền đạt tư tưởng của cách mạng, mang lời từ trái tim đến với những tâm hồn đồng điệu.

Vài nét về tác phẩm Khi con tu hú

Bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu thuộc dòng chảy thơ ca cách mạng, thi từ trong tác phẩm đã làm rung động trái tim bao thế hệ thanh niên yêu nước. Sáng tác này trích trong tập thơ Từ ấy, ra đời khi người chiến sĩ trẻ Nguyễn Kim Thành bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ.

Vài nét về tác phẩm Khi con tu hú

Nhà thơ bị địch bắt vào tháng Tư năm 1939, đến tháng Bảy thì sáng tác tuyệt phẩm này. Những vần thơ ấy là tiếng lòng của người cộng sản phải chịu cảnh giam hãm, tù đày khi đang ở độ tuổi say mê lý tưởng và mang khát vọng cống hiến cháy bỏng. 

Tâm trạng ngột ngạt của chàng thanh niên được phản ánh sâu sắc và chân thực. Cảnh tù đày chỉ có thể giam hãm thể xác chứ không thể ngăn được tâm hồn nhà thơ đang cố gắng vươn ra bầu trời tự do bên ngoài.

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao.” – Nhật ký trong tù

Giữa không gian bao la là tiếng chim tu hú âm vang da diết, gợi lên niềm khao khát tự do đến nghẹn ngào. Thế giới nội tâm của người chiến sĩ cách mạng được tô đậm bởi những vần thơ giản dị, mộc mạc, ngôn từ hàm súc nhưng lại giàu giá trị tạo hình.

Với nhan đề Khi con tu hú, Tố Hữu muốn nhấn mạnh rằng tiếng chim ấy đã khiến ông thức tỉnh, đánh thức trong ông tình yêu với cuộc sống, mang đến một khát vọng tự do mãnh liệt. 

Bức tranh thiên nhiên mùa hè trong tâm tư người chiến sĩ

Thông thường một bức tranh nếu xét theo yếu tố hội họa thì sẽ gồm hình ảnh, màu sắc, âm thanh, đường nét và sáu câu thơ lục bát mở đầu đã hội tụ tất cả các yếu tố đó. 

Bức tranh thiên nhiên mùa hè trong tâm tưởng người chiến sĩ cách mạng

Mở đầu tác phẩm, Tố Hữu đã vẽ ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về mùa hè. Nhà thơ sử dụng khả năng ngôn từ để khắc họa nên một không gian đầy sống động trong lòng người đọc.

“Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…” – Khi con tu hú

Đây là cảnh mùa hè quen thuộc ở vùng quê Việt Nam và dường như bức tranh ấy, mỗi độc giả đều đã từng gặp qua. Hiện thực đó được mở ra bằng sự lắng nghe hiện tại cùng hồi tưởng kí ức quá khứ.

Giữa tháng hè nắng lửa cùng cái im lìm đáng sợ của chốn lao tù thì chợt vang lên tiếng tu hú gọi bầy. Trong tiềm thức người Việt Nam thì tiếng tu hú là tiếng gọi mùa hè, báo hiệu hạ đang tới.

“Tu hú kêu, tu hú kêu, hoa phượng nở, hoa gạo đỏ đầy ước mơ hi vọng…” – Sưu tầm

Âm thanh quen thuộc ấy đến hoàn toàn theo quy luật của tự nhiên, mang theo sự náo nức, xôn xao trong trời đất và cả lòng người. Tác giả đã gửi gắm tâm tình vào từng câu thơ, làm bừng sáng lên cái khát khao muốn tháo cũi sổ lồng.

Mùa hè được tái hiện trong tâm trí người tù rất chân thực, màu sắc rực rỡ kết hợp với những thanh âm sống động. Đó là màu rộm vàng của lúa chín, sắc đỏ lấp ló của quả ngọt, màu ngô vàng tươi, bầu trời cao xanh thẳm hòa quyện cùng tiếng ve ngân vang, tiếng sáo diều vi vu.

Tác giả bất chợt thèm muốn một cuộc sống thường nhật, bình dị như thế giới bên ngoài. Trong nhà ngục tối tăm thì ánh sáng của thiên nhiên cùng bầu trời xanh thẳm quả là xa xỉ với ông, từ đó làm bừng lên khát vọng được tự do và đấu tranh mạnh mẽ.

Hình ảnh diều sáo lộn nhào giữa không trung thể hiện cho khát vọng bay bổng, tung hoành cùng thiên nhiên, đất trời của tác giả. Tiếng sáo diều cao vút, rạo rực như chính tiếng lòng của người thanh niên Tố Hữu.

Tâm trạng bức bối của người tù cộng sản thể hiện trong Khi con tu hú

Bốn câu thơ cuối đã khắc họa rõ nét tâm trạng của người tù cách mạng. Đó là sự đau khổ, bức bối, uất ức nhưng không hề mang dáng vẻ bi quan, chán chường của một tâm hồn yếu đuối.

Tâm trạng bức bối của người tù cộng sản trong bài thơ Khi con tu hú

Khát khao tự do đã len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể người thanh niên trẻ, biến ước mong ấy trở thành hành động cụ thể muốn “đạp tan phòng” giam để được đến với thế giới tự do. Nhà thơ muốn được chạy ra ngoài kia, thoát khỏi cái nhà lao chật hẹp, tăm tối này.

“Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!” – Khi con tu hú

Sự bức bối ấy khó chịu đến mức chỉ với vài câu thơ, Tố Hữu đã liên tục sử dụng một loạt những động từ mạnh để diễn tả nỗi ngột ngạt đến cực điểm của mình trong chốn lao tù như “đạp tan”, “chết uất”.

Toàn những từ ngữ thật mạnh bạo, có lẽ khát vọng tự do đã quá cháy bỏng, cái không khí đó đã khiến cho nhà thơ trở nên nhạy cảm, chỉ muốn đập tan hết mọi thứ để đến được với thiên nhiên rực rỡ đang vẫy gọi ngoài kia.

Kèm với những động từ mạnh là từ ngữ cảm thán được ngân vang liên tục như “ôi”, ‘thôi”, “làm sao” khiến cho độc giả càng cảm nhận rõ hơn nỗi uất nghẹn dâng trào trong tâm trí người thanh niên yêu nước.

Cũng ở trong những dòng thơ này, tác giả đã sử dụng cách ngắt nhịp thơ nhanh 6/2 hoặc 3/3 mà người đọc ít khi thấy để diễn tả sự bức bách lên tới đỉnh điểm mà nhân vật đang phải chịu đựng.

Bài thơ được mở đầu bằng tiếng chim tu hú và kết lại cũng bằng tiếng chim của tự do ấy. Âm thanh đó gợi lên tất cả, là mạch cảm xúc chính xuyên suốt tác phẩm, khắc khoải và tràn đầy da diết. 

Nếu như ở đầu bài thơ tiếng chim tu hú là tiếng kêu của tự do nơi đất trời bao la trong ngày hè rực rỡ thì ở câu kết bài, tiếng chim ấy lại như tiếng kêu than khiến cho người tù cảm thấy đau khổ và uất hận.

Bởi chàng thanh niên đang bị mất tự do trong chốn lao tù tối tăm mà tiếng chim kia lại tha thiết vẫy gọi, càng khiến cho ông thêm phần bức bối và dằn vặt hơn bao giờ hết.

Có thể nói tiếng chim tu hú chính là tiếng gọi của sự sống, nó khiến cho người tù cách mạng phải bồn chồn, xao xuyến, mong mỏi được thoát ra khỏi chốn chật hẹp, ẩm thấp để hòa mình vào thiên nhiên tràn ngập sắc nắng vàng.

“Khi con tu hú gọi bầy. Cũng là một tiếng chim, nhưng tiếng gọi bầy của con chim tu hú gợi lên sự tưởng tượng phong phú về bức tranh thiên nhiên rộng lớn và tinh tế. Từ thế giới vĩ mô đến thế giới vi mô, từ cánh đồng, bầu trời, khu vườn, vạt sân đến hạt bắp, trái cây.” – Nhà phê bình văn học Vũ Nho

Về phương diện nghệ thuật, Tố Hữu đã thành công khi sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, vừa uyển chuyển lại dễ nghe và dễ đi sâu vào tâm hồn. Quan trọng hơn hết là thể thơ này có khả năng diễn tả trọn vẹn đời sống tình cảm phong phú, đa dạng của người Việt.

Nhịp thơ được ông biến chuyển linh hoạt, ngắt nhịp đều đặn phù hợp với xúc cảm và tâm trạng của nhân vật. Ngôn từ bình dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ mộc mạc, lời thơ da diết bộc lộ khát vọng tự do đang dâng trào cháy bỏng.

Bài thơ Khi con tu hú cho ta hiểu thêm nét đẹp trong tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi. Anh chiến sĩ ấy có một thế giới nội tâm rất mực phong phú, rung động mãnh liệt với từng nhịp đập của cuộc sống, gắn bó tha thiết với quê hương, ruộng đồng. 

Tác phẩm khép lại nhưng tiếng tu hú dường như cứ kêu hoài, kêu mãi, ngân vang trong tâm trí độc giả, làm bừng lên tất cả cảnh và tình mùa hè nơi tâm tưởng nhà thơ. Ông thấu hiểu được cảnh ngộ trớ trêu của mình giữa lúc cuộc sống bên ngoài vẫn đang nảy nở, sinh sôi. 

Tiểu Mai