Càng vào lúc triều đại nhiễu loạn thì văn chương càng phát triển rực rỡ với những áng văn sắc sảo hướng tới phản ánh thực trạng xã hội. Nguyễn Dữ là một trong những ngòi bút lớn sinh ra giữa những biến động của lịch sử và góp phần vào việc phát triển thể loại truyền kỳ viết bằng chữ Hán nói riêng và văn xuôi dân tộc nói chung.

Nguyễn Dữ là người đã chứng kiến thịnh suy của cả một triều đại

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ông sống trong khoảng thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII và là con trai của Nguyễn Tường Phiêu, người từng đỗ tiến sĩ vào đời vua Lê Thánh Tông. 

Nguyễn Dữ được cho là một trong những tác giả vừa chứng kiến sự hưng thịnh của triều Hậu Lê vừa trải qua những năm tháng quá vãng của nó. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu bước vào quá trình suy tàn của phong kiến Việt Nam. 

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Dữ
Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất và cũng đặc sắc nhất của nhà văn Nguyễn Dữ

Quân Minh sang xâm lược nước ta, gây ra nhiều tang thương biến loạn, thế nên Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa và sau mười năm kháng chiến đã đại thắng quân Minh rồi lập ra triều Hậu Lê vào năm 1428. 

Thời Lê Sơ là giai đoạn phát triển cực thịnh của xã hội phong kiến Việt Nam về mọi mặt, từ kinh tế, quân sự đến văn hóa và xã hội. Chính vì lẽ đó, văn học giai đoạn này mang âm hưởng yêu nước, ngợi ca vẻ đẹp non sông và đức độ minh quân. 

Thế nhưng, bắt đầu từ thế kỉ 16, nhà Lê suy vi, quan lại trong triều chia bè kết phái tranh chấp quyền lực khiến đất nước rơi vào cảnh đau thương, chiến loạn rồi dẫn tới Nam Bắc phân tranh và Trịnh Nguyễn tương tàn. 

Thời đại Nguyễn Dữ sống
Xã hội phong kiến đã bắt đầu bước vào quá trình suy thoái

Bối cảnh xã hội rối ren ấy sản sinh ra các tác phẩm văn học mang cảm hứng thế sự (phản ánh lịch sử và bày tỏ thái độ với những gì xảy ra trước mắt) như Thượng kinh ký sự hay Tang thương ngẫu lụcTruyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm văn học mang cảm hứng đó.

Lúc nhỏ, Nguyễn Dữ rất chăm học, ông đọc rộng, nhớ nhiều và ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến và đỗ Tam trường, ông ra làm quan thời nhà Mạc, rồi sau đó làm Tri huyện Thanh Toàn (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho nhà Hậu Lê. 

Thế nhưng chỉ làm quan được một năm, Nguyễn Dữ đã cáo quan hồi hương, lấy lý do phải phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu và từ đó trải qua bao năm tháng, ông đã không đặt chân đến thị thành. 

Dù đã lui về ẩn dật nhưng tâm ông vẫn luôn hướng về dân, về nước, đó là lí do vì sao Truyền kỳ mạn lục ra đời, thiên kỳ bút này là nơi để Nguyễn Dữ ký thác tâm sự và thể hiện hoài bão của mình. 

Vài nét khái quát về Truyền kỳ mạn lục

Truyền kỳ mạn lục (tên tiếng Hán là 傳奇漫錄) có nghĩa là sao chép tản mạn những chuyện kỳ lạ. Tác phẩm gồm hai mươi truyện ngắn và các truyện đều được viết bằng văn xuôi, xen lẫn một ít văn biền ngẫu và thơ ca.

Trừ truyện số mười chín (Cuộc nói chuyện ở Kim Hoa) các truyện còn lại đều có lời bình của tác giả ở phần cuối. Lời bình của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục không bàn về nghệ thuật văn chương mà chủ yếu bàn về nội dung ý nghĩa.

“Than ôi! Những truyện huyễn hoặc Tề Hài, những lời ngụ ngôn Trang Chu, người quân tử vốn chẳng nên ham chuộng. Nhưng nếu là chuyện quan hệ đến luân thường, là lời ký ngụ ý khuyên giới, thì chép ra và truyền lại, có hại gì đâu. Nay như câu chuyện Tử Hư, có thể để khuyên cho những người ăn ở trung hậu với thầy, lại có thể làm răn cho những người ăn ở bạc bẽo với thầy, có quan hệ đến luân thường của người ta lớn lắm. Đến như việc lên chơi thiên tào, có hay không có, hà tất phải gạn gùng đến nơi đến chốn làm gì?”

– Truyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào

Hai mươi truyện ngắn trong Truyền kỳ mạn lục viết về nhiều đề tài, có loại truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối của giai cấp phong kiến lúc suy thoái, cũng có áng văn nói đến hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng và còn có cả loại truyện kể về đời sống và lý tưởng của kẻ sĩ, trong đó nổi bật hơn cả là những truyện miêu tả cuộc sống của nho sĩ ẩn dật. 

Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục
Ảnh bìa tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ

Từng câu chuyện như những mảnh ghép góp phần khắc họa nên bức tranh hoàn chỉnh về tình hình xã hội trong khoảng thời gian từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII và thể hiện thái độ của người cầm bút. 

Nguyễn Dữ đã thông qua Truyền kỳ mạn lục mà gián tiếp đả kích hôn quân bạo chúa, lên án tình trạng tham nhũng, đồi phong bại tục, cảm thương cho cảnh ngộ đau khổ của người dân lương thiện bị chà đạp, hà hiếp và thay họ bộc lộ sự phẫn nộ trước những tệ nạn hủ lậu của xã hội phong kiến. 

Những sáng tạo của Nguyễn Dữ so với đặc trưng của nền văn học trung đại

Bằng cách đặt tên tác phẩm là Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã khiêm tốn chỉ xem mình là người ghi chép tản mạn những chuyện kỳ lạ được lưu truyền. Thế nhưng nhiều nghiên cứu văn học đã chỉ ra rằng Truyền kỳ mạn lục là một tập truyện phóng tác với phần sáng tạo và hư cấu của tác giả rất đáng kể.

Đáng chú ý hơn cả trong Truyền kỳ mạn lục là thành tựu về mặt xây dựng nhân vật. Bên cạnh các nhân vật có vai trò là kẻ phát ngôn trực tiếp của Nguyễn Dữ trong những truyện có tính chất luận thuyết, nổi bật lên giữa “thiên cổ kỳ bút” này là các nhân vật được dụng công xây dựng như những cuộc đời riêng để tự biểu hiện bản chất của hiện thực.

“Nay nghiêm đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu… Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam chướng nghìn trùng, hiểm nghèo giữa đám kình nghê, cách trở trong vùng rừng núi, sớm hôm săn sóc, không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo…” 

– Truyện nàng Nhị Khanh

Từ những hình tượng lịch sử và dân gian, Nguyễn Dữ đã xây dựng lại thành những nhân vật tiểu thuyết có diện mạo, tính cách và cuộc sống riêng bằng những chi tiết chọn lọc. Đây là lối xây dựng rất hiếm thấy trong các tác phẩm văn học trung đại cùng thời. 

Bên cạnh nghệ thuật xây dựng nhân vật, Truyền kỳ mạn lục còn thấm đẫm tính trữ tình thông qua những đoạn văn miêu tả nội tâm nhân vật. Chẳng hạn như đoạn văn miêu tả nỗi nhớ gia hương của Từ Thức khi chàng đang sống ở cõi tiên.

“Từ khi bỏ nhà ra đi, thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay màu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu không sao ngủ được, (…), bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon…”

– Truyện Từ Thức gặp vợ tiên

Có thể nói, tác phẩm của Nguyễn Dữ đã vượt qua loại truyện kể vốn ít chú trọng đến tính cách và cuộc sống riêng của nhân vật và cũng vượt ra ngoài khuôn khổ của truyện cổ dân gian vốn ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. 

Nguyễn Dữ là nhà văn có con mắt nhìn đời sắc sảo.

Sống giữa giai đoạn xã hội phong kiến bắt đầu suy thoái, Nguyễn Dữ đã sớm nhìn thấy được những mặt tiêu cực đang dần nhen nhóm trong triều đại mình. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông dù thấm đẫm tính chất kỳ ảo nhưng thực ra những câu chuyện kỳ lạ ấy là một cách thức khéo léo và đầy sáng tạo để nhà văn phản ánh sâu sắc hiện thực đương thời.

Nguyên bản của Truyền kỳ mạn lục
Nguyên bản tiếng Hán của tập Truyền kỳ mạn lục

Thông qua tác phẩm, Nguyễn Dữ đã phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm về những vấn đề lớn của đất nước và con người trong giai đoạn từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII.

Ông nghiêm túc phê phán những tệ nạn của chế độ phong kiến đang mục ruỗng và miêu tả rất thực diện mạo và tính cách của giai cấp bóc lột đồng thời ít nhiều thể hiện được cảnh ngộ cùng cực của nhân dân.

Nhà văn không ngại vạch trần sự giả tạo, suy đồi và biến chất của nền nho học.

“Ngày nay những người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho… thường đổi họ để đi học, thay tên để ra thi,…”

– Truyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào

Con đường công danh mà ngày trước bao nhiêu thanh niên trai tráng với chí lớn, tài cao không ngại bỏ công sức “dùi mài kinh sử” với khao khát đỗ đạt Trạng Nguyên để giúp dân, giúp nước thì nay đã xuất hiện những mặt tiêu cực. 

Kẻ sĩ chỉ chuộng hư vinh và lo mưu toan lợi ích cho mình, bọn quan lại thì nhiều kẻ không hề có lý tưởng “trí quân trạch dân” mà lại dùng thủ đoạn xấu xa để trèo lên bậc thang danh vọng hòng vinh thân phì gia.  

“Ông mỗ ở ngôi trọng thần mà tham lam không chán, ông mỗ làm chức sư tư mà mô phạm không đủ, ông mỗ coi lễ mà lễ nhiều thiếu thốn, ông mỗ chăn dân mà dân bị tai hại, ông mỗ chấm văn mà lấy đỗ thiên vị, ông mỗ trị ngục mà buộc tội oan uổng; lại còn những lúc thường bàn nói thì mồm mép bẻo lẻo, đến lúc trù tính, quyết định kế lớn của quốc gia thì mờ mịt như ngồi trong đám mây mù, thậm chí không noi theo danh, không xét theo thực, không trung với đấng quân thượng, lớn thì làm việc bán nước, nhỏ thì làm việc dối vua…”

– Truyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào         

Cùng với đạo Nho, đạo Phật cũng bộc lộ mặt tiêu cực, nhà chùa lúc này hay chứa chấp những kẻ gian dâm, du đãng. Thầy chùa phần nhiều là những kẻ đầy dục vọng, không theo được lối sống chân tu, khổ hạnh. 

Nguyễn Dữ cho rằng một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự suy đồi của xã hội phong kiến là đồng tiền và một số quan niệm nhân sinh có tính thị dân. Thế nên, nhà văn đã dùng những áng văn đanh thép để lên án lối sống trụy lạc của tầng lớp thị dân hư hỏng và của cả giai cấp phong kiến đương thời.

“Như nhà người trước có công lao, nên ta cho coi giữ một phương vì dân che chở. Vậy mà người dở thói dâm ngược, như thế là trừ tai ngữ hoạn cho dân đấy ư.”

– Truyện đối tụng ở Long Cung

Với cái nhìn sắc sảo, tấm lòng bao la với nước với dân và tài năng văn chương kiệt xuất, Nguyễn Dữ đã góp vào nền văn chương dân tộc một “thiên cổ kỳ bút” giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa thì tên tuổi của Nguyễn Dữ cùng tập truyền kỳ vẫn sẽ sống mãi như chứng nhân lịch sử cho sức sống của những thời đại đã qua.   

Hạnh Vi