Xuất bản vào ngày mười tháng tư năm 1925, tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của nhà văn Mỹ Francis Scott Fitzgerald được bình chọn là một trong “Mười tác phẩm lớn nhất của mọi thời đại” do tạp chí Time tổ chức và đứng thứ hai trong danh sách một trăm tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX của Modern Library.

Những năm tháng cuộc đời của Francis Scott Fitzgerald

Nhà văn sinh năm 1986 tại Saint Paul, thủ phủ bang Minnesota trong một gia đình Kitô giáo. Dù gia cảnh có phần sa sút nhưng bố mẹ ông vẫn tạo nhiều điều kiện để con trai được học hành đầy đủ và có cơ hội gia nhập vào tầng lớp thượng lưu.

Ông sống cách khu nhà giàu có vài căn, nỗ lực kết giao với con cái nhà thượng lưu và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong trường học nhưng bản thân Francis biết rõ ông chưa bao giờ được xếp vào cùng đẳng cấp với họ. Ta có thể thấy rõ hiện thân của nhà văn thông qua nhân vật Nick Carraway trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại.

Ảnh minh họa cho nhà văn Francis Scott Fitzgerald
Chân dung nhà văn Francis Scott Fitzgerald

Mơ tưởng vượt qua được hàng rào ngăn cách bởi tiền bạc và địa vị bằng vinh quang nơi chiến trận, chưa học xong đại học, năm 1917, ông đã vào lính nhưng quân đội chỉ đem lại sự thất vọng, nhà văn nhận ra việc khoác lên mình bộ quân phục cũng không thể xóa bỏ thân phận và địa vị thấp kém. 

Xuyên suốt khoảng thời gian từ lúc học đại học đến khi đi lính rồi sau đó xuất ngũ và kết hôn với Zelda Sayre, Francis Scott Fitzgerald đã sáng tác nhiều tác phẩm làm nên tên tuổi của chính mình trên văn đàn. 

Nhà văn gây ấn tượng với độc giả Mỹ ngay từ tác phẩm đầu tay của mình là Bên này thiên đường, tất cả số sách ở lần xuất bản đầu tiên vào tháng ba năm 1920 đã bán hết ngay trong hai mươi bốn giờ đầu tiên. 

Nhà văn và vợ
Nhà văn Francis Scott Fitzgerald và người vợ Zelda

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Francis Scott Fitzgerald, Người đẹp và bị nguyền rủa xuất bản năm 1922 cũng gây được tiếng vang lớn. Cùng năm ấy, Fitzgerald cho in tập truyện ngắn Chuyện của thời đại Jazz

Tên tuổi của Francis Scott Fitzgerald ngày càng được nhiều người biết đến qua các tác phẩm đã xuất bản nhưng ông chỉ thực sự tạo được dấu ấn đậm nét trên văn đàn khi tiểu thuyết Gatsby vĩ đại hoàn thành. 

Sau Gatsby vĩ đại, ông cho ra đời cuốn Êm đềm là đêm và viết dở cuốn Nhà tài phiệt cuối cùng. Sau khi ông qua đời, loạt truyện ngắn của ông được tuyển tập lại và xuất bản dưới nhan đề Viên kim cương to bằng tòa nhà Ritz.

Ảnh minh họa cho tác giả của tiểu thuyết Gatsby vĩ đại
Gia đình nhỏ của nhà văn

Francis Scott Fitzgerald đã trải qua những năm hai mươi ồn ào của xã hội Mỹ và là thành viên của thế hệ thanh niên bị đuổi khỏi thiên đường để rồi nay sống ở mặt trái của giấc mơ Mỹ. Điều đó khiến cho dư âm của sự xô bồ trong kỉ nguyên vật chất này in dấu sâu sắc trong các tác phẩm của ông.

Nhà văn viết nhiều về các nhân vật điển hình cho lối sống Mỹ trong những thập niên từ năm 1920 đến năm 1940. Họ bước ra khỏi chiến trận nhưng trong lúc chưa kịp định hình lại mình thì đã chứng kiến sự phất lên nhanh chóng của nền kinh tế nước nhà.

Sự phát triển vượt bậc về tài chính và khoa học không đi kèm công bằng xã hội ấy đã đẩy con người vào sự lạc lõng mất phương hướng, khiến họ trở nên thực dụng và chỉ tin vào những gì cụ thể, có thể làm chiếc vỏ bọc an toàn cho chính mình mà tiêu biểu là đồng tiền.    

Gatsby vĩ đại là sự phục dựng một cách chi tiết những năm hai mươi  ồn ào của xã hội Mỹ

Gatsby vĩ đại là tiểu thuyết được viết dựa trên góc nhìn của nhân vật Nick Carraway về Jay Gatsby, người triệu phú giàu xổi có một tòa dinh thự sang trọng bên bờ biển Long Island.

Đối với những người khác, Jay Gatsby chỉ đơn thuần là kẻ lắm tiền với quá khứ bí ẩn thường xuyên tổ chức các bữa tiệc xa hoa, lộng lẫy để thiết đãi bất cứ một kẻ ham vui nào có dịp đặt chân đến West Egg.

“Bên nhà người láng giềng của tôi, tiếng nhạc xập xình suốt các đêm hè. Trong khu vườn mầu thiên thanh của Gatsby, đàn ông đàn bà nườm nượp người đến kẻ đi như đám bướm đêm giữa những tiếng thì thầm, rượu sâm banh và các vì sao.”

– Gatsby vĩ đại

Thế nhưng, Nick Carraway với tư cách là người hàng xóm của Gatsby và có nhiều dịp thân cận với anh nên đã sớm nhận thấy Gatsby không như vẻ bề ngoài.

Sau việc Gatsby nhờ vả Nick để được gặp cô em họ của anh là nàng Daisy Buchanan, người bây giờ đã là vợ của Tom Buchanan, Nick biết được khi còn là anh lính không tiền tài địa vị, Gatsby và Daisy từng yêu nhau say đắm.

Thế nhưng vì thân phận nghèo hèn của Gatsby và sự chia cắt của chiến tranh mà mối tình đã chẳng thế có được kết cục viên mãn. Vì vậy mà giờ đây Gatsby sau khi thành đạt đã trở lại với ước mong lần nữa có được nàng Daisy trong đời.

“Người thứ hai là Daisy. Nàng tìm cách nhóm người dậy, hơi chúi ra phía trước với một vẻ chăm chú rồi buông ra những tiếng cười nho nhỏ, duyên dáng và ngớ ngẩn. Tôi cũng cười theo và bước vào phòng.

– Em tê-ê dại vì sung sướng.

Daisy lại cười, cứ y như đã nói một câu gì dí dỏm lắm. Nàng giữ bàn tay tôi trong tay nàng một lúc, ngước mắt nhìn lên mặt tôi với vẻ như không có ai trên đời nàng mong gặp bằng tôi. Đó là một kiểu làm điệu của nàng.”

– Gatsby vĩ đại

Thế nhưng người phụ nữ mà Gatsby xem là mơ ước cả đời của mình ấy hóa ra lại không hoàn hảo như trong trí tưởng tượng của anh. Đó là người phụ nữ tìm kiếm sự an toàn trong nhung lụa và là người vợ có thể nhắm mắt làm ngơ việc chồng mình ngoại tình cốt chỉ để yên ổn sống với khối tài sản kếch xù của nhà chồng.

Thế nên khi biến cố xảy đến, nàng đã lựa chọn tiếp tục làm phu nhân Buchanan, lớp vỏ giàu sang và quyền quý mà bấy lâu nay Daisy vẫn giấu mình vào và để mặc mọi tội lỗi cho Gatsby gánh chịu.

Ảnh minh họa cho bìa sách Gatsby vĩ đại
Bìa sách song ngữ của tiểu thuyết Gatsby vĩ đại

Đến cuối cùng, anh bị người ta bắn chết vì tội ác không do mình gây ra. Sau cái chết của Gatsby, những bí ẩn về thân phận của anh cũng dần được hé lộ và từ đó, Nick Carraway đã có những nhìn nhận rất khác về tầng lớp thượng lưu mà bản thân đã cố chen chân vào.

Nick đã không thể nào chịu đựng nổi cảnh sống ngột ngạt ở phố thị nên đã trở về quê hương nhưng có lẽ đến suốt đời anh vẫn sẽ không thể nào quên được câu chuyện cuộc đời của một người tên Jay Gatsby. 

Cuốn tiểu thuyết dài gần hai trăm trang sách ấy đã cho người đọc một góc nhìn sáng rõ vào những năm hai mười ồn ào của xã hội Mỹ.

Bìa sách Gatsby vĩ đại với tên gọi khác
Một bản dịch khác với tên gọi Đại gia Gatsby

Bước ra khỏi Thế chiến thứ nhất với khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán vũ khí và không bị bom đạn tàn phá, nền kinh tế Mỹ phất lên nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt những tiện ích và phương tiện giải trí từ báo chí, phim ảnh đến nhà hát.

Con người lao vào những cuộc vui chơi của không khí chiến thắng và sự giàu sang, người ta đổ tiền vào bia rượu, thể thao, cờ bạc và những người đẹp.

Thực trạng này được thể hiện rõ nét nhất qua các buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng tại nhà Gatsby và qua cả những tai tiếng của giới nghệ sĩ và hoa hậu được đem ra làm chủ đề bàn tán trong những cơn say.

Để ngăn chặn tình trạng đạo đức suy đồi, năm 1919 Chính phủ thông qua Tu chính án thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ, cấm sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở tất cả mọi loại rượu vì cho rằng nạn uống rượu là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội khác.

Thế nhưng pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở, việc Tu chính án ấy ra đời giữa một bối cảnh xã hội rối ren như thế đã kéo theo sự xuất hiện của lớp người giàu xổi nhờ vào việc buôn rượu lậu mà Gatsby hay Wolfsheim là đại diện trong tác phẩm. 

Ảnh minh họa cho bìa sách Gatsby vĩ đại
Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại đã làm sống dậy nước Mỹ những năm sau Thế chiến I

Mặt khác, Chính phủ lúc bấy giờ chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế dựa trên doanh nghiệp và ban hành các chính sách có lợi cho người giàu.

Điều đó làm gia tăng những bất công xã hội, khiến cho các ngành nông lâm nghiệp và khai thác mỏ lâm vào tình trạng đình đốn và dẫn đến hiện tượng người nghèo ở nông thôn kéo nhau ra thành phố tìm đường sinh sống.

Qua tác phẩm Gatsby vĩ đại, cảnh sống lay lắt trong thung lũng tro bụi bặm với những gương mặt u tối, mệt mỏi của họ hiện lên như một sự đối lập gay gắt với những người giàu thành thị lấp lánh, kiêu kì giữa New York hoa lệ. 

“Giữa đoạn đường từ West Egg đi New York, đường xe hơi bỗng ríu lại với đường sắt, chạy sát cạnh nó một phần tư dặm như muốn lẩn tránh một vùng đất thê lương. Cả một vùng thung lũng này bị chìm ngập dưới lớp bụi dầy xám như tro, trông chẳng khác nào một trang trại quái đản, nơi tro mọc lên như lúa mì, thành gò, thành đống, thành những vườn tược kì quái, nơi tro mang hình dạng những ngôi nhà, những ống khói lò sưởi và cả làn khói tỏa ra từ những ống khói ấy, và cuối cùng với một cố gắng vượt bậc, nó mang hình dáng những con người xám ngoét, lờ mờ di động hoặc chỉ chực khuỵu ngã trong một bầu không khí mịt mùng.”

– Gatsby vĩ đại

Thêm vào đó, những năm hai mươi sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, xã hội Mỹ nói riêng và cả châu Âu nói chung cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt từ phía những người phụ nữ. 

Chiến tranh đã mang đi gần cả một thế hệ thanh niên sung mãn và để lại những người phụ nữ trẻ chờ đợi được cầu hôn trong mỏi mòn. Thế nên vì không muốn lãng phí tuổi xuân của mình, họ đã có những quyết định táo bạo.

Phụ nữ bắt đầu giải phóng chính mình khỏi hệ giá trị cũ với những bộ váy kín đáo và mái tóc dài. Thay vào đó, họ cắt tóc ngắn, không mặc nịt vú và tham gia vào những bữa tiệc nhạc Jazz với những điệu nhảy hoang dại. 

Họ bắt đầu công khai hút thuốc và uống rượu đi đôi với hành vi tình dục bừa bãi và tư tưởng coi ngoại tình là tự nhiên, thời thượng. Các nhân vật nữ trong tác phẩm từ Daisy Buchanan, Jordan Baker đến Myrtle Wilson đã ít nhiều thể hiện được sự thay đổi này.

Gatsby vĩ đại và sự đổ vỡ của giấc mơ Mỹ

Giấc mơ Mỹ là một đặc tính quốc gia của Hoa Kỳ, là hình dung về một xã hội không những ít rào cản mà còn tạo điều kiện công bằng cho mỗi người.

Cho dù có sinh vào gia đình, tầng lớp xã hội, chính trị hay hoàn cảnh nào đi chăng nữa, họ cũng có thể có được thành công nhất định bằng chính thực lực và sức lao động của mình, chứ không nhất thiết phải có thân thế giàu sang.

Lý thuyết thì luôn hấp dẫn và đáng ngưỡng vọng như thế nhưng thực tế lịch sử những năm 1920 qua tác phẩm Gatsby vĩ đại lại mang đến cho ta một góc nhìn khác. 

Ảnh bìa sách Gatsby vĩ đại
Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại cho ta thấy những mặt trái của giấc mơ Mỹ

Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại nhìn vào mặt tối suy tàn của giấc mơ Mỹ trong một thời đại thịnh vượng và thừa mứa vật chất. Đó là khoảng thời gian đầy lố lăng, ồn ào và ảo tưởng đồng thời là một thời đại mà con người trở nên lạc lõng, tha hóa và đánh mất đi những giá trị cốt lõi của mình. 

Ta thấy rõ ràng sự phân tầng khắc nghiệt trong xã hội Mỹ những năm 1920, người giàu thì sống phung phí và phát cuồng lên vì sự giàu sang, trong khi kẻ nghèo hèn thì sống cuộc đời tăm tối, kiệt quệ đến cực độ.

Rõ ràng lý tưởng của giấc mơ Mỹ không hề xóa bỏ được ranh giới về địa vị và thân phận, thay vào đó nó còn khoét sâu hơn những khác biệt.

Đó là lý do vì sao hình ảnh hai quả trứng West Egg và East Egg được khai thác kỹ lưỡng trong Gatsby vĩ đại. Giới quý tộc lâu đời sống ở East Egg luôn khinh thường những kẻ giàu xổi ở West Egg. 

Bìa ngoài nguyên bản tiếng Anh của Gatsby vĩ đại
Bìa ngoài sách nguyên bản tiếng Anh của Gatsby vĩ đại

Người ta đua nhau chạy theo khát vọng đổi đời, sẵn sàng đánh đổi công lý, sự trong sạch và thiện lương để giành lấy tiền tài và danh vọng.

Những hình ảnh bát nháo trong Gatsby vĩ đại với những phi vụ làm ăn “kín đáo” giữa Gatsby và Wolfshiem, với nạn tham nhũng tràn lan và đỉnh điểm là việc tai nạn xe hơi kinh hoàng được xử lý êm đẹp bằng dối lừa đã phần nào tiết lộ cho độc giả thực tại tàn khốc của giấc mơ Mỹ trong những năm 1920.

Jay Gatsby của tác phẩm Gatsby vĩ đại là một nhân vật phức tạp với nhiều mặt đối lập

Dưới góc nhìn của người kể chuyện là Nick Carraway, Gatsby thoạt tiên là kẻ đáng chê trách nhưng đến cuối cùng, Nick lại cảm thông, đồng tình và bênh vực cho chàng triệu phú giàu xổi này.

Gatsby đáng chê trách vì đã bất chấp mọi giá để bước chân vào giới thượng lưu, kể cả khi phải lựa chọn đánh đổi thiên lương và sự trong sạch của mình. Thế nhưng dưới sự quan sát của nhân vật Nick Carraway, ta nhận ra dường như có một điều chưa từng thay đổi ở chàng trai tỉnh lẻ James Gatz năm nào. 

Đó là năng khiếu hy vọng phi thường, năng khiếu đó đã đưa chàng trai vượt qua đại dương nghìn dặm, chiến trận tàn khốc để làm nên sản nghiệp từ hai bàn tay trắng. 

Nhân vật Jay Gatsby trên màn ảnh rộng
Nhân vật Jay Gatsby trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại do tài tử Leonardo DiCarpio thủ vai

Năng khiếu ấy đã giữ lửa cho tình yêu với Daisy và biến nàng từ một người phụ nữ xuất thân giàu có như con gái của bao gia đình quyền quý khác trong xã hội đương thời trở thành nàng tiểu thư kiều diễm độc nhất vô nhị với phẩm chất trong sáng chỉ có trong trí tưởng tượng của Gatsby.

“Anh ta mỉm cười với vẻ thông cảm – còn hơn là thông cảm nhiều. Đó là một trong những nụ cười hiếm hoi có giá trị làm ta yên tâm mãi mãi, loại nụ cười may ra trong cả đời ta chỉ gặp được bốn năm lần. Nó nhìn vào, hoặc dường như nhìn vào toàn thế giới bên ngoài trong giây lát thôi rồi tập trung vào ta với một thiên kiến thiện cảm không cưỡng lại được. Nó hiểu ta đúng ở chừng mực ta muốn được người khác hiểu mình, tin tưởng ở ta đúng như ta muốn tin tưởng ở bản thân mình, và bảo đảm với ta rằng nó có ấn tượng về ta đúng như ta mong ước nhất. Vừa vặn đến lúc ấy thì nụ cười tan biến, và tôi thấy trước mặt mình là một gã ngang tàng trẻ trung sang trọng, tuổi ngoài ba mươi, ăn nói cầu kỳ kiểu cách chỉ quá một chút nữa là thành ngô nghê. Đã có lúc trước khi anh ta tự giới thiệu, tôi có cảm tưởng mạnh mẽ rằng anh ta thận trọng chọn từng lời ăn tiếng nói.”

– Gatsby vĩ đại

Giữa một xã hội xô bồ nơi con người mù quáng chạy theo những giá trị vật chất, sẵn sàng vứt bỏ tình yêu để có được sự êm ấm, yên ổn trong khối tài sản kếch xù, duy chỉ có Gatsby mang theo sự lãng mạn thơ ngây, sẵn sàng phung phí tiền bạc chỉ để đổi lấy tình yêu và có được trái tim của một người con gái.

Gatsby vĩ đại và hành trình từ tiểu thuyết lên màn ảnh lớn

Sự ám ảnh của tác phẩm không chỉ đọng lại nhiều suy ngẫm cho độc giả mà còn gợi cảm hứng lớn cho các nhà làm phim, soạn kịch trên khắp thế giới.

Lịch sử cho thấy đã có một vở kịch opera và vô số bộ phim được sản xuất dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Francis Scott Fitzgerald, trong đó bộ phim chuyển thể gây tiếng vang lớn nhất phải kể đến đó là bản The Great Gatsby năm 2013 do đạo diễn tài ba người úc Baz Luhrmann trực tiếp chỉ đạo.

Ảnh minh họa cho poster phim Gatsby vĩ đại
Ảnh bìa phim điện ảnh Gatsby vĩ đại chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên.

Với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng và tài năng từ Leonardo Dicaprio đến Carey Mulligan cùng sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt âm thanh và trang phục, The Great Gatsby đã thành công mang đến những thước phim mãn nhãn và đưa khán giả ngược trở lại quá khứ đến với “Thời đại nhạc Jazz”, hòa mình vào không khí của một “thế hệ lạc lõng”.

Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald là áng văn sinh động về một thời kỳ nhiều biến động của nước Mỹ, tác phẩm đã góp một tiếng nói lớn vào nền văn học thế giới và mang đến những trải nghiệm khó quên cho bạn đọc muôn thế hệ. 

Hạnh Vi