Ngay từ tựa đề, Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã khiến người đọc mường tượng về một quyển sách lãng mạn, nhẹ nhàng. Thế nhưng, cuốn sách là nỗi ám ảnh da diết với câu chuyện tình yêu mãnh liệt mà bi thương của hai nhân vật chính, để rồi tất cả chỉ có thể tóm gọn trong bốn từ “nỗi đau tuyệt vời”.

Câu chuyện tình yêu đẹp đến đượm buồn đã đưa tên tuổi tác giả Coleen McCullough lên tầm cao mới, tác phẩm thì trở thành một trong những kiệt tác kinh điển của văn học thế giới mà độc giả không nên bỏ lỡ.

Tuổi thơ cay nghiệt cùng tình yêu sách thiết tha 

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một câu chuyện tình mãnh liệt nhưng dang dở, là sự hy sinh bất chấp để giành lấy tình yêu trong cuộc đời. Cũng như loài chim lao mình vào bụi mận gai đến chết, cất tiếng hót hay nhất thế gian dù chỉ một lần duy nhất.

Tuổi thơ cay nghiệt cùng tình yêu sách thiết tha
Tác giả Collen McCullough trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm

Colleen McCullough ra mắt tiểu thuyết đầu tay Tim năm 1974, không gây được tiếng vang nào. Năm 1977, Tiếng chim hót trong bụi mận gai sau 4 năm thai nghén được xuất bản và nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong văn học hiện đại. 

Vài nét về tác giả của Tiếng chim hót trong bụi mận gai 

Colleen McCullough, tên đầy đủ là Colleen McCullough-Robinson là nữ nhà văn nổi tiếng người Úc. Bà sinh năm 1937 tại thành phố Wellington, thuộc rìa tây của New South Wales.

Là một nhà khoa học về thần kinh, bà đã làm việc ở nhiều bệnh viện Anh quốc và Úc trước khi trải qua mười năm nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Thần Kinh học, Đại học Yale ở bang Connecticut, Hoa Kỳ.

Sự nghiệp sáng tác của bà bắt đầu với tiểu thuyết Tim (1974), sau đó là Tiếng chim hót trong bụi mận gai (1977), tác phẩm đã đưa tên tuổi bà lên một tầm cao mới và gần gũi hơn với công chúng yêu sách.

Trong sự nghiệp tác giả, bà đã sáng tác tổng cộng 25 cuốn sách với nhiều đề mục nổi bật như Cuộc chạy trốn của Morgan hay Người đàn bà thành Rome. Colleen McCullough được Đại học Macquarie cấp học vị tiến sĩ văn học vào năm 1993.

Sách là người bạn đồng hành trên con đường thay đổi hiện thực 

Sinh ra tại vùng đồng quê Úc, tuổi thơ Colleen McCullough gắn liền với những trại cừu và đồng mía. Cha cô là dân nhập cư từ Anh, mẹ cô gốc gác ở New Zealand, cuộc sống hôn nhân của cả hai được ví như ngục tù khi họ thường xuyên cãi vã, lừa dối lẫn nhau.

Sách là người bạn đồng hành trên con đường thay đổi hiện thực
Đọc sách luôn là một trong những lạc thú tuyệt vời nhất đối với bà

Trước sự xung đột triền miên của cha mẹ, Colleen coi văn chương là nguồn suối tốt lành nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ, tiếp động lực giúp bản thân vượt qua tuổi thơ khắc nghiệt. Đối với bà, đọc sách do đó luôn là một trong những lạc thú tuyệt vời nhất.

Sách mở ra trước mắt Colleen một viễn cảnh tươi đẹp, vượt lên trên những khổ đau mất mát mà bà phải gánh chịu hàng ngày. Có thể nói, sách đã cứu rỗi tâm hồn của Colleen, giúp bà có can đảm và nghị lực để thay đổi hiện thực.

Tình thân đáng trân trọng với người em trai chết trẻ

Theo Colleen McCullough, người thân duy nhất gần gũi với bà là cậu em trai cũng nhạy cảm và chung niềm đam mê với sách – Carl. Họ gắn bó với nhau như cặp song sinh, cùng chống lại sự ghẻ lạnh trong chính tổ ấm của cha mẹ mình.

Năm 1965, biến cố lớn xảy đến khi bà nghe tin cậu em trai yêu dấu chết đuối trên biển khi nỗ lực cứu sống hai người khác. Sự việc thêm đau lòng khi bố bà từ chối chi trả để mang thi thể con trai về, chàng thanh niên trẻ vì vậy được chôn cất tại một nghĩa trang vô danh ở đảo Crete.

Sự ra đi đột ngột của Carl ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác sau này của Colleen, người em trai quá cố ám ảnh bà và thường thấp thoáng xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết. Ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai, nhân vật Dane cũng xuất hiện rồi chết đuối tương tự Carl.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là cú hích sự nghiệp sáng tác của nhà văn vô danh 

Ngay khi ra mắt, Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có nhiều lượt bàn luận tới mức đứng chung hàng với tác phẩm văn học kinh điển Cuốn theo chiều gió. Thế nhưng, ít ai biết Colleen khi ấy là nhân viên y tế ở một bệnh viện, viết văn chỉ như nghề tay trái của bà.

Tác phẩm trước đó không mấy tiếng tăm nên Colleen McCullough khi ấy hoàn toàn vô danh trong giới văn học. Trong suốt thời gian thai nghén tiểu thuyết, bà vẫn túi bụi với công việc ở bệnh viện.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một trong những thiên truyện kinh điển về tình yêu, sánh ngang hàng với Đồi gió hú hay Cuốn theo chiều gió để chứng minh được giá trị của một tượng đài tình yêu bất tử trong lòng độc giả. 

Một tình sử làm tan nát con tim 

Có một niềm tin rằng, trong đời của con người, người ta chỉ thực sự yêu hết mình một lần duy nhất, cháy hết mình một lần duy nhất, cho một một tình yêu duy nhất. Đó chính là bài hát duy nhất trong đời của con chim thiêu thân lao mình vào bụi mận gai. 

Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Bird) là tiểu thuyết thứ hai, cũng là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ nhà văn Úc Colleen McCullough, được xuất bản lần đầu vào năm 1977.

Về chú chim chỉ hót một lần trong đời

Ngay từ lời đề tựa, McCullough đã kể truyền thuyết về loài chim chỉ hót một lần trong đời nhưng tiếng hát thánh thót khắp thế gian. Khi cất tiếng hót, con chim lao mình vào bụi mận gai.

“Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy.” 

Giống như loài chim kia, Meggie cũng chỉ yêu một lần duy nhất trong đời, nhưng nàng yêu bằng một tình yêu mãnh liệt nhất thế gian. Vượt lên trên mọi nỗi đau khổ khôn tả, nàng đã chiến thắng cả đức Chúa trời để giành lại tình yêu đời mình.

“Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!” 

Trung tâm của câu chuyện, tình yêu giữa Meggie Cleary và vị cha xứ cách 19 tuổi, Ralph de Bricassart là mối tình đẹp đẽ nhưng đầy đau đớn như vậy. Một mối tình không trọn vẹn, từ đó mở ra hàng loạt những bi kịch ám ảnh suốt ba thế hệ.

Trong câu chuyện tình yêu ấy, Meggie và Ralph như đôi chim ẩn mình chờ chết, dẫu biết những mũi gai nhọn hoắt kia đang nhắm thẳng vào mình nhưng vẫn khát khao được một lần ca tiếng hát thánh thót ấy trong đời, một lần và mãi mãi.

Câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng đầy bi thương

Ngay từ lời tựa của tác phẩm, độc giả đã có ấn tượng về một câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng đầy bi thương. Ắt hẳn sẽ có bi thương, đau khổ song tất thảy đều trở nên vô nghĩa trước vẻ đẹp của một tình yêu trường tồn vĩnh hằng. 

Cả hai người đều phải đánh đổi song sự hi sinh ấy là tất yếu. Bởi lẽ, cần có người vượt qua lằn ranh của định kiến xã hội, cần có người gìn giữ cái đẹp bị che khuất trong tội ác, bởi những khát khao tình yêu không thể bị ngăn cản bởi điều xấu xa, tầm thường trong xã hội.

Câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng đầy bi thương của "Tiếng chim hót trong bụi mận gai"
Chuyện tình đầy bi thương hai nhân vật chính trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”

Cuối cùng, Meggie vì Ralph mà nguyện ý một đời chung thủy, cha Ralph vì Meggie mà phá bỏ đức tin, nguyện đi ngược lại con đường mình đã chọn. Tình yêu của họ là biểu tượng cho cái đẹp trong ngần ở tâm hồn con người, không sợ hãi cái chết mà từ bỏ quyền được sống thật sự.

Họ đã trao cho nhau tình yêu nồng nhiệt và đẹp đẽ nhất thế gian, đã yêu bằng con tim và khối óc, bằng trái tim và tâm hồn mình. Đập tan tấm rào ngăn cách lẫn tiếng nói mỉa mai, thứ duy nhất còn lại trong tâm trí độc giả là tình yêu thuần khiết nhất. 

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một trong những thiên truyện kinh điển về tình yêu, sánh ngang hàng với Đồi gió hú hay Cuốn theo chiều gió. Tác phẩm đã chứng minh được giá trị của một tượng đài bất tử trong lòng độc giả.

Ba thế hệ phụ nữ với những lý tưởng cao cả trong cuộc đời 

Là tiểu thuyết được chấp bút bởi phụ nữ, đặc biệt hơn, tác giả Colleen McCullough chưa phải là nhà văn chuyên nghiệp khi tác phẩm này được xuất bản. Vì vậy tâm tư, tình cảm cùng cách ứng xử của những người phụ nữ trong tiểu thuyết này được khắc họa vô cùng rõ nét.

Ba thế hệ phụ nữ trong tác phẩm lần lượt đại diện cho ba cách ứng xử khác nhau trước cuộc đời, ba cách phản ứng với những cam go và thử thách. Từ cam chịu cho đến đấu tranh rồi đòi quyền tự do, quyền sống cho chính mình.

Trước hết là về Fiona, mẹ của Meggie, bà là biểu tượng cho những người phụ nữ gai góc, mạnh mẽ nhưng lại nhẫn nhịn, âm thầm chịu đựng sự cay đắng của số phận. 

Xuất thân khá giả và là người phụ nữ thông minh, bà vẫn không thoát khỏi được gông kìm nơi xã hội đương thời khi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Tuân theo sự sắp đặt của người thân, bà trở thành người nội trợ quanh đi quẩn lại trong xó bếp, lo việc con cái. 

Tuy nhiên, vốn sở hữu bản năng mạnh mẽ, việc gia đình bà phải chuyển từ vùng quê hẻo lánh đến trang trại cừu ở Drogheda đã cho thấy sự phi thường trong dáng hình nhỏ bé của một người phụ nữ.

Tại vùng đất mới này, gia đình bà liên tiếp gặp phải những biến cố, khó khăn nhưng chưa lần nào Fiona thực sự đầu hàng trước số phận, dù nỗi mất mát người chồng và cậu con trai yêu dấu chưa bao giờ nguôi ngoai.

Ở Fiona, độc giả như thấy những cơn sóng trào dâng trong lòng người phụ nữ khi hiện thực khắc nghiệt như đánh quật, thúc ép con người ta đến gục ngã. Cơn sóng ngầm ấy vẫn ào ạt trong khi bà giữ được nét bình tĩnh trước mọi gian nguy hiểm trở.

Bà là điển hình cho những cam chịu nặng nhọc mà người phụ nữ phải gánh chịu và cũng giống như hình mẫu phụ nữ truyền thống, sở hữu cái tâm, cái hồn trong sáng, nghị lực mạnh mẽ cùng niềm tin mãnh liệt vào số phận con người.

Ba thế hệ phụ nữ điển hình trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai"
Fiona cùng Meggie và Justine là điển hình cho ba thế hệ phụ nữ cao cả trong cuộc đời

Trái ngược với Fiona là Justine, con gái của Meggie với người chồng đầu tiên. Justine là hiện thân của nét hiện đại, sự trẻ trung trong thời đại mới. Cô độc lập, tự tin và sống theo những chuẩn mực đạo đức mà bản thân đặt ra.

Không chấp nhận sự sắp đặt của số phận như bà ngoại từng làm, Justine hoàn toàn khác biệt so với những cô gái thời ấy. Trên tất cả, cô nắm lấy quyền định đoạt số phận bản thân và không để ai tự ý xen vào cuộc đời mình.

Là người có cá tính mạnh mẽ, Justine tựa cánh chim tự do bay lượn trên bầu trời, có thể nhìn ngắm nhưng không thể với lấy. Bởi lẽ, cô thuộc kiểu người của xã hội hiện đại, khao khát tự do, khao khát được vẫy vùng.

Cuối cùng là nhân vật trung tâm của Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Meggie. Cô hiện lên với vẻ đẹp của sự tự do tiềm ẩn, một cái tôi mạnh mẽ khao khát được hạnh phúc. 

Meggie luôn cố gắng vượt lên số phận, vượt qua những định kiến hạn hẹp vốn gông xích mỗi người để giành lấy tình yêu, giành lấy hạnh phúc cho riêng mình. Trong thâm tâm, cô hiểu rằng mình xứng đáng với tình yêu ấy.

Mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, Meggie cũng vậy và cô đã trở thành chú chim với tiếng hát thánh thót tuyệt trần, sẵn sàng lao vào bụi gai nhọn để cất lên tiếng ca trong ngần dẫu có phải đánh đổi mạng sống.

Chuyện tình bi đát giữa Meggie và cha Ralph được ví như bài ca của chú chim hót hay nhất thế gian vì cả hai phải hy sinh cuộc đời để đạt đến điều bản thân mong muốn. Tác phẩm như muốn nói lên rằng, những gì tốt đẹp nhất đều cần hy sinh bằng nỗi đau khổ vĩ đại.

Khi nhắc về những nhân vật nữ điển hình cho sự tự do và khát khao đấu tranh làm chủ số phận, độc giả thường sẽ nghĩ tới Jane Eyre, Emma hay nàng Scarlett O’Hara trong tiểu thuyết kinh điển Cuốn theo chiều gió.

Ích kỷ, sắc bén và phù phiếm, cô tiểu thư của Tara được hai song thân giàu có hết mực nuông chiều. Nàng thông minh nhưng sớm chán ghét cái cảnh tỏ ra ngu dốt để kiếm một tấm chồng.

Scarlett hiểu nàng chỉ đang cố nhận mình là một con búp bê với cái đầu rỗng để được xã hội thích thú xem như những sinh vật nhỏ bé, yếu đuối cần đến sự bảo vệ của đàn ông.

Dần dần, những biến cố lớn xảy đến và tinh thần nghị lực trong Scarlett trỗi dậy. Nàng tự xây dựng lại cơ ngơi của gia đình, đưa Tara qua những giai đoạn khủng hoảng nhất, thậm chí làm cả những việc thuộc phận sự của người hầu.

Tất cả phụ nữ trong văn học thời kỳ này đều sở hữu nội tại mạnh mẽ, tư chất thông minh, độc lập và không đầu hàng trước số phận. Vì số phận chẳng an bài, chính họ là người có quyền định đoạt cuộc đời mình.

Tình yêu bất tử giữa Meggie và cha xứ Ralph ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Trót yêu một người không cùng địa vị đã là sai lầm, Meggie còn trót yêu cha Ralph cùng lời thề sẽ không bao giờ kết hôn. Với độc giả, chỉ tưởng tượng điều này cũng thấy đau đớn đến nhường nào, người ta yêu mãi mãi không thể là của riêng ta.

Giống như tiếng chim chỉ cất lên một lần trong đời và rồi trả giá bằng tính mạng, song lại khiến nhân gian đắm say đến Thượng đế cũng im lặng mỉm cười, Meggie và Ralph đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ tình yêu của cả hai.

Mối tình trái cấm không trọn vẹn

Khi gia đình Meggie chuyển sang Australia để thừa hưởng trang trại Drogheda, cuộc đời cô bé mới thực sự bắt đầu. Tại đó, cô va vào tình yêu với cha Ralph, vị linh mục với tương lai đầy hứa hẹn.

“Anh yêu em, Meggie. Anh mãi mãi yêu em. Nhưng anh là linh mục…”, cha Ralph nói, khi cô bé Meggie thể hiện tình cảm với ông. Còn Meggie tự tin cho rằng “Tôi sinh ra cho anh ấy và chỉ anh ấy mà thôi”.

Cha Ralph yêu Meggie nhưng ông kiên quyết noi theo lời răn của Chúa, tuân theo đức tin của mình. Cũng vì người con gái ấy quá táo bạo, ông đã rơi vào vòng lặp tình yêu mà chỉ cái chết mới có thể giải thoát.

Ngược với vẻ hào nhoáng của Ralph, Meggie là cô bé xuất thân nghèo khó, cô độc và thiếu thốn tình thương cha mẹ. Cô bé nhỏ nhắn đó đã khiến cha Ralph, một tổng giám mục, rơi vào địa ngục như thiên thần sa ngã Lucifer.

Sự ngây thơ thuần khiết đã khiến ông rơi vào tình yêu và những bi kịch cũng bắt đầu từ đây. Cha Ralph chỉ nhớ đến cô thiếu nữ trong sáng đó, thế nên khi gặp lại Meggie trong hình hài một người đàn bà, cha đã sững sờ vì cô giờ đây quá đỗi sắc sảo.

Tình yêu của họ vô cùng cuồng nhiệt, thế nhưng độc giả đều hiểu không có chỗ nào trong xã hội có thể là nơi cư ngụ cho cả hai. Vì đó là mối tình trái cấm, không thể được người đời chấp nhận.

Mối tình trái cấm không trọn vẹn
Tình yêu trái cấm giữa họ khởi đầu cũng có nghĩa là kết thúc không trọn vẹn

Những định kiến xã hội hạn hẹp ấy đâu thể làm chùn bước cô gái Meggie đầy độc lập và một cái tôi khao khát tình yêu. Meggie chắc chắn không chấp nhận cách sống như bà Fiona, cam chịu và chấp nhận sự sắp đặt của số phận.

Bởi lẽ, nếu Meggie chấp nhận thì đã chẳng có kỳ tích nào xảy ra. Sẽ không có một câu chuyện tình nào đáng nhớ, cũng như chú chim ấy vì sợ rỉ máu do những mũi gai mà chấp nhận giấu đi tiếng hót trên trần thế này.

Vì Meggie là người phụ nữ mạnh mẽ, Colleen McCullough đã đưa vào văn chương một cuộc tình bi thương nhưng đẹp đẽ và trong sáng vô ngần. Đi ngược lại đức tin, phản bác mọi bàn luận xã hội, vượt lên trên những lề thói hà khắc để yêu, sẵn sàng chết vì tình yêu.

Bài ca hạnh phúc phải trả giá bằng cả tính mạng 

Con chim kia bất chấp nỗi sợ hãi cái chết mà nguyện hi sinh cả tính mạng chỉ để được cất lên tiếng hót một lần duy nhất trong đời. Con người ta cũng vậy, sẵn sàng đánh đổi tất cả vì hạnh phúc cho mình và người mình yêu.

Truyền thuyết về “bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được” đã được nhắc lại ở phần cuối tác phẩm, khi cha Ralph cuối cùng đã được ở cạnh bên người mình yêu.

Đã 45 năm trôi qua, độc giả trên toàn thế giới vẫn say sưa nói về truyền thuyết đó. Họ vẫn tự hỏi nhau, tình yêu là gì mà lại khiến cha Raplh và Meggie phải hết mình vì nó tới vậy.

Dưới ngòi bút của Colleen, cuộc đời được khắc họa giống như cơn lốc xoáy, không kiêng nể bất cứ ai mà cuốn phăng vạn vật. Được ẩn dụ dưới hình ảnh bụi mận gai, đâm thẳng vào những kiếp người, Meggie và cha xứ Ralph đã gặp gỡ nhau như thế.

Cha Ralph thuộc về Chúa, cả đời cha được định sẵn là con chiên phục tùng Đức Chúa thiêng liêng, tình yêu ấy lớn hơn rất nhiều tình cảm nơi trần thế. Ông đã yêu Meggie nhưng tiếc thay, không thể nào bỏ đi đức tin quý giá ấy của mình.

Người đàn ông ấy cũng không có đủ sức mạnh để đập tan bụi mận gai đang đâm chặt vào tình yêu mình ao ước. Cha Ralph đã không đủ can đảm vượt lên rào cản định kiến xã hội đang bủa vây để tới với người mình yêu.

Hình tượng bụi mận gai trong tác phẩm tượng trưng cho định kiến xã hội và số phận bi thương của các nhân vật. Meggie mạnh mẽ và quyết liệt nhưng cũng là người chịu nhiều thương đau nhất, không thể tránh khỏi mũi giáo nhọn giăng kín từ cuộc đời.

Bài ca hạnh phúc phải trả giá bằng cả tính mạng
Tình yêu giữa Meggie và Ralph là khúc thánh ca trả giá bằng cả tính mạng

Nhà văn Colleen McColough sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, trải qua một tuổi thơ đầy tủi hờn và dày vò. Chính tuổi thơ cay nghiệt đó khiến bà mơ ước làm bác sĩ để “không bao giờ dựa dẫm vào đàn ông một đồng xu nào, không dựa dẫm hay đứng dưới ai”.

Thế nhưng, tình yêu trong tác phẩm này không có được sự mạnh mẽ như vậy. Meggie táo bạo, tự do nhưng tình cảm thuần khiết cả đời của nàng lại cần tới cha xứ Ralph, người mãi thuộc về đấng tối cao.

Cha Ralph tới cùng vẫn chọn một tình yêu lớn hơn, bởi đó là số phận của cha và con đường mà người đàn ông ấy đã thề độc, quyết định gắn bó suốt đời. Thế nhưng, điều duy nhất khiến ông bận tâm vẫn là đôi mắt của Meggie.

Ông yêu cô với tình yêu của một bậc bề trên, một người cha, một người bạn, một người đồng hành tuyệt vời. Trọn kiếp nhân sinh, họ yêu nhau mà không cần ở bên nhau, vì tình yêu thực sự nằm ở sự thấu hiểu và đồng cảm. Khi hai tâm hồn đồng điệu, nó sẽ tự cất lên tiếng ca thánh thót trần gian.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai – Khúc tình si trong ngần của tâm hồn

Cả hai người đều phải đánh đổi song sự hi sinh của họ là tất yếu. Bởi lẽ, cần có người vượt qua lằn ranh định kiến, cần có người gìn giữ cái đẹp bị che khuất trong tội ác, những khát khao cháy bỏng không thể bị ngăn cản bởi điều xấu xa tầm thường.

Meggie nguyện yêu cha Ralph bằng tình cảm mãnh liệt nhất, bằng tất cả những điều cô có để minh chứng cho tình yêu ấy. Cả hai người đã đồng thanh cất lên bài ca độc nhất, dẫu phải trả giá bằng nỗi đau khổ tuyệt vời.

“Nếu bạn có thể yêu ai đó với toàn bộ trái tim mình, dù chỉ một người, thì đó chính là sự cứu rỗi cuộc đời. Thậm chí nếu bạn không thể ở bên người đó.” – Haruki Murakami

Meggie và cha xứ Ralph dành cả đời để yêu dẫu biết không có đích đến cho cuộc tình này, thế nhưng tình yêu ấy đã cứu rỗi họ. Họ yêu và trao nhau những điều tốt nhất, mọi thứ chỉ có thể là định mệnh, sự ấm áp và ngọt ngào rồi đã theo mỗi người suốt cả cuộc đời.

Tác phẩm là khúc ca về vẻ đẹp trong ngần của tâm hồn con người, không vì sợ hãi cái chết mà từ bỏ quyền được sống thật sự. Cả hai nhân vật đều là những hình tượng được vẽ ra để ca ngợi và thúc đẩy con người đi tìm số phận chính mình.

Sau lớp rào chắn kia, thứ duy nhất còn tồn tại là tình yêu đích thực. Dẫu đau đớn đến rỉ máu vì những mũi gai, vẫn tỏa nét sáng ngời khiến vạn vật ghen tị. Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tác phẩm mà khi gấp lại, vẫn còn mãi đau đáu về sự hy sinh mà các nhân vật dành cho nhau.

Bằng ngôn từ giản dị, gần gũi, Collen McCullough đã dành tặng chúng ta một trong những tiểu thuyết kinh điển nhất về tình yêu, giá trị cao cả trong trang sách vẫn còn vẹn nguyên theo dòng chảy của năm tháng.

Mân Côi