Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ trào phúng nổi tiếng của Việt Nam. Tuy con đường thi cử luôn lận đận nhưng gia tài văn học thì cực kỳ ấn tượng. Sự nghiệp cầm bút không quá dài song số lượng tác phẩm ông để lại cho hậu thế thật khiến người ta nể phục.

Bức tranh xã hội phản ánh qua thơ Trần Tế Xương luôn xám xịt. Ông còn dũng cảm dùng ngòi bút trào phúng và giọng văn châm biếm, sâu cay để đả kích những ung nhọt thối nát của chế độ thực dân nửa phong kiến.

Trần Tế Xương là bậc “thần thơ thánh chữ” của văn học Việt Nam

Trần Tế Xương hay còn gọi Tú Xương, tên húy là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Ông sinh năm 1871 tại số nhà 247, phố Hàng Nâu, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định. 

Trần Tế Xương là bậc "thần thơ thánh chữ" của văn học Việt Nam

Nhà thơ vốn họ Phạm, thuộc dòng dõi Nho gia, về sau đổi sang họ Trần là bởi đời nhà Trần, tổ tiên ông lập công lớn nên được phong quốc tính. Cụ thân sinh cũng theo nghiệp bút nghiên dù thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định.

Vốn sinh ra trong gia đình Nho học nên từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, có tài ứng đối tài tình. Lớn lên, Trần Tế Xương theo cụ kép làng Thành Thị để học chữ Hán, tên là Trần Chấn Thái, ngồi bảo học ở Thành Nam.

Tuy nhiên sống trong hoàn cảnh nước mất nhà tan nên tuổi thơ ông vô cùng vất vả và khó nhọc. Những tháng ngày tăm tối bao trùm đã ít nhiều ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của Trần Tế Xương sau này.

“Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh Nam Kỳ mất trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. Các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại.” – Sưu tầm

Tuy thông minh nhanh nhẹn, học hành giỏi giang song con đường khoa cử của Tú Xương vô cùng lận đận. Bắt đầu lều chõng đi thi từ năm mười bảy nhưng phải tới bốn năm sau, ông mới đỗ Tú Tài. Từ đó nhà thơ lại hỏng thêm tám lần khoa thi cử nhân nữa.

Ngoài việc ngày đêm chăm chỉ đèn sách, ông còn đổi tên Trần Tế Xương thành Trần Cao Xương để mong có tấm bằng cử nhân cho đỡ tủi phận với “anh em cánh Bắc Kỳ”. Năm Thành Thái thứ 18, tức năm Bính Ngọ 1906 cũng là khoa thi cuối cùng của ông.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng con đường thi cử của Trần Tế Xương lận đận mãi là bởi phong cách văn chương phóng khoáng, xa rời lối văn khuôn sáo. Cuối cùng, nhà thơ cay đắng nhận ra trong thời buổi nhiễu nhương ấy dù có cố gắng thế nào thì nơi “cửa Khổng sân Quỳnh” cũng không có ngôi vị nào dành cho ông.

“Thật giả Thành Nam, buổi nhiễu nhương

Đèn xanh một ngọn, rạng văn chương.

Trường thi lận đận lòng chua chát

Cảnh sống long đong dạ vấn vương.

Sắc sảo, tâm hồn ưa đả kích,

Thiết tha, nghệ thuật nặng yêu thương.

Tài cao, phận mỏng thơ không mỏng,

Ngạo nghễ thi đàn một Tú Xương.” – Nhà thơ Nguyễn Công Thành

Trần Tế Xương lập gia đình khá sớm, ngay khi mới mười sáu tuổi. Vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, người luôn xuất hiện trong thơ ca của chồng một cách đầy chân thành và xúc động. Nhà nghèo lại đông con, sáu trai, hai gái nên cuộc sống cả hai càng thêm khốn đốn.

Những tác phẩm vượt thời gian của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương

Tuy lận đận với khoa cử, lại ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ song Trần Tế Xương đã có nhiều cống hiến to lớn cho thi ca, văn hóa nước nhà. Ông đem đến văn học những bức ký họa bằng thơ, thứ thực sự ấn tượng về cuộc sống suy tàn của xã hội thời đó. 

“Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ với nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.” – Nhà văn Nguyễn Tuân

Dưới ngòi bút sắc sảo của tác giả, chúng hiện lên đầy lố lăng, hợm hĩnh. Bên cạnh sáng tác thơ, Trần Tế Xương còn là một dịch giả uyên bác, tài hoa, góp công lớn trong việc làm sáng tỏ và tô đậm vẻ đẹp những thi phẩm thời Đường. 

Thương vợ là lời tri ân của Trần Tế Xương dành cho người vợ tảo tần

Thương vợ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, thể hiện tình thương yêu, quý trọng mà Tú Xương dành cho người bạn trăm năm của mình. Sáng tác này mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ hơn so với các đề tài thi ca trước đây.

Ngay từ nhan đề, độc giả đã có thể cảm nhận được niềm thương yêu mà nhà thơ dành cho bà Tú. Ngòi bút chứa chan tình cảm và khắc họa hình ảnh một người phụ nữ lam lũ, tần tảo, mang trên vai gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.” – Thương vợ

“Quanh năm” tức triền miên từ ngày này qua tháng khác, suốt bốn mùa không ngơi nghỉ, bất kể mưa nắng. “Mom sông” là nơi mỏm đất nhô ra ven bờ sông đầy chênh vênh. Bà phải làm việc cật lực ở nơi nguy hiểm như thế để kiếm từng đồng bạc chăm lo cho gia đình. 

Trần Tế Xương đã có so sánh khá độc đáo là “năm con với một chồng”, ông đặt mình lên bàn cân và tự thấy bản thân mình “nặng” bằng năm đứa con cộng lại. Qua cách nói ấy, độc giả có thể hình dung ra nụ cười đầy chua chát của tác giả khi không thể giúp đỡ vợ mà còn chất chồng thêm gánh nặng lên vai bà.

Những tác phẩm vượt thời gian của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương

Qua việc đếm con, đếm chồng tếu táo cùng cách khắc họa thời gian và không gian làm việc như thế của bà Tú, tác giả đã họa lên một chân dung người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó, từ đó bộc lộ tấm lòng tri ân cảm mến mà nhà thơ dành cho bà.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng, 

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.” – Thương vợ

Câu thơ sử dụng hình ảnh “con cò”, một ẩn dụ quen thuộc trong ca dao Việt Nam để chỉ người lao động, đặc biệt là người phụ nữ lam lũ. Cách sáng tạo “con cò” thành “thân cò” cùng cấu trúc đảo ngược càng khắc họa tình cảnh vất vả đến đáng thương của bà Tú.

Khi chợ đã đông, người mua kẻ bán tấp nập thì chẳng tránh khỏi điều tiếng kêu ca, phàn nàn. Câu thơ “Eo sèo mặt nước buổi đò đông” cho thấy bà Tú chẳng những phải thức khuya dậy sớm mà còn phải chịu đựng mọi khó khăn trong công việc buôn bán.

“Một duyên hai nợ âu đành phận, 

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.” – Thương vợ

Hai câu thơ cuối dường như Tú Xương đã mượn lời bà Tú để cất lên lời trách kiếp đời đen bạc. Trách đời chưa hả, ông còn quay ra trách mình “hững hờ”, mải chạy theo lều chõng thi cử để vợ lo lắng gia đình, chèo chống giang sơn nhà chồng.

Mặc dù bản thân có những thiếu sót như vậy song tác giả lại có một phẩm chất đáng quý. Tuy sống trong xã hội trọng nam khinh nữ nhưng ông luôn trực tiếp bày tỏ tình cảm với vợ mình ngay khi bà vẫn còn sống, điều đó khiến Tú Xương trở thành nhà thơ đáng trân trọng.

Vịnh khoa thi Hương bày tỏ nỗi ngao ngán lẫn xót xa trước cảnh sa sút của đất nước

Vịnh khoa thi Hương là bức tranh miêu tả quang cảnh kỳ thi Hương những năm tháng cuối cùng của chế độ phong kiến. Dưới ngòi bút châm biếm sâu cay, chúng hiện lên thật lố lăng, kệch cỡm, đồng thời bày tỏ nỗi nhục mất nước và tấm lòng kẻ sĩ đương thời.

Chỉ là bài thơ thất ngôn bát cú ngắn gọn song Trần Tế Xương đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về quá trình tuyển chọn nhân tài của nhà nước phong kiến Việt Nam qua con đường khoa cử, cái việc gắn bó mật thiết đến vận mệnh quốc gia cũng như sự tồn vong đất nước.

“Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.” – Vịnh khoa thi Hương

Thời nhà Nguyễn, toàn Bắc Kỳ có hai điểm thi là trường Nam Định và trường Hà Nội. Tuy nhiên, vì sợ các cuộc khởi nghĩa của nhân dân vào năm Đinh Dậu 1897 nên chính quyền cho dồn tất cả về trường Nam Định.

Chỉ một từ “lẫn” thôi cũng đã diễn tả một cách khéo léo và trọn vẹn tình hình nhốn nháo của xã hội cũng như chế độ thi cử lúc bấy giờ. Chưa hết, cái tạp nham, lôi thôi ấy cũng bộc lộ rõ qua những nhân vật xuất hiện ở hai câu thơ tiếp theo.

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ, 

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.” – Vịnh khoa thi Hương

Nghệ thuật đảo ngữ xuất hiện liên tiếp càng khắc họa đậm nét và gây ấn tượng mạnh với độc giả về sự nhếch nhác của những người mang danh kẻ sĩ. Hình ảnh “vai đeo lọ” như tiếng cười châm biếm mà độc giả dành cho cái vẻ luộm thuộm của các ông cử tương lai.

Sĩ tử trông “lôi thôi”, quan trường thì “ậm ọe”. “Ậm ọe” là một sáng tạo mới lạ mà Trần Tế Xương mang đến, được các nhà nghiên cứu giải thích rằng dùng để chỉ âm thanh ú ớ, nói không thành tiếng rõ nhưng vẫn lên gân la lối, vênh váo của những kẻ dựa hơi chứ không có thực quyền.

Từng câu thơ phảng phất nỗi buồn tủi, chua chát của tác giả khi phải chứng kiến cái xã hội hỗn tạp, nhố nhăng trong buổi đầu chế độ thực dân. Nhà Nguyễn khi ấy chỉ là bù nhìn chứ không có thực quyền, một cái bóng mờ nhạt đến thảm hại.

“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra.” – Vịnh khoa thi Hương

Ngòi bút tả thực của Trần Tế Xương tiếp tục phát huy tác dụng khi phản ánh đúng bản chất xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Lịch sử ghi lại rằng kì thi năm Đinh Dậu 1897 có hai vợ chồng toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng tôn công sứ Nam Định Le Normand đến dự.

Hình ảnh một nước thuộc địa lại phải khúm núm đón tiếp những kẻ xâm lược dân tộc mình thật xót xa và căm phẫn. Tú Xương phơi bày hiện thực nhưng đó không chỉ là những con chữ đơn điệu lạnh lùng mà nó còn chất chứa nỗi đau của tâm hồn con người.

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.” – Vịnh khoa thi Hương

Cuối cùng, đứng trước cảnh tượng tối tăm và nhục nhã ấy nhà thơ đã buột miệng thốt lên tiếng than đối với chính mình, gửi gắm lời kêu gọi những ai còn nghĩ đến cái nhục mất nước. “Nhân tài” ở đây lại chính là các sĩ tử từng bước qua cánh cổng trường thi này.

Những nỗi niềm bộc lộ qua ngòi bút bậc thầy của Trần Tế Xương

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Trần Tế Xương ôm nỗi bất mãn với chế độ thực dân, phong kiến. Tuy nhiên, khác các sĩ phu yêu nước cùng thời, nhà thơ không về ở ẩn hay bất hợp tác với chính quyền mà đã viết nên những bài thơ, câu đối để châm chọc, mỉa mai cái xã hội thối nát ấy.

Những nỗi niềm bộc lộ qua ngòi bút bậc thầy của Trần Tế Xương

Có lẽ, chính hoàn cảnh khắc nghiệt đó đã hình thành nên một nhà thơ lớn mà Nguyễn Khuyến đã ca ngợi là “ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn”. Những câu thơ của ông mang một tâm trạng riêng không giống ai, do vậy các sáng tác ấy vẫn luôn sống mãi cùng năm tháng.

Sinh nhầm thời mạt vận và những bi kịch của số phận

Giai thoại kể rằng năm Tú Xương mười tuổi, có vị khách đến nhà và cho ông câu đối “Đình tiền ngũ sắc hoa” (trước sân có hoa năm sắc), cậu bé Uyên liền đối lại ngay là “Lung trung bách thanh điểu” (trong lồng có chim trăm tiếng).

Vị khách nghe xong tuy khen cậu bé nhanh trí và vế đối hay song lại thở dài, than rằng đời thằng bé rồi lại khổ, hệt như chim nhốt trong lồng. Điều này như đã vận vào cuộc đời Tú Xương khi ông thi cử lận đận, hỏng đến tám khoa, chỉ vớt vát được tấm bằng Tú Tài.

“Nào có lạ gì cái chữ Nho,

Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.

Sao bằng đi học làm ông Phán,

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.” – Chữ Nho

“Xương” có nghĩa là đẹp, thẳng, thịnh vượng nhưng cuộc đời ông Tú thành Nam lại không được suôn sẻ như thế. Dân gian truyền lại câu chuyện rằng năm ông đậu Tú tài, ngôi nhà 247 Hàng Nâu bị cháy. Cụ thân sinh xây nhà gạch cho con dâu nhưng chẳng bao lâu ngôi nhà này đã bị người khác chiếm đoạt.

Gia thế dòng dõi cùng tài năng vượt bậc song số phận không mỉm cười. Chán đời vì mộng danh bất thành, cuộc đời nghèo túng, ông đành giãi bày tâm sự của mình qua những vần thơ.

“Bụng buồn còn biết nói năng chi.

Ðệ nhất buồn là cái hỏng thi,

Một việc văn chương thôi cũng nhảm.

Trăm năm thân thế chẳng ra gì.” – Buồn thi hỏng

Tuy vậy, Tú Xương không sống buông thả hay tầm thường, nhu nhược. Ông cống hiến hết mình cho thơ ca, thỏa sức vẫy vùng trong khoảng trời riêng biệt. Các nhà nghiên cứu sau này đã đánh giá đây là một hành vi văn hóa đích thực của một thi nhân ưu thời mẫn thế.

Bất mãn với chế độ xã hội thối nát giữa buổi giao thời

Sống giữa buổi loạn lạc, Trần Tế Xương cảm nhận được nỗi u hoài của vận mệnh đất nước. Ngay khi thực dân Pháp xâm lược, các cuộc kháng chiến đã nổ ra khắp nơi tuy nhiên đều thất bại. 

Tú Xương rơi vào bế tắc khi đứng trước nỗi đau mất nước, nhìn xã hội đảo điên mà bất lực không biết phải làm cách nào để thay đổi. Truyền thống văn hóa suy tàn, danh lợi bất thành như vết dao cứa vào lòng nhà thơ yêu nước.

“Ðêm sao đêm mãi tối mò mò,

Ðêm đến bao giờ mới sáng cho.

Ðàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đang ho.

Ngọn đèn rình trộm khêu còn bé,

Tiếng chó kinh người cắn vẫn to.

Hàng xóm bốn bề ai dậy chửa,

Dậy thì lên tiếng gọi nhà Nho.” – Đêm dài

Sống trong thời buổi loạn lạc, thi cử thì lận đận nhưng ông không chọn cách luồn cúi làm nô lệ, cũng chẳng dấn thân vào xã hội thối nát nát. Nhà thơ đành giả câm, giả điếc và quay lưng lại thực trạng đáng buồn đương thời.

Thơ Trần Tế Xương mang giá trị hiện thực cao, bày tỏ nỗi lòng của tầng lớp Nho sinh giữa thời buổi loạn lạc. Bằng ngòi bút sắc sảo, ông đã khái quát trọn vẹn và sinh động những cảnh chướng tai gai mắt trong một xã hội lố lăng, rởm đời.

Những mảng đề tài đa sắc màu trong thơ Trần Tế Xương

Tú Xương dẫu có cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho đời một di sản văn học đồ sộ, giúp hậu thế hiểu rõ giai đoạn bi thương của đất nước. Hơn trăm năm đã qua song sự nghiệp văn chương ấy vẫn còn mãi với đời.

“Kìa ai chín suối xương không nát,

Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn!” – Nhà thơ Nguyễn Khuyến

Đề tài mà sáng tác của Trần Tế Xương hướng đến không trừu tượng, ngược lại rất thực tế, phản ánh chi tiết cuộc sống Thành Nam lúc bấy giờ. Thơ ông chủ yếu xoay quanh hai chủ đề là bà Tú, người vợ tào khang ông kính trọng và sự băng hoại đạo đức trong xã hội đang xuống cấp trầm trọng.

Chân dung bà Tú qua những vần thơ đầy tình cảm của Trần Tế Xương

Thơ xưa có rất ít tác phẩm viết về người vợ, mà viết về người vợ lúc còn sống lại càng hiếm hoi. Các thi nhân thường chỉ làm thơ khi người bạn đời của mình đã đi vào cõi thiên thu.

“…Đào chưa tươi đã khô

Quế đang thơm đã rũ

Rừng sâu, bể rộng, nàng hỡi đi đâu?

Ngọc nát, châu chìm, lòng tôi quặn nhớ…” – Nguyễn Kiều khóc Đoàn Thị Điểm

Bằng tất cả tấm lòng chân thành, Tú Xương đã vẽ nên chân dung người vợ tảo tần qua những vần thơ chứa chan tình cảm. Trong thơ ông, hình ảnh bà Tú gắn liền với biết bao gian truân khó nhọc, một mình làm lụng “nuôi đủ năm con với một chồng”.

Hai ông bà cảm mến nhau từ thuở vị thành niên và nên vợ nên chồng khi tuổi đời còn trẻ. Bà Tú sinh ra trong một gia đình nề nếp, thuần phong nên rất đảm đang, tháo vát, thương chồng con, luôn hiếu kính với cha mẹ.

Với Tế Xương, người vợ đã trở thành hình tượng xuyên suốt phần lớn gia tài tác phẩm văn chương của ông. Nhà thơ đề cập đến vợ mình với tất cả tình cảm chân thành, nghiêm túc, đôi khi lại vui đùa, dí dỏm như “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó”.

Những mảng đề tài đa sắc màu trong thơ

Là con gái của gia đình dòng dõi, kết hôn với một người nổi tiếng tài hoa đất Vị Xuyên song cuộc sống lại không xuôi chèo mát mái. Bà phải vất vả ngược xuôi buôn bán để chèo chống gia đình như Tú Xương đã từng xót xa ghi lại trong thơ.

“Van nợ lắm khi trào nước mắt

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

Gạo cứ lệ đong ăn bữa một

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.” – Than nghèo

Tác giả hóm hỉnh viết bài Văn tế sống vợ để tạ lỗi bà Tú sau những lần ăn chơi quá độ khiến vợ phải vất vả nhọc nhằn. Ông thừa nhận khiếm khuyết của mình một cách hồn nhiên, chân tình và cởi mở.

“Hay mình thấy tớ nay Hoàng Thao, mai Phố Giấy mà bụng mình ghen?

Hay mình thấy tớ: Sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai mà lòng mình sợ

Thôi thôi chết quách yên mồ, sống càng nặng nợ.” – Văn tế sống vợ

Các tác phẩm viết về người vợ của Trần Tế Xương thực sự là một tiến bộ đáng kể, ít thi nhân nào cùng thời làm được. Vượt qua những cái nhìn thiển cận mà xã hội phong kiến áp đặt, ông đã đưa người bạn đời trở thành nhân vật điển hình đáng ngưỡng mộ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Sự băng hoại đạo đức trong một xã hội đang xuống cấp trầm trọng 

Chế độ thực dân nửa phong kiến ngấm vào từng ngóc ngách trong xã hội, làm băng hoại hết thảy thuần phong mỹ tục. Không thiếu những kẻ xu nịnh quan Tây để được nâng đỡ, chúng hiện ra trong thơ Tú Xương hết sức rõ nét và chân thực.

Mấy tay “văn dốt võ dát” nhưng luôn ra vẻ mình là phường hay chữ, bọn me Tây, con buôn, gái điếm khôn ngoan, giảo hoạt cũng được khắc họa vừa đa dạng lại chi tiết, cụ thể. 

Nhà thơ buồn bã khi chứng kiến sự băng hoại về nhân cách đang dần chà đạp lên phạm trù đạo đức thiêng liêng của Nho giáo. Giọng điệu sâu cay, quyết liệt nhưng cũng phảng phất sự bất lực trước thời thế đảo điên.

“Nhà kia lỗi phép con khinh bố

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng

Keo cú người đâu như cứt sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng.” – Đất Vị Hoàng

Vì đồng bạc trắng xóa mà con người ta mờ mắt, sẵn sàng lường gạt, giẫm đạp lên nhau để mà sống. Thói đời đáng sợ, có sự tiếp tay của thế lực đồng tiền cũng được Trần Tế Xương phản ánh qua các tác phẩm Mùng hai tết viếng cô Ký, Ðể vợ chơi nhăng.

Ngoài ra, tác giả còn phê phán tâm lý giả dối, sáo rỗng của con người trước những phong tục xa hoa ngày Tết. Lời lẽ châm biếm đầy cay đắng cũng giúp độc giả hình dung phần nào cái ung nhọt ngày càng lan rộng trong xã hội.

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Nó lại chúc nhau cái sự sang!

Ðứa thời mua tước đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.” – Chúc Tết

Tuy không may mất sớm, sự nghiệp văn chương qua đó dang dở nhưng tác phẩm của Trần Tế Xương thực sự là bản cáo trạng đanh thép, lên án chế độ thực dân nửa phong kiến thối nát trong xã hội buổi giao thời.

Ngòi bút nghệ thuật bậc thầy của nhà thơ đất Vị Hoàng

Trần Tế Xương là người rất thông minh, tính tình lại hóm hỉnh. Vậy nên dù trong hoàn cảnh khốn khổ đến đâu thì ông vẫn giữ giọng cười cợt, châm biếm. Cuộc đời dẫu nhiều cay đắng song nhà thơ luôn tỏ rõ thái độ khôi hài, thậm chí có chút ngông nghênh.

Ngòi bút nghệ thuật bậc thầy của nhà thơ đất Vị Hoàng

Gia tài văn chương của Tú Xương chủ yếu gồm các bài tự trào với giọng điệu ỡm ờ, lấp lửng, gợi sự thích thú cho độc giả. Tứ thơ độc đáo, duyên dáng kết hợp lối phơi bày thực trạng thẳng thắn là một trong những nguyên nhân khiến thơ ông trở nên hấp dẫn người đọc.

“Thọ kia mày có biết hay chăng

Con vợ mày kia xiết nói năng

Vợ đẹp của người không giữ được

Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng.” – Để vợ chơi nhăng

Các nhà nghiên cứu cho rằng thơ ca Trần Tế Xương thực sự đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật trào phúng. Khéo léo sử dụng tiếng cười làm vũ khí, thi nhân đất Vị Hoàng đã góp phần xây dựng mảng đề tài này để văn học Việt Nam thêm phong phú hơn.

Bên cạnh đó, các sáng tác của ông Tú thành Nam còn được kết hợp giữa hai yếu tố trữ tình và hiện thực. Nhờ đó mà lời thơ trở nên nhuần nhuyễn, ý thơ gẫn gũi và sâu sắc hơn.

“Sở dĩ thơ Tú Xương không bị tắt gió, không bị bay ra khỏi là vì thơ Tú Xương đã đi bằng hai chân hiện thực và lãng mạn, là vì thi pháp của Tú Xương phối hợp cả hiện thực và trữ tình.” – Nhà văn Nguyễn Tuân

Về phương diện ngôn ngữ, Tú Xương xứng đáng được tôn vinh là bậc thầy bởi cách sử dụng duyên dáng, uyển chuyển nhưng vẫn giữ phong vị dân gian giản dị. Do đó, những vần thơ của ông không chỉ êm tai mà còn rất độc đáo, mang giá trị văn học cao.

Trần Tế Xương là một nhân cách văn hóa lớn, luôn được hậu thế kính trọng và yêu mến. Những vấn đề nhức nhối của thời cuộc mà ông phản ánh qua ngòi bút trào phúng đặc sắc vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

Tiểu Mai