Trong nền văn học Trung Hoa hiện đại, Chu Quang Tiềm được biết đến như ngôi sao sáng với nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa. Ông gây ấn tượng bởi giọng điệu nhẹ nhàng nhưng vẫn rất mực tinh tế, đầy tính thuyết phục. 

Không chỉ viết văn, ông còn là nhà mỹ học và lý luận văn học rất nổi tiếng. Các sáng tác của người nghệ sĩ đa tài đều thấm đẫm chất triết lý, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ.

Chu Quang Tiềm và tấm lòng sắc son với văn chương

Chu Quang Tiềm sinh năm 1897 tại huyện Đông Thành thuộc tỉnh An Huy, vùng đất có nhiều làng cổ bậc nhất Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, ông đã rất hiếu học và thường hay nghiên cứu các tài liệu văn chương.

Nhà văn từng theo học nhiều ngành ở các trường khác nhau, qua đó tích lũy cho mình vốn hiểu biết sâu rộng. Sau khi tốt nghiệp, Chu Quang Tiềm giữ các chức vụ danh giá như Viện trưởng viện Đại học Tứ Xuyên, Giáo sư Đại học Bắc Kinh.

Chu Quang Tiềm và tấm lòng sắc son với văn chương

Nhà văn Chu Quang Tiềm lấy bút danh là Mạnh Thực và Mạch Thạch, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đáng kinh ngạc về lĩnh vực văn hóa gồm tập sách Tâm lý học văn nghệ, Bàn về thơ hay Bàn về đọc sách.

Các sáng tác của ông in đậm dấu ấn cá nhân và trở thành nguồn tư liệu phong phú trong lĩnh vực học thuật. Đặc biệt, Chu Quang Tiềm viết hay, đặc sắc nhất ở thể loại chính luận.

Văn sĩ luôn hết mình với nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng, đặt cả tâm hồn vào từng trang viết. Những điều tác giả truyền tải đều dựa trên sự vốn am hiểu sâu rộng cùng trải nghiệm thực tế.

Một phong cách văn học không thể trộn lẫn 

Trong hành trình đi đến trái tim độc giả, người nghệ sĩ nào cũng khao khát thể hiện cái tôi cá nhân. Chu Quang Tiềm không phải ngoại lệ khi hằn sâu dưới câu chữ là phong cách riêng biệt, không thể tìm thấy ở cây bút khác.

Nhà văn không viết một cách hời hợt mà ông đi sâu vào vấn đề để tìm ra bản chất thực sự đang ẩn giấu. Chính vì thế, dù là đề tài lớn lao, có phần hơi trừu tượng thì người đọc vẫn dễ dàng thấu hiểu bức thông điệp văn sĩ muốn truyền tải. 

Một đặc điểm nổi bật trong phong cách văn học của Chu Quang Tiềm là giọng văn nhỏ nhẹ như lời tâm tình, chinh phục mọi trái tim. Ông rất có ý thức đối với việc sử dụng và phối hợp con chữ, nhờ đó gọi dậy được linh hồn bài viết. 

Tuy sở trường là ở thể văn chính luận nhưng ngòi bút văn sĩ không hề khô khan mà ngược lại rất sinh động bởi lối lập luận vững chắc, ngôn ngữ gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Chu Quang Tiềm còn thường xuyên đưa dẫn chứng từ chính trải nghiệm của mình và những người xung quanh vào bài viết. Vì vậy, văn ông đã mang đến cho độc giả nhiều kiến thức bổ ích, giúp họ hiểu hơn về cuộc đời.

Tư tưởng của Chu Quang Tiềm về nghệ thuật

Việc tiếp xúc với sách vở từ sớm đã tạo nên cho Chu Quang Tiềm một tư tưởng mới mẻ và hiện đại về nghệ thuật. Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng các lý thuyết thẩm mỹ của ông vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến tận bây giờ.

Tư tưởng của Chu Quang Tiềm về nghệ thuật

Không bị giới hạn bởi khuôn khổ có sẵn, văn sĩ luôn có cái nhìn rộng mở về thế giới xung quanh. Chu Quang Tiềm tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa, gạn lọc rồi nhào nặn chúng thành thứ tư tưởng đậm triết lý.

Tác giả cũng đưa ra nhiều lý thuyết về biện chứng cũng như phản biện trong văn học và thẩm mỹ học. Ông cho rằng chúng là các phương pháp quan trọng để phê bình, đánh giá tác phẩm nghệ thuật.

Việc áp dụng lý thuyết này giúp mọi người hiểu hơn về mối liên hệ giữa nghệ thuật và chính trị trong xã hội hiện đại. Vì thế, nó có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà văn Trung Quốc khác như Lưu Cơ, Đinh Tiểu Thanh hay Tống Phương Hổ.

Nhà văn Chu Quang Tiềm và tiểu luận Bàn về đọc sách 

Bàn về đọc sách là một trong số bài tiểu luận làm nên tên tuổi Chu Quang Tiềm, nó được trích từ cuốn Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui, nỗi buồn của việc đọc sách, xuất bản lần đầu năm 1995.

Từ khi ra mắt, tác phẩm khiến công chúng phải ngạc nhiên bởi vốn hiểu biết cao sâu cùng lập luận chặt chẽ. Đồng thời, Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui, nỗi buồn của việc đọc sách được in và dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có cả Việt Nam.

Tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của việc đọc sách 

Đứng trên lập trường của một người có vốn kiến thức sâu rộng và trải qua nhiều năm nghiên cứu văn hóa nhân loại, Chu Quang Tiềm hiểu rõ hơn ai hết giá trị mà việc đọc sách đem lại. Đối với ông, đây là con đường quan trọng nhất để nâng cao trình độ học vấn.

“Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có.” – Bàn về đọc sách 

Đó là vì, mỗi quyển sách đều lưu giữ tri thức tích lũy từ hàng ngàn năm, đánh dấu từng cột mốc trên hành trình tiến hóa của nhân loại. Nó không chỉ giúp mỗi người nhìn đời dưới nhiều khía cạnh mà còn tự vấn chính mình để trưởng thành hơn. 

Nhà văn còn cho rằng, đọc sách là cách con người ta trả món nợ từ quá khứ, lĩnh hội các bài học quý giá và thể hiện sự kính trọng đối với thế hệ đi trước. Nếu như quay lưng với sách vở, thờ ơ trước thành tựu của một thời đã qua thì chắc chắn nhân loại không thể phát triển, thậm chí là trở nên lạc hậu.

“Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước.” – Bàn về đọc sách 

Chỉ khi đọc sách, con người mới có thể nâng cao tri thức, có được sự chuẩn bị chu toàn cho “cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn” để kiến tạo nên một thế giới tiến bộ và văn minh hơn.

Khó khăn và thiên hướng lệch lạc trong việc đọc sách

Đọc sách giúp con người mở mang hiểu biết, sống một cách có ý nghĩa và toàn vẹn hơn. Dù vậy, vẫn còn tồn tại không ít người đang vấp phải rào cản trong hành trình lĩnh hội tri thức. 

Bằng cách lập luận sắc bén, Chu Quang Tiềm chỉ ra việc có quá nhiều sách đã dẫn đến tình trạng đọc “qua loa”, không chuyên tâm ghi nhớ bài học mà cổ nhân truyền tải.

Để làm rõ điều này, văn sĩ đưa ra phép so sánh giữa người đọc thời xưa và hiện đại. Nếu trước đây khi sách còn ít, có kẻ “đọc đến bạc đầu” mới hết một cuốn kinh thì giờ đây, học giả trẻ chỉ “lướt qua” trang giấy thật nhanh, cốt lấy số lượng. 

Khó khăn và thiên hướng lệch lạc trong việc đọc sách

Bằng sự đối chiếu này, nhà văn lên án khuynh hướng đọc sách sai lệch và châm biếm những kẻ phô trương vì đọc nhiều nhưng chẳng đọng lại bao nhiêu sau khi trang giấy kết thúc.

“Giờ đây sách dễ kiếm, một học giả trẻ đã có thể khoe khoang từng đọc hàng vạn cuốn sách. “Liếc qua” tuy rất nhiều, nhưng “đọng lại” thì rất ít, giống như ăn uống, các thứ không tiêu hoá được tích càng nhiều, thì càng dễ sinh ra bệnh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn đều do lối ăn tươi nuốt sống đó mà sinh ra cả.” – Bàn về đọc sách 

Với Chu Quang Tiềm, ý nghĩa thực sự của việc đọc không nằm ở số lượng từng xem qua mà là giá trị bản thân đã nhận được. Khi tìm hiểu bất kỳ cuốn sách nào, con người ta phải nghiền ngẫm đến thuộc lòng, để kiến thức thấm vào trí não. 

Không dừng lại ở đó, tác giả còn chỉ ra sự thật rằng độc giả dễ bị lạc hướng khi phải đối mặt với quá nhiều tài nguyên sách. Họ chẳng biết mình thực sự cần gì cũng như nhận ra đâu là thứ phù hợp với bản thân.

“Bất cứ lĩnh vực học vấn nào ngày nay đều đã có sách vở chất đầy thư viện, trong đó, những tác phẩm cơ bản, đích thực, nhất thiết phải đọc chẳng qua cũng mấy nghìn quyển, thậm chí chỉ mấy quyển.” – Bàn về đọc sách 

Đứng trước khối lượng khổng lồ của sách, nhiều độc giả không thể phân biệt được “tác phẩm đích thực” hay chỉ là “vô thưởng vô phạt”, từ đó dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian và “bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng”.

Một lần nữa, Chu Quang Tiềm lại vận dụng một cách khéo léo biện pháp nghệ thuật so sánh. Ông ví von việc thu nạp kiến thức cũng giống như đánh trận, cần phải xác định mục tiêu và cách thức đọc. 

“Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận, cần phải đánh vào thành trì kiên cố, đánh bại quân địch tinh nhuệ, chiếm cứ mặt trận xung yếu.” – Bàn về đọc sách 

Lời văn tinh tế cùng lý lẽ sắc bén của văn sĩ đã giúp độc giả nhận ra rằng đọc sách không phải là một chuyện dễ dàng. Chính vì thế, mọi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng cũng như xây dựng được phương pháp phù hợp để lĩnh hội tri thức.

Chu Quang Tiềm bàn về phương pháp đọc sách

Với những trải nghiệm quý báu xuyên suốt hành trình viết, Chu Quang Tiềm đã mang đến cho độc giả các phương pháp thu nạp kiến thức hiệu quả. Từ đó, ông giúp nền văn hóa đọc trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là với giới trẻ.

Chu Quang Tiềm bàn về phương pháp đọc sách 

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ sách trước khi đọc, tránh rơi vào trường hợp chọn nhầm những cuốn nội dung sáo rỗng, vô giá trị. 

“Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị.” – Bàn về đọc sách 

Sau khi tìm ra đầu sách chất lượng, độc giả cũng cần biết cách đọc để có thể thấu hiểu bức thông điệp được gửi gắm. Văn sĩ khẳng định rằng không thể lướt qua mà phải vừa thưởng thức đan xen với ngẫm nghĩ.

Đọc không phải để lấy số lượng làm thành tựu rồi phô trương như những kẻ “trọc phú khoe của” mà cần “trầm ngâm tích lũy” nhằm hình thành lối sống mới, thay đổi khí chất và nhìn cuộc đời bằng đôi mắt bao dung.

Không những thế, độc giả còn cần xây dựng thói quen đọc khoa học, có hệ thống. Để làm được điều này, phải biết phân biệt đâu là sách phổ cập kiến thức, đâu là những tác phẩm giúp trau dồi kỹ năng.

“Sách đọc nên chia làm mấy loại, một loại là sách đọc để có kiến thức phổ thông mà mọi công dân thế giới hiện nay đều phải biết, một loại là sách đọc để trau dồi học vấn chuyên môn.” – Bàn về đọc sách 

Với sự thông thái của một học giả, ông nhấn mạnh bất kỳ loại sách nào, dù ở mức cơ bản hay nâng cao đều quan trọng đối với quá trình chiếm lĩnh học vấn. Điều này giống như các quy luật bên trong vũ trụ, mọi vật có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời.

Qua tiểu luận Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm đã mang đến cho độc giả khắp mọi nơi một sự nhìn nhận đúng đắn về giá trị mà việc đọc sách đem lại. Nó không chỉ giúp nâng cao trình độ hiểu biết mà còn rèn luyện tính cách, học đạo làm người.

Những nét đặc sắc trong nghệ thuật của tác giả 

Nếu như đề tài và tư tưởng tiến bộ của Chu Quang Tiềm khiến tác phẩm ông viết ra mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc thì chính bàn tay tài hoa cùng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc là công cụ giúp văn sĩ chiếm được cảm tình độc giả. 

Văn sĩ đã vận dụng phép liên tưởng, so sánh cùng ẩn dụ một cách nhuần nhuyễn và khéo léo. Nhờ đó mà trang văn viết ra luôn có chiều sâu, mang nhiều tầng nghĩa khác nhau, buộc độc giả phải hòa mình vào tác phẩm để cảm nhận. 

Chu Quang Tiềm còn là người nghệ sĩ rất ý thức trong việc sử dụng từ ngữ. Từng câu chữ đều được ông gạn lọc, trau chuốt kỹ lưỡng để truyền tải trọn vẹn ý tứ tác phẩm.

Dù đã mấy trăm năm trôi qua nhưng tên tuổi Chu Quang Tiềm vẫn mãi khắc sâu trong lòng độc giả. Ông là một ngôi sao sáng, soi rọi cả bầu trời nghệ thuật Trung Hoa.

Hạ Miên